Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Như một khúc nhạc lòng

Như một khúc nhạc lòng
Bé Hà Uyên với câu chuyện Cánh buồm đỏ thắm.
Một lần, trong buổi đọc sách cùng các bạn nhỏ ở câu lạc bộ Đọc sách cùng con, truyện Cánh buồm đỏ thắm của A. Grin, chúng tôi đề nghị các bạn nhỏ lắng nghe đoạn văn và miêu tả mọi cảm giác các em nhận được thông qua các giác quan của mình. Trong tưởng tượng, em nghe thấy gì, ngửi thấy gì, nhìn thấy gì, cảm thấy những gì, v.v. ? Một em tả lại cảnh cô bé A-xôn đứng trên bờ biển, tóc rối tung trong gió, hai tay đưa ra chờ đợi. Phía xa thấp thoáng cánh buồm đỏ và những gợn sóng biếc chạy dài đuổi nhau đến tận chân trời. Bên cạnh những lời miêu tả thi vị, có đôi chút khuôn sáo ấy, em nói thêm: "Em nghe thấy một tiếng nhạc cô ạ. Hình như là violon...".
Tôi vui mừng xiết bao khi em nghe được tiếng nhạc ấy - tiếng nhạc lòng. Chỉ khi người ta đắm chìm vào câu chuyện, bị lôi cuốn bởi sức biểu cảm tuyệt vời của ngòi bút nhà văn, tiếng nhạc ấy mới có thể ngân lên.
Tôi bỗng nghĩ ra một từ mới, một khái niệm và suốt cả một năm trời không hết tự hào về một xác lập mới mẻ cho một điều không mới: "sách sống". Không phải là sự sống động mà, như những bản nhạc được trình diễn tại chỗ, nhạc công truyền cảm xúc cho người nghe, người nghe đón nhận bằng chính cảm xúc có được qua nhiều ngày sống, để rồi cả hai - nhạc công lẫn người nghe - đều được một khúc nhạc khác như vĩ thanh ngân mãi trong tim.
Đó là nhạc sống.
Những cuốn sách cũng vậy - có thể đọc chúng bằng nhiều cách. Im lặng mà đọc dưới ánh đèn bàn sáng sủa, lòng bâng khuâng nghĩ ngợi. Cô đơn mà đọc bên cạnh cửa sổ của một ngày nắng lạnh. Lại có thể ra rả đọc to lên cùng nhau như những đứa trẻ mới học đánh vần thường làm. Ngoài ra, còn có thể đọc, như là trình diễn một nhạc phẩm tại chỗ, trình bày bố cục kịch bản làm sao cho việc đọc cũng cuốn phăng người nghe theo dòng cảm xúc của mình, và người "đọc" tham gia tích cực vào quá trình này, rơi tõm vào không gian của câu chuyện lúc nào không hay. Đó là... "sách sống". Cũng như "nhạc sống", để có được "sách sống", người ta cần rất nhiều điều và rủi ro cũng lớn. Nhỡ không đứa trẻ nào đến? Nhỡ chúng không thích và không tham gia? Nhỡ chúng thờ ơ ngồi nhìn? Nhỡ... Nhỡ...? An toàn hơn là ngồi nhà nghe băng đĩa hoặc mua sách đọc một mình. Nhưng cái sự an toàn ấy sẽ không cho những vòng sóng ấm áp lan tỏa, không có sự cộng hưởng cảm xúc, không có năng lượng trao gửi cộng đồng...
Chính vì thế mà chúng tôi chọn cách đọc "sách sống" để đưa các tác phẩm văn học đến với một thế hệ độc giả mới. Và chúng tôi quyết tâm, dù chỉ có một bạn đọc nhỏ, một gia đình nhỏ đến thôi, chúng tôi cũng làm đầy đủ mọi hoạt động như đọc cùng cả mấy chục người. Đã hơn bốn năm trôi qua, quyết tâm ấy của chúng tôi được đền đáp xứng đáng bằng tấm lòng thiết tha của những đứa trẻ bắt đầu bước vào thế giới lung linh của sách.
Tôi yêu những buổi sáng thứ Bảy, Chủ nhật ở câu lạc bộ, một căn hộ bé nhỏ trong khu tập thể cũ kỹ, lại chứa đựng niềm vui "Thạch Sanh" - tận hưởng mãi vẫn càng đầy lên ăm ắp. Những đứa trẻ đến từ sớm loay hoay chơi đùa đọc sách tự do, chờ đợi đến buổi thưởng thức "sách sống" đã trở nên quen thuộc. Các cộng tác viên tích cực mà chúng tôi vẫn gọi đùa là "cán bộ văn hóa đọc" cũng đến từ lâu, đang ngắm nghía chuẩn bị đạo cụ và nhẩm lại phần đọc phân vai của mình. Một con mèo nhà mượt mà bóng bẩy, con mèo hoang mặc quần bò rách, đuôi quăn quăn vẻ phong trần (Mèo nhà và mèo hoang, Trần Đức Tiến); một cái nhà igloo Bắc Cực được làm bằng giấy bồi, bên trong nhà chiếc đèn bão nhỏ đang tỏa ánh sáng mờ ảo, đưa lũ trẻ đến với miền Viễn Bắc (Anaruk, cậu bé ở Greenland, Czesław Jacek Centkiewicz); một cái bể cá lớn được chuẩn bị cho chú Thủy thần nhòm vào mà ngắm vương quốc của mình (Thủy thần nhỏ, Otfried Preussler); một đôi cánh nâu bóng được chuẩn bị cho Dế mèn (Dế mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài); một dòng suối xanh được vẽ thoải mái trên sàn và những chiếc mũ cá (Cá chuối con, Xuân Quỳnh)... Mỗi buổi một câu chuyện. Mỗi câu chuyện lại được đọc rất khác nhau: có đọc diễn cảm, có đọc đối đáp, có những câu hỏi, có đố từ, đoán từ và cả các bài tập nhóm khiến tất cả các bạn nhỏ có mặt lẫn bố mẹ các bạn đều phải tham gia vào câu chuyện. Ban đầu e dè, về sau hào hứng, sôi nổi, thậm chí được thua quyết liệt... lúc nào không hay. Những bài tập có tính chất tĩnh - động xen kẽ để cuối cùng có một cái kết mở, nghĩa là bạn đọc phải tự đi tìm câu trả lời cho một bài tập nhỏ nào đó. Một từ khóa mà tôi hay thích nhắc đi nhắc lại với các cô giáo của câu lạc bộ Đọc sách cùng con, là "vĩ thanh". Chúng tôi muốn bọn trẻ khi bước ra khỏi không gian câu chuyện, kết thúc buổi đọc "sách sống" này, chúng vẫn nghe văng vẳng một khúc vĩ thanh. Đó là một khúc nhạc lòng... Nó có thể, ban đầu, chỉ là rời rạc vài ba hợp âm. Sau đó là một khúc vĩ cầm réo rắt dàn trải hay cả một đoạn nhạc sôi nổi dồn dập nào đó... Có thể bạn không tin, nhưng tôi tin có những khúc vĩ thanh kỳ diệu như vậy sau mỗi buổi đọc sách. Bởi chính tôi cũng đã từng nghe thấy chúng nhiều lần...
Trẻ thơ cần được đến với sách. Hoặc là, sách tìm cách đến với người đọc nhỏ tuổi, thông qua những buổi đọc "sách sống" như tôi vừa kể, để một ngày nào đó, các em thấy trong lòng ngân lên khúc nhạc. Khúc nhạc được tấu lên từ câu chữ của các nhà văn, từ giọng đọc cô giáo và bố mẹ, từ những động tác - ngôn ngữ cơ thể - rất ngây thơ của các bạn nhỏ khi thể hiện một từ mới, một khái niệm mới, một cảm xúc mới.
Nếu đâu đó vẫn còn rập khuôn bắt trẻ giải nghĩa từ trước khi đọc sách, rồi đọc từng từ theo tay chỉ, đọc đồng thanh theo tiếng thước kẻ, rồi tìm ý chính ý phụ, tóm tắt vội vàng để xong một bài đọc, thì xin hãy, đôi khi, thử tổ chức một buổi đọc "sách sống" như chúng tôi đã làm đi. Bạn sẽ thấy trẻ không thờ ơ với những bí mật trong cuốn sách nữa. Chúng sẽ đến bên bạn, sẽ lắng nghe, sẽ nói, và sẽ cho bạn biết, khi nào lòng chúng thấy dâng lên một khúc nhạc biết chia sẻ vui-buồn...
Bạn nhỏ đã cùng đọc Cánh buồm đỏ thắm trên kia với chúng tôi, em tên là Hà Uyên khi ấy học lớp 4, một vài tháng sau mang đến câu lạc bộ một bức tranh to vẽ những hình ảnh em đã nhìn thấy hôm trước... Cô bé A-xôn đứng trên bờ biển, tóc rối tung trong gió, hai tay đưa ra chờ đợi. Phía xa thấp thoáng cánh buồm đỏ và những gợn sóng biếc chạy dài đuổi nhau đến tận chân trời.
Tôi ngắm bức tranh của Uyên và thấy lòng mình đang réo rắt một khúc nhạc nhẹ nhõm dịu dàng.
Tôi vui mừng xiết bao khi em nghe được tiếng nhạc ấy - tiếng nhạc lòng.
"Đọc sách sống" ở chi nhánh CLB Đọc sách cùng con tại thư viện cà phê Đông Tây, Hà Nội.
TS Giáo dục học Thụy Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...