Quên và nhớ
Nước mắt chảy tháng năm hun hút giếng
Bao bà mẹ cúi đầu nghiêng bóng xuống khổ đau
Hàng triệu đứa con trở mình trong đất lạnh
Nửa thế kỷ tìm con run chân mẹ qua cầu
Dẫu gió lãng quên thổi dọc đường lịch sử
Những ngôi mộ vô danh vẫn làm vấp chân người
Dẫu với ai chuyện đạn bom đã trở thành cổ tích
Ngày giỗ con nào - nước mắt mẹ chẳng rơi!
Hương trầm thơm từng dòng lịch sử
Nước mắt trong veo không tính nổi giá thành
Một ngàn lần nói những lời tiếc thương
xin một lần ghé vào mái nhà lợp rạ
Nhìn mẹ ta gầy lập cập giữa trời xanh.
Nguyễn
Đức Hạnh
Lời bình của Đỗ Ngọc Yên
Bài thơ là một bức ký hoạ bằng lời, trong đó nổi lên hình
bóng người mẹ Việt Nam trên đường đi tìm lại đứa con đã hy sinh nơi chiến trận,
được tạc vào bầu trời xanh vĩnh hằng. Nền của bức tranh phía trước mẹ là những
ngôi mộ vô danh trong một nghĩa trang liệt sỹ cũng vô danh. Thấp thoáng phía xa
xa là căn nhà, mái hãy còn lợp rạ. Nhưng đọc lên ta cảm thấy dường như tác giả
đã chạm vào một cái gì đó thật sâu và cũng thật xa, mà nhiều khi mải bươn chải
với cuộc sống thường nhật nhiều người có thể dễ dàng lãng quên. Còn với mẹ:
Dẫu với ai chuyện đạn bom đã trở thành cổ tích
Ngày giỗ con nào - nước mắt mẹ chẳng rơi!
Như một lẽ thường tình thời gian là thang thuốc kỳ diệu có thể
chữa lành những vết thương trên cơ thể con người bằng cách tạo ra những cái sẹo
và được che lấp đi bằng áo quần. Nhưng vết thương trong tâm hồn người mẹ liệt sỹ
Việt Nam dù đã gần nửa thế kỷ qua đi, sao hôm nay vẫn như còn rớm máu mỗi lần đến
ngày giỗ con hay mỗi khi bàn chân gầy của mẹ run run bước qua cầu đi về phía trời
xanh để lần tìm lại đứa con yêu của mình. Không rõ đến ngày mẹ về thế giới bên
kia liệu vết thương đó có thành sẹo (?) Chữ nào trong câu thơ trên là
một trạng từ chỉ một mốc thời gian cố định, cái ngày con mẹ đã ra đi
vĩnh viễn hay là tính từ chỉ số những người con của mẹ đã ra đi, thật
khó mà xác định được. Tính không xác định của từnào ở đây đã tạo nên chiều
sâu trong trường liên tưởng của ngôn ngữ thơ, cũng như càng làm tăng thêm sức
chịu đựng của những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Có thể nói lịch sử dân tộc ta luôn gắn liền với những cuộc đấu
tranh dựng nước và giữ nước. Như vậy cũng có nghĩa là một bên nó luôn gắn với sự
hy sinh của những con người bằng xương bằng thịt nơi chiến tuyến. Và còn lại
phía bên kia là nỗi đau của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương. Trong bất
kỳ cuộc chiến tranh nào người mẹ cũng là người phải gánh chịu nhiều thiệt thòi
và khổ đau nhất. Chính mẹ chứ không phải ai khác đã nhiều lần phải dứt ra từng
khúc ruột của mình để dâng hiến cho nền độc lập tự do của dân tộc. Để rồi khi
cuộc chiến đã đi qua và với ai đó đã trở thành cổ tích, còn với mẹ, nó như mới
xảy ra đâu đó và mãi mãi vẫn chỉ là hiện tại. Thời gian và không gian vật lý giờ
đây đã trở nên quá chật chội và vô nghĩa. Cái còn lại đáng kể với mẹ bây giờ là
nỗi đau trong cuộc kiếm tìm lại đứa con một đi không trở về.
Khác với người vợ trong bài thơ Thề non nước của Tản
Đà chỉ biết khóc thương và chờ mong người chồng nơi biên tái trở về: Suối
khô dòng lệ chờ mong tháng ngày, còn người mẹ trong thơ của
Nguyễn Đức Hạnh không chỉ có khóc thương cho đến khi Nước mắt trong veo không tính nổi giá thành, mà còn dám trèo đèo lội suối quyết đi tìm cho bằng được đứa con yêu của mình, mặc dù đã: Nửa thế kỷ tìm con run chân mẹ qua cầu. Tiếc thay... điều ấy vĩnh viễn chỉ là ước nguyện. Nhưng nào đâu mẹ có cần gì hơn thế nữa! Mẹ chỉ cần có ước nguyện tìm lại cái phần đời mà mình đã ký thác vào đứa con là mẹ có thể sống trọn kiếp người trên thế gian này. Ôi chao! Một cuộc rượt đuổi kiếm tìm cái không thể kiếm, bền bỉ, âm thầm và kỳ diệu làm sao! Nó đã xuyên thời gian và không gian lịch sử và vì thế nó trở nên vô định, nhưng là một sự thật hiển nhiên, mà chỉ có những người con của mẹ, kẻ đã từng bước ra từ cuộc chiến mới có thể thấu hiểu cho nỗi lòng mẹ thôi!
Nguyễn Đức Hạnh không chỉ có khóc thương cho đến khi Nước mắt trong veo không tính nổi giá thành, mà còn dám trèo đèo lội suối quyết đi tìm cho bằng được đứa con yêu của mình, mặc dù đã: Nửa thế kỷ tìm con run chân mẹ qua cầu. Tiếc thay... điều ấy vĩnh viễn chỉ là ước nguyện. Nhưng nào đâu mẹ có cần gì hơn thế nữa! Mẹ chỉ cần có ước nguyện tìm lại cái phần đời mà mình đã ký thác vào đứa con là mẹ có thể sống trọn kiếp người trên thế gian này. Ôi chao! Một cuộc rượt đuổi kiếm tìm cái không thể kiếm, bền bỉ, âm thầm và kỳ diệu làm sao! Nó đã xuyên thời gian và không gian lịch sử và vì thế nó trở nên vô định, nhưng là một sự thật hiển nhiên, mà chỉ có những người con của mẹ, kẻ đã từng bước ra từ cuộc chiến mới có thể thấu hiểu cho nỗi lòng mẹ thôi!
Bài thơ là một tấm lòng nhân hậu sẻ chia với những số phận
không may đã sinh ra giữa thời đất nước có chiến tranh. Chiều sâu nhân bản là
cái tưởng chừng xưa cũ như trái đất này. Vậy mà, càng đọc người ta càng thấy nó
xoáy vào tâm can mình một nỗi đau nhân thế. Tựu trung lại ở đời cũng chỉ có hai
điều là: Nhớ và Quên. Nhưng chính điều đó đã làm thức dậy và
luôn nhắc nhở chúng ta dù mai ngày có miếng ăn, miếng để, cuộc sống có thể sung
túc hơn về vật chất, thì xin ai ơi chớ vộiđạp ván qua cầu. Để có được cuộc sống
bình yên hôm nay và mai sau đã có hàng triệu người vĩnh viễn ra đi không trở lại
và cũng có ngần ấy những người vợ, người mẹ vẫn đang phải sống trong khổ đau và
nước mắt.
Và có lẽ không có lời kết nào hơn cho bài viết nhỏ này bằng
hai câu cuối của bài thơ trong dịp toàn Đảng toàn dân và tòa quân ta đang chuẩn
bị long trọng kỷ niệm 68 năm ngày TB - LS:
Một ngàn lần nói những lời tiếc thương
xin một lần ghé vào mái nhà lợp rạ
Nhìn mẹ ta gầy lập cập giữa trời xanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét