Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Giấc mơ đêm đông

    Giấc mơ đêm đông

     Giữa cái giá lạnh đến tái tê của đất trời, khi mà ngoài kia lạnh lùng cứ thốc từng cơn từng cơn... thì bạn làm gì? Bạn vùi mình trong chăn ấm? Hay bạn ngồi bên bậu cửa mơ màng ngóng gió để cảm nhận thế nào là tiết lạnh ngày Đông? Tôi cũng chẳng khác bạn là mấy đâu! Trong gian phòng nhỏ của mình, tôi lắng nghe đêm đông đang đến và tưởng tượng ra bóng hình của chàng lữ khách cô đơn phía cuối chân trời... Anh ấy liệu đã tìm thấy hơi ấm của riêng mình chưa để những đêm đông như thế này bớt lạnh?
    Có những bài thơ khiến ta day dứt và đọc đi đọc lại mãi không thôi. Và cũng có những bản nhạc đắm lòng người, nghe đi nghe lại bao lần mà vẫn cứ đắm đuối đến mê say. Đêm đông với tôi đã trở thành một giai điệu quen lắm... Tôi đang lắng nghe Đêm đông ...
     Thói quen ngồi một mình trong đêm và lắng nghe những giai điệu êm êm thật khẽ đã ngấm vào tôi tự bao giờ không biết nữa?
     Và đêm nay, lại một mình...
 
   Giữa lúc đất trời đang trở lạnh.Tôi lại lắng nghe đêm đông trở mình...
     Mà lạnh thật, đã cuối đông rồi. Sớm nay có mưa. Còn giờ đây tôi biết ngoài kia là giá rét.
 Nhịp sống hối hả dường như không hiện diện ở nơi này! Mùa đông, thời gian trôi đi chậm quá! Nếu bạn thức trong đêm đông lạnh, có lẽ bạn sẽ lắng nghe được cả những thanh âm mà ngày thường dẫu lắng lòng cũng chẳng thể nhận ra.
 
    Đêm nay, tôi nghe bản nhạc Đêm đông mà lòng lại lặng buồn... Cái không gian xa xa, mơ hồ chìm khuất như hư ảo như cõi mộng lạc vào trong nỗi khát khao mái ấm gia đình nó hút hồn tôi đến độ mê say. Bạn có nghe thấy không? Da diết quá...
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống 
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông 
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời 
Cùng mây xám về ngang lưng trời 
Thời gian như ngừng trong tê tái 
Cây trút lá cuốn theo chiều mây 
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều 
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu...

Đêm đông - Bảo Yến
     Tôi biết không chỉ riêng mình yêu mùa Đông, cũng chẳng phải chỉ mình tôi yêu thứ âm nhạc trong veo đến độ mơ hồ của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương trong Đêm đông. Nhạc sĩ có lần kể rất xúc động về xuất xứ của bài hát ấy. Khi viết tác phẩm này, ông chỉ là một chàng trai 20 tuổi. Một sinh viên nghèo xác, đêm 30 không có tiền về quê ăn tết, lang thang trong gió lạnh Hà Nội với bộ quần áo cũ và đôi giày tây rộng thùng thình. Chàng trai chỉ đủ tiền ăn ổ bánh mỳ, chàng dạo vội qua phố Khâm Thiên, phố ả đào nổi tiếng của Hà Nội bấy giờ, mong tìm một chút hơi ấm giữa lòng khu phố dập dìu đó. Thế nhưng, ngay cả khu phố nhộn nhịp mọi đêm khi ấy cũng vắng ngắt. Một cô đào nghe tiếng bước chân tần ngần vội chạy ra nhìn chàng rồi chán nản quay vào, khiến chàng trai chỉ kịp nhìn thấy phản chiếu trong gương một cánh tay trần trắng đến xanh xao... Buồn chán, chàng quay về căn gác trọ. Giữa tiếng gió gào rú bên ngoài, nhạc sĩ viết một mạch xong bài Đêm đông. Từ thân phận mình, cảm thân phận người...bài hát lặp lại mãi từ Đêm đông, điệp lại mãi sự điên cuồng của gió...
...Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu 
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng 
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư 
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng 
Gió nghiêng, chiều say 
Gió lay ngàn cây, 
Gió nâng thuyền mây 
Gió reo sầu miên 
Gió đau niềm riêng 
Gió than triền miên...


Đêm Đông - Saxophone Lê Tấn Quốc

      Tôi đã nghe nhiều người kể về cái xuất xứ ấy của bài ca. Vậy mà lần nào cũng thấy lắng lại một nỗi niềm! Như đêm nay là một nỗi tri âm sâu thăm thẳm cùng người nghệ sĩ nghèo ấy... Tôi hiểu lắm cái tê tái buốt rét trong lòng thi nhân, người lữ khách, hay cũng chính là sự hóa thân vào đến sâu thẳm của người nhạc sĩ thanh bần...Thi nhân cũng dần đi vào chính lòng mình. Cái tĩnh lặng mỏi mệt của không gian khiến thời gian trong tâm hồn thi nhân, dường như cũng dừng lại và tê tái. Cái tê tái đến đây đã là cái lạnh của lòng, của chiều sâu. Và cái tê tái đó càng tái tê hơn khi lữ khách trở về với thế giới mặt đất gần hơn xung quanh mình: cây trút lá, mưa giăng mắc, sương thướt tha, và tất cả cứ tiêu điều, đìu hiu quá. Tiếng ca Ánh Tuyết vốn trong, cao và lạnh. Nhập với lời ca này, sao cái tái tê lạnh buốt cứ ngấm dần, ngấm dần và ngấm rất sâu vào hồn người nghe…
   Hãy để cho tâm hồn mình  lắng nghe tiếng lòng nức nở của người lữ khách giang hồ, để biết anh ấy khát khao điều gì trong cái chiều-đêm mùa đông ấy:
...Đêm đông, ôi ta nhớ nhung 
Đường về xa xa
 
Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình, yêu đương
 
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
 

Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà?...

   Lữ khách trong đêm đông vẳng nghe tiếng vọng trong lòng người xa quê nỗi nhớ mái ấm gia đình, nơi ấy có người thiếu phụ bên ngọn đèn khuya ôm nỗi sầu lẻ bóng ngậm ngùi trong chờ đợi. Nỗi day dứt vì cách xa chẳng phải đêm đông mới có, nhưng lại cứ cồn lên vào mỗi đêm mùa đông lạnh lẽo. Mùa đông, người ta cần nhau, cần chia sẻ, cần sự gần gũi bằng xương thịt để cảm nhận cái ấm nồng về tâm hồn. Nhưng mùa đông lạnh chỉ nhắc rằng nỗi khát khao đó là không thể. Khát khao càng mạnh thì nỗi sầu lạnh chỉ càng lớn dần thôi. Và gió, gió cứ mãi thét gào khắc sâu vào lòng người nỗi hoang hoải của đơn lẻ, của sầu mong...
 Gió say, gió nghiêng, gió sầu miên man với nỗi đau riêng nào phải ai cũng thấu. Tiếng thở than của gió đêm đông ấy cũng chính là nỗi sầu triền miên của kiếp người...

...Đời như vô tình ta ngao ngán 
Non nước thê thảm mang cảnh tang 
Thân lãng du cô liêu chán chường 
Về đâu giữa trời đông đêm trường 
Sầu lên khơi hồn quê lai láng 
Ta van gió nhân mưa ngừng than 
Cho ta lắng tiếng vang muôn lòng 
Rên rỉ qua không gian buồn mong... 

   Lúc này, đêm đông, đó là nỗi nhớ nhung, đêm đông, đó là giấc mơ gia đình, giấc mơ một tình yêu, giấc mơ về hơi ấm tình người. Nhưng đêm đông, đó lại cũng là hiện thực, hiện thực với đường về còn xa lắm, với bước chân phong trần còn lê trên đường đời dù mỏi mệt, là hiện thực với cái tê lạnh của tâm hồn một kẻ cô lữ không nhà. Bài hát kết thúc bằng một câu hỏi. Câu hỏi chầm chậm cất lên: “Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà?”. 
   Vậy là, trong đêm đông bây giờ, không có một ngôi nhà, không có một người tri kỷ, chỉ có một lữ khách, một lạnh lẽo và một nỗi cô đơn. Câu hỏi ấy day dứt trong tôi khi mà giai điệu sâu lắng nghẹn buồn ấy đã trôi vào thinh lặng. Một câu hỏi không có lời đáp, rơi vào thinh không, hoang hoải muộn phiền... Một sự mong mỏi, một nỗi khát khao kiếm tìm trong đêm lạnh đông giá hơi ấm của tình yêu... 
   Và tôi biết trong giây phút này, chính mình cũng đang lắng hồn mình, hóa thân vào kiếp cô đơn lữ thứ để mơ một giấc mơ gia đình đầm ấm an vui... Anh còn cô đơn nữa không, hỡi người khách lãng du? Nơi chân trời xa ấy, còn đây một tấm lòng cũng khắc khoải chờ mong đêm tàn trong ánh hồng ấm lửa. Mong sao đường xa bớt lạnh, bước chân phiêu lãng của anh sẽ ngược trở về. Không xa đâu anh, là hạnh phúc, là ấm êm, là rất quen một cõi đi về...
   Trời đã vào Đông từ bao ngày rồi, vậy mà đêm nay tôi mới cảm thấy thực sự Đông đã hiện diện ngay đây, bên tôi không còn là ảo giác vô hình... Đông níu bước chân tôi bên cửa sổ, đông ôm vai gầy run run, đông khẽ khàng hôn lên môi tôi tê tái mà nồng nàn run rẩy... Tôi yêu mùa Đông!
Vân Ly

Đêm Đông - Hồng Nhung 


1 nhận xét:

  Mỹ cảm hoài niệm trong thơ Hoàng Thân – Bài của Trần Hoài Anh 5 Tháng Tư, 2023 Để trả lời câu hỏi: Thơ là gì? Alfred De Vigny, một thi...