Thơ Hàn Mặc Tử: Mật đắng,
Máu cuồng và Hồn điên
Thơ tình của Hàn là những lời tình đau thương nhất trong thi
ca Việt nam, bởi nó gói trọn cả không gian, cả thiên nhiên vạn vật trong đau khổ,
gói cả cõi thơ, cả linh hồn vào một vùng không gian xuất huyết, chết theo với
bóng tà ác lặn.
Tập thơ Đau thương của Hàn Mặc Tử thể hiện hai vũ
trụ: vũ trụ hạnh phúc trong Hương thơm và vũ trụ kinh hoàng
trong Mật đắng, Máu cuồng và Hồn điên.
Hương thơm là chữ trên đường thơm hương, ngát mộng hạnh
phúc của cuộc đời. Mật đắng, Máu cuồng và Hồn điên là
thơ tình, tuyệt vọng, hoang loạn, gắn bó với khổ đau, đen, đục của cô đơn, kinh
hoàng và cõi chết. Trong vũ trụ thứ hai này, phần lớn thơ Hàn gửi cho trăng, viết
về trăng, trăng trở thành đề tài chính: Ngủ với trăng, Say trăng, Rượt
trăng, Trăng tự tử, Chơi trên trăng, Một miệng trăng...
Tại sao lại trăng, mà không phải là cái gì khác?
Trăng không phải là ám ảnh của bệnh cùi như Trần Thanh Mại và
một số người đã nhận định. Trăng nơi Hàn Mặc Tử có nguồn gốc sâu xa hơn, gắn bó
với tuổi thơ. Con người nào cũng gắn bó với ký ức đầu đời: một đứa trẻ bị hành
hạ, lớn lên có thể trở thành tội phạm; kẻ viết văn thường dựa vào ký ức tuổi
thơ để xây dựng đời văn. Hàn Mặc Tử là một trường hợp vận dụng tưởng tượng
trong ký ức; và trăng đối với Hàn là nguồi cội của tuổi thơ: Trăng Sa Kỳ.
Nguyễn Bá Tín, viết về động cát Sa Kỳ, thủa nhỏ hai anh em
thường đi chơi: “Địa phương gọi là Động, kỳ thực là một vùng rộng lớn, cát trắng
phau, thứ cát ánh ngời như mảnh vụn pha lê, chạy dài 4,5 cây số bên bờ đại
dương. (...) Vào những đêm trăng sáng thì tuyệt đẹp, nhưng huyền ảo đến rợn người
như đi vào một thế giới xa lạ. Dân địa phương không dám băng ngang. Người đi chỉ
còn nghe hơi thở của mình và mơ hồ se siết bước chân trên cát giữa vắng lặng
hoàn toàn.
Trăng bao phủ tứ phía bằng một ánh sáng lung linh chờn chợn
khó phân biệt từ trên trăng tỏa xuống, hay từ cát trắng chiếu lên. Tơ trăng dầy
đặc, mỗi cử động hay di chuyển đều như lùa cả trăng theo.” (trích Hàn
Mặc Tử anh tôi, trang 19)
Thiện Nam Nguyễn Bá Tín đã viết về vùng trăng Sa Kỳ của anh
mình với một bút pháp đầy thơ mộng. Với Hàn Mạc Tử, trăng Sa Kỳ không còn là
trăng nữa mà đã hóa thành thơ. Nói đúng ra, trăng Sa Kỳ là điểm tựa đầu tiên, để
Hàn Mặc Tử xây dựng cõi thơ, cõi hư ảo của mình.
Trong bài thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng (có thể
coi là bản tuyên ngôn thơ của Hàn Mạc Tử) Hàn đã ghi lại những thắc mắc về bản
chất trăng: Cuộc gặp gỡ đầu tiên với trăng đã gây cho cậu bé Nguyễn Trọng Trí
những câu hỏi về thơ, đã manh nha trong lòng Trí, một định nghĩa thơ, qua
trăng, bằng trăng, coi trăng, như một thực thể sáng tạo:
«Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh
sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung
dung, sẽ nhận thấy có nhiều tiếng nhạc say say gió xé rách lả tả... Và rơi đến
đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức
rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng
trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện
hình của một nguồn khoái lạc chán chê» (Chơi giữa mùa trăng).
Trăng, như thế, đối với Hàn, ngay từ thủa nhỏ, đã thoát khỏi
tất cả những ý nghĩa thông thường mà chúng ta gán cho vừng trăng, ánh nguyệt.
Trăng trở thành thơ, trăng trở thành nhạc. Trăng là thơ và là nhạc, ở Hàn, ngay
từ những suy nghĩ đầu tiên của một cậu bé. Và khi lớn lên, trăng sẽ là chia ly,
dục lạc, là cõi siêu hình, vô lượng, là sự rung động tận cùng trong tạo tác.
Hàn Mặc Tử viết tiếp:
“Chị tôi bỗng reo to lên: Đã gần tới sông Ngân rồi!
Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn giang! (....)
Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như
vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê hết cả lưỡi và hàm răng? Chị
tôi làm thinh, - mà từng lá trăng rơi lên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng.
(...) Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở
chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bình bồng đến một
địa cầu nào khác. Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả
vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu (...)
«A ha, chị Lễ ơi! chị là trăng mà em đây cũng là trăng
nữa!»
Ngó lại chị tôi và tôi thì quả là trăng thiệt». (Chơi giữa
mùa trăng)
Chơi giữa mùa trăng là một bài thơ văn xuôi tuyệt bút,
trong đó Hàn Mặc Tử đã giải thích nguồn cội thi ca nơi Hàn và kể lại sự tan biến
của hình hài trong trăng và sự hóa thân của trăng thành nước, thành thơ,
trong một khung cảnh thần tiên: Hai chị em đi thuyền trên sông, dưới ánh
trăng, nhưng tất cả đã bị ảo hóa, tất cả là mơ, là thơ, là họa, là nhạc. Dòng
sông của họ ở trên trời hay dưới đất? Bến mà họ ghé là bến Hàn giang hay
bến Ngân hà? Ánh sáng của họ là sáng trăng hay là một thứ ánh sáng huyền
diệu tỏa ra từ cõi nhạc tiên, trên thiên đàng, vô chung vô thỉ? Và có lẽ từ
khi ấy, từ những cuộc đi chơi dưới trăng Sa Kỳ thủa nhỏ ấy, mà nguồn thơ
Hàn luôn luôn bị quyến dụ bởi tầng cao:
Gió nâng khúc hát lên cao vút
Vần thơ uốn éo lách rừng mây (Ngủ với trăng).
Đó chính là “lý thuyết thơ” trong vũ trụ mới của Hàn Mặc Tử.
Trăng là nguồn sáng tạo
Trăng chính là thơ, là ánh sáng, là màu sắc, là âm thanh, là
những giấc mơ triền miên của Hàn từ những ngày thơ ấu, từ thủa trong sáng của
những câu thơ đầu đời, từ thời thanh niên đầy sinh lực chưa nhuốm chứng nan y,
cho đến khi ngã bệnh: tinh thần và thể xác đớn đau điên loạn của bệnh hủi,
trăng vẫn còn đó, và trăng cũng điên dại, bệnh hoạn như Hàn.
Trăng trong thơ Hàn chia hai như tâm hồn Hàn: vì vậy, trong
cùng một bài thơ, như bài Say trăng mà có đến hai trăng: trăng
tươi, trăng đẹp, trăng của những giấc mơ hạnh phúc.
Nước hóa thành trăng, trăng ra nước,
Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm
Người trăng ăn vận toàn trăng cả (Say trăng)
Và trăng điên, trăng bệnh, trăng cùi của những cơn ác mộng,
trăng thổ huyết trong đêm tối của thể xác và linh hồn:
Gió rít từng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô,
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra (Say trăng)
Từ trăng đẹp đến trăng điên có một biên giới: nước
Từ trăng đẹp đến trăng điên có một biên giới, một cái mốc, một
thứ định mệnh, là nước. Nước cũng là một tác nhân quan trọng trong thơ Hàn
không kém gì trăng. Hàn sinh ra và lớn lên bên bờ đại dương như trăm
nghìn người Việt sống cạnh bờ biển. Việt Nam có bờ biển dài nhất vùng Viễn Đông
so với diện tích đất đai. Nhưng văn thơ của chúng ta ít viết về nước. Có lẽ bởi
người Việt ít mộng mơ, không thích viễn du chăng? Duy chỉ có thơ Hàn Mặc
Tử là có nước, là ngập nước. Tại sao?
Vì nước cũng là nguồn thơ ấu của Hàn như trăng. Nhưng nước đối
với Hàn còn là nguồn của sợ hãi, của cái chết. Nguyễn Bá Tín kể lại rằng Hàn Mặc
Tử rất thích nước và thích tắm biển, nhưng một hôm hai anh em đang bơi, bị gió
nồm thổi quá mạnh, «anh Trí đuối sức gần ngất đi, phải nằm ngửa (làm
planche) để cho sóng đẩy vào bờ. Trông anh sợ hãi khác thường (...) anh không
còn giống anh nữa, với đôi mắt đã lạc thần.
Từ đó anh không tắm biển nữa, sợ nước, ít hoạt động, nói năng
nhỏ nhẹ như sợ ai nghe (...) Cả nhà đều nghi anh mắc bệnh tâm thần, hay tưởng
tượng gì đó, nhưng anh vẫn bình thường, vẫn làm thơ, thức khuya để ghi chép. Nhận
xét kỹ, anh có lôi thôi về ăn mặc, ít tắm giặt, phải nhắc nhở anh thay quần áo,
nhưng anh thường hay quên, chẳng hạn quần áo thay ra ném bậy bạ, có khi cả tuần
không tìm thấy, thì ra đã lọt xuống kẹt rương, chuột đã làm ổ» (Hàn Mặc Tử
anh tôi, trang 20-21)
Những lời ghi trên đây của Nguyễn Bá Tín rất quan trọng, nó
giải thích tại sao Hàn Mặc Tử sợ nước và sự sợ nước, lười tắm, sẽ dẫn đến bệnh
phong sau này. Nhưng nó còn giải thích hiện tượng nữa, là nước như một
cái mốc đã xoay chuyển, không những định mệnh của Hàn Mặc Tử mà còn xoay chuyển
luôn cả tính cách thơ ca của Hàn nữa: Bệnh phong và thơ của Hàn gắn
bó với nước như một căn nguyên khởi thủy của sáng tác và của sự sợ hãi, đã
theo Hàn qua tất cả các trạng thái của thể xác và tâm hồn, cho đến chết.
Chưa bao giờ những dòng phân tâm vật chất của Bachelard lại
có ý nghĩa sâu xa đối với một nhà thơ như thế, những dòng sau đây, tưởng như
Bachelard viết riêng cho Hàn Mặc Tử: «Kẻ hiến mình cho nước là kẻ
hôn mê thác loạn. Hắn chết dần mỗi phút, chất hắn không ngừng trào ra. Cái chết
mỗi ngày không phải là cái chết hoành tráng của lưỡi lửa chọc thủng trời; mà
là cái chết của nước. Nước luôn luôn chảy, nước luôn luôn ngã, nước chết theo
chiều nằm xuống» (L’être voué à l’eau est un être en vertige. Il meurt à
chaque minute, sans cesse quelque chose de sa substance s’écoule. La mort
quotidienne n’est pas la mort exubérante du feu qui perce le ciel de ses
flèches; la mort quotidienne est la mort de l’eau. L’eau coule toujours, l’eau
tombe toujours, elle finit toujours en sa mort horizontale). (Trích L’eau et
les Rêves, Nước và Mơ, Biblio Essais, trang 13 ).
Hàn Mặc Tử sinh ra và lớn lên bên bờ đại dương, với những bãi
cát và những đêm trăng huyền ảo. Trăng và nước trở thành bản thể của Hàn, là chất
cấu thành tư tưởng, cấu thành thể xác của Hàn, nhưng trăng và nước còn là hai động
lực siêu hình, xây dựng nên thơ Hàn, đồng thời dẫn Hàn về cõi chết.
Khi phân tâm nước, Bachelard nhận thấy, có hai thứ nước: nước
trong và nước đục, mà ông gọi là nước nhẹ (eau légère) và nước nặng (eau
lourde) tương ứng với niềm vui, nỗi buồn. Nước đã đục không thể trở lại trong,
mà luôn luôn chỉ có một chiều duy nhất: từ trong đến đục. Huyền thoại của nước
cũng là huyền thoại của con người: đi từ những mộng mơ trong sáng thủa ban đầu «dưới
dòng nước chảy trong veo» (Kiều) để đến với đớn đau chia lìa tuyệt vọng «máu
theo nước mắt hồn lìa chiêm bao» (Kiều), trong hành trình của Nguyễn Du.
Ở Hàn Mặc Tử, nước cũng đi theo hành trình như thế, nhưng nước
của Hàn còn có những biến thể khác, không những chỉ từ trong sang đục, mà còn từ
lỏng sang đặc: nước sang trăng; rồi từ đặc sang lỏng: trăng sang nước,
trong bài Huyền ảo:
Từ đầu canh một đến canh tư
Tôi thấy trăng mơ biến hóa như
Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng
Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ. (Huyền ảo)
Thoạt đầu, trăng biến thành hương khói, rồi lan ra tỏa ra
toàn diện mặt nước:
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô .(Huyền ảo)
Và dần dần trăng hóa thành thành nước, trăng bây giờ là màn
sương dầy đặc, trăng trở thành nỗi niềm, thành không gian ngăn cách:
Không gian dầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa tôi quá nói nghe chăng (Huyền ảo)
Hàn Mặc Tử đi vào địa hạt huyền ảo, không do niềm tin
tôn giáo
Mặc dù khi bệnh nặng, Hàn đọc kinh cầu nguyện hàng ngày. Cấu
trúc huyền ảo sau này biến thành thần linh trong thơ Hàn, có nguyên do vật chất:
Ban đầu, sự huyền ảo phát xuất từ sự chuyển từ thể lỏng sang đặc, từ đặc sang lỏng,
của những yếu tố trong thiên nhiên, bởi Hàn. Chính khả năng chuyển thể vật chất
ấy đã tạo cho thơ Hàn không khí huyền ảo, ma quái, diệu kỳ, như có thần linh.
Còn Đức Mẹ Maria đối với Hàn, không phải là một ý thức thần
linh, cũng không phải là ý thức tôn giáo. Bà là đấng cứu khổ cứu nạn, bởi Hàn
theo đạo Chúa, nên Hàn cầu Đức Mẹ, nếu Hàn theo đạo Phật, Hàn sẽ cầu Đức Quan
Âm. Vì vậy, trong thơ Hàn, Đức Mẹ là bàn tay hằng cứu giúp. Ở chặng cuối cùng của
tuyệt vọng, Hàn tìm đến Đức Mẹ như một cứu cánh:
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng...
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến (...)
Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang (Ave
Maria)
Những chữ Phượng Trì, Phượng Trì, được coi như cõi bí mật thần
linh, thực ra, có nguyên do đơn thuần như sau: theo lời kể của Nguyễn Bá Tín,
một hôm hai anh em đi xem phim chưởng, trong phim có người anh hùng tên là Phượng
Trì phi thân lên núi rồi biến mất. “Hai tiếng Phượng Trì ám ảm anh Trí một
cách kỳ lạ say đắm... Anh nói: “Phượng Trì, cái tên thật là tuyệt, nghe
như bay lên cao, bay lên cao! Hay quá!” (trích Hàn Mặc Tử anh tôi, trang 79).
Như vậy, Phượng Trì không phải là Thiên Đàng của cõi Chúa
cũng không phải là Giao Trì của Tây Vương Mẫu. Thơ Hàn không gắn bó với tôn
giáo, mà gắn bó với chữ và không trung trong hành trình
chuyển thể của vật chất.
Bệnh càng nặng, nỗi đau đớn thể xác càng tăng, hình ảnh trong
thơ Hàn càng héo hắt thêm, hồn phách rã rời, nước trong của Hàn ngày càng đục
thêm, nước bây giờ chính là máu của Hàn và trăng cũng trở thành máu, nước-máu
dâng lên thành biển, theo nồng độ đớn đau chết chóc:
Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời (Biển hồn ta).
Trong những giấc mơ ma quái nhất, Hàn đã thấy:
Trăng ngập đầy sông, chảy láng lai. (Cô liêu)
Tình yêu của Hàn gắn bó với thơ và máu.
Tình yêu là da thịt của Hàn kết hợp với huyết lệ của chữ. Thơ
tình của Hàn luôn luôn thoát ra ngoài cõi biết của chúng ta, của những kẻ chưa
bao giờ đạt tới trạm cuối của cuộc đời. Thơ Hàn là hiện thân của một tình yêu lạ
lùng trên giải đất mà chúng ta đang sống. Sóng trong lòng Hàn là sóng thiên triều,
kỳ vĩ như những cơn ác mộng triều thiên:
Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết
Khi say sưa với lượn sóng triền miên
Khi nhận lấy trong thân tâm cay nghiệt
Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng (Biển hồn ta).
Bệnh trọng, người tình xa lánh dần, tất cả đã bỏ Hàn. Mỗi chữ
trong thơ trở thành giọt mật đắng. Thơ trở thành những xúc cảm
điên cuồng, ngây dại, tuyệt vọng:
Nghe gió là ôm ngang lấy gió
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chả vương vấn gì
Nhớ lắm lúc như si như dại
Nhớ làm sao bải hoải chân tay. (Muôn năm sầu thảm)
Những kẻ đã yêu và đã bỏ Hàn không chỉ có phụ nữ, không chỉ
là bạn bè, không chỉ người thân, mà còn là tất cả tình đời, tất cả đã bỏ Hàn.
Trong không gian hiu quạnh ấy: Trăng choáng váng với hoa tàn cùng ngã (Hãy
nhập hồn em), Hàn rơi trong cõi trời sâu, thơ Hàn nhỏ xuống thành những giọt
huyết lệ:
Họ đã xa rồi khôn nứu lại
Lòng thương chưa đã, nếm chưa bưa...
Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu (Những giọt lệ)
Thơ Hàn là những giọt lệ của cánh phượng nở trong màu huyết
Tất cả trở thành máu huyết. Và sự rùng rợn đến từ sự chuyển
thể từ nước thành tuyết, từ tuyết thành máu, làm
cho mê sảng bay lên đến cao tầng của cung Hằng:
Lụa trời ai dệt với ai căng,
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn
Và ai gánh máu đi trên tuyết,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang (Cuối thu)
Nước buổi thanh xuân nay đã đông lại thành máu. Thơ tình của
Hàn là những lời tình đau thương nhất trong thi ca Việt nam, bởi nó gói trọn cả
không gian, cả thiên nhiên vạn vật trong cái đau khổ, gói cả cõi thơ, cả linh hồn,
vào một vùng không gian xuất huyết, chết theo với bóng tà ác lặn. Không chỉ có
một người thơ đau khổ, không chỉ có một người thơ tan nát cõi lòng, mà cả đến thơ
cũng cháy tan, cả đến tiếng, đến lời cũng thoi thóp trên không trung,
cả ý, cả nhớ... tất cả đều tan tác dẫy chết trong vũng máu hoàng hôn của cuộc đời
và của vũ trụ:
Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru
Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi
Một lời run hoi hóp giữa không trung
Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn (Trường tương
tư).
Hàn xem Hồn như một người bạn mới
Nước máu bây giờ tràn ngập thơ như khí trời dần dần đông lại trong
phổi, làm cho Hàn càng ngày càng nghẹt thở. Thân thể Hàn bị bủa vây bởi sự biến
chất từ lỏng sang đặc của tất cả những chất sống trong người Hàn. Trong Hàn chỉ
còn những gì bên kia cõi sống và từ đây những giấc mộng của Hàn đã vượt biên
thùy cõi sống để sang thế giới bên kia. Từ nay, cho tới lúc mất, Hàn đi chơi với
hồn. Hồn trở thành bạn, và trong những cơn chết đi sống lại của bệnh cùi, Hàn
xem Hồn như một người bạn mới, một người lạ mới gặp lần đầu:
Hồn là ai? là ai? tôi chẳng biết
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng... (Hồn là ai)
Chưa bao giờ trong thi ca có sự phân thân rõ ràng như thế:
chia hai thành xác và hồn trong những phút cuối của cuộc sống.
Chưa một nhà thơ nào đã ghi lại những giây phút kinh hoàng như Hàn : những
giây phút hồn lìa khỏi xác để đi chơi riêng, như hai kẻ cô đơn, rồi khi cơn
điên nổi lên, án mạng xẩy ra, xác đã giết chết hồn trong cơn đau
cực độ :
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực (Hồn là ai)...
Toàn bộ thơ Hàn là sự chuyển thể vật chất từ lỏng sang đặc và
từ đặc sang lỏng. Từ trăng thành nước, từ nước thành thơ, từ thơ thành
máu, từ máu thành thơ.
Tìm hiểu vũ trụ thơ của Hàn là tìm hiểu nguyên nhân của sự
chuyển thể vật chất đó. Những cõi mộng mà Hàn tạo ra trong thơ, chính là sự gắn
bó hữu cơ giữa nước và trăng của một hồn thơ kỳ vĩ, đau thương tột độ trong hồn,
trong xác, với bàn tay phù thủy trong thuật luyện kim chữ, đã viết lại hành
trình về cõi chết của mình và cũng là của người, của con người:
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên, (Hồn là ai)
Không chỉ một lần Hàn trộn máu trong thơ:
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt (Rướm máu)
Mà biết bao lần, mỗi lần là một tuyệt bút, là một đớn đau đến
biên thùy của cõi chết:
Lời thơ ngậm cứng không rền rĩ
Mà máu tim anh vọt láng lai (Lưu luyến)
Ở cực điểm của đớn đau bệnh hoạn, ai mà chẳng đặt những câu hỏi
như Hàn? Hiện tượng đông đặc của nước và hóa lỏng của đất đá, chính là hiện tượng
con người sắp lìa trần, nhưng làm sao viết lại được, như Hàn:
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si? (Những giọt lệ)
Tình yêu tuyệt vọng của người con trai chưa từng biết lạc thú
cuộc đời, đã đi đến những điên loạn ngoài cõi biết, của một người đã bị xé tan
tành thân xác, trộn trạo các tinh chất trong thân xác mình thành một thứ bột
màu, thành một thứ mực thơm, thành một thứ tinh anh của thi ca chưa hề tại thế:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
Cho mê man chết điếng cả làn da.
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết,
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh. (Rướm máu)
Và khi những cơn điên dâng lên, cả hồn lẫn xác đều lâm trận
trong cuộc chiến với cô đơn, cái chết, mà âm hưởng vang lên đến cõi thượng từng:
Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng
Rung tầng không khí, bạt vi lô. (Cô liêu)
Cuối cùng, rồi hồn và xác rời nhau, mỗi “kẻ” một nơi, để sống
trọn niềm cô liêu của mình cho đến “chết”, cái chết có từ vạn kỷ:
Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?
Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng.
Không nói không rằng nín cả hơi!
Chao ôi! ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời. (Cô liêu)
Tất cả đều phát triển một cách tiệm tiến, từ cái điên đến cái
chết, và lúc nào nước cũng có mặt, bởi chết là về nước. Tất cả đều đi theo một
hành trình tiên định, một hành trình sắp đặt sẵn từ trăng đến nước.
Ở những hơi thở cuối, tất cả trở lại trạng thái khô ráo thủa
đầu, người thơ đã đi trọn hành trình: tình thành nước, nước thành máu, rồi máu
thành thơ.
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
- Còn em sao chẳng hay gì cả? (Trút linh hồn)
Nhưng tất cả đã khô rồi, đã biến mất, để lại những lời, những
chữ, những dòng tuyệt bút của thi ca, bay rền trong không gian vô định:
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió - trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ (Trút linh hồn).
14/2/2009Thụy Khuê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét