Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Buồn như ly rượu cạn!

Buồn như ly rượu cạn!

Khuất Đẩu
Thưở tóc còn xanh, khi tuổi đời hãy còn đầy như con nước lớn, tôi hào sảng: xin uống cạn đời ta!
Giờ thì ly đã cạn. Chiếc ly ấy, nói như nhà thơ Lữ Quỳnh là một ly không, bày ra để tưởng nhớ đến người bạn nhạc sĩ là Trịnh Công Sơn.
Ly rượu đời tôi chẳng phải bồ đào mỹ tửu, mà chỉ là ly rượu nhạt. Một ly rượu được chưng cất quá vội vàng, tuy không phải rượu lậu, nhưng cũng phải lao đao chôn dấu suốt chín năm kháng chiến và hai mươi năm nội chiến.
Khi được nâng lên môi một cách đề huề, thì cái men nồng của tuổi trẻ đã bay đâu mất tiêu. Giờ chỉ là ly rượu đắng, giữa những ly sóng sánh hào quang nghe tanh mùi máu của những kẻ thắng cuộc. Máu của đồng đội, máu của kẻ thù và máu của chính họ.
Như thế thì làm sao mà uống cạn!
Nhưng rồi cũng phải uống. Rượu đời mình không uống, chẳng nhẽ uống rượu người. Phải uống, dù đắng chát. Phải uống, dù mỗi giọt rượu giờ là một giọt mồ hôi và nước mắt.
Bốn mươi năm qua, từng chút, từng chút rồi cũng cạn. Nhẽ ra, lúc này là lúc giơ cao chiếc ly không nhìn quanh bàn tiệc (toàn thịt chó) mà xáng xuống một cái cho sướng tay. Cho tiêu tan cái ấm ức, cái hậm hực, cái nỗi có họng ăn mà không có họng nói của một kẻ thua cuộc. Nhưng nghĩ lại, chiếc ly có tội tình gì. Cho dù không còn một giọt rượu nào, nó cũng còn đựng một thứ trong suốt là khí trời.
Lại thấy thương cho những ly rượu đầy chưa kịp uống đã bị vỡ tan. Như hai đứa bạn cùng làng, vừa cưới vợ xong là đi. Rồi một anh bạn họa sĩ, “đang sống bỗng sang từ trần” mà không biết bệnh gì để lại một cô vợ vừa trẻ vừa đẹp khiến cho thiên hạ phải ngẩn ngơ. Nhiều lắm, những chiếc ly đầy chưa kịp uống cạn hay chỉ mới uống một ngụm đã bị thần chết giật khỏi tay, đập vỡ một cách tàn nhẫn.
Nhưng cũng đáng sợ cho những ly rượu đầy mà mỗi giọt rượu là một giọt máu, uống mãi không cạn. Phải hơn một trăm năm mới đến giọt cuối cùng. Mà uống trong sự kèm cặp canh me của lũ đàn em phản trắc.
Còn có những chiếc ly tuy đã cạn rượu, nhưng còn đựng đầy tội lỗi, giờ được chưng bày trong tủ kính như đồ gia bảo, nhưng chắc chắn sẽ bị đập vỡ trong một ngày mà sự thật được lên tiếng.
Giờ, tôi “uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không”. Lại thấy ngon, thấy đậm đà hương vị của quê nhà. Thấy trong gió bay mùi bồ kết của mẹ, mùi hoa cau hoa cải, mùi lúa chín, mùi cá kho…Tôi không mong khi chết hãy chôn theo cây đàn, chỉ xin chôn theo chiếc ly không là đủ vui rồi.
*Những chữ in nghiêng mượn của Hữu Loan, Bút Tre và Lữ Quỳnh.



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...