Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Cảm nhận ca khúc “Nhớ Một Chiều Xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

 Cảm nhận ca khúc “Nhớ Một Chiều Xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
Không biết từ lúc nào, có lẽ sau khi tôi biết nghe và cảm nhận giòng nhạc tiền chiến, tôi thích tìm hiểu về những giai thoại gắn với tên ca khúc và người nhạc sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một trong những nhạc sĩ mà tôi yêu thích. Những ca khúc như: Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ”. Đặc biệt là ca khúc “Nhớ Một Chiều Xuân”. 
    Ca khúc này, với tôi mang nhiều kỷ niệm. Nhớ nhất là vào một buổi chiều xuân, trong một cuộc hội ngộ với bạn bè, chồng tôi cất tiếng hát “Chiều nay thấy hoa cười, chợt nhớ một người…” Và cũng từ hôm ấy, sau khi đã chung sống với nhau 17 năm, tôi mới biết nghe và cảm nhận được giọng hát truyền cảm của anh.
    Hôm nay ngồi nghe lại ca khúc này, lòng nao nao và tôi muốn viết một điều gì đó, mặc dù ca khúc “Nhớ Một Chiều Xuân”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết về một cuộc tình chưa trọn. Cuộc tình này đã để lại rất nhiều dấu ấn trong ông. Và, tôi thay đổi quyết định, ngày xuân vẫn viết về:
          Nhớ Một Chiều Xuân   
          Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
          Chạnh lòng tôi khơi … bao niềm nhớ
          Người nơi xa xăm phương trời ấy
          Người còn buồn còn thương còn nhớ
          Nắng phai rồi … em ơi!
          Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
          Một tình thương nơi … phương trời cũ
          Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
          Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
          Tìm đâu bóng … hình ai?
          Người vê còn nhớ … khúc hát
          Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
          Lòng này còn quyến … luyến mãi
          Đêm Xuân dài mà đâu có hay
          Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
          Đợi mùa Xuân sang tô … màu nhớ
          Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
          Buồn tìm về tình ai đằm thắm
          Giờ hun hút trời mây.

    Theo tìm hiểu của tôi, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết ca khúc này để nhớ một người 
con gái mang quốc tịch Áo. Họ đã gặp và yêu nhau tại quần đảo Hawoai. Ngày chia tay để trở về Việt Nam, ông đã thề non hẹn biển là sẽ trở lại và không phụ tình cô gái. Nhưng rồi chiến tranh liên miên, ngày càng thêm ác liệt, ông đã không thể thực hiện lời thề hẹn của mình.
    Và cuộc tình ấy đã ly tan, để “Nhớ Một Chiều Xuân” ra đời và sống mãi đến hôm nay. Ca từ của bài hát được cất lên bắt đầu từ một buổi chiều xuân:
          Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
          Chạnh lòng tôi khơi  bao niềm nhớ
          Người nơi xa xăm phương trời ấy
          Người còn buồn còn thương còn nhớ
          Nắng phai rồi em ơi!

    Những ca từ đẹp như những câu thơ, hòa quyện với giai điệu trầm bổng tha thiết nhẹ nhàng, pha chút ray rứt nhớ nhung của tác giả! Khi bắt gặp một nụ cười, một dáng người hao hao giống “người xa xăm phương trời ấy” đã khiến cho ông “chạnh lòng” và biết bao hồi ức được khơi gợi.
    Và rồi ông cũng tự vấn liệu “người còn buồn, còn thương, còn nhớ?” Ba câu hỏi liên tiếp khiến ông có lẽ không chỉ “chạnh lòng”mà chắc nỗi nhớ, buồn, thương của ông cũng dồn dập đổ về… Nhưng rồi ông chợt nhận ra “nắng phai rồi em ơi!”.
    Nắng phai? Hay tình cảm bị cách xa đã nhạt phai dần từ ngay chính tác giả đây? Mang theo câu hỏi này ta đi theo giòng hồi ức mà vì “chạnh lòng” khiến ông khơi thông và đang ngược về:
          Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
          Một tình thương nơi  phương trời cũ
          Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
          Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
          Tìm đâu bóng hình ai?

    Trong khung cảnh buổi “chiều xuân”, có “hoa xuân bay nhiều quá”. Và, chính tác giả cũng biết rằng “chiều dần tàn” rồi. Có lẽ cuộc tình ấy đã “phai trên ngàn lá”. Nếu có tìm thì cũng chỉ thấy được và biết trước sẽ “tìm đâu bóng hình ai”? Nhưng bởi nỗi nhớ “phương trời cũ” nơi ấy có “một tình thương” có lẽ cũng đã xa rồi. Nhưng vẫn đủ sức mạnh để khiến cho tác giả “ngơ ngác đi tìm”. Trong khi đã biết có tìm cũng chỉ là để tìm mà thôi!
    Bất giác tôi nhớ tới câu thơ của mình:
          “…Bên giòng thời gian
          chảy dài như nắng lụa
          Cứ mỗi bận đi tìm lại nhớ chút tình si
(HXS)
    Có lẽ sau khi biết vậy! Tác giả đã quay sang thì thầm như nói với chính mình:
          Người về còn nhớ khúc hát
          Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
          Lòng này còn quyến luyến mãi
          Đêm Xuân dài mà đâu có hay!

    Chia tay người yêu! Tác giả mang theo hình ảnh cuộc tình ngày nào, kẻ đàn người hát trên bãi biển Hawoai. Bây giờ người xưa cũng đã trở về Áo, không biết nơi phương trời xa xăm đó, người ấy có còn nhớ những rung động ngọc ngà của một thời đã xa, như tác giả đang nhớ hay không? Còn bản thân tác giả thì tự nhủ rằng: ”lòng này còn quyến luyến mãi”. Ngỡ xa nhau một thời gian ngắn rồi sẽ đoàn tụ. Nhưng thời cuộc không cho phép để rồi khi nhận ra sự chia lìa thì đã muộn rồi chăng! Đêm xuân đâu thể nói rằng đêm dài như Đêm đông. Chỉ có sự nhớ nhung trong lòng mới khiến tác giả thấy “đêm dài” nhưng khi nhận ra thì đêm đã qua rồi “mà đâu có hay”. Bây giờ thì thực tại đã đánh thức ông:

          Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
          Đợi mùa Xuân sang tô màu nhớ
          Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
          Buồn tìm về tình ai đằm thắm
          Giờ hun hút trời mây.
          “Chiều nay thấy hoa cười…

    dẫn đến:
         Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
    Để rồi:
         Chiều nay có một loài hoa vỡ…
    Loài hoa vỡ ấy, hay cuộc tình không trọn ấy. Nay chỉ còn “đợi mùa xuân sang” để “tô màu nhớ” mà thôi. Tình yêu dẫu đẹp giờ đã “hun hút trời mây”. Nhưng với một tâm hồn đa cảm của tác giả thì cuộc tình ấy vẫn mãi mãi trong tâm trí ông. Hôm nay cũng là một chiều xuân thắm tươi, vô tình  bắt gặp nụ cười của hoa thôi. Bấy nhiêu cũng đủ khiến ông “Dừng chân trông hoa xuân hồng thắm”. Và trong sâu thẳm trái tim của tác giả vẫn có một góc giành cho “tình ai đằm thắm”. Một nỗi nhớ ngọt ngào đã được tác giả mang vào ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân rất thật, rất tình và làm rung động trái tim người nghe suốt bao năm qua.
    Ngoài 
kia Xuân Giáp Ngọ đã về. Muôn hoa đua sắc đang cười. Ở một góc nhỏ của thành phố Sài Gòn, người nhạc sĩ tài hoa nay đã bước qua tuổi 82, liệu có đang mơ màng nhớ về tình cũ khi bắt gặp nắng xuân về bên song cửa. Ở nước Áo xa xôi kia người ấy” cũng đã là bà nội bà ngoại rồi, không biết có còn nhớ tới những dấu chân xưa cũ  bên bờ biển lộng gió Hawoai hay không?
    Còn ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân thì vẫn tươi trẻ như chàng trai cô gái đang yêu thuở đôi mươi!.
Huỳnh Xuân Sơn
Nhớ Một Chiều Xuân - Hà Thanh
                                                                                                                                                                           

1 nhận xét:

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...