Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Nhà phê bình trẻ Hoàng Thụy Anh và Tiếng vọng đa thanh

Nhà phê bình trẻ Hoàng Thụy Anh 
và Tiếng vọng đa thanh

Trong đời sống văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI, những người trẻ nghiên cứu lý luận phê bình văn học ngày càng hiếm và càng hiếm hơn đối với phái nữ. Sự xuất hiện của cây bút trẻ Hoàng Thụy Anh với việc xuất bản liên tiếp ba tập tiểu luận phê bình khá vững vàng, sắc sảo mà mới nhất là Tiếng vọng đa thanh (NXB Hội Nhà văn 2016) như làn gió mát và tươi mới trên cánh đồng phê bình còn buồn tẻ.
Lịch sử nền lý luận phê bình văn học Việt Nam đương đại cho thấy số lượng khá ít các cây bút nữ tham dự và để lại dấu ấn. Mặc dù từ đầu thế kỷ XX, nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh đã trở thành người tiên phong trong việc viết bài, đăng đàn diễn thuyết ủng hộ phong trào Thơ mới, nhưng về sau những phụ nữ như bà hiếm khi xuất hiện ở “đầu sóng ngọn gió” mang tính thời sự của đời sống văn học. Cũng có một số cây bút nữ được đào tạo bài bản nhưng khi nghiên cứu thường quay về những tác phẩm văn học mang giá trị kinh điển mà ít xông vào những tác phẩm mới lạ mang tính phát hiện.
Vì vậy, những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI dự báo tín hiệu vui khi có một số cây bút lý luận phê bình trẻ phái nữ đã gắn bó, đồng hành với hơi thở nhịp sống sáng tạo văn học, lao vào nghiên cứu những tác phẩm hoàn toàn mới bằng cách vận dụng các lý thuyết vào công việc nghiên cứu, góp phần tạo động lực mạnh hơn cho giới sáng tác. Họ thường xuất hiện trên văn đàn sau khi tốt nghiệp thạc sĩ hay tiến sĩ, vừa giảng dạy đại học vừa nghiên cứu văn học khá chuyên nghiệp như: Trần Lê Hoa Tranh, La Mai Thi Gia, Nguyễn Thị Phương Thúy ở TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Thu Trang ở Phú Yên, Hoàng Hường ở Đà Nẵng, Trần Huyền Sâm ở Thừa Thiên - Huế, Mai Thị Liên Giang ở Quảng Bình, Lê Hồ Quang ở Nghệ An, Cao Thị Hồng ở Thái Nguyên…
Khác với các cây bút phê bình trên, Hoàng Thụy Anh tốt nghiệp thạc sĩ lý luận văn học nhưng không gắn bó với giáo dục mà về quê hương làm việc ở tạp chí Nhật Lệ của Hội VHNT tỉnh Quảng Bình. Ngoài làm thơ, chị chuyên tâm hơn với nghiên cứu văn học, lần lượt xuất bản các tập sách: Thơ Hoàng Vũ Thuật - nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson (chuyên luận, NXB Thuận Hóa 2010), Bản xô-nát thi ca (tiểu luận - phê bình, NXB Hội Nhà văn 2012), Tiếng vọng đa thanh (tiểu luận - phê bình, NXB Hội Nhà văn 2016). Một đồng nghiệp đồng hương cùng thế hệ là TS Mai Thị Liên Giang cho rằng: “Không đưa xã hội học vào quá trình đọc như cách đọc truyền thống, Hoàng Thụy Anh đã khẳng định chỗ đứng vững vàng của mình trong phê bình văn học hiện nay. Đọc các tác phẩm văn học Việt Nam trong thời điểm này, Hoàng Thụy Anh hướng đến quá trình xác lập giá trị văn học của văn bản một cách cụ thể. Từ trách nhiệm của một người phê bình khách quan, Hoàng Thụy Anh luôn đặt mình trong sự đối thoại với các văn bản thông qua hoạt động đọc hiểu”.
Nếu như tác phẩm đầu tay Hoàng Thụy Anh chuyên khảo về thơ của một tác giả là Hoàng Vũ Thuật thì đến tác phẩm thứ hai Bản xô-nát thi ca, chị đã nghiên cứu thơ của nhiều tác giả, và đến tác phẩm thứ ba Tiếng vọng đa thanh lại chuyển sang bước mới khi chị viết về nhiều tác giả với nhiều thể loại sáng tác khác nhau. Tập sách gồm 23 tiểu luận, mà nói như Mai Thị Liên Giang thì Hoàng Thụy Anh đã đối thoại với văn bản của các tác giả từ Bắc chí Nam, trong đó chỉ có nhà thơ Lưu Trọng Lư từ thời Thơ mới, hay Ngô Kha và Hoàng Vũ Thuật từ thời chiến tranh chống Mỹ, còn lại chủ yếu các tác giả trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, thậm chí có tác giả mới xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XXI. Tác phẩm mà Hoàng Thụy Anh nghiên cứu cũng chủ yếu mới xuất bản như: Nhật ký nhân viên văn phòng - tập truyện ngắn của Phong Điệp, Chân trời mùa hạ - tiểu thuyết của Hữu Phương, Vàng son thạch thủy khí - tập truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, Âm thanh đổ bóng - tập truyện ngắn của Nguyễn Hiệp, ViLi tùy bút - tập tùy bút của Vi Thùy Linh, Bước gió truyền kỳ - trường ca của Phan Hoàng, Thả - tập thơ Mai Văn Phấn, Thuyền trăng - tập thơ của Hồ Thế Hà, Mùa chim - tập thơ Nguyễn Ngọc Phú, Cánh đồng nhiều hướng gió - tập thơ Nguyễn Minh Khiêm,… Ngoài ra, trong tác phẩm này Hoàng Thụy Anh còn có một số tiểu luận về đời sống lý luận phê bình như: Bạn đọc trẻ với việc tiếp nhận văn học mạng, Phê bình trẻ miền Trung - từ một góc nhìn, Giải pháp nào cho phê bình văn học?

Tác phẩm Tiếng vọng đa thanh 
của Hoàng Thụy Anh - Ảnh: PHÚ YÊN

Đồng thời, phương pháp nghiên cứu của Hoàng Thụy Anh cũng ngày càng đa dạng hơn trên nền tảng nắm chắc các lý thuyết như thi pháp học, cấu trúc, giải cấu trúc, phân tâm học, tự sự học… được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, có hệ thống. Trong lời giới thiệu tập sách Tiếng vọng đa thanh, nhà phê bình Yến Thanh đã nhận định: “Có thể nói, nếu như phê bình thế hệ tiền chiến mà đỉnh cao như Hoài Thanh vẫn chủ yếu lấy phương pháp ấn tượng (“Tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người”) nhằm khai triển các chiến lược đọc và tường giải tác phẩm, thì phê bình thế hệ ngày nay mà Hoàng Thụy Anh là một trong những người đại diện ấn tượng và xuất sắc nhất, lại dựa trên những nền tảng lý thuyết nghiên cứu văn học mới. Với trường hợp của chị, có lẽ nổi bật nhất về mặt áp dụng lý thuyết vẫn là chủ nghĩa cấu trúc và thi pháp học”.
Hiện nay tác phẩm văn học hoặc cận văn học xuất bản ồ ạt. Tác giả lẫn bạn đọc cần những bài phê bình khách quan, khoa học, chuyên sâu để biết được những điểm mạnh yếu cho công việc sáng tác và định hướng cảm thụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, các nhà phê bình gạo cội lại dường như quá bận rộn với công tác giảng dạy, hướng dẫn làm luận án hoặc ít quan tâm đến những tác phẩm mới, trong khi các cây bút phê bình trẻ lại thường bận chuyện mưu sinh nên hiếm người đam mê nghiên cứu. Vì vậy, sự xuất hiện của những người trẻ tâm huyết dấn thân như Hoàng Thụy Anh như làn gió mát và tươi mới trên cánh đồng phê bình còn buồn tẻ, khô hạn. Tiếng vọng đa thanh của chị là tiếng vọng chân thành, ngọt lành đáng được mọi người đón nhận!.
15/11/2016 
Phan Phú Yên
Theo http://www.baophuyen.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...