Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Bướm bay vườn cải hoa vàng

Bướm bay vườn cải hoa vàng

TÔI KHÔNG BAO GIỜ KHÔN LỚN
Hôm nay chúng ta cùng đọc với nhau bài Bướm bay vườn cải hoa vàng. Bài này được sáng tác trước bài trường ca Avril vào khoảng năm tháng. Viết vào đầu tháng chạp năm 1963. Trong bài Bướm bay vườn cải hoa vàng chúng ta thấy lại bông hoa của thi sĩ Quách Thoại một cách rất rõ ràng.
Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.
Bài Bướm bay vườn cải hoa vàng cũng là một bài thơ rất vui, và tuy nhạc của Anh Việt hơi có tính hoài niệm, nhưng tinh thần của bài thơ này vốn rất thanh thoát nhẹ nhàng. Trong bài thơ này chúng ta đã thấy các giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú và Vô Hành biểu hiện ra rất rõ. Hiện Pháp Lạc Trú là sống an lạc, vững chãi và thảnh thơi ngay trong giờ phút hiện tại. Những câu đầu có thể cho chúng ta có cảm tưởng đây là hình ảnh của quá khứ, nhưng sau đó chúng ta biết rằng những hình ảnh đó là những hình ảnh của hiện tại. Vì nếu an trú được trong bản môn thì chúng ta có thể thấy quá khứ nằm ngay trong hiện tại. Và chuyện gì xảy ra ngày hôm qua cũng đang xảy ra ngay trong ngày hôm nay, và ta vẫn có thể tiếp tục rong chơi trong thiền đường tuổi thơ. Tất cả những gì đẹp, tất cả những gì mầu nhiệm của ngày hôm qua vẫn còn có mặt trong giây phút hiện tại, nếu chúng ta thực sự biết tiếp xúc với giây phút hiện tại.
Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về bên nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Mười năm đầu là mười năm của tuổi thơ, không lo lắng, không cần phải đối diện với những khó khăn của sự sống. Hai mươi năm kế tiếp là hai mươi năm của sự đương đầu với những khó khăn, với những khắc nghiệt của sự sống. Đây là kinh nghiệm không phải của riêng ai mà của tất cả chúng ta.
Mẹ tôi gọi tôi về bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Tất cả những đứa bé ở Việt Nam đều đã có cơ hội sống qua hình ảnh này. Nếu được sinh ra ở Tây Phương thì có thể mình đã không trải qua cùng một kinh nghiệm. Đi chơi; sự có mặt của trẻ thơ là để chơi chứ không để làm gì hết. Ăn và chơi thôi. Ăn, ngủ và chơi. Cha mẹ ta chỉ mong chúng ta làm được ba chuyện đó. Ăn, ngủ và chơi. Đi chơi nhưng luôn luôn ta được dặn rằng: con nhớ về đúng giờ cơm chiều. Có khi ham chơi quá, ta về trễ và mẹ phải ra gọi. Vì mình chơi ở một bãi cát, ngoài bờ sông hoặc ở một bến nước nào gần nhà. Và sau khi đã nấu cơm xong, mọi người trong gia đình đã có mặt rồi mà chỉ còn thiếu mình nên mẹ phải đi ra gọi mình về ăn cơm. Chơi thì chơi đủ thứ, không cần đi guốc, đi giầy gì hết. Lấm láp, hai chân dính bùn, dính đất, vì vậy khi về đến nhà trước ta phải ra bếp nước để rửa chân. Rửa chân xong, đi đôi guốc rồi mới được vào ăn cơm. Vì mâm cơm được dọn trên bộ ván gõ, nếu chân mình còn dính bùn đất thì mình không được trèo lên. Đó là hình ảnh của Việt Nam. Ở Việt Nam hồi đó bếp chỉ đun bằng rơm hoặc củi, mà phần lớn ở thôn quê thì đun bằng rơm. Tôi là một trong những người có thể nấu cơm bằng rơm. Hôm nào các sư chú tổ chức đem rơm vào để tôi nấu một nồi cơm bằng rơm cho mà xem. Nấu cơm bằng rơm mà nấu canh cũng nấu bằng rơm được, rất hay. Trong khi nấu cơm mình phải dùng một thanh củi đẩy rơm vào để nuôi ngọn lửa cháy hoài, nếu bỏ đi chỗ khác thì rơm sẽ tắt. Nhưng mình vẫn có thể đứng dậy đi năm hoặc bảy bước để lấy cái gì đó rồi trở về kịp thời để đẩy nắm rơm vào. Cái bếp nước (ảng nước) gần nhà bếp lắm. Nơi đó có một cái lu, ngoài Bắc gọi là cái chum, trên cái chum có một cái gáo dừa, cán bằng gỗ còn gáo làm bằng trái dừa. Nhà nào cũng có một cái gáo dừa như vậy. Dùng cái gáo ấy múc nước từ trong chum ra dội lên hai chân, chân này rửa cho chân kia, không cần cúi xuống dùng tay để rửa. Hoàn toàn ta rửa chân bằng chân. Chân này rửa cho chân kia và chân kia rửa cho chân này, trong khi tay trái vén ống quần còn tay phải thì múc nước.
Mẹ tôi gọi tôi về bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Có thể là cơm canh chưa nấu xong nhưng mà mẹ đã ra gọi, vì trời tối rồi. Gọi về rửa chân cho sạch sẽ để ăn cơm chiều. Có thể cơm đã nấu xong, canh đã nấu xong, chỉ cần hâm nóng lại nồi đồ kho hoặc chỉ cần bắc nồi chè lên. Chè đây là nước uống, là trà Huế. Trà Huế là một loại thức uống ở Việt Nam rất phổ thông. Mình đi ra vườn hái những lá chè tươi, mang vào rửa và vo cho dập, sau đó rửa lại cho sạch thêm một lần nữa rồi bỏ vào cái bình tích. Sau đó mình nấu nước thật sôi và đổ vào bình tích. Lắc lắc vài lần rồi lại đổ nước đó ra, vì nước đó có thể còn hăng và cũng như để rửa chè và bình lại một lần nữa. Cuối cùng mình lấy một củ gừng đập dập và bỏ vào bình tích, sau đó mới rót nước sôi vào và đậy nắp bình lại. Mình còn lấy ít lá chuối khô cuốn tròn lại để nhét vào cái vòi của bình tích cho hơi nóng đừng ra. Cái đó gọi là hãm. Và chừng mấy phút sau nước chè ra rất thơm, rất ngon mầu xanh vàng khá đẹp. Đó là uống cách sang, còn nếu không thì để hết tất cả lá chè đó vào một cái nồi bằng đất rồi đổ nước vào nấu sôi. Sôi xong thì tắt lửa. Khi nào muốn uống thì lấy cái tô múc một gáo nhỏ bỏ vào trong tô, rồi ra lấy thêm nước mưa chế vào cho đầy tô rồi uống. Uống rất đã khát, nhất là mình vừa làm việc lao động xong.
Có thể là nồi cơm đã chín, nồi canh đã nêm, nồi kho đã hâm rồi và chỉ cần bắc nồi chè lên thôi, nhưng mẹ đã đi ra gọi mình về để rửa chân cho kịp thời ăn cơm với gia đình. Bữa cơm gia đình là một thời gian rất linh thiêng. Nếu bữa cơm đó mà thiếu mặt một người thì hạnh phúc không được toàn vẹn. Ngày nay nhiều gia đình không có được cái hạnh phúc này. Đôi khi con về ăn trước hoặc cha mẹ về trước thì ăn trước, con về sau thì ăn sau. Vì thế mình không có được cái hạnh phúc đoàn tụ trong bữa cơm gia đình. Hồi đó không có điện, không có nước máy, và nước ở trong chum là do mình gánh ở ngoài sông hay ngoài giếng vào. Còn đèn để thắp thì toàn là đèn dầu hỏa. Vào mùa Hè, ngày dài, thay vì ăn cơm ở trong nhà thì ta trải chiếu và dọn cơm ra ngoài sân cho có ánh sáng. Khi ăn xong, cất dọn chén bát rồi thì trăng có thể đã lên tới ngọn tre, đầu ngõ. Và anh chị em cùng ra chơi với nhau ở ngoài bụi tre. Đó là cảnh tượng rất đẹp đẽ, rất phổ thông của tất cả mọi gia đình.
Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về bên bếp nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Có thể đó là một buổi chiều mùa Đông, lạnh. Sau khi rửa chân rửa tay, mình vào bếp hơ cho ấm, và sự có mặt của mẹ bên mình cũng ấm như sự có mặt của lửa. Mẹ là một thứ lửa ấm.
Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm?
Sống trong hoàn cảnh đó là sống trong thiên đường thì sao mình lại phải lớn lên, tại sao mình phải khôn lên để làm gì? Mười năm vườn xưa xanh tốt. Tại sao phải đưa mình đi vào trong cái hoàn cảnh hai mươi năm nắng rọi lều tranh? Trong con người của mình có một đứa bé. Đứa bé từ chối, không muốn khôn lớn. Tôi không bao giờ khôn lớn. Cái ý hướng đó ở trong mọi người vẫn còn; kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm? Tôi mãi mãi vẫn còn là một em bé. Tôi mãi mãi là con của mẹ. Tôi mãi mãi còn là em của chị, em của anh và tôi muốn ở hoài, ở mãi trong khung cảnh thiên đường này.
Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm
Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng.
Đó là một hình ảnh của tuổi thơ. Ở miền quê có những khu vườn trồng cải và mỗi khi hoa cải nở thì bướm không biết ở đâu đủ loại bay tới cả hàng trăm con, hàng ngàn con trong khu vườn cải hoa vàng. Ở Tây phương thỉnh thoảng trên đường lái xe, mình cũng thấy những cánh đồng trồng toàn là colza. Colza là một thứ cây cho hạt, và hạt đó có thể làm dầu ăn. Nếu thỉnh thoảng mình thấy một ngọn đồi mầu vàng rực như vậy thì mình biết rằng đó là một ngọn đồi colza. Hoa vàng của colza nó cũng đẹp như hoa vàng của bông cải, vì colza cũng thuộc về gia đình của cải. Nếu chúng ta đi về các nước Á Châu như Ấn Độ, Thái Lan thì chúng ta cũng sẽ thấy những khu vườn trong đó cải nở hoa vàng rực và bướm bay tới rất đông.
Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng
Khi viết bài này tôi đang ở tiểu bang Nữu Ước. Ngồi ngay ở đô thị Nữu Ước mà mình cũng thấy được hình ảnh đó. Hình ảnh này trở về trong giây phút hiện tại. Nó là hình ảnh của tích môn nhưng cũng là hình ảnh của bản môn.
Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi.
Trong bản môn ta thấy rõ ràng mẹ còn sống, em còn ngồi một bên, và gió chiều giống như hơi thở. Hơi thở chánh niệm, hơi thở an trú trong giây phút hiện tại. Tại sao mình phải lo lắng, phải đăm chiêu, phải sợ hãi về tương lai? Tại sao mình không sống được trong giây phút hiện tại? Chính trong giờ phút hiện tại mà mình tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của sự sống, kể cả những mầu nhiệm mà mình nghĩ là chỉ xảy ra trong quá khứ. Mẹ còn đó, em còn đó, gió chiều còn đó, vườn cải hoa vàng còn đó và tuổi thơ của mình còn đó; ở ngay trong con người của mình, mình muốn tiếp xúc lúc nào cũng được.
Có người thiếu niên nào, có người thiếu nữ nào lớn lên mà không mơ tưởng tới tương lai? Chính vì mình cứ mơ tưởng tới tương lai và lo lắng cho tương lai nên mình đánh mất đi khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Mình đánh mất tuổi thơ, và nhất là mình đánh mất tuổi trẻ. Ngay trong câu thứ bảy, thứ tám ta đã thấy cái tuệ giác về bản môn biểu lộ. Đây là một tiếng chuông thỉnh lên để cho mình được tỉnh thức và những người đọc mình cũng sẽ được tỉnh thức. Những gì ta trân quý ngày xưa mà bây giờ ta nghĩ là không còn, quả thật chúng vẫn còn đó, nếu ta biết sống trong bản môn. Tất cả những gì đẹp, hay và mầu nhiệm của tuổi thơ vẫn có thể còn có mặt trong con người ta. Em thơ đang còn sống trong ta. Cô bé đang sống trong ta, chú bé đang sống trong ta. Tôi không bao giờ khôn lớn. Đây đích thực là giọng của thiếu nhi, giọng phụng phịu của một em bé chứ không phải là giọng của một người ba mươi mấy tuổi.
Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm?
Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?
Mẹ còn đó, em còn đó, người thương của mình luôn luôn còn đó; dầu mình tưởng họ đã mất, họ đã đi xa…

Nhất Hạnh
Nguồn: Infone 
Theo http://www.linhsonvien.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...