Quang cảnh đặc trưng ở Phan Rang – lung tung, xộc xệch.
Phan Rang-Tháp Chàm, một đô thị xộc xệch như một khu tị nạn
chạy dọc con đường quốc lộ bụi mù mịt. Cả một đô thị cũ chỉ có vườn hoa Yersin
là đẹp nhất, vì có ba cây muồng mưa cổ thụ hàng trăm năm. Vườn hoa này nghe bảo
do cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tài trợ, nhưng ba cây muồng thì phải có từ
trước rồi. Thành phố mới đầu tư một trục đường trung tâm là đường 16 tháng 04
to tướng, cắm thẳng vào dải đô thị hiện hữu như một cái đinh cắm vào giữa con
giun. Giữa trục đường phình ra một quảng trường trống hoác, ốp hai bên bởi hai
khu tượng đài xấu chưa từng thấy. Không hiểu sao mãi mà quốc hội không thông
qua luật cấm làm tượng đài ở Việt Nam. Ở bất kỳ nơi trang trọng nào, chúng nó
cũng ỉa ra một cục to tướng mà không thể đập đi được, lý do là v tượng đài. Hai
bên đường, những cây sao đen, dầu rái non nớt run rẩy trong gió biển. Không biết
ai xui thành phố trồng những cây này sát biển như vậy.
Quảng trường
Tượng đài ở quảng trường 16.04
Cái này cũng ở bên quảng trường 16.04,
không biết là tượng đài hay là cái gì, thấy xấu quá nên không lại gần xem.
không biết là tượng đài hay là cái gì, thấy xấu quá nên không lại gần xem.
Công viên ven biển Phan Rang được thiết kế hình chữ S, chia
ra thành các vùng như các tỉnh thành trong cả nước. Mỗi tỉnh sẽ tặng một vài
cây đặc trưng của tỉnh mình để trồng ở đây. Một nhân viên sở Xây dựng than thở:
có tỉnh gọi điện báo là có cây rồi nhưng không có tiền chở vào, Phan Rang phải
tự đến mà lấy. Có tỉnh thì nhiệt tình chở đến tận nơi, nhưng một cái cây bé tí
mà Phan Rang phải chiêu đãi nhậu nhẹt cho cả đoàn. Khổ nữa là công viên thì ở
ngay bờ biển, mà các tỉnh thì tặng cây đặc trưng của tỉnh mình, như Đồng Tháp
thì tặng cây đầm lầy, Yên Bái thì tặng cây vùng núi như trám đen v.v… Vậy là
Phan Rang tha hồ mà chăm sóc, để chết thì ảnh hưởng đến tình hữu nghị, nhưng rốt
cuộc thì chúng vẫn chết gần hết. Tôi an ủi các bạn: chẳng phải sai lầm của
riêng Phan Rang đâu, ngay Hà Nội, người ta quy hoạch khu làng văn hóa các dân tộc
Việt Nam ở Đồng Mô trên một vùng đồi đá ong, cũng có ý đồ tạo thành hình nước
Việt, với mỗi vùng trồng cây đặc trưng của vùng đó. Ghê hơn nữa là họ không chỉ
định trồng một cây đặc trưng, mà trồng những rừng sinh thái đặc trưng. Đất nước
này lạ lắm, trên mảnh công viên nào cũng có ý đồ trồng cho đủ cây cối ba miền,
ra cái điều đa dạng bản sắc, nhưng ngoài đời thì mọi bản sắc đều bị cố gắng cào
bằng, miền ngược cũng như miền xuôi, dưới biển cũng như trên rừng.
Nghe tên Phan Rang, Tháp Chàm từ hồi bé, trong đầu tôi luôn
hình dung một văn hóa Chăm Pa xa xôi, với những tháp chàm kỳ bí, vàng rực như
những đóa sen lửa trong ánh hoàng hôn, với những đoàn phụ nữ chăm lầm lũi đội
nước đi trên cồn cát sa mạc, những con bò trắng sừng thẳng, mặt hiền như những
con bò thần ở Ấn Độ, Nepal, rồi gốm Chăm, mộc mạc mà đẹp như thời tiền sử.
Gần như không còn người Chăm nào ở trong thành phố. Trên sở
Xây dựng, gần như không ai biết tới những làng Chăm. Có một nhân viên duy nhất
trên sở là người Chăm, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về làng Chăm, chị nhìn
chúng tôi như thể chúng tôi hỏi thăm về quái vật nào. Kiến thức của chị không
ra ngoài cái tên Bàu Trúc. Tôi tới làng gốm Chăm nổi tiếng Bàu Trúc. Không còn
một đồ gốm nào mang hơi hướng Chăm. Toàn là những đồ gốm trang trí, đắp điếm
như ăn mày chín túi, rạch ngang dọc như đồ đồng nát, đã thế còn bóng lộn tân thời.
Nghe đồn là mẫu mã do các nghệ sỹ tốt nghiệp mỹ thuật Sài Gòn truyền thụ và các
khách xịn Sài gòn đặt hàng.
Gốm Bàu Trúc. (Ảnh lấy trên mạng).
Chúng tôi lại tìm đến trung tâm bảo tồn văn hóa Chăm, gặp ông
Thọ, tương truyền là nghệ nhân gốm oách nhất người Chăm hiện còn sống. ông Thọ
tiếp chúng tôi rất niềm nở tại nhà và cho biết ông là nghệ nhân Chăm duy nhất tốt
nghiệp đại học mỹ thuật Sài Gòn. Ông xuất thân ở Bàu Trúc, nhưng giờ quy ẩn tại
làng An Nhơn, vì thấy kinh hãi với những sự thương mại hóa gốm chăm tại Bàu
Trúc mà ông từng là người tiên phong. Ông nói rất nhiều về cái tinh tế của gốm
Chăm truyền thống, của trang phục, ẩm thực Chăm, những thứ đã từng góp phần vào
một vương quốc Chăm Pa hùng mạnh. Tuy nhiên, trong nhà ông tuyệt không còn vết
tích gì của Chăm Pa, không còn mẫu gốm cổ truyền, không còn thổ cẩm, không còn
món ăn. Chỉ còn những sáng tạo mới bằng gốm và sơn dầu của ông, hoàn toàn theo
phong cách tạo nguồn của một trường mỹ thuật Sài Gòn mà tôi có thể hình dung.
Ông nói ông là người duy nhất sưu tầm các mẫu gốm Chăm cho trung tâm bảo tồn
văn hóa Chăm, nhưng không có đồ cũ, mà là toàn đồ mới làm, theo mẫu mã ông tự vẽ.
Bởi vì theo ông, người Chăm dùng vò gốm để đựng nước, đựng gạo và coi đó như một
phần linh hồn và vận mệnh của mình. Họ không bao giờ lấy hết gạo ra khỏi hũ.
Trước khi dùng đồ gốm, nhất là hũ gạo, họ đều phải làm lễ cẩn thận, thậm chí
dán bùa. Vì vậy người Chăm dù nghèo cũng không bao giờ dám bán đồ gốm đang
dùng.
Nhà nghệ nhân gốm Chăm – ông Thọ ở làng An Nhơn.
Với một ít
tranh và tượng của ông ở đằng sau.
Hôm sau, theo lời ông Thọ khuyên, chúng tôi lặn lội đến làng
Bỉnh Nghĩa, là làng Chăm xa xôi hẻo lánh nhất, và còn giữ bản sắc nhất. Ở đây,
không những không còn gốm Chăm, thổ cẩm, mà thậm chí người già còn khẳng định
là người Chăm chưa từng biết làm đồ gốm và dệt thổ cẩm. Theo họ thì trước đây họ
mua gốm của người Kinh từ Huế chuyển vào, nhưng bây giờ tân tiến, thay hết bằng
đồ nhựa. Nhà cửa thì cũng tuềnh toàng, xanh đỏ chẳng ra bản sắc gì. Chỉ có những
khuôn viên và cấu trúc làng là đặc biệt. Khuôn viên nào cũng tương đối rộng, gần
như vuông. Tất cả các công trình, từ nhà chính, nhà phụ, chuồng trại đều quay
quanh chu vi ba mặt, tạo thành sân ở trước. Đường làng do những ô vuông này chừa
ra mà thành, nên có chỗ to, chỗ nhỏ linh hoạt chứ không phải là một đường thẳng
như phố xá. Những chỗ mở rộng ra thường có người ngồi chơi, hoặc bán hàng nhỏ,
như những quảng trường con. Trong làng và các sân nhà, gà vịt ngan ngỗng bò lợn
đi lại tung tăng rất thân thiện. Gần như không ai nuôi chó, chẳng có tiếng chó
sủa khi vào làng. Người Chăm không ăn thịt lợn, nhưng trong làng có mấy con lợn
lai kinh tế to khổng lồ, nặng có tới hai tạ, đi lại lung tung như những con bê,
không biết số phận chúng sau này thế nào.
Khuôn viên mỗi nhà đều có dạng hình vuông, nhà cửa sát vào
mép, để lại sân rộng phía trước, hàng rào thường rất đơn sơ.
Lợn đi lang thang ở chợ Bỉnh Nghĩa.
Thi thoảng vẫn còn những con bò Chăm màu trắng cát, mặt hiền
lành, sừng thẳng. Nhưng đa số bò đã là loại bò vàng của miền Bắc đưa vào. Với
mưu đồ được thấy lại những con bò Chăm trên vùng đất xương rồng, tôi bàn với
cán bộ sở: Phan Rang nổi tiếng về cừu bò, mà chẳng thấy có bán đặc sản cừu bò
nhỉ. Ông này bảo đúng rồi, chúng tôi chỉ xuất đi cả nước chứ không biết chế biến.
Tôi bàn là cần phải tổ chức học tập và PR về thịt bò và các món cao cấp từ thịt
bò. Nhưng mà trước hết cần gây dựng câu truyện về một loại bò mà chỉ Phan Rang
mới có – con bò của người Chăm. Ai cũng thấy trông nó khác, còn thịt của nó
ngon thế nào thì du khách làm sao biết được. Nếu làm được như vậy, con bò trắng
có cơ hội lại trở thành một phần của cảnh quan văn hóa Phan Rang, chỉ có điều từ
ấn tượng của một thần vật trong Ấn Độ giáo, nó sẽ là một đặc sản chạy bộ. Nhưng
mà việc xẻ thịt thần thánh để bán làm du lịch đúng là lẽ thường bây giờ.
Bò lợn và gia cầm sống chung trong khuôn viên,
không thấy có
chuồng trại riêng.
Về kỳ quan thiên nhiên, Phan Rang nổi tiếng nhất là khu cát
bay phía nam, với những cồn cát vàng rực, thuần khiết như cảnh sa mạc Sahara.
Chúng tôi đến đó để tìm lại cảnh người Chăm đội lu nước bằng gốm, một hình ảnh
từng in vào đầu tôi như một biểu tượng. Suốt dọc đường, xe đi giữa hai hàng trại
nuôi tôm giống, tăm tối lụp xụp như những khu ổ chuột dành cho người mù. Đường
đi sát bờ biển mà chẳng nhìn thấy biển đâu. Tới nơi mới thật vỡ mộng. Không có
làng Chăm nào, chỉ có mấy làng chài nghèo xơ xác. Ngay tại khu cát bay, người
ta xẻ một con đường to tướng sâu giữa cồn cát để làm đường ven biển, như một
nhát chém giữa mặt. Ngoài ra, người ta còn đang khoan khảo sát để làm khu nhà
máy điện hạt nhân và khu phong điện lớn nhất nước xung quanh vùng cồn
cát này. Không còn ấn tượng của những đường cong nữ tính, trinh nguyên mà ấn tượng
chung là một cơ thể lở loét. Hỏi tại sao không bám đường theo địa hình, không
làm đường men theo chân núi mà lại xẻ sâu vào giữa cồn cát bay như vậy? Giám đốc
sở Xây dựng trả lời: thứ nhất là lúc vạch hướng tuyến chỉ dựa vào ảnh google,
mà xong thì cũng không ai đi xem thực địa, hôm nay tôi cũng là lần đầu tiên đến
đây thì thấy thế này, nhưng đó là lỗi bên giao thông. Với lại xẻ sâu vào cát thì
vừa đỡ dốc, vừa tốn kém, ngoài chi phí ban đầu, cát bay sẽ thường xuyên lấp kín
con đường, lại phải đào bới ra, như vậy sẽ có kinh phí lâu dài. Ông hỏi tôi xem
phương án làm thế nào để biến đây thành một trung tâm du lịch hấp dẫn, tỉnh thì
định đầu tư một casino trên đỉnh cồn cát. Tôi bảo điều quan trọng nhất là phải
bịt mắt được du khách, dắt tới giữa cồn cát mới giật băng ra để họ ngắm, rồi lại
bịt mắt dắt về.
Phía bắc Phan Rang có kỳ quan Núi Chúa, một khu bảo tồn thiên
nhiên rất đẹp, với những rừng cây thấp, cây nào cũng kỳ quái như bonsai vì sống
trong điều kiện đất cằn, nắng gắt và gió cực mạnh. Cảnh quan một bên là rừng
núi xanh tươi, một bên là biển xanh ngăn ngắt, thật là hùng vĩ. Tỉnh cũng đang
muốn quy hoạch khu này thành trung tâm du lịch. Tôi đang hào hứng đắm chìm
trong những ý tưởng trên một vùng đất đai rộng rãi, lưng tựa núi, mặt hướng biển,
lại đã có một làng chài nhỏ nên thơ. Nhưng mà giám đốc sở Xây dựng bảo khu này
cũng đã quy hoạch thành nhà máy điện hạt nhân. Khu cồn cát thuê Nga, khu này
thuê Nhật. Thằng thì nổ nhà máy đầu tiên, thằng thì nổ cuối cùng. Ông giám đốc
sở than là Phan Rang đâu có muốn làm điện hạt nhân, đây là quyết định từ trung
ương, dựa trên rất nhiều tiêu chí xét duyệt địa điểm. Phan Rang chỉ có thể quyết
định về du lịch thôi. Tôi có sáng kiến vậy thì định hướng du lịch phóng xạ, biết
đâu trong khu rừng lùn này lại nảy sinh con kỳ nhông to bằng con cá sấu.
Núi Chúa (Ảnh lấy từ phuongnguyen.info)
Điểm cuối của hành trình, cũng là trọng điểm của khu du lịch,
là thôn Vĩnh Hy. Sát biển là một làng chài lâu đời, nằm bên một vịnh biển nhỏ rất
thơ mộng. Đây là vịnh biển duy nhất trong suốt dải biển Phan Rang, vì thế từ
lâu đời vẫn là nơi đậu tàu của ngư dân. Khắp vịnh đầy tàu thuyền. Làng chài này
là quê hương của bí thư hay chủ tịch tỉnh đương nhiệm. Thấy bảo đây là một
trong những điểm du lịch có tiếng của Phan Rang, rất đông khách. Thực ra làng
chài rất nghèo, nhà cửa chật chội, lụp xụp, tuy có được một con đường bê tông
kè ven biển, nhưng không có dịch vụ gì. Nhìn mãi mới phát hiện một số tàu đáy
kính đậu xen lẫn tàu đánh cá trong vịnh. Hóa ra đây là một rạn san hô. Du khách
có thể ngồi trên tàu đáy kính để quan sát san hô, nhưng không lặn được vì cảng
biển quá bẩn.
Vịnh Vĩnh Hy (ảnh Ngọc Viên, lấy từ internet)
Phía trên núi là một làng người Raclay, gọi là bản Cầu Gãy mà
tỉnh định làm thành một điểm nhấn về du lịch văn hóa cộng đồng. Sở Văn hóa cho
làm một đoạn đường nhựa, to đúng bằng đường quốc lộ ven biển, phi thẳng lên
núi, tới đúng đầu cầu treo vào bản. Đoạn đường này dài khoảng 100m, xẻ núi lấp
mẹ nó gần hết con suối đẹp nhất vùng. Không nhiểu người ta định phi xe ô tô lên
cái 100m này để làm gì.
Bản Cầu Gãy này gồm toàn nhà tình thương của dự án làm cho
dân, mỗi nhà khoảng 15 m2, sàn xi măng, tường sơn xanh đỏ, mái fibro xi măng.
Trong nhà trống trơn không có một đồ đạc nào. Người dân ngồi thều lều trong các
nhà, chẳng thấy làm gì. Một nhân viên sở nói dự án này thành công quá, gom được
hết dân rải rác trong vùng rừng xung quanh tập trung lại ở đây, không ai phản
kháng. Hỏi thế họ sống bằng gì? Đáp rằng họ vẫn lang thang trên rừng núi, vì
không có ruộng nương, nhưng mà mình xây nhà cố định cho họ, lại đặt kiểm lâm
giám sát nên họ không thể lấy gỗ, đốt than, săn bắn thú rừng. Có chăng chỉ hái
được lá lẩu về làm rau và lén lút trồng ngô dưới tán rừng thôi. Tôi hỏi vậy các
anh định cho du khách xem cái gì? Đáp là tỉnh có dự định cho họ khôi phục nghề
truyền thống đan mây tre, dệt thổ cẩm, rồi dạy họ múa hát cho du khách xem. Tôi
tò mò vào hỏi xem những đồ mây tre, thổ cẩm truyền thống của họ là gì, vì không
thấy ai dùng đồ này. Người già nói là bản này chưa từng biết đan và dệt, toàn
mua đồ từ ngoài, nhưng bây giờ không có tiền để mua nữa rồi. Trong bản có hai
người già từng học được cách đan gùi bằng mây tre của người Thượng, nhưng yếu
quá rồi, với lại cũng không được phép khai thác mây tre trên rừng bảo tồn. Tôi
bảo: thế này thì khó làm du lịch văn hóa cộng đồng nhỉ, địa thế bản này vô cùng
trọng yếu về cảnh quan, là nơi đẹp nhất vùng, hay là lại thả họ về rừng đi, lấy
chỗ này mà làm dự án du lịch. Cán bộ nghe có vẻ bùi tai, không biết thế nào.
Cuối cùng, suy đi tính lại, di sản duy nhất của người Chăm vẫn
còn hiện hữu ở các tỉnh nam trung bộ có lẽ là món bánh căn, bánh xèo. Những
bánh này được nướng trên những bếp than bằng gốm, bằng những khay gốm xinh
xinh, có nắp cũng bằng gốm. Tạo hình của bộ đồ nướng này thật là hoàn hảo, lại
rất ra tinh thần Chăm Pa. Chúng gợi nhớ tới những núm vú tròn xinh xung quanh bệ
thờ linga ở các tháp Chàm. Thao tác nướng bánh cũng thật thanh thoát, từ tốn.
Không thể làm nhanh được, vì bánh phải đủ giờ mới chín, mà tất cả bộ đồ đều bằng
gốm mỏng mảnh, dễ vỡ. Miếng bánh nóng mới lấy ra trong thì mềm xốp, ngoài thì
giòn tan, đượm hương của lửa, của gốm mà lại không mỡ màng. Cách đây vài năm, ở
mọi ngả đường các tỉnh nam trung bộ đều có bán món này, ăn sáng và tối. Nhưng
bây giờ cả một thành phố chỉ còn vài hàng, bán rất rẻ. Đa số hàng bán bánh xèo
đã thay cái nắp gốm bằng nắp tôn cho dễ quăng quật, trông kém thi vị hẳn. Trong
Vũng Tàu, món bánh căn cải biên thành bánh khọt, vì được rán trên một chảo gang
lớn có nhiều lỗ, khi đổ bột vào mỡ nóng nghe kêu khọt khọt. Nghe đồn sáng kiến
này là do một nhạc sỹ nào đó, hình như ông Thanh Tùng, bày cho họ để có thể sản
xuất nhanh hơn, nhiều hơn.
Làm bánh căn. (Ảnh lấy trên mạng)
Do rán mỡ nên bánh khọt ngấy, không thanh như bánh căn, vì thế
khi ăn phải kèm theo một rổ rau sống các loại, gần giống như ta ăn bánh tôm
ngoài bắc. Theo như ông Thọ thì đa số người Chăm bây giờ cũng học theo cách đó,
làm bánh xèo, bánh căn trên chảo mỡ, ăn không giống, nhưng mà nhanh. Có lẽ chỉ
vài năm nữa, sẽ khó mà còn ai bán bánh căn đúng kiểu ở các tỉnh nam trung bộ nữa.
Nghĩ lại đúng là mọi món ngon truyền thống đều cầu kỳ, từ cái nguyên liệu, tới
sự chuẩn bị, cho tới cái không gian, thời điểm ăn uống. Những người như Vũ Bằng,
Thạch Lam, Nguyễn Tuân đã sớm nhìn thấy sự suy thoái và kịp ghi lại trong sách
vở nhưng cũng không cứu vãn được tình thế. Ngày nay người ta đều cố gắng giảm
đi 3 phần chất lượng để tăng được 7 phần số lượng, chẳng còn cái gì đúng, tốt nữa
cả. Trong khi đó nhìn sang Trung Quốc. Có những món ăn truyền thống dân dã vô
cùng cầu kỳ mà lại rẻ tiền như bánh bao tiểu long Thượng Hải, mỳ kéo tại chỗ của
người Hồi. Ngày nay, mặc dù lượng khách ăn nhiều hơn, giá vẫn cứ rẻ mà người ta
vẫn làm đúng quy cách như xưa, thậm chí ngày một cải tiến cho ngon hơn, hoàn hảo
hơn. Ở Thượng Hải, du khách xếp hàng chờ cả mấy tiếng để mua bánh bao tiểu
long. Nhà hàng thuê hàng trăm thợ làm, đều đứng nặn tay từng viên, hấp vừa chín
là bán ngay. Vì phải biểu diễn cho du khách xem, nên thợ nào cũng phải điêu luyện,
lành nghề, tay làm thoăn thoắt, trăm viên như nhau. Nếu là Việt Nam, chắc chắn
đã có sáng kiến thuê nông dân đâu đó làm hàng loạt rồi chỉ việc đẩy vào lò vi
sóng cho nhanh.
Điều quan trọng là cuối cùng, chúng tôi cũng tìm mua được một
bộ làm bánh căn cũ của một người bỏ nghề bán bánh. Ngoài chợ cũng còn bán đồ mới,
nhưng chất lượng ngày càng tồi, đổ bánh là dính, và rất dễ vỡ. Phải rất nhiều
khay mới chọn được vài cái tốt. Vì vậy phải mua những bộ đã dùng lâu, khi đó cả
độ chắc lẫn độ mịn của gốm mới được đảm bảo.
Bánh căn. (Ảnh lấy trên mạng)
Sau hai ngày đi tìm hiểu văn hóa Chăm, tôi hỏi đứa bé đi cùng
ấn tượng mạnh nhất về văn hóa Chăm là gì. Nó bảo: Tất cả mọi linga đều không có
lông, như vậy không phải chim nào cũng đáng được tôn thờ, mà chỉ có chim trẻ
con thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét