Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Từ dòng sông nghĩ về dòng người

Từ dòng sông nghĩ về dòng người
Hà Yên
Từ cao ốc nhìn xuống đường phố, thấy dòng người-xe đông nghịt, chuyển động giống cảnh tượng một dòng sông hiền hòa nào đó. Mà cũng đúng như vậy, nếu xét tổng thể, và thêm một chút trừu tượng nữa để dòng người-xe đông nghịt kia, được cảm nhận như một “môi trường liên tục”, thì cả hai đều là chuyển động một chiều, cũng tương đương về mặt động học, và thậm chí, còn có thể có tình huống tương đương động lực học nữa.
Theo Cơ học chất lưu, đối với dòng chảy tự nhiên, có một định luật rất quan trọng là định luật bảo toàn dòng . Định luật này được biểu diễn bởi một phương trình gọi là phương trình lưu lượng, nó cho biết khối lượng chất lỏng chuyển động trong một dòng chảy ổn định, qua hai mặt cắt bất kỳ là không đổi, và các đường dòng không bao giờ cắt nhau.
Hệ quả của định luật bảo toàn dòng là trong Tự nhiên không thể có hiện tượng hai dòng sông giao cắt xuyên thẳng qua nhau. Hai dòng sông có thểhội lưu thành một dòng duy nhất, hoặc từ một dòng có thể phân nhánhthành hai hoặc nhiều dòng chảy riêng. Hội lưu hay phân nhánh thì tổng lưu lượng của dòng sông vẫn không đôi, tức là định luật bảo toàn dòng vẫn đúng.
Ngược lại, hai dòng chảy giao nhau, các đường dòng cắt nhau, định luật bảo toàn dòng bị phá hủy, tức là lưu lượng riêng phần của mỗi dòng chảy sẽ bị biến đổi. Tại chỗ giao nhau của hai dòng chảy, xuất hiện trạng thái xung đột, hình thành dòng loạn lưu : Các lớp nước xô lấn, chèn đè lên nhau tạo nên một trường xoáy mãnh liệt. Đó là chuyện của những dòng sông yên bình. Còn câu chuyện dòng người-xe ngày đêm tuôn chảy trên đường phố thì cũng đúng như vậy.
Tại các thành phố lớn ở Việt Nam, lịch sử để lại một hạ tầng giao thông đồng mức lạc hậu so với đòi hỏi của một Thành phố phát triển hiện đại về giao thông. Hậu quả là giờ đây, tại các giao lộ trong nội đô, luôn chịu áp lực của tình trạng ùn tắc, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bài toán kẹt xe ùn tắc tại các giao lộ trong Thành phố ngày càng trở nên phức tạp do lưu lượng giao thông tăng đột biến, Chính quyền thành phố huy động tối đa nhiều giải pháp phân luồng, dù đó là những giải pháp tình thế, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào thành công. Cuối cùng phải nhờ đến sự tham gia của các chuyên gia Nhật bản. Tại khá nhiều giao lộ đồng mức trong Thành phố, người Nhật đã phát hiện ra mấu chốt của vấn đề. Họ đưa ra đề án phân luồng theo dòng chảy Tự nhiên. Họ hủy bỏ hình thế ngã tư truyền thống cổ điển, bằng cách bịt lối lưu thông xuyên thẳng qua nhau, nghĩa là không cho đường đơn cắt thẳng qua đường trục (Đường trục có giải phân cách ở giữa, tạo thành hai luồng nghịch lưu). Sau đó, họ nắn luồng giao thông của đường đơn hội nhập vào “dòng chảy” chung của đường trục. Sự hội lưu này trở thành một dòng lưu thông duy nhất, cùng đồng hành trên một doạn ngắn, sau đó đến chỗ phân nhánh (đã được khai mở sẵn theo thiết kế của đề án), dành cho những người lưu thông theo hướng hòa nhập vào “dòng chảy” thuộc luồng bên kia của đường trục để tiếp tục hành trình.
Với cách giải quyết này, dòng xe cộ vân chuyển động liên tục, không xảy ra bất kỳ đụng độ nào làm giao thông ngưng trệ, trừ những giao lộ còn phải dùng đèn tín hiệu để dừng xe luân phiên.
Có một số ý kiến phản ứng cách phân luồng này, với lý do “đường gần anh cứ đi vòng cho xa” (thơ Nguyễn Bính). Nhưng, vì sốt ruột nhất thời mà họ không hiểu rằng, lộ trinh nhanh nhất không nhất thiết là lộ trình ngắn nhất. Đó là một nguyên lý rất cơ bản của Tự nhiên, được biết với cái tên : “Nguyên lý Tác dụng tối thiểu”. nó chứng tỏ rằng Tự nhiên chọn một tiến trình nhanh chứ không chọn một lộ trình ngắn mà chậm.
Chắc chắn là, các chuyên gia giao thông người Nhật, họ không cho rằng bài toán phân luồng giao thông chỉ là quyền năng sáng tạo của trí tuệ con người, như sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật thuần túy. Mà cũng đúng như vậy thật, một tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng mang dấu ấn cá nhân của tác giả. Nhưng một sản phẩm kỷ thuật thành công thì phải tuân thủ những tiêu chí Khoa học, những tiêu chí đó không thuộc cảm hứng của tác giả thiết kế, mà thuộc về những nguyên lý của Tự nhiên. Vậy nên, thông qua tư duy trừu tượng, người ta rút ra bản chất động học chung nhất, có giá trị ứng dụng thực tiễn giữa dòng nước và dòng người , đó là tính liên tục của chuyển động, một thuộc tính cốt lõi của giao thông hiện đại. Sự đụng độ gây ùn tắc, sự ngăn đường luân phiên theo tín hiệu đèn đỏ, đều là phản đề củatính liên tục ấy.
Qua sự kiện nhỏ này của cuộc sống, ta hiểu thêm ý nghĩa sâu sắc rằng, không có ý tưởng sáng tạo Khoa học kỹ thuật nào thành công nếu nó trái với những qui luật hiện hữu trong Tự nhiên, trái với “hành thông” của Tạo hóa.
Và, phải chăng đây cũng là một ví dụ về cái được gọi là lỗi hệ thống trong tư duy khoa học, mà gần đây nhiều học giả đã đề cập khá sôi nổi về phương pháp luận mới trong nghiên cứu và áp dụng Khoa học.



1 nhận xét:

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...