Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Nhìn trong tay điếu thuốc cháy lui dần
Tôi nói khẽ: gớm sao mà nhớ thế?
Trong những câu thơ tình đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ
trẻ, người ta đọc thấy một chân lý tình yêu của riêng Hồ Dzếnh. Triết lý ấy khác
hẳn với “Vội vàng” của Xuân Diệu, với một chất giọng cũng đối nghịch như thế,
không sôi nổi, cuống quýt, nồng nàn mà dịu nhẹ, trầm lắng. Ngập ngừng, không
trọn vẹn, không thuộc hẳn về bên nào, như một số mệnh đã chọn ông tự thuở lọt
lòng, cái dấu nối u trầm lãng đãng giữa hai miền đất nước và đeo bám đến hết
đời, một đời lơ lửng, bâng khuâng giữa nắng và mưa, giữa buồn và vui, giữa sớm
và chiều.
Mười năm nữa tròn đầy thế kỷ – người cha phiêu bạt từ Quảng Đông
(Trung Quốc), người mẹ lênh đênh con đò trên bến sông Ghép (Thanh Hoá) – cậu bé
Hà Anh ra đời chông chênh sông nước. Lớn lên, gót chân giang hồ phiêu lãng –
ngập ngừng khắp Đông Dương. Hai dòng máu Việt – Hoa ngập ngừng hoà nở Hoa xuân
đất Việt. Và trên “Dặm trần bụi cuốn mây rong”, tâm thế chênh vênh – ngập ngừng
giữa hai dòng ưu tư cố hương – đau đáu thực tại tạo nên một chân tài trầm lặng:
Hồ Dzếnh, hạt bụi ngập ngừng bay trong nắng giữa hai đầu thế kỷ.
Hồ Dzếnh yêu đất Việt với trọn vẹn trái tim của đứa con hướng về
mẹ, người mẹ nghèo, lam lũ, cam chịu và nhân hậu hiện lên như một tiếng thương
từ Quê ngoại đến Chân trời cũ. Nhưng người cha – người lữ khách tha hương chỉ
đôi lần hiện ra trong những Con ngựa trắng của ba tôi, Trong bóng chiều – trước
khi mất đã kịp gợi về “cả một xứ Trung Hoa bí mật, cái tình yêu tiềm tàng… như
một niềm đau xót” trong lòng đứa con trai. Từ đó, đôi khi vọng vào thơ – những
tiếng u hoài, trầm mặc – những câu thơ gọi hồn (quả vậy, chỉ vài câu mà gọi dậy
những hồn nghìn xưa của đất nước thơ ca):
Liễu Động Đình thơm chuyện hảo cầu
Tóc thề che mướt gái Tô Châu
Bâng khuâng trăng sáng trời Viên Hán
Một dải Giang Nam nước rợn màu
(Tư hương)
Giọng thơ Hồ Dzếnh có sự giao hoà giữa câu lục bát dịu dàng, đôn
hậu, giọng Đường thi trầm lắng sâu xa, và linh hồn lãng đãng của một thế hệ
thanh niên trong thời “mưa Âu gió Á”.
Cùng một sở trường về thơ lục bát – trong sự giao hoà với hồn
Đường thi – nhưng lục bát Hồ Dzếnh không giống với lục bát Huy Cận. Đọc thơ Huy
Cận, người ta cảm nhận được sự già dặn trong bút pháp, cấu trúc đăng đối, âm
luật trầm bổng, nhiều khi có vẻ như một “ông cụ non”. Chẳng hạn so sánh hai bài
tiêu biểu là Ngậm ngùi và Màu thu năm ngoái, một khép, một mở, một trầm, một
bổng, một trầm mặc, suy tư, một bỡ ngỡ lạ lùng. Cùng là chiều, nhưng sao chiều
Huy Cận buồn âm u: chiều rồi, sợi buồn, lá rầu… mà chiều Hồ Dzếnh lại bâng
khuâng, mơ hồ, lạc ra ngoài thời gian – không gian: trời không nắng cũng không
mưa, chỉ hiu hiu… cho vừa, nghe thoảng, đâu… Cùng là sầu, nhưng sao nỗi sầu Huy
Cận cô đặc, dồn nén thành khối trong vũ trụ – hồn người, mà nỗi sầu Hồ Dzếnh
lại man mác, hiu hiu, dịu nhẹ Chiều buồn như mối sầu chung, Lòng im nghe thoảng
tơ chùng chốn xa… Ngay khi ông nói “Có phải sầu vạn cổ – chất trong hồn chiều
nay” thì nhà thơ vẫn tìm thấy bình an ít nhiều trong mối giao hoà với vũ trụ
“Nhớ nhà châm điếu thuốc – Khói huyền bay lên cây”. Tất cả không nằm ngoài quan
niệm của Hồ Dzếnh về vũ trụ nhân sinh – ngập ngừng – cái ngập ngừng minh triết
trong cách nhìn sự vật trong bản chất nhị nguyên của nó.
Chiều (Dương Thiệu Tước phổ nhạc) mang gam độ, sắc độ “rất Hồ
Dzếnh”: thoáng ngập ngừng giữa phong vị hoài cổ ám ảnh và phân vân hiện đại, ngập
ngừng trong thời gian “Chiều chậm đưa chân ngày”, chênh vênh trong không gian
“lòng là rừng, hồn là mây, khói huyền bay lên cây…”, ngập ngừng giữa quê hương
mà như xa xứ, giữa thực tại mà nghe gót phiêu du “Thôi về đi, đường trần đâu có
gì…”( Trịnh Công Sơn), ngập ngừng giữa tâm tư không muốn nói mà vang động ra
ngoài vũ trụ “Tiếng buồn vang trong mây”. Màu chiều ngập ngừng mà xôn xao của
một cái Tôi tìm kiếm đi từ rộng đến hẹp, diện đến điểm… trong hơn 2/3 thanh
bằng giàu tính nhạc. Những câu thơ nghiêng về thanh bằng tăng cường yếu tố âm
nhạc và nghệ thuật láy trong bài Chiều làm ta nhớ đến kỹ thuật tạo nhạc trong
“Giai điệu buổi chiều” (Harmonie du soir) của Baudelaire. Giai điệu Chiều là
những nốt rơi – vang ngập ngừng đầy quyến rũ, vừa u hoài buồn bã vừa hồi hộp
xốn xang để dừng lại ở “màu cây trong khói” ở hai câu cuối thật cụ thể “Nhớ nhà
châm điếu thuốc” mà rất đỗi chơi vơi “Khói huyền bay lên cây”. Trong khoảnh
khắc ngập ngừng “dở chiều như tỉnh dở chiều như mê”, Hồ Dzếnh – “Người thơ là
khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo” (Hàn Mặc Tử) – lại cho ta một thứ ánh sáng
cộng hưởng. “Thứ ánh sáng đan chéo trong tác phẩm nghệ thuật là cái đẹp. Cái
đẹp là con đường trình hiện chân lý” (Heidegger).
Ông quan niệm “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở – Đời mất vui khi đã
vẹn câu thề”. Đó là quan điểm hết sức mới mẻ về tình yêu, khác xa với quan niệm
tình yêu “kết thúc có hậu” trong truyền thống. Quan niệm ấy khẳng định cao độ
cái đẹp của tình yêu nằm ở bản thân tình yêu chứ không phải hôn nhân, như là
một hệ quả của sự phát triển của cái Tôi cá nhân thời bấy giờ. Quan niệm cảm
tính nảy sinh trong trái tim thi nhân làm ta chợt nhớ đến Vladimir Soloviev
(1853-1900) – triết gia lớn nhất của nước Nga, với cái gọi là “Siêu lý tình
yêu”. “Ý nghĩa của tình yêu hữu tính” không phải ở chỗ “nó được xem như là
phương tiện cho sự sinh sôi nảy nở của nòi giống” mà “nó thu nhận được tính
chất cá thể… độc nhất vô nhị… như một mục đích tự thân tự tại”. (V.Soloviev –
Siêu lý tình yêu. Nxb Văn hoá thông tin). Điều đặc biệt còn ở chỗ, chính cái
giọng mà Hồ Dzếnh chọn khi phát biểu quan niệm mới mẻ, táo bạo của mình, cái
giọng nhẹ nhàng đôn hậu mà trong điều kiện nào cũng không làm phai nhạt đi: Tôi
sẽ trách, cố nhiên nhưng rất nhẹ – Nếu trót đi, em hãy gắng quay về…
Trong thơ Hồ Dzếnh, ngập ngừng còn hơn cả một thái độ, đó là một
chọn lựa, hơn thế nữa, như một triết lý nhân sinh. Ông gọi nó bằng nhiều tên
khác nhau: mong manh, ngập ngừng, lần lữa, dang dở, phân vân, ngẩn ngơ… Như có
lần nhà thơ hoạ chân dung khách văn chương “chân đi không cần đất”, “lơ mơ suốt
cả ngày”, và có lẽ không nhớ cả tên mình (Người thơ), Hồ Dzếnh cảm nhận sự vật
trong sự lơ mơ ấy “Đừng buồn nhưng cũng đừng vui – Êm êm nắng nhẹ qua trời rợn
mưa”, “Chập chờn bướm nửa, hoa đôi” (Duyên ý)… Tất cả đều đẹp vừa, không thái
quá, dù là trong tình yêu. Khác cái “Phải nói” của Xuân Diệu, Hồ Dzếnh ngập
ngừng trong giao cảm ngỏ ý “trao lời”:
“một câu ấy nói lên là hết sống… là rợn sóng, là tuyệt vọng, là…
hết sống”. Triết lý “chỉ… cho vừa…” này rồi sẽ gặp lại ở người nghệ sĩ tài hoa
Trịnh Công Sơn. Nói gọn lại là hai chữ “tri túc” – biết đủ. Biết đủ để yêu đời,
yêu người, yêu mình, bao dung đời, bao dung người, bao dung mình.
Tôi không chọn nắng, cầu mưa
Nhớ người không cứ về trưa hay chiều
Tôi yêu vì nắng cây reo
Bướm bay vô cớ, gió vèo tự nhiên
Em là “người ấy” hay cô
Sầu chung duyên kiếp làm thơ,
đủ rồi…
Để mà hạnh phúc trong hiện hữu “Đừng mong ước cả Thiên đường –
Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa” (Giản dị), để mà “thương nhau qua những dại
khờ” như có lần ông tâm sự cùng Xuân Hoàng. Để đi giữa đời, lặng lẽ như bóng,
giản dị như trẻ thơ, vóc hạc xương mai, ít nói, trầm lặng, điềm tĩnh, hiền
lành… in vào những trái tim người thân, bè bạn.
Thơ Hồ Dzếnh như một bức tranh vẽ nhạt. Những sắc màu thanh đạm,
hư ảo, thoáng gợi cái gì như dang dở, chưa xong. Đời lành, nắng nhạt mưa thưa
(Quê hương)… bảng lảng chút màu tà huân, mơ hồ màu thu năm ngoái. Màu cây trong
khói – tên nguyên thuỷ của bài Chiều, còn mang ít nhiều phong vị cổ điển – mới
là sắc màu của thơ ông. Thơ cũng là người. Hồn lãng đãng khói mây, về trời mà
nhẹ tênh, trên cả những vinh hạnh chói loà – như có lần người ước ao, lấp lánh
một “triều thiên” nhiều thế kỷ: một tấm lòng.
Cái tôi ngập ngừng – thầm lặng ấy đã từng một mình rụt rè khóc bạn ngẫm mình: “Đời xếp anh, tôi và Thạch Lam – Ngồi chung một chiếu hội văn đàn – Chao ôi, chiếu đã hai lần lạnh – Còn lại mình tôi với thế gian” (Nhớ tiếc Thanh Tịnh). Và lại mười lăm năm, kể từ ngày thi sĩ Trinh Đường khóc bạn “Hồ Dzếnh ơi, trời hôm nay đã lạnh đến chiều thứ ba rồi…”. Và trong khoảnh khắc phiêu du trên dặm trần ai vô thường, có thấy ngập ngừng – vấn vương sợi khói… “Trên chuyến tàu đời” thoáng rơi một chút ngập ngừng xôn xao “Mất còn có nghĩa gì tôi – Tôi là chút ít của người chút không”
Cái tôi ngập ngừng – thầm lặng ấy đã từng một mình rụt rè khóc bạn ngẫm mình: “Đời xếp anh, tôi và Thạch Lam – Ngồi chung một chiếu hội văn đàn – Chao ôi, chiếu đã hai lần lạnh – Còn lại mình tôi với thế gian” (Nhớ tiếc Thanh Tịnh). Và lại mười lăm năm, kể từ ngày thi sĩ Trinh Đường khóc bạn “Hồ Dzếnh ơi, trời hôm nay đã lạnh đến chiều thứ ba rồi…”. Và trong khoảnh khắc phiêu du trên dặm trần ai vô thường, có thấy ngập ngừng – vấn vương sợi khói… “Trên chuyến tàu đời” thoáng rơi một chút ngập ngừng xôn xao “Mất còn có nghĩa gì tôi – Tôi là chút ít của người chút không”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét