Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Thơ Mới nhìn từ sự vận động thể loại

Thơ Mới nhìn từ sự vận động thể loại 
Hoàng Sỹ Nguyên

 Ngôn ngữ cảm thán, hô ngữ trong thơ Hàn Mặc Tử, ngoài dụng công giao tiếp đặc biệt như Thế Lữ, bộc lộ tình cảm, tâm trạng như Nguyễn Bính, còn chuyên chở nỗi đau tâm hồn, sự thác loạn thể xác:
          Chao ôi! Chúng tôi rú lên vì kinh động
                             (Rượt trăng - Hàn Mặc Tử)        
                        - A ha hả! say sưa chê chán đã.
                        -  Ôi điên rồ! Khoái lạc đến ngất ngư
                        - Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng
                          Một vũng cô liêu cũ vạn đời
                                                (Cô liêu - Hàn Mặc Tử)  
    Việc đưa những yếu tố giao tiếp với những hô ngữ, thán ngữ, lời than, lời kể... như trên vào thơ một cách tự nhiên làm cho ngôn ngữ sống động, tươi nguyên, nhộn nhịp như nhịp sống đô thị. Nó vừa biểu hiện phương thức thơ trữ tình hướng nội, vừa biểu hiện sự "xuân hóa" trong thơ thời hiện đại.
Tần số sử dụng hô ngữ, thán từ... không đều giữa các nhà thơ là do "chất giọng" riêng của từng tác giả. Buổi đầu, nhạy cảm với thi pháp trung đại, Thế Lữ, Nguyễn Thị Kiêm... dùng nhiều chất giọng nói, tăng cường tính giao tiếp trực tiếp để "tránh xa" khuôn khổ gò bó cũ. Giai đoạn từ 1936, Huy Cận, Xuân Diệu nghiêng về trần thuật, bày tỏ nên ít giọng thủ thỉ. Nguyễn Bính giàu chất tâm tình, van nài, nuối tiếc của những mối tình lỡ làng. Hàn Mặc Tử  tràn ngập những thảng thốt đau thương và mất mát. Bởi vậy, ở Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử, câu thơ dùng ngôn ngữ, thán từ nhiều hơn ở Xuân Diệu, Huy Cận.
       Ảnh hưởng của tư duy phân tích cụ thể phương Tây, cách nói bằng các con số cũng xuất hiện trong Thơ mới.  Cái tôi trữ tình cá nhân thường luôn cảm thấy mình đơn lẻ, cô độc nên số  MỘT được xuất hiện nhiều nhất. Từ Thế Lữ đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử là vận động không đổi thay của con số MỘT cụ thể đầy cảm tính:
        Thế Lữ: “Ta là một khách chinh phu”, “Trong nhà tranh, một mình tôi than thở”, “Tôi mang theo một mối u hoài”, “Tôi chỉ là một khách tình si”, “Một  ánh hương tan, khói tỏa mờ”...; Nguyễn Bính: “Lẻ loi chỉ một góc trời riêng anh”, “Có một chiếc xe màu trắng đục”, “Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi/ Đem đi một chiếc quan tài trắng”, “Người có đôi, ta chỉ một mình”, “Trọn đời làm một kẻ vô duyên/ Trọn đời là một thân cô lẻ”...; Xuân Diệu: “Một chàng thi sĩ thoảng hơi men”, “Một thoáng cười yêu thỏa khát khao”, “Rồi một ngày mai tôi sẽ đi”, “Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ”...; Chế Lan Viên: “Một vì sao trơ trọi cuối trời xa”, “Một chút thương an ủi tấm lòng”, “Trên một tấm mộ tàn ta nhặt được”, “Một cô hồn về đây theo gió lộng” ...
       Trong việc sử dụng có ý thức hệ thống từ chỉ con số, Xuân Diệu là nhà thơ có nhiều cách diễn đạt mới mẻ hơn cả. Ông đã đưa cách diễn đạt của câu văn Pháp vào thơ mình trong cách nói định lượng về những cái trừu tượng vốn không có trong Tiếng Việt: “Yêu, là chết ở trong lòng một ít”, “Hơn một loài hoa đã rụng cành”, “Ai đem phân chất một mùi hương”, “Vài miếng đêm, u uất, lẫn trong cành”, “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/ Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu” ...                                          
Như vậy, từ thơ trữ tình điệu ngâm sang thơ trữ tình điệu nói, ngôn ngữ thơ tiếng Việt đã làm cuộc chuyển hóa nhanh chóng từ thi pháp trung đại sang hiện đại. Số từ vựng càng giàu có, cách diễn đạt càng tự nhiên, càng chuyên chở đầy đủ, tinh tế những cảm xúc phong phú, đa dạng, đa cung bậc của cái tôi trữ  tình tiểu tư sản trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
2. SỰ ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ  NGÔN NGỮ THƠ
2.1. Giá trị biểu cảm, sự tinh tế của ngôn ngữ thơ
Từ 1934, không ai còn nói chuyện Thơ mới,  thơ cũ nữa mà người ta quan tâm đến thơ hay, thơ dở. Nếu giai đoạn đầu, trong thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp... câu thơ mang chất văn xuôi nhiều, hình ảnh còn đơn điệu, nghiêng về tả thì đến giai đoạn 1936 - 1940, câu thơ cô đúc hơn, hình ảnh mang tính ẩn dụ biểu trưng, nghiêng về gợi nhiều hơn. Cùng với sự vận động làm hoàn hảo thể thơ, cái tôi thi nhân  giai đoạn này rất có ý thức đưa ngôn ngữ thơ vận động đến độ hàm súc, cô đọng...
            2.1.1. Sự chuyển nghĩa của ngôn ngữ thơ đã cung cấp lượng thông tin mới cho từ trong hoạt động ngữ nghĩa. Thơ Thế Lữ ít có sự lạ hóa từ ngữ, cách sử dụng thường quen thuộc. Đến Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, hệ thống từ vựng mới và cách sử dụng mới xuất hiện nhiều. Đó là những cách dùng từ rất lạ:
           Nguyễn Bính:
            - Chị ơi, em cưới mùa xuân nhé.
            - Xem những cành cây nó cưới nhau.
            - Tình xa lăng lắc dưới chăn bông.
            - Nằm mãi mà xem cái nhỡ nhàng
            - Lòng trạng lâng lâng màu phú quý        
            Xuân Diệu:
            - Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần.
            - Nghe chiều âu yếm lấn vô người.
            - Vườn cười bằng bướm, hót bằng chim
            - Hãy tuôn âu yếm, lùa mơn trớn
            - Hương ngây tội lỗi rái mơ màng.
            - Chiều góa không em lạnh lẽo sao
            - Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
           Chế Lan Viên:
            - Trưa gọi kêu, nâng ngực gió lên trời
            - Ôi, biển thanh niên vững già vạn tuổi
            - Dưới trời huyết, tháp chàm buồn tư lự.
            - Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
            - Mà tiếng cười ghê rợn dậy vang mồ.
           Hàn Mặc Tử:     
            -Tôi vo nhớ tiếc như vo lụa
            - Tôi riết thời gian trong nắm tay
            -Tôi lượm lá trăng làm chiếu trải
            - Lòng thiếp buồn như một tấm nhung
            - Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự.
            Bích Khê:
            - Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường
            - Sặc sụa hương nào thơm xác ma
            - Lụa mây nẩy vàng chạm
               Tía ngọc bén vàng ngân
            - Thủy tinh ai để lòng gương hồ
            - Ai giam lỏng một vì sao giữa mắt
Nhà thơ "mới nhất trong các nhà Thơ mới" Xuân Diệu có bảng từ vựng mới lạ rất phong phú. Theo ông, điều cốt trong tư tưởng thi ca là ý thức sáng tạo theo quy luật cái mới: "Tôi muốn sát nhập thơ vào cái xứ sở thần tiên mà âm thanh mở ra cho chúng ta. Không chỉ tạo những câu thơ du dương, vang động, đầy tính nhạc mà còn tạo nên những chất xạ mê li đầy ảo thuật huyền bí nhờ có phép luyện kim đơn của ngôn ngữ" [20,15]. Bằng sự kết hợp bất thường những từ rất khó đi kèm nhau, Xuân Diệu đã cho ra đời vô số những hình ảnh bất ngờ, thú vị ("Tuôn âu yếm", ''Lùa mơn trớn", "Khúc nhạc hường", "Hạnh phúc vờn"...).
  Trong hành trình truy tìm cái đẹp của ngữ nghĩa Tiếng Việt, các nhà Thơ mới cũng từng bước "cấp" cho ngôn ngữ, hình ảnh những thông tin mới, ý nghĩa mới. Theo Mã Giang Lân, trong câu thơ "Chiều góa không em lạnh lẽo sao" của Xuân Diệu, từ "góa" có nhiều liên tưởng nghĩa mới. Nếu tác giả viết "chiều vắng không em..." thì chỉ là sự thiếu vắng. Đưa từ "góa" vào, ngoài nghĩa trống vắng còn là sự đơn chiếc, "Lạnh lẽo sao" từ ý gợi của cảnh "góa bụa". Trong câu "Trăng thương, trăng nhớ hỡi trăng ngần" thì theo cách hiểu quen, thuộc từ "ngần" thường làm trợ ngữ cho tính từ "trắng" (trắng ngần). Nhưng theo nhà ngôn ngữ  học Hoàng Thị Châu thì ở đây, Xuân Diệu đã tạo một cuộc sống mới cho từ "ngần", độc lập với từ "trắng". Hình ảnh cây đa - bến nước, dòng sông - con thuyền vốn là ẩn dụ của sự hò hẹn và chia li trong thơ dân gian, đến Nguyễn Bính, nó có thêm ý nghĩa biểu tượng cụ thể của sự lỡ làng và lỡ bước:
            - Buông sào cho nước sông trôi
                                   (Giấc mơ anh lái đò - Nguyễn Bính)
            - Đi biệt không về với bến sông
                                                 (Cô lái đò - Nguyễn Bính)
            - Chừ đây, bên nớ bên tê,
            Sương thu xuống, gió thu về bồng bênh,
            Đàn ai chừng đứt dây tình         
            Nổi lên một tiếng buồn tênh rồi chìm       
                                          (Lửa đò - Nguyễn Bính)
          Cùng với việc đổi  mới câu thơ, đổi mới  từ ngữ, Thơ mới giai đoạn  này  có sự vận động tăng cường tầng nghĩa sâu theo "Nguyên lí tảng băng trôi" (Hemingway) bằng các biện pháp ẩn dụ, chuyển đổi cảm giác, tạo nghĩa gợi ý, ẩn ý, hàm ý. Theo Chế Lan Viên, trong thơ có "bề mặt" ,"bề sâu" và cả "bề xa" nữa.
            Câu thơ mở đầu bài Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử: "Sao anh không về chơi thôn Vỹ" là một câu hỏi phản ánh nội tâm phong phú và tuyệt vời tế nhị. Từ "sao" là từ để hỏi, đặt ở đầu câu như nỗi niềm da diết, bức xúc bị dồn nén quá lâu nay mới được bật ra. Câu thơ có 6 thanh bằng ở đầu, thanh trắc ở cuối vút lên tạo âm điệu đặc biệt: nửa như trách cứ day dứt mà nhẹ nhàng, nửa như mời gọi giục giã mà thiết tha. Người hỏi là ai? Một cô gái hay chính thi sĩ? Có lẽ cả hai. Hay đúng hơn, chính Hàn Mặc Tử phân thân để tự đối thoại. Từ tấm lòng thi sĩ vút lên câu hỏi khắc khoải vừa thương nhớ Huế, vừa thương nhớ Người. Tình yêu đồng vọng với tình quê khiến hình ảnh thôn Vỹ hiện về tràn ngập tâm hồn thi sĩ. Ở đây, sự giao tiếp của thơ thực hiện vừa bằng cảm xúc, vừa bằng trí tuệ, vừa bằng cả thẩm mỹ các giác quan hòa quyện. Nhờ sự giao hòa các giác quan mà Xuân Diệu viết:
                         Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
                         Say người như rượu tối tân
                                        (Huyền diệu - Xuân Diệu)
            Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
            Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
            Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
            Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người
                                              (Nguyệt Cầm - Xuân Diệu)
Một thế giới huyền ảo, thế giới của những cảm quan nghệ thuật được mở rộng từ các giác quan thẩm mĩ. Điều  này từ Xuân Diệu đến Đoàn Phú Tứ, Bích Khê là sự vận động liên tục, là cuộc chạy tiếp sức. Có Xuân Diệu mới hiểu được Đoàn Phú Tứ, hiểu được Bích Khê ở giai đoạn 1940 - 1945:
            - Màu thời gian không xanh
              Màu thời gian tím ngát
            Hương thời gian không nồng
            Hương thời gian thanh thanh
                               (Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ)
                 - Người họa điệu với thiên nhiên, ân ái
            Buồn và xanh trời. Tôi trôi với bờ
            Êm biếc - khói với thu: lời úa ngô
            Vàng... khi cách biệt - giữa hồn xây mộ
            Tình hôm qua - dài hôm nay thương nhớ
            Im lặng nhìn bông ý, lặng lờ lên.
            Những dáng hình thanh khí... giữa mênh mênh
                                       (Duy Tân -  Bích Khê)
            Hai khổ thơ trên đã có sự sáng tạo thử nghiệm của đủ các ẩn dụ: ẩn dụ tượng trưng, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác... mà sau này nhóm Xuân thu nhã tập tiếp bước.
            2.1.2. Sự tăng cường tính nhạc trong thơ
Để có tính nhạc, ngôn ngữ thơ cần hội đủ ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất là kĩ thuật khai thác các đặc điểm của nguyên âm tiếng Việt bằng sự khép - mở , bổng - trầm, phụ âm vang hay tắc và sự lựa chọn sắp xếp hệ thống thanh điệu. Yếu tố thứ hai là nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nhịp điệu bên trong của tâm hồn nhà thơ - nơi trú ngụ kín đáo của cảm  xúc. Yếu tố thứ ba là vần. Trong quá trình vận động của Thơ mới, ba yếu tố này được hội tụ ở giai đoạn 1936 - 1940, giai đoạn kĩ thuật thơ hoàn hảo và cái tôi trữ  tình phát triển rực rỡ. Ngôn ngữ thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê là ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu nhất. Nhạc điệu thơ Xuân Diệu là nhạc điệu của một tâm hồn lúc nào cũng nồng nàn, tha thiết, say đắm với người, với đời. Nhạc điệu thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê là nhạc điệu của tâm hồn "có nhiều trạng thái đặc biệt" (Quách Tấn): vừa thiết tha sống vừa chứa chất bao bí ẩn u huyền của cõi chết, của thượng giới. Biểu hiện tính nhạc trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử rất đa dạng. Xuân Diệu thường dùng vần chân trong thơ 7 tiếng; Vần gián cách, vần lưng, vần ôm trong thơ 8 tiếng để giãi bày sự luyến láy của tâm trạng:
                 - Lá úa, cành khô vẫn rung dồn
            Lối mòn, cỏ mạnh vẫn lên chôn
            Chim hôm run rẩy trong tim nhỏ
            Thỏ sợ giơ tai hứng tiếng ồn.
                                      (Núi xa  - Xuân Diệu)
                 - Sương bạc lấp cả một trời trắng sữa
            Sương mông lung như giữa khoảng giang hà.
            Mắt tuy mở mà lòng không thấy nữa,
            Hồn lạc rồi, không biết ngõ nào ra.
                                      (Sương mờ - Xuân Diệu)
            Nguyệt cầm của Xuân Diệu được cấu tứ bằng cảm giác tinh tế về âm nhạc. Việc lựa chọn, kết hợp từ ngữ điêu luyện đã tạo ra những cung đàn đầy sức ám gợi trong miền cảm giác vừa trong vừa lạnh:
                        Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
                        Trăng thương, trăng nhớ hỡi trăng ngần
                        Đàn buồn, đàn lạnh, ôi đàn chậm!
            Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
Rõ ràng âm nhạc có sức mê hoặc, gợi trường giao cảm rộng lớn, tương ứng giữa lòng người với thiên nhiên, siêu nhiên. Ánh trăng lạnh, tiếng đàn lạnh, ôm trùm bản nhạc lòng buồn thương lạnh lẽo. Âm nhạc đã tạo ra thế giới linh cảm của con người tâm linh thấu thị cõi vũ trụ chứa đầy bí ẩn. Xuân Diệu thường dùng lối điệp âm, điệp vần, điệp từ, điệp câu... tạo sự trùng điệp dồn dập, nhấn mạnh cảm xúc và tạo nên âm vang trong tính nhạc của thơ
                 - Đây là quán tha hồ muôn khách đến,
            Đây là bình thu hợp trí muôn  phương,
            Đây là vườn chim nhả hạt mười phương
            Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc...
                                        (Cảm xúc - Xuân Diệu)
                 - Sương lan mờ, bờ sông tưởng gần nhau
            Sương lan mờ, và hồn tôi nghe đau...
                                       (Sương mờ - Xuân Diệu)
            Chủ nghĩa tượng trưng đề cao tính nhạc trong thơ. Theo họ, âm nhạc luôn có sức gợi và khả năng chuyển hồi, tương hỗ cảm giác. Vượt qua sự kể lể, mô tả kiểu thơ lãng mạn, thơ tượng trưng đề cao sự ám thị, mà muốn có sự ám thị thì thơ phải có nhạc. Mỗi bài thơ phải như một bản giao hưởng có sức gợi kì diệu về thế giới tâm linh.
            Với Bích Khê, nhạc tính là điều quan trọng nhất trong thơ. Hàn  Mặc Tử lí giải: “Bởi mê man với sự “nhẹ nhàng, nhịp thở đều trong sương”, thi nhân đã sáng tạo được rất nhiều bản ca thần tình diễm ảo”. Bích Khê có thể nhận ra tiếng nhạc ở mọi nơi, mọi sự vật: nhạc ở trong gió, trong nắng, ở trên làn da thớ thịt con người, ở trong lòng, trong tim, trong hương hoa, trong dòng chảy của thời gian, bước đi của không gian... Nhạc, Tỳ bà, Mộng cầm ca, Hoàng Hoa là những “bản đàn xốn xang”, “ngọt ngào vô cùng đến tê cả lưỡi và hàm răng”, gây cả “một trời yêu thương da diết, một trời tương tư” (Hàn Mặc Tử). Thành công lớn nhất của Bích Khê là dùng thanh bằng để tạo nhạc tính. Trong Thơ mới,  việc dùng thanh bằng để tạo nhạc tính đã được nhiều nhà thơ sử dụng. Lưu Trọng Lư có Tiếng thu, Còn chi nữa, Xuân Diệu có Nhị hồ, Nguyễn Xuân Sanh có Xây mơ. Nhưng trong những bài thơ này, việc dùng thanh bằng còn chỉ ở những câu thơ rải rác. Đến Bích Khê, có nhiều bài thơ toàn thanh bằng hay chủ yếu là thanh bằng, như Tỳ bà, Nhạc, Mộng cầm ca, Nghê thường, Tiếng đàn mưa, Hoàng hoa, Thi vị...
            Tỳ bà là một bản nhạc trầm buồn. Tác giả đã dùng âm nhạc ngôn ngữ để làm phương tiện diễn tả ngôn ngữ  âm nhạc:
            Vàng sao nằm im trên hoa gầy
            Tương tư người xưa thôi qua đây
            Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
            Hoa vừa đưa hương gây đê mê          
            Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
            Buồn sang cây tùng thăm đông quân
            Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
            Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông.
       Bài thơ sử dụng linh hoạt thanh bằng theo cả hai chiều dọc và ngang, tạo âm điệu chậm rãi, khẽ khàng, mượt mà, ngân tỏa, dắt tâm hồn con người vào cõi đê mê của cung bậc tình yêu ngọt ngào, nhẹ nhàng. Sự kết hợp hài hòa âm thanh và ngôn từ đã tạo âm điệu trầm buồn, có sức thôi miên, lan tỏa. Việc sử dụng bằng thanh như thế này đã loại trừ hoàn toàn những niêm luật, cách gieo vần, ước lệ trong thơ cũ, khẳng định sự biểu đạt hồn nhiên cái tôi trữ tình cá nhân Thơ mới. Đây là thành tựu lao động sáng tạo đáng ghi công Bích Khê trong việc nhào nặn hoàn hảo phương pháp tượng trưng Pháp với phương pháp thơ truyền thống.
      Không chỉ với cách dùng toàn bằng thanh, Bích Khê còn khai thác triệt để nhạc tính trong nhiều cách tạo tác âm điệu, ngôn từ khác. Đó là lối dùng điệp từ, điệp khúc:
            Lá vàng rơi
            (Tôi khóc, anh ơi!)
            Đàn rung tiếng:
            Người yêu đương ngồi..
            Trăng vàng rơi,
            (Tôi khóc, anh ơi!)
            Đàn nghẹn tiếng:
            Người yêu dậy rồi...
                                      (Thi vị)
     Việc lặp lại: Lá vàng rơi/ Trăng vàng rơi/ Hoa vàng rơi? Sao vàng rơi; Tôi khóc anh ơi/ Tôi khóc anh ơi/ Tôi khóc anh ơi/ Thôi hết anh ơi; Đàn rung tiếng/ Đàn câm tiếng/ Đàn nghẹn tiếng/ Đàn bẻ phím/ đã tạo ra những điệu nhạc du dương xoáy sâu, gặm nhấm dần vào âm hưởng tàn phai của lòng người. Đó là cách ngắt nhịp theo hướng riêng:
            Ô! Nắng vàng thơm...        rung rinh điệu ngọc,
            Những cánh hồng đơm,     - những cánh hồng đơm
            Nhẹ nhàng, nhịp nhàng     thở đều trong sương;
            Màu trăng không gian       như gờn gợn sóng.
            Từ ở phương mô                nhạn mang thư về,
            Đàn thơ cơ hồ                    lên cung âm điệu.
            Đây giây trinh bạch           khóc mướt trong mơ;
         Đây hồn ngọc thạch           xanh xao như tờ?
Ô! Côi lầu mây                   ánh gì kim cương,
Áo nàng thơ ngây               nao nao nghê thường.
Thơ bay! Thơ bay              vô bàn tay ngà,
Thơ ngà ngà say!               Thơ ngà ngà say!
Nàng ơi! Đừng động...       có nhạc trong giây,
Nhạc gây hoa mộng,          nhạc ngát trong mây;
Nhạc lên cung hường,        nhạc vô đào động,
Ô nàng tiên nương             Hớp nhạc đầy hương                                                                             (Nhạc)
      Phụ lục Kỷ yếu Hội thảo thơ Bích Khê tháng 2-2006 (Hội nhà văn- Hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi tổ chức) [97] đã “tách” bài thơ ra theo đường kẻ dọc sau tiếng thứ tư từ trên xuống như hai “cột” thơ bốn chữ, để rồi có thể đọc theo nhiều cách khác nhau:
- Đọc theo thể tám chữ từ dòng thứ nhất đến dòng 16.
- Đọc theo thể bốn chữ từ dòng 1 cột 1 đến dòng 16, cột 2.
- Đọc theo thể bốn chữ từ dòng 1 cột 2 đến dòng 16 cột 2, tiếp dòng 1 cột 1, kết thúc ở dòng 16 cột 1.
- Đọc ngược từ dòng 16 cột 1, đến dòng 1 cột 1, nối sang dòng 1 cột 2, kết ở dòng 16 cột 2, hoặc nối ngược từ dòng 16 cột 2, ngừng ở dòng 1 cột 2.
- Đọc ngược từ dòng 16 cột 2, nối sang dòng 1 cột 1, ngừng ở dòng 16 cột 1.
- Đọc theo kiểu zic-zac: 1-2 (cột1), 1-2 (cột2), nối sang 3-4 (cột 1), nối sang 3-4 (cột 2); 5-6 (cột 1) sang 5-6 (cột 2), cứ thế, xen 2 dòng cột 1 với 2 dòng cột 2...
- Tương tự, đọc ngược từ cột 1, hai dòng, sang cột 2,...
     Chính việc ngắt nhịp phá cách câu thơ 8 tiếng ở tiếng thứ tư (khác với thể tám tiếng thông thường trong Thơ mới thường ngắt ở tiếng thứ 3,5,6) đã làm cho câu thơ có thể tách làm đôi, tạo nên một điệu nhạc mới. Bài thơ không chuồi theo cảm xúc một chiều mà triển khai cảm giác trong sự tương hợp nên đọc cách nào cũng thấy có tính nhạc hài hòa, tương ứng.
     Và Bích Khê cũng đã sử dụng kết hợp hài hòa giữa thanh bằng với thanh trắc để tạo nên những khúc nhạc thơ réo rắt, trầm bổng:
                        Lầu ai ánh gì như lưu ly?
                        Nụ cười ai trắng như hoa lê?
                        Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
                        Không gian xà cừ hay san hô?
                 (Nghê thường)
      Thanh trắc như những điểm nhấn kéo lòng người thức tỉnh trong cơn đê mê hút hồn mà thanh bằng tạo ra ở phần trước. Đó là những nghịch biến của bản nhạc lòng không xuôi chiều trong tâm sự lắm nẻo trắc trở của con người thời đại.
Hàn Mặc Tử hay dùng cách kết hợp các từ láy hay chú công trong thanh điệu để diễn tả những khúc nhạc lòng buồn miên man hoặc trầm lắng du dương:
       Nàng!Lạy Nàng! Hãy nghe tôi cầu khẩn:
            Hãy khoan tay cầm lại trí tương tư,
            Đang chờn vờn trong nguồn sáng ngất ngư,
            Đang lướt mướt ở trong màu hoa lệ.
                                             (Đàn ngọc)
Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử đều dùng nhiều lối điệp âm, điệp vần, điệp từ, điệp câu... tạo sự trùng điệp dồn dập, nhấn mạnh cảm xúc và tạo nên âm vang trong tính nhạc của thơ:
            - Sương lan mờ, bờ sông tưởng gần nhau
            Sương lan mờ, và hồn tôi nghe đau
                                        (Sương mờ  - Xuân Diệu)
            - Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu
            Những áng mây lam cuốn dập dìu
            Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả
            Những niềm run rẩy của đêm yêu.
                                                (Lưu luyến - Hàn Mặc Tử)
             Tính chất trùng điệp này tạo âm hưởng của những điệp khúc mà ở trong thơ cổ và trong Thơ mới giai đọan 1932 - 1935 ít có.
2.2. Cái tôi hiện đại và sự trở về với ngôn ngữ thơ cổ điển
Cả quá  trình  văn học viết thời trung đại, văn học Việt Nam chủ yếu sử dụng tiếng Hán. Chữ Nôm ra đời đã để lại nhiều thành tựu trong nền thơ ca dân tộc, tuy vậy, văn học chữ Nôm cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của văn học chữ Hán. Chữ quốc ngữ phát triển mạnh ở giai đoạn đầu thế kỉ XX, đến Thơ mới đã khá hoàn thiện. Tuy vậy, Thơ mới chưa hề đoạn tuyệt với các yếu tố Hán, từ Hán - Việt. Đặc biệt, ở giai đoạn đỉnh cao của Thơ mới (1936- 1940), người ta lại thấy Thơ mới có sự trở về với ngôn ngữ thơ cổ điển, tuy đã mang tình ý mới. Sự trở về với ngôn ngữ thơ cổ điển trong Thơ mới biểu hiện trước hết ở việc các tác giả dùng nhiều lớp từ Hán - Việt. Chúng ta có thể làm bảng thống kê yếu tố Hán, từ Hán - Việt ở một số phương diện tiêu biểu qua một số tác giả, tác phẩm như sau:


Lớp từ Hán  – Việt chỉ về cõi siêu nhiên

Tiên giới, Tiếng sáo thiên thai, non Bồng - nước Nhược, Ngọc nữ, Kim đồng, Nửa truyện hồ ly, bến trần gian, Đào nguyên, Miếu nguyệt vườn sương, Thiên thai, Bồng lai, Thiên đường, Nguyệt điện, Địa ngục, Âm phủ...

Lớp từ chỉ địa danh văn hóa lịch sử

Tầm Dương, Giang nam, Ô Giang, Ba Thục, Ngân Giang, Kim Lăng, Vũ Lang, Cô Tô, A Phòng, Hoàng Hạc Lâu...

Lớp từ chỉ tên n hân vật lịch sử, nhân vật văn hóa, nhân vật trong văn học trung đại

+Chỉ nhân vật cụ thể: Tây Thi- Phạm Lãi, Thôi Oanh Oanh - Trương Quân Thụy, Dương Quý Phi - Đường Minh Hoàng, Bá Nha - Tử Kỳ, Ngu Cơ - Hạng Vũ, Mỵ Châu - Trong Thủy, Quỳnh Như - Phạm Thái...

+ Chỉ những nhân vật phiếm chỉ: Chinnh phu, chinh phụ, tiên nữ, kỹ nữ, ca nhi, ly khách, tráng sĩ, ly phụ...

Lớp từ chỉ nhân vật điển tích mang tính thần thoại, truyền thuyết

Sơn Tinh - Thủy Tinh, Ngưu Lang - Chức Nữ, Lưu Linh - Đế Thích, Tú Uyên - Giáng Kiều...













1 nhận xét:

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...