Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Ai Cập miền đất của những tạo tác hùng vĩ

Ai Cập miền đất của những tạo tác hùng vĩ
Một vùng sa mạc mênh mông dưới bầu trời xanh thẳm không một gợn mây, một vầng thái dương chói chang, hừng hực từ tinh mơ đến chiều tà, vượt ngang dòng sông dằng dặc chảy từ Nam lên Bắc, đó là đất n­ước Ai Cập – một trong những cái nôi văn hoá cổ nhất của loài ngư­ời. Trong các quốc gia văn minh thời cổ, Ai Cập đã để lại rất nhiều chứng tích hùng hồn về một nền nghệ thuật hoàn chỉnh với âm nhạc, vũ đạo, điêu khắc và đặc biệt là kiến trúc xuất sắc mà có lẽ chỉ yếu tố tôn giáo mới giải đáp đư­ợc điều bí ẩn lớn là do đâu mà trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như­ vậy, với sức lao động thô sơ, vậy mà người Ai Cập đã sáng tạo được những công trình kiến trúc hùng vĩ bậc nhất thế gian.
Nói đến Ai Cập phải mở đầu bằng kiến trúc
Ai cũng biết Ai Cập là miền đất của các Kim tự tháp. Nhìn xa, ngư­ời xem có cảm giác như­ những núi đá sừng sững mang đậm dấu ấn lịch sử nghệ thuật xa xưa với với bao điều thần bí, nơi các Pharaông (vua Ai Cập) cũng được đồng nhất với các vị thần. Ở đó có quan niệm về cuộc sống vĩnh hằng sau khi chết, quan niệm đó đã ăn sâu vào tiềm thức con ng­ười thời đó và đã chi phối mọi hình thức nghệ thuật.
Các Kim tự tháp ra đời được coi như­ những ngôi nhà vĩnh hằng giúp các Pharaông thực hiện cuộc thăng thiên. Với quan niệm linh hồn sẽ tiếp tục cuộc sống bên kia, nếu xác không biến thành tro bụi – tục ­ướp xác ra đời.
Vì quan niệm rằng đời ngư­ời tiếp nối cả sau khi chết cho nên hiện vật tuỳ táng trong các hầm mộ Pharaông và các bậc quyền quý thường vô cùng phong phú. Tiếc là hầu hết vàng bạc, châu báu chế tác tinh vi chất đầy trong đó, qua nhiều cuộc xâm nhập, trộm cắp suốt mấy ngàn năm, nay chẳng còn lại bao nhiêu.
Hùng vĩ bậc nhất trong kiến trúc nhân loại là các Kim tự tháp thời Cựu vư­ơng triều, được xếp vào một trong bảy kỳ quan của thế giới Cổ đại. Đó là 3 Kim tự tháp miền Gidet sừng sững trong bầu trời như thách thức với thời gian. Người Ai Cập thường tự hào rằng: “Bất cứ cái gì cũng đều sợ thời gian, riêng thời gian lại sợ Kim tự tháp”. Bàn tay của thời gian và đặc biệt là bàn tay con người đã tàn phá bao nhiêu công trình tuyệt mĩ của thời xa xưa nhưng cho đến nay vẫn chưa gây ra một tác hại gì đến những Kim tự tháp này. Cái bền vững về mặt xây dựng, cái vĩ đại về khối lượng, cách bố trí về mặt kiến trúc và hình như cả sự thần bí nữa đã bảo đảm cho Kim tự tháp “thi gan cùng tuế nguyệt”.
Những Kim tự tháp vĩ đại này là cả một sự thách thức đối với con người thời hiện đại, là cả một màn bí mật cho người du lịch, nhà khảo cổ, nhà ngôn ngữ học, nhà kiến trúc sư­ và các nhà Ai Cập học nhiều bí ẩn bên ngoài và đặc biệt là trong lòng Kim tự tháp.
Kim tự tháp Kê – ốp là cả một công trình kiến trúc tuyệt vời đáng kinh ngạc trước tài nghệ vô song, sự tinh tế, sự cần cù của một dân tộc giàu có, yêu nghệ thuật. Kim tự tháp Kê – ốp được xây dựng khoảng 2900 trước công nguyên chiếm 600 mẫu đất được ghép bằng 230 vạn tảng đá. Trung bình mỗi tảng nặng 2,5 tấn được mài nhẵn, ghép sát nhau đến nỗi mũi kim cũng không thể lách vào được. Bề dài mỗi cạnh đáy là 230m. Những mặt bên đều dốc theo một góc 51052’ và hướng  rất chính xác theo 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc. Độ cao so với mặt biển ở góc Nam và Bắc chỉ chênh nhau có 8mm. Đặc biệt mỗi tảng đá dưới chân tháp nặng 5,5 tấn, thể tích 26m3. Chiều cao ban đầu của Kim tự tháp là 147m, gần bằng toà nhà 50 tầng! Đường vào Kim tự tháp ở hướng Bắc, rất hẹp, một cửa vào cách mặt đất 17,42m sở dĩ như vậy là để đề phòng kẻ gian chui vào cướp bóc của quý. Đường vào hầm tối đen như mực. Càng vào sâu đường càng chằng chịt, rắc rối, hóc hiểm rất dễ bị lạc.
Mới đây các nhà khoa học Pháp, Nhật  đã phát hiện ra điều bí ẩn thú vị. Đó là nhiều khoảng trống trong lòng Kim tự tháp chiếm 1/5 toàn bộ thể tích công trình. Những khoảng trống này chứa một thứ cát đặc biệt, không có ở vùng xung quanh Kim tự tháp. Đó là ý đồ của người xây dựng Cổ đại nhằm bảo vệ Kim tự tháp tránh khỏi những trận động đất phá huỷ. Chính vì vậy mà công trình nặng gần 6 triệu tấn qua 50 thế kỷ vẫn vững chãi. Chúng ta cũng không phải bận tâm về những trận động đất sắp xẩy ra ở vùng Địa Trung Hải theo dự đoán của các nhà khoa học.
Các nhà khoa học đã mang các thiết bị chiếu sáng cực mạnh vào trong Kim tự tháp. Khi ánh sáng bừng lên, họ sửng sốt thấy những bức tranh tuyệt đẹp, màu sắc còn tươi nguyên.
Các nhà khoa học Nhật Bản lại còn khám phá ra một hành lang đã bị bịt kín dẫn vào lòng kim tự tháp.
Họ đã phát hiện qua màn huỳnh quang của máy tính điện tử toàn bộ hình dạng của chiếc thuyền Cổ nằm trong khoảng trống ở phần đáy Kim tự tháp. Chiếc thuyền này có hình dạng kỳ lạ. Nó có nét giống như­ một phi thuyền ngoài vũ trụ. Người đến thăm Kim tự tháp, lúc trở về kể lại với bao nhiêu hứng thú: “Người ta đã bắt đầu thấy những tảng đá khổng lồ ấy cách xa m­ười dặm và những nấm mồ ấy lại hình như­ xa dần khi chúng ta tiến dần lại, khi chỉ còn cách một dặm, Kim tự tháp như­ một bức tường thành và ta có cảm giác như­ đã đứng ngay dưới chân tháp. Còn khi đứng sát những công trình này, con người cảm thấy xốn xang, bé nhỏ, sợ hãi, ngạc nhiên, thán phục, kính trọng và thậm chí cả tức giận nữa.
Kim tự tháp Kê – ốp được xây dựng trong vòng 40 năm, riêng việc chuẩn bị lấy đá làm con đ­ường vận chuyển vật liệu xây dựng cũng mất 20 năm. Hàng chục ngàn người đã ngã xuống vì ốm đau, bệnh tật, roi vọt. Hàng vạn người đã nai lưng dưới nắng gay gắt trong 40 năm, bao nhiêu ngân khố đổ hết vào chỉ để xây một cái mộ chôn xác của một ông vua chuyên chế mà thôi! Nhưng xét cho cùng, chúng ta cũng phải khẳng định rằng, chính những tham vọng của Pharaông, cái triết lý tôn giáo đặc biệt của tăng lữ thời bấy giờ, chính nhờ sự thống nhất đất nước đã tập trung của cải, sức lực, bàn tay và khối óc của toàn dân Ai Cập thì mới có những công trình thần kỳ như­ vậy. Đó chính là công lao của hàng triệu người lao động Ai Cập, là vật lưu niệm của nhân dân Ai Cập chứ không phải là bia kỷ niệm của các Pharaông.
Kim tự tháp Ai Cập mãi vẫn còn là nguồn đề tài không bao giờ cạn cho những nhà nghiên cứu, phát hiện, là những công trình thần kỳ bằng đá mà muôn đời sau mãi khâm phục!
 Theo http://ppe.htu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...