Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
“ Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối ngọt, hiền như cái lá xanh…Thi sĩ thuở xưa làm những bài thơ bao la như lòng tạo vật. Xưa kia, chàng thương mến cỏ hoa…Ấy là Huy Cận đó” – Tác giả của Tràng Giang. Tràng Giang , chẳng phải Trường Giang, Tràng Giang là một dòng sông không có thật. Với Huy Cận, Tràng Giang được gợi tứ từ sông Hồng, nơi bến đò Chèm nhìn ra bao la trời nước. Với tôi, mỗi lần đi Cần Thơ, mỗi lần qua sông Hậu thì sóng Tràng Giang lại dội lên dào dạt trong lòng.
Ai chẳng biết Tràng Giang là một bài thơ áo não, dòng nào cũng buồn, nhưng cái buồn đó khiến ai cũng đem lòng mà yêu , tình yêu da diết mà đằm thắm, một tình yêu không có tuổi, tươi nguyên như thuở ban đầu.
Tràng giang
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng. 
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều,
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng bến cô liêu. 
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng 
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Lý giải tình yêu là một việc làm không tưởng, tôi yêu từng dòng của Tràng Giang nhưng không rõ nó xuất phát từ đâu . Có khi đó là cảm hứng không gian bao trùm cả bài thơ, từ nhan đề “ Tràng Giang” với âm “ ang” mở ra một không gian nhiều chiều đến lời đề từ “ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, lại là sự dài rộng của bầu trời và dòng sông, không gian của lòng người “bâng khuâng” cũng mênh mang nốt. Và ăm ắp hình ảnh thơ tạo nên “bốn bề bát ngát” của “ Sóng…điệp điệp” “nước song song” “sầu trăm ngả” “sông dài, trời rộng” “mênh mông không một chuyến đò ngang”...Một khoảng không bao la đến rợn ngợp “ nắng xuống, trời lên sâu chót vót” ; vừa mang âm hưởng  Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang vừa mang cả hồn thời đại. Hay tình yêu đó bắt nguồn từ những con sóng có thật của Tràng Giang vỗ vào nỗi hiu hắt cô đơn của tôi khi đứng bên dòng sông Hậu,trước mênh mông trời nước cảm nhận mình bị bỏ rơi lại bến sông bên này , nhìn theo, nhìn theo đến phà chìm vào thăm thẳm, chỉ còn “thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh” và những giề Lục bình vô định.
Bao nhiêu giấy mực đã viết về hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” rồi, tôi không thể nghĩ khác đi và hay hơn được . Một hình tượng kỳ vĩ và đậm đà phong vị lãng mạn - cánh chim – một sinh thể bé nhỏ nhưng chỉ cần nghiêng cánh thì lập tức kéo vũ trụ vào đêm; hay nói như Xuân Diệu : Bóng chiều nặng nề đến chim phải nghiêng cánh . Và có lẽ tôi cũng yêu Tràng Giang vì cánh chim cô đơn trên bầu trời bàng bạc sắc mây hay nỗi nhớ nhà cố kìm nén đến dòng cuối cùng của bài thơ mới bật thốt nên !
Khi yêu đến kiệt cùng , mọi lời đều bất lực, xin nhờ ý một nhà báo để bộc lộ niềm biết ơn tác giả của Tràng Giang : “Sông dài đến mấy cũng phải ra biển, hát vũ trụ ca rồi cũng đến lúc phải về trời. Và một đời thơ như thế cũng không mong gì hơn...”

1 nhận xét:

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...