Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Địa đàng còn in dấu chân bước quên

Địa đàng còn in dấu chân bước quên

Dấu chân địa đàng
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo 
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều 

Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền 

Bàng hoàng lạc gió mây miền 
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm 
Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần 
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng 
Vùng u tồi loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng 
Một đời bỏ ngõ đêm hồng 
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em 
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô 
từ mưa gió từ vào trong đá xưa 
Ðến bây giờ mắt đã mù 
Tóc xanh đen vầng trán thơ 
Dòng sông đó loài rong yên ngủ sâu 
Mới hôm nào bão trên đầu 
Lời ca đau trên cao 
Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ 
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa 
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền 
để người về hát đêm hồng 
địa đàng còn in dấu chân bước quên.
Trịnh Công Sơn -1964
Trong truyền thuyết của Thiên chúa thì cõi trần từng có một khu vườn gọi là "địa đàng" nơi mà A-đam và E-va sinh ra loài người. Đó là một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, đầy niềm vui hạnh  phúc trước khi hai người mắc tội  trộm "trái cấm". Mới đầu khi chưa hiểu bài hát "Dấu chân địa đàng"của TCS tôi cứ nghĩ chắc nó có liên quan gì đó với sự tích trên. Nhưng khi "cảm" được rồi tôi mới biết không phải thế. TCS dùng từ "địa đàng" ở đây hoàn toàn theo nghĩa gốc của nó, đó là chỉ cõi người so với từ "thiên đàng"- chỉ cõi trời. Quan niệm tâm linh của phật giáo (thiên chúa cũng thế) thì người sống thiện khi chết đi sẽ được lên thiên đàng - nơi hạnh phúc và sung sướng vĩnh viễn. Nhưng trước khi được lên thiên đàng thì con người phải chịu thử thách nơi"địa đàng" (tức cõi đời). Cuộc đời là một con đường dài, hằng ngày  địa đàng chân ta in dấu  với bao vui buồn,  khổ đau, say mê, chê chán...trước khi quên đi tất cả.        Nghe nhạc Trịnh, phần đông chúng ta dễ "cảm" hơn là hiểu một cách logic. Bởi ông có những ngôn từ phá cách, sáng tạo, nhiều ẩn ý. Cảm xúc tuôn trào một cách tự nhiên từ trong lòng ra chứ không dụng công sắp xếp.
Về giai điệu của ca khúc tôi thấy nó có những lúc vút cao như gió, đưa ta lên đỉnh núi, nơi mà con người cho đó có cổng trời. Có những khi thì thầm như tiếng sóng, tiếng côn trùng trong đất sâu. Có những lúc lướt đi nhẹ nhàng như  gió xuân, như bước chân phiêu du. Bao trùm bài hát đó là một cảm xúc buồn suy tư, suy tư về sự tồn tại, sự đau khổ của  bước chân địa đàng. Qua các từ "than phiền "ngại ngùng"  "chùng chân"  "nước lên mắt em" "ưu phiền" "lời ca đau"… ta cảm nhận được điều này.
Hình ảnh trong bài hát rất giản dị, gần gũi quen thuộc; Đó là gió, mây, sóng, sâu, lá , rong…Với cách sử dụng của Trịnh, cộng với chất men thần kì của giai điệu ta bỗng thấy nó đẹp một cách hoang sơ, huyền diệu và truyền tải những ý nghĩa rất nhân văn.
Nghe ca khúc ta có thể tưởng tượng đôi chút về hoàn cảnh sáng tác như sau:    Kẻ du ca tên Trịnh một chiều lỡ bước, dừng chân bên lưng đèo, xa xa là biển cả. Không gian bao la, con người nhỏ bé lại càng  bé nhỏ hơn. Lữ khách không khỏi chạnh lòng, cô đơn, ngậm ngùi về thế thái nhân tình, về kiếp người ngắn ngủi, mong manh. Chẳng thế mà Bà Huyện Thanh Quan đã có bài thơ “Qua đèo Ngang” và bài “Chiều hôm nhớ nhà” cho hậu thế buồn khi hoàng hôn xa xứ (“Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta… “Kẻ chốn chương đài người lữ thứ/ lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”…). Thôi Hiệu (nhà thơ cổ đại TQ) cũng nói về hoàn cảnh trên : “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Có lẽ một chiều nào đó trên con đường vạn dặm đem tiếng hát thức tỉnh trái tim con người, TCS đã ở vào  hoàn cảnh tương tự như trên.
Trước kia, khi nghe ca khúc này tôi cũng không chú ý lắm. Vào một sáng chủ nhật, thức dậy với tâm trạng buồn buồn (có lẽ đến từ giấc mơ nhưng không nhớ), tôi mở máy tính nghe ca sĩ Quang Dũng hát, rồi đặc biệt chú ý đến ca từ, sau đó lên mạng tra lời và nghe thử ca sĩ Đỗ Quyên (người Đà Nẵng) hát. Thật bất ngờ tôi thấy ca sĩ này hát rất hay, khiến tôi thật sự bị say mê cuốn hút. Đóng ngay cửa sổ lại, tôi mở gần hết volum và chìm đắm trong giai điệu. Tôi  nghe đi nghe lại đến mấy lần. Mọi tâm trạng như tan đi. Các ngày hôm sau cũng nghe lại nhiều lần mà không thấy chán.  Có gì đó thôi thúc tôi nên ghi lại những cảm xúc với bài hát. Dưới đây là những cảm nhận riêng khi tôi nghe bài hát này.
        “Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo 
          Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều” 
Cách bắt đầu ca khúc thật thú vị! “Trời buông gió…”. Giống như ánh đèn sân khấu bật sáng. Gió buông… và các sự vật bắt đầu “vai” của mình: “mây về…”, “sâu ngủ…”, “nước lên…”, Ngựa buông vó…” “người đi…”…Ca khúc bắt đầu. Chữ “gió”  trong bài  được ngân cao, sâu và dài, khiến ta cảm nhận được luồng gió đang  phơi phới  thổi mạnh giữa mênh mông đất trời, mơn man muôn loài từ vô tri đến hữu tri. Ta  thấy gió như từ trong lòng mình tràn lên, ngân nga qua thanh quản. Gió thổi “Mây về ngang lưng đèo” hay cũng là Trịnh vì  “gió” của nhạc, của ca mà chiều nay cũng phiêu dạt đến đây để ngắm “Mùa xanh lá…”?.“Tóc chiều”là một cách gọi sáng tạo và đẹp. Phải chăng gió chiều, xuôi cành lá của cây, của rừng tung  bay  giống như suối tóc của thiếu nữ trong chiều cả gió.(Chả thế mà Xuân Diệu đã nói  “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng…”). Danh từ “tóc chiều” ta tưởng là một nhưng đó là sự kết hợp đầy tinh tế giữacành lá  gió, của hai sự vật hữu hình và vô hình. Chỉ hai câu thôi mà Trịnh đã đưa ta về một không gian khá đẹp: Hoàng hôn lưng đèo lộng gió, ngàn cây xanh lá giỡn nô, loài sâu yên bình giấc ngủ.
 Chiều buông  nhanh, bóng đêm trùm xuống, con người rơi vào cái đặc quánh của màn đêm cô quạnh, tưởng lòng người chùng xuống, tắt lặng vào quên lãng như loài sâu ngủ quên. Nhưng một tiếng hát vút lên phá toang màn đêm và tất cả như thức tỉnh. Thức tỉnh trong ý thức về nỗi buồn.
“Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền 
Bàng hoàng lạc gió mây miền 

Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm”
“Cuộc đời đó”là xã hội mà TCS đang sống hay chính là cuộc đời ông. Buồn gì đây? chán gì đây, mà tiếng ca than phiền, ngại ngùng? Từ “như” cho ta biết đây là cảm nhận chủ quan của TCS về lời ca. Ông nghe và cảm thấy như thế. Quan tâm một chút đến năm sáng tác của ca khúc này ta sẽ hiểu được những ẩn ức trong ca từ. Bài hát viết năm 1964. Lúc này Mĩ đang leo thang chiến tranh ở miền Nam, chuẩn bị mở rộng đau thương chết chóc ra toàn Việt Nam. Chính quyền Ngụy  Sài Gòn  vào đêm khuya (khoảng 9, 10 giờ) thường có chương trình phát thanh Dạ Lan. Qua làn sóng radio, binh lính ngụy và quần chúng thường được nghe những ca khúc “nhạc vàng” (Những bài hát có nhạc điệu và ca từ buồn, ủy mị, lâm li. Có thể vào một đêm nào đó Trịnh cũng đã buồn khi nghe những ca khúc trên và nó đã tạo thêm cảm hứng cho ông viết bài hát này chăng? Điều này ta có thể chắc chắn hơn khi biết nhan đề chính thức ban đầu của nó chính là “Tiếng hát Dạ Lan”. Quê hương đau, nắng hạ cũng buồn, nước sông ngăn đôi sơn hà, còn gì vui? Lúc này TCS đang sống tại miền Nam, ông từng bị chính quyền Sài Gòn bắt bớ, cấm đoán nhiều điều bởi các ca khúc và thái độ phản  chiến  của mình.  Chính vì thế khi nghe những lời ca buồn, ủy mị, ông cũng như bao  người Việt thời đó sao mà không cảm thấy như than, như phiền, như ngại ngùng cho kiếp mình, đồng bào mình, dân tộc mình. Có lẽ đây chỉ là một yếu tố để ta rõ hơn đôi chút về ca từ trong bài. Nhưng “Dấu chân địa đàng” của TCS đã vượt qua yếu tố thời sự, thời gian đem đến sự say mê cho nhiều thế hệ. Điều gì đã làm nên điều đó? Theo tôi khi nghe Trịnh ta  tìm thấy ta thấp thoáng sau những ca từ có vẻ huyền bí, khó hiểu của ông.
Hai câu tiếp theo là một tâm trạng buồn rất Trịnh:
 “Bàng hoàng lạc gió mây miền”.
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm”
 Bàng hoàng là một tâm trạng ngỡ ngàng, sững sờ, choáng váng không thể làm chủ được tâm hồn. Nhìn lại mình Trịnh bất chợt ý thức về kiếp du ca. Một lần nữa ta thấy hình tượng mây xuất hiện, nếu ở trên mây về neo ngang lưng đèo thì  ở đây mây “bàng hoàng lạc gió”. Trịnh đã ngầm ẩn dụ mình với mây, nếu “gió” của ca, của nhạc đưa Trịnh phiêu du khắp cõi đời, thì “gió”của đời cũng xô đẩy Trịnh phiêu bạt không ngờ. “Mây miền” là một danh từ mới của ông. Ta thường quen với các loại mây giông, trắng, đen, xám…chưa bao giờ nghe mây miền. Vậy mây miền là loại mây gì? Không thể định nghĩa theo lý tính được ta chỉ có thể hiểu được bằng cảm tính. “Mây miền” gợi cho ta  nghĩ đó là một đám mây lang thang nay vùng này, mai miền nọ, ngao du khắp đất trời, sông núi. Trịnh ví đời nghệ sĩ của mình như một đám mây cũng khá hợp lý. Mây có lúc lang thang lững lờ, có lúc nhẹ nhàng phơi phới, lại có khi bàng hoàng lạc gió…Câu trên nói lên cái cảm giác bất chợt ý thức về kiếp sống giang hồ của ông còn câu dưới thể hiện nỗi lòng của ông: “Trùng trùng…sóng mềm”. Sóng ngoài khơi kia đang lên hay muôn đợt sóng lòng – bao nhiêu buồn vui, suy tư trăn trở đang dâng lên trong lòng tác giả.  “Sóng mềm”  cho ta biết tâm sự đó không như con sóng bạc đầu cồn cào, gào xé. Nó vẫn đang nhẹ nhàng, nhưng trùng trùng muôn lớp đang lên, tiềm tàng nhiều bí ẩn. Ta chợt nhớ cõi lòng mình cũng có những khi hoang mang, thất vọng. Muôn lớp sóng sầu dâng lên, ta mệt mỏi, chán nản giữa đường đời.
Chính vì vậy mà: “Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần”. Giống như “mây miền”,“Ngựa buông vó”khiến ta liên tưởng về những chuyến đi, những con đường. Đường đời đầy khó khăn, khiến ta bao lần mỏi gối chùng chân, mệt mỏi, chán chường, muốn kết thúc tất cả, không muốn bước tiếp. Tiếng ca dạ lan giống như cơn mưa lạnh làm cho  lữ khách đường xa thêm mệt mỏi, não nề.
Ta mơ hồ chú ý đến một thứ âm thanh khác, âm thanh bản năng của loài sâu:
“Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
 Một đời bỏ ngỏ đêm hồng”
          Vậy là Trịnh đã đưa ta sang một thế giới khác, thế giới của loài sâu với bữa tiệc âm thanh cuối cùng của đời mình. Phải chăng đây là những khúc hoan ca chứ không buồn như tiếng ca dạ lan? Ngay từ đầu Trịnh đã có dụng ý đặt kiếp người và kiếp sâu trong sự tương quan. Câu này và câu thứ hai trong bài rất logic. Do ngủ quên (trong tóc chiều) nên loài sâu một đời bỏ ngõ đêm hồng.  “Đêm hồng” theo Trịnh có lẽ là một đêm của ánh sáng, của hạnh phúc, niềm vui, của liên hoan… (khác với đêm đen, ông có riêng một bài hát nhan đề “Đêm hồng”). Chỉ còn đêm cuối thôi, giây phút hiện hữu cuối cùng chốn địa đàng chúng đã kịp cất lên khúc ca của đời mình, kiếp mình. Chúng hát lên, ca lên để khẳng định sự tồn tại của mình. Như Xuân Diệu đã  nói: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối / Còn hơn là le lói suốt trăm năm” Nếu như kiếp người  khoảng trăm năm thì kiếp sâu chỉ  ba tháng. Ba tháng so với trăm năm thì quá nhỏ bé, nhưng cũng là một vòng đời. Một đời với một giấc ngủ dài và đêm hồng hát ca, vậy là chẳng có khổ đau muộn phiền. Đời người trăm năm hỏi được bao nhiêu đêm hồng  nước còn dâng lên mắt em? Trịnh nói nước ngoài trời nhưng phải chăng chính là lệ sầu trong lòng em, trong lòng tôi?
     Mây bay vì gió, sóng lên cũng vì gió, nhưng gió bắt nguồn từ đâu? Ta chỉ biết đó là từ đất trời. Cũng như tiếng ca của loài sâu:
“Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô 
từ mưa gió từ vào trong đá xưa” 
Bất kì một dân tộc nào trên thế giới cũng đều có ngôn ngữ và không dân tộc nào không biết tạo giai điệu cho ngôn ngữ của mình để có nhạc. Nhạc giống như một bản năng sẵn có. Loài sâu có lẽ cũng như người, chúng sinh ra và sẽ hát ca.(Nếu ai đã từng sống ở thôn quê sẽ biết, những đêm hè trong vắt, đầy trăng sao, gió nhẹ mơn man, ta cứ ngỡ lạc vào một đêm tiền sử với bản hợp tấu của các thanh âm nguyên thủy, huyền diệu của dế, của sâu, của các loại côn trùng, lưỡng cư...thậm chí có người nói những đêm này loài rắn cũng cất lên tiếng hát.) Nhưng tiếng côn trùng trong đất, đá,  mưa gió không không thể giống nhau, cũng như người ở những vùng khác nhau thì nói tiếng khác nhau. Đời khổ, bế tắc thì tiếng ca nghe ai oán, não nề, đời vui, tươi sáng thì tiếng ca hân hoan, đời trầm tư, sâu sắc thì tiếng ca cũng sâu lắng, suy tư. Đến đây ta  rõ hơn ở trên tại sao TCS lại nói:
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng” 
“Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền” 
Chính kiếp người chốn địa đàng còn nhiều khổ đau nên mới sinh ra những lời ca ai oán. Mắt mù tóc xanh đen trán thơ là hai sinh linh đau khổ điển hình mà TCS lấy ra từ cuộc đời. Họ đang cố tồn tại nơi  địa đàng bằng cách cất lên tiếng ca từ cõi lòng khô héo.
Một hình ảnh ta tưởng là rời rạc không ăn nhập đó là hình ảnh loài rong dưới lòng sông. Trịnh đã cố ý dùng định từ “loài” đặt trước sâu  rong, hai hình tượng bé nhỏ, bình thường nhưng cũng là một giống trong vũ trụ như loài người. Nhân hóa loài rong ngủ sâu dưới đáy sông là muốn nói đến sự yên bình, không có khổ đau, sóng gió, đua chen. Nói đến sự yên bình của loài rong phải chăng để tương phản với cuộc sống đầy rẫy muộn phiền của con người, khi mà ấn tượng về những đau khổ trong chiến tranh vẫn  khó phai mờ:

                        Mới hôm nào bão trên đầu 
                            Lời ca đau trên cao”

Đoạn cuối của bài tác giả trở về với thực tại:
Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ 
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa 

Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền 

Để người về hát đêm hồng 

Địa đàng còn in dấu chân bước quên.
Thực tại có vẻ yên bình hơn. Mây tuy xám đó nhưng không nặng nề, lạc gió mà treo lững lờ. Tiếng hát không còn như than phiền, ngại ngùng nữa mà êm đềm đủ đưa ta vào giấc ngủ vừa, tuy không say quên như loài sâu, không ngủ vùi  như loài rong nhưng cũng đủ tạm quên đi dấu chân chốn địa đàng  mặc dù còn in bước.
Loài sâu sau khi cất lên khúc ca cuối cùng, thì chúng cũng quên đi ưu phiền (phải chăng chúng đã bước lên thiên đàng). Vậy còn loài người chúng ta tại sao không chuẩn bị, không hát đi những đêm hồng, để một mai từ biệt“Địa đàng còn in dấu chân bước quên”
Bước chân cuối cùng chốn địa đàng  được TCS miêu tả thật tinh tế, đó là một giấc ngủ vừa nửa tỉnh, nửa mê, tỉnh đấy mà mê đấy. Phải chăng nó như đời người mơ hồ. Con người sinh ra để in dấu trên mặt đất và trong lòng người, nhưng ta đi rồi ta còn nhớ gì không? Có lẽ tất cả sẽ trở về hư ảo. Đúng như nhan đề, ca khúc như một bức tranh vẽ lại, chụp lại  các khoảnh khắc, một vài dấu ấn chốn địa đàng mà theo TCS đó là một buổi chiều đầy mây xám. Đó là những giấc ngủ quên, ngủ sâu, ngủ vừa, đó là những lời ca đau, than phiền, ngại ngùng, và cũng có những đêm hồng hát ca. Hạnh phúc có, đớn đau có…địa đàng là tất cả nhưng rồi tất cả sẽ rơi vào quên lãng. Chúng ta sẽ quên đi ưu phiền vĩnh viễn.
                                 Đà Nẵng  25/8/2011
                                Theo http://yume.vn/
Dấu châu địa đàng - Khánh Ly


1 nhận xét:

Tình yêu của biển

Tình yêu của biển Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/ một vũng gió buộc vào sâu mắt bão/ buồm căng...