Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Trà Việt trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc

Trà Việt trong dòng chảy 
lịch sử văn hóa dân tộc

Trà vốn là một trong những thức uống có từ lâu đời. Người Việt Nam ai mà không biết đến trà, ai cũng biết các cụ xa xưa đã biết uống trà. Thế nhưng trà Việt có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu hẳn là câu hỏi không mấy ai trả lời được.
Từ lâu trà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Việt
Có bốn nền văn hóa trà tồn tại trên thế giới là văn trà ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản và trà Hàn Quốc. Nhưng đáng tiếc rằng, nền văn hóa trà ở Việt Nam dường như đang dần mai một và trong tâm tưởng của mọi người ngày nay, hầu như chỉ còn tồn tại Trà kinh của Trung Hoa và Trà đạo của Nhật Bản. Điều đáng tiếc ấy có lẽ xuất phát từ việc thiếu hụt những tư liệu văn hóa viết chính thống, thiếu hụt thông tin chuẩn xác về một nền văn minh Trà Việt lâu đời giàu bản sắc.
Trong khi thư tịch cổ đại Trung Quốc và Nhật Bản có ghi chép rõ ràng các niên hiệu và sự việc quan yếu đến vấn đề trà thì ở Việt Nam, thì lịch sử Việt Nam hầu như không có tư liệu chính thống nào nói tới trà trước đời Lý (1010-1225). Nhưng chắc chắn không phải đến đời Lý, Việt Nam mới có trà. Có một số tư liệu đã gián tiếp khẳng định rằng người Việt từng biết uống trà từ rất lâu đời thậm chí tộc Việt biết uống trà trước cả tộc Hán. Trong cuốn Hành trình tìm về cội nguồn của Hà Văn Thủy, NXB Văn học, 2008 có viết chính Khổng Tử (551-479 TCN) đã từng dạy học trò của mình rằng: Dân Bách Việt làm ruộng lúa mà ăn, không trồng kê và lúa mì như chúng ta. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà. Điều đó có nghĩa ở thời đó, người Hoa vẫn chưa biết uống trà.
Thời Nam Bắc triều (420-581), sử chép về thời gian vua Nam Tề chạy trốn sang nước Ngụy, hàng ngày pha trà uống theo thói quen, thì bị Bành Vương dè bỉu: Khanh không thích vị bát trân của Vương hầu lại đi thích chén chè xanh. Vậy, chí ít cho tới giữa thiên niên kỷ thứ nhất, ở Trung Hoa trà vẫn là thức uống bị dè bỉu, bị coi là thấp kém của người phương Nam.
Có thể nói, qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, trà đã trở thành một thức uống tao nhã của giới quý tộc, sĩ phu và tăng lữ. Đời Trần, xuất hiện nhiều áng văn thơ nói tới thú uống trà, nhờ ảnh hưởng của văn chương nên sang đời Lê (1428-1788), trà càng phổ biến. Thời nhà Lê, trà không còn chỉ thịnh hành trong triều đình mà đã lan rộng khắp trong dân chúng và trở nên một thượng phẩm quan trọng. Song nghề trồng làm trà ở nước ta xuất hiện từ bao giờ? Đó vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhưng có thể chắc chắn là đến cuối thời Lê, nghề trồng chè và làm trà thật sự đã phát triển hưng thịnh. Bởi thời đó, Chúa Trịnh vì thấy rằng trà và muối là hai thứ mà mọi người dân trong nước đều cần dùng, cho nên đã đánh thuế trà và muối để làm giàu cho công quỹ. Tuy nhiên việc này gặp phải sự phản đối trong dân nên Chúa thôi không đánh thuế trà và muối.
Người Việt xưa uống trà
Ấy là nguồn gốc trà Việt nhìn từ góc độ lịch sử. Từ góc độ thi ca, trà xuất hiện trong ca dao, tục ngữ và trong những áng sử thi của dân tộc. Trà cùng với Truyện Kiều và chơi tổ tôm đã trở thành ba thú vui thời thượng của người Việt Nam: “Làm trai biết đánh tổ tôm. Uống trà Mạn hảo ngâm nôm Thúy Kiều”. Trà lại xuất hiện trong thơ của Tế Xương như một thuộc tính của nam nhi: “Một trà một rượu một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta”…
Trong suốt những năm chiến tranh khói lửa, ngành chè gần như bị xóa sổ song cây chè vẫn oằn mình bám đất vươn lên. Đặc biệt, hình ảnh những chiến sĩ Đồng Tháp Mười ung dung ngồi uống trà bên nhau trước giờ ra trận như một tượng đài đầy chất sử thi. Để rồi, khi hòa bình lập lại, chỉ trong vòng hai mươi năm, ngành chè đã lấy lại thế thượng phong, Việt Nam trở thành nước đứng thứ 5 về xuất khẩu chè trên thế giới. Song song với việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Người Việt Nam ngày nay càng chú trọng hơn trong việc phục hưng và truyền bá văn hóa trà Việt bằng cách kết hợp sản xuất trà với phát triển du lịch văn hóa dân tộc.
Du lịch Thái Nguyên, trải nghiệm không gian 
văn hóa trà tại Tân Cương (Ảnh: Internet)
Có thể thấy rằng, trà đã phát triển cùng văn hóa của dân tộc Việt Nam trong suốt dòng chảy của lịch sử. Bởi thuộc tính thanh tao mà dung dì, trân trọng và tôn nghiêm mà trà Việt trở thành một đồ uống thiêng liêng, không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong những dịp quan trọng.
Tham gia tour du lịch trải nghiệm văn hóa dân gian Thái Nguyên, du khách sẽ được khám phá những nét độc đáo trong hoạt động hái chè, làm và thưởng trà đặc sắc. 
Trịnh Quang Dũng
Nguồn: Tạp chí xưa và nay số 13
Theo http://dulichthainguyen.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...