Một triết gia đã từng nói: “Thế gian này trừ người
điên ra, số còn lại đều không điên? Tiếc rằng mệnh đề đơn giản đó, ngay cả
Thượng Đế cũng không chứng minh được”. Câu chuyện này có thể xem như một
cách giải thích, vì sao Thượng Đế lại bất lực trước cái mệnh đề ấy. May mà vẫn
còn chút hy vọng giản dị về một chiếc áo màu thiên thanh. VPL "Chạy đi bà con ơi! Có thằng điên vừa trốn trại kìa!". Tiếng kêu kinh hoàng lan truyền rất nhanh trong dãy nhà tập thể. Già
trẻ lớn bé rầm rập chạy về, cố thủ trong mỗi pháo đài. Bố tôi chẹn cửa chính bằng một thanh gỗ lớn. Mấy chị em tôi
ra sức kéo hai cánh cửa sổ, móc chặt vào khuy sắt. Vừa xong việc thì cửa
chính bị đạp rầm rầm. Bố tôi đứng ngay sau cửa, tay nắm chặt cái chày giã
cua, sẵn sàng xung trận. Bọn trẻ con chúng tôi nép vào góc nhà, run bần bật.
Nhưng rồi cánh cửa ngừng rung, người điên đã bỏ đi. Nhoáng một cái, bên nhà
bà Côi vọng lên tiếng hét thất thanh. Bố tôi hé cửa, nhìn ra ngoài. Mấy chú bảo
vệ của trại điên, mặc áo blu trắng, tay cầm cuộn dây, chạy ngang qua. Chúng
tôi xúm lại, tranh nhau ngó nghiêng qua khe cửa. Kìa, thằng điên đã bị trói
gô lại dẫn về trại. Cả nhà tôi ùa sang phòng bà Côi. Bà cụ bế đứa cháu mới hai
tháng tuổi từ trong cái chậu nhôm ra, vừa khóc vừa kể lể: - Khổ thân cháu tôi! Nó bị thằng điên giằng lấy, bỏ vào
thau đặt lên bếp than... Thằng Nhỡ giãy giụa, khóc ngằn ngặt. Bố tôi ôm lấy thằng bé
lật ngang lật ngửa, rồi bảo: - May mà chưa bị phỏng. Nó sợ quá đấy thôi. Bà Côi tạm yên tâm vì bố tôi là bác sĩ khoa Nhi của bệnh viện
tỉnh. Bà ôm thằng Nhỡ, à ơi nựng nó, giọng vẫn còn khản đặc: - Ờ, ờ, nín đi cháu! Nhờ trời thằng điên bị bắt ngay,
không thì cháu tôi chỉ có nước chết... Xung quanh chúng tôi, mọi người đã kịp
xúm lại, bàn tán ồn ào. Bố tôi xua chúng tôi về đi học, rồi ông vội đạp xe đến
cơ quan. Khi đã lớn lên thành một thiếu nữ, tôi vẫn không sao quên
được thế giới của những người điên. Họ bị nhốt trong trại, cách khu tập thể bệnh
viện chỉ chừng vài trăm mét. Lũ bạn tôi thường lẻn sang bên ấy, khi người lớn
đi làm. Trại được rào dây thép gai, mỗi phòng giam như một xà lim nhỏ khoảng
bốn, năm mét vuông, nhốt một sinh linh điên dại. Cửa phòng lắp song sắt.
Chúng tôi vẫn có thể quan sát được toàn bộ những gì diễn ra phía trong dãy
nhà ngoảnh mặt ra bãi cỏ. Lạ cái ở đây toàn là ông điên, chẳng có bà điên
nào! Hay là họ bị nhốt riêng ở dãy nhà bên trong nhỉ? Bọn trẻ con chúng tôi cứ
túm vào nhau, xì xào bàn tán. Tôi cùng cậu em trai lò dò lần đi, mắt trước mắt sau lấm la
lấm lét. Bởi vì nếu không may, rất có thể sẽ nhận ngay một mẩu gạch vỡ hay cả
một cục phân từ trong bay vèo ra. Nhiều đứa đã bị như thế. Chúng luôn miệng cảnh
báo tôi. Nhưng cuối cùng tính tò mò đã thắng. Tôi nhìn thấy một ông điên ngồi
thẫn thờ, trên người không một mảnh vải, đang dùng chiếc que nhỏ chọc chọc
vào tổ kiến lửa ở hốc tường. Khi bị cả bầy kiến bò lên đốt, ông ta cào cấu
lia lịa, la hét ầm ĩ. Mấy dãy trại giam lập tức nổi lên những tiếng rú chói
óc, sởn da gà. Tôi vội dắt cậu em trai bỏ chạy khỏi cái nơi đáng hãi đó. Sau
lần ấy, ai rủ thế nào, tôi cũng không dám trở lại đấy nữa. Những lúc không sang trại điên, bọn trẻ chúng tôi lại rủ
nhau đi nhặt hoa đại rụng. Hoa đại màu vàng nhạt, cánh hoa viền trắng thơm
ngát. Dẫu đã rơi xuống đất, hoa đại vẫn rất thơm. Cánh hoa tươi nguyên như
lúc còn đậu trên cành. Tôi thường dùng chỉ xâu lại từng vòng, đeo quanh cổ.
Trong mùi hương hoa đại, tôi thường nằm lăn trên thảm lá rụng, thả mình vào
thế giới mộng mơ. Ở đó không có những người điên tự hành hạ mình và làm người
khác nơm nớp lo sợ. Chỉ có những cô tiên xinh đẹp tuyệt trần múa hát trong
muôn sắc hoa tươi. Tôi nhìn lên trời, ngắm màu xanh nhưng nhức mà mẹ tôi vẫn
gọi là màu thiên thanh, lòng ước ao có một ngày mình được mặc chiếc áo da trời
tuyệt vời ấy. Đang thả sức tưởng tượng, tôi chợt thấy lũ bạn túa ra như bầy
ong vỡ tổ. Bất giác tôi nhỏm dậy, bàng hoàng. Cách chúng tôi chỉ chục bước
chân, một thanh niên vạm vỡ - một người điên - trên thân thể anh ta không có
lấy một mảnh vải, và từ chỗ kín trên người anh một vật gì đó nhô ra, căng cứng.
Chúng tôi đứng lặng, cảm thấy bối rối. Người điên không tỏ ra hung dữ, trái lại
anh ta còn nhìn chúng tôi với cặp mắt âu yếm, long lanh... - Chạy đi tụi mày ơi! Thằng điên đó! Một chú nhóc chợt bừng tỉnh, hét lên. Chúng tôi co giò chạy.
Không nghe tiếng chân đuổi theo, tôi chợt ngoảnh lại nhìn. Người điên nằm vật
ra bãi cỏ dưới gốc cây đại, vơ lấy vòng hoa tôi đánh rơi, phủ lên mặt mình và
khóc rưng rức. Lạ lẫm, cả bọn dừng lại, sững ra nhìn. Có đứa còn nghịch ngợm,
tháo vòng hoa trên cổ, ném vào người điên. Nhận ra chúng tôi đang quan sát
mình, anh ta chồm dậy, đuổi theo. Chúng tôi vắt chân lên cổ, chạy bán sống
bán chết. Về đến nhà, tôi vẫn còn run. Theo tay tôi chỉ, mẹ nhìn ra. Bóng người
điên lướt qua khung cửa. Mẹ tôi nhìn lảng đi, lẩm nhẩm: "Người ấy điên
tình!". - Điên tình là sao hả mẹ? - Là điên vì tình. Lớn lên rồi con sẽ hiểu. Mẹ tôi bảo rồi tiếp tục đan chiếc áo len màu thiên thanh.
Tôi không chịu thôi, lại giật gấu áo mẹ:
- Sao ở đâu ra lắm người điên vậy mẹ? - Ừ. Nhiều người bị trời hành, khổ thân vậy đó con. Tôi thấy mọi việc càng rối như canh hẹ qua cách lý giải của
mẹ. Nằm trên phản gỗ, tôi nghịch cuộn len, hết tháo ra lại cuốn vào, nhưng mẹ
tôi chẳng nói năng gì, vẫn thoăn thoắt đan. Nét mặt mẹ thật muộn phiền. Trong
lòng tôi chợt dâng lên một nỗi buồn vô cớ... Sau ngày bố mẹ ly hôn, mẹ tôi dường như trở thành một người
khác. Mẹ hay cáu gắt, la hét mỗi khi không hài lòng. Tôi không bao giờ còn thấy
lại hình ảnh dịu dàng của mẹ ngồi đan len bên cửa sổ. Mẹ vật vã, khóc lóc hằng
đêm và cuối cùng phải nghỉ việc vì suy nhược thần kinh. Trong cảnh túng thiếu, mẹ tôi càng bức xúc hơn. Tôi phải bỏ
học đi làm để chăm nuôi mẹ. Nhưng hình như mẹ chẳng bao giờ thanh thản. Luôn
luôn có lý do để mẹ tự hành hạ mình và làm tôi nơm nớp lo sợ. Mẹ cũng điên vì
tình ư? Một câu hỏi khủng khiếp vang lên trong đầu tôi. Nghĩ đến người con
trai điên tình nồng nỗng chạy ngoài đường, tôi mời bác sĩ đến. "Không phải
bệnh nhân tâm thần nào cũng xé quần áo, chạy lang thang. Chỉ cần người ta bị
sốc nặng hay bị ám ảnh bởi điều gì đó không giải tỏa nổi, cũng có thể đã mắc
bệnh rồi". Bác sĩ bảo tôi thế. Từ ngày ấy, tôi biết thêm nhiều dạng bệnh tâm thần khác nữa.
Cô bạn thân của tôi có một người em trai bị chứng điên tiền. Đang phồng mang
trợn mắt như hóa dại nhưng hễ có ai cho tiền là tự nhiên nhũn nhặn hẳn. Nhiều
khi đang ở yên ở lành, nghe ai hứa cho tiền nhưng chưa nhận được, lại bức bối
lên cơn ngay. Điên mà cứ như giả vờ, chỉ chăm chăm vun vén. Có được đồng nào
thì suốt ngày giở ra, đếm đi đếm lại, không lẫn một xu. Lại được cái nết năng
viết thư xin tiền, bất kể quen sơ. Xin không được thì dọa mua xăng đốt nhà
người ta. Báo hại cô bạn tôi cứ phải vác tập bệnh án của cậu em đi van vỉ từng
người một, xin họ đừng để bụng thù ghét một kẻ điên. "Những người không ý thức được hậu quả việc làm của
mình là những người điên. Họ không phải chịu trách nhiệm về năng lực hành
vi...". Tôi đã nghe luật sư nói như vậy trong phiên tòa xét xử một người
bố giết con. Nhìn thẳng vào mặt bị cáo, thấy ánh mắt gian xảo của hắn cứ liên
tục đảo qua liếc lại, tôi đâm ngờ cái lý lẽ chắc như bắp của luật sư. Không đợi
tòa tuyên án, tôi vội vã ra về vì đã hẹn đi thăm thủ trưởng cũ. Ba tháng trước,
ông bị đột quỵ, hôm nay mới được đưa về nhà từ bệnh viện tâm thần. Tôi không
nhầm đâu. Đúng là từ khoa tâm thần về đấy. Nghe bảo ông bị bệnh tự kỷ ám thị.
Một năm trước đây, ông đã bí mật điều chỉnh lại lý lịch, hạ tuổi mình xuống
ba năm. Nhưng cậu phó giám đốc trẻ biết chuyện, lén đi gặp tổ chức cấp trên
khai báo. Thủ trưởng cơ quan tôi đang rung đùi tự đắc thì đùng một cái, ông
nhận được quyết định về hưu, không hề được báo trước. Kẻ thay thế ông lại
chính là cậu phó giám đốc tinh tướng, năng nổ kia. Đọc xong tờ quyết định về
hưu được trao từ tay trợ thủ xuất sắc của mình, ông ngã lăn ra, cấm khẩu. Được
đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, ông thoát chết nhưng bị liệt nửa người,
phải ngồi xe lăn. Tỉnh cơn hôn mê, ông trở nên lẩn thẩn, suốt ngày lẩm nhẩm
tên thủ trưởng mới của cơ quan tôi và nghiến răng kèn kẹt. Tôi hoảng quá, đến nỗi sau lần đi thăm ông về, lập tức làm
đơn xin nghỉ việc. Quá hãi hùng cho cái bệnh điên vì quyền của các quan chức,
tôi xin vào làm tư vấn cho một công ty xây dựng tư nhân. Đang vi vu trên đường
với tâm trạng của một người khoái trá vì thành công, tôi đột ngột phanh xe ở
một ngã tư sau tiếng còi của cảnh sát. Khi nào thì chúng ta sôi sục muốn tiến
về phía trước? Là mỗi khi phải dừng lại trước tín hiệu giao thông! Ai đã nói
như thế nhỉ? Tôi xuống xe, toan móc tiền ra nộp phạt, nhưng lại bị giữ xe vì
quên đem bằng lái. Vừa bước xuống đường thì điện thoại di động réo inh lên.
Tôi nghe và tức muốn phát khùng. Được cử làm đại diện cho công ty, tôi tham
gia đấu thầu một công trình xây dựng lớn. Mọi thủ tục "đầu tiên" đã
xong xuôi. Chín mươi chín phần trăm công ty tôi trúng quả. Đang định chiều
nay ăn mừng với hội đồng quản trị thì cú điện thoại của chủ tịch hội đồng làm
tôi bật ngửa: "Cô tư vấn kiểu gì lạ thế? Bên A ra điều kiện phải chi tiếp
ba tỉ nữa!". "Các vị ấy đã công bố là công ty mình trúng thầu mà.
Chỉ còn đợi họp báo thôi...". "Muốn trúng thì chi ra ba tỉ nữa! Cô
về mà tư vấn xem đào đâu ra chừng ấy tiền?". Ông cúp máy cái rột và tôi
tưởng mình phát điên. Cứ làm như chính tôi đang nã tiền các vị ấy không bằng!
Chỉ vì chưa thuộc lòng bài học "lại quả" mà tôi phải chịu trách nhiệm
vì lòng tham không đáy của ông A ông B nào đó ư? Đừng hòng! Tôi sẽ làm đơn
xin nghỉ việc. Vừa lên gân tự ra quyết định xong, tôi buồn nẫu cả người. Thế
là một lần nữa, tôi lại từ bàn giấy bắn ra lề đường vì chỉ biết luật mà không
biết lệ. Bỏ luôn cuộc họp mặt với hội đồng quản trị, tôi tắt di động,
tạt vào một quán cà phê. Rốt cuộc thì tôi điên hay vị đại diện bên A điên?
Ông ta đã có ba tòa biệt thự giá đến hàng chục tỉ, còn biết bao của nổi, của
chìm không thể liệt kê hết được, đi đâu một bước đã có người o bế, thậm chí
tiền vào tay cũng chẳng biết tiêu vào việc gì! Mọi sở thích của ông đều đã được
vây cánh lo liệu chu toàn, vậy cần nhiều tiền thế để làm gì chứ? Tôi nhớ lại những người điên tôi đã biết từ khi còn nhỏ. Phần
lớn họ đều mất trí, hay xé quần xé áo, chạy lung tung. Bây giờ rất nhiều kẻ
khôn lanh, mặt mày trịnh trọng, quần áo bảnh bao cũng xử sự như những tên
khùng. Họ thản nhiên vơ vét, cứ làm như khi chết sẽ đem theo được hết xuống mồ!". Tương
lai của hắn là ngồi bóc lịch trong nhà đá!". Tôi kết luận rồi vẫy người
bán báo lại, mua một tờ báo. Vừa khuấy cà phê, tôi vừa lướt nhanh các tít in
đậm trên trang bìa. Lại thêm một kiểu người điên. Điên vì quá sướng! Tôi đọc
bài phóng sự về ông tỉ phú chân đất, vừa bán sạch ruộng vườn được một núi tiền,
đem phung phí trong các quán bia ôm, cà phê đèn mờ, boa em út mỗi đêm bằng một
chiếc Dream!. Và kết cục là tự sát, lao vào bánh xe tải khi đã tiêu đến đồng bạc
cuối cùng, để lại bốn thằng con trai nghiện gái và ma túy. Đúng là sướng quá
hóa rồ! Còn nữ. Ba vũ trường và quán karaoke trá hình vừa bị triệt phá. Hàng
trăm "thiếu gia" và "thiên kim tiểu thư" dư của thừa tiền
đem nướng mỗi đêm hàng triệu đồng vào thuốc lắc và thú vui xác thịt! Đấy là
chưa kể những tay yêng hùng xa lộ, tự quấn khăn tang cho mình trước khi vào
cuộc để quyết tâm chiến thắng. Những con thiêu thân thời hiện đại! Tôi gấp
báo lại, tự an ủi mình: Có nhiều tiền chắc gì đã sướng. Tôi thong thả bước ra đường. Trời đã gần tối. Một nhóm xe
ôm đang xúm lại, vây quanh một người đàn ông áo quần tơi tả. Tôi tưởng đó là
một vụ loạn đả, định vội vàng tránh xa. Nhưng một anh xe ôm chạy lại, xởi lởi: - Cô về đâu để tôi chở? - Có chuyện gì mà đông thế anh? - Tôi hỏi. - À, thằng điên ấy hả? - Anh ta bật cười - Cô cứ chờ tí nữa
mà xem. Vui lắm! Tôi nhìn theo tay anh chỉ. Bên kia đường, một người đàn bà
còn khá trẻ, gánh hàng đồng nát đi tới. Đám xe ôm tranh nhau rút tiền lẻ ra,
giúi vào tay người điên nọ. Họ giục giã, thúc khuỷu tay vào lưng hắn, đẩy về
phía người đàn bà. Nhìn thấy chị ta, người điên phóng vút tới, như một con hổ
đói vồ mồi. Gánh đồng nát lăn lổng chổng. Người đàn bà ngã nhào dưới sức mạnh
hủy diệt của bản năng đàn ông đang lên cơn điên dại. Đám xe ôm ngoác miệng cười.
Thái dương tôi giật liên hồi. Tôi hét to muốn vỡ cổ họng: - Các người còn cười được hả? Nếu là vợ con các người thì
sao? Đám xe ôm trố mắt nhìn tôi. Có lẽ lần đầu tiên, họ gặp sự
phản kháng quyết liệt như thế. Bên kia đường, người điên giật mình vì tiếng
thét. Hắn ngơ ngác nhìn quanh rồi từ từ đứng dậy, chậm rãi bỏ đi. Tôi chạy đến
bên người đàn bà. Chị ta lồm cồm bò dậy, xốc lại áo quần và khóc. Nước mắt
loang ra trên gương mặt hao hao giống mẹ tôi. Tôi giật mình nghĩ đến mẹ, lao
mình chạy bộ về nhà. Theo sau tôi, anh xe ôm vừa nãy trờ tới, giọng sượng ngắt: - Cô lên xe tôi chở cho! - Biến đi! - Tôi gắt, kinh ngạc nhiên vì sự táo tợn của
mình. - Thôi mà cô, tại tụi tôi buồn chán quá nên mới khùng vậy.
Cô bỏ qua đi. Tôi đang cáu, vậy mà nghe cái giọng não nuột của anh ta
cũng không cầm lòng được. Leo lên xe, tôi ngoái cổ lại nhìn. Đám xe ôm đang
xúm lại nhặt nhạnh những gì còn vương vãi trên đường, bỏ vào gánh đồng nát.
Người đàn bà đặt chiếc đòn gánh lên vai, tiếp tục bước đi. Mở cửa vào nhà, tôi
yên tâm thấy mẹ đang đứng bên cửa sổ nhìn ra vườn. Quay về phía tôi, mẹ nói: - Bố vừa đến thăm mẹ con mình! Ba tháng trước ông ấy bị tai
nạn giao thông... - Bố bị nặng không hả mẹ? - Tôi hồi hộp hỏi. - Ông ấy bị mất một chân, phải đi nạng. Bố con... rất cần
được giúp đỡ. - Kìa mẹ! Tôi thốt lên, nghĩ đến người đàn bà đẹp kia chắc đã bỏ rơi
bố trong cơn hoạn nạn. Bố đang tìm đường quay về, và mẹ đã mở rộng vòng tay
đón bố. - Mẹ sẽ đan len để lấy tiền công phụ thêm cho hai bố con... Mẹ hạ giọng rồi đi về góc nhà, mở tủ lấy ra một cái bọc ni
lon gói rất kỹ. Ngồi xuống chiếc ghế bên cửa sổ, mẹ mở bọc ra: trên tay mẹ là
chiếc áo len màu thiên thanh đang đan dở. Mới đó mà đã gần chục năm trời. Mẹ
ướm thử thân áo lên người tôi, vẻ xót xa: - Con vất vả quá, chẳng lớn thêm được bao nhiêu... - Rồi mẹ
thoăn thoắt đan. Khuôn mặt mẹ không còn hằn nỗi ưu phiền tù đọng tôi quen
nhìn thấy từ ngày bố bỏ đi. Tôi nhớ đến quyết định bỏ việc lúc chiều. Không! Tôi không
thể lùi bước dễ dàng như thế được. Bố mẹ đang cần tôi biết bao. Tôi ngồi bên mẹ, tay cầm cuộn len gỡ ra cuốn vào giống những
ngày bé bỏng xưa. Tim tôi đập rộn lên vì vui sướng. Ơn trời, có lẽ lần này mẹ
tôi khỏi bệnh... Tôi không còn nhỏ để mộng mơ đến một thế giới không có người
điên, mà chỉ có những nàng tiên múa hát. Nhưng tôi vẫn ước ao sẽ sớm được mặc
chiếc áo màu thiên thanh mà mẹ tôi đang thoăn thoắt đan bằng đôi tay dịu dàng
với cái nhìn bình thản.
29/11/2006 Phan Thị Thu Loan Theo https://www.vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét