Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Bùi Ngọc Tấn: Thơ như đốm lửa trong trái tim

Bùi Ngọc Tấn: Thơ như đốm lửa trong trái tim
Phùng Văn Khai
Vì những lý do khác nhau, ít người biết đến những sáng tác thơ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Thơ Bùi Ngọc Tấn, trong trường ca Đầu cầu có những đoạn mô tả con người trong chiến tranh rất khác ngay từ những năm 1960:
Đầu cầu xe về
Nước sôi trong két
Anh lái xe mắt xếch
Tắt máy chờ qua sông
Đầu gục vô lăng
Tranh thủ
Ngủ
Giấc ngủ treo bao ngày đêm mỏi dời mi mắt
Giấc ngủ đợi chờ vụt biến đi đâu
Khi đến đây đầu cầu
Đáy vực không gian sâu thăm thẳm
Sương rơi nắp ca pô
Sương rỏ giọt ngoằn ngoèo kính cửa
Sương Hải Phòng ướt bụi Trường Sơn
Sương buông thanh bình như ngàn năm trước sương buông
Anh lái xe dựa vô lăng nghe đất trời yên lặng
Nghe máu mình khe khẽ thái dương
Dốc cầu
Còi
Hiệu lệnh
Lên đường!

Những câu thơ này, Bùi Ngọc Tấn viết ở độ tuổi ba mươi. Ngày ấy, chắc không hẳn đã được đón chào nồng nhiệt vì thơ ca lúc ấy biểu hiện khác cách thể hiện của ông. Về sau này, nhiều người đã nhận ra sự mới mẻ, sức nặng của những câu thơ mà chỉ những người sống hết mình, hoà đồng với người lao động hết mình mới cảm nhận và viết ra những dòng thơ ấy.
Đầu gối lên cùm sắt gỉ han
Nghĩ tóc em xanh mười chín tuổi

Mái sương đêm những vì sao Hà Nội
Trong nhật ký anh
Tóc em xanh trang nhật ký…

(Không đề)
Đó là một khả năng cảm nhận và thể hiện tinh tế của một tấm lòng yêu đến tận cùng. Những đoạn thơ lẻ hoặc trường ca Đầu cầu cho thấy sự đồng điệu kỳ lạ giữa Bùi Ngọc Tấn và Nguyên Hồng, một người thầy, một người bạn vong niên của ông. Bùi Ngọc Tấn rất gần gũi với Nguyên Hồng, cả trong đời sống lẫn cá tính sáng tác. Hai ông đều yêu người lao động lầm than đến kiệt cùng và sẵn sàng vì họ mà vứt bỏ tất cả. Cuộc đời Nguyên Hồng cũng rất nhiều thăng trầm nhưng văn chương ông thì tuyệt nhiên trong sáng. Nguyên Hồng từng làm thơ, trong những sáng tác thơ ít ỏi của mình, ông đã để lại dấu ấn rất đặc sắc, đó là bài thơ dài Cửu Long giang ta ơi với những câu thơ kỳ vĩ:
Ta đi

Lan hoang dứa mật, thông nhựa lên hương
Những buổi chiều ngun ngút nắng Trường Sơn
Ngẫm nghĩ voi đi
Thác khôn cười trắng xoá
Mê Kông quặn đẻ
Chín nhánh sông vàng
Sông mang tên là Cửu Long gíang
Như những Động Đình, Tây Du, Thuỷ Hử...
Những tên tuổi đã đi vào lịch sử
Những tên tuổi của muôn đời bất tử…
Tâm hồn và phong cách của hai nhà văn rất gần nhau. Cũng có thể nói rằng, Nguyên Hồng và Bùi Ngọc Tấn không những có giọng văn riêng biệt mà những tác phẩm thơ của các ông cũng không giống người khác.
Khi biết tôi muốn sưu tầm những vần thơ của ông, những vần thơ không phải ai cũng biết đến, ông im lặng. Im lặng rất lâu rồi cười hiền bảo: Thơ mình chả ra sao. Tuổi trẻ ấy mà. Mà cũng thất lạc rồi. Tôi rơi vào im lặng và linh cảm một điều những vần thơ vẫn nằm trong trí nhớ của ông chứ không thể khác. Tôi xuống Hải Phòng bao giờ cũng đến thăm ông đầu tiên. Tôi biết ông còn nhiều điều muốn nói và nhiều điều dường như phân vân có nên nói ra với những người trẻ tuổi hay không. Thời gian đang chầm chậm vây bủa lứa các ông và ông tiếc thời gian cho chính mình, cho chúng tôi là một điều chính đáng.
Chúng tôi nói nhiều chuyện về văn nghệ, về đời sống và đặc biệt là về sáng tác. Bẵng đi một thời gian, khi chính tôi đã bắt đầu lãng quên việc tìm những vần thơ của ông thì thật bất ngờ, ông gửi cho tôi một thư điện tử với những vần thơ theo trí nhớ, nội dung bức thư như sau:
“… Biết Khai đang viết về chú, có viết cả về thơ nữa, chú cung cấp mấy chi tiết về thơ của chú. Ai trong đời chẳng làm mấy câu thơ. Nhất là khi người ta còn trẻ, khi người ta đang yêu.
Dưới đây là một bài thơ viết trong thời gian chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ bắn phá. Cô và các con chú đi sơ tán hết. Một mình chú ở lại thành phố đang là mục tiêu ném bom của Mỹ. (Khoảng năm 1966)
Thơ đề dưới tranh Người uống rượu ngải (Le buveur d'absinthe) của Picasso
Anh đặt em dưới tranh Picasso một mầu cô đơn
Nụ cười em sáng một trời say đau buồn
Họa sĩ dạy anh yêu qua những giọt nước mắt không rơi
Cả cuộc đời anh buồn vì một lần nhìn mắt em cười
Đêm Việt Nam khuya muốn trò chuyện đôi câu
Nhưng người say không nghe mắt nhìn đi đâu.
Người ta có giữ của chú 2 tập thơ. Một tập thơ có tên là Thơ Xanh làm thuở học trò.
Một bản là trường ca Đầu cầu, có những đoạn như sau:
Đầu cầu
Bom giết hố bom
miệng phễu
Đầu cầu
phố đổ
Cát chảy thành thuỷ tinh
Kính trên cửa sổ xưa xanh
Vụn thành cát nhỏ....

Nghìn năm nay ta vẫn bước trên cầu mà nào nghĩ rằng cầu vẫn bắc qua sông
Đứng trên cầu ta nhìn nước chảy
Tới bên cầu ta chỉ nghĩ đến người ta sắp phải chia tay
Sách xưa nói tới cầu cũng chỉ để nói người tiễn đưa chồng lòng buồn dằng dặc
Cho ta thương người chinh phụ một mình sắp phải trở về
Một mình qua cầu nước trong như lọc
Thương mỗi bước chân về gấp vạn bước chân đi...

Và khi một con tầu được hạ thuỷ:

Con tầu đó không còn là sắt thép
Trong phút giây tầu bỗng có tâm hồn
Khi ta sắp cùng tầu ly biệt
Lòng bâng khuâng ta nghĩ đến đại dương…
Con tầu mở tâm hồn ta về những phía chân trời
Ta không tính đường đi bằng cột ki lô mét
Quả đất trong tầm mắt ta nhìn xinh đẹp
Không đâu còn là tám hướng mù khơi.
Rồi đến chương Những người lái xe trong cuộc chiến tranh giao thông vận tải:
Đầu cầu
Xe đi
Bác lái râu ria
Bật diêm châm thuốc
Đêm nay nhìn tua rua bên cầu
Đêm mai nhìn tua rua nơi đâu
Việt Bắc?
Biên giới Việt Lào...
Đầu cầu
Xe về.
Gác nhà ai
Đài khuya còn mở
Một khúc nhạc bay qua cửa sổ
Tưng bừng
Bê thô ven
Nhạc sĩ kính yêu
Tôi bận lắm không thể nào dừng lại
Các đồng chí đang nóng lòng mong đợi…
Thêm nhạc Bê thô ven vào trọng tải
Xe đi nhẹ hơn
Chiếc Zin cánh cong đầy bụi đường trường
Phóng thẳng tới cầu tầu bến cảng…
Thời kỳ khó khăn chú có nhẩm một bài thơ dài nhưng đã quên hết. Hôm nọ một anh bạn đến, có nhớ lõm bõm mấy câu, đọc lại cho nghe:
Em ơi! Em ở đâu?
Một chiều xám lạnh
Hai chiều buốt sương
Ba chiều nắng dội
Bốn chiều mưa dông...”
( Thư Bùi Ngọc Tấn gửi Phùng Văn Khai)
Tôi suy nghĩ mãi về những vần thơ mộc mạc đến thắt gan thắt ruột của ông và bỗng cảm thấy trái tim những văn nghệ sĩ luôn gần gũi với đời sống của nhân dân, đặc biệt là những người dưới đáy cùng của xã hội. Trái tim thơ thường dội vào phía trong mình những suy tư, chiêm nghiệm, cả những ẩn ức khó giãi bày. Những vần thơ của Bùi Ngọc Tấn bây giờ chỉ còn trong trí nhớ của ông, bè bạn và những người yêu thơ, một mai nó có thể lẫn vào thinh không hoặc chỉ còn láng máng trong tâm thức của số ít người. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn tin nó sẽ mãi còn, dù khiêm nhường và lấm láp, dù khuất lấp và phiêu dạt nó cũng sẽ mãi còn. Vì nó chính là những đốm lửa cháy mãi trong trái tim của nhà văn.
Hôm nay, được tin ông vừa mất. Xin coi bài viết nhỏ này là một nén hương thơm tiễn biệt ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 – Đài Loan) 17 Tháng Năm, 2023 Tiểu sử nhà thơ, TS. Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 ) Tiến sĩ Thái Trạch Dân...