"Thế giới ngủ trong đường viền"
và giấc mơ con chữ
Đó là tập thơ thứ 5 của Trần Thị Huê, hội viên Hội Văn học
nghệ thuật Quảng Bình, giáo viên Trường Mầm non Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng
Bình). Tập thơ do Nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh viết lời tựa, với 52 bài
thơ đề cập nhiều mối quan hệ siêu nhiên, tự nhiên, hiện tượng, sự vật trong đời
sống…
Ngổn ngang tâm trạng trước em
bé trong bức tranh, tác giả mời ta đi từ bìa rừng, con đường già, cuộc sống
của em…/ Bức tranh này nói với tôi có lửa, cả những đồ ăn của em có lửa. Thì
ra, em là đứa con của rừng là thần mặt trời, hiện thân của sức mạnh
sáng tạo mà người thơ luôn vươn tới. Trở lại hiện thực, chị như nói với chính
mình: Thế giới lớn vô cùng nhưng em là đứa trẻ/ Đứa trẻ biết mọi thứ nghèo
nhất/ Đứa trẻ biết khổ là gì khi mới sinh ra (Đứa trẻ biết khổ là gì khi mới
sinh ra). Biển luôn là niềm tin vô tận của con người, là nơi hứng chịu và chia
sớt sự cuồng nộ của bão tố. Lòng biển chấp nhận phũ phàng nhưng rồi xanh biếc,
tươi trong, sáng niềm hy vọng: Em vẽ lên trang giấy những mảng màu khác lạ…/
Màu nguyên gốc tựa như ánh bình minh lớn lên từ biển/ Nhẫn nại trước phong ba/
Và biết cõng cánh chuồn trong nắng… (Ngày mới không tên). Khi thế giới
ngủ trong đường viền của chiếc túi xách/ Nó chưa hề ăn và chưa hề va chạm/ Chưa
hề yêu nhưng chị đã chiêm nghiệm Chừng ấy năm đi dưới bàn chân/ Nghe
xát và êm khoảng khuyết/ Chân viết hẳn một nét huyền chảy dài mi mắt/ Tóc khâu
hoài niệm/ Trăng ngọt nằm nghiêng (Thế giới ngủ trong đường viền). Không
ai níu giữ được thời gian nhưng nó đã chuyên chở cho ta niềm vui, nỗi buồn, dại
khờ, khổ đau, hạnh phúc… ví không có thời gian tất cả đều đông cứng. Với Huê, mỗi
ký tự của chị đều cho thấy giọng điệu của ý nghĩ, ý nghĩ bung nở hết mình trước
thời gian: Níu dại khờ năm trước biết mọi thứ để dành không thuộc về mình
nhưng ấm lòng con sông hẹp/…Thương tấm áo nâu sờn vai/ Thương chuyến tàu đi muộn
trong đêm có một cụ già nhớ về cảnh nghèo năm trước/ Phía ấy lên đèn đã nói với
chính em/ Xuân đã về/ Sưởi ấm con đường chỉ đỏ/ Mẹ gánh cả niềm vui theo triền
cát đi về/ Nụ hồng khoe sắc dày thêm sau tấm áo/ Mưa phùn rơi thắp ngọn lửa
ngày đông/ Xuân lại về ta nắm bàn tay (Ý nghĩ nhiều hơn thời gian đã
nghĩ). Đọc bài “Người đàn ông của chị”, tôi muốn làm điều gì đó có thể, giúp
“chị” san vợi những u buồn: Người đàn ông của chị…/ Đường đi chìm vào khoảng
lặng im/ Trời chiều nghe mọi thứ chờ đợi mọi thứ/ Cánh cửa mở ra lặng ngắt/ Chị
ngồi chong mắt/ Khêu lên/ Mặt trời quay về hướng núi/ Chị cuốn mái tóc dài che
khuôn mặt/ Che số phận của mình và người đàn ông giấu mặt/ Chị đã cưới sau mưa. Tôi
tin nhiều bạn đọc rất cảm bài thơ này, chỉ với khổ thơ thứ hai: Trời chiều
nghe mọi thứ chờ đợi mọi thứ/ Cánh cửa mở ra lặng ngắt/ Chị ngồi chong mắt/
Khêu lên đủ làm ta dứt day khó tả. Chị khêu thêm ngọn đèn, khêu thêm ánh mắt
kiên nhẫn đợi chờ và khêu lên cả niềm hy vọng. Để hoàng hôn xuống chị cuộn
mái tóc dài che khuôn mặt…/ Chị đã cưới sau mưa, đám cưới của riêng chị và
cơn mưa của những ngày cách xa, cơn mưa của tháng năm mòn mỏi đợi mong, cơn mưa
của những buổi chiều chong mắt/ khêu lên.
Vẫn chủ đề “Mẹ”, đề tài muôn
thuở của thi ca: Mới hôm qua mẹ ngồi nhìn chùm khế…/ Lưng còng sát chân ôm
trọn một đời eo/ Mẹ nhìn lên tiếng gáy ban trưa/ Con gà kiến tật nguyền tìm mồi
trong luống cải. Từng câu thơ được kết ghép tài tình, đan xen giữa tả, gợi
và kể khiến người đọc rưng rức tình mẫu tử: Vạt áo cũ một thời mẹ không
làm dơ bẩn…/ Con chữ trời cho nguệch ngoạc nhưng nghĩa đủ để làm thơ/ Nghèo đói
bao nhiêu cũng đừng bán đi con nhé. Ai từng bên mẹ những ngày cuối đời, ắt
sẽ khó kìm giọt lệ ứa ra: Giờ mẹ nằm im đau lắm với cơn đau/ Nếp nhà
nghiêng về đâu mẹ không còn nhớ. Cơn đau dập dồn, bám riết lấy cái lưng
còng sát chân của mẹ và câu ngọt ngào thưa dần trộn đều vào lưng cháo,
đâu khác hoa khế hôm nào lặng vào trong tiếng gà trưa (Hoa
khế). Những ngữ cảnh được chị dọn bày, xua đi ám ảnh buồn, gieo niềm tin vào đời
mẹ, đời ta: Thuở bé mẹ nói với tôi bằng nỗi buồn/ Nỗi buồn cỏ xước đồng
khô/ Mẹ đã đi suốt chiều dài bằng đường cong tuổi tác/ Mẹ lau nỗi buồn bằng chiếc
lá màu xanh…/ Mẹ chưa bao giờ nghe một lời khác tình yêu/ Dẫu có lệch hướng mặt
trời dẫu dòng sông ngược nước/ Và tôi vẽ lên tường giúp mẹ những lòng tin (Một
lời khác của tình yêu).
Tâm sự cùng mẹ và cứ thế ta
đi, đi sâu vào sự quăng quật của đời người, một lúc nào đó, nỗi nhớ người cha
thân yêu lại đưa ta trở về tắm mình trong ký ức, hình ảnh ta gặp đầu tiên
ngay trên đồng quê: Bố nhọc nhằn ngồi bên bó rạ nhìn mưa. Bố cày ruộng
trong ngày mưa và điệp khúc của đường cày chẳng khác nào khuông nhạc quấn lấy tâm
hồn con: Dẫu phố thị có cuốn con vào cuộc sống/ Nhưng đường cày vẫn hiện hữu/
Thành điệp khúc mùa đông/ Màu lấp lánh của rơm lại nở trên đồng (Điệp khúc
đường cày). Là đứa con miền Trung, người thơ đã bao lần chứng kiến cảnh ngập ngụa,
trôi dạt, xót xa… Đêm nhủ em nhặt hết những giọt nước mắt không còn thấm ướt/
Xóa hết hàng chữ nghiêng giấu mặt/ Mười một giờ đồng hồ treo ngược nước lũ tràn
qua/ Côn trùng đi nhầm vào ổ kính chui qua lan can bay lên khoảng trống…/ Miền
Trung những tháng thương nghiệt ngã. Trong cảnh tiêu điều, Hạnh phúc trên
tay đọng lại những giọt buồn, người ta vẫn hy vọng vươn tới Thế giới mon
men theo chùm hoa đang nở. Có một loài hoa, biểu tượng sức sống mãnh liệt, bất
chấp mọi khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng Cây xương rồng úp mặt/ Kiến bò
ngang hồn nhiên. Ta thử hỏi có nơi nào tốt hơn cho lũ kiến trong hành trình “chạy
lũ”, mà chúng không len lỏi trong gai góc của nhánh xương rồng? Và đây, một sự
liên tưởng độc đáo về biển của Huê: Phía ấy ngọn nắng thẳng tắp trôi theo
dòng xoáy/ Phía ấy sóng trào bến vắng xóa hết mầm cây. Biển gồng mình gánh
hết bão giông, những sợi nắng hiếm hoi như đường kẽ xuyên qua phiến mây dày,
sóng ào ạt trào lên bến vắng, vắng cả những mầm cây. Song người thơ chẳng hề bi
lụy, nhẫn nại khâu lại con thuyền cầu trời bình yên…/ Và, Đêm
nghe nắng thở gấp…/ Cây xương rồng nở hoa trong mưa ướt nỗi lòng (Cây
xương rồng).
Dạy trẻ, tác giả rất khéo khi
vận dụng hình tượng người chèo thuyền, thay vì lâu nay ta vẫn nói “người đưa
đò”: Người chèo thuyền bằng sông/ Vào đêm trở gió/ Ngọn gió trái với khuôn
mặt phủ đầy lọn tóc…/ Người chèo thuyền bằng mái chèo/ Một đêm trở gió…/ Phả xuống
đáy sông những dại khờ. Con thuyền của chị Người chèo thuyền bằng
tâm, chỉ muốn gạt phăng sóng gió, đưa lại những ban mai tươi đẹp, cắm vào
đó những cánh hoa cho bình minh càng thơm mát: Chở lớp sóng xô qua bên kia
núi/ Chỉ ước cắm vào bình minh những cánh hoa thơm (Ước).
Thơ chị thường gieo cho người
đọc những bất ngờ thú vị, một chút nhíu mày để rồi ta nở nụ cười với từng con chữ.
Bạn đọc quý mến chị, một người viết không dễ dãi, luôn tìm tòi đổi mới thơ, mạnh
dạn bứt phá những gò bó tiềm thức để đến với thơ đương đại, góp phần mang sự
tươi mới cho văn học tỉnh nhà. Điều làm chúng ta yêu quý chị hơn, sau khi tìm
hiểu đời sống đồng bào Ma Coong ở Bản Troi xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng
Bình). Chị đã quyết định, nhờ một số đồng nghiệp phối hợp phát hành 1000 bản
“Thế giới ngủ trong đường viền” để gây quỹ “Giấc mơ con chữ”, giúp trẻ em dân tộc
Bru-Vân Kiều có cơ hội được đến trường. Qua 5 tập thơ, nhất là với “Thế giới ngủ
trong đường viền”, người đọc không khỏi khâm phục bản năng thơ của chị. Cùng với
ước mơ giản dị được “đứng lớp ổn định”, chị còn ấp ủ niềm đam mê đến với thi ca
bằng những khát khao cháy bỏng. Chính đó đã tiếp sức giúp chị vượt qua những
khó khăn để dạy trẻ, làm thơ, in thơ và dùng thơ để giúp học trò nghèo…Trang bìa tập thơ “Thế giới ngủ trong đường viền” của Trần Thị
HuêNguyễn Tiến NênNguồn: Tạp chí Quê hương ngày
nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét