Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Nhà thơ Y Phương: Bảo tồn văn hóa Tày qua tản văn và thi ca

Nhà thơ Y Phương: 
Bảo tồn văn hóa Tày qua tản văn và thi ca

Trong “làng văn” các DTTS, cùng với những tên tuổi các nhà văn, nhà thơ đã thành danh như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Mã Thế Vinh, Vi Hồng, Nông Minh Châu, Lò Ngân Sủn, Inrasara…, nhà thơ dân tộc Tày-Y Phương (quê Trùng Khánh, Cao Bằng) là một gương mặt thơ tiêu biểu, xuất sắc. Những sáng tác của Y Phương luôn mang phong cách riêng, độc đáo của vùng văn hóa dân tộc miền núi, vừa đậm đà bản sắc “người đồng mình” (người Tày), vừa rộng mở, giao hòa với vùng văn hóa rộng lớn để hợp lưu thành con sông văn chương Việt Nam.
Cầm bút từ những năm tháng chiến tranh cho tới hôm nay, nhà thơ Y Phương vẫn miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa, lao động sáng tạo không ngừng để sở hữu một “gia tài” văn chương khá đồ sộ gồm thơ và tản văn. Các tác phẩm của ông đã góp phần đưa văn học của các DTTS đến gần hơn với độc giả, trở thành một bộ phận không thể thiếu, đóng góp vào thành tựu chung của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Quê hương Cao Bằng giàu bản sắc văn hóa Tày 
với những làn điệu hát then đàn tính là chất liệu 
quan trọng trong sáng tác của Y Phương.
Y Phương luôn cháy bỏng một khao khát đem đến cho bạn đọc một cái nhìn chân xác nhất về cảnh sắc thiên nhiên và con người quê hương ông. Đọc các tác phẩm của ông, độc giả sẽ cảm nhận được chất miền núi thấm sâu, lan tỏa trên từng con chữ, câu văn. Quê hương với Y Phương là những kỷ niệm xưa và nay, những hình bóng quen thuộc, gần gũi, sống động, đáng yêu trong một con người. Vì thế, nó luôn có thần, có hồn như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở đất chỉ là đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Viết tản văn, Y Phương đưa người đọc đến với những rừng trúc, những rừng dẻ, rừng trám: “Chiều quê tôi sánh vàng như mật. Đấy là thời khắc ve ran như sôi. Lá rừng thiêm thiếp” (Về Trùng Khánh mà nghe hạt dẻ) hay “Trám quý và ngon là bởi nó được chưng cất từ hồn vía đất đá, núi non quê nhà. Giống cây này người ta không trồng mà cứ mọc hoang trên núi…. Đến mùa cây ra hoa làm quả, toàn thân phát ra mùi đực, cái khiến cho muôn loài côn trùng xa mấy cũng tìm đến. Chúng bâu đầy lên lá, lên hoa, cứ mải mê rủ rỉ rù rì hút hương, vô tình chúng đã thụ tinh cho trám. Thế rồi trám cũng mang thai” (Trám cũng mang thai).
Nhà thơ Y Phương (giữa) và các bạn văn.
Ngòi bút của Y Phương khi viết về cảnh sắc thiên nhiên quê hương là cuộc hành hương đầy thiêng liêng. Nhà thơ luôn bày tỏ niềm thành kính, ngưỡng vọng, luôn trĩu nặng ơn đất, ơn người: “Con là con trai của mẹ/ Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ/ Mang trong người cơn sốt cao nguyên/ Mang trên mình vết thương/ Ơn cây cỏ quê nhà/ Chữa cho con lành lặn…”.
Cùng với cảnh sắc thiên nhiên quê hương, những trang thơ và tản văn của Y Phương luôn ngồn ngộn chất liệu bản sắc văn hóa dân tộc Tày, được thể hiện qua các phong tục, tập quán dân tộc. Trong hai tập tản văn “Kungfu người Co Xàu” và “Tháng Giêng-tháng Giêng một vòng dao quắm”, Y Phương đã bám sát những vấn đề thiết yếu của đời sống. Đó là những lát cắt muôn màu về đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán, ngôn ngữ… của con người vùng cao đậm bản sắc dân tộc. Chất Tày được bộc lộ độc đáo trong trải nghiệm cuộc đời, ở một tầng vỉa làm lộ dần tầm cao và chiều sâu văn hóa. Ông hiểu hơn ai hết văn hóa là sức mạnh nội sinh, là cội nguồn giá trị của làng Tày “Vách nhà ken câu hát”. Bởi vậy, ông chăm chút những sinh hoạt thường ngày ở ngôi làng Tày với những phong tục tập quán truyền thống của ma chay, cưới xin… Đó là cảnh rước dâu độc đáo của người Tày “Cảnh rước dâu bằng đôi chân pằm pặp của đoàn người đi bộ. Cảnh gồng gồng gánh gánh, bánh dày tròn, bánh chưng vuông với chú lợn cưới. Chú lợn cưới cười không nhìn thấy mắt. Nó cứ ti hí lờn lợt... Cả đám quà cưới cồng kềnh xanh đỏ theo cô dâu về nhà chồng” (Áo tân thời bước vào võng cửa).
Tản văn của Y Phương như “mảnh hồn làng” mang bao nỗi háo hức, bận rộn của “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy”. Thế nên “từ sau rằm tháng Bảy, lá gói bánh gai chưa kịp héo, họ đã lên kế hoạch cho từng tháng... Tháng Chín, tháng Mười vào rừng kiếm củi, đun nồi bánh chưng, cất lô rượu gạo. Tháng Một (tháng 11 âm lịch) bện rơm lót giường, làm ghế cho khách ngồi. Tháng Chạp ủ muối cỏ khô, rơm khô dành cho trâu bò ăn…” (Tết cả), trong đó có lễ “pây tái” (đi lễ bố mẹ vợ) rất độc đáo vùng văn hóa Tày “Các chàng rể phải sắm đôi vịt béo để mang đến nhà, biếu ông bà ngoại” (Tết Slip Sli thịt vịt).
Nhận xét về các tác phẩm của Y Phương, Tiến sĩ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng đánh giá: “So với các nhà văn khác, Y Phương là người sử dụng tiếng Tày nhiều và nhuần nhuyễn nhất trong tác phẩm. Anh biết Tày hóa tiếng Việt trên cơ sở thông thạo cả hai thứ tiếng Tày và Việt. Nên tuy viết bằng tiếng Việt, nhưng sắc thái Tày vẫn thể hiện rõ. Y Phương có biệt tài dùng những từ ngữ sóng đôi vừa Việt, vừa Tày làm cho ý nghĩa của tiếng Việt khái quát, mở rộng hơn, vượt qua ý nghĩa ban đầu bởi đã pha thêm nghĩa của tiếng Tày, tâm hồn Tày, văn hóa Tày”.
Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1947 tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Ông nguyên là Bộ đội rồi tốt nghiệp Đại học viết văn Nguyễn Du khóa II, làm cán bộ biên tập văn nghệ Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng. Hơn 30 năm cầm bút, Y Phương đã xuất bản một tập kịch: “Người của núi” (1982); 10 tập thơ, trường ca, trong đó có 2 tập song ngữ “Vũ khúc Tày” (Tủng Tày) và “Hoa quả chuông” (Bjooc ăn lình); 2 tập tản văn: “Tháng Giêng-tháng Giêng một vòng dao quắm” (2009) và “Kungfu người Co Xàu” (2010). Ông đã đạt giải Nhất cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984 và Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.
12/4/2018
Ngọc Ánh
Theo https://baodantoc.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...