Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Bài thơ "Em" của Hồ Minh Tâm từ góc nhìn Tâm lý học

Bài thơ "Em" của Hồ Minh Tâm 
từ góc nhìn Tâm lý học

1. Em

gọt đẽo đời rất thương của đời
thành một đời rất thường khác
gọn
sắc
gân
và lõi
em mần thơ...
em trét chữ quanh tròn mùa tuổi
kiễng hai chân rồi nhón một ước ao
xoay xoay
nghe trời 20 ca hát
mỗi buổi sáng em tô chút son lên môi ngày
đêm về
tiếng thở riêng ngập ngừng màu điệu bộ
sự hoang vắng của lửa
bùng lóa hoài nghi
2.
Trong bài viết “Bí ẩn của những siêu mẫu” [1], Jung phân loại hai dạng tác phẩm nghệ thuật theo bản chất của quá trình sáng tạo: tác phẩm hình thành dưới ảnh hưởng của ý thức hoặc vô thức, từ đó đưa đến hai sản phẩm khác nhau [2]. Phân tâm học của Freud và tâm lý học phân tích của Jung đặc biệt quan tâm đến dạng tác phẩm thứ hai. Freud gọi đó là “giấc mơ tỉnh thức”. Tương tự giấc mơ, chúng không dễ hiểu bởi thường mang chở thông điệp qua biểu tượng. Muốn giải mã được “giấc mơ” ấy, ta cần hiểu ý nghĩa các biểu tượng [3]. Quả thực, về mặt hình thức, “Em” có những biểu hiện thách thức kinh nghiệm đọc của độc giả [4]. Bài thơ dáng vẻ rất lạ, dù trong âm điệu, ta có thể cảm nhận được một điều gì đó, một điều gì xôn xao như nắng đầu ngày, tươi như hạt mầm đang tách vỏ dưới lớp đất cằn khô khi được giọt mưa trong lành tưới mát. Có vẻ như nhà thơ đang muốn kể cho chúng ta nghe một câu chuyện. Song những hình ảnh chắp ghép và cách nói mơ hồ khiến ta có cảm giác nó tựa hình ảnh của giấc mơ. Và có lẽ nên đọc nó theo cách ta suy nghĩ về một giấc mơ bởi nói như Jung: “Một câu chuyện do ta ý thức hẳn hoi mà kể lại sẽ có nhập đề, tình tiết và kết luận. Giấc mơ thì không thế. Kích thước không gian và thời gian của giấc mơ hoàn toàn khác biệt. Muốn hiểu, ta phải xem xét mọi mặt cũng như ta xem xét một vật lạ, cần phải lật đi lật lại mãi cho đến khi ta quen thuộc mỗi chi tiết của hình dáng nó” [5].
Đọc bài thơ, trước hết có thể nhận thấy một hình tượng ám ảnh mang tính chất biểu tượng: lửa.
2.1. Biểu tượng lửa
Lửa xuất hiện trực tiếp trong câu thơ cuối “Sự hoang vắng của lửa/ Bùng lóa hoài nghi”. Sự xuất hiện đột ngột, phi logic của hình ảnh này trong mối tương quan với các câu, từ khác nhìn bề ngoài sẽ khiến ta ngạc nhiên. Song nếu đọc kĩ lại, ta sẽ thấy thực ra, lửa đã được nhen nhóm suốt từ đầu dưới một hình thức rất sâu và tế nhị, sự bùng lóa của nó trong câu thơ cuối thực ra lại là một điều tất yếu và hoàn toàn hợp lý. Vậy lửa đã được châm như thế nào?
Trong tác phẩm “Phân tâm học về lửa” [6], Gaston Bachelar đã phân tích lửa như một thứ vật chất nguyên thủy có khả năng tạo ra sự mơ mộng, in dấu trong thơ ca. Lửa tồn tại trong vô thức tập thể như một biểu tượng của các siêu mẫu, gắn với các mặc cảm: mặc cảm Prométhée, mặc cảm Empédocle, mặc cảm Novalis.
Thú vị hơn, khi Bachelar trích lại đoạn văn trong đó Bernadin Saint Pierre miêu tả một đôi trai gái bị lạc trong rừng, anh con trai tạo ra lửa nhằm đốt cây cọ dừa non để lấy quả gai trên ngọn tặng cho bạn gái [7], chúng tôi nhận thấy quá trình ấy có sự tương đồng với quá trình ngầm ở trong “Em”. Tôi sẽ cắt các đoạn miêu tả đó trong thế so sánh với các đoạn thơ trong “Em”:
Đoạn ngắt số 1:
“Dùng cạnh một hòn đá, anh ta khoét một lỗ nhỏ vào một cành cây thật khô mà anh ta ghì chặt dưới chân; sau đó bằng cạnh sắc của hòn đá đó, anh ta vót nhọn một cành cây khác cũng đã khô, nhưng là gỗ khác loại”. Phần này tương đương với đoạn một của “Em”:
gọt đẽo đời rất thương của đời
thành một đời rất thường khác
gọn
sắc
gân
và lõi
em mần thơ
Trong đoạn văn ta thấy có hai hành động: hành động vót nhọn cây và hành động khoét lỗ trong một cây khác. Trong đoạn thơ, hành động thứ nhất thể hiện ở 6 câu đầu: ở đây cũng có gọt có đẽo để tạo ra một sản phẩm đủ nhọn (gọn, sắc, gân, và lõi). Hành động này diễn ra ở một thực thể ngoài em nên khá chậm. Hành động thứ hai, có lẽ diễn ra chính trong em, được biểu đạt bằng cụm: “em mần thơ”. Ấn tượng về “cái lỗ” hiện ra ở cả thanh điệu và nghĩa của từ. Trong cụm trên, từ “mần” nằm giữa nối “em” với “thơ”. Về thanh điệu, “em” và “thơ” đều là các thanh thuộc âm vực ao, “mần” mang thanh huyền thuộc âm vực thấp. Về nghĩa, “em” và “thơ” là hai từ có khả năng quy chiếu đến một đối tượng cụ thể, hiện diện, còn “mần” là một động từ diễn tả những hoạt động trừu tượng, ngầm ẩn, không rõ ràng, cần níu vào các từ cụ thể khác, các từ này mới làm rõ nghĩa cho nó. Sự kết hợp từ như vậy làm ta liên tưởng: “em” với “thơ” trở thành hai cái gờ nổi lên, “mần” chìm ở bên dưới, thế nghĩa là một cái lỗ đã hình thành [8]. Ở đây,  em mần thơ có thể hiểu là em làm thơ, em xúc động để cho những câu chữ thành vần điệu, có thể là em biến đổi, đẽo gọt, em làm cuộc sống trở thành thơ, cuộc sống trở nên nên thơ thi vị, có thể là em làm gì đó với thơ: em đọc thơ, em cảm thơ, em hiểu thơ, em bình thơ, em tái tạo thơ trong tâm trí, em cho thơ một đời sống... Sự đa nghĩa của “mần” như thế cũng góp phần tạo ra một khoảng không sâu thẳm được hình thành trong quá trình gọt đẽo.
Giai đoạn 2:
“Tiếp theo, anh ta chọc miếng gỗ nhọn đó vào cái lỗ nhỏ của cành cây khô ghì dưới chân, và lấy hai bàn tay xoay nhanh miếng gỗ nhọn, giống như người ta xoay chiếc cối xay nhỏ khi người ta muốn làm cho sô cô la sủi bọt”.
Nếu để ý phân tích kỹ, ta sẽ thấy phần này tương đương với đoạn thứ hai và thứ ba trong thơ:
em trét chữ quanh tròn mùa tuổi
kiễng hai chân rồi nhón một ước ao
xoay xoay
nghe trời 20 ca hát 
mỗi buổi sáng em tô chút son lên môi ngày
đêm về
tiếng thở riêng ngập ngừng màu điệu bộ
Giai đoạn thứ hai của việc nhóm lửa trong đoạn mô tả cũng gồm hai hành động: chọc miếng gỗ vào cái lỗ rồi xoay. Động tác xoay được miêu tả khá kỹ: nhanh và liên tục. Một lần nữa ta lại thấy có sự tương ứng kỳ diệu với tầng sâu của bài thơ. Ở đây cũng có một cái lõi nhọn (mùa tuổi) và một không gian vừa đủ để ôm trọn lấy nó (chữ). Từ “mùa tuổi” gợi nhắc đến chữ “đời” còn “chữ” lại khiến liên tưởng đến “thơ” ở bên trên như một logic tiếp nối: sau đời được gọt và không gian thơ được mở, đời được trét kín bởi thơ (chữ) và thơ khoanh tròn bao lấy đời. Các từ “kiễng” và “nhón” miêu tả cố gắng đút vừa hai thứ khác loại, có thể khập khiễng, vào trong nhau. Rồi sau đó, kì lạ thay, động tác xoay đã diễn ra. Và cũng giống như trong đoạn văn, ở phần này tác giả mô tả khá kĩ quá trình xoay ấy: nghe trời hai mươi ca hát, nghe có một cái gì đang bừng lên, tươi thắm, nhịp nhàng. Trong các phân tích của mình, Bachelar cũng chú ý đến các động tác lao động gắn với sự cọ xát sẽ tạo ra nhịp điệu, người ta vừa làm vừa hát, chính là bởi họ nghe thấy cái nhịp điệu êm ái nguyên thủy làm mất đi tính mệt nhọc của công việc, làm cho sự kéo dài liên tục lại thành ra thi vị, quyến rũ. Và quá trình này, trong “Em” không chỉ diễn ra trong khoảnh khắc mà rất dài, tượng trưng bởi “đêm” và “ngày”. Chữ “ngập ngừng” cũng rất gợi cảm bởi nó gắn với sự co kéo. Chữ “tô” cũng là một động tác cọ xát dù rất nhẹ, rất êm. Và “tiếng thở” - hít vào thở ra - cũng lại là một liên tưởng về sự cọ xát. Sau quá trình đó, đã dẫn đến một kết quả cuối cùng
Giai đoạn 3:
“... chỉ một lát sau, anh ta làm cho khói và tia lửa tóe ra từ điểm tiếp xúc giữa hai mẩu gỗ”.
Lửa đã bùng lên, và có thể thấy rất rõ, nó tương ứng một cách kỳ lạ với đoạn cuối bài thơ:
sự hoang vắng của lửa
bùng lóa hoài nghi
Lửa đã bùng lên ở nơi vốn “hoang vắng”, và mặc dù bài thơ ngắt tại đây, nhưng dư âm của nó có thể tìm thấy ở đoạn văn còn lại của Bernadin de Saint Pierre [9].
Ở đây ta nhận thấy sự tương đồng trong cách thức tưởng tượng của một nhà thơ và một nhà văn ở hai thời đại khác nhau, hai nền văn hóa khác nhau, bất chấp sự khác biệt về ngôn ngữ, đặc trưng thể loại. Cùng miêu tả một quá trình nhóm lửa, tạo ra lửa, nhưng có lẽ khi viết, họ đều bị thôi thúc bởi khả năng tưởng tượng về một ngọn lửa khác - ngọn lửa tình yêu khi hai thân thể va chạm với nhau [10].
Khi phân tích mặc cảm Novalis, Bachelar quan tâm đến một hiện tượng đều được mọi người công nhận: người nguyên thủy xưa đã tạo ra lửa bằng cách cọ xát hai mẩu gỗ khô, thường là gỗ khác loại. Tuy nhiên, cách người ta lý giải từ đâu mà họ có được kinh nghiệm này khiến Bachelar không thỏa mãn. Có người giải thích rằng người xưa tìm ra và biết cách giữ lửa lần đầu tiên do những đám cháy rừng - sự cọ xát của những cành cây trong mùa hè. Tuy nhiên, Bachelar phủ định giả thiết này, ông nêu lên một nhận xét rất logic: khi người nguyên thủy nhìn thấy các hiện tượng tự nhiên: núi lửa đang phun, cánh rừng bị sét đốt cháy..., người ta theo bản năng tự vệ sẽ bỏ chạy thay vì quan sát để làm ra lửa. Hơn nữa, lửa làm khiếp sợ phần lớn các súc vật hoang dã, ngoại trừ các con vật trong nhà được thuần hóa. Từ đó ông kết luận: nguồn gốc sự ra đời của lửa không phải xuất phát từ một hiện tượng tự nhiên mà là một hiện tượng xã hội. Con người có kinh nghiệm về sự cọ xát để tạo ra lửa từ một kinh nghiệm khác, thầm kín hơn trong đời sống của họ: kinh nghiệm về sự cọ xát hai thân thể. Quá trình ấy tạo ra hơi ấm, làm bùng lên lửa đam mê, khiến con người tận hưởng lạc thú được cháy hết mình trong kiếp sống của họ và dẫn tới kết quả cuối cùng là duy trì sự sống thông qua việc tái sinh chính mình ở thế hệ sau. Con người đã phát hiện ngọn lửa trong chính mình trước khi tìm thấy và gìn giữ ngọn lửa từ trời. Bachelar dẫn nhiều ví dụ về các lễ hội lửa [11], ông rất tinh tế khi thấy rằng trong các lễ hội ấy, người nhóm lửa thường là một thiếu nữ và một thanh niên hoặc một người nào trong làng mới cưới vợ. Sao không phải là một người già có kinh nghiệm nhóm lửa? Điều này hẳn không ngẫu nhiên. Theo ông, trong các lễ hội lửa, không phải người ta nhóm lửa để tôn thờ cây cối mà thực chất “tập tục chứng tỏ rằng việc nảy sinh ra lửa là nguyên lý trong việc tôn thờ lửa” [12], họ mong cầu sự sinh sôi nảy nở, mong cầu một cuộc sống mạnh mẽ mãnh liệt, an toàn khỏe mạnh. Mong ước ấy xuất phát từ kinh nghiệm yêu đương của họ [13]. Kinh nghiệm ấy lại có nguồn gốc từ tâm thức nguyên thủy và được hiện diện rõ nhất trong các sáng tác của Novalis - nhà thơ lãng mạn Đức thế kỷ 18.
Trong “Em”, có thể nhận thấy cách miêu tả quá trình nhóm lửa đầy nhục cảm kín hở một cuộc giao hoan từ bản chất của nó - đẹp, đầy hồi hộp, hứng khởi ở khúc dạo đầu rồi lên đến đỉnh khi lửa lóe lên. Như thế, bốn đoạn trong bài thơ, bốn giai đoạn của quá trình tạo lửa có thể được lý giải lại thành bốn giai đoạn của tình yêu:
Đoạn 1: gần gũi, xóa bỏ mọi khoảng cách, cởi bỏ mọi chướng ngại vật để âu yếm và mơn trớn
Đoạn 2: thám hiểm và bắt đầu cọ xát
Đoạn 3: sự nhịp nhàng êm ái của hòa hợp thổi bùng đam mê
Đoạn 4: thăng hoa bằng việc tạo ra lửa [14].
Như vậy là ta đã mở ra được một tầng nghĩa của biểu tượng lửa trong bài thơ. Những người hiểu phân tâm học đơn giản theo mô hình ẩn ức - dồn nén - thăng hoa có thể sẽ giải thích ngay rằng đây là hình thức ngụy trang của những ham muốn bị chèn ép, kìm hãm (chẳng hạn như mặc cảm cha mẹ (còn gọi là mặc cảm ơ đip), mặc cảm tính dục...) là sản phẩm xuất phát từ vô thức cá nhân.
Tuy nhiên, trong nhiều bài viết của mình, Jung bác bỏ cách hiểu thô sơ và có phần cứng nhắc này, vì “cần phải xem tác phẩm nghệ thuật như là sự sáng tạo hình tượng sử dụng tự do tất cả các điều kiện xuất phát của mình” [15]. Các tác phẩm có giá trị biểu tượng không chỉ thể hiện phần vô thức cá nhân mà đôi khi còn hé lộ tầng sâu hơn  của thế giới tâm thần: vô thức tập thể [16]. Hơn nữa sự tương đồng trong cách tưởng tượng của Hồ Minh Tâm và Bernadin khiến ta nghĩ đến giả thiết của Jung về sự di truyền văn hóa. Cũng giống như sự di truyền về thể chất của con người, Jung lập luận rằng qua quá trình tiến hóa lâu dài, con người dù ở nơi đâu trên thế giới, đều cùng được thừa hưởng một gia tài tinh thần do các thế hệ trước để lại, nó nằm trong cái kho vô thức tập thể. Thành phần chính của nó là các cổ mẫu (còn được dịch bằng các thuật ngữ khác: nguyên hình, nguyên mẫu, siêu tượng, siêu mẫu) [17]. Theo Jung “quá trình sáng tạo (...) là hà hơi sống cho siêu mẫu từ trong vô thức, là trải nó ra và tạo hình cho nó cho đến khi thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh”. Dịch nhận định của Gherhart Haufman [18] sang ngôn ngữ tâm lý học, Jung cho cái cốt yếu trong việc phân tích ý nghĩa tác phẩm là “có thể đưa hình tượng được triển khai trong tác phẩm nghệ thuật này đến nguyên sơ tượng nào của cái vô thức tập thể” (tr 78). Với mong muốn vẽ ra tấm bản đồ tâm hồn con người, Jung đã phân tích một số cổ mẫu: shadow (bóng âm), persona (mặt nạ),  self (tự ngã), anima/us (được Lưu Hồng Khanh dịch là linh âm - linh dương). Vì chưa có sự thống nhất trong cách dùng thuật ngữ của các nhà nghiên cứu, chúng tôi xin giữ nguyên thuật ngữ anima/us. Theo chúng tôi, cổ mẫu là động lực đứng sau biểu tượng lửa trong bài thơ chính là anima.
2.2. Cổ mẫu anima
Cổ mẫu, theo Jung, có thể tìm thấy trong nguyên hình huyền thoại hay ở bất kỳ nơi nào mà trí tưởng tượng sáng tạo của con người hoạt động tự do dọc chiều dài lịch sử. Nó giống như những sợi dây đàn có sẵn trong ta mà ta không biết, và chỉ được chạm đến trong một tình huống điển hình. Cổ mẫu có sức mạnh diệu kỳ, và đặc biệt nó có ma lực khôn lường bởi nó nằm trong bóng tối của tâm thức.
Anima là một cổ mẫu, nó có đầy đủ cá đặc điểm như trên đã được Jung chỉ ra. Anima, theo cách lý giải của Murrey Stein, là “những hình ảnh cổ mẫu mang bản chất nữ tính vĩnh viễn trong vô thức của người đàn ông tạo ra một sự liên kết giữa bản ngã - ý thức và vô thức tập thể và có khả năng mở cánh cửa vào tự ngã (self)” [19]
Hiểu một cách đơn giản, anima là người đàn bà ở trong một người đàn ông [20]. Người đàn bà ấy tồn tại như một tiềm năng và đôi khi được phóng chiếu qua một người khác giới. Khác với bóng âm khi được phóng chiếu thường tạo ra cảm giác giận dữ, anima khi được phóng chiếu tạo ra sự say mê và kích thích ham muốn gắn bó [21]. Người đàn ông nào cũng có một người phụ nữ ở trong mình. Và khi kết hợp với cảm xúc, nó là xung lực tạo ra các biểu tượng. Nó phóng chiếu lên những người khác giới. Khi ta thích, yêu, say mê đắm đuối một người nào đó, chính là ta đang trải nghiệm ở người đó cái phần ẩn kín trong mình, cái phần bao lâu bị mất hút trong vô thức tập thể giờ bỗng trồi lên. Khi một người đàn ông thấy một người phụ nữ trùng khít với anima của mình, anh ta sẽ có cảm giác như gặp lại một phần thân thể mình bao lâu nay thất lạc, anh ta lý tưởng hóa người mình đang thấy trong thực tế, làm hình ảnh họ trở nên lung linh đẹp đẽ.
Vậy thì những căn cứ nào cho phép ta nhận ra cổ mẫu anima đã được phóng chiếu?
Thứ nhất, cũng giống như các cổ mẫu khác, aniama có xu hướng tạo ra những biểu tượng. Chúng tôi đã phân tích biểu tượng lửa như là một dấu hiệu của anima. Nó cũng có nguồn gốc từ trong thần thoại. Người yêu thích thần thoại hẳn không ai là không biết đến Prométthée, vị thần đem ngọn lửa sự sống cho thế giới loài người dù bị trừng phạt rất tàn khốc. Prométthée được xem là cha đẻ của loài người và mặc cảm Prométthée là mặc cảm muốn hơn cha anh mình. Tuy nhiên, từ góc nhìn phân tâm học, Bachelar chỉ ra, Prométthée là một người tình lực lưỡng, và bằng cách đó ông tạo ra lửa. Cho nên, các vị thần trừng phạt Prométthée là vì sự ghen tỵ. Như vậy, ngọn lửa Prométthée là biểu tượng của tình yêu, tình dục, là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người trần gian. Và điều này, chính là một vị thần đã mang xuống cho con người. Loài người vĩnh viễn biết ơn và tôn thờ Prométthée trước hết vì điều đó. Như trên đã phân tích, người nguyên thủy đã tạo ra lửa, giữ lửa bằng chính kinh nghiệm yêu đương của mình. Như vậy, khi viết về lửa ở câu thơ cuối và tình cờ bài thơ của mình ngầm ẩn một quá trình nhóm lửa, Hồ Minh Tâm hẳn không biết gì đến những lễ hội lửa ở châu Âu, cũng không nhọc công đi tìm căn nguyên của nó. Anh đã viết bằng vào tài sản có sẵn trong vô thức của mình. “Lửa” trong bài thơ là một kinh nghiệm thần bí đã tồn tại trong vô thức chung của nhân loại từ thời cổ sơ, là kinh nghiệm về sức mạnh của tình yêu đã được di truyền bằng tinh thần, tồn tại trong vô thức tập thể. Lửa bùng lên ở cuối bài thơ có logic bên trong của nó. Nhà thơ đang để cho những tiếng nói từ vô thức tự vang lên, tự thể hiện chính nó, tự chọn lấy cho nó một hình thức.
Thứ hai, để xuất hiện, cổ mẫu cần liên kết với một phức cảm kết hợp với cảm xúc. Phức cảm là những mong muốn trong đời sống cá nhân không được thỏa mãn nên bị dồn nén, nhưng không phải là nó biến mất, khi gặp một tác nhân kích thích, nó sẽ sống dậy. Hạt nhân của phức cảm là một sang chấn trong đời sống tinh thần và một cổ mẫu.
Rất thường xuyên ta thấy sự phóng chiếu của anima thông qua việc Hồ Minh Tâm lý tưởng hóa những người nữ trong thơ mình. Con người này xù xì gai góc, ưa triết lý suy tư về những vấn đề của đời sống và hay bỡn cợt, nhưng cứ động đến tình yêu là trở nên cực kỳ nguyên thủy, mất hết lý trí, để mặc cho cảm xúc lôi đi. Khi yêu là anh mất hết khả năng phán đoán, tình yêu lúc nào cũng là mới, cho dù đã qua hơn nửa cuộc đời:
em ơi
nửa cuộc đời là bao nhiêu năm, hẳn trong đời ai cũng một lần nghĩ tới
ta đã cho nhau, và hãy cứ cho nhau những háo hức chờ đợi
nửa đời của anh dài lắm
dài đến bây giờ, từ bữa ấy - gặp em
(Trò chuyện cùng em)
Nhưng có vẻ như hạnh phúc thực sự không nhiều. Một đoạn thơ xôn xao như thế này:
- Vui lắm
Ngày của tôi
hồ nước cũ, nhưng lá vàng rất mới...
em búi tóc
bối tóc
bới tóc...
là gì em
lâu lắm anh quên mất rồi
bàn tay em cười với tôi
và ngày rất mới...
(Ngày)
những câu thơ diễn tả một cảm xúc rất hân hoan nhưng hóa ra lại chỉ là hoài niệm. Những câu thần tiên như thế này:
ngày hôm nay
đầu xuân
nụ mầm em nâng
ngày lại ngày
cần hơi ấm từ bàn tay em, từ lòng em lan tỏa
bão giông, lốc xoáy
có thể một lần làm em gục ngã
nhưng chẳng thể làm tắt em
lửa lòng
bởi sự sống nụ mầm
cần em - một mái nhà
cần em - bếp - lửa
là Mẹ
sẽ là Mẹ
mãi là Mẹ cơ mà!
(Ta muốn viết gì đó - phần... em)
thực ra lại chỉ là lời cầu chúc, ước ao, như một ước mơ không có thật. Và “em” giống với một khái niệm hơn là một hình bóng thực trong đời.
Cái có thật là đổ vỡ, là chia ly. Cái có thật chỉ là thương nhớ vu vơ, là nỗi cô đơn cháy lòng, là đôi khi, nghe khúc “Ave Maria” và tự nhủ:
đợi mãi
Em không thấy tới
thôi, cứ cưới một mình
(Cưới một mình)
và những đêm tự ru giấc ngủ:
ru đêm đi, này ơi
hai bờ muôn muốt
còn đây vài vì sao xa
này em đom đóm không nhà
dưới bờ trăng ngả
em choàng đêm đi đâu
em choàng đêm đi đâu
đến với tôi đi
ai hay điều gì đó
tôi chờ...
tôi không chờ gì cả
trời này rộng quá
một mình thật khó yêu nhau
(Một mình thật khó yêu nhau) [22]
Như một định mệnh, con người khát yêu, lúc nào cũng trong tâm thế yêu cuồng dại nhưng tình yêu rốt cuộc chỉ là một ảo vọng xa vời không bền vững, chỉ là những vờ vịn thoáng qua để rồi kết cục lại chìm trong cô độc. Có lúc ước mơ ấy tha thiết thành lời:
giá mà ta có em
giá mà ta có em
giá mà ta có em
giá mà ta...
có như vậy ba lần
ta sẽ không dại gì phung phí
lần đầu dùng cho kiếp trước
lần giữa cho kiếp này
và lần sau cùng dành lại đến kiếp sau.
(Anh một đời tằn tiện những giấc mơ)
Khao khát yêu trọn vẹn, đắm say đã trở thành một phức cảm anh phải chôn sâu chìm nén như một ảo vọng gắn với số phận “cái thằng mùa đông” [23] chịu lạnh cả một đời.
Nên khi gặp em, bằng một cảm xúc mãnh liệt, cái phức cảm ấy lại trỗi dậy. Nó đã trỗi dậy với một mãnh lực vô cùng khủng khiếp và lý trí anh như tê liệt, để yên cho em đẽo gọt [24]. Bản ngã đã chỉ đóng vai trò là người quan sát, ghi nhận. Chữ “xoay xoay” trong bài thơ  khiến ta liên tưởng đến một cái chìa khóa hay nắm đấm cửa. Em “xoay” và mở ra một cánh cửa nào đó, và sau động tác ấy, ta “nghe trời hai mươi ca hát”. Có một cái gì đó đã sống dậy, vừa quen vừa lạ. Lạ vì như có một thế giới khác mở ra, khác với đời ta đang sống. Quen vì nó như đã tồn tại trong ta tự bao giờ, nó đã nằm sẵn đấy, nó là mơ ước bao lâu của con người nay được hiện thực hóa. Làm cho anima sống dậy, em đang đưa ta trên chuyến hành trình ngược thời gian về với hai mươi - tuổi yêu tuổi mộng. Đó cũng là thiên đường vĩnh cửu mà con người tự ngàn xưa đã mơ ước, là xúc cảm tươi nguyên điển hình in dấu vào tâm trí mỗi chúng ta. Và dường như khi ấy, tuổi người ngừng lại mãi nơi đây. Từ khi có em, thời gian và không gian cũng đổi khác: “Mỗi buổi sáng em tô chút son lên môi ngày”. Câu thơ đầy bất ngờ. Không phải tô son lên môi em mà là môi ngày. Ngày có em, ngày trở nên rực rỡ, tươi mới như môi hồng thiếu nữ. Ngày có em, ngày vui. Đêm có em, đêm cũng mặn nồng, đầy dư vị. Nhà thơ có lần từng viết: “muốn vẽ đêm/ vẽ chiều/ muốn chép lại tiếng gà ban mai/ màu khói” (half and half). Thì đây, trong một phút mộng mơ anh vẽ:
đêm về
tiếng thở riêng ngập ngừng màu điệu bộ [25]
Đêm mang màu điệu bộ em. Với người khác, nó có thể rất trừu tượng, rất khó hiểu, nhưng với nhà thơ, nó hẳn rất cụ thể. Và “tiếng thở riêng ngập ngừng”. Sao lại ngập ngừng? Phải chăng ta đang nín thở nghe đêm, nghe em, ta sợ em mong manh huyền diệu, niềm vui từ em bất ngờ vụt hiện khiến chỉ một tiếng thở mạnh của ta cũng khiến em tan biến đi chăng? Tôi rất thích chữ “ngập ngừng” trong câu thơ này. Nó diễn tả thật tinh tế cái e ấp dùng dằng của một tình yêu chớm nở. Nhưng như thế không có nghĩa nó không mãnh liệt, sâu sắc. Cái cảm giác sống trong thế giới được em tạo nên có lẽ cũng là cảm giác được Lưu Quang Vũ ghi lại trong “Thơ tình viết về một người đàn bà không tên 2”:
Anh ngập tràn lòng em
Những màu và những tiếng
Không gian thời gian trong thơ có một vẻ đẹp mông lung huyền diệu.
Và cuối cùng, như mọi cổ mẫu, anima hoạt động theo cơ chế giải phóng và đền bù.
Trong bài thơ, nó trước hết thể hiện ở sự biến ảo âm thanh của hai chữ “thương” và “thường” trong câu thơ đầu. Hai chữ chỉ khác nhau về thanh điệu: đều là thanh bằng song “thương” thuộc âm vực cao, còn “thường” thuộc âm vực thấp. Sự biến đổi gợi một liên tưởng: từ một trạng thái chơi vơi, chới với, không vững chãi trở nên trầm lặng sâu đằm như con thuyền neo đậu nơi bến đỗ bình yên. Từ “thương” mà thành “thường” quả đã là hai thế giới khác hẳn. Chữ “thương” có thể hiểu là “yêu thương” - đời ta là đời rất yêu thương của đời em. “Thương” cũng có thể hiểu là “đau/ tổn thương” - cuộc đời đã nhiều va vấp, nhiều phen bị vùi dập và giờ trôi dạt đến bến em. Chữ “thường” không nên hiểu là “tầm thường” mà phải là “bình thường” - một trạng thái cân bằng trong thế phân biệt với “thương”. [26]
Thứ hai là chữ “trét”. Em nhét đầy những khoảng trống của chữ, của thơ ca, em lấp đầy những chỗ trống đau thương trong đời như người thợ hồ phủ lớp vữa che những khiếm khuyết, những chỗ chưa khít của các viên gạch trước khi làm bức tường trở nên nhẵn mịn. Và thế là đời thương thành đời thường, người của đời trở thành người của em, đời chơi vơi thành đời tròn đầy, tràn ngập yêu thương. Từ “em mần thơ” cho đến “em trét chữ” có một quá trình được tiếp nối: em làm cho những con chữ trở nên đầy đặn, không còn mơ hồ khuyết thiếu, làm thơ ta như một ngôi nhà trống gió lùa bỗng trở nên ấm áp. Nhờ thơ, em bóc trần, bước qua mọi trở ngại để đến cùng ta. Trong câu thơ có cái xôn xao của niềm vui thi sĩ được cảm thông, thấu hiểu; hơn thế, được cùng em sống một đời sống.
Chữ “trét” còn gợi nhắc những lỗ hổng, những rách nát của đời mà thi nhân bao lần mong khâu vá:
- Mỗi bước chân là một miếng vá (Từ điển ban mai)
- Nhớ bữa nỗi buồn mang đi lại mang về rồi tự mình khâu vá (Bữa bàn tay buồn)
- Rách nát ngày sau đè lên rách nát ngày trước (Tháng giêng)
Em không khâu, không vá, em trét cho đầy. Mà trét gì - trét chữ. Em là nguồn cảm hứng cho thơ để chữ tự lấp đầy nỗi buồn làm đầy lên đời ta. Buồn không đi, buồn vẫn đó, buồn được em nối bằng những chất kết dính của bù đắp.
Theo cách diễn giải của Lưu Hồng Khanh, anima là “mẫu tượng của sinh động và sự sống, là năng lực chữa trị, đổi mới, thay đổi, chuyển hóa, đem lại sự sống và sức sống” [27]. Trong “Em”, ta thấy rất rõ chức năng này: em gọt đẽo, biến thương thành thường, em bù đắp, trét, nhón ước ao (thổi bùng hi vọng), làm thế giới tươi hơn và đời như ca hát, tô son vẽ màu và làm lửa bùng lên. Em hay chính là tác nhân kích thích làm anima sống dậy.
Như vậy, em vừa là một hình ảnh thực, vừa là sự giải phóng của giấc mơ nội tâm, sự giải phóng anima. Nhưng vô thức ấy không phải tự nhiên mà phát lộ ra được. Nó, ngoài tác động là một cảm xúc rất thực từ “em”, còn là kết quả của bao ngày mong chờ khao khát, sống với nội tâm, mong đi tìm một hình bóng lý tưởng có khả năng giải phóng xung năng sáng tạo trong mình. Cho nên, cuộc “vượt ngục” của anima vừa là một khoảnh khắc huyền diệu, vừa là kết quả tất yếu của một nội tâm mạnh mẽ, mãnh liệt, hướng thượng, tích cực. Nói như Pierre Daco, con người này biết rằng, luôn tự biết với mình rằng “mối tình lớn của đời tôi vẫn đang tồn tại ở đâu đó” [28]. Khi anima thức dậy cùng phức cảm yêu đương, con người ngạc nhiên và sung sướng vì họ được hiện thực hóa chính tiềm năng của họ [29]. Đây phải chăng cũng chính là điều anh viết trong “Từ điển ban mai” [30]
Vẻ đẹp của tình yêu là ở chỗ, soi vào nhau, người ta tìm thấy chính bản thân mình, được sống hết với những [31] cung bậc của cảm xúc và tâm trạng: hạnh phúc, nghi ngờ, hờn giận, ghen tuông và kể cả tuyệt vọng, đau khổ. Khi anh nói “Chúng ta/ anh và gió và ngoài kia và trong này và thì thầm và những và khác” (Từ điển ban mai) chính là nói về những tiếng nói phức tạp của nội tâm, cái con người không nguyên phiến, không thống nhất và đầy mâu thuẫn ấy từng “gánh ngày đi qua ngày” nặng nề, mệt mỏi, thao thiết đợi chờ để đến lúc được yêu hết con tim mình.
Anima là cái mà người ta gọi là số phận [32]. Anima cũng là cái mà Jung gọi là “tình dục của tinh thần”. Quả thực, bài thơ đưa ta đến với biểu tượng lửa nguyên thủy và có rất nhiều từ đầy màu sắc nhục cảm song điều nó thực sự biểu đạt không phải chuyện thể xác mà là chuyện tinh thần [33]. Đó là khi hai linh hồn giao cảm, tiếp xúc, đồng điệu [34]. Đời người ai mà không mong có được những giây phút như thế? Trên thực tế, tình yêu nam nữ là sự lấp đầy những khoảng trống, những phần khuyết thiếu trong lòng nhau tạo ra cảm giác bù đắp, cảm thông, thấu hiểu, hòa hợp, thăng hoa, cảm giác viên mãn, hài hòa. Nếu không nó mãi mãi là một chỗ trống mà con người khao khát đi tìm. Sự lấp đầy ấy, cũng như tình dục thể xác, là kết quả của những va chạm, âu yếm đụng chạm cọ xát cho đến khi cánh cửa vào nội tâm được mở. Quá trình đi vào tâm hồn, khám phá bí ẩn trong nhau cũng đầy cảm hứng không kém chuyện ân ái bằng thể xác.
Cánh cửa nội tâm đã mở, và nó có khả năng soi vào một trong những nơi sâu kín nhất của lòng người - một cổ mẫu là mà Jung gọi là self (tự ngã).
2.3. Cổ mẫu tự ngã và quá trình cá nhân hóa
Tự ngã theo định nghĩa của Murrey Stein là “trung tâm, nguồn của tất cả những hình ảnh cổ mẫu và của những khuynh hướng tâm thần bẩm sinh hướng tới cấu trúc, sự trật tự và sự hòa nhập” [35]. Nếu hạt nhân trung tâm của ý thức là bản ngã thì hạt nhân trung tâm của thế giới vô thức chính là self (tự ngã). Để một con người có đời sống tâm lý bình thường, ổn định, bản ngã ý thức cần có sự liên lạc với tự ngã của vô thức. Theo các nhà tâm lý học, ở giai đoạn đầu của cuộc đời, người ta hướng tới phát triển bản ngã. Nhưng đến giai đoạn sau, khi những mục tiêu tạo dựng sự nghiệp và cái mặt nạ hình thành vững chắc, họ lại bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn nửa kia, phần bí ẩn còn chưa được phát hiện. Và quá trình ý thức dần liên lạc, nhận ra được những yếu tố thuộc vô thức của con người được Jung gọi là individuation (Bùi Lưu Phi Khanh dịch là cá nhân hóa, Lưu Hồng Khanh dịch là thành toàn tự ngã) [36].
Đọc suốt dọc bài thơ, ta thấy có một ngọn lửa được thắp lên, một luồng khí được lưu thông, một năng lượng được giải phóng. Trong đó có tiếng thở em, tiếng thở em thổi vào nội tâm và có một thứ bùng lóa lên. Tiếng thở làm ta liên tưởng đến cái ống thông gió, cái lỗ thoát khí, ống thổi lửa tạo ra sự liên kết giữa bản ngã với tự ngã. Khi lửa bùng lên, đây mới chỉ là điểm khởi đầu hứa hẹn việc cùng em thám hiểm sâu hơn những vùng chưa biết, những vùng tăm tối của vô thức chờ được giải phóng. Trong các phân tích của mình, Jung cũng chỉ ra, anima tồn tại với tư cách là các ranh giới tâm thần. Nếu persona (cái mặt nạ) nối liền tinh thần con người với thế giới bên ngoài thì anima nối ý thức với vô thức, là cách mà con người tự ứng xử với thế giới bên trong của mình [37]. Nên khi Hồ Minh Tâm viết “Sự hoang vắng của lửa/ Bùng lóa hoài nghi”, chính là lửa đã bùng lên soi sáng nội tâm và mở ra một con đường. Người đọc hẳn sẽ thắc mắc về chữ “hoài nghi”. Sao lại hoài nghi? Trong một bài thơ khác, Hồ Minh Tâm đã viết:
cám ơn đôi mắt
cám ơn bóng tối
cám ơn những gì chưa bao giờ thấy
chưa bao giờ có
không biết bao giờ có
đã sinh ra hiện hữu những hoài nghi
(Bóng tối và lúc trái đất không còn ăn ánh mặt trời)
Hoài nghi ở đây không đồng nghĩa với nghi ngờ, với mất niềm tin, với đa nghi hay bi quan tuyệt vọng. Hoài nghi nên được hiểu theo nghĩa triết học, kiểu “tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”, vì khi anh nói “sinh ra hiện hữu những hoài nghi” thì hiện hữu hoài nghi là hiện hữu sự sống. Hoài nghi về những gì chưa có, về bóng tối đồng nghĩa với hy vọng âm thầm. Lửa hoài nghi đã bùng lên ở nơi hoang vắng, vì nơi đó thâm u, ngoắt nghéo chỉ có lửa mới len tới được, lửa tình yêu, lửa đam mê, lửa nhiệt tình khi con người được cảm thông, thấu hiểu. Hoài nghi đồng nghĩa với hy vọng, với một thầm ước, một niềm mong về những gì chưa có. Khi hy vọng bùng lên, khi tình yêu đến cũng là lúc hoài nghi trở lại. Hoài nghi nghĩa là đang sống. Sống nghĩa là không bình yên. Trong hoài nghi, con người khao khát đi tìm ánh sáng, đi tìm chân lý. Trong hoài nghi, con người hướng về tương lai.
Bài thơ chứa đựng một sự ngạc nhiên, đó là sự ngạc nhiên của bản ngã ý thức khi lần đầu phát hiện ra những điều bí ẩn bên trong nó. Anima, được em đánh thức, đã mở cánh cửa vào tự ngã: hướng tới sự ổn định, thống nhất, tự điều chỉnh, là cái được gọi là “đời rất thường khác”. Vậy chữ “đời rất thương của đời” kia có thể hiểu theo nghĩa nội tâm: “đời rất thương” là cái phần đời còn khuyết thiếu, phần đời chưa được sống, phần anima chưa được phóng chiếu của một đời con người. Em gọt đẽo đồng nghĩa với việc em phá vỡ lớp vỏ, giải phóng cái lõi của nó. Và “em mần thơ”: bản thân cái “đời thương” ấy là đầy thi tính, bởi nó là phần sâu thẳm của nội tâm còn chưa được khám phá, nó là một miền hoang vu để thơ kiếm tìm.
Tự ngã, giống như anima, là một cổ mẫu, nó có xu hướng tạo ra các biểu tượng. Theo Jung, biểu tượng của tự ngã thường được thể hiện bằng các hình khối: hình tròn lồng trong hình vuông hay ngược lại. Trong bài thơ, ta cũng có thể nhận thấy sự hiện diện của các hình khối ấy ở các cấp độ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và kết cấu.
Trước hết, bài thơ được chia làm 4 đoạn. Con số bốn cho phép ta liên tưởng đến các cạnh của hình vuông. Khi phân tích các loại hình tâm lý, Jung chỉ ra bốn chức năng của ý thức phản ánh thái độ, cách thức cảm nghiệm đời sống: suy tư, tâm tình, cảm nhận, trực giác. Và bốn đoạn của bài thơ tương đương với bốn chức năng đó của ý thức:
Đoạn 1: tương đương với chức năng suy tư, khi ta cần tìm hiểu sự vật là gì: là gọt, đẽo, là biến thương thành thường, là mần thơ
Đoạn 2: tương đương với chức năng cảm nhận, trả lời câu hỏi có gì: quả thực, trong đoạn này, nhà thơ miêu tả chi tiết những hành động của em: trét, kiễng, nhón, xoay
Đoạn 3: chức năng tâm tình, đánh giá sự vật trong tương quan với bản thân: trả lời câu hỏi như thế nào với tôi: với tôi, em tô son cho ngày, vẽ màu cho đêm, làm đêm có màu sắc âm thanh dư vị, cuộc sống như thay đổi.
Đoạn 4: chức năng trực giác, trả lời câu hỏi từ đâu đến đâu: từ nơi hoang vắng nội tâm bùng lên ngọn lửa và đi đến hoài nghi.
Bốn chức năng tượng trưng cho việc ý thức đã liên lạc được với vô thức, và tự ngã hiện ra, quá trình cá nhân hóa đạt được bước tiến.
Bên trong hình vuông ấy là một hình tròn. Hình tròn trước hết biểu hiện ở cấp độ ngữ âm: ta thấy một loạt các âm tiết có âm o, ô và âm đệm u đều là các âm tròn môi: gọt, đẽo, của, một, gọn, lõi, quanh, tròn, mùa, tuổi, rồi, nhón, một, ao, xoay xoay, mỗi buổi, tô, son, môi, bộ, hoang, của, lóa, hoài.
Nó cũng thể hiện ở cấp độ từ vựng với các từ gợi ra hình tròn: trời, tròn, xoay, đêm - ngày (đêm và ngày hợp thành một vòng tròn của chu trình thời gian).
Đó là những biểu hiện của việc hoàn thành quá trình cá nhân hóa khi tự ngã liên lạc được với bản ngã.
3. Bài thơ ca ngợi, cháy sáng những khát khao nguyên thủy nhất của con người. Nhà thơ đã trải nghiệm tình yêu một cách nguyên sơ, nguyên thủy, hồn nhiên, bản năng nhất, như tự cổ xưa loài người trải nghiệm, không qua lý trí, không có sự tham gia của bản ngã. Qua đó, Hồ Minh Tâm dường như đã nói lên một vấn đề muôn thuở: con người dù ở thời đại nào trong lịch sử, thời điểm nào trong cuộc đời cũng khao khát được yêu thương, được thấu hiểu, được đồng cảm, được khỏa lấp những chỗ trống, những khuyết thiếu trong mình. Và, bên cạnh tình dục thể xác mà người ta nói đến ồ ạt trong đời sống, trong văn chương, người ta cũng cần một thứ “tình dục tinh thần”. Đó là sự va chạm, hòa hợp của những tâm hồn, những xúc cảm. Nó không giống tình dục thể xác có tiềm năng tạo ra một sinh linh duy trì nòi giống nhưng lại tạo ra nghệ thuật, tạo ra những phút thăng hoa trong cuộc đời, tạo ra lửa sống để chúng ta có thể tiếp tục hoài nghi - hy vọng, để có được cảm giác là mình đang sống, sống mãnh liệt từng khoảnh khắc. Và tình dục thể xác thì có vẻ dễ giải quyết, dễ thỏa mãn nhưng tình dục tinh thần, khó khăn hơn nhiều, khó có thể có sự hòa hợp tuyệt đối và đạt đến trạng thái viên mãn. Trong cuộc sống đương đại, cuộc sống của công nghệ, khi người ta có rất nhiều phương tiện giải trí, người ta vẫn cần đến thơ, để nói với họ những điều trên, để lắng hồn mình, để tự nghe những nhu cầu tinh thần ở trong mình.
Chính ở đây ta thấy một quan niệm về thơ của Hồ Minh Tâm: thơ trước hết phải mở ra đời sống nội tâm sâu sắc của con người, và đó cũng là xu thế hướng nội của bản ngã. Nếu không thể hiện một cách phong phú, sâu sắc thế giới nội tâm sâu thẳm, những tìm tòi về hình thức thơ cùng lắm cũng chỉ như một thứ đồ chơi lạ mắt, một trò vui khiến người ta thích thú tức thời nhưng rồi sẽ nhanh chóng quên đi. Phong cách của nhà thơ, dấu ấn nhà thơ để lại chính là khả năng anh ta soi thấu vào nội tâm mình. Thơ phải giúp làm phong phú thêm cho hiểu biết của con người về chính họ.
Chú thích:

[1] Ngân Xuyên dịch từ bản tiếng Nga, được trích trong “Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật”, NXB Văn hóa - Thông tin, HN, 2000, tr49-tr84.
[2] Dạng thứ nhất là những tác phẩm được hình thành do nỗ lực của ý chí, “do tác giả muốn dùng chúng để đạt tới một tác động nào đấy”. Khi đó, “tác giả dồn hết tâm lực vào công việc và rất thoải mái tự do khi lựa chọn các cách thức thể hiện. Chất liệu tác phẩm đối với ông - chỉ là chất liệu, nó buộc phải tuân theo ý chí nghệ thuật của ông”. Quá trình sáng tạo đầy lý tính như thế sẽ cho ra “tác phẩm không có chỗ nào vượt qua ranh giới ý thức đã được xác định, nó sẽ khuôn đúng trong phạm vi ý đồ của mình và không nói cái gì hơn những điều tác giả đã đặt vào trong nó”. Dạng thứ hai là những sản phẩm của vô thức “bắt ép tác giả theo mình, dường như là cầm tay tác giả để nó viết ra những điều khiến lý trí phải kinh ngạc”, khi đó “niềm tin và sự tự do tuyệt đối của sáng tạo chỉ là một ảo ảnh của ý thức; con người cảm thấy nó đang bơi, trong khi đấy là do một dòng chảy vô hình kéo nó đi”. Chính ở đây ta sẽ có những sản phẩm “xuất hiện những hình tượng và hình thức khác lạ, những tư tưởng thoáng qua, sự đa nghĩa của ngôn ngữ mà cách diễn đạt của nó có trọng lượng của những biểu tượng thực sự vì chúng biểu đạt rất tốt các điều chưa biết và bắt những nhịp cầu sang những bến bờ chưa thấy rõ”.
[3] Theo Jung, khác với “dấu hiệu” vốn được sử dụng phổ thông, trở nên có ý nghĩa hay được gán cho những ý nghĩa, biểu tượng, là “một tên gọi, một danh từ hay hình ảnh tuy đã quen thuộc với ta hàng ngày, nhưng còn gợi lên những ý nghĩa khác thêm vào ý nghĩa ước định hiển nhiên của nó. Biểu tượng gợi lên cái gì mờ mịt, xa lạ hay ẩn tàng đối với ta” (K. Jung, “Thăm dò tiềm thức”, tlđd, tr 107).
[4] Nhiều
người quan niệm thơ phải giàu nhạc điệu, du dương, trầm bổng, nhưng không, bài thơ có một cái vẻ xù xì gai góc với những quãng ngắt bất ngờ khó đoán như một nghịch âm. Nhiều người đã quen rằng thơ, nhất là thơ tình phải là sự rung động của trái tim tràn ra ngoài mặt chữ, là “tiếng lòng” được “vật chất hóa” sao cho hay, cho xúc động, cho xao xuyến tràn dâng. Họ có thể thất vọng khi thấy trong bài thơ hầu như không có một từ chỉ cảm xúc, không tâm tình dịu ngọt, thậm chí chủ thể trữ tình hoàn toàn giấu mặt khiến người đọc có cảm giác không được định hướng về cảm xúc và rất dễ đi lạc, họ ngơ ngác không hiểu ra sao, họ bị đẩy vào tình thế phải phán đoán. Người ta bám vào một hi vọng cuối cùng là thơ, dù chỉ là sự cháy sáng của một khoảnh khắc, cũng sẽ diễn đạt một ý tưởng gì đó trọn vẹn với những hình ảnh mang tính “liên văn bản” gợi nhắc cho họ đến một cái gì quen thuộc. Nhưng ngay cả điều này họ cũng không thể dựa vào bởi tác phẩm giống như những mảnh ghép rất lạ và tính dang dở, không kết thúc của nó khiến ta chưng hửng. Và đặc biệt, với những độc giả luôn đòi hỏi thơ phải rõ ràng dễ hiểu, bài thơ thực sự tạo cho họ một cảm giác hẫng hụt.
[5] K. Jung, “Thăm dò tiềm thức”, Vũ Đình Lưu dịch, in trong “Phân tâm học và văn hóa tâm linh”, tr 118.
[6] Ngô Bằng Lâm dịch, Đỗ Lai Thúy hiệu đính, in trong “Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật”, tlđd, tr 85 - 262.
[7] một đoạn miêu tả mà Bachelar kết luận là “cách thức mà theo đó người ta tưởng tượng thường lại có ích hơn chính điều người ta tưởng tượng ra” (Ngô Bằng Lâm dịch, tlđd, tr 129).
[8] “Mần”
là một phương ngữ tương đương với từ “làm” trong ngôn ngữ  chung, phổ biến. Tuy nhiên, chữ “mần” do tính chất địa phương của nó, cũng phần nào làm mờ nghĩa của “làm” và tạo ra các tầng nghĩa đa dạng khác: thông thường người ta nói làm với nghĩa trung tính, nhưng “mần” còn có nghĩa bạn làm gì đó rất lâu trong lặng lẽ (mần thinh: làm thinh, lặng thinh, không nói không rằng, mần mề: lề mề, mần ăn: kiếm ăn (không thể thay bằng làm ăn), làm mang tính tức thời, mần mang tính quá trình.
[9] Đoạn cuối ấy như sau: “Anh ta thu gom cỏ khô và cành cây và nhóm lửa dưới gốc cây cọ dừa, chẳng bao lâu cây cọ dừa đổ sập trong một tiếng ầm lớn. Ngọn lửa còn giúp anh ta đốt cháy lớp vỏ ngoài quả cọ dừa, đầy những lá dài cứng và nhọn hoắt. Virginie và anh ta ăn một phần quả cọ sống đó, phần kia nướng dưới lớp tro nóng và cả hai thấy hai phần đó đều ngon miệng như nhau” - Gaston Bachelar, “Phân tâm học về lửa”, tlđd, tr 130 - 131.
[10] Bachelar
viết về Bernadin: “Sự hòa trộn mơ mộng với nội dung sách vở, đối với riêng ông là dấu hiệu của một sự hợp lý hóa. Hơn nữa, không có bất kỳ giây phút nào, nhà văn tỏ ra nhìn thấy những điều bất hợp lý trong truyện kể của mình. Một sự hư cấu nhẹ nhàng lôi cuốn ông đi, phần vô thức của ông gặp những niềm vui của ngọn lửa đầu tiên nhóm lên một cách không vất vả, trong niềm tin dịu dàng của một tình yêu được chia sẻ” (tlđd, tr 131).
[11] trong đó động tác chủ yếu là động tác cọ xát, phần nhiều người ta giải thích đây là ngọn lửa lấy từ trời, và đó là “những lễ hội liên quan đến sự diệt vong của các thần thánh thực vật, đặc biệt là thực vật trong rừng” (137). Bachelar nghi ngờ tính hợp lý của các cách lý giải này, ông chú ý đến chi tiết “lớp tro của ngọn lửa này không chỉ được vãi ra ruộng để có thu hoạch tốt hơn mà còn trộn vào thức ăn của gia súc để làm chúng chóng lớn; đôi khi để cho gia súc sinh sôi nảy nở” (136) để chỉ ra “dù cho người ta nuôi dưỡng một con vật hoặc người ta tăng độ màu mỡ cho một thửa ruộng, ngoài cái lợi ích rõ ràng còn có một mơ ước thầm kín hơn, và đó chính là mơ ước về khả năng sinh sản dưới hình thái tính dục rõ rệt nhất”, từ đó  ông thay thế cách giải thích vì lợi ích bằng cách giải thích vì sự dễ chịu, bác bỏ cách nhìn xã hội học để thay thế bằng cách nhìn tâm lý học.
[12] (tlđd, tr 134)
[13] Khi đọc cuốn
 “Cành vàng” của Frazer, đoạn miêu tả các lễ hội lửa, chúng tôi cũng nhận thấy điều này. Frazer thấy được các lễ hội lửa ở khắp nơi trên thế giới, bất kể sự cách biệt về không gian và thời điểm diễn ra trong năm, đều giống nhau về cách thức: người ta đốt đống lửa hội lớn, nhảy băng qua đống lửa, xua đàn gia súc đi xuyên hay đi vòng quanh đống lửa ấy. Tục lệ kèm theo đó là ném lên không trung những chiếc đĩa tròn bốc cháy và lăn xuống chân đồi một bánh xe rực lửa. Chúng cũng giống nhau về mục đích: người ta hy vọng cùng một điều: rằng ngọn lửa sẽ “tạo thuận lợi cho mùa màng và đời sống dễ chịu của con người cũng như súc vật, hoặc có tính chủ động bằng việc kích thích những sinh vật đó, hoặc mang tính thụ động bằng việc đẩy lùi các mối nguy hiểm và tai ương mà sấm sét, hỏa hoạn, sâu bọ, giun sán, bệnh đạo ôn, sự vô sinh và nhất là những phép thuật phù thủy đe dọa mang đến cho con người và súc vật”. (tr. 1012). Frazer giải thích nguồn gốc lễ hội này bằng hai lý do: thứ nhất là nguyên lý của ma thuật bắt chước (ma thuật vi lượng): những đống lửa đã dập theo hình hài cái nguồn ánh sáng có nhiệt lượng to lớn tồn tại trên không trung: mặt trời. Thứ hai, nguyên lý của ma thuật lây truyền dựa trên quy luật của sự tiếp xúc: người ta tẩy rửa bằng cách hủy diệt hay đốt cháy tất cả những tác động có hại. Song Frazer ít chú ý đến một sự tương tự được lặp đi lặp lại trong các miêu tả của ông: người nhóm lửa, cung cấp, lăn bánh xe và người nhảy múa quanh đống lửa thường là các đôi vợ chồng mới cưới, cũng như niềm tin rằng các cô gái trẻ sẽ lấy chồng vào năm đó nếu chín lần nhảy múa xung quanh đống lửa hội thánh Jean, hay nếu hai vợ chồng trẻ nhảy qua đống lửa mà màn khói không chạm đến họ, người vợ sẽ không sinh con trong cả năm bởi vì những ngọn lửa không chạm đến chị ta để làm cho chị ta mắn đẻ. Frazer chú ý đến chi tiết chiếc bánh xe nhưng theo ông, việc sử dụng chiếc bánh xe có thể chỉ là một cách làm nhằm để giúp cho động tác nhóm lửa được dễ dàng bằng cách tăng cường sự co xát, không nhất thiết gán cho nó một ý nghĩa tượng trưng. Ông đã không hề lưu tâm lý giải vì sao người ta lại có được kinh nghiệm rằng sự cọ xát khẩn trương và liên tục kéo dài sẽ sinh ra lửa. (Chi tiết xin xem: James George Frazer, Cành vàng, Nxb Văn hóa thông tin, HN, 2007, tr 965 - 1024). 
[14] Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đoạn ba - giai đoạn 3 vì nó được nhà thơ diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ đầy sức ám gợi và niềm hứng khởi:
mỗi buổi sáng em tô chút son lên môi ngày
đêm về
tiếng thở riêng ngập ngừng màu điệu bộ
Trước hết là cụm từ “tô chút son”. Ấn tượng về sự cọ xát qua chữ “tô” (cũng như chữ “trét” trong câu thơ trước đó), sự ướt át gợi ra qua thanh sắc của chữ “chút” kết hợp với chữ “son”. Đây có thể xem là “sự thoải mái, sức mạnh thầm kín và gần như vô định của con người đã sống qua giây phút quyết định, lúc mà ngọn lửa sắp bừng sáng và lúc mà những ham muốn sắp được đáp ứng đầy đủ”. Sự cọ xát không tạo ra đau đớn mà lại cực kỳ nhẹ nhàng, êm ái, đê mê bởi cả hai đối tượng đều đang say sưa đắm đuối. Chữ “môi” rất lưỡng nghĩa khiến ta liên tưởng tới một bài thơ của Hồ Xuân Hương:
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
Xiếu mai chi dám tình trăng gió
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ
Trách người thợ vẽ khéo vô tình
(Đề tranh Tố Nữ)
Tranh tố nữ vốn là bộ tứ bình vẽ bốn cô gái ở các tư thế khác nhau: cô thổi sáo, cô cầm xênh phách, cô cầm quạt và cô gảy đàn nguyệt thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái Việt Nam xưa. Nhưng khi viết “hỡi cô mình”, có lẽ Hồ Xuân Hương đã trừu tượng hóa cả bốn cô gái thành một hình tượng, nên câu “Chị cũng xinh mà em cũng xinh” không thể hiểu là Hồ Xuân Hương đang viết về các cô khác nhau. “Chị” và “em” ở đây phải được hiểu giống như cách nói tình tứ lấp lửng trong ca dao: “Người xinh tiếng nói cũng xinh/ Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn”. “Chị” và “em” chính là cách gọi yêu của những cái “tỉnh tình tinh” kia. Ý đó càng thể hiện rõ ràng hơn ở câu thơ cuối “Còn thú vui kia sao chẳng vẽ/ Trách người thợ vẽ khéo vô tình”. Thú vui của “chị” là thú vui tinh thần: múa ca đàn sáo xênh phách, còn thú vui của “em” cũng đầy đam mê, lạc thú thì lại bị giấu đi. Cũng như vậy khi tác giả viết “tô son lên môi”, người đọc cũng có thể liên tưởng đến “môi trên” - chỗ tiếp xúc nhạy cảm tạo ra những rung động kích thích để hệ thần kinh điều khiển “môi dưới” ướt tô son bóng tạo điều kiện cho cuộc giao hoan. Câu thơ lấp lánh các tầng nghĩa. Và tiếng thở ngập ngừng nghe thật gần cùng với “điệu bộ” quan sát được bằng mắt càng gợi nhiều liên tưởng.
[15] K. Jung, “Bí ẩn của những siêu mẫu”, tlđd, tr63.
[16] Theo Jung,
vô thức tập thể là “phạm vi của huyền thoại vô thức mà những hình tượng của nó là tài sản chung của nhân loại”, và “trái với vô thức cá nhân tạo nên lớp bề mặt ngay dưới ngưỡng ý thức, vô thức tập thể trong những điều kiện bình thường không nhận biết được, vì thế không một kỹ thuật phân tích nào có thể gợi nhớ được nó”... (“Bí ẩn của những siêu mẫu”, tlđd, tr 79).
[17] Khi trích dẫn văn bản, chúng tôi giữ nguyên cách dịch của các dịch giả, nhưng khi phân tích, chúng tôi chọn thuật ngữ “cổ mẫu”.
[18] “làm
nhà thơ - nghĩa là cho phép đằng sau mỗi từ vang lên từ nguyên của nó”
[19] Murrey Stein, tlđd.
[20] Trong các phân tích của mình, Jung đã chỉ ra việc làm thế nào ông phát hiện được cổ mẫu này.
[21] Điều này có
thể thấy rất rõ trong cuộc sống. Khi ta yêu một người nào đó một cách mù quáng vô lý do, đến chính bản thân ta cũng không hiểu, không tự điều khiển được mình. Sau này khi cơn say qua đi, họ thường nói là do “ma xui quỷ khiến”. Thực ra đó là năng lượng của vô thức.
[22] Trong đoạn thơ cuối, ta nghe thấy ba tiếng nói: tiếng nói của ước ao từ anima: có một người nào sẽ đến, anh vẫn đang chờ như tin tưởng bằng một niềm tin mãnh liệt: tình yêu tha thiết của đời mình vẫn ở đâu đó. Rồi lý trí vang lên: đùng có hy vọng để rồi lại thất vọng đớn đau, lý trí bảo “tôi không chờ gì cả”. Và câu thơ cuối là một lời thỏa hiệp, thanh minh, ừ thì biết thế, nhưng “trời này rộng quá, một mình thật khó yêu nhau”
[23] Tên một bài thơ của Hồ Minh Tâm “Cha cái thằng mùa đông”.
[24] Thông thường, nói đến gọt,
đẽo là nói đến việc làm cho những cái từ thô mộc xù xì trở nên trơn tru, hoàn hảo hơn, đẹp hơn. Đồng thời cũng nói đến mục đích: biến đổi cái này thành cái khác. Nhưng hãy chú ý đến tư thế chủ động của em và tư thế thụ động của đối tượng bị gọt đẽo. Lý trí ngơ ngác còn chưa hiểu ra sao nên cứ để mặc cho cái vô thức trỗi dậy. Ba chữ “gọn, sắc, gân và lõi” đi ngay sau hành động gọt đẽo gợi rất nhiều liên tưởng: Thứ nhất, “gọn sắc gân và lõi” là kết quả của hành động gọt đẽo: bằng hành động này, em làm cho nó trở nên có hình dáng như thế. Thứ hai, nó miêu tả động tác gọt đẽo: quá trình và cách thức em đẽo gọt cái đời vốn gai góc, cô độc kia: động tác của em chính xác, dụng cụ trong tay em bén ngọt. Hiểu theo nghĩa nào thì các từ ngữ giàu màu sắc tạo hình cũng gợi ra một ấn tượng: em, chẳng biết bằng phương tiện gì đã trực diện đi vào đúng bản chất của con người ta, đến được chỗ sâu kín nhất của lòng ta, thế là ta trần trụi trước em, ta chấp nhận/ hay buộc phải chấp nhận hay sung sướng để mặc cho em đục đẽo hết những lớp vỏ ngoài con người ta, để chỉ còn hiển hiện con người thật. Hay em gọt hết đi phần lý trí để khao khát trong vô thức có được hình hài.
[25] Từ “điệu bộ” ở đây không nên hiểu theo nghĩa tính từ là kiểu cách, làm dáng mà nên hiểu theo nghĩa danh từ: cử chỉ.
[26] Chữ “khác” cũng được dùng rất hay và đa nghĩa. “Khác” có thể là từ đi liền ngay sau “thường” để bổ nghĩa cho nó. “Khác” cũng có thể hiểu là một từ đứng ngang hàng với “thường”. Hiểu theo nghĩa này, câu thơ trở thành “thành một đời rất thường/ rất khác” (từ “rất” trong trường hợp này được tỉnh lược). Vậy thì chữ “khác” vừa ngang hàng về vị trí ngữ pháp vừa quay trở lại tra vấn chữ “thường” - chữ “thường” mà tôi muốn nói ở đây không thể hiểu theo nghĩa thông thường mà phải hiểu theo nghĩa khác. “Khác” vừa là khác với “thương” vừa là khác với “thường” theo cách hiểu của mọi người, theo cách thông thường. Và nếu đảo ngược lại trật tự hai chữ ta sẽ có “thành một đời rất khác thường” - khác với cái thường gặp trong đời ta. Nhưng nếu tác giả viết luôn là “khác thường” thì cái hay, vẻ đa nghĩa sẽ mất cả, như một lời yêu được nói ra vội vã sẽ lập tức làm tan biến sự hồi hộp của con tim, sự thi vị của giây phút phỏng đoán, đợi chờ.
[27] Lưu Hồng Khanh, Tâm lý học chuyên sâu, Nxb Trẻ, 2006.
[28] Pierre Daco, (1999), Giải mã các giấc mộng qua ánh sáng phân tâm học, Phan Quang Định biên dịch, Nxb Trẻ, TPHCM.
[29] Trong bài thơ về sự đổ vỡ “quay lưng rồi nói bình yên”, anh đã nhắc đến tiềm năng này: khát vọng thơ, khát vọng sống, khát vọng yêu hết mình như núi lửa chỉ tạm thời ngưng. Và hình ảnh hương khói, nấm mộ tượng trưng cho đất, tượng trưng cho sự lạnh lùng vô cảm không vùi chôn được nó, núi lửa vẫn chờ ngày phun, ngọn lửa trong đống tro tàn vẫn chờ ngày bùng lên (anh viết “bừng lên” đầy nội lực chứ không phải bùng lên phá hủy và thiêu đốt). Thì đây, ngày ấy đến, lửa bùng lóa không phải bởi yêu thương vờ vịn mà bởi được nhón một ước ao, được cọ xát đục đẽo gọt, được xoay nắm đấm mở cánh cửa vào ngôi nhà núi lửa: nó phun, nó cháy lên để tìm kiếm chính bản thân mình.
[30] Chúng ta
Những mồi lửa thế kỷ trước
Đốt nhau để tìm mình
[31]
[32] Ta tự nguyện yêu một người nào đó, đôi khi tình yêu ấy đem đến cho ta nỗi khổ sở nếu xét theo các tiêu chí thuộc về lý trí: địa vị xã hội, hoàn cảnh sống, nhưng người ta như con thiêu thân yêu “như chết là hạnh phúc” (Câu thơ trích trong bài “Khúc mùa thu” của Hồng Thanh Quang), bởi họ bị thôi thúc bởi ước ao quay lại với ký ức nguyên sơ, được sống lại với những kỷ niệm mộng mơ tươi đẹp nhất đã có sẵn, đã được “di truyền” bằng tinh thần. Cho nên mỗi lần yêu là một lần người ta trải nghiệm niềm vui của chàng si tình ngốc nghếch khi Păng đo lần đầu được gửi xuống trần gian mang đủ phiền toái đau khổ, chỉ giữ lại hạt giống hy vọng. Và có lẽ khó có một người trần thế nào lại từ chối được nàng dù biết nàng là mầm họa.
[33] Có thể có người sẽ cho là khiên cưỡng, nhưng khi đọc một loạt các âm “đ” trong đoạn thơ đầu (đẽo - đời - đời - đời), tôi lại cứ liên tưởng đến một từ khác - từ “đầu” - sự va chạm ngay từ đầu đã là sự va chạm của hai trí tuệ, hai cách nghĩ, cách nhìn đời sống.
[34] Khi nói “em mần thơ” là đã động đến nỗi đam mê sâu thẳm của người viết. Và em “trét chữ”.
[35] Murrey Stein (2011), Bản đồ tâm hồn con người của Jung, Bùi Lưu Phi Khanh dịch, Nxb Tri thức, TPHCM, tr 327.
[36] ở đây cần phân biệt khái niệm này với chủ nghĩa cá nhân. Thành toàn tự ngã hay cá nhân hóa, hiểu một cách đơn giản nhất là quá trình đạt tới sự thống nhất các phần trong nội tâm để hình thành cá tính của con người.

[37] Nói một cách hình ảnh, có thể ví thế giới vô thức của chúng ta như cái xe có khi vượt ra khỏi tầm nhìn, ta không thấy dù nó vẫn tồn tại, hay như một căn phòng tối chất đầy đồ đạc mà ý thức như ngọn đèn ánh sáng nhỏ chỉ chiếu sáng được vài điểm cố định và đôi khi lại không được rõ. Còn anima tựa như một cánh cửa mà khi được mở, sẽ tạo cơ hội cho ánh sáng của ý thức lọt vào căn phòng vô thức tối tăm. Trong u mê, đôi khi một cái dây thừng cũng khiến ta run sợ vì tưởng nó là con rắn. Nhưng nếu có ánh sáng, ta vững tin hơn, ta nhận thức được lòng mình và mường tượng được hướng đi. Đôi khi chỉ cần một loáng, một khoảnh khắc ngắn ngủi cũng đủ để ý thức ghi nhận được đường đi nước bước, không lo sợ phạm sai lầm và vấp vào linh tinh đồ đạc, biết cách dung hòa. Còn nếu cánh cửa nội tâm khép chặt, con người sẽ vĩnh viễn đi trong sương mù.

Sài Gòn, tháng 2/2013
Nguyễn Thị Minh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...