Cách đây 20 năm, dịp chấm thi TNPT, anh Nguyễn Thế Hạ có đưa cho
tôi đọc lời bình bài thơ Sang thu của nhà giáo Vũ Nho. Khi đó tôi được biết Bác
ở Ninh Bình và tôi qua bài viết, tôi biết mình đã sang thu và thấm thía
"hình như thu đã về", nhìn thấy rồi, cảm thấy rồi mà sững sờ khó tin
(ý tưởng của lời bình).
Là giáo viên dạy Toán, tôi đọc trong cảm nhận về cuộc đời như
tác giả viết: "Phải chăng cái “đứng tuổi”của cây là một cái chốt cửa để qua
đó ta mở sang một thế giới khác, thế giới sang Thu của hồn người? Vẻ chín chắn,
điềm tĩnh của cây trước sấm sét, bão dông vào lúc sang thu hay đó chính là sự từng
trải, chín chắn của con người sau những bão táp của cuộc đời?" .
Bây giờ ở cái tuổi sáu mươi, tôi nghĩ lại cái tuổi "vừa lưu luyến bồi hồi lại vừa nghiêm
trang chững chạc, vừa sâu lắng lại vừa rộng mở bâng khuâng, vừa khiêm nhường
nhưng cũng tự hào, kiêu hãnh - VuNho".
Xin đăng lại bài viết của Ông, để các bạn thưởng thức.
Xin đăng lại bài viết của Ông, để các bạn thưởng thức.
SANG THU
Hữu Thỉnh
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Lời bình của
Vũ Nho
Có lẽ do những lý do đặc biệt về thời tiết gắn liền với thiên nhiên, hoa trái,
và tất nhiên có liên quan trực tiếp với tâm lý, tình cảm của con người mà mùa
Thu cùng với mùa Xuân đã thành “mùa cổ điển” trong thơ Việt Nam và Trung Quốc.
Chỉ riêng về nét Thu trong thơ cũng có bao nhiêu điều đáng nói.
Mùa Thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng, trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
(Tế Hanh )
Một ít vàng trong nắng, trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
(Tế Hanh )
Với các thi nhân, mùa Thu lưu dấu
ấn của mình trong những vần thơ đượm một vẻ thơ trong trẻo. Nguyễn Du, Nguyễn
Khuyến, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi… đều có những
câu thơ, những bài thơ mùa Thu tuyệt đẹp. Đến lượt mình Hữu Thỉnh lại làm cho
mùa Thu có thêm hương sắc mới.
Mùa Thu đến với anh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Bắt
đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như
trong thơ cổ điển. Bắt đầu là hương ổi thơm náo nức. Một chữ “phả” kia đủ gợi
hương thơm như sánh lại. Nó sánh bởi vì hương đậm một phần, sánh còn tại bởi
hơi gió se. Hương thơm luồn vào trong gió được tinh lọc, được cô đặc thêm. Gió
mùa Thu hào phóng đem chia hương mùa Thu- bấy giờ là hương ổi chín- tới khắp
nơi trong vũ trụ. Tại một vùng quê nhỏ, trong một phút giây nào đó, người viết
chợt bắt gặp hương Thu và bỗng sững sờ.
Đã cảm được hương ổi, đã nhận ra
gió se, hơn thế nữa, mắt lại còn nhìn thấy sương đang chùng chình qua ngõ. Những
dấu hiệu đặc trưng của mùa Thu đều hiện diện. Thế mà sao tác giả lại viết “hình
như Thu đã về”? Còn điều chi nữa mà ngờ? Thu đã về thật đấy rồi, sao lại còn
nghi hoặc? Như đã nói ở trên. Cái chính là sự bất ngờ, đột ngột. Do bất ngờ nên
cả khứu giác (mùi hương ổi), cả xúc giác (hơi gió se), cả thị giác (sương chùng
chình) đều mách bảo Thu về mà vẫn chưa thể tin, vẫn chưa dám chắc. Cái bảng lảng
mơ hồ chính trong cảm giác “hình như” ây đã tôn thêm vẻ khói sương lãng đãng
lúc Thu sang. Đó là một nguyên nhân. Nhưng sâu xa hơn, ở đây còn bộc lộ nét
“sang Thu “trong hồn người mà sau chúng ta sẽ nói tới.
Đó là một ấn tượng tổng hợp
từ những cảm giác riêng về hương, về gió, về sương. Từ hương nhận ra gió. Từ
gió nhân ra sương. Nhưng khi phát hiện “Sương chùng chình qua ngõ” thì trong
sương cũng có hương, trong sương cũng có gió, và trong sương như còn có cả
tình. “Chùng chình” hay chính là sự lưu luyến, bâng khuâng, ngập ngừng, bịn rịn?
Cái ngõ mà sương đẫm hương, sương nương theo gió đang ngập ngừng đi qua vừa là
cái ngõ thực, vừa là cái cửa ngõ thời gian thông giữa hai mùa. Phút giây giao
mùa của thiên nhiên ấy, nhìn thấy rồi, cảm thấy rồi mà sững sờ khó tin. Do đó,
“hình như Thu đã về” còn như là một câu thầm hỏi lại mình để có một sự khẳng định.
Bây giờ nhà thơ mới xem xét cảm giác “Thu sang” kia có đích thực
không, hay chỉ là ảo giác. Thiên nhiên được quan sát ở một không gian rộng lớn
hơn, nhiều tầng bậc hơn. Bức tranh Thu từ những gì vô hình (hương, gió) từ mờ ảo
(sương chùng chình) từ nhỏ hẹp (ngõ) chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể
(sông, chim, mây) với một không gian vừa dài rộng, vừa cao vời. Người đọc thích
thú với cấu trúc tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong câu thơ cổ điển:
Sông được lúc dênh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Chim bắt đầu vội vã
Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội
và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ. Sông êm ả, dềnh dàng, sông đang
lắng lại, đang trầm xuống trong lững lờ như ngẫm nghĩ, suy tư. Tương phản với
sông, chim lại bắt đầu vội vã. Hơi Thu lạnh làm cho chúng phải khẩn chương chuẩn
bị cho chuyến bay tránh rét. Ta thường chỉ chú ý vào sự “vội vã” đối rất
đẹp với sự “dềnh dàng”. Xin chớ quên từ “bắt đầu” rất độc đáo ở đây. Bắt đầu vội
vã thôi, chứ chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự
“bắt đầu” này trong những cánh chim bay. (Cũng như Huy Cận phải tinh tế lắm mới
nhận thấy “trọng lượng” của bóng chiều rơi xuống cánh chim làm nó chao nghiêng
“Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”).
Dù có sự vội vã của chim (cái vội
vã mới chớm, mới bắt đầu) không khí Thu vẫn là không khí thư thái, lắng đọng,
chậm rãi, lâng lâng. Vì thế mà đám mây mùa Hạ mới thảnh thơi duyên dáng “vắt nửa
mình sang Thu”. Đám mây như một dải lụa, như một tấm khăn voan của người thiếu
nữ trên bầu trời nửa đang còn là mùa Hạ, nửa đã nghiêng về mùa Thu. Nếu ở khổ
thơ thứ nhất, còn phải có một cái ngõ thực cho sương đi qua để gợi đến cái ngõ ảo
nối giữa hai mùa, thì ở đây, chỉ cần một áng mây bâng khuâng mà có thể thấy bầu
trời đang nhuộm nửa sắc thu. Hình ảnh mây là thực, nhưng cái ranh giới mùa là
hư. Nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng lạ lung của nhà thơ. Bầu trời một nửa
Thu. Đám mây mùa Hạ đang nhuốm sắc Thu. Đến một lúc nào đó nó bỗng ngỡ ngàng thấy
đang bồng bềnh trong bầu trời Thu trọn vẹn, trở thành “từng mây lơ lửng trời
xanh ngắt” như mây Thu trong thơ Nguyễn Khuyến. Chúng ta, cùng với áng mây chỉ
còn biết reo lên thích thú, vừa khâm phục, vừa “khen cho con mắt tinh đời” của
nhà thơ.
Thật ra, đó chỉ là một cảm
giác. Hai khổ thơ trên rất đẹp về tạo hình, rất tinh trong cảm nhận, như hai
cành biếc của một cây thơ lạ. Nhưng khổ thơ thứ ba là cái gốc của cây thơ đó,
là nơi cho hai nhánh thở trên tựa vào để khoe sắc tỏa hương. Khổ thơ thứ
ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý “sang thu” của hồn
người chưa thật rõ ở hai khổ thơ trên.
Trong khổ thơ này, mùa Thu được
khẳng định bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm chứ không phải bằng
cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước. Mùa Thu không được quan sát từ gần ra
xa, từ thấp lên cao mà Thu đang từ từ thu vào trong tâm tưởng, đang lắng lại
trong suy tư:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Vẫn là nắng, mưa, sấm chớp, bão
dông như mùa hạ, nhưng “mức độ” đã khác rồi. Để ý sẽ thấy cái gì cũng bắt đầu
đi vào chừng mực, vào thế ổn định. Đâu phải là ngẫu nhiên mà mấy từ “cây đứng
tuổi” lại đứng ngự vào chỗ kết thúc của bài thơ, vốn là một chỗ cực kì quan trọng?
Phải chăng cái “đứng tuổi”của cây là một cái chốt cửa để qua đó ta mở sang một
thế giới khác, thế giới sang Thu của hồn người? Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của cây
trước sấm sét, bão dông vào lúc sang thu hay đó chính là sự từng trải, chín chắn
của con người sau những bão táp của cuộc đời? Ngược trở lên hai khổ thơ trước
ta bỗng hiểu vì sao lại có sự chùng chình, bịn rịn lúc sang Thu, vì sao vừa có
sự dềnh dàng lại vừa có sự vội vã. Thì ra, trước mắt việc đi mãi, ngoảnh đầu
Thu đến rồi. Bốn mùa luân chuyển vô hình, lặng lẽ, bỗng chợt Thu. Đời người vất
vả, tất bật , bận rộn, lo toan đôi lúc “quên cả vừng trăng, lạc cả mùa” (Tô
Hà). Bỗng chốc mái tóc pha sương, tuổi đứng ở mức tứ tuần, sững sờ mình đã
“sang Thu”. Ở vào cái tuổi ấy, con người không còn bồng bột, sôi nổi, ào ạt,
băng băng như thời thanh niên. Con người sâu sắc thêm, chín chắn thêm, chín chắn
đến tận cách cảm xúc và biểu đạt. Nếu là một ai khác, nếu ở thời điểm khác, khi
đã nhận ra hương, ra gió, ra sương Thu, sẽ có thể kêu lên, sẽ có thể reo lên
“ôi, mùa Thu đã về”, hoặc “A! mùa Thu đã về”. Nhưng tác giả “Sang thu” chỉ thầm
một nhận xét vừa mơ hồ vừa nghi hoặc: “hình như Thu đã về”.
Thiên nhiên sang thu chủ yếu là lắng lại, chủ yếu là chừng mực,
đúng mức. Con người cũng thế. Nhưng có điều khi sang thu, khi nửa đời nhìn lại
thì người ta một mặt sâu sắc thêm, chín chắn thêm, thâm trầm, điềm đạm thêm; mặt
khác, người ta lại phải khẩn trương thêm, gấp gáp thêm, phải “mau lên chứ, vội
vàng lên với chứ”. Thành ra cái chữ “vội vã” của bầy chim lại cũng là sự vội vã
của con người nữa đấy. Thiên nhiên và con người đều cùng một nhịp sang Thu.
Nhan đề “Sang Thu” vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật. Hương
quả sang Thu. Ngọn gió sang Thu. Màn sương sang Thu. Dòng sông, bầy chim, đám
mây, bầu trời sang Thu. Nắng sang Thu. Mưa sang Thu. Sấm chớp giông bão, cây cối
sang Thu. Nhưng trong từng cảnh sang Thu của thiên nhiên, đất trời, tạo vật là
lồng lộng hồn người sang Thu .Vừa lưu luyến bồi hồi lại vừa nghiêm trang chững
chạc, vừa sâu lắng lại vừa rộng mở bâng khuâng, vừa khiêm nhường nhưng cũng tự
hào, kiêu hãnh.
Sự sang Thu của đất trời, sự sang Thu của bản
thân người viết, sự sang Thu của mỗi đời người gặp nhau ở đây. Bài thơ hòa hợp
được con người với thiên nhiên, vũ trụ nhỏ với vũ trụ lớn, vấn đề của cá nhân với
vấn đề phổ quát của nhân loại. Nó hòa hợp một cách rất tự nhiên trong độ chín của
ngòi bút tài hoa Hữu Thỉnh “vào Thu đang độ đẹp hết mình (Phan Thị Thanh Nhàn ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét