Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Hoa trên núi đá

Hoa trên núi đá

Đó là tên một bài thơ được nhà thơ dân tộc PaDí - Pờ Sảo Mìn viết vào năm 1973. Đoọc va theo tiếng địa phương là hoa - Hoa trên núi đá. Tôi muốn dùng trọn vẹn tên bài thơ để đặt cho bài viết của mình về chính thơ anh - nhà thơ dân tộc thiểu số mà tôi đặc biệt yêu quý. Và xem ra, anh cũng yêu quý tôi, như tình cảm anh dành cho bao bạn văn khác trên khắp đất nước đa dân tộc của chúng ta. Tháng 10/1998, tôi gặp Pờ Sảo Mìn ở Đà Lạt. Anh chép tặng tôi bài thơ mới viết ở Lạng Sơn, chưa thật hoàn thiện, còn phải tiếp tục chỉnh sửa, có tên Con trai người PaDí. Phía trên chữ ký đề tặng là dòng chữ nắn nót Bạn của nhau. Tôi xem đó là một kỷ vật nghề nghiệp quý giá, không dễ có trong đời. Và, rất ngạc nhiên là dòng chữ vừa quen vừa lạ trên cứ xoáy trong đầu óc tôi, khi tôi nghĩ về anh, về thơ anh, và nói chung về thơ các dân tộc thiểu số nước ta.
Bạn của nhau, chưa từng ai đề tặng tôi như thế trong hàng trăm, hàng trăm cuốn sách bạn bè. Tôi thấu hiểu dòng tự bạch này của Pờ Sảo Mìn: “Lại là một đứa trẻ mồ côi từ nhỏ; từ lúc 7 - 8 tuổi đã phải sống cuộc sống tự lập và tự do hoàn toàn. Ít có sự nuông chiều, dạy dỗ của thân nhân… Có lẽ chính vì thế, tôi rất thích, rất yêu bạn bè gần xa và thiết tha yêu cuộc sống vô cùng” (Nhà văn Việt Nam Thế kỷ XX, Tập 20, tr.200). Rồi bằng thơ, anh viết:
Đã yêu là yêu nhiều yêu mãi
Yêu cho hết đến tận cùng man dại
Suốt cuộc đời không hận thù ghét bỏ với ai
Đi chín phương trời là chín phương bè bạn
Đến mười phương đất là mười phương thương nhớ
Bạn ơi!
Anh mang trái tim tràn ngập yêu thương đi khắp đó đây. Để dâng hiến cho mọi người. Để tạo cảm thông, để cùng sẻ chia bao nỗi buồn vui, được mất ở đời. Bè bạn mọi miền gặp anh, tiếp nhận tình cảm chân tình, bao la ấy, rồi đáp lại bằng tình yêu thương cũng ngập tràn như thế. Tấm lòng của anh tìm được nhiều sự đồng điệu. Nhờ vậy, tiếng thơ anh cũng tìm được nhiều sự đồng điệu. Ở khắp mọi nơi. Không hề có sự cách biệt về tộc người, về địa lý.
Riêng với tôi, việc tìm đến thơ Pờ Sảo Mìn còn do một sự thúc bách khác. Tôi học đại học ở Việt Bắc, ra trường, dạy học ở Tây Bắc suốt 10 năm trời. Những năm tháng đầy gian khó mà chất chồng bao khát khao nghề nghiệp, khao khát văn chương. Việt Bắc và Tây Bắc, giống mà khác nhau lắm đấy! Nghệ thuật, thi ca cũng vậy. Tôi ấp ủ một ao ước phát hiện sự khác biệt về chất thơ của hai miền đất rất đỗi thân thương ngay từ những ngày tháng ấy. Thơ Pờ Sảo Mìn phần nào đáp ứng khát vọng tìm tòi ấy trong tôi. Càng đọc, tôi càng nhận ra rất nhiều đá, rất nhiều hoa đá trong thơ anh. Đó là kết quả tự nhiên của Tình đá: Đá thương cây/ Cây thương đá/ Sinh ra hoa/ Mọc ra quả. Đá ấy, hoa ấy, quả ấy, hóa ra cũng có tên riêng khi ta trở nên gần gũi, thân quen với chúng. Bao bí ẩn chợt hé lộ. Thì ra, chúng chỉ hé lộ ra trước những con mắt hữu tình. Khi đó thì:
Chẳng thể thiếu đâu cây mọc trên đá
Chẳng thể thiếu đâu hoa mọc rất lạ
Xin cảm ơn Pờ Sảo Mìn đã cho tôi thêm một bằng chứng về sức mạnh của thi ca, của nghệ thuật. Nhờ có chúng mà ta trở nên giàu có, giàu có đến khó ngờ:
Và bỗng dưng ta giàu hơn tất cả
Khi ta nghĩ: “Bầu trời mặt đất… cũng là Ta”.
Đọc Pờ Sảo Mìn tôi bắt gặp rất nhiều điều lạ. Lạ nhất tập trung ở nơi con người. Ở tầm đứng: Trên đầu anh có/ Một mặt trời đỏ/ Dưới chân em tỏ/ Một bầu trời xanh. Cao, cao lắm, cao vòi vọi. Như huyền thoại:
Cánh tay vung hóa năm vùng gió lộng
Vòng tay ôm gọn đồng cỏ trong lòng
Thật kỳ vĩ, cái sức mạnh của cánh tay con người! Cũng thật kỳ vĩ, cái khoảng rộng của vòng tay con người. Từ tầm đứng đến thế đứng:
Ta đứng lên thì đầu ta chạm trời,
Ta ngồi xuống chân khua tới biển.
Ta xuất hiện như trên trời rơi xuống,
Ta ra đi tựa áng mây bay.
Có cái gì đó nguyên thủy, nguyên sơ. Và cả man dại nữa: Anh xin nhận người man dại trên đời. Nghĩ kỹ ta sẽ thấy không thể nào khác được. Đất, trời ở đây lạ lắm: Lửa mặt trời ném xuống/ Lửa mặt đất hắt lên/ Lửa gặp nhau giữa trời/ Thắp nên vùng hoa lửa/ Đỏ rực nền mây trắng. Vậy nên, con người lạ cũng là phải lẽ: Anh là trái núi/ Lúc buồn lúc vui/  Không có chân chạy/ Không có cánh bay… Thế mà, đã là con người, con người thật sự, lại muốn chạy muốn bay. Vì chính nỗi buồn vui nhân tình kia! Câu thơ thể hiện sức mạnh từ bên trong, được dồn nén, chất chứa. Từ thời gian. Từ mạch nguồn. Từ tiềm ẩn sức sống bao đời tụ lại. Thật khó kìm giữ nổi: Tiếng tim ai đập gấp ồn ào. Dễ hiểu khi tiếng tim đập gấp ấy biến thành Nỗi nhớ cháy bùng lên bao ngọn lửa. Rồi biến thành ý nguyện thành thật mà quyết liệt đối với thế hệ đi trước:
Xin đổi cái chết
Mong mẹ hồi sinh
Và biến thành mong ước cao vợi mà quyết liệt không kém đối với thế hệ mai sau:
Các con phải vượt lên phía trước
Phía chân trời mở rộng.
Tôi đã đọc nhiều câu thơ, nhiều bài thơ viết về những điều hệ trọng khác nhau của Pờ Sảo Mìn. Giờ nếu ai có yêu cầu tôi chọn một bài thơ lộ rõ nhất chất thơ anh, nghĩa là chất người anh, thì tôi sẽ không ngần ngại chọn bài Cây hai ngàn lá, và nếu là hai  thì xin thêm Con trai người PaDí. Xem ra, cũng rất phù hợp với mong ước của anh: “Tôi rất muốn viết được cái gì đó có ích cho mình, có ích cho gia đình và cho cả quê hương, bản làng, nơi mình đã sinh ra và lớn lên” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, tr.431). Cây hai ngàn lá có Lời đề từ lấy từ dân ca thật giàu ý nghĩa:
Lá cây rừng hãy cứ vi vu
Chẳng quản bão táp ngại gì mưa
Rất lạ là trong những lần in sau này, tôi không thấy in Lời đề từ ấy nữa. Trong thơ, Lời đề từ như sự khởi nguồn, không, có lẽ còn hơn thế, như điểm tựa của ý tình bài thơ. Ở bài thơ này cũng thế! Lời dân ca không đơn thuần còn là lời dân ca nữa. Nó là sức mạnh tinh thần nguồn cội. Từ đó sinh ra những chàng trai, những cô gái tràn trề sức sống và lung linh vẻ đẹp tài hoa:
Con trai trần trong mặt trời nắng cháy
Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày
Con gái đẹp trong sương giá đông sang
Tước vỏ cây thêu áo đẹp năm tháng
Tôi thích vần điệu có phần trúc trắc của những câu thơ này. Có gì khác thường. Thể hiện sức sống của một dân tộc chỉ có hai ngàn người mà:
Biết gọi gió, gọi mưa, gọi nắng
Chặn suối, ngăn sông, bắt nước ngược dòng
Trong khổ kết, nhà thơ của chúng ta hướng thẳng tới nhân quần rộng lớn để tỏ bày:
Hỡi trần gian!
Dân tôi chỉ có hai ngàn người
Như cái cây hai ngàn chiếc lá
Cạnh rừng già là rừng non trẻ đấy
Lá ơi!
Tự tin, rất tự tin vào sức sống mãnh liệt của dân tộc mình. Không gì vùi dập nổi. Không ai tiêu diệt nổi. Lòng tự tin như vậy là đúng mực. Cũng như cái nhìn sau đây là đúng mực:
Dân tôi chỉ có hai ngàn người
Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng
Hòa hợp trong thân thiện, phải chăng đó là cơ sở cho mọi sự yên bình?
Bài Con trai người PaDí phát triển hướng đi của Cây hai ngàn lá theo một mạch khác: tập trung vào con người. Cái tôi có điều kiện xuất hiện, trong sự hài hòa đẹp đẽ với cái ta:
Con trai người PaDí
Mẹ sinh ra trên đỉnh đá tai mèo
Uống nước nguồn trong veo.
Con trai người PaDí
Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng,
Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian.
Tôi đặc biệt thích thú từ trần gian trong cả hai bài thơ. Chúng nhấn mạnh đúng cái cần phải nhấn. Đó là sự thừa nhận, mặc nhiên thừa nhận, quyền sống, quyền bộc lộ bản tính của mình, của dân tộc mình, giữa đất trời, giữa nhân quần rộng lớn:
Con trai người PaDí,
Đã đi là như chạy,
Đã chạy như mây bay lửa cháy bừng bừng…
Đã uống không biết say,
Chỉ âm thầm trong quay cuồng bão gió…
Khổ kết vừa rất thực vừa rất tượng trưng:
Con trai người PaDí
Đã lên yên không bao giờ ngã ngựa.
Đã lên yên trên đường dài thiên lý
Cứ thế phi bay…
Những câu thơ có sức dung chứa lớn, lại có sức chạm khắc vào tâm trí người đọc. Chỉ đọc một lần thôi cũng khó lòng mà quên cho nổi.
Một lần, khi diễn tả cái khó trăm bề của việc làm thơ về đá, Pờ Sảo Mìn chân tình tỏ bày: Thật khó ca khi ca về đá. Thế nhưng, đá cũng như cây mọc trên đá: Muốn hiểu ta đã qua bao chịu đựng/ Thì cây ơi! Ta sẽ hát đời mình. Pờ Sảo Mìn đã cất tiếng hát. Lời thơ anh đã thật sự hóa thành hoa của đá, thứ hoa có hương sắc riêng khiến ta không thể dửng dưng khi ngắm nghía nó. Thật đáng mừng khi được biết Pờ Sảo Mìn không bao giờ tự hài lòng với chính mình, như anh đã từng giãi bày: “Phía trước con đường còn rất dài… rất cao… và rất xa… đến là ngút ngát. Biết làm sao! Cố mà dấn bước thôi” (Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX, Tập 20, tr. 200). Khi một người đã chuẩn bị được một tâm thế như vậy thì làm sao chúng ta lại không đủ lý do để tin vào những thành công mới trong chặng đường tiếp theo của thơ anh!.
Đà Lạt, 21/4/2004
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...