Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử

Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử 
HÀN MẶC TỬ (1912-1940) bậc tài hoa yểu mệnh, thiên tài kiệt xuất của thơ ca hiện đại Việt Nam với một hồn thơ trăng láng lai bất tuyệt rất đặc biệt, hết sức độc đáo, tôi đoán chắc rằng thơ ca nhân loại chúng sinh xưa nay không có một nhà thơ, thi nhân, thi sĩ nào có thể gùn ghè cập kè so sánh!.
Ấy vậy mà trong một loại sách văn học lớp 11 của chương trình phổ thông, cái gọi là “Sách giáo viên” được xem như cẩm nang của thầy cô giáo dạy văn, vị giáo sư văn học ở ĐH  đã phán về hai câu thơ trăng độc đáo nhất của bài thơ ĐÂY THÔN VĨ DẠ của HÀN MẶC TỬ như sau: ”Có người đặc biệt ca ngợi hình ảnh này ở khổ thơ thứ hai “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay?. Đó quả là một hình ảnh thơ mộng và đẹp. Nhưng độc đáo thì không phải: ”Thuyền gối bãi”, ”Thuyền đậu bến”, ”Thuyền chở trăng”, những hình ảnh thơ đó thực ra đã trở thành ước lệ được dùng phổ biến trong thơ ca kim cổ (thơ Đỗ Mục, Trương Kế, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Quách Tấn, Yến Lan, Thúc Tề  v.v…)”
Tôi thật ngỡ ngàng!.
Hướng dẫn NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP giảng dạy “Nhằm hổ trợ trực tiếp và thiết thực cho người dạy” theo lời nói đầu của “Sách giáo viên” ấy mà viết như thế về hai câu thơ trên trong bài thơ ĐÂY THÔN VĨ DẠ của HÀN MẶC TỬ, thật càng làm cho tối và rối thêm!. Nhất là đối với thầy cô giáo vốn trước kia chẳng được học bài thơ này ở chương trình phổ thông cũng như ở trường ĐHSP ngày ấy!.
Người soạn sách đã nhặt từ ra một cách tùy tiện rồi gán ghép nào “Thuyền gối bãi”, "Thuyền đậu bến”, ”Thuyền chở trăng” đã làm lệch đi hình ảnh thơ của HÀN MẶC TỬ. Do cảm nhận hình ảnh thơ với những chi tiết hiện thực cụ thể như thế nên người soạn sách đã vội phán “độc đáo thì không phải”!. Câu chữ trong thơ HÀN MẶC TỬ vốn mơ hồ, chập chờn, hư ảo “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp…”. “Thuyền ai” thật phiếm chỉ, mơ hồ không xác định, thật mông lung. “Bến sông trăng” đã là bến mộng. Đọc kỹ toàn bài thơ: “Đó” đối lập với “Đây” (Ở đây sương khói mờ nhân ảnh) đã gieo vào tâm trí người đọc về cõi mộng, cõi mơ ước chứ không chỉ là từ xác lập nơi chốn hiện thực cụ thể nào. Và tiếng gọi bi thiết, chới với “Có chở trăng về kịp…” càng thêm phi thực, hư ảo phiêu linh vô cùng. Thử hỏi các nhà thơ từng có thơ về trăng mà người soạn sách đã liệt kê ra như ở trên có tạo ra được hình ảnh thơ nào về trăng lại chập chờn mộng ảo độc đáo đến như thế, gợi cảm đến như thế?
Vị giáo sư nọ đã đồng hóa hình ảnh thơ rất riêng về trăng của HÀN MẶC TỬ với những hình ảnh thơ “Ước lệ được dùng phổ biến trong thơ ca kim cổ” và chẳng hướng dẫn gợi ý gì thêm, rồi lại đưa ra hàng loạt nhà thơ xưa nay viết về trăng, thật chẳng khác gì tung hỏa mù!.
Lẽ nào ánh trăng thanh thản ung dung lạc quan tin tưởng trong “Yên ba thâm xứ đàm quân sự/Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Giữa dòng bàn bạc việc quan/Khuya về bát ngát trăng ngân đày thuyền) của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chi Minh cũng là ánh trăng ”Giang nguyệt minh”, ”Nguyệt mãn thuyền” trong thơ đời Đường của Trung Quốc xưa?
Lẽ nào hình ảnh trăng trong trong hai câu thơ trên của HÀN MẶC TỬ cũng giống như hình ảnh trăng trong thơ Hồ Chí Minh?. Lẽ  nào hình ảnh ”Thuyền ai đậu bến sông trăng…Có chở trăng về kịp…” của HÀN MẶC TỬ lại không ẩn chứa cảm xúc xao xuyến, náo nức, khao khát hạnh phúc tình yêu của “cái tôi” thời đại Thơ Mới?
Nhà phê bình Hoài Thanh (trước CM tháng 8/1945) đã từng có lời bình rất đáng suy ngẫm (để học tập) về hình ảnh con cò trong thơ ca: “Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay trong ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân có sự cách biệt của hơn ngàn năm và của hai thế giới.” (Thế giới quan cổ điển và thế giới quan hiện đại).
Hơn nữa, vị giáo sư nọ không đặt gắn hình ảnh “Thuyền ai đậu bến sông trăng…” vào trong toàn bài thơ, vào hồn thơ tài hoa ảo mộng HÀN MẶC TỬ. Xuyên suốt bài thơ ĐÂY THÔN VĨ DẠ không chỉ “Thuyền ai…” mà nào ”Vườn ai…” và rồi “Ai biết tình ai…” Tất cả tạo nên một hệ thống phiếm chỉ, bàng bạc, mông lung mơ hồ mà lại day dứt ám chỉ đến nghẹn ngào trong con tim không thể gọi tên! Trước khi dựng hình ảnh trăng bến mộng này, HÀN MẶC TỬ đã tê tái con tim cho cảnh chia lìa “Gió theo lối gió, mây đường mây”, anh đường anh, em đường em, không còn chung lối mộng nữa rồi! Thật là nghìn trùng  xa cách, xa cách trong không gian, xa cách trong thời gian, xa cách trong tâm hồn người thơ đang ám ảnh cái chết, giây phút lìa đời!. Hình ảnh thơ trăng hết sức kỳ lạ, mang hồn vía thơ HÀN MẶC TỬ xuất hiện trong khoảnh khắc chấn động tâm tư ấy, người soạn sách có nắm bắt cảm nhận mảy may nào không?. “Trữ tình HÀN MẶC TỬ là gợi cảm chứ không phải là truyền cảm. Nhà thơ không truyền thẳng cảm xúc của mình tới độc giả nhờ phương tiện ngôn ngữ, mà bằng bản thân ngôn ngữ thức dậy thứ năng lượng đó vốn tiềm ẩn trong mỗi độc giả, vì vậy mà cảm xúc thẩm mỹ của người đọc no đủ hơn, sâu sắc hơn bởi như tránh được một sự áp đặt từ bên ngoài.” (Đỗ Lai Thúy)
Mỗi bạn đọc yêu thơ đến với thơ ca nói chung, với hai câu thơ về trăng này của HÀN MẶC TỬ nói riêng (Dù là bạn đọc trẻ tuổi, học trò học văn) phải là người đồng sáng tạo với tác giả, có thể cảm nhận theo cách riêng của mình, nhưng dứt khoát không được chủ quan áp đặt cho rằng hình ảnh thơ trăng này không có gì sáng tạo “Độc đáo thì không phải”, và “nó đã trở thành ước lệ được dùng phổ biến trong thơ ca kim cổ”!.
Đừng có vì một thần tượng linh thiêng (!), giáo điều nào mà quy chiếu trói buộc thơ, đặc biệt là thơ HÀN MẶC TỬ vào một khuôn, một hướng (thơ Đường…thơ Hồ Chí Minh - đặc biệt một người không ham mê thơ “Lão phu nguyên bất ái ngâm thi”, làm thơ bộc lộ ngôn chí, cốt để nói chính trị mà thôi!).
Bình giảng thơ như thế là giết chết thơ ca!.
Bình giảng thơ như thế là đầu độc, giết chết những tâm hồn trong trẻo hồn nhiên mơ mộng của các em nhỏ học trò thơ ngây!.
Từ những vị đại giáo sư cây đa cây đề như thế, đến các lớp thầy cô giáo dạy văn được đào tạo rập khuôn như thế, đừng trách chi học trò ngày nay không thích học môn văn, không muốn thi vào ngành văn ở trường đại học!.
NÓI ĐI RỒI LẠI NÓI LẠI:
Người yêu thơ nào cũng biết: Trăng là một hình tượng thơ độc đáo, hết sức lạ kỳ, vừa mang “màu sắc cụ tượng” vừa mang “màu sắc trừu tượng”, chuyển tải hồn thơ hư tinh thần mộng HÀN MẶC TỬ. Đọc toàn bộ thơ văn của HÀN MẶC TỬ, người đọc như lạc vào một thế giới trăng huyền ảo với đủ mọi tầng bậc (Thượng giới, hạ giới, cõi mộng, ngọc tuyền…) lấp lánh phiêu diêu cơ man nào màu sắc, vô lượng, vô biên…!.
Không gian dày đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
Mỗi ảnh mỗi hình lên phiếu diễu…
(HUYỀN ẢO)
Trăng đã trở thành một bầu khí quyển bao bọc vây quanh mọi cảm giác, mọi suy tưởng, chan hòa trong cả thể xác lẫn tâm hồn người thơ!. Và trăng xuất hiện trong thơ HÀN MẶC TỬ ở mỗi bài, mỗi đoạn thơ ở mỗi thời khắc tâm trạng khác nhau với mỗi sắc thái biểu cảm tình ý khác nhau của một óc tưởng tượng hết sức độc đáo.
Hình ảnh trăng xuất hiện trong thơ HÀN MẶC TỬ với một tầng số rất cao và biến hóa kỳ ảo vô cùng, có khi hữu thể như có thể nắm bắt được và có khi vô hình mông lung trong cõi phi tưởng xứ rất trừu tượng siêu hình, có khi trong sáng hồn nhiên yêu kiều và có khi mê hoặc điên dại đến kinh hoàng.
+ Có khi trăng là biểu tượng cho tâm hồn đẹp trong sáng, trinh trắng, e ấp của tình yêu mới chớm, một tình yêu thơ mộng thanh quý cao thượng vô cầu:
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò,
Thơm như tình ái của ni cô.
(HUYỀN ẢO)
Con trăng mắc cỡ sau cành thông.
(TÌNH THU)
+ Có khi trăng là biểu tượng cho cái đẹp duyên dáng, tình tứ trong mong chờ đợi yêu:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.
(BẼN LẼN)
+ Có khi trăng là biểu tượng cho cái đẹp tuyệt đối chân như:
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
+ Có khi trăng là biểu tượng cho vàng ngọc châu báu lấp lánh lâu đài tình ái tráng lệ sáng láng đến mê hoặc:
Trăng tan tành rơi xuống một vũng cù lao,
Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ.
(PHAN THIẾT! PHAN THIẾT!)
Trăng, trăng, trăng là trăng, trăng, trăng
Ai mua trăng toi bán trăng cho.
(TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC)
+ Có khi trăng là biểu tượng cho hồn thơ điên dại kinh hoàng:
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.
(SAY TRĂNG)
Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng thiên
Nhảy ùm xuống giếng vớt xác trăng lên.
(TRĂNG TỰ TỬ)
Và còn biết bao là hình ảnh trăng trong thơ HÀN MẶC TỬ mang biểu tượng khác nữa, có khi rất siêu hình huyền bí không dễ gì giải mã. Thậm chí trong cùng một hình ảnh trăng nhưng lại gợi lên những hình tượng trăng với những tầng biểu tượng mang ý nghĩa rất khác nhau!. Bởi vì, người đọc, tụng thơ của một nhà thơ mình say mê, luôn phải là người đồng sáng tạo cùng tác giả, làm cho màu sắc trừu tượng của hồn thơ kia trở nên hiển hiện lên màu sắc cụ tượng có thể nắm bắt được.
Xin mời bạn yêu thơ đọc thơ (và cả vị giáo sư văn học đã đỡ đầu cho bao luận án tiến sĩ văn học kia!) đọc lại lời của thi sĩ HÀN MẶC TỬ:
“Màu sắc, như ta đã thấy trong các thi phẩm đông tây, đều gồm hai tính cách:
1. Màu sắc cụ tượng
2. Màu sắc trừu tượng
Màu sắc cụ tượng thì lộ nguyên hình bằng bản chất của nó, như gấm, như hoa, mà ta sờ được, nắm được với đôi tay (palpable), còn màu sắc trừu tượng là thứ gì nửa thực, nửa hư, nghe, thấy, biết mà không làm chủ được nó, ví dụ: Ánh sáng, hương thơm, nhạc vui, không gian, thanh khí… Màu sắc cụ tượng dễ tìm, dễ kiếm; trái lại màu sắc trừu tượng rất khó sáng tạo, vì đây là cái đẹp của thơ, và phải có con mắt của thi nhân, của một kẻ siêu phàm, thoát tục mới nhận thấy cái đẹp thiêng liêng, phép tắc ấy, và mới thấu triệt hết tinh hoa của nó. Với màu sắc trừu tượng, thi nhân có cái công phu làm cho trở nên cụ tượng. Nghĩa là có thể nắm được một nạm hào quang, lùa không gian vào vạt áo, dồn kinh cầu nguyện về phương Nam, cho hai tiếng sáo đuổi nhau là là… Bắt cái vô hình trở nên hữu hình, khiến cái chết trở nên sống, cho vật câm không còn là câm nữa. Đấy là tất cả nghệ thuật và trí tưởng tượng phi thường của thi nhân, nếu thi nhân là một thiên tài.” 
(Trích trong BÍCH KHÊ THI SĨ THẦN LINH, bài tựa thi phẩm TINH HUYẾT của Bích Khê)
Thi sĩ thiên tài đã: “Bắt cái vô hình trở nên hữu hình, khiến cái chết trở nên sống, cho vật câm không còn câm nữa.” thì người yêu thơ đọc thơ hãy mở hồn mình, đánh thức các giác quan tinh sắc nhất của mình để cùng rúng động nao nao âm hưởng đồng sáng tạo cùng người thơ!. Người yêu thơ đọc thơ, tụng thơ HÀN MẶC TỬ cần nhập tâm quán tưởng để có cái nhìn trong sáng thoát tục mới nhận thấy cái đẹp thiêng liêng, tinh túy tinh hoa của thơ. Nghĩa là thế này: Nhiều khi hình ảnh trăng trong thơ HÀN MẶC TỬ không còn là hình ảnh trăng của giới tự nhiên dương gian nầy nữa, mà là hình ảnh trăng rất trừu tượng gợi lên ý nghĩa biểu tượng nào đó trong  thơ. Mây, gió cũng vậy: “Gió theo lối gió, mây đường mây” không còn là hình ảnh mang màu sắc cụ tượng mà đã hóa thành hình ảnh mang màu sắc trừu tượng gợi lên ý nghĩa biểu tượng cho sự ngăn cách, chia lìa, không cùng chung lối mộng. Cho nên, người yêu thơ đến với hình ảnh thơ trăng trong thơ HÀN MẶC TỬ cần biết: Phải có một nỗi ám ảnh lạ thường về trăng như thế nào, phải có một trạng thái tinh thần và thể xác rúng động đến lạ thường về trăng như thế nào, mới có thể khiến HÀN MẶC TỬ trào lên đầu ngọn bút những câu thơ về trăng độc đáo lạ thường, hay đẹp đến như thế!.
Riêng về hình ảnh trăng trong hai câu thơ trong bài ĐÂY THÔN VĨ DẠ mang biểu tượng về cái đẹp sáng láng nguyên sơ êm đềm của hạnh phúc tình yêu mà nhà thơ đang khao khát mong ước: ”Có chở trăng về kịp tối nay?”. Nếu chúng ta biết rằng HÀN MẶC TỬ đang có một ám ảnh sâu sắc về cái mong manh mệnh yểu, cuộc đời mình quá ngắn ngủi do đang mắc phải căn bệnh phong, hiểm nghèo, khốc liệt, không có thuốc đặc tri, phải đưa vào trại phong Quy Hòa cách ly với đời sống xã hội, và đặc biệt, nếu ta biết rằng hồn thơ HÀN MẶC TỬ yêu thương cuộc đời tha thiết: 
“Ta còn triều mến biết bao người 
Vẻ đẹp xa hoa của cuộc đời…” 
mà phải run rẩy nuối tiếc trong giây phút sắp chia lìa: 
“Ta trút linh hồn giữa lúc đây,
Gió sầu vô hạn nuối trong cây…”,
thì ta mới thấu hiểu, cảm nhận hết được tình ý trong nỗi khao khát cháy bỏng về hạnh phúc tình yêu của HÀN MẶC TỬ hiện thể trong hai câu thơ trên. Thật là một nỗi niềm khát khao hạnh phúc tình yêu chân thành đến tê tái, chấn động lòng người!.
Cõi mộng “Bến sông trăng” bàng bạc một trời mộng mơ êm đềm hạnh phúc (Đọc thêm “CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG” HMT) và nỗi khát khao mộng ước da diết về hạnh phúc tình yêu trong thơ HÀN MẶC TỬ gửi lại qua hai câu thơ trên đây, với hình ảnh trăng độc đáo này đã là nỗi niềm chung của bao tâm hồn bạn đọc từ bấy đến nay. Bởi vì, hình ảnh thơ trăng độc đáo này đã phơi lộ một tâm trạng đau thương tuyệt vọng, người thơ cảm thấy mình bất lực trước cái đẹp, cái hạnh phúc tình yêu tuyệt đối, vô hạn.
Trong cõi người ta này, ai trong chúng ta không mang tâm trạng khao khát mộng ước vươn tới cái đẹp, cái hạnh phúc tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối, vô hạn, vĩnh hằng ấy trong đời?. Thi sĩ HÀN MẶC TỬ đã nói hộ cho con tim, khối óc, tâm hồn của mỗi chúng ta trong cuộc đời phù du mà cơm áo điêu linh lao đao lảo đảo này!. Người yêu thơ đọc thơ, dù ở trình độ nào, có thể không thuộc hết bài thơ ĐÂY THÔN VĨ DẠ, nhưng đã nhớ và đọc tụng hai câu thơ này là vì thế!.
Hình ảnh về Thuyền (tình) và Bến (mộng) bàng bạc một màu trăng nguyên sơ êm đềm hạnh phúc, sáng láng phiêu diêu như trong cõi mộng ấy đã góp phần miêu tả, ca ngợi cảnh vật đêm trăng trên dòng Hương giang của xứ Huế đẹp mộng mơ và tình tứ, nhưng ấn tượng sâu xa khó phai mờ, ám ảnh mãi trong tâm hồn người yêu thơ đọc thơ là tiếng gọi vọng lên từ nỗi lòng riêng của HÀN MẶC TỬ về một tình yêu đơn phương câm lặng, xót xa trong tuyệt vọng cùng người đẹp xứ Huế mà thi sĩ đã thầm yêu trộm nhớ thuở nào!. Tiếng gọi đò yêu thương chới với, tiếng gọi đò vô thanh độc đáo có một không hai ấy, chứa chan bao là khao khát yêu thương giữa trời trăng hư ảo ấy sẽ đồng vọng ngân dội mãi nơi tầng sâu kín nhất trong tâm hồn người đọc hôm nay và mai sau!.
NÓI LẠI RỒI LẠI NÓI ĐI:
Qua hai câu thơ về trăng trong bài thơ ĐÂY THÔN VĨ DẠ của HÀN MẶC TỬ, từ sự phê phán cách giảng bình hủ nút bắt bướm bỏ hộp cho có “tính tư tưởng” của vị quan thầy văn học (Rất nhiều vị quan thầy văn học nghệ thuật như thế trong thời đại này!), tôi đã khai mở đưa dẫn người yêu thơ đọc thơ thâm nhập vào hình tượng thơ trăng của HÀN MẶC TỬ chút ít…, nhưng tôi cũng thật sự băn khoăn…!. Bởi hình ảnh trăng trong thơ HÀN MẶC TỬ là một hình tượng thơ rất tượng trưng, trừu tượng, siêu thực không dễ gì hàm hồ nắm bắt lĩnh hội được, và đặc biệt hơn nữa, hồn thơ trăng dị thường HÀN MẶC TỬ đòi hỏi phải cảm nhận bằng một trạng thái tâm hồn khác thường thì mới thâm nhập cõi bí mật huyền diệu thượng thừa của thi ca!.
Ta hãy nghe HÀN MẶC TỬ rao giảng:
“Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và nghĩa là tôi mất trí, đã phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú.”
Và để cho ra đời những vần thơ trăng đẹp thơ mộng mang ý nghĩa biểu tượng cao siêu ấy, Hàn Mặc Tử đã sống, đã cháy đời mình với ngọn lửa thiêng trong từng phút giây: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống”
Nghĩa là: Chưa “mất trí“, chưa “phát điên”, chưa bị “Nàng đánh tôi đau quá”, chưa biết thế nào là “đến gần đứt sự sống” thì chưa bao giờ hiểu thơ HÀN MẶC TỬ, và đừng nói chi đến giảng bình thơ HÀN MẶC TỬ!
Ta hãy nghe chính HÀN MẶC TỬ viết mở đầu cho tác phẩm CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG:
“Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say… Trăng rằm trung thu: Một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước…hiện hình của một mùa khoái lạc chê chán…”
Một đêm siêu hình?
Trăng rằm trung thu sáng trưng, vằng vặc, trong lành, thanh khiết như một tấm gương trong. Đó là hình ảnh mang màu sắc cụ tượng:
“Trung thu trăng sáng như gương” (Hồ Chí Minh)
Còn với hồn thơ HÀN MẶC TỬ:
Trăng rằm trung thu: ”Một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước... hiện hình của một mùa khoái lạc chê chán…”  Hình ảnh, câu chữ trong thơ văn  HÀN MẶC TỬ mang “màu sắc trừu tượng rất khó sáng tạo ra”, và cũng hết sức khó hiểu, ”khó cảm nhận cái đẹp thiêng liêng, phép tắc ấy”.
Một đêm siêu hình của HÀN MẶC TỬ không phải là, không liên quan đến cái gọi là Siêu hình học trong triết học Tây phương, mà trái ngược lại hoàn toàn, nó xô ngã nhào cái nguyên lý tối thượng và tối hậu “Principe de raison suffisante“, cái nguyên lý của lý trí tự túc này đã điều động thống trị toàn thể văn hóa và văn minh Tây phương, tất cả triết học, thần học, khoa học và nhất là nó thống trị tất cả các khuynh hướng phê bình văn hóa văn nghệ Tây phương từ cổ chí kim từ, từ cổ đại đến hiện đại đến hậu hiện đại… .Tất cả đều kẹt dính vào đầu óc suy luận biện biệt cửa quỷ nhà ma phân biệt nhị nguyên, nhị tướng: Có - Không, bản thể-hiện tượng, hữu sản-vô sản, chân lý-phi chân lý, nghệ thuật-phi nghệ thuật…Nghĩa là phải “Mất trí”,”Phát điên”. “Một đêm siêu hình” của HÀN MẶC TỬ là một đêm tràn trề ánh sáng hào quang của mùa trăng bát ngát với khoái lạc chê chán của trời ao ước, đắm say trong hoan lạc diệu ngọt thiên đường hạnh phúc siêu thoát; nó siêu vượt chân trời lý trí, giải trừ hết mọi kiến thức trói buộc (Xin đọc Krishnamurti) hay nhảy thẳng vào Trung Quán - Long Thọ của nhà Phật, phá tan bức tường “ngã không pháp hữu”, hay hòa nhập theo Đạo Huyền Không của Lão Trang không còn phân biệt… Thật khó diễn đạt về cái “Một đêm siêu hình”, cũng giống như không thể đứng nhìn sông trăng mà nói, mà phân tích, mà giải thích, hãy nhảy ùm xuống dòng sông trăng bơi lội, ”bắt chước Lý Thái Bạch đại la tiên vồ trăng” (HÀN MẶC TỬ), hòa nhập bằng chính trực giác tâm linh của mình để tự cảm nghiệm cho ra áo nghĩa thơ!.
Và giữa trời trăng mây nước CHIÊM BAO VÀ SỰ THỰC này (Nhan đề một tác phẩm của HÀN MẶC TỬ), thi sĩ đã đánh thức người yêu thơ đọc thơ: “Hỡi quý nhân, người có nghe thấy điều gì mới lạ, tinh khôi, reo lên, hiện lên và sử linh tư tưởng của người?”
Sử linh tư tưởng?
Đó là con đường, dòng chảy của thế giới tâm hồn, tâm linh trong đêm siêu hình huyền bí theo trực giác tâm linh của HÀN MẶC TỬ. Thi sĩ đã nói về trạng thái tinh thần khi làm thơ: “Khi ngòi bút của tôi đã thấm nhuần những ý nghĩ cao cường,truyền sang bởi điện tinh truyền của trí tuệ… …”Như có ma lực vô song xô tôi đến bờ huyền diệu.” Trong những giây phút xuất thần hồn thơ trào dâng lai láng ấy, thi sĩ đã tự phơi lộ: “Tôi phải tự giảng: Đang khi trăng, sao, mây khói dần cao hòa hợp thành khí hạo nhiên, tôi không thở bằng phổi nữa, tôi thở bằng hơi thở tinh sạch của hồn tôi.””Từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đến huyền diệu và từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sáng của chiêm bao vây riết.”
Nghĩa là hồn thơ của HÀN MẶC TỬ đã hòa nhập vào cõi bờ “Sử linh tư tưởng”, thoát ly hoàn toàn dòng chảy lịch sử tháng năm của xã hội loài người xưa nay. Cho nên, cõi thơ HÀN MẶC TỬ đã siêu vượt các phạm trù thời gian, không gian, hệ thống tư tưởng văn hóa của xã hội loài người xưa nay, mà đó là cõi thơ của “Một đêm siêu hình”, chân trời của “Sử linh tư tưởng”, một Cõi Thơ Thuần Túy giữa “Nguồn Trong Trẻo” (Chữ của HMT) cho tình yêu và tôn giáo... Chỉ có hồn thơ ấy mới có thể:
Bay từ Đao Ly đến trời Đẩu Suất.
Và, trăng trong thơ HÀN MẶC TỬ là trăng trong cõi bờ ”Sử linh tư tưởng” (Có nơi HMT sử dụng từ “Tơ Tưởng”) của “Một đêm siêu hình” ấy.
(Xin đọc thêm: ”MỘT ĐÊM SIÊU HÌNH VỚI HÀN MẶC TỬ…” của PHẠM CÔNG THIỆN, Nhà xuất bản Viên Thông, Long Beah,California U.S.A, 2000)
HÀN MẶC TỬ nói về “BÍCH KHÊ THI SĨ THẦN LINH”, nhưng cũng là nói về chính mình: “Nếu chẳng phải là một nghệ thuật siêu thần, thi nhân làm sao đưa đến một nguồn sáng phong tình và thanh khiết cho giai nhân? Để có cái ma lực huyền diệu cám dỗ được ngũ quan của người trần?””Sự say mê, tìm kiếm những nguồn hoan lạc vô biên đã dần dần đẩy thi nhân vào bờ bến huyền diệu. Ở đấy, sự mường tượng của thi nhân lại dồi dào hơn nữa, người ta chỉ gặp toàn âm thanh ngả ngớn, với muôn thứ xạ hương bay lẵng lơ trong lồng nhạc, trong khi có hằng hà sa số là ánh hào quang va vào nhạc, chạm nhằm không khí lạ.”
Đó là Trời Cao Cả trong Mơ Ước một Mùa Trăng Bát Ngát của Thi sĩ: “Không có sự say đắm nào ở phương xa, hay sự mong nhớ nào cách biệt mà không đến đây để sum vầy, gây nên cảnh tượng đoàn viên của một mùa thơ, mùa trăng bát ngát “
Mùa Trăng Bát Ngát ấy không có thực ở cõi hạ giới này Mùa Trăng Bát Ngát ấy là ánh sáng hào quang, là hương thơm xạ hương, là ánh nhạc hồn hoa của một đêm siêu hình huyền bí vượt ra ngoài nghĩ suy tư tưởng của thế nhân, mà chỉ có trong “Sử linh tư tưởng” trong sáng bất nhị, vô biên… Khi ấy, sẽ thấy được “Từng lá trăng rơi trên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng”. Và trong ánh trăng sáng láng phiêu diêu nguyên sơ mà rực rỡ hào quang ấy đã soi sáng linh hồn thi nhân: ”Soi sáng linh hồn tôi và giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi giam cầm của xác thịt” để thi sĩ “...bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn đời thôi”. Cả một đời sáng tạo dù ngắn ngủi nhưng cháy rực một thứ lửa thiêng của HÀN MẶC TỬ đã thể hiện một khát vọng mãnh liệt dữ dội của hồn người nơi dương thế bao la sầu này như câu chữ HÀN MẶC TỬ sử dụng: ”Cái ước mơ vô hạn của một linh hồn khát khao vàng ngọc của trời cao cả”.
Xin nói lại, với HÀN MẶC TỬ, Mùa Trăng Bát Ngát siêu hình huyền bí không có trong cõi thế gian này. Cái mùa trăng bát ngát huyền diệu chỉ có ở cõi “Nước Trời Cao Cả” của “Sử Linh Tư Tưởng” trong cõi mộng vĩnh hằng thôi! Hãy nghe HÀN MẶC TỬ tỏ bày: “Tìm mãi cái đẹp không thấy, vì tất cả mọi sự ở thế gian đều tầm thường cả, thi sĩ mới nhận ra rằng chỉ có cái gì đời đời, cái gì hằng sống (éternité) mới thỏa mãn nỗi khát khao thương nhớ vô hạn của thi sĩ”.
Trong thơ, HÀN MẶC TỬ cũng từng bộc lộ như thế:
Anh đứng cách xa hàng thế giới,
Lặng nhìn trong mộng miệng em cười.
LƯU LUYẾN
Người thơ HÀN MẶC TỬ đã từng có những giây phút xuất thần trong sáng tạo thi ca: “Tôi vừa thoát ra khỏi cực lạc giới, toàn thân tôi rung động như một sợi đường tơ.” để cho ra đời những vần thơ trăng siêu thoát bất tuyệt!. 
Do vậy, đến với trăng trong thơ và hồn thơ trăng của HÀN MẶC TỬ, người yêu thơ đọc thơ cần phải biết, phải nhớ đến lời khai mở của chính Thi sĩ HÀN MẶC TỬ:
“Cái thơ trên cái thơ khác nữa”
Nghĩa là cõi thơ HÀN MẶC TỬ là cõi thơ siêu thoát linh thánh của Thế Giới Huyền Bí để đi đến chỗ Tuyệt Đích là: Tôn Giáo  (HÀN MẶC TỬ đã chú thích: Xin hiểu nghĩa chữ ấy với tất cả tinh thần của nó).
Có hiểu được điều như thế, ta mới hiểu vì sao một thi sĩ theo đạo Thiên Chúa rất thuần thành ngoan đạo đã tụng ca tấu lạy Bà Ave Maria ơn phước cả với một cảm xúc thánh tẩy: 
“Run như run thần tử thấy long nhan, 
Run như run hơi thở chạm tơ vàng.”, 
thi sĩ HÀN MẶC TỬ vẫn tư tưởng về  thế giới nhiệm màu của nhà Phật một cách xác quyết: “Và tôi sẽ ký thuyết minh một cách rất nhà Phật là sắc cũng như không, chết cũng như sống, gần cũng như xa và hư cũng như thực…Những điều phải trái ấy dầu thế nào, cũng có liên lạc mật thiết và thông cảm nhau.”
Bởi vậy, cảm nhận bình giảng về hình tượng trăng, hồn thơ trăng trong thơ HÀN MẶC TỬ với kẻ phàm phu trong mắt thịt là điều bất khả, mà lại còn bị che chắn trói buộc bởi học thuyết này nọ nhị nguyên nhị tướng …thì càng thêm bất khả!.
Lời của Thi sĩ HÀN MẶC TỬ đã viết ta thán lúc còn sống vẫn còn nhắc bảo người yêu thơ đọc thơ: “Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình!”
Đã hơn 70 năm qua, những lời nhiếp dẫn khai lộ của thi sĩ HÀN MẶC TỬ mà tôi đã nhặt trích lại ở trên, không mấy ai chịu đọc kỹ lưỡng, thật quá hờ hững không một chút lưu tâm để mở nếp gấp bước vào cõi thơ “Sử linh tư tưởng” của “Một đêm siêu hình” của hồn thơ HÀN MẶC TỬ, kể cả nhà phê bình xuất sắc Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945! (Kể chi khi đã dính nhập trói buộc vào học thuyết này nọ thì đã lầm lạc rồi!).
Soi chiếu những điều hiểu biết về hồn thơ tài hoa ảo mộng của HÀN MẶC TỬ vào bài thơ ĐÂY THÔN VĨ DẠ, người yêu thơ đọc thơ mới hiểu ra rằng: Cảnh thôn VĨ DẠ trong bài thơ dường như là cõi thực của mây gió sông nước trời trăng xứ Huế mộng mơ, nhưng đã là cõi ảo mộng, chiêm bao đấy thôi!. Từ những chi tiết hình ảnh sắc màu trừu tượng: “Nắng hàng cau nắng mới lên, xanh như ngọc, lá trúc che ngang mặt chữ điền, gió theo lối gió mây đường mây, bến sông trăng, mơ khách đường xa, trắng quá nhìn không ra, sương khói mờ nhân ảnh…” cho đến ý tình hồn thơ đã là mộng ảo, đã được “ánh sáng của chiêm bao vây riết” của “một đêm siêu hình” trong “Sử linh tư tưởng” đấy thôi!.
Và hai câu thơ mang cốt cách hồn vía thơ trăng lãng mạn tài hoa ảo mộng HÀN MẶC TỬ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Không chỉ là tiếng gọi đò thất thanh của cái tôi chàng trai HÀN MẶC TỬ khao khát hạnh phúc tình yêu trong giây phút hoảng loạn tuyệt vọng sắp lìa đời:
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong trong cây
– Còn Em sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày.
Mà còn là nỗi niềm mơ ước khao khát chung của thế nhân!.
Người yêu thơ đọc thơ cần phải sụp lạy thi sĩ Thiên tài HÀN MẶC TỬ, bằng tất cả cảm nghiệm đau thương của mình ở thế gian mà “Đau đớn lòng” (Chữ của Đại thi hào Nguyễn Du), Thần Thơ HÀN MẶC TỬ đã đánh thức, đã lay gọi, đã khơi gợi, đã tinh truyền đến hồn ta, đến linh hồn của mọi mọi người đời về một khát vọng tình yêu cháy bỏng, khát vọng hạnh phúc cao đẹp tuyệt đích vô biên, siêu thoát, vĩnh hằng. Một tiếng gọi đò vô thanh vô lượng về hạnh phúc tình yêu cao đẹp trọn vẹn tuyệt đích vô biên vĩnh hằng ở cõi ”Sử linh tư tưởng” của “Đêm siêu hình” thần bí ấy, thuyền ơi có chở niềm vui cực lạc ấy về kịp trong đêm tối dương gian này không?!  Bởi cuộc đời này, cõi dương gian này quá phù du ngắn ngủi mà chìm ngập trong bao la sầu đau!.
Bạn có nghe ra lời thơ như kinh cầu nguyện của HÀN MẶC TỬ? Lời kinh cầu nguyện của các tôn giáo ở thế gian này cũng thế thôi?.
Ai trong đời ngày đêm sống thao thức ước mong nguyện cầu điều như thế, tâm hồn mình hẳn cao đẹp thánh thiện biết bao!.  
TRẦN THOẠI NGUYÊN
Theo https://tuongtri.com/

1 nhận xét:


  1. Một bài khảo cứu về thơ Hàn Mặc Tữ rất cần cho giới nghiên cứu văn học.

    Trả lờiXóa

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...