Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Nguyễn Du trên đường gió bụi

Nguyễn Du trên đường gió bụi
Từ giã Sơn Nam, nơi anh tá túc gần ba năm, Nguyễn Du có chút bâng khuâng. Ban đầu Nguyễn Du bị ép về Sơn Nam, để khỏi quyến luyến với mối tình không môn đăng hộ đối. Nguyễn Khản lo cho chú em tuy có tiếng thông minh nhưng tâm trạng thì hay xúc động và chưa thật trưởng thành nên đã gửi Nguyễn Du về nhà một vị đồng liêu Đoàn Nguyễn Thục để nhờ ông này dạy dỗ.
Những ngày đầu về Hải An, Nguyễn Du vừa bỡ ngỡ, vừa không thoải mái nên cứ nép mình không giao tiếp với ai. Anh cũng có phần chểnh mảng, không tha thiết gì chuyện học hành nên hai năm mới đỗ được tam trường (tương đương tú tài) và không thể nào vào được tứ trường (hương cống), trong khi các anh em của mình như Nguyễn Nễ, Nguyễn Nhung hay người cháu nghịch ngợm Nguyễn Thiện thì đều dễ dàng đăng khoa. Ở Hải An, Nguyễn Du thường trò chuyện với Đoàn Nguyễn Tuấn. Ông Tuấn là người uyên bác, giỏi làm thơ, lại có những suy nghĩ thâm trầm chín chắn nên rất hợp với Nguyễn Du. Chưa ra làm quan, tuổi cũng chưa nhiều nhưng Đoàn Nguyễn Tuấn lại có vẻ như không mấy thích con đường hoan lộ. Ông hay tâm sự với Nguyễn Du ý định xây dựng tại vườn nhà một cái lầu cao, đặt tên là Phong nguyệt sào (nghĩa là cái tổ của gió, của trăng) để sống cuộc đời ẩn sĩ. Ý tưởng của Đoàn Nguyễn Tuấn bất ngờ lại rất được sự đồng tình của Nguyễn Du, lúc ấy mới 16 tuổi - tuổi lẽ ra bắt đầu bay nhảy của cuộc đời.
Từ giã Hải An về Thăng Long, trong lòng Nguyễn Du vẫn đau đáu nhớ về mối tình đầu lưu luyến. Anh không biết thân phận cô gái đã từng gắn bó với mình bây giờ ra sao?. Cuộc chia ly của hai người hoàn toàn bất ngờ vì mọi chuyện đều do ông anh Nguyễn Khản chỉ đạo. Nguyễn Du thậm chí không kịp có lời chào người thầy dạy ở Gia Lâm. Lần này lên Thăng Long, Nguyễn Du phải tìm đến vấn an thầy và dò hỏi thông tin của người tình năm trước.
Nguyễn Du nhận ra con đường xuống bến đò nhờ cây đa cổ thụ anh thường qua lại năm nào. Cây đa già, tán lá xum xuê che mát được cả một khoảnh đất rộng. Từ gốc đa xuống bến chỉ không đến chục bước chân, đúng là nơi thuận tiện cho người chờ đò. Chính nơi gốc đa này, Nguyễn Du đã có một kỷ niệm mà suốt đời ghi nhớ.
Cảnh vẫn thế, chỉ khác xưa có một mái lá dựng tạm, để một chiếc chõng tre bày ít hoa quả trầu cau và bán nước chè của ai đó. Nguyễn Du đi tới quán nước, giơ tay nải, hỏi mua một bát nước vừa uống vừa nhìn xuống bến. Có một con đò đang hướng mũi vào bờ. Nguyễn Du căng mắt nhìn chiếc nón cũ đang nhịp nhàng hụp xuống, nhô lên của người chèo đò. Khách đò lục tục bước ra khỏi thuyền. Người chèo đò cũng cắm sào gác mái. Nhưng Nguyễn Du không khỏi hụt hẫng bởi khuôn mặt dưới vành nón kia hoàn toàn không phải khuôn mặt thân quen.
Vì tâm sự khó nỗi dãi bày nên Nguyễn Du lúc nào cũng thấy u uất! Càng cô đơn, ông chỉ một cách là làm thơ. Những ngày này ông nhớ tới Xuân Hương rất nhiều. Một đêm, Nguyễn Du mơ thấy Xuân Hương tìm gặp mình ở một bến sông. Xuân Hương kể lể với Nguyễn Du về những nỗi nhớ mong, nhất là trong những ngày đau ốm. Nàng vẫn đẹp nhưng trên đường tới đây trải nhiều vất vả nên sắc phục có phần không gọn gàng. Nguyễn Du thấy rất thương Xuân Hương nhưng chưa kịp nói điều gì thì một cơn gió lạnh thổi đến, sực tỉnh!. Phần còn lại của đêm ấy, Nguyễn Du viết liên tiếp hai bài thơ.
Dòng nước ngày đêm chảy
Ngừời đi biệt vân mòng

Bao năm không gặp mặt
Lấy gì khuây nhớ mong? (…)
Trước nói chuyện đau ốm
Sau nói nỗi chờ trông

như cách màn thấp thoáng
Lời nghẹn nước mắt ròng (…)
Mộng đến, đèn trong sáng
Mộng tan gió lạnh lùng
Người đẹp không thấy nữa
Vò rối mối tơ lòng

Trăng tà lọt nhà trống 
Soi áo ta mỏng không.
Hoàng Khôi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...