Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Buôn Ma Thuột – chiếc Kpan của người Êđê

Buôn Ma Thuột – chiếc Kpan của người Êđê 
KTS Phó Đức Tùng
 
Ngã sáu Buôn Ma Thuột
Cao nguyên mùa này gió lộng, nắng vàng, trời cao xanh, khí hậu mát mẻ. Đi hàng trăm cây số vẫn trong biển hoa cà phê nở trắng, hương ngào ngạt từa tựa hoa bưởi, khiến tâm hồn nhẹ bốc như cánh ong. Bây giờ cũng là mùa thu hoạch cà phê. Khắp nơi người gùi, kẻ phơi rộn rã. Năm nay được mùa quả, được nắng phơi, lại được cả giá bán, nên đâu đâu cũng vui như tết. Từ phố phường đến buôn làng, không khí giáng sinh đã cảm nhận được rõ nét. Khó có những cảnh sắc đậm nét như Đắc Lắc mùa giáng sinh. Không khí mát lạnh, tĩnh lặng trong một hương thơm ngát linh thiêng. Không gian bao la dưới bầu trời lồng lộng. Hoa cà phê trắng như tuyết đọng trên những cành ngang, nổi bật trên nền lá xanh thẫm bóng, quả đỏ mọng. Rừng cà phê mùa này lộng lẫy không kém gì một rừng cây thông Noel đã được trang trí, vừa sang trọng, vừa phồn vinh, lại còn ngát một mùi hương thần thánh.
Thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng đẹp càng giàu. Đường sá khang trang, vỉa hè cây to rợp bóng, công viên rộng rãi, lại còn có những chỗ lên cao, xuống thấp rất ấn tượng. Cấu trúc đô thị tương tự khu phố Pháp ở Hà Nội, nhưng do ít người hơn, nhà thấp hơn, thoáng hơn nên có thể nói là gần như giữ được không gian sang trọng như thời xưa. Đỉnh cao của kiến trúc Buôn Ma Thuột phải nói là Tòa giám mục do Pháp xây. Kiến trúc rõ ràng là Ê đê, nhưng hoành tráng như cung điện, sang trọng như khách sạn 5 sao. Càng ngắm càng thấy phục người Pháp. Họ biết nhận ra và trân trọng bản sắc địa phương, lại còn có khả năng đẩy nó lên một tầm cao mới. Với tòa giám mục, họ vừa chứng tỏ quyền lực của mình, nhưng cũng rất khôn khéo nhấn mạnh rằng tôi làm là vì các bạn, cho các bạn, và rằng đây là thành phố của các bạn, các bạn mới chính là chủ nhà. Có lẽ vì vậy mà người Êđê vốn hoang dã, đầy bản sắc như vậy mà chỉ một thời gian ngắn đã gần như theo đạo Thiên Chúa hoàn toàn, và vẫn là những con chiên ngoan đạo tới nay.
Tòa Tổng giám mục Buôn Ma Thuột
Cồng chiêng luôn được coi là biểu tượng Tây Nguyên và ngày nay được giới đồ cổ, giới nhà giàu ở các thành phố lao vào sưu tầm. Vì thiếu tiền và không còn không gian truyền thống, nhiều người dân tộc đã phải bán cồng chiêng. Buồn hơn nữa là rất nhiều người bị lấy trộm cồng chiêng khi cả nhà đi làm rẫy, vì thường xuyên có những người đi thu mua, nếu không gặp ai ở nhà thì cuỗm luôn. Ở rất nhiều hàng bán đồ cổ, đồ đồng, đồ dân tộc, cồng chiêng được xếp đống chồng chất, chứng tỏ cũng nhiều người mua. Trong khi đó, thực ra cồng chiêng về mặt vật thể gần như vô giá trị. Người Tây Nguyên vốn không thể làm được cồng chiêng. Họ phải đổi rất đắt, nhiều trâu bò lợn gà để lấy cồng chiêng từ người Kinh. Nhưng vào tay họ, những mảnh đồng mỏng mảnh vô dụng kia lại trở thành thần vật. Người ta thổi hồn vào chúng, coi chúng như mẹ, con, anh chị em, mỗi nhân vật một vai trò, một cá tính, một tâm hồn riêng. Người ta làm những cái giá long trọng, chọn chỗ cao quý để treo chúng thành hàng, từ nhỏ đến lớn. Khi mang chúng đi xa, người ta đan những vỏ bằng mây đẹp lộng lẫy, tinh vi để gùi chúng trên lưng. Không phải ngày lễ, không cúng thần linh thì không được thỉnh đến cồng chiêng. Những nhịp điệu Tây Nguyên hoang dã khiến dàn cồng chiêng có sức rung chuyển cả núi rừng. Có thể nói kỹ thuật cồng chiêng Tây Nguyên không kém gì Bali, nếu biết khai thác có thể đạt tầm quốc tế. Trong khi đó, người Kinh ngày nay cố sức gạ gẫm mua lại cồng chiêng, thậm chí cướp đoạt, trộm cắp để mang về. Trở về tay họ, những bảo bối của núi rừng lập tức lại trở thành những mảnh đồng nát vô dụng, gỉ ngoèn. Bảo tàng Đắc Lắc mới khai trương mà để lộ nguyên hình một tầm văn hóa mọi rợ, khi mà bộ chiêng được treo trang trí thành một bức tranh tường quê mùa. Tương tự là những ché rượu cần, vốn của người Kinh, người Tàu bán lên cho dân tộc, nay lại trở thành món đồ sưu tập, có giá lên tới cả tỷ đồng. Ở nhà người Tây Nguyên, ché rượu cần nổi bật hẳn lên, bởi vì chúng được xếp thành từng hàng, thường là 5 ché, 7 ché, cùng một kích thước, một hoa văn, tại một nơi trang nghiêm, tạo thành một bộ nghi lễ hoành tráng. Người Ê Đê muốn giết con trâu phải cúng 7 ché rượu cần, giết con bò, con lợn phải cúng 5 ché rượu. Người Kinh sưu tầm mỗi thứ một hai chiếc, để thành đống hổ lốn, giống hệt cửa hàng gốm sứ bên Bát Tràng.
Đặc sắc nhất, đúng là sản phẩm văn hóa thuần túy của người Êđê thì phải nói là chiếc ghế dài Kpan. Chiếc ghế này làm từ một thân gỗ lớn duy nhất, hình một con thuyền dài mỏng mảnh, thanh thoát, uốn cong kiêu hãnh ở hai đầu. Ghế có thể dài từ 5-20m, mặt rộng từ 60-80cm, tùy theo kích thước nhà và điều kiện của gia chủ. Chiếc ghế này là niềm kiêu hãnh của cả buôn mà chỉ vài nhà cự phú mới có thể sắm. Muốn làm nó, phải cúng thần nhiều trâu bò lợn gà, phải có rất nhiều người để chặt cây, mang về, đẽo thành ghế, thậm chí phải dùng voi để kéo. Hai ngày ở Đắc Lắc, chúng tôi đã lần theo dấu vết của chiếc Kpan và nghe được nhiều chuyện.
Cồng chiêng và ghế kpan tại bảo tàng Dak lak (Ảnh trên mạng)
Đầu tiên, chúng tôi tới nhà cô Linh Nga Nierkdam, con gái của bác sỹ Y Ngông Nierkdam nổi danh. Cô cũng có một chiếc Kpan nhỏ, dài chừng 4m, mua lại của lái buôn. Cô bảo bây giờ rừng hết, người ta không còn gỗ làm Kpan nữa, người có nghề cũng chết cả rồi. Người Êđê quý Kpan như tính mạng, vốn không bao giờ bán ghế, nhưng mà hết rừng thì cũng không còn nhà dài, không còn chỗ để Kpan, nên những chiếc Kpan cũ thường bị bỏ ngoài mưa nắng, để dưới gầm sàn mối mọt, hoặc bị chặt đôi cho vừa nhà, nói chung là bị hỏng mất nhiều. Một số người do không còn chỗ nên cũng bán. Nhưng bây giờ thì khó kiếm lắm, vì những gì hỏng thì đã hỏng, những ai bán đã bán, còn vài người có chỗ để giữ thì cũng không bán nữa. Mặt khác chính quyền buôn xã cũng coi đó là di sản chung, không phải dễ mà bán được.
Nói chuyện hết rừng, cô Linh Nga bảo người Êđê từ xưa làm luân canh, mỗi năm cấy một vụ, sau 7-8 năm lại trả lại cho rừng mà chuyển sang khoảnh bên cạnh, cứ thế luân phiên, mấy chục năm mới quay lại khoảnh cũ thì đã gần thành rừng rồi, đủ dùng cho việc làm nhà, lấy củi. Chỉ một vài cây thật lớn, như để làm Kpan, làm trống, thang thì mới lấy từ rừng già. Người Êđê ở cố định một nơi, đời nọ qua đời kia, căn nhà cứ dài mãi ra. Những khoảnh ruộng nương chỉ trong một vùng gần trung tâm buôn làng, không bao giờ phá rộng ra ngoài. Từ thời cách mạng, người Êđê phần được vận động, phần bị ép buộc định canh, với lý do để bảo vệ rừng, nhưng thực ra, mỗi hộ chỉ còn một mảnh đất nhỏ, phần còn lại và toàn bộ núi rừng thì người Kinh chiếm hết, trước khai thác gỗ, sau làm đồn điền.
Ngày hôm sau, theo giới thiệu của cô Linh Nga, chúng tôi tới gặp anh Y Thim ở buôn Bông gần thành phố. Y Thim là người chuyên buôn đồ dân tộc, đồng thời rất năng động trong việc tổ chức du lịch theo kiểu du lịch cộng đồng. Khách tham quan, nghe giới thiệu văn hóa, ăn món ăn Êđê. Khách ta thì thậm chí có thể ngủ lại. Chúng tôi đến gặp đúng lúc Y Thim tiếp đoàn du lịch Nhật. Y Thim rất có duyên và kinh nghiệm trong việc giới thiệu cho khách và có thể giải thích rất nhiều chuyện từ những thứ tưởng chừng không đâu. Chẳng hạn anh chỉ một cái lỗ sâu ở dưới đất ven đường và bảo: đây chính là một cứu tinh của cách mạng. Không có nó, cách mạng không thể thành công. Ấy là vì dưới lỗ xưa kia là củ mài. Đánh giặc không có thời gian trồng lúa, muông thú cũng sợ chạy hết, không đào được củ mài mà ăn là thua. Rồi anh lại chỉ con rùa chạm trên xà và cột nhà, giải thích: Con rùa chậm chạp, nó không biết đi tìm cơ hội, cũng không biết chạy khi gặp tai họa. Nó cứ ở đó, rụt đầu vào mai, dựa vào cái mình có, bình thản chấp nhận số phận, dù may hay rủi. Thế mà cuối cùng nó lại sống lâu nhất, khôn ngoan nhất. Người Êđê tôn thờ con rùa, và cũng cố định với buôn làng, nhà cửa, truyền thống của mình. Nhà người Êđê cứ ở một chỗ, dài mãi ra, truyền thống và kinh nghiệm của người Êđê cũng dày mãy lên như mai con rùa mỗi năm một lớn. Nhưng khi hỏi đến ý nghĩa của con thằn lằn rất hay được chạm khắc cùng với con rùa thì không ai biết. Con thằn lằn rất hay gặp trong các đồ dân tộc, từ nồi đồng đến bình nước, đến trang trí nhà cửa, ở cả các dân tộc miền trung, Tây Nguyên lẫn bắc bộ. Cậu Nội là người Mường, giải thích nó là biểu tượng của ngọn lửa và thần mặt trời, vì con này hay sưởi nắng. Tuy vậy, giải thích này hợp với motive thằn lằn trên nồi niêu, nhưng khó giải thích hình con này trên trần nhà và đồ đựng nước. Mặt khác, nếu theo cách suy rộng như Y Thim bàn về con rùa thì việc tôn thờ con thần lửa này chắc phải dẫn đến cảm tình của người dân tộc đối với việc phá trụi rừng Tây Nguyên ngày nay, bởi bây giờ thì ở đâu thằn lằn cũng có thể sưởi nắng.
Khi hỏi về chiếc ghế Kpan, Y Thim giới thiệu: đây là ghế độc mộc, làm từ một cây lớn, nhưng đừng nghĩ người Êđê phá rừng. Người Êđê lấy một cây gỗ của rừng, thì phải cúng thần trên trời, dưới đất, ông bà tổ tiên, khao người trong làng, còn hơn nhiều so với nộp thuế kiểm lâm bây giờ. Vì thế mỗi buôn chỉ có một vài chiếc, lưu truyền từ đời nọ sang đời kia. Trong nhà Y Thim có hai chiếc Kpan để cạnh nhau, một chiếc dài cao, một chiếc ngắn, thấp hơn. Chiếc ghế dài bị cụt mất một đầu, may nhờ chiếc trống cái che đi nên không nhìn rõ. Khi du khách vào ngồi ăn, một dàn nghệ nhân khoảng chục người mặc quần âu, áo Êđê truyền thống ngồi trên ghế cao, để chân lên ghế thấp, đánh bài chiêng mời khách. Dàn nghệ nhân này ngồi ở nhà Y Thim từ 7 giờ rưỡi sáng, chờ khách đến tận 12 giờ để đánh một bài cồng chiêng khoảng 2 phút rồi đi ăn ở nhà dưới. Nghe bảo buổi chiều còn diễn một cảnh cúng dường, thấy có con gà trống treo ở cửa để chuẩn bị giết. Lúc cúng còn phải đánh cồng chiêng.
Y Thim còn có một chiếc Kpan dài khoảng 10m đang phủ bạt để ngoài sân, định bán gần 100 triệu. Chiếc ghế tương đối chuẩn về hình dáng phần mặt, nhưng chân ghế hơi mỏng và nhỏ quá, tạo cảm giác không vững. Mặt dưới ghế còn mới toanh. Mặt trên ghế lại thấy dùng keo trám hết các chỗ rạn của gỗ. Màu keo vàng chóe, bôi lem nhem rồi lại phủ sơn lên để làm nhòe đi làm giảm giá trị của cái ghế rất nhiều. Không biết ghế này có phải là ghế thật cũ không hay mới làm.

Ghế kpan trong nhà dài Êđê (bảo tàng Dân tộc học)
Từ nhà Y Thim, chúng tôi lại đến thăm một người buôn nữa, người Kinh, cũng ở gần thành phố vì nghe nói anh này cũng có một chiếc Kpan. Anh này có một xưởng mộc, chuyên chế tác các loại bàn ghế, tượng trang trí từ những gốc cây hình thù kỳ quái. Nhà anh khá rộng, bày một chiếc sập khổng lồ bằng gỗ sấu nguyên khối, chiều rộng tới khoảng 1,6m, dày tới 20 cm, dài khoảng 2,4m, verni bóng lộn, nổi bật vân đen vàng sặc sỡ. Cái sập to, dày và nặng tới mức nó tạo cảm giác như một cái quan tài đôi hơn là một cái sập. Cạnh cái sập gỗ sấu là một cái sập tròn cũng bằng gỗ liền khối, còn khủng hơn, đường kính tới 2,5m, cũng sơn bóng lộn. Mỗi một cái sập này có giá tới vài trăm triệu. Rồi anh dẫn chúng tôi ra sau nhà, để xem chiếc kpan đang được treo ốp vào mấy cái cột xưởng cưa. Chiếc kpan này dài khoảng 9m, có tỷ lệ và đường nét cũng rất hoàn mỹ. Tuy nhiên, có 2 chân đã bị gãy khi vận chuyển và được gắn lại bằng một đống keo vàng chóe, phòi ra tứ phía. Bề mặt ghế đã bị mài lại cho nhẵn thín rồi phủ một lớp verni và dầu bóng. Tuy nhiên, do lâu không bán được, lại treo cạnh xưởng cưa nên lớp sơn đã rộp lên, bong lem nhem, chuyển màu vàng ệch, cộng với bụi cưa dày cộm, tạo thành một lớp nhớp nhúa như trát cứt. Không hiểu nếu chải sạch lại thì chiếc ghế sẽ như thế nào. Anh chủ rao giá 25 triệu cho chiếc ghế đó.
Buổi chiều, chúng tôi tới thăm nhà cố ca sỹ Y Moan, trước là để viếng ông, sau cũng muốn tham quan nơi mà nhiều người ca ngợi là một bảo tàng Tây Nguyên thu nhỏ. Sau khi thắp hương, vợ Y Moan dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà. Nổi bật nhất là bộ sưu tập trống cái Êđê, với gần 2 chục cái trống to xếp chồng chất lên nhau ở gầm sàn như những thùng rượu vang. Trước dàn trống là một bộ sưu tập ché rượu cần, đủ màu sắc, kích thước, kiểu dáng, tạo cảm giác như một cửa hàng bán chậu hoa cây cảnh. Nhà sàn Y Moan nhỏ, ngắn nên không thấy để kpan dài, chỉ có một chiếc ngắn, nhỏ nhưng bị cụt cả hai đầu, giống như một cái ghế băng bình thường. Thế mới biết Y Moan giàu lòng yêu thương dân tộc, những muốn gìn giữ cái vốn quý của dân tộc mình, nhưng Y Moan gần người Kinh lâu quá, lại ít thời gian quá, thành ra chỉ giữ được vật mà chẳng giữ được thần.
Sáng hôm sau, trên đường đi Kontum, chúng tôi ghé qua buôn Gram A. Thấy một ngôi nhà Êđê vừa to vừa đẹp bên đường, chúng tôi tạt vào xin tham quan. Không ngờ đây là nhà trưởng bản. Trong nhà để một bộ 3 chiếc Kpan, một chiếc dài, một chiếc nhỡ, một chiếc nhỏ. Ghế càng nhỏ thì càng thấp. Đầu chiếc ghế dài là trống cái. Bên cạnh còn có 3 cái bàn độc mộc, chân cong vút khỏe khoắn như ngà voi. 3 cái bàn cũng to nhỏ cao thấp khác nhau, bàn càng to thì càng cao, càng nhỏ càng thấp. Tất cả đều đã rất cũ, nước gỗ bóng lừ màu thời gian, mép gỗ đã có những vết thương tích, nhưng tất cả toát lên một vẻ đẹp giật mình, oai phong như những vị thần. Ông già bảo 3 cái bàn làm từ một cây gỗ, 3 cái ghế từ một cây khác, cái càng nhỏ càng ở phía ngọn. Rồi ông giải thích: bàn ghế muốn đẹp trước hết phải chọn cây gỗ quý, to thẳng, không tỳ vết. Sau đó phải quyết định độ dài, độ cong cho phù hợp với tỷ lệ cây gỗ. Dài quá cũng không đẹp, nếu mặt không đủ rộng. Mặt khác, nếu lấy hết chiều dài thì buộc phải làm bên to bên nhỏ, bên cao bên thấp, rồi lại phải kê một bên lên, thành ra không được đường hoàng. Vì thế cây này được cắt làm 3 đoạn, để làm 3 chiếc ghế. Cây gỗ phải kéo nguyên cây từ rừng về, rất nặng. Nhưng khi làm bàn, làm ghế, lại bỏ đi rất nhiều. Cái mặt ghế, mặt bàn càng mỏng mảnh bao nhiêu càng quý, vì mỏng mà không cong, không gãy mới là gỗ quý, mỏng mà phẳng phiu, cong đều nuột nà mới là thợ giỏi. Mặt càng rộng, càng dài, chân càng cao thì đã chứng tỏ cây gỗ phải to cỡ nào, hoàn hảo cỡ nào. Tạo ra cái mềm mại, mỏng manh, bay bổng từ cái nặng nề, thô cứng, cục súc mà không làm mất đi cái giá trị của nó, mới là nghệ thuật. Cân bằng được hai khía cạnh đấy thì mới tạo thành hồn. Người Kinh đi lùng mua ghế Kpan, đánh giá chủ yếu là độ dày của tấm ván, độ dài của ghế, mà không biết nghệ thuật chính ở chỗ làm mỏng và cắt dài vừa độ vậy. Bộ ghế này, có người trả 500 triệu ông không bán. Nghe câu truyện, nghĩ lại mấy tấm phản dày cộp vừa xem hôm trước, mới thấm thía thế nào là “chém to kho mặn”.
Khi ra khỏi nhà ông già, người con trai bảo có thể sang nhà bên kia tham quan, cũng có một ghế kpan to đẹp lắm. Nhà ấy là của Y Bia, con rể ông già, bây giờ giàu nhất buôn, lại xin được tiền nhà nước để làm nhà truyền thống êđê, hoành tráng lắm. Lúc trước, chúng tôi bỏ qua ngôi nhà của Y Bia, vì thấy đây là một ngôi nhà mới, màu sắc sặc sỡ, sàn cao quá khổ, mái đỏ chót, hai cái thang kiểu cổ truyền nhưng to đùng, sơn màu hồng rực, rất tẩm. Nhưng khi nghe con trai ông già giới thiệu, chúng tôi cũng sang tham quan. Nhà có phó chủ tịch tỉnh đến chơi. Y Bia giới thiệu mà tôi không nhớ tên. Y Bia rất nhiệt tình, giới thiệu đây là hai chiếc thang gỗ cổ truyền lớn nhất hiện nay. Lúc đó chúng tôi mới giật mình, bởi vì hai cái thang khổng lồ nhưng bậc lại quá hẹp, lại sơn giả bê tông màu hồng, không ngờ lại là thang gỗ. Toàn bộ tường nhà, sàn nhà đều bằng gỗ, nhưng bên ngoài cũng sơn giả làm tường trát nên mới đầu tôi tưởng là giống mấy cái nhà rởm mà dự án nhà nước thường cho xây làm nhà cộng đồng. Vào trong mới biết toàn là gỗ tốt, sơn bóng lộn như hàng mỹ nghệ. Trần đời tôi mới thấy người ta sơn vân lên bê tông để giả gỗ, chưa thấy ai sơn lên gỗ giả làm bê tông bao giờ. Tất cả bên trong đều bóng lộn một màu, tuy nhiên, hình khối và vóc dáng của chiếc kpan vẫn nổi bật lên. Tôi chưa thấy cái kpan nào to đẹp như thế. Vừa to, vừa phẳng, vừa dài, chân vững, hai đầu ghế vút lên kiêu hãnh. Chỉ tiếc là nó đã bị đánh nhẵn, phun verni và phủ sơn bóng lộn như toàn thể ngôi nhà. Tôi không kìm được sự thán phục về chiếc ghế, nhưng cũng không thể kìm được phải chê là việc đánh nhẵn phun bóng đã làm chết nước gỗ, giảm giá trị chiếc ghế đi rất nhiều. Y Bia có vẻ nhận ra vấn đề, giải trình: nhà mới làm, còn nhiều việc lu bu quá, không tránh khỏi sai sót, hy vọng thời gian sẽ làm mờ lớp sơn này đi. Y Bia kể là mua ghế 90 triệu, công chở 8 triệu nữa là 98, mà phải chở lậu buổi đêm. Ngài phó chủ tịch phán: ghế này khủng nhất tỉnh, sơn thế chứ sơn nữa, người ta vẫn nhận ra là đồ cổ, lo gì. Bây giờ thì làm gì có giá ấy nữa, phải tôi thì có 900 triệu cũng mua.
Tuy chiếc kpan ở nhà Y Bia bị mài nhẵn sơn bóng, nhưng dù sao nó vẫn ở vị trí quen thuộc trên nhà sàn Êđê, tuy là dạng cách tân, vì vậy thần thái gần như vẫn còn được tới 60%. Thê thảm nhất là cảnh tượng trong bảo tàng Dak lak. Ở đây, những chiếc Kpan hùng tráng bị đặt trên những bệ gỗ cóm róm đánh véc-ni đỏ, chạy phào chỉ xung quanh như mấy bục trang trí hoa giả trong một buổi họp hợp tác xã. Nghĩ tới Marcel Duchamp đặt cái bồn tiểu lên tường bảo tàng, khiến ai cũng giật mình. Một vật vài trăm đô được nâng lên thành tác phẩm nghệ thuật giá trị hàng triệu đô. Còn ở đây, một biểu tượng văn hóa trân quý và sang trọng đồng thời là một kiệt tác tạo hình có thể bị biến thành một đồ vật hoàn toàn ngớ ngẩn bằng cách tôn nó lên bục.
Thằng bé đi cùng đoàn giải thích kpan vốn là một thằng người có hai đầu nhưng mãi không chọn được dùng đầu nào, đành nâng hai cái đầu lên, giơ ra xa để so sánh, ngắm nghía, dần dần càng ngày hai đầu càng giơ ra xa nhau hơn. Sau đó nó vẽ một bức tranh về kpan, rất thuyết phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...