Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Hồ kiên Giang và những vần thơ man mác tình sông nước

Hồ kiên Giang và những vần thơ man mác tình sông nước
1. Là một tác giả trẻ của ĐBSCL, hiện là phóng viên báo Quân khu 9. Hồ Kiên Giang gia nhập quân đội năm 20 tuổi (tháng 2/1985). Anh nhanh chóng hòa nhập, trưởng thành trong cuộc sống quân ngũ và cũng sớm khẳng định tài năng văn học nổi trội với nhiều giải thưởng của các cuộc thi truyện ngắn, bút ký của tỉnh Cần Thơ (1997), Kiên Giang (2000), giải 4 cuộc thi bút ký do tạp chí VNQĐ tổ chức, năm 1998 – 2000 và năm 2002 – 2004. Đặc biệt anh đã đạt Huy chương vàng phim tài liệu Trên đồi Ma Thiên Lãnh trong kì liên hoan Phim truyền hình toàn quân lần thứ VII năm 2007. Đó là chưa kể các giải thưởng của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Bộ quốc phòng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhũng năm 2004 – 2009. Đồng  thời anh cũng đã góp mặt với làng văn bằng  hai tác phẩm đều do nhà xuất bản QĐND ấn hành: một tập bút ký Về cõi biên thùy năm 2004, một tập truyện ngắn Khúc dạ cổ năm 2009. Điều đó cho thấy ưu thế sở trường của Hồ Kiên Giang là lĩnh vực văn xuôi và bước đầu đã thành công trong chặng đường sáng tác của mình.
    2. Trong một bài viết cho tạp chí VNQĐ cách đây không lâu, Hồ Kiên Giang từng mơ ước được đặt chân vào “Nhà số 4”(1). Mơ ước đó không viễn vông bởi trong thời gian gần đây, anh đã góp mặt khá thường xuyên với tạp chí bằng những bài bình luận văn học, truyện ngắn, bút ký viết về những binh đoàn, đồng đội, những vùng đất anh hùng, những chiến sĩ anh hùng của dãi đất phía Nam có hiệu ứng khá tốt như: Về hòn Đá bạc, Suối tóc thời gian, Lên tuyến…(2). Nhưng Hồ Kiên Giang còn gởi đến người thưởng thức văn học những vần thơ man mác tình sông nước.
    Mở Website của Hội Nhà Nhà Văn TP.HCM ngày 22/7/2011 ta có thể bắt gặp Hồ Kiên Giang ngang trời nước lên , bắt gặp nhà thơ cùng bạn ngồi xuồng dạo chơi trên dòng sông Hậu:
          “Môt đêm trăng xuôi dòng sông Hậu
          Ba đứa ngồi trên chiếc xuồng con
          Sông lững thững sau một ngày nắng cháy
          Đồng rộng thơm hoài hương lúa non”
    “sông lững thững”, “hương lúa non thơm” cũng là bạn thiết vì trong họ ai cũng đã có một thời tuổi nhỏ băng đồng, lội ruộng tắm sông. Cảnh sắc hữu tình tuy chưa lung linh như bức tranh thơ “lúc ấy dòng sông long lánh ánh vàng/ mái dầm khua chiếc xuồng ai về muộn/ long lanh sông vàng lang thang…”(Mơ – Lê Minh Chánh,Văn Nghệ Tp.HCM, số 217 30/8/2012). Bạn cũ lâu ngày gặp lại nên cuộc nhậu không thể không gầy ra. Một kiểu nhậu rất dân dã. Mồi nhậu là sặc rằn nướng trộn xoài xanh băm nhuyễn, những ly rượu đế nồng thơm.Họ nâng ly uống cạn nghe có cả mùi lúa thơm, vị ngọt của nước sông quê.
      “…Nào nâng ly sóng sánh ánh trăng vàng
          Mồi nhắm có cá sặc rằn, xoài chát
          Và sông dài
          Và đồng rộng mênh mang”.

  Tả thực như thế là khá đắt, bạn đọc chắc cũng khoái theo cái quá đã mà tác giả kêu lên “Uống rượu đế trên xuồng/ Trời!/ Sướng thiệt”. Đắt ở cái tình, niềm xúc cảm được gởi vào nhũng câu thơ. Tình bạn của họ chân chất đậm màu sông nước kênh rạch, phù sa. Tác giả Thái Hồng cũng có chung cảm nhận về tình bạn, tình người khi một lần nhớ về dòng Cổ Chiên  quê mẹ: “tình người thẳng ngay như rể bần lặn sâu ngực đất” (Một chút đồng bằng, Văn Nghệ số 32, 11/8/2012). Và hẳn nhiên không thể thiếu âm nhạc. Nhậu trên xuồng ngà ngà men rượu họ cùng hát ca. Bạn cất lời, tôi phụ họa. Bài ca  có thể là Dạ cổ hoài lang, Tình anh bán chiếuhay Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà(3)…theo nhịp song lang của  dép, mái dầm khi bạn ư…ử xuống  xề. Họ say, họ hát bằng cả tình bạn ấm nồng lan dài trên sông Hậu rạng rỡ ánh trăng vàng. Không kỳ tài để sánh với các bậc tiền bối thánh thi như Nguyễn Khuyến, Tản Đà “Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua”; “Đất say đất cũng lăn quay/ Trời say mặt cũng đỏ gay , ai cười”, Hồ Kiên Giang cũng có cách tả riêng của mình:
          “Một đứa cất lời ca vọng cổ
          Hai đứa cùng lời cũ nối lời nay
          Dép cao su, mái chèo gõ nhịp
          Chiếc xuồng gật gù như ông lão đang say…”
    Rồi họ chia tay để đi về những phía khác nhau trong cõi đời rộng lớn nhưng trong tâm hồn tác giả và những người bạn màu trăng đêm cứ mãi lấp lánh, rạng tươi, cứ mãi ngọt ngào câu vọng cổ hoài hữu, hoài lang. “Ba gã trai nghèo phong trần hằn khuôn mặt/ Câu vọng cổ nối dài xa cách bấy nhiêu năm”.
    Hồ Kiên Giang còn để lại ấn tượng ở những bài thơ khác: Điên điển hoa vàng, Cây dừa nước, Sông quê, Mưa đầu mùa, Nơi cũ với tình thơ thấm đẫm, mặn nồng.
    Nhũng cơn mưa đầu mùa ào ạt, cũng có khi giăng sợi, lất phất hạt bay trữ tình nhưng ở tác giả là nỗi niềm“Mưa đầu mùa/ Lại đến/ Bỗng rưng rưng” vì mưa xóa niềm vui mang đến nhiều chảy tan mất mát:
          “Mưa đầu mùa
          Cũng qua nhanh thôi
          Chỉ còn cánh đồng vị mặn
          Mặn nước mắt
          mặn mồ hôi
         và máu
         Của diêm dân tan chảy không ngừng”
                                           (Mưa đầu mùa)
    Bông điên điển một trong những loài hoa đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ cũng đi vào thơ của Hồ Kiên Giang thật tự nhiên:

          “Đang mùa điên điển trổ hoa
          Cánh đồng vàng dịu như là nắng lên
          …Vàng trong gió thổi tơi bời
       Vàng trong cơn lũ ngang trời nước lên...” 
    Nó góp vào bữa ăn dân dã nhưng hấp dẫn, ngon miệng của người dân quê bao đời, món cứu đói trong những đợt lũ tràn đồng, trắng nước. Âm nhạc đã tôn vinh loài hoa này bằng những khúc dân ca đậm tình quê. Với Điên điển hoa vàng, tác giả cũng đã trãi sắc vàng loài hoa sông nước - sắc vàng thơ lung linh bằng nhịp điệu truyền thống của thể lục bát dễ làm mà khó hay trong câu hò, điệu hát giao duyên nối kết tình lứa đôi,“Vàng trong câu hát trao nhau/ Yêu màu hoa nở trong màu áo ai”, “Mai này dòng sông đưa dâu/ Vàng hoa điên điển nối cầu ta qua”. Ta dễ nhận ra chất liệu ca dao quen thuộc “nối cầu, bắc cầu, trao duyên, trao nhau” cũng như không khó liên tưởng đến câu thơ tài hoa của Nguyên Sa “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc” nhưng “sắc vàng bông điên điển” Hồ Kiên Giang vẫn gợi lên một chút xôn xao:
          “Bao đời như chẳng tàn phai
          Nghe bình yên mỗi ban mai hoa vàng”
    Hoài niệm về dòng sông tuổi thơ Hồ Kiên Giang lắng lòng mình với  dòng sông hiền hòa đỏ lựng phù sa. Con sông ở xã Vĩnh Hưng Bắc, Gò Quao nơi chôn nhau cắt rún của mình như trong một tản văn tự bạch: “Tôi sinh ra giữa khúc sông này – con sông Vĩnh Hưng dài hun hút, mùa nào cũng đầy ắp phù sa…Tôi lớn lên tại đây, bằng giọt mồ hôi chiết ra hàng ngày của tía, trên tấm lưng mỗi năm một còng thêm của mẹ...” (4). Dòng sông giàu có thủy sản, giàu có truyền thống đánh giặc anh hùng. Cũng nơi khúc sông này, tác giả tắm mình thỏa thích và tắm mát hồn trong tiếng bìm bịp gọi gió sông chiều, trong câu hát ầu ơ, ví dầu và cả trong dập dềnh sắc tím lục bình, trong tiếng ca ngân dài giữa những đêm trăng mượt mà:
          “Những khuya trăng trải lụa mềm
          Lời ca ai thả dọc miền sông quê”
    Nhưng có thể làm mềm lòng người đọc chính là cách  khắc chạm dáng hình con sông:
          “Con sông có dáng lưng còng
          Nội tôi đi mãi mà không thấy về
          Má tôi xuôi ngược đường quê
          Cha tôi bạc tóc vẫn nghề nhà nông”
    Hình ảnh “dáng lưng còng của sông, nội tôi đi mãi, cha tôi bạc tóc” là sự tìm tòi trong biểu đạt, sống động trong sự gắn kết hài hòa với nhịp thơ êm đều nên đẫm tình quê cảm động. Con sông quê sâu nặng nghĩa ơnlai láng lớp phù sa ơn cù lao, nghĩa cần lao một đời của Nội, của tía, má. Cho dù khi một lần về lại với sông,“Mới đây tôi về thăm nhà. Đi vỏ lãi trên con sông Vĩnh Hưng man mác tôi thấy tuổi thơ tôi ùa về. Hớp vài ngụm nước sông tôi thấy có gì khang khác trong vị ngọt phù sa…” (5), nó bị tàn phá đến nhói lòng đến nỗi tác giả phải thảng thốt:  nước sông quê đã đổi màu!
          “Bao năm xa cách tôi về
          Nhà xưa vẫn đó sông quê lấp rồi
          Sao tìm lại tuổi thơ tôi
          Ơi màu hoa tím êm trôi lục bình…?”
    Với bài thơ Sông quê, khúc hoài niệm được rung ngân bằng sợi dây cảm xúc hết mực chân thành ở tác giả.

    3. Một thi phẩm góp mặt trên các trang báo có uy tín (báo in, báo mạng…) xem như đã được “kiểm định” về chất lượng nội dung lẫn nghệ thuật. Nhưng sáng tác ấy sẽ “đứng được” bao lâu với thời gian và trong lòng bạn đọc? Xét đến cùng chính là do “tư tưởng và tình cảm” (Triệu Từ Truyền) - cái gốc của Thơ. Trong đó “tình cảm, cảm xúc” là yếu tố căn cơ mang tính quyết định và từng là nỗi lo thường trực những ai từng trãi nghiệm với Nàng Thơ: “Thơ ta ơi chớ để lòng đi vắng”. Với cây bút văn xuôi trẻ của miệt đồng bằng Nam Bộ, ý kiến ấy lại rất trúng, sợi dây xúc cảm ở tâm hồn anh đã ngân lên tiếng thơ bằng “sự rung cảm đích thực của trái tim mình”(6). Cá tính, giọng điệu riêng…, người sáng tác văn học, người làm thơ phải học, phải sống, phải lao động nghệ thuật cật lực có khi cả một đời mới có thể vươn tới, mới có thơ hay, tác phẩm đặc sắc. Nhưng khởi đầu đặt chân vào cõi thi ca cũng nên hiểu rằng, “…Thơ là lời chữ được thử thách qua nhiều chặng đường gian nan của tâm linh; chữ nào đứng được và gắn vào một câu có biên độ lớn làm lay động lòng người, làm giật mình người đọc mới thực sự là câu thơ hay” (7). Thơ Hồ Kiên Giang hẳn là chưa có nhiều câu, chữ đến mức “làm lay động lòng người, làm giật mình người đọc” nhưng tôi cho rằng những bài thơ trên cũng đã để lại những ấn tượng ban đầu, đọng lại ít nhiều dư vị buồn thơ, ngọt lựng tình sông nước trong lòng người yêu thơ.
          - Đang mùa điên điển trổ hoa
          Cánh đồng vàng dịu như là nắng lên
          - Uống rượu đế trên xuồng
            Trời!
            Sướng thiệt                       
          … Dép cao su, mái chèo gõ nhịp
          Chiếc xuồng gật gù như ông lão đang say…
          - Con sông có dáng lưng còng
            Nội tôi đi mãi mà không thấy về…
 
Số 4, Lý Nam Đế- Hà Nội : địa chỉ của Tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.
Tạp chí VNQĐ các số: 747, 751, 754.
Những bài ca cổ của các soạn giả Cao Văn Lầu, Viễn Châu.
(4,5) “Sông quê” (Tản văn của Hồ Kiên Giang - báo Văn Nghệ, số 17 + 18, ngày 28/4/2012)
(6) “Thơ – Bất chợt những vui buồn…” Lê Huy Quang - VNQĐ, số 747, tháng 4/2012.
(7) “Thuở đầu làm thơ” (Những chữ qua cầu tâm linh – Triệu Từ Truyền, Nxb Văn Học năm 2008)
Nguyễn Nguyên Phượng

 

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...