Nghĩ về Bích Khê
Nếu trong thơ Hàn Mặc Tử hay đề cập đến Trăng, thì Bích Khê lại hay nói đến
Thu, mùa Thu:
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ
(Mộng cầm ca)
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
(Tỳ Bà)
Đêm nay hồn lặng làm sao
Cánh thu ôm cả chiêm bao vào lòng
(Cuối thu)
Ô! Mộng đêm thu mây vút xa
Say sưa ộ sắc cạnh đào hoa
(Mộng)
Mùa thu ám ảnh nhà thi sĩ
Muốn thổi tiêu vàng giữa khói sương...
(Nấm mộ)
Thu đã ám ảnh thi sĩ nên nó đầy dẫy trong Tinh Huyết và Tinh Hoa. Anh cũng từng có bút hiệu là Lê Mộng Thu. Phải chăng vì địa danh Thu Xà là nơi sinh trưởng Bích Khê mà cũng là chốn an nghỉ cuối cùng của anh, miền đất quê hương đã in đậm nét trong thơ anh:
Nơi đây làng cũ buồn hiu quạnh (làng em)
Phố phường hai dãy đứng trơ trơ (Thu Xà cảm tác)
Nặng lòng với quê hương ư ? Thì cũng đúng, nhưng còn hơn thế nữa kìa, vì theo các nhà “tâm lý học miền sâu” (Psychologie des profondeurs), đó là hiện tượng con người luôn luôn muốn trở về nguồn (besoin de retour au sein maternel). Quê hương hay đất mẹ cũng là mẹ đó thôi. Một hình ảnh khắc sâu trong tâm khảm con người của nghìn đời trước và nghìn đời sau. Nó thể hiện bằng những hình ảnh tượng trưng, nó biến thái, nó thăng hoa khó nhận ra đấy, nó cũng mang dấu ấn tình cảm, cảm xúc... Bích Khê là nhà thơ, hẳn nhạy cảm hơn ai hết thì tên địa danh quê hương làm sao không nặng trĩu trong lòng để biến hình thành Thu, như Thu với nắng, trăng ngọc, kim cương sao...
Thu Xà là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Nghĩa. Nhưng Thu Xà là gì? Căn cứ theo bộ địa bạ ghi chép từ năm Gia Long thứ 12 (1814) thì Thu Xà vốn là xã Tăng Sai nghĩa là đánh cá bằng bè lưới, nôm na là bè rớ. Thời Gia Long, Minh Mạng làng này dân cư thưa thớt, nhưng đến đầu thế kỷ 20 đã có người Hoa Kiều đến ở và buôn bán rất phồn thịnh, dân cư trở nên đông đúc. Có thể người Hoa đến ở thấy chữ Tăng Sai không mấy đẹp nên đã đổi thành Thu Sai, Sai cũng đọc là Sài. Hay là tên làng đã được đổi thay từ đời Tự Đức, nên trong Đại Nam Nhất Thống Chí được biên soạn trong thời này đã viết tên làng là Thu Sài, người Hoa phát âm là Thu Sà rồi thường dân gọi Thu Xà thành thói quen.
Thu Xà nằm bên bờ sông gần cửa biển tiện cho việc thuyền bè đi lại cả đường sông lẫn đường biển. Nó cách Cổ Lũy một dòng sông, là một trong những thắng cảnh của Quảng Nghĩa “Cổ Lũy Cô Thôn”. Cửa biển là cửa Đại, nơi sông Trà Khúc và sông Vệ gặp nhau nên lòng sông khá rộng và sâu. Từ Thu Xà ra biển chỉ vào khoảng 2 cây số, phía nam Thu Xà có Vực Hồng, nơi dòng sông Vệ đổ về xoi sâu vùng đất đỏ thành bờ cao trong rất hùng vĩ. Đối chọi với Vực Hồng là Phú Thọ ở phía Bắc có núi đá đen khá uy nghi. Qua dải sông sâu là Cổ Lũy nằm sát bên bờ biển chơ vơ với đám rừng dừa cao ngút nghiêng mình bên mé nước trong xanh, cũng là nơi thuyền bè ra vào với những cánh buồm trắng xóa hay chen chúc nhau đậu bên bờ. Sớm chiều ánh nắng vàng êm dịu trải lên màu xanh đậm của nước, của cát trắng, của ruộng đồng lúa mía, của những mảnh đất nơi đây đỏ nơi đây vàng pha lẫn với đá đen, cùng với những mái nhà xám màu tranh tre hay gạch ngói đỏ. Nói chung cảnh trí Thu Xà và các vùng lân cận là một bức tranh hài hòa dễ khơi động hồn thơ hơn đâu hết; nên không lạ nơi sinh trưởng ra Bích Khê. Và rồi miền đất nước có sông sâu biển rộng núi cao này ảnh hưởng đến đời thơ anh không phải là ít. Điều đó quá rõ là thiên tài Bích Khê phát triển quá sớm, mới 12, 13 tuổi đã biết làm thơ Đường, đến 15, 16 tuổi đã có thơ đăng báo và xướng họa với những vị lão nho.
Thế nhưng tại sao Bích Khê đến với thơ mới quá muộn? Mãi đến năm 1937 anh mới tuyệt giao với thơ cũ và gia nhập vào làng thơ mới. Phải chăng vì những lý do sau đây:
Bích Khê là con trai út trong gia đình có truyền thống cách mệnh, ông cha đã từng tham gia các phong trào yêu nước. Thơ anh đăng trên báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn v.v...cũng là thơ yêu nước. Anh lại chịu ảnh hưởng của cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng khá nặng nên có thành kiến với thơ mới:
Rồng vẽ lối xưa toàn những sáo
Cua bò thơ mới chả nên câu.
Chính nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng cũng từng tâm sự với chúng tôi là do ảnh hưởng của cụ Phan quá nặng mà thơ anh đắm trong tinh thần yêu nước, không thoát xác để đi vào thơ mới sớm hơn. Đó là chưa kể dân tình, dân khí Quảng Nghĩa luôn luôn có máu cách mạng, ưa bạo động. Quảng Nghĩa cũng là đất Chiêm Thành xưa, mà Quảng Nam, Bình Định cho đến bây giờ vẫn còn ít nhiều di tích của Chàm, những cổ tháp cao ngạo nghễ với trời xanh. Trong khi đó ở Quảng Nghĩa đã từ lâu chẳng còn dấu vết gì của Chiêm Thành, nếu còn chăng chỉ là những viên gạch to tướng thỉnh thoảng gặp nơi các cánh đồng. Do đó kể từ phong trào Văn Thận, Duy Tân, Đông Du ... lúc nào cũng sôi nổi ồ ạt, làm sao không lay động đến tâm hồn Bích Khê. Những sự kiện vừa nêu là những dây xích cột chặt anh trong trường phái cổ điển Đường Luật dù anh là người học Tây. Cũng nên kể thêm rằng từ sau 1936, hoàn cảnh đất nước và dân tộc Việt Nam rõ ràng rơi vào ngõ bí thoái trào trầm trọng. Tâm trạng “Bán sầu”, “Bán thơ” (đầu đề bài Hát nói của Bích Khê) là có thật; cũng là tâm trạng mất định hướng của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ.
Nên khi gặp và đọc thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên thì Bích Khê như người chụp được phao cứu mệnh, tìm được sự giải thoát cho chính mình. Gia nhập vào làng thơ mới tức là gia nhập vào trào lưu lãng mạn. Xin đừng hiểu nghĩa từ lãng mạn theo thông tục lâu nay là xấu xa, mà phải hiểu theo tinh thần chính thống của Tây Phương. Nó là hiện tượng chống lại chủ nghĩa quý tộc mà sinh ra chủ nghĩa bình dân, chống lại chủ nghĩa hình thức mà sinh ra chủ nghĩa tự do, nó chối bỏ cái thế giới thực xấu xa bỉ ổi mà hướng về cội nguồn, một địa đàng xa xôi, nôm na là mơ về một thế giới lý tưởng. Ánh sáng văn học thế giới cận đại mở đầu là do chủ nghĩa của phái lãng mạn.
Vừa gia nhập làng thơ mới tại sao Bích Khê lại xông vào trường phái tượng trưng? Có người cho là do ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử, cũng đúng một phần, nhưng chưa phải là lý do duy nhất. Ý thức chuyển hướng vào thơ mới từ năm 1937, cũng là giai đoạn thơ mới đã hình thành và có thể đứng vững vàng; vì đã có nhiều tác phẩm ra đời, và có bao nhiêu người xứng danh là thi sĩ. Với cách mạng Chế Lan Viên đã từng tỉ tê “Đi xa về quá chậm”, nhưng trong văn học đối với Bích Khê phải đổi lại là “Về chậm phải đi xa”. Hơn nữa, đến năm 1937 chiếu làng thơ mới với trường phái lãng mạn đã chật chỗ vì các nhà thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Thanh Tịnh v.v...và còn một lý do chính yếu là Bích Khê có thừa khả năng tiếp xúc với các trào lưu văn học thi ca Pháp, thì trường phái tượng trưng vốn có tính chất canh tân cách mạng quá hợp với anh. Có thể nói đó là mảnh đất tốt để cho hạt giống tài năng Bích Khê ấp ủ lâu nay được cơ hội gieo trồng phát triển: Tượng trưng vầy cao đẹp
Chỗ chính phẩm văn chương
(Ngũ Hành Sơn - hậu)
Vậy thơ tượng trưng là gì? Nôm na nó là một phong trào tân lãng mạn của Pháp phát sinh từ cuối thế kỷ 19, do các thi nhân thiên tài dẫn đầu là Rimbaud, Verlaine, Mallarmé... Thơ với họ là tiếng nói của vô thức, là đào sâu vào tự ngã, nhắm tìm kiếm một ý tưởng siêu việt, một nguyên tố thâm sâu của vũ trụ, cũng gọi là bản thể, là thực tại hay cuộc sống nội tâm:
Ôi sắc đẹp, anh hoa hồn vũ trụ
Phấn Trang sinh : tính chất khí âm dương
Mi làm long phím lòng muôn trinh nữ
Muôn tài hoa nghiêng nước vẻ thiên hương
Mi rớt ngọc cho vang muôn tinh tú
Mi nhả sâm ngọt lịm vạn sầu thương
(Đồ mi hoa)
Nó mang tính chất siêu hình, hay đúng hơn nó quan niệm rằng: sáng tác thi ca là đi tìm một tri thức bí nhiệm, thi nhân là kẻ giúp ta khám phá những gì ta chưa bao giờ nhìn thấy, cảm biết:
Hỡi trần gian hãy chết ngột trăng sao
Cho nhân lý ngời ra như lưỡi kiếm
Và hào quang khiêu vũ với hào quang
(Nàng bước tới)
Do đó họ phải mượn các hiện tượng vật chất để diễn tả cái tâm linh nội tại, nó có khuynh hướng chủ quan thần bí, nó dùng ẩn dụ, ám thị làm ấn tượng diễn tả. Nó ỷ lại vào âm nhạc để diễn tả tâm linh huyền diệu của con người, nên phần lớn phải vận dụng hình ảnh, và cũng vì nhiều khó khăn đó, nó phải phối hợp hội họa, điêu khắc kiến trúc, vũ khúc, nói chung là vận dụng các cảm xúc hương vị, âm thanh, màu sắc... để nói lên cái điều không sao nói được. Muốn đạt đến cảnh giới đó nhà thơ phải trực cảm hay sống bằng trực giác:
Chữ biến hình ảnh mới, lúc trong ngâm
Chữ điêu khắc tỉa nghệ thuật sầu câm
Đây thẩm mỹ như một pho thần tượng
Múa song song khiêu vũ với đêm hồng
(Duy Tân)
Sự kiện ấy có vẻ mới lạ với Tây Phương, nhưng đối với văn học Đông Phương thì lại là chuyện cũ. Vì từ Kinh Thi, Sở Từ, Nam Hoa Kinh cho đến thi ca Đường Tống... đều mang tính chất tượng trưng. Có điều họ không nói tượng trưng mà lại nói là Ngộ, là Thiền, là Thần Vận, Tính Linh v.v... Vì vậy không lạ gì Bích Khê đến với thơ mới bằng con đường tượng trưng. Thoạt nhìn cứ ngỡ là anh bị ảnh hưởng trực tiếp trường phái tượng trưng Pháp, nhưng có đi sâu vào thơ anh mới thấy anh chỉ mượn cái xác của Tây để rồi tái sinh bằng cái hồn, cái sống của tinh thần Đông Phương hay của Việt Nam có lẽ đúng hơn:
Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng
Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng
(Duy Tân)
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm Đông quân
(Tỳ Bà)
Tinh thần Đông Phương ấy thể hiện đầy dẫy trong Tinh Huyết, nói chi đến Tinh Hoa thì hoàn toàn là thứ tượng trưng thuần Đông, thuần Việt, và cũng vì vậy nó mang tính chất là thơ Thuần túy hơn tượng trưng, tiêu biểu là hai bài Ngũ Hành Sơn. Xin miễn trích dẫn dài dòng để còn được đề cập đến một điểm nữa là khả năng lao động thơ của Bích Khê, mà trước đây ít người nói đến.
Trong vòng chỉ có ba tháng mà hoàn thành tác phẩm thơ như Tinh Huyết, dù không vĩ đại cũng phải nói là một kỳ công. Và tác dụng của nó như một quả bom nổ giữa làng thơ Việt, khiến ai cũng ngạc nhiên, Hàn Mặc Tử đã trân trọng giới thiệu với sự ca tụng hết lời. Đã hay sáng tác cần phải có thiên tài, nhưng thiên tài không chưa đủ để thành tác phẩm mà còn phải có nhân lực.
Đến như Newton còn phải nói: thiên tài chỉ là sự nhẫn nại kham khổ lâu dài. Trong địa hạt văn học phần nhân lực lại còn quan trọng hơn. Câu chuyện một bước thành thơ hay uống một đấu rượu hoàn thành trăm bài thơ khó mà có thật, hay nếu có cũng chỉ là tình cờ cọng với bao nhiêu công phu tu dưỡng từ trước mà thôi. Hẳn ai cũng biết muốn thành thơ là phải có cảm hứng (inspiration), đúng ra phải gọi đó là nguồn linh cảm, nó thường bột phát ngoài ý liệu của tác giả nên thành tựu rất mau. Người xưa cho đó là sự khai thị của thần linh, nhưng theo các nhà tâm lý học hiện đại thì linh cảm là những gì đã được thai nghén uẩn nhưỡng trong tâm tư rồi đột nhiên hiện ra đấy thôi. Hiện tượng thai nghén phải có thời gian để cho tiềm thức hoạt động, đến khi nào ý thức buông xả là lúc ý tưởng hình ảnh dễ dàng xuất hiện. Ý thức buông xả là trực giác thì chữ thơ tuôn trào, thế nhưng chưa phải là tác phẩm đã hoàn thành, chẳng qua chỉ mới là những phác thảo như đứa trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ, còn phải gỡ nhau, cắt rún, tắm rửa, nuôi dưỡng v.v... rồi mới ra người. Nói rõ là còn phải tôi luyện sửa chữa càng nhiều bấy nhiêu. Loại thơ bình thường còn phải thế, huống chi là nhà thơ có tầm vóc thì khi sáng tạo một phác thảo rồi sau đó phải tính toán tỉ mỉ như nhà luyện kim thuật, nhà toán học, kiến trúc sư, chữ thơ phải được cân nhắc, nghĩa thông dụng, nghĩa ngữ học, nghĩa ẩn tàng và những hình ảnh đưa ra phải mới lạ, lại còn phải chú trọng đến âm điệu chất nhạc...
Trăng có đôi: rưng rưng ánh ngọc
Mùa rất cao: đẹp xuống anh hoa
(Lên Kim Tinh)
Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc
Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương
(Nàng bước tới)
Nhìn chung là công việc rất nhiêu khê, thế mà thay vì hứa hẹn sáu tháng, chỉ trong ba tháng Bích Khê đã hoàn thành tập Tinh Huyết với số lượng 50 bài, mà bài có ngắn đâu. Thật đúng như tên tác phẩm, nó là máu lệ, tinh tủy của tác giả cơ hồ như đã trút hết vào đó. Tiếc rằng hằng ngày chúng ta chẳng còn một bản thảo nào của Bích Khê, tuy nhiên cứ nhìn vào tác phẩm, hay chịu khó đọc lại toàn bộ tác phẩm của Bích Khê, hẳn cũng thấy được anh đã phải làm việc như thế nào... Đã hay trong Tinh Huyết cũng còn những khuyết điểm, nhưng cũng chỉ là sơ sót nhỏ. Trong thời điểm 1939 và cho đến ngày nay nữa tập thơ Tinh Huyết vẫn là một kỳ công. Phải chăng vì dốc hết tâm lực, hay nói theo danh từ ngày nay Bích Khê đã lao động quá mức, nên đã hoàn thành được Tinh Huyết thì anh cũng ngã bệnh lao. Thật là một đời đã cống hiến và dâng trọn cho nghệ thuật. Tinh Hoa là tác phẩm của cơn bệnh đã đi vào giai đoạn trầm kha.
Có một điều hơi lạ, là ngày rời khỏi cõi thế để đi về chốn vĩnh hằng của Bích Khê sao giống hệt Rimbaud, là cả hai cũng thấy trước giây phút ra đi của mình, cũng dọn mình, cũng sửa soạn cho một cuộc hành trình bất tử.
Thật là:
Châu vỡ thiên tài lai láng cả
Chết rồi khí phách của tôi đâu?
Khí phách đó gởi trọn trong Tinh Huyết, Tinh Hoa hay phó thác hết cho hậu thế chúng ta.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ
(Mộng cầm ca)
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
(Tỳ Bà)
Đêm nay hồn lặng làm sao
Cánh thu ôm cả chiêm bao vào lòng
(Cuối thu)
Ô! Mộng đêm thu mây vút xa
Say sưa ộ sắc cạnh đào hoa
(Mộng)
Mùa thu ám ảnh nhà thi sĩ
Muốn thổi tiêu vàng giữa khói sương...
(Nấm mộ)
Thu đã ám ảnh thi sĩ nên nó đầy dẫy trong Tinh Huyết và Tinh Hoa. Anh cũng từng có bút hiệu là Lê Mộng Thu. Phải chăng vì địa danh Thu Xà là nơi sinh trưởng Bích Khê mà cũng là chốn an nghỉ cuối cùng của anh, miền đất quê hương đã in đậm nét trong thơ anh:
Nơi đây làng cũ buồn hiu quạnh (làng em)
Phố phường hai dãy đứng trơ trơ (Thu Xà cảm tác)
Nặng lòng với quê hương ư ? Thì cũng đúng, nhưng còn hơn thế nữa kìa, vì theo các nhà “tâm lý học miền sâu” (Psychologie des profondeurs), đó là hiện tượng con người luôn luôn muốn trở về nguồn (besoin de retour au sein maternel). Quê hương hay đất mẹ cũng là mẹ đó thôi. Một hình ảnh khắc sâu trong tâm khảm con người của nghìn đời trước và nghìn đời sau. Nó thể hiện bằng những hình ảnh tượng trưng, nó biến thái, nó thăng hoa khó nhận ra đấy, nó cũng mang dấu ấn tình cảm, cảm xúc... Bích Khê là nhà thơ, hẳn nhạy cảm hơn ai hết thì tên địa danh quê hương làm sao không nặng trĩu trong lòng để biến hình thành Thu, như Thu với nắng, trăng ngọc, kim cương sao...
Thu Xà là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Nghĩa. Nhưng Thu Xà là gì? Căn cứ theo bộ địa bạ ghi chép từ năm Gia Long thứ 12 (1814) thì Thu Xà vốn là xã Tăng Sai nghĩa là đánh cá bằng bè lưới, nôm na là bè rớ. Thời Gia Long, Minh Mạng làng này dân cư thưa thớt, nhưng đến đầu thế kỷ 20 đã có người Hoa Kiều đến ở và buôn bán rất phồn thịnh, dân cư trở nên đông đúc. Có thể người Hoa đến ở thấy chữ Tăng Sai không mấy đẹp nên đã đổi thành Thu Sai, Sai cũng đọc là Sài. Hay là tên làng đã được đổi thay từ đời Tự Đức, nên trong Đại Nam Nhất Thống Chí được biên soạn trong thời này đã viết tên làng là Thu Sài, người Hoa phát âm là Thu Sà rồi thường dân gọi Thu Xà thành thói quen.
Thu Xà nằm bên bờ sông gần cửa biển tiện cho việc thuyền bè đi lại cả đường sông lẫn đường biển. Nó cách Cổ Lũy một dòng sông, là một trong những thắng cảnh của Quảng Nghĩa “Cổ Lũy Cô Thôn”. Cửa biển là cửa Đại, nơi sông Trà Khúc và sông Vệ gặp nhau nên lòng sông khá rộng và sâu. Từ Thu Xà ra biển chỉ vào khoảng 2 cây số, phía nam Thu Xà có Vực Hồng, nơi dòng sông Vệ đổ về xoi sâu vùng đất đỏ thành bờ cao trong rất hùng vĩ. Đối chọi với Vực Hồng là Phú Thọ ở phía Bắc có núi đá đen khá uy nghi. Qua dải sông sâu là Cổ Lũy nằm sát bên bờ biển chơ vơ với đám rừng dừa cao ngút nghiêng mình bên mé nước trong xanh, cũng là nơi thuyền bè ra vào với những cánh buồm trắng xóa hay chen chúc nhau đậu bên bờ. Sớm chiều ánh nắng vàng êm dịu trải lên màu xanh đậm của nước, của cát trắng, của ruộng đồng lúa mía, của những mảnh đất nơi đây đỏ nơi đây vàng pha lẫn với đá đen, cùng với những mái nhà xám màu tranh tre hay gạch ngói đỏ. Nói chung cảnh trí Thu Xà và các vùng lân cận là một bức tranh hài hòa dễ khơi động hồn thơ hơn đâu hết; nên không lạ nơi sinh trưởng ra Bích Khê. Và rồi miền đất nước có sông sâu biển rộng núi cao này ảnh hưởng đến đời thơ anh không phải là ít. Điều đó quá rõ là thiên tài Bích Khê phát triển quá sớm, mới 12, 13 tuổi đã biết làm thơ Đường, đến 15, 16 tuổi đã có thơ đăng báo và xướng họa với những vị lão nho.
Thế nhưng tại sao Bích Khê đến với thơ mới quá muộn? Mãi đến năm 1937 anh mới tuyệt giao với thơ cũ và gia nhập vào làng thơ mới. Phải chăng vì những lý do sau đây:
Bích Khê là con trai út trong gia đình có truyền thống cách mệnh, ông cha đã từng tham gia các phong trào yêu nước. Thơ anh đăng trên báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn v.v...cũng là thơ yêu nước. Anh lại chịu ảnh hưởng của cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng khá nặng nên có thành kiến với thơ mới:
Rồng vẽ lối xưa toàn những sáo
Cua bò thơ mới chả nên câu.
Chính nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng cũng từng tâm sự với chúng tôi là do ảnh hưởng của cụ Phan quá nặng mà thơ anh đắm trong tinh thần yêu nước, không thoát xác để đi vào thơ mới sớm hơn. Đó là chưa kể dân tình, dân khí Quảng Nghĩa luôn luôn có máu cách mạng, ưa bạo động. Quảng Nghĩa cũng là đất Chiêm Thành xưa, mà Quảng Nam, Bình Định cho đến bây giờ vẫn còn ít nhiều di tích của Chàm, những cổ tháp cao ngạo nghễ với trời xanh. Trong khi đó ở Quảng Nghĩa đã từ lâu chẳng còn dấu vết gì của Chiêm Thành, nếu còn chăng chỉ là những viên gạch to tướng thỉnh thoảng gặp nơi các cánh đồng. Do đó kể từ phong trào Văn Thận, Duy Tân, Đông Du ... lúc nào cũng sôi nổi ồ ạt, làm sao không lay động đến tâm hồn Bích Khê. Những sự kiện vừa nêu là những dây xích cột chặt anh trong trường phái cổ điển Đường Luật dù anh là người học Tây. Cũng nên kể thêm rằng từ sau 1936, hoàn cảnh đất nước và dân tộc Việt Nam rõ ràng rơi vào ngõ bí thoái trào trầm trọng. Tâm trạng “Bán sầu”, “Bán thơ” (đầu đề bài Hát nói của Bích Khê) là có thật; cũng là tâm trạng mất định hướng của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ.
Nên khi gặp và đọc thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên thì Bích Khê như người chụp được phao cứu mệnh, tìm được sự giải thoát cho chính mình. Gia nhập vào làng thơ mới tức là gia nhập vào trào lưu lãng mạn. Xin đừng hiểu nghĩa từ lãng mạn theo thông tục lâu nay là xấu xa, mà phải hiểu theo tinh thần chính thống của Tây Phương. Nó là hiện tượng chống lại chủ nghĩa quý tộc mà sinh ra chủ nghĩa bình dân, chống lại chủ nghĩa hình thức mà sinh ra chủ nghĩa tự do, nó chối bỏ cái thế giới thực xấu xa bỉ ổi mà hướng về cội nguồn, một địa đàng xa xôi, nôm na là mơ về một thế giới lý tưởng. Ánh sáng văn học thế giới cận đại mở đầu là do chủ nghĩa của phái lãng mạn.
Vừa gia nhập làng thơ mới tại sao Bích Khê lại xông vào trường phái tượng trưng? Có người cho là do ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử, cũng đúng một phần, nhưng chưa phải là lý do duy nhất. Ý thức chuyển hướng vào thơ mới từ năm 1937, cũng là giai đoạn thơ mới đã hình thành và có thể đứng vững vàng; vì đã có nhiều tác phẩm ra đời, và có bao nhiêu người xứng danh là thi sĩ. Với cách mạng Chế Lan Viên đã từng tỉ tê “Đi xa về quá chậm”, nhưng trong văn học đối với Bích Khê phải đổi lại là “Về chậm phải đi xa”. Hơn nữa, đến năm 1937 chiếu làng thơ mới với trường phái lãng mạn đã chật chỗ vì các nhà thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Thanh Tịnh v.v...và còn một lý do chính yếu là Bích Khê có thừa khả năng tiếp xúc với các trào lưu văn học thi ca Pháp, thì trường phái tượng trưng vốn có tính chất canh tân cách mạng quá hợp với anh. Có thể nói đó là mảnh đất tốt để cho hạt giống tài năng Bích Khê ấp ủ lâu nay được cơ hội gieo trồng phát triển: Tượng trưng vầy cao đẹp
Chỗ chính phẩm văn chương
(Ngũ Hành Sơn - hậu)
Vậy thơ tượng trưng là gì? Nôm na nó là một phong trào tân lãng mạn của Pháp phát sinh từ cuối thế kỷ 19, do các thi nhân thiên tài dẫn đầu là Rimbaud, Verlaine, Mallarmé... Thơ với họ là tiếng nói của vô thức, là đào sâu vào tự ngã, nhắm tìm kiếm một ý tưởng siêu việt, một nguyên tố thâm sâu của vũ trụ, cũng gọi là bản thể, là thực tại hay cuộc sống nội tâm:
Ôi sắc đẹp, anh hoa hồn vũ trụ
Phấn Trang sinh : tính chất khí âm dương
Mi làm long phím lòng muôn trinh nữ
Muôn tài hoa nghiêng nước vẻ thiên hương
Mi rớt ngọc cho vang muôn tinh tú
Mi nhả sâm ngọt lịm vạn sầu thương
(Đồ mi hoa)
Nó mang tính chất siêu hình, hay đúng hơn nó quan niệm rằng: sáng tác thi ca là đi tìm một tri thức bí nhiệm, thi nhân là kẻ giúp ta khám phá những gì ta chưa bao giờ nhìn thấy, cảm biết:
Hỡi trần gian hãy chết ngột trăng sao
Cho nhân lý ngời ra như lưỡi kiếm
Và hào quang khiêu vũ với hào quang
(Nàng bước tới)
Do đó họ phải mượn các hiện tượng vật chất để diễn tả cái tâm linh nội tại, nó có khuynh hướng chủ quan thần bí, nó dùng ẩn dụ, ám thị làm ấn tượng diễn tả. Nó ỷ lại vào âm nhạc để diễn tả tâm linh huyền diệu của con người, nên phần lớn phải vận dụng hình ảnh, và cũng vì nhiều khó khăn đó, nó phải phối hợp hội họa, điêu khắc kiến trúc, vũ khúc, nói chung là vận dụng các cảm xúc hương vị, âm thanh, màu sắc... để nói lên cái điều không sao nói được. Muốn đạt đến cảnh giới đó nhà thơ phải trực cảm hay sống bằng trực giác:
Chữ biến hình ảnh mới, lúc trong ngâm
Chữ điêu khắc tỉa nghệ thuật sầu câm
Đây thẩm mỹ như một pho thần tượng
Múa song song khiêu vũ với đêm hồng
(Duy Tân)
Sự kiện ấy có vẻ mới lạ với Tây Phương, nhưng đối với văn học Đông Phương thì lại là chuyện cũ. Vì từ Kinh Thi, Sở Từ, Nam Hoa Kinh cho đến thi ca Đường Tống... đều mang tính chất tượng trưng. Có điều họ không nói tượng trưng mà lại nói là Ngộ, là Thiền, là Thần Vận, Tính Linh v.v... Vì vậy không lạ gì Bích Khê đến với thơ mới bằng con đường tượng trưng. Thoạt nhìn cứ ngỡ là anh bị ảnh hưởng trực tiếp trường phái tượng trưng Pháp, nhưng có đi sâu vào thơ anh mới thấy anh chỉ mượn cái xác của Tây để rồi tái sinh bằng cái hồn, cái sống của tinh thần Đông Phương hay của Việt Nam có lẽ đúng hơn:
Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng
Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng
(Duy Tân)
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm Đông quân
(Tỳ Bà)
Tinh thần Đông Phương ấy thể hiện đầy dẫy trong Tinh Huyết, nói chi đến Tinh Hoa thì hoàn toàn là thứ tượng trưng thuần Đông, thuần Việt, và cũng vì vậy nó mang tính chất là thơ Thuần túy hơn tượng trưng, tiêu biểu là hai bài Ngũ Hành Sơn. Xin miễn trích dẫn dài dòng để còn được đề cập đến một điểm nữa là khả năng lao động thơ của Bích Khê, mà trước đây ít người nói đến.
Trong vòng chỉ có ba tháng mà hoàn thành tác phẩm thơ như Tinh Huyết, dù không vĩ đại cũng phải nói là một kỳ công. Và tác dụng của nó như một quả bom nổ giữa làng thơ Việt, khiến ai cũng ngạc nhiên, Hàn Mặc Tử đã trân trọng giới thiệu với sự ca tụng hết lời. Đã hay sáng tác cần phải có thiên tài, nhưng thiên tài không chưa đủ để thành tác phẩm mà còn phải có nhân lực.
Đến như Newton còn phải nói: thiên tài chỉ là sự nhẫn nại kham khổ lâu dài. Trong địa hạt văn học phần nhân lực lại còn quan trọng hơn. Câu chuyện một bước thành thơ hay uống một đấu rượu hoàn thành trăm bài thơ khó mà có thật, hay nếu có cũng chỉ là tình cờ cọng với bao nhiêu công phu tu dưỡng từ trước mà thôi. Hẳn ai cũng biết muốn thành thơ là phải có cảm hứng (inspiration), đúng ra phải gọi đó là nguồn linh cảm, nó thường bột phát ngoài ý liệu của tác giả nên thành tựu rất mau. Người xưa cho đó là sự khai thị của thần linh, nhưng theo các nhà tâm lý học hiện đại thì linh cảm là những gì đã được thai nghén uẩn nhưỡng trong tâm tư rồi đột nhiên hiện ra đấy thôi. Hiện tượng thai nghén phải có thời gian để cho tiềm thức hoạt động, đến khi nào ý thức buông xả là lúc ý tưởng hình ảnh dễ dàng xuất hiện. Ý thức buông xả là trực giác thì chữ thơ tuôn trào, thế nhưng chưa phải là tác phẩm đã hoàn thành, chẳng qua chỉ mới là những phác thảo như đứa trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ, còn phải gỡ nhau, cắt rún, tắm rửa, nuôi dưỡng v.v... rồi mới ra người. Nói rõ là còn phải tôi luyện sửa chữa càng nhiều bấy nhiêu. Loại thơ bình thường còn phải thế, huống chi là nhà thơ có tầm vóc thì khi sáng tạo một phác thảo rồi sau đó phải tính toán tỉ mỉ như nhà luyện kim thuật, nhà toán học, kiến trúc sư, chữ thơ phải được cân nhắc, nghĩa thông dụng, nghĩa ngữ học, nghĩa ẩn tàng và những hình ảnh đưa ra phải mới lạ, lại còn phải chú trọng đến âm điệu chất nhạc...
Trăng có đôi: rưng rưng ánh ngọc
Mùa rất cao: đẹp xuống anh hoa
(Lên Kim Tinh)
Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc
Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương
(Nàng bước tới)
Nhìn chung là công việc rất nhiêu khê, thế mà thay vì hứa hẹn sáu tháng, chỉ trong ba tháng Bích Khê đã hoàn thành tập Tinh Huyết với số lượng 50 bài, mà bài có ngắn đâu. Thật đúng như tên tác phẩm, nó là máu lệ, tinh tủy của tác giả cơ hồ như đã trút hết vào đó. Tiếc rằng hằng ngày chúng ta chẳng còn một bản thảo nào của Bích Khê, tuy nhiên cứ nhìn vào tác phẩm, hay chịu khó đọc lại toàn bộ tác phẩm của Bích Khê, hẳn cũng thấy được anh đã phải làm việc như thế nào... Đã hay trong Tinh Huyết cũng còn những khuyết điểm, nhưng cũng chỉ là sơ sót nhỏ. Trong thời điểm 1939 và cho đến ngày nay nữa tập thơ Tinh Huyết vẫn là một kỳ công. Phải chăng vì dốc hết tâm lực, hay nói theo danh từ ngày nay Bích Khê đã lao động quá mức, nên đã hoàn thành được Tinh Huyết thì anh cũng ngã bệnh lao. Thật là một đời đã cống hiến và dâng trọn cho nghệ thuật. Tinh Hoa là tác phẩm của cơn bệnh đã đi vào giai đoạn trầm kha.
Có một điều hơi lạ, là ngày rời khỏi cõi thế để đi về chốn vĩnh hằng của Bích Khê sao giống hệt Rimbaud, là cả hai cũng thấy trước giây phút ra đi của mình, cũng dọn mình, cũng sửa soạn cho một cuộc hành trình bất tử.
Thật là:
Châu vỡ thiên tài lai láng cả
Chết rồi khí phách của tôi đâu?
Khí phách đó gởi trọn trong Tinh Huyết, Tinh Hoa hay phó thác hết cho hậu thế chúng ta.
Khổng Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét