Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Lặng lờ sông nước Hương giang

Lặng lờ sông nước Hương giang 
Những con suối nhỏ bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đổ về trên đất Thừa Thiên - Huế, đã hình thành hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch uốn lượn quanh co giữa núi đồi rồi hội ngộ tại ngã ba Bằng Lãng tạo nên dòng sông Lô Dung thơ mộng. Do dòng sông mang theo hương thơm của loài cỏ Thạch xương bồ trong rừng nhiệt đới mà về sau sông Lô Dung quen được gọi là sông Hương.

 Sông Hương thanh bình – Ảnh: nguồn news.woa.vn
Từ đây, sau khi thẳng hướng Nam - Bắc, vượt qua chân núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén tạo nên một lòng vực sâu thẳm, dòng sông dường như trong xanh hơn đồng thời cũng đổi chiều đột ngột lặng lờ trôi về phía Đông, ngang qua các xóm làng xanh tươi của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phố, Bao Vinh và kinh thành cổ kính trước khi hòa vào phá Tam Giang để tìm về với biển Mẹ bao la.

Hoàng hôn trên sông Hương – Ảnh: nguồn tienphong.vn
Tuy chỉ với 30km, không dài rộng mênh mông như bao nhiêu dòng sông khác trên dọc ngang đất nước, sông Hương đã đem lại cho Huế cái chất thơ trầm lắng, sự trong sáng tiềm tàng được triển nở từ vùng đất có chiều sâu văn hiến. Sông Hương là nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ, là nơi hò hẹn của các tao nhân mặc khách, là dòng sữa ngọt nuôi dưỡng nền thơ-ca-nhạc-họa chốn thần kinh…
Không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Du chia sẻ tâm tình trong bài Thu Chí (Thu đến) đã mở đầu bằng hai câu thơ:
 “Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
(Hương Giang một giải nguyệt cầm,
Xưa nay khôn xiết trầm thâm nỗi sầu.) 
                                 Hải Đà phỏng dịch

Sông Hương lượn qua trung tâm thành phố Huế – Ảnh: nguồn flickr.com
Thi sĩ Hàn Mạc Tử, người có nhiều duyên nợ với Huế cũng có lúc phải bồn chồn, bức xúc:
 “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó.
Có chở trăng về kịp tối nay ?"
Còn nhà thơ Thu Bồn đã có những phát hiện lý thú:
 “Dòng sông dùng dằng, dòng sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu..."

Lặng lờ dòng nước sông Hương – Ảnh: nguồn my.opera.com
Trên dòng sông Hương, những con đò Huế ngược xuôi, cần mẫn đưa khách đến với những bến bờ. Những chiếc thuyền du lịch đưa khách ghé thăm lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ rồi ngang qua kinh thành xuôi về biển Thuận An, du khách có điều kiện vãng cảnh sông nước, ngắm nhìn thành quách, lầu xá soi mình xuống dòng nước trong xanh.

Đêm sông Hương – Ảnh: nguồn dulichthienthai.com
Sông Hương thật đẹp mỗi khi đêm về, khi những ánh đèn phản chiếu tạo nên những vết xao nhẹ trên dòng nước. Vào những đêm trăng, mặt nước như được dát một lớp bạc, sông Hương càng trở nên huyễn hoặc lung linh… Trong làn gió mát giữa thoang thoảng mùi trầm hương, những câu ca Huế cất lên với điệu Nam Ai, Nam Bình, những điệu hò mái nhì, mái đẩy… được phụ họa bởi tiếng sanh, phách càng giúp du khách cảm nhận được sự gắn kết sâu lắng của dòng Hương trong tâm tình người dân xứ Huế…
Mai Kim Thành   



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...