"Mùa xuân đương đợi bước ai đi
vào", Bùi Giáng (1926-1998) vui say tưởng mình là chúa Xuân, đã dừng
chân, và ông đã dừng chân gần 73 năm dương thế. "Chào con thể lệ điệp
trùng / Đường xuân viễn tuyệt ông dừng chân đây" (Ly Rượu Cuối Cùng).
Ông phiêu du viễn xứ, từ miền Trung đến miền lục tỉnh, dạy học hay viết sách
đầu đời, lang thang nhiều cuối đời, nhưng cảm tưởng người đọc rằng ông vẫn
luôn ngập ngừng ở ngã ba đường! Tại sao ngã ba ?
"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miền trường phía sau"
(Mưa Nguồn).
Cõi chết, cõi phúc, nguyên xuân hay miên
trường! Trong Con Đường Ngả Ba, tựa một tập tiểu luận về
"bước đi của tư tưởng" do nhà An-Tiêm xuất bản năm 1972, Bùi Giáng
viết về sơ nguyên "khả khả khả" của tư tưởng nhân loại dưới cái
nhìn tổng hợp của một con người Việt Nam. Đây là ngã ba đầy cây cối, chuồn chuồn
- nói theo ngôn ngữ của nhà thơ, "năm xưa châu chấu mang tên chuồn
chuồn". Nói cách khác, là ngã ba Phật, tưởng đã nhập thất, ăn hủ tiếu
gặp Kim-Cương Nương-Tử và đọc sách cùng Khổng Khâu, Lão Đam và Trang-Châu,
sau khi đã thử tìm qua những ngã Nietzsche, Heidegger, Holderlin, v.v. và bị
tẩu hỏa nhập ma thất điên bát đảo trước ngã ba của Bát Nhã Ba La Mật.
"Rêu trời phủ xuống hiên xanh
Một bờ chim én vây thành sang thu
Sương Hy Lạp phượng lên mù
Ba mươi thế kỷ cầm dù dưới mưa
... Chín phương trời tuyết ra bông
Trong nguồn thủy thảo đất hồng khai
nguyên
Đầu sơ mộng cuối phi tuyền
Ngàn năm mai trúc chim chuyền bữa nay"
(Logos)
Ngã ba vẫn hoàn ngã ba không lối thoát.
Khung cửa hẹp chôn đời Alissa, cánh tường tu viện giam hãm Adrienne đến chết
(1), ngã ba tư tưởng cũng đã chôn đời Bùi Giáng như thế! " Ấy là một
loại Ngã Ba riêng biệt. Một loại ngã ba theo dõi mãi con đường trong mỗi bước
chân đi, trong từng mỗi mỗi niệm, mỗi mỗi sát na thù thắng. Trên con đường tư
tưởng, không ai một lần vượt qua Ngã Ba là coi như vĩnh viễn từ nay không còn
Ngã Ba nào chon von eo óc khiến bàng hoàng. Phải luôn luôn thể hội một điều :
Ngã Ba còn hằng tại ở mãi dưới bước chân đi hàng hai theo thể lệ chữ 'Bát'
cho máu me đánh mãi nhịp chữ 'Không'..." (2)
Ngã ba với người khác có thể đã là lối
thoát nhưng với Bùi Giáng thì không, vì ông làm người Việt Nam sống thời
chiến-tranh huynh đệ, vì cái lúc bấy giờ gọi là chiến-tranh lạnh ý thức hệ.
Đông-Tây gặp nhau đến chết người qua bom đạn, thay vì gặp gỡ tinh hoa qua
ngôn từ, thi ca và tư tưởng! Ông làm người tiều phu lạc lối bên ngã ba đường
rừng lý luận bằng hư vô, có khi tìm ra được tới bìa rừng lại "sa mù
chiếu cố" nên vô lại rừng, ngơ ngác nhìn cõi hữu thể ông không thể hiểu.
Vô núi đọc sách và làm Trung-Niên Thy-Sỹ luôn lơ đễnh "nhìn một nẻo mà
thấy ra một ngã ba", rồi "một hôm đếm một ra ba / Thật
là lạ lắm ấy là cái chi" Phải chăng là một tổng hợp mới, một một-mà-ba
ba-mà-một?
"Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
... Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là
hôm nay"
Tìm về nguồn tư tưởng, cõi sơ hoang, cảo
thơm sách vở thánh hiền, thi ca nguồn suối, rồi ra:
"Tờ cảo thơm như lệ ứa pha
hồng";
"Quanh co phường phố gọi mình
Sao ngôn ngữ bỗng tự tình quả nhiên
Cô đơn chứa đựng đầy miền
Cảo thơm tiền kiếp đầu tiên bây
giờ"
(Quanh Co)
Nhà thơ thành gã lang thang trên những
ngã ba đường tư tưởng không đông người nhưng đầy mê lộ. Một thế-giới bụi hồng
khá quyến rũ. Nhưng rồi cõi hồng trần đó đã nhuốm màu xám đen, thành địa ngục
chứ không còn là thế-giới theo hình ảnh người nữa. Theo ông, cái hiểm nghèo
khi con người trần gian trở thành hồn ma bóng quế vất vưởng lang thang trên
một hành tinh nào khác:
"Vòng quanh tuế nguyệt vuông tròn
Tháng năm vui với cuộc tròn vuông quanh
Quanh tròn méo, quanh loanh quanh
Quanh trời xán lạn quanh trăng mơ màng..."
(Vòng Quanh)
Tìm, bươn những lối chưa mòn, từ thuở
mới mọc răng:
"Kể từ khởi sự mọc răng
Tới bây giờ vẫn thường hằng chiêm bao"
(Biển Đông Xe Cát)
Trên đường kiếm tìm căn nguyên, ông đến
bên bờ vực của Hư Vô - một ngã ba tâm thức, một tuyệt vọng tư tưởng, một hoài
nghi biện chứng:
"Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?
Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường thu chia ngả chân trời rộng thênh..."
(Mai Sau Em Về)
Nơi bờ vực, ông chợt thấy
"Cũng vô lý như lần kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
... Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở
Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình
... Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư
không"
Lúc trẻ ông lạc quan, nhắn người yêu
đuổi bắt giùm tia nắng đẹp mong manh của một chiều Xuân:
"Chạy đi em! Và bắt vội giùm cho
Ta em nhé, ta chờ tay em bắt
Giùm chút nắng chiều ngọn cây lay lắt
Nắm và cầm đưa lại giúp cho ta"
(Tuổi Trẻ)
Trên đường đi tìm chân lý và tư tưởng
cứu rỗi, có lúc ngộ ra, "đất với trời chung một nghĩa bơ vơ" (Không
Đủ Gọi), và hư là vô:
"Ngày đêm thao thức thật thà
Sưu tầm chân lý té ra tầm ruồng"
(Bùi Giáng)
Như nàng Thúy Kiều lớn trong khổ hạnh:
"Rồi anh bỗng thấy lời lời vô ích
Vì bỗng dưng chợt hiểu em nguy nga
Từ vô tận em đi về Vô Tích
Từ Lâm Truy em lạc bến giang hà"
(Không Thể Nói Rằng)
Không, không, cũng là đồng thời tìm thấy
mình: "Người đi cuối cuộc hành trình / Qui hồi bất chợt thình lình thấy
ta" (Đi Và Về); vì cái bản ngã cũng là tha nhân, cả hai nhập một:
"Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người"
Hoài nghi triệt để đến thế là cùng! Và
thế-giới, và lịch sử :
"...Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi
... Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một
con"
(Mắt Buồn)
Cả với tình yêu:
"Yêu nhau? Ngàn vạn não nường
Biển dâu lớp lớp - mộng thường so
le"
Nơi ngã ba, Bùi Giáng làm kẻ lữ hành cô
đơn, một mình một bóng, trên cõi đời, ngay trên quê hương mình, bên đồng
loại: "Đi là đi biệt từ khi chưa về!". Làm một kẻ lữ hành nhưng vui
rong chơi mải với đời:
"Rong chơi râu tóc bạc phơ
Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người
Người đi ở cuối chân trời
Có nghe tình mộng nửa đời dằng dai"
(Rong Chơi)
Vậy mà lúc nào cũng muốn để dành gặp gỡ,
khi trong chiêm bao gặp "thôn nữ" hỏi từ Sài-Gòn về chơi bằng
phương tiện gì sao không đi xe đò cho nhanh:
"Anh muốn từ từ thong thả. Vừa đi
vừa ngắm phong cảnh dọc đường. Và cũng có ý kéo dài ra để dành.
-Để dành cái chi?
-Cái gì quí trọng. (...) Để dành cuộc
gặp gỡ sau nhiều năm xa nhau.Đừng gặp vội ..." (Thôn
Nữ).
Đằng sau những vui chơi chữ nghĩa tài
hoa là cái buồn nhân sinh, cái buồn trong "cõi người ta" :
"những thân đau khổ những đời rã riêng", cái tâm sự;"Sớm kêu
chiều hót dõi tìm / Hình dung tâm sự nổi chìm bấy bao" (Con Chim). Cái
con người nhỏ nhoi trong trời đất:
"Với người ngó ngất ngây đương nằm
đó
Không biết trời đất có ngó mình
không"
(Anh Lùa Bò Vào Đồi Sim Trái Chín).
"Ngó buổi chiều buồn có phải"
về một cõi trăm năm:
"... Những nhịp bước bên đường còn
dội mãi,
Vang về đâu không vọng lại hồi âm.
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi,
Gió phương trời ù mộng giữa hoa tâm.
Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thoả đáng giữa đời câm,
Em ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm
năm"
(Chiều).
"Con làm Nam hải điếu đồ
Ngồi câu con cá hư vô linh hồn"
Ông ngắm gió, ngắm trăng, trong cái tịch
mịch của cõi người:
"Tôi ngồi ngẫu chuyện oái oăm
Phiêu bồng bao xiết phù trầm bấy
bao"
(Tịch Mịch)
Và một thế-giới tình yêu. Cảm động thay
lời nhắn nhủ, như người còn đó, ở giây phút tưởng niệm:
"Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em ạ
Và yêu thương như lá ở bên hoa
Và luyến ái như tơ vàng bốn ngả
Bủa vi vu như thoáng mộng la đà
... Con mắt ấy có gieo buồn rớt
lệ
Trên nẻo đường lạnh lẽo lối lang thang
Môi thắm ấy mấy lần thao thức kể
Với đèn khuya vò võ mộng khôn hàn
... Em ở lại với đời ta
em nhé
Em đừng đi . Cho ta nắm tay em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ
Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm
Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt
Để nhìn em qua khe hở du dương
Vòng theo máu hai vòng tay khép chặt
ồ thưa em ta thấy mộng không
thường"
(Ly Tao I)
Tình đó rồi xa, tình trong từng lời và ý
thơ gợi người đọc liên tưởng đến Trời Mưa Tháng Sáu hoặc Tiễn Biệt của Nguyên
Sa, một bên ly tao trữ tình (lyric), một bên lãng mạn (romantic). Tình nên có
đau khổ trái đắng:
"Vì bữa đó nhìn nhau hai con mắt
Giữa bốn bề bóng tối lạnh tro phai
Nên em muốn bàn tay ta xiết chặt
Ngón vô ngần đau khổ ở trong tay
... Còn lại đó chút gì em có
biết
Có hiểu rồi và đã có nghe ta
Nói lơ láo một lời khi úp mặt
Ngón vô ngần đau khổ lúc buông ra"
Vì không được nên phải nhung nhớ vô tận,
nhớ một thuở đã lên ngôi, chiếm lãnh. Em không tên hay em là những tên tuổi vui
đời với nhà thơ, hay người vợ đã quá vãng sớm?
"Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng
Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm"
Nỗi đau nên lời, nỗi cô đơn dù say hay
tỉnh ráo:
"Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi"
Nhưng rồi ra cũng chỉ là mộng "Bước
ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai" và
"Màu hoang đảo từ đây em sẽ ngó
Cát xa bờ tơ chỉ rối chiêm bao"
Đành thôi em nhé,
"Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại
Giữa hư vô em giữ nhé ngần này"
Vỗ về với đời ngắn hạn, của người thương
:
"Ta đứng lại bên này chờ đợi
ồ phải không ? Em đó phải không
Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy
Đời chúng ta là mấy trăng tròn"
(Vỗ Về)
Với Bùi Giáng, tình là sức mạnh, là lẽ
sống, nhưng cũng oái ăm mỏng manh như phận người ngả ba! Nguồn nước nguyên sơ
và mưa nguồn thường trực đã làm rơi lả tả những lá hoa cồn, chốn hoang sơ của
người thơ, của nguồn tư tưởng, hóa ra chỉ là hư vô, vì em không còn đó...
Nước nguồn gợi nhớ nhưng cũng hóa thành hư ảo, thành quá vãng! Trung thành
với tình yêu chưa đến nửa đường đã đứt gánh, cả cuộc đời Bùi Giáng tự do chạy
theo nhiều thần tượng, Maryline Monroe, Brigitte Bardot, Hà Thanh, Kim Cương,
Phùng Khánh,... Kính cẩn gọi hai người sau là Mẫu Thân. Đó là những thần
tượng hiện đại, vì đồng thời ông cũng với tay đến những xa xôi như Phật, Lão,
Trang, Khổng,.. . hay gần hơn với Nietzsche, Nguyễn Du,... Tìm tri kỷ, nhìn
đối mặt để tìm họ nghĩ gì, nếu là ông họ làm gì, v.v. Tôn Nguyễn Du làm thần
tượng đến cả xem việc mình làm thơ là "vịnh Kiều" mà thôi!
"Thơ Nguyễn Du thị hiện một cách đoạn trường như thế, thì sự cố nào xảy
ra cho thằng tài tử ? Ấy là sự cố Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn... Mọi
bài thơ tôi viết ra, đều là vịnh thơ Nguyễn Du tại chỗ gay cấn âm thầm nhất.
Dịch thơ từ đó biến ra làm Vịnh Kiều, trong từng cơn cưỡng bức. Cưỡng bức thơ
Nguyễn Du cũng là tự mình cưỡng bức mình."(3).
Người ta viết nhiều về hành-trạng Bùi
Giáng hơn là thơ của ông và nhiều về thơ hơn là về tư tưởng của Bùi Giáng -
có người cho là rời rạc, không hệ thống - hay tại không dễ nắm bắt! Hiểu được
Bùi Giáng sẽ có thể hiểu tại sao Tam Ích tự treo cổ đạp chồng sách như một
thái độ trước bí lối, tại sao Phạm Công Thiện có lúc cạo đầu mặc nâu sòng. Vì
Bùi Giáng đã có thơ. Thi ca là giải thoát, là cõi phúc, là nguyên xuân, là sự
sống ngao du tháng ngày! Mở đầu tập Thi ca Tư Tưởng, Bùi Giáng
viết "Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn châu chấu, xin các ngài học
giả hãy xa lánh thơ tôi". Lúc khác ông đã lý luận :"muốn bàn tới
thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác" (4). Hoặc:
"...kẻ nào tự xét mình từ trong tinh thể mà ra chả có chi là phiêu bồng
tí chút thì chả nên cưỡng cầu tự ép uổng ghé vào thi ca thâm xứ làm
chi"(5). Tự xưng là Trung-Niên Thy-Sỹ và cho biết "là thằng thy sỹ
đứng chênh vênh giữa hai bờ cõi để nghe ra những âm thanh chon von tịch
hạng" (Câu Chuyện Hôm Qua). Trong hai tập Đi Vào Cõi Thơ,
Bùi Giáng viết về thơ người đồng điệu và cả thơ Bùi Giáng, vẫn theo cung cách
của ông! Thơ và tư tưởng Bùi Giáng như không có biên giới, cả hai như nương
tựa lẫn vào nhau, hai thể loại được dùng để nói lên điều ông muốn nói và thi
ca với ông rõ là một phương tiện để ông đạt đến chân lý!
Bùi Giáng có ngôn từ của ông, cả cách
chơi chữ, ghép chữ ghép ý bất ngờ, từ lái từ láy, phi lý mà hợp một lý nào
đó, vô nghĩa thoáng nhìn nhưng sâu xa ý tứ. Mưa Nguồn (1962)
là bước đi khai mở một ngôn từ và một thế-giới thi ca riêng tây, sau này
người ta gọi là rất-Bùi-Giáng. Mưa nguồn trên rừng thành nguồn nước, nước
động, như mưa, như dòng trôi chảy,... Nhà thơ sống hòa hợp với cõi thiên
nhiên đó, bên những Lá Hoa Cồn, Màu Hoa Trên Ngàn và Ngàn
Thu Rớt Hột (6),... Trên đồi xanh sim tím, cõi sơ nguyên và an nhiên
tự tại:
"Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
... Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lá
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình
Anh quên mất bò đương gặm cỏ
Anh chỉ nghe tiếng cỏ rì rào
Có hay không? bò đương gặm đó?
Hay là đây tiếng gió thì thào ..."
(Anh Lùa Bò Vào Đồi Sim Trái Chín).
Cái tuổi thơ đẹp đó đã qua mất :
"Mười lăm năm ngọn tử phần
Mù sương cố quận chín tầng tầng rơi"
(15 Năm)
Thế-giới thi ca Bùi Giáng trữ tình, ly
tao, xử dụng con chữ và cấu trúc với ngôn từ thuần Việt. Khi nói về tình yêu
:
"Anh sẽ khóc suốt thiên thu tình
lụy
Của vấn vương tình nghĩa nặng muôn
nghìn"
(Vì Có Lẽ).
Những ngỗ nghịch thường quen hay mơ thực
cộng với dồn nén : "Bây giờ em để quần đâu / Cỏ trên mình mẩy em sầu ra
sao?"
Bùi Giáng bỡn cợt, như một Socrate trước
tòa nhân dân thành Athènes, như Kiều trên đường đày đọa 15 năm: "Đầu
đuôi thơ viết lộn hàng / Hóa ra nét chữ lên đàng quẩn quanh" (Không
Thuộc Bài). Hay "Tặng nhau từ ngữ lạc lầm / Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa
tuôn" (Y Ư Mộng Du Ư Mê).
Sau 1975, ngã ba thành ngõ bí, Bùi Giáng
giỡn với con chữ nhiều hơn, ý nhân tình thế thái hơn là những tư tưởng thời
trước đó.
"Que diêm que lửa que lời,
Cõi trăm năm cũng một đời ba que …"
(Que Diêm).
Bùi Giáng đối thoại bằng độc thoại, giao
tiếp với đời qua hành trạng người điên, nhưng ông có những cái nhìn thông
suốt, thấu rõ, cả vung bút biết trước ngày cuối của mình hơn 26 năm trước khi
kết bài "Sao gọi là thơ": "Cô Kim Cương nhớ chiếu cố sa mù cho
nấm mộ mai sau của Trung-Niên Thy-Sỹ. Thy Sỹ chiêm bao thấy cô chan rưới mưa
móc thật là nhiều. Tỉnh ra, sờ tay lên mái tóc, tưởng như hương thừa còn thơm
nức thiên thu..." (7). Cũng như trước đó mười năm, trong tập Mưa
Nguồn
"Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu"
Hay gần hơn :
"Ngày mai cá sóng phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra
đi"
(Đêm Ngắm Trăng).
Những trăn trở chữ nghĩa của Bùi Giáng
là mặt ngoài của ngã ba tư tưởng suốt đời vật vã ông, con người tổng hợp chân
lý đông-tây nhưng cũng thấu hiểu rõ lẽ kỳ bí của vũ trụ và con người !
Chú-thích:
1. Alissa là nhân vật chính
của Khung Cửa Hẹp (La Porte étroite) của André
Gide và Adrienne, nhân vật của Mùi Hương Xuân Sắc (Sylvie, Souvenirs
du Valois) của Gérard De Nerval - hai nhân vật là những ám ảnh của đời và
tư duy Bùi Giáng, hai tập này cũng là những bản dịch tài hoa của ông - ký Vân
Mồng.
2. Con Đường Ngả Ba. Sài-Gòn:
An Tiêm, 1972, tr. 7. (Bùi Giáng ghi Ngả Ba)
3. Thi Ca Tư Tưởng (Đi
Vào Cõi Thơ 2). Sài-Gòn : Ca Dao, 1969, tr. 63.
4. Thi Ca Tư Tưởng.
Sđd, tr. 14.
5. Đi Vào Cõi Thơ, tr.
9.
6. Cả ba đều do nhà Lá Cồn xuất
bản năm 1969.
7. Con Đường Ngả Ba.
Sđd, tr. 393.
|
eva airline
mua vé máy bay đi mỹ
korean air ho chi minh
giá vé máy bay đi mỹ khứ hồi
Vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch