Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Sầu Thu: ý Cúc tình Thơ

Sầu Thu: ý Cúc tình Thơ
Hoa muôn màu muôn sắc là món quà Thượng Đế ban cho con người để tô điểm cuộc sống, làm đẹp cho bức tranh thiên nhiên bốn mùa, qua những đường nét gợi cảm, những màu sắc tinh tế, vóc dáng đa tình, hương thơm ngào ngạt, thêm những biểu tượng độc đáo của từng loài hoa, như muốn thổ lộ tâm tình, nỗi niềm riêng tư nào đó…"ước gì nổi gió hây hây, để cho hoa đấy lòng đây thơm cùng" ..(bài ca dân gian Trăm Hoa) . Nói đến những loài hoa quí, được nhân gian ưa chuộng nhiều, người ta thường nói đến bộ "tứ bình" (bức tranh treo ở bốn phía quanh nhà) , gồm có bốn loại hoa: Mai, Lan, Trúc, Cúc . Hoặc nói về "tứ quí" người ta muốn ám chỉ đến bốn loại cây cảnh : Tùng, Cúc, Trúc, Mai . Người xưa yêu hoa Cúc vì đó là loài hoa biểu lộ đặc tính : "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa" , lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân, dù héo rũ tàn khô, vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử đầy chí khí suốt đời theo đuổi lý tưởng chân chính của mình.
Hoa Cúc biểu tượng cho tinh thần thanh cao của những kẻ sĩ muốn lánh xa vòng tục lụy . "Cúc ngạo hàn sương", cúc vẫn hiên ngang ngạo nghễ đâm hoa kết nhánh mặc cho sương tuyết lạnh giá bao trùm, mặc cho khí thời khắc nghiệt vây quanh, cúc vẫn mang nét điềm đạm ung dung, cúc vẫn vương mình đứng thẳng giữa phong trần, thách thức với bao nỗi đoạn trường gian truân của thế sự nhân tình:
Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm 
Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương (Hải Đà)
(Hoa cười kiêu ngạo giữa sương lạnh, luôn giữ phong cách cao thượng
Mở mặt vui tươi màu sắc lộng lẫy như muốn thách thức thu già)
Sầu thu ý cúc man man
Hoàng hoa pha sắc cho vàng lá bay
Thơ không túy nguyệt mà say
Giữa đêm Nguyên Lượng cúc ngầy ngật hương *
Hồn xưa tỉnh giấc hoàng lương
Lặng nhìn sương khói phủ vườn tâm giao
Gió đong đưa lá xạc xào
Tiếng thu đồng vọng cúc xao xuyến tình ...
                    Hải Đà
(* Nguyên Lượng: tên tự của thi sĩ Đào Tiềm)
 Cúc trong Đường Thi Trung Quốc
Bàn về hoa cúc trong đường thi, các tao nhân mặc khách thường nhắc nhở đến thi sĩ Đào Tiềm. Đào Tiềm là nhà thơ đời Tấn, tự Uyên Minh, tính tình cao thượng, phóng khoáng, không cầu cạnh lợi danh, ông được đề cử nhậm chức quan ở Bành Trạch (người đương thời thường gọi ông là Đào Bành Trạch), nhân cuối năm có một viên đốc bưu về kiểm tra công việc, và nha lại khuyên ông ăn mặc chỉnh tề ra đón. Ông than "ta há vì năm đấu gạo mà cong lưng vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi xóm sao ?", bèn treo ấn từ quan, và ông đã làm bài "Quy khứ lai từ" để bày tỏ ý chí của mình, trong đó có hai câu:
Tam kính tựu hoang,
Tùng cúc do tồn
(Đường ra lối nhỏ vườn hoang
Chen nhau tùng cúc xếp hàng đợi đây)
Đào Tiềm thành ẩn sĩ , cuộc đời đối với ông chỉ là "vân vô tâm nhi xuất tụ" (mây hờ hững bay ra khỏi hốc núi), tâm hồn ông không còn bị xáo trộn, chi phối bởi ngoại cảnh, nhân tình thế sự, ông chỉ thích làm bạn với thiên nhiên, vui thú điền viên, trong cảnh nghèo, và đặc biệt là ông rất thích trồng cúc, làm bạn với hoa cúc, và thường bắc ghế trúc ngồi bên dậu đàm đạo với hoa hàng giờ, như muốn trang trải gửi gắm tâm hồn cùng tri âm . Trước sân nhà ông trồng năm cây liễu, nên người ta cũng thường gọi Đào Tiềm là "Ngũ Liễu Tiên Sinh" . Cứ đến ngày Trùng Dương (ngày lễ hoa cúc 9-9), ông cùng bạn bè bầy rượu bên mấy dậu cúc để thưởng hoa, ngâm vịnh, ca hát … “hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi nam” (Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam sơn)
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ ?
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử trung hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.
(Ẩm Tửu Thi - Đào Uyên Minh)
Cảnh phồn hoa dựng túp lều
Màng chi thế sự dập dìu ngựa xe
Cớ sao ta được vậy hề
Bởi lòng thanh thản nghĩ về trời xa
Dậu đông hái cúc vàng hoa
Núi nam thơ thới lòng ta cảm hoài
Sườn non khí lạnh chiều rơi
Chập chờn thấy bóng chim trời bay cao
Ý thành từ cảnh thanh tao
Sao không nói được lời nào riêng mang 
(Hải Đà cảm dịch)
"Hoa cúc trác việt siêu phàm. Đào Tiềm, thi nhân đời Tấn, từng thốt rằng: "Thu cúc hữu giai sắc, ấp lộ chuyết kỳ anh, phiếm thử vong ưu vật, viễn ngã di thế tình" -Hoa cúc mùa thu có sắc đẹp, phơi lộ nét anh tú, khiến ta quên tình buồn, lánh xa tình đời" (Tứ Quân Tử Trong Hội Họa Trung Quốc-Lê Anh Minh)
Nhớ tích xưa Đào Tiềm trồng hoa cúc và yêu hoa nhất mực, thậm chí luyến thương lá cúc khô mà vẫn bám cành "diệp bất ly thân" không chịu rụng! Tất cả nói lên sự thủy chung, tình nghĩa gắn bó suốt đời của mỗi cá nhân với nguồn cội sinh thành, đất mẹ vườn cha của tình máu mủ ruột thịt.
Hoa cúc đã được các thi sĩ thời Đường, Tống Trung Hoa đưa vào thơ văn như Vi Ứng Vật với những bài thơ điềm đạm trầm mặc, thuần thục giản dị,  ít lời nhiều ý, thường diễn tả tâm tình nhàn hạ, như bài thơ "Hiệu Đào Bành Trạch" (bắt chước Ông Đào Bành Trạch):
Sương lạc tụy bách thảo
Thì cúc độc nghiên hoa
Vật tính hiểu như thử
Hàn thử kỷ nại hà !
Xuyết anh phiếm trọc giao
Nhật nhập hội điền gia
Tận túy mao thiềm hạ
Nhất sinh khởi tại đa ?
Hiệu Đào Bành Trạch (Vi Ứng Vật)
Sương rơi cỏ xác xơ tàn
Chỉ mình cúc nở hoa vàng thắm tươi
Trên đời muôn vật thế thôi
Mặc cho nóng lạnh tiết thời đổi thay
Ngắt hoa ngâm với rượu này
Cùng chung bạn hữu đêm nay xum vầy
Thềm tranh cụng chén mà say
Sá chi thế sự đời nay chẳng màng !
(Hải Đà phỏng dịch)
Hoàng Sào (?-884), người Sơn Đông, năm Càn Phủ Đường, Hy Tông thứ 2 (875) cùng Vương Tiên Chi lãnh đạo nông dân khởi nghĩa, trước sau trên mười năm, có lần đánh phá kinh đô Trường An . Là một lãnh tụ nông dân nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc, thi hỏng mà có chí lớn, ông thường dùng hoa cúc để tự ví mình, ý nói tính can trường bất khuất, giống như hoa cúc ngạo nghễ dưới trời sương tuyết phủ, trong khi bao loài hoa khác đều tàn úa, ngầm nói lên ý chí quyết tâm của ông muốn lật đổ triều Đường :   
Táp táp tây phong mãn viện tài
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai
Tha niên ngã nhược vi Thanh đế
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai
Đề cúc hoa (Hoàng Sào)
Vườn hoa gió thổi bời bời
Hương tàn nhụy rũ bướm thời khó qua
Chúa Xuân nếu được là ta
Sang năm ta bảo đào hoa nở cùng 
(Hải Đà phỏng dịch)
Hoàng Sào có lần đã dẫn 60 vạn đại quân, đánh hạ ải Đồng Quan. Vương triều Đường sợ hãi lúng túng, Đường Hi Tông mang phi tần chạy trốn đến Thành Đô, Các quan lại triều Đường không kịp chạy trốn toàn bộ phải ra thành đầu hàng. Chiều hôm ấy, Hoàng Sào ngồi kiệu vàng, được các tướng sĩ vây chung quanh tiến vào thành Trường An. Trăm họ dân chúng trong thành giắt già bồng trẻ, đứng chật hai bên đường chào đón. Hoàng Sào lên ngôi hoàng đế, quốc hiệu gọi là Đại Tề. Quân khởi nghĩa trải qua bảy năm đấu tranh cũng dành được thắng lợi, nhưng cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị thất bại, do nội bộ chia rẽ, và Hoàng Sào bị bộ hạ giết. Ít nhất Hoàng Sào đã thực hiện được giấc mộng trong thơ :" từng đợt hương ngút trời thấu suốt Trường An, khắp thành đều mặc áo giáp vàng (trích giai thoại  Giấc mơ Hoa Cúc- tác giả Hoài Anh)
Đãi đắc thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai thời bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành đái tận hoàng kim giáp
Cúc Hoa (Hoàng Sào)
Chờ thu tháng chín về nơi
Hoa ta nở rộ hoa người tàn phai
Trường An hương ngút ngập trời
Người mang áo giáp vàng chơi khắp thành
(Hải Đà phỏng dịch)
Đỗ Phủ là một nhà thơ lớn, một đại thụ sừng sững trên thi đàn Trung Quốc. Ông đã trải nghiệm qua bao thăng trầm trôi nổi trong cuộc sống, nên thơ của ông phong phú đa dạng, thanh điệu nhẹ nhàng, hiện thực trữ tình, phát xuất từ đời sống khốn khổ cơ hàn của chính bản thân ông và của tha nhân bằng chính mắt thấy tai nghe hàng ngày. Ngôn ngữ thơ ông bộc phát sự chân thành tha thiết, lòng nhân đạo trắc ẩn, nên dễ gây sự xúc động nơi người đọc.
Nói đến hoa cúc là nói về mùa thu, cúc và thu như hình với bóng, nhà thơ Đỗ Phủ nhìn thấy chòm cúc nở dưới trời thu lạnh mà lệ thầm tức tưởi buông rơi nhớ quê nhà "tùng cúc lưỡng khai: tha nhật lệ" .... Ông đã sáng tác 8 bài Thu Hứng nổi tiếng, trong những năm
cùng cực gần cuối đời, mà còn phải gối đất nằm sương , một mình ngâm nga "mao ốc vi thu phong sở phá ca" (bài hát gió thu thổi
tốc mái nhà tranh" trong nghẹn ngào tức tưởi ..
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai: tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ: cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đai xích,
Bạch đế thành cao cấp mộ châm.
Thu Hứng (Đỗ Phủ)
Sương ngọc điêu tàn cây lá phong
Âm u Vu Giáp lạnh như đồng
Đất trời tiếp tiếp non cùng nước
Mây gió ùn ùn núi với sông
Tùng cúc hai lần rơi lệ uất
Đò đơn một độ khóc quê ròng
Thấu xương cơn rét cần may áo
Bạch Đế chày buông tiếng chập chùng
Hải Đà phỏng dịch
Trong một bài thơ thu khác nói về ngày hội "trùng dương" , ngày lễ của hoa cúc thay vì cùng bạn bè uống rượu, thưởng hoa, đàm đạo thi ca, nhà thơ Đỗ Phủ lại "độc chước bôi trung tửu", lời lẽ chân thành tha thiết bộc lộ tâm sự xót xa, vất vả đắng cay của bản thân, cảnh buồn theo lòng người quay quắt: " lá trúc cùng người than phận lỡ, cúc vàng thuở đó chẳng đơm hoa..."
Trùng dương độc chước bôi trung tửu
Bảo bệnh khởi đăng giang thượng đài
Trúc diệp vu nhân kí vô phận
Cúc hoa tòng thử bất tu khai
Thù phương nhật lạc huyền viên khốc
Cố quốc sương tiền bạch nhạn lai
Đệ muội tiêu điều các hà tại
Can qua suy tạ lưỡng tương thôi
Cửu Nhật Ngũ Thủ, Tuyển Nhứt (Đỗ Phủ)
Trùng dương, rượu trút, một mình ta
Khổ bệnh, sông dài, dấn bước qua
Lá trúc cùng người than phận lỡ
Cúc vàng thuở đó chẳng đơm hoa
Tha phương vượn khóc tà dương xế
Quê cũ nhạn về sương sớm sa
Em gái phương nào thân tá túc ?
Bệnh căn, loạn lạc, nhiễu phiền ta
Ngày Chín, Năm Bài Lựa Một (Hải Đà)
Những bài thơ tả cảnh của Đỗ Phủ rất sinh động tự nhiên,  không đẽo gọt tỉ mĩ, mà lại thanh thoát, nhẹ nhàng lưu loát, ý tứ dạt dào xen lẫn hình ảnh đẹp thi vị, ngân vang âm điệu tràn đầy ..."thềm sân móc trắng sương rơi, phủ đầy hoa cúc giữa trời mênh mang.."
Quang tế huyền sơ thướng
Ảnh tà luân vị an
Vi thăng cổ tái ngoại
Dĩ ẩn mộ vân đoan
Hà Hán bất cải sắc
Quan sơn không tự hàn
Đình tiền hữu bạch lộ
Ám mãn cúc hoa đoàn
Sơ nguyệt (Đỗ Phủ)
Ánh mờ trăng mới nhú lên
Nghiêng nghiêng bóng đổ chênh vênh ráng trời
Dần lên cửa ải chơi vơi
Mây chiều núp bóng nửa vời xa xa
Nguyên màu một dãi ngân hà
Quan san giá lạnh buốt da khí thời
Thềm sân móc trắng sương rơi
Phủ đầy hoa cúc giữa trời mênh mang
Trăng Non (Hải Đà phỏng dịch)
Vương Duy là một bậc tài hoa của Trung Hoạ, ông vẽ rất đẹp, trong tranh của ông là một bài thơ, và trong thơ là một bức tranh.Ông còn tinh thông âm nhạc, giỏi đàn tì bà . Vương Duy rất sùng mộ đạo Phật, điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngôn ngữ, tư tưởng, và phong cách thơ của ông .Bài thơ "Tảo Thu Sơn Phong Các" ông viết để an ủi người bạn thân thiết là Bùi Dịch, làm quan bị dèm pha nên vua cách chức, nên phải bỏ vào rừng sâu ẩn dật. Ông đã dùng hình ảnh của Đào Lịch (tức là Đào Tiềm), người bạn tri kỷ của hoa cúc, đã một thời không chịu nhục treo ấn từ quan , và hình ảnh ẩn dụ của Thượng Tử Bình ngày xưa khi đọc kinh Dịch đến quẻ Tốn than rằng: "giàu không bằng nghèo mà không lo lắng" và sau đó ông từ quan đi ngao du sơn thủy .
Vô tài bất cảm luỵ minh thì
Tứ hướng đông khê thủ cố li
Khởi yếm Thượng Bình hôn giá tảo(1)
Khước hiềm Đào Lệnh khứ quan trì (2)
Thảo gian cung ưởng lâm thu cấp
Sơn lý thiền thanh bạc mộ bi
Tịch mịch sài môn nhân bất đáo
Không lâm độc dữ bạch vân kỳ
Tảo Thu Sơn Trung Các (Vương Duy)
Thời thịnh phiền chi kẻ bất tài
Đông Khê hướng cũ nhắm đi hoài
Thượng Bình đâu kém tình gia thất
Đào Lệnh hiềm thua bỏ chức tài
Cỏ rậm dế rền thu vội đến
Non cao ve trỗi điệu bi ai
Thềm tranh quạnh quẽ người không viếng
Hò hẹn mình ta mây trắng bay
Thơ Làm Trong Núi Buổi Đầu Thu (Hải Đà)
Bàn về hoa cúc là phải nói đến ngày hội Trùng Dương đã được nhắc nhở nhiều trong Đường thi . Trùng dương còn gọi là "trùng cửu" tức là tiết ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, ngắm hoa uống rượu "cúc hoa tửu". Đó là thứ rượu ủ với cánh hoa cúc, khi hoa sắp tàn người ta mang nhặt bỏ những cành lá mà chỉ lấy toàn cánh hoa ủ với men rượu và một chút nước, đến năm sau vào đúng ngày Trùng Dương tức là mồng chín tháng chín mới mang ra uống. "Rượu đây vui với bạn đường, nâng ly thưởng hội trùng dương quên đời","Trùng dương hẹn lại chốn này, ngắm hoa cúc nở vui thay cảnh đời"Hoa cúc và ngày lễ Trùng Dương đã là đề tài được nhiều nhà thơ Đường ngâm vịnh:
1-
Trùng Dương tịch thượng phú bạch cúc
Mãn viên hoa cúc uất kim hoàng,
Trung hữu cô tùng sắc tự sương.
Hoàn tự kim triêu ca tửu tịch,
Bạch đầu ông nhập thiếu niên trường.
Bạch Cư Dị
Tiệc Trùng Dương,vịnh hoa cúc trắng
Vàng hoe cúc nở đầy vườn
Một chòm trắng tựa như sương lạc loài
Khác chi bàn tiệc sớm mai
Giữa thanh niên trẻ chen vai cụ già
Hải Đà phỏng dịch
2-
Cửu Nhật Tề Sơn Đăng Cao
Giang hàm thu ảnh nhạn sơ phi
Dữ khách huề hồ thướng thúy-vi
Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu
Cúc hoa tu sáp mãn đầu qui
Đãn tương minh-đính thù giai tiết
Bất dụng đăng lâm hận lạc huy
Cố vãng kim lai chỉ như thủ
Ngưu-sơn hà tất độc triêm y *
Đỗ Mục
(*Ngưu sơn : núi ỏ nước Tề, đời Xuân thu, Tề-cảnh-Công lên núi trông về cố quốc mà khóc)
Lên Núi Tề Sơn Ngày Trùng Dương
Sông Thu lồng bóng nhạn mong manh
Bầu bạn thong dong cảnh sắc xanh
Thế tục buồn vương, môi héo nụ
Đường về cúc giắt, bước dồn nhanh
Mong sao cảnh đẹp, vui cùng rượu
Chẳng phí trèo non, cảm nắng hanh
Sự thế xưa nay trời đất chuyển
Cớ gì lên núi đứng buồn tênh
Hải Đà
3-
Thu Đăng Lan Sơn Ký Trương Ngữ
Bắc-sơn bạch vân lý
Ẩn giả tự di duyệt
Tương vọng thí đăng cao
Tâm tùy nhạn phi diệt
Sầu nhân bạc mộ khởi
Hứng thị thanh thu phiết
Thời kiến qui thôn nhân
Sa hành độ đầu yết
Thiên biên thụ nhược tì
Giang bạn châu như nguyệt
Hà đương tái tửu lai
Cọng tùy trùng dương tiết*
Mạnh Hạo Nhiên
Mùa Thu Lên Núi Lan Sơn làm thơ tặng Trương Ngữ
Núi cao mây trắng giăng đầy
Người u cư sống tháng ngày ung dung
Lên non nhìn xuống mịt mùng
Gửi lòng theo cánh nhạn trùng bay xa
Sầu nghiêng nghiêng bóng chiều tà
Trời thu biếc ngọc chan hòa ý thơ
Ai về thôn xóm thẫn thờ
Dừng chân biển cát, ngồi chờ bến sông
Hàng cây xanh đứng đợi mong
Sông quê in bóng nguyệt lồng soi gương
Rượu đây vui với bạn đường
Nâng ly thưởng hội trùng dương quên đời
Hải Đà phỏng dịch
4-
Tràng An Thu Tịch
Vân vật thê lương phất thự lưu
Hán gia cung khuyết động cao thu
Tàn tinh kỷ điểm nhạn hoành tái
Tràng địch nhất thanh nhân ỷ lâu
Tử diễm bán khai ly cúc tĩnh
Hồng y lạc tận chử liên sầu
Lô ngư chính mỹ bất qui khứ
Không đái nam quan học Sở tù
Triệu Cổ
Đêm Thu Tràng An
Ảm đạm trời thu điểm ánh thiều
Hán Cung lồng lộng gió phiêu phiêu
Lưa thưa sao sớm vờn chân nhạn
Réo rắt lầu khuya lộng sáo diều
Cúc nở hoa phô vườn thắm sắc
Sen tàn nhụy úa bến đìu hiu
Sông quê mùa cá, chưa về xứ
Đày đọa phương người, phận hẩm hiu
Hải Đà phỏng dịch
5-
Quá cố nhân trang
Cố nhân cụ kê thử
Yêu ngã chí điền gia
Lục thụ thôn biên hợp
Thanh sơn quách ngoại tà
Khai hiên diện trường phố
Bả tửu thoại tang ma
Đãi đáo trùng dương nhật
Hoàn lai tựu cúc hoa.
Mạnh Hạo Nhiên
Qua Trại Của Bạn Cũ
Cơm gà bạn cũ mời ta
Thong dong vườn ruộng quê nhà ghé chơi
Quanh làng cây cỏ xanh tươi
Thành xưa bóng núi biếc ngời soi nghiêng
Vườn rau xanh mát ngoài hiên
Dâu tằm chuyện gẫu, bạn hiền cùng say
Trùng dương hẹn lại chốn này
Ngắm hoa cúc nở vui thay cảnh đời
Hải Đà phỏng dịch
6-
Trùng Dương
Tiết vật kinh tâm lưỡng mấn hoa
Đông ly không nhiễu vị khai hoa
Bách niên tương bán sĩ tam dĩ
Ngũ mẫu tựu hoang thiên nhất nha
Khởi hữu bạch y lai bác trác
Nhất tòng ô mao tư y tà
Chân thành độc toạ không bao thủ
Môn liễu tiêu tiêu táo mộ nha
Cao Thích
Cảnh ngắm lòng kinh tóc bạc phơ
Dậu đông chưa nở cúc ven bờ
Ba phen nhậm chức đời gần cạn
Năm mẫu vườn hoang đất xa mờ
Áo trắng ai đây phường quấy nhiễu
Mũ đen ta đó ngả thân chờ
Một mình vò tóc ngồi ngơ ngác
Khóm liễu chiều kêu tiếng quạ ô
Hải Đà phỏng dịch
7-
Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ
Độc tại dị hương vi dị khách
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân
Dao tri huynh đệ đăng cao xứ
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân
Vương Duy
Ngày 9 Tháng 9 Nhớ Anh Em Sơn Đông
Quê người lạ lẫm một mình ta
Tết nhớ người thân mãi thiết tha
Vẫn biết anh em lên núi thẳm
Thù du thiếu giắt một người xa*
Hải Đà phỏng dịch
*Thù du thiếu giắt một người xa: ý nói tác giả vì phải làm thân ly khách, nơi đất lạ quê người, nên Tết Trùng Dương này không cùng với bạn bè ở phía đông núi Hoa Sơn (Sơn Đông) lên núi bẻ nhánh thù du. Ngày xưa tiết Trùng Dương 9/9, người ta hay tổ chức hội hè yến ẩm, ở nhà uống rượu cúc, khi đi chơi núi thường giắt lá thù du vào người với niềm tin là để tránh tai nạn, gọi là "kỵ tà". Thù du là loại cây thuốc có mùi thơm, giống cây tiêu dùng làm vị cay.
Cúc Trong Cổ Thi Việt Nam:
Trong bài thơ Thu Vịnh của Nguyễn Khuyến có câu :
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào …
Ông Đào ở đây, thi sĩ Nguyễn Khuyến muốn nhắc đến thi sĩ Đào Tiềm trong đường thi Trung Quốc...
Bàn về cổ thi Việt Nam, Thái Thuận trong Lữ Đường Thi Tập đã được thi sĩ Quách Tấn ngợi khen là một nhà thơ có biệt tài, và ông Quách Tấn đã trích dịch một số thơ và giới thiệu Lữ Đường Di Cảo Thi Tập như một di sản tinh thần quí báu của tiền nhân. "Vì thật sự
sống cùng với thơ, cho nên loại thơ nào của Lữ Đường cũng đều sống động, thơ cảnh cũng như thơ tình, thơ vịnh vật cũng như thơ vịnh sử ....Rõ là cúc. Nhưng không phải cúc nở mùa xuân, cúc chưng bày nơi phố phường để bán, cúc trang điểm cho đài các thêm lộng lẫy huy hoàng. Cúc đây nở trong sương thu lạnh lẽo, cạnh rào dậu giữa thiên thiên. Cúc đây là bạn của Đào Tiềm, là "hóa thân" của tác giả Thái Thuận. Buồn mà tươi đẹp, tươi đẹp nhưng thật buồn, thật buồn song không chán nản ..." (trích Lữ Đường Thi-Quách Tấn)
Lãnh liệt thu thâm độc nại sương
Nhiễu tùng khai biến bạn ly quang
Thảo biên nhật mộ huỳnh phân ảnh
Trúc lý phong hàn xạ tiến hương
Chúng diễm ưng tàm khuy vãn tiết
Nhất sanh ná khẳn phụ trùng dương
Nhàn trung nga khởi Đào Bành Trạch
Tọa đới du nhiên thú vị trường
Cúc Hoa (Thái Thuận)
Lạnh ngắt sương thu đứng một mình
Bên rào nở thắm ánh thiều minh
Cỏ đêm lấp lánh màu đom đóm
Gió lạnh ngạt ngào hương trúc xinh
Tiết muộn hoa tươi cười nhạo báng
Trùng dương cảnh đợi sống chung tình
Thảnh thơi chợt nhớ ông Bành Trạch
Nhàn nhã ung dung đối bóng mình
Hải Đà phỏng dịch
Cũng trong một bài thơ vịnh cảnh khác, thi sĩ Thái Thuận đã cảm hứng trước cảnh thu buồn man mác, mà sáng tác bài Thu Dạ Tức Sự "lạc lạc hoàng hoa phiếm tửu bôi" (thấy hoa cúc vàng nở vui, hãy cùng nâng chén cạn ly), và thêm một lần nhắc nhở đến thi sĩ Đào Tiềm của hoa cúc đường thi:
Vũ quá nhàn đình tuyệt điểm ai
Vô đoan thu hứng dạ trung thôi
Ngô đồng diệp lão phong phiêu tán
Dương liễu âm sơ nguyệt đáo lai
Lộ khấp cùng thanh ưng hữu lệ
Thảo thiêu huynh hỏa bất thành khôi
Cọng thùy hoán báo Đào Bành Trạch
Lạc lạc hoàng hoa phiếm tửu bôi
Thu Dạ Túc Sự (Thái Thuận)
Sân sạch không còn mưa bụi bay
Từ đâu thu hứng đến đêm nay
Vàng ngô gió thổi tung nhiều hướng
Dương liễu trăng soi bóng tỏa đầy
Sương khóc trùng kêu tuôn lệ chảy
Cỏ thiêu tro đóm khó thành thay
Đào Tiềm nhắn hỏi cùng ai đó
Rực rỡ hoàng hoa cụng chén say
Việc Thấy Đêm Thu (Hải Đà)
Thi hào Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều, còn để lại cho chúng ta ba tập thơ viết chữ Hán là Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, và Bắc Hành Tạp Lục. Những tập thơ chữ Hán này đã nói lên sự uyên bác tài ba của Nguyễn Du, sự mẫn cảm chân tình, những suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ trước những thăng trầm của thế sự nhân tình . Nguyễn Du qua bài "Ngẫu Hứng" trong tập Nam Trung Tạp Ngâm đã nói lên nỗi nhớ quê dào dạt khi nhìn thấy cúc vàng chớm nở hoa, mà trằn trọc thâu đêm :
Lô hoa sơ bạch cúc sơ hoàng
Thiên lý hương tâm dạ cộng trường
Cưỡng khởi thôi song vọng minh nguyệt
Lục âm trùng điệp bất di quang
Ngẫu Hứng (Nguyễn Du)
Lau trắng cúc vàng chớm nở hoa
Canh trường thao thức nhớ quê xa
Vén rèm trằn trọc tìm trăng sáng
Bóng tối vây đầy, trăng chẳng qua
(Hải Đà phỏng dịch)
Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là một anh hùng dân tộc, cũng là một nhà văn và nhà thơ lớn. Ông để để lại các tác phẩm văn bằng chữ Hán có giá trị văn hóa và lịch sử như Quân Trung Từ Mệnh Tập, Bình Ngô Đại Cáo, Lam Sơn Thực Lục . Về thơ ông có hai tập : "Quốc âm thi tập" bằng chữ nôm, và "Ức Trai thi tập" bằng chữ Hán . Thơ của ông man mác tình quê hương dân tộc, gia đình, thế thái nhân tình, cảnh oan nghiệt của cõi đời phù du ... Nhà văn Nhật Chiêu (trong tạp chí Văn hóa Phật giáo) đã có nhận xét : "Thơ Nguyễn Trãi (cả Quốc âm thi tập và Ức Trai thi tập) là thơ thiền. Tâm ấy với mây trắng là một, là nhất sắc - hay nói theo tiếng Việt của Nguyễn Trãi: "hai ấy cùng xem một thức cùng" .....ở Nguyễn Trãi, cái nhất sắc này được đẩy xa hơn, sâu hơn, vào trong tâm thiền. Nơi đó dường như tâm người, tâm chim và tâm cá hoà nhau trong nhất sắc, trong một thức trong một hư không ...." Người thiền như Nguyễn Trãi, ắt hẳn chỉ muốn từ bỏ chốn xa hoa đầy bụi bặm, tự giấu mình bên núi đá, sống thanh bần, bầu bạn với thiên nhiên cỏ hoa. Trong bài thơ chữ Hán "Đề Từ Trọng Phủ Canh Ẩn Đường" Nguyễn Trãi nhắc lại câu: "tùng cúc do tồn" từ bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm (đời Đông Tấn, Trung Quốc)  để nói về sự ẩn dật của người xưa, bè bạn với tùng cúc, vui sống thanh nhàn:
Khứ hạ phiền hoa đạp nhuyễn trần
Nhất lê nham bạn khả tàng thân
Thương gia lệnh tá xưng Sằn Dã (1)
Hán thế cao phong ngưỡng Phú Xuân (2)
Tùng cúc do tồn quy vị vãn
Lợi danh bất tiển ẩn phương chân
Ta dư cửu bị nho quan ngộ
Bổn thị canh nhàn điếu tịch nhân.
Đề Từ Trọng Phủ Canh Ẩn Đường (Nguyễn Trãi)
(1) Sằn Dã: chỉ Y Doãn, người hiền sĩ cày ruộng đời nhà Thương (Trung Quốc), vua phải vời ba lần mới chịu giữ chức tể tướng, đủ tài bình trị quốc dân.
(2) Phú Xuân: một ngọn núi ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) nơi cao sĩ Nghiêm Tử Lăng ở ẩn. 
Từ bỏ xa hoa chốn bụi trần
Về hang núi ẩn chẳng phân vân
Phò Thương Sằn Dã từng lưu tiếng
Từ Hán Phú Xuân lộc chẳng cần
Tùng cúc còn đây khi trở lại
Lợi danh không thiết ẩn đời chân
Than mình ngộ nhận là nho hủ
Cày ruộng, đi câu, sống cảnh nhàn
Hải Đà phỏng dịch
Trong bài thơ Thu Nhật Ngẫu Thành, Nguyễn Trãi cũng thêm một lần mơ ước, đã dùng lại chữ "tam kính cúc" (tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn) của Đào Tiềm cùng để giải bày nỗi niềm tâm tư của một triều quan chỉ mong ước dứt bỏ đường công danh sự nghiệp gò bó, để về nơi thôn dã với cuôc sống nhàn, gần gũi với thiên nhiên, được tự do phóng khoáng "Vườn xưa cúc nở nhớ thầm, thuyền đưa hồn mộng đêm đêm giục về":
Tiêu tiêu trụy diệp hưởng đình cao
Bệnh cốt tài tô khí chuyển hào
Thiên địa tư văn tùng cổ trọng
Hồ sơn thanh hứng nhập thu cao
Kính trung bạch phát giai nhân lão
Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao
Miến tưởng cố viên tam kính cúc
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao.
Thu Nhật Ngẫu Thành (Nguyễn Trãi)
Tiêu điều lá rụng đầy sân
Bệnh vừa qua khỏi tâm thần an nhiên
Tôn vinh sách vở thánh hiền
Nước non thu cảm triền miên dâng đầy
Soi gương tóc bạc mà hay
Phù du muôn sự chỉ bày khổ thêm
Vườn xưa cúc nở nhớ thầm
Thuyền đưa hồn mộng đêm đêm giục về
Cảm Hứng Ngày Thu (Hải Đà phỏng dịch)
Ngô Thì Nhậm (1745 - 1803) là một trí thức đa tài, ông đã đóng góp nhiều thành tích đáng kể cho thời đại Tây Sơn về các phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao. Ông còn có biệt tài về văn chương, viết đủ thể loại: nghiên cứu, bình luận, thơ phú... Ông sống cuộc đời liêm khiết, khiêm tốn. Thơ ông ung dung phong thái, tiềm tàng khí phách trượng phu, tấm gương mẫu mực của kẽ sĩ luôn coi trọng việc nước việc dân. Bài thơ Thu Cúc của ông ý từ thanh nhã, nói lên cái đức độ thiền tâm, cái nhẹ nhàng thanh thản của một người, không ham phú quí, không cầu cạnh lợi danh, như loài hoa cúc kia, vẫn nở đầy núi dù trong trời sương giá lạnh, đem lại màu hoa tươi thắm để trang điểm cho tiết thu vàng:
Cao tiết xung hàn phóng mãn sơn,
Độc siêu quần hủy điểm thu nhan.
Hốt tư cựu tuế đông li hạ,
Đối tửu xan anh tận nhật nhàn.
Thu Cúc (Ngô Thì Nhậm)
Phủ đầy khí lạnh non xanh
Sắc thu tô điểm chỉ mình cúc bông
Nhớ xưa rào cũ bờ đông
Say nhìn hoa nở thấy lòng ung dung
Hải Đà phỏng dịch
Trương Hán Siêu ( ? - 1354) tự là Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, gốc ở Phúc Am, An Khánh thuộc Hà Nam Ninh. Thời trai trẻ, ông là môn khách trong dinh Trần Quốc Tuấn, từng đàm đạo thơ văn và chính sự với Trần Quốc Tuấn. Thơ văn Trương Hán Siêu còn lại không nhiều. Tác phẩm nổi tiếng qua nhiều thời là bài "Bạch Đằng giang phú". Chỉ với một bài này, ông cũng đã có vị trí xứng đáng trong dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm đời Trần. Trong văn chương của ông - mỗi dòng sông, mỗi tên đất như còn vang vọng mãi tiếng gươm giáo, tiếng gọi quân đánh giặc giữ yên sơn hà. Lòng yêu nước đó gắn liền với niềm tự hào chính đáng về truyền thống anh hùng chiến tận của dân tộc (trích suutap.com). Trương Hán Siêu có bài thơ vịnh Hoa Cúc như sau:
Khứ niên kim nhật hữu hoa đa
Ðối khách sầu vô tửu khả xa .
Thế sự tương vi mỗi như thử,
Kim triêu hữu tửu khước vô hoa
Cúc Hoa Vịnh (Trương Hán Siêu)
Ngày này năm ngoái nở đầy hoa
Chẳng rượu ngon mời tiếp bạn ta
Muôn sự trên đời hay nghịch lý
Rượu sẵn hôm nay chẳng thấy hoa 
Hải Đà phỏng dịch
Phan Chu Trinh sinh năm Nhâm Tuất (1872) niên hiệu Tự Ðức 26, tự là Tử Can, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã, quê ở xã Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam . Ông đã để lại một số thơ văn cách mạng để nói lên cái ý chí hạo nhiên của kẻ sĩ. Ngoài ra ông cũng sáng tác những bài thơ trữ tình, cũng như những bài thơ châm biếm những kẻ xu nịnh đương thời …
Ông Nguyễn Quí Anh là bạn thơ của Cụ Phan Châu Trinh, khi Pháp chiếm Nam Kỳ, cụ Phan Châu Trinh, dời ra Phan Thiết ở ẩn dật, chờ thời, chỗ ở này đặt tên là "Ngọa du sào" . Trong bài thơ đề tặng bạn Nguyễn Quí Anh, Phan Châu Trinh có nhắc đến "cúc kính" , tức là lối cúc, của Đào Tiềm khi xưa (tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn), để nói lên tấm lòng thanh thản của nhà nho, bất cần danh lợi, cáo quan lui về sống ẩn dật ở vườn quê . Cũng trong bài thơ này, còn nhắc đến chữ "đào nguyên" , cũng từ nguồn "Đào nguyên ký" của Đào Uyên Minh, tức là Đào Tiềm, truyện kể có người ngư phủ lạc lối, thấy hoa đào trôi xuôi, bèn chèo ngược dòng, đến được nguồn hoa đào, gặp con cháu những người tránh loạn đời nhà Tần, sống cảnh thanh bình, hòa hợp , no ấm như cảnh tiên, nên chỗ này được gọi là động Đào nguyên, chỉ cảnh sống ẩn dật, an bình .
Thiên lý phùng nghênh lưỡng bố y
Nhật tà chước tửu mộ giang ky
Quan hà thu đáo phong vân biến
Hồ hải nhân đa ý khí hi
Cúc kính bán hoang nhân di cổ
Đào nguyên hồi thủ sự toàn phi
Chí kim khẳng khái bi ca ý
Yên Triệu lưu phong cố vị suy
Tặng Nguyễn Quí Anh Nhụ Khanh (Phan Châu Trinh)
Hàn sĩ hai người nghênh tiếp vui
Đầu sông mời rượu ngắm chiều rơi
Thu về mây gió trời trôi nổi
Người gặp sông hồ chí hợp thôi
Lối cúc vườn xưa người vắng bóng
Chốn tiên cảnh cũ chuyện xa vời
Xưa nay hùng tráng lời ca đó
Yên Triệu còn lưu dấu ấn ngời
Hải Đà phỏng dịch
Cúc và Thiền Thi:
Triệu Chương Tuyền, một thi nhân đời Tống, với những bài thơ miêu tả đời sống an nhàn thanh đạm, hòa đồng cùng vũ trụ thiên nhiên, trong một bài "Luận Thi" (bàn bạc về Thơ), có câu : " Thu cúc xuân lan ninh dị địa. Thanh phong minh nguyệt bổn đồng thiên" (hoa cúc nở mùa thu, hoa lan nở mùa xuân là do thời tiết, chứ không phải do nơi đất đai khác nhau . Gió mát trăng thanh vốn cùng ở trong một bầu trời), đã nói lên cái phong độ thư thái an nhàn, tất cả cũng chỉ là sự tình cờ bất chợt trong cái vô thường của vũ trụ, "gió mát" -vô hình- là cái "không", "trăng thanh" -hữu hình -là cái "sắc" . "Không" chính là cái bản chất của vạn vật, còn "sắc" là cái biểu tượng bên ngoài . Đó là hai mặt của một bản thể thường hằng bất biến, tuy hai nhưng là một ..."sắc tức thị không, không tức thị sắc"
Sắc hoa, hương hoa, dáng hoa đã đem lại sự nồng nàn tha thiết, sự lãng mạn trữ tình cho người thơ . Hoa phảng phất những dư âm, làm rung cảm tình người, hoa hình như cũng muốn hòa chung vào cảm xúc, rung động của con người , vốn dĩ tất bật trong cuộc đời phù du tạm bợ này. Hoa đem lại hình ảnh đẹp nhưng cũng thật mong manh .."sắc tức thị không..." .như Bạch Cư Dị trong bài "Ký Vương Sơn Nhân" đã nói "Tùng thụ thiên niên hủ, Cẩn hoa nhất nhật yến, Tất cánh cộng không hư, Hà tu khoa tuế nguyệt" (cây thông ngàn năm mới mục, hoa dâm bụt một ngày đã tàn, Cuối cùng tất cả là hư không, Việc gì mà phải khoe cùng năm tháng)
Bàn về hoa cúc, người ta thường nhắc đến bài thơ man mác hương vị thiền, siêu thoát của nhà sư Huyền Quang (1254-1334) đời Trần .Tên thật của ông là Lý Ðạo Tái, pháp danh Huyền Quang, tổ thứ ba phái Thiền học Trúc Lâm . Các tác phẩm của ông gồm có "Chư phẩm kinh", "Công văn tập", và tập thơ "Ngọc tiên tập" có bài thơ Cúc Hoa nổi tiếng. Phần nhiều tác phẩm bị thất lạc, hiện giờ chỉ còn khoảng 24 bài được lưu lại đến ngày nay .
Theo tác giả Nguyễn Lang (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận) : "Huyền Quang giỏi Phật học nhưng thơ của ông bình dị, ít nặng nề danh từ Phật Giáo. Tuy vậy tính cách đạt ngộ thanh thoát vẫn bàn bạc trong thơ ông. Trong bài Hoa Cúc ta đã đọc những câu ông viết về chuyện ngắm hoa tuyệt diệu, trong đó người với hoa hồn nhiên là một và hình ảnh kỳ diệu của một bông cúc nở trong trạng thái ấy. Ông cười với tất cả lòng từ bi khi nhìn thấy một thiếu nữ vì không thây được bản chất mầu nhiệm của cúc, đã hái cúc cắm đầy đầu trước khi ra về "
"Huyền Quang rất yêu hoa cúc. Khi tuổi đã già, lòng đã khô héo, chỉ có hoa cúc mới làm êm dịu được lòng ông. Trúc với mai đối với ông không thể nào so với cúc được. Trong vườn đây đó ông trồng toàn hoa cúc. Ngồi thiền xong, ông ngồi ngắm cúc cho tới khi người ngắm hoa và hoa, hai thứ hồn nhiên là một. Kết quả là cái thấy về thực tại của ông nở sáng như một đóa hoa ...Bài thơ hoa cúc của ông có nhiều tình tiết cảm động, bình dị mà siêu thoát. Ta hãy đọc toàn bài để thưởng thức sự rung cảm của một người trên 70 tuổi, một người xem như hoa cỏ cả thân mạng và cuộc đời nhưng hễ thấy hoa cúc là tâm tình rộn ràng như một người trai trẻ thấy bóng người yêu" (Nguyễn Lang):
Tùng Thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính
Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia
Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp
Cố viên xứ xứ thổ hoàng hoa
Thiên giang vô mộng cán khô trường
Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang
Lão khứ sầu ngâm hồn vị ổn
Thi biều thực vị cúc hoa mang
Vong thân vong thế dĩ đô vương
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương
Niên niên hòa lộ hướng đương khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai
Hoa tại trung đình nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong âu
Chủ nhân nhữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu
Xuân lai hoàng bạch các phương phi
Ái diễm liên hương diệc tự thì
Biên giới phồn hoa toàn trụy địa
Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly
Cúc Hoa (Huyền Quang)
Tường Hủ nhà xinh nghe trúc reo
Tây Hồ cảnh đẹp thấy mai treo
Nghĩa tình chẳng hợp chăng đi nữa
Vườn cúc nơi nơi nở rộ đều
Sông ngàn đâu dễ nỗi niềm vơi
Mai vịnh trăm lần cũng thế thôi
Thổn thức sầu ngâm đầu vẫn bạc
Hân hoan cúc nở thấy lòng vui
Thế sự thân mình quên hết thôi
Ngồi thiền giường lạnh cảnh chơi vơi
Rừng sâu không lịch năm cùng tận
Biết tiết Trùng Dương cúc nở cười 
Năm tháng thu về nở thắm xinh
Trăng thanh gió mát thiết tha tình
Cười ai chẳng biết nhành vi diệu
Về xứ tóc đầy hoa khiết trinh
Người ở lầu cao hoa trước hiên
Ngồi im tâm tịnh đốt nhang thiền
Vật, người an phận không hiềm tị
Sánh với ngàn hoa cúc trước tiên
Xuân đến trắng vàng sắc điểm tươi
Ngát hương trang điểm cũng theo thời
Ngàn hoa rơi rụng trên ngàn lối
Hoa cúc rào đông lộng lẫy cười
Hải Đà phỏng dịch
"Rừng sâu không lịch năm cùng tận, Biết tiết Trùng Dương cúc nở cười"  rò ràng người thơ đã tách mình ra khỏi vòng cương tỏa của kiếp sống phù bình, tự ẩn mật ở một nơi chốn nhẹ nhàng thanh thoát, không cần lịch và không cần biết ngày tháng trôi qua, thời gian có bất chợt đến trong tâm hồn của người thơ cũng do sự ngẫu nhiên mà thôi "Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật, Cúc hoa khai xứ tức trùng dương .." , làm ta liên tưởng đến bài thơ Đáp Nhân (Trả lời Người) của Thái Thượng Ẩn Giả "Ngẫu lai tùng thụ hạ , Cao chẩm thạch đầu miên, Sơn trung vô lịch nhật, Hàn tận bất tri niên" (Tình cờ bước đến gốc thông, Gối cao trên đá giấc nồng chiêm bao, Khó tìm sách lịch núi cao, Rét run đã dứt năm nào chả hay? Hải Đà dịch), cũng cùng chung một ý tưởng với Đào Tiềm trong bài thơ "Đào hoa nguyên thi" :"tuy vô ký lịch chí tứ thời tự thành tuế" (tuy không có lịch ghi ngày tháng, nhưng bốn mùa tự thành năm)
Nói về thơ thiền đời Lý Trần, người ta thường nhắc đến Viên Chiếu thiền sư (999 - 1091) tên là Mai Trực, người đất Phúc Ðường, huyện Long Ðàm, là cháu của Hoàng Hậu Linh Cảm (mẹ vua Lý Thánh Tôn). Sư thọ giáo với Định Hương Trưởng Lão, rất am tường phương pháp Tam Quán của Kinh Viên Giác.Sư đứng ở vị trí đầu thế hệ thứ bảy dòng thiền Quan Bích.
"Thơ thiền phần lớn là ngững bài kệ, hoặc là vấn đáp giữa sư phụ và môn đệ cốt đưa đến việc khai thông trí tuệ. Nhiều bài cũng khô khan nghiêm khắc như những pháp cú, nhưng cũng có nhiều bài đẹp như một bài thơ. Nhiều khi những câu trả lời còn có dạng công án không trực tiếp liền nghĩa với câu hỏi như trong bài Tham đồ hiển quyết (Chỉ rõ bí quyết đạo thiền cho môn đệ) của thiền sư Viên Chiếu" (trích Đường Về Cõi Phật Qua Thơ Văn Xưa-Quách Thanh Tâm) .
Ly hạ Trùng Dương cúc,
Chi đầu thục khí oanh.
Trú tắc kim ô chiếu,
Dạ lai ngọc thố minh
Viên Chiếu thiền sư
Lưng giậu thu về cúc nở hoa
Xuân nồng cành thắm tiếng oanh ca
Vầng dương rạng rỡ ngày tươi sáng
Đêm đến trăng vàng lấp lánh xa
(Hải Đà phỏng dịch)
Theo văn học sử đời Lý còn có ông Phan Trường Nguyên, quê quán làng Trường Nguyên, huyện Tiên Du, Hà Bắc, nổi danh là một nhà tu hành chân chính thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Quan Bích. Ông là một người văn hay chữ tốt có tiếng, được vua Lý Anh Tông triệu về giúp việc, nhưng ông đã từ chối, lánh mình ở ẩn và dời lên tu tại chùa Sóc Thiên Vương, núi Vệ Linh, quận Bình Lổ . Tác phẩm của ông còn lưu truyền một bài thơ, biểu lộ tấm lòng của ông chỉ thích hướng về thiên nhiên dân dã với cuộc sống thanh bần, đạm bạc không vướng màu tục lụy:
Viện hầu bão tử quy thanh chướng
Tự cổ thánh hiền một khả lượng
Xuân lai oanh chuyển bách hoa tham
Thu chí cúc khai một mô dạng
Quy Thanh Chướng (Phan Trường Nguyên)
Khỉ vượn ôm con vượt núi ngàn
Xưa nay hiền thánh ý mênh mang
Trăm hoa, oanh hót, mừng xuân đến
Một mình cúc nở đón thu sang
Về Non Xanh (Hải Đà phỏng dịch)
Thu sầu dạo khúc thê lương
Nỗi buồn từ thuở ly hương lưu đày
Mơ quê xa lắc đường dài
Hoa vàng chợt thấy gửi ai đôi lời
Gió sương ngạo nghễ hoa cười
Mặc thu tàn úa, vẫn tươi thắm ngàn
Cha xưa yêu đóa cúc vàng
Lòng con ly xứ muôn vàn nhớ Cha
                   Hải Đà

Cúc và Cha tôi:
Lúc sinh thời cha tôi yêu thích hoa cúc, nhà tôi ở thành phố không có vườn, nên ông đã lấy gỗ tự đóng lấy mấy giậu ô vuông, đổ đất và trồng hoa, đặc biệt ông thích loại hoa vàng. Cúc nở lâu tàn, và những khi nhàn rỗi cha tôi vẫn thường nấu ấm nước sôi, tự pha trà và nhâm nhi ngồi nhìn hoa cúc, dáng dấp trầm ngâm suy tư về một nỗi niềm riêng ...Phải chăng tâm tư nhạy cảm của ông mang nặng tình hoài cổ, nỗi lòng rưng rưng về một ký ức xa xăm viễn mộng nào đó. Và khi nhìn chùm hoa cúc nở thắm, có lẽ cùng chung cảnh ngộ, đôi khi cha tôi chợt mỉm cười bâng quơ vì hoa cúc có thể mang lại một niềm tin, một thông điệp nào đó cho một kiếp đời vốn trầm uất với bao cảnh dâu bể thăng trầm của thế sự nhân tình, thời cuộc đổi thay:
Tôi nhớ cha tôi thuở sinh thời
Thích trồng hoa cúc, thú vui chơi
Ôi ! cánh hoa vàng tươi rực rỡ
Rực cả hồn quê, rỡ nụ cười
Một sáng mùa đông trời băng giá
Sương tuyết rơi rơi ngập cả vườn
Chỉ một loài hoa vươn cánh nở :
Cúc hoàng ! Cúc đảm ngạo hàn sương !
Hoàng cúc phương chi chẳng ngại ngần
Vươn mình sống thẳng giữa phong trần
Nhánh hoa thắm nhuộm màu tao nhã
Thắm cả lòng yêu mến quốc-dân ! 
Hải Đà
Dòng thời gian mãi trôi đi biền biệt ....bây giờ tôi nơi xứ lạ quê người, cứ mỗi độ thu về, tiết trời se se lạnh, lá vàng bắt đầu nhẹ rơi, tôi đã thấy hàng xóm láng giềng trồng cúc trước nhà, quanh vườn, cạnh hàng rào, dọc lối đi . Những cảm giác lạ lẫm của cái lạnh mơn man trong buổi sáng mùa thu, chút nằng nhè nhẹ ban mai làm tan đi làn sương mờ trên những khóm cúc nở vàng tươi rực rỡ , thoang thoảng trong gió đong đưa một mùi hương gợi cảm, bất chợt làm tôi chạnh lòng nhớ đến cha tôi ngày xưa ...Và trong phút giây lắng đọng, cảm xúc dâng trào, mạo muội viết bài thơ:
Cúc Đảm Ngạo Hàn Sương
Bách cảm thu ngâm uẩn khúc trầm
Lữ sầu uất muộn tại phân khâm
Mộng trung thanh phượng tư hà xứ (1)
Nhãn thượng hoàng hoa ký viễn âm
Tiếu ngạo hàn sương phô cốt cách (2)
Khai nhan diệu sắc kháng thu thâm
Sinh thời nghiêm phụ tương giao cúc
Du tử tha hương thốn thảo tâm (3)
Hải Đà
dịch nghĩa:
Hoa cúc ngạo nghễ dưới sương lạnh
Trăm mối cảm hoài, nghe khúc thu ngâm thầm lắng
Nỗi sầu xa xứ phiền muộn trong lòng từ lúc biệt ly
Trong giấc mơ quê cha (Thanh Phượng) thấy nhớ nhà xưa
Trước mắt thấy cánh hoa vàng như muốn nhắn gửi lời phương xa
Hoa cười kiêu ngạo giữa sương lạnh, luôn giữ phong cách
Mở mặt vui tươi màu sắc lộng lẫy như muốn thách thức thu già
Lúc còn sống thân phụ thích làm bạn với hoa cúc
Con bây giờ ở nơi xa xăm tấc lòng luôn tưởng nhớ
(1) Thanh Phượng= Thanh Cù, Phượng Lâu (tỉnh Hưng Yên, Bắc Việt) cũng là bút hiệu của thân phụ
(2) Cúc ngạo hàn sương= trời thu lạnh hoa tàn mà một mình cúc tốt tươi, ý nói người cao sĩ thời loạn ly
Cốt cách= phong cách thanh tao ,Hoàng hoa= hoa cúc màu vàng thường nở vào mùa thu
(3) Thốn thảo tâm= tấc lòng nhỏ ví như tấc cỏ "nguyện tương thốn thảo tâm, báo đáp tam xuân huy"=
mong đem tấm lòng như một tấc cỏ mà báo đáp công ơn cha mẹ ví như ánh sáng ba tháng mùa xuân
Bài thơ Du Tử Ngâm của Mạnh Giao có câu :"Thùy ngôn thốn thảo tâm , Báo đắc tam xuân huy"
Cúc Cười Ngạo Nghễ Gió Sương
(tưởng nhớ thân phụ)
1-
Ngâm khúc sầu thu luống đoạn trường
Mối sầu da diết thuở ly hương
Thầm mơ quê nội nhà xa quá
Chợt thấy hoa vàng gửi tiếng thương
Sương gió dãi dầu hoa ngạo nghễ
Thu già thách thức sắc phô trương
Sinh thời thân phụ yêu thương cúc
Tấc cỏ lòng con mãi vấn vương
2-
Thu sầu dạo khúc thê lương
Nỗi buồn từ thuở ly hương lưu đày
Mơ quê xa lắc đường dài
Hoa vàng chợt thấy gửi ai đôi lời
Gió sương ngạo nghễ hoa cười
Mặc thu tàn úa, vẫn tươi thắm ngàn
Cha xưa yêu đóa cúc vàng
Lòng con ly xứ muôn vàn nhớ Cha
Hải Đà
Ghi chú: Những bài thơ chữ Hán trong bài viết sưu khảo này đã có rất nhiều nhà chuyên khảo Hán Học uyên bác, các học giả tiền bối đã dịch Thơ Đường với những bản dịch trác tuyệt và tài hoa. Nhưng mỗi dịch giả có một cách dịch thâm thúy khác nhau dưới các khía cạnh thưởng ngoạn đa dạng và cảm xúc rung động muôn chiều khi đọc, ngâm, vịnh một bài thơ Đường.
Vì lòng đam mê văn chương và thi ca, tác giả mạo muội chỉ xin mượn ý và phỏng dịch từ Thơ ra Thơ. Vì phải giữ cấu tứ, âm điệu, thể cách, luật bằng trắc nên chắc chắc có rất nhiều thiếu sót vì nhiều chữ không được sát nghĩa, khó lột đúng tinh thần nguyên tác, cái khó khăn là phải giữ cái hồn thơ và ý thơ của nguyên bản, và đồng thời thi điệu của bài thơ dịch. Nếu có gì thiếu sót và bất cẩn, mong sự lượng thứ và thông cảm của quí bậc túc nho trưởng thượng và quí bạn đọc yêu thơ .
Hải Đà-Vương Ngọc Long
 Tài liệu tham khảo:
-Đường Thi Tuyển Dịch-Lê Nguyễn Lưu
-Lữ Đường Thi-Quách Tấn
-249 bài thơ Chữ Hán Nguyễn Du-Duy Phi biên soạn
-Giai thoại thơ Đường và Tác Giả - Hoài Anh
-Tạp chí Văn hóa Phật giáo-Nhật Chiêu
-Việt Nam Phật Giáo Sử Luận-Nguyễn Lang
-Đường Về Cõi Phật Qua Thơ Văn Xưa-Quách Thanh Tâm
-Tứ Quân Tử Trong Hội Họa Trung Quốc-Lê Anh Minh
-http://www.quangduc.com
-http://www.buddhismtoday.com
-http://www.truongviet.net
-http://www.luongsonbac.com
-http://www.maihoatrang.com
-http://www.phattuvietnam.org
-http://www.giaphahophan.com
Có phải em là nữ chúa Thu ?
Khai nhan lộng lẫy chốn sa mù
Muôn loài hoa khác tiêu điều dáng
Chỉ một mình em nét đặc thù
Ngạo nghễ dưới trời sương tuyết phủ
Kiêu sa trước cuộc sống phù du
Đào Tiềm một thuở tìm tri kỷ
Chỉ có hoàng hoa sánh trượng phu
          Hoàng Hoa (Hải Đà)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...