Lặng lẽ
nơi này
Khuất Đẩu
Một xóm
nhỏ sát chân núi chừng mươi nóc gia, tách biệt hẳn với những thôn làng phố quận
. Họ là những người không sống bằng nghề làm ruộng, mà trồng trọt trên những
sườn núi gọi là rẫy bái. Đời sống của họ lặng lẽ, không làm rộn đến ai và cũng
không ai quấy rầy họ. Buổi sáng, đàn ông đi lên rẫy, họ cào xới giữa những kẽ
đá, găm vài hom mì hay hạt bắp. Những nơi đất nhiều hơn đá, họ trồng ớt trồng
cà. Họ cũng trồng chuối, đu đủ, mít xoài là những thứ cây cho trái mà không cần
phải chăm sóc nhiều. Chiều, có đàn bà, là vợ hay con gái lên đem về những thứ
có thể bán được để sáng mai ra chợ. Ở đây không có cây Kơnia nên họ không hỏi
lẩn thẩn, rể ngươi uống nước
đâu uống nước nguồn miền Bắc. Nói chung, họ nghèo, phải nói là rất nghèo.
Những ngôi nhà tự tạo, toàn là cây họ chặt và tranh cắt trên núi. Đá nhiều vô
số, mây cũng bứt từ trong núi ra, họ chỉ phải mua một ít đinh.
Phía bên
này, gần đầu cầu, ngôi nhà ai đó đứng một mình. Phải nói nó nằm ở vị trí có thể
xây một ngôi biệt thự đúng nghĩa. Trước hết là sự biệt lập rồi đến cảnh quan
xung quanh, núi đó, sông đó, ruộng lúa sát thềm nhà, thêm một chiếc thuyền nữa
là có thể nổ máy đi ra biển lúc nào cũng được. Ngôi nhà không cổ, tường gạch
quét vôi màu sáng,nền lát gạch bông, đương nhiên là mái lợp ngói chắc chắn.
Thế mà bỏ
hoang không ai ở. Khi tôi thử bước vào, vì các cánh cửa lớn và nhỏ đã bị tháo
khỏi vách, vật dụng cũng không còn, chỉ có mỗi bàn thờ hãy còn những bức trướng
màu đen chữ trắng và màu đỏ chữ vàng phúng viếng người chết. Hỏi người xóm núi
mới hay, người chủ là một bà lão chỉ thiếu một tuổi là đủ trăm vừa mới mất.
Cháu con về làm đám tang, đám rất to có cả kèn ta và kèn tây, xây mộ nguy nga
trên núi, xong rồi đi về thành phố. Chẳng ai chịu ở lại để
trông coi nơi hãy còn phảng phất hình bóng mẹ già. Tuy không nói ra nhưng ai
cũng thở phào nhẹ nhõm.
Nhà bán
không ai mua, cho cũng không ai nhận, thì đành bỏ hoang. Trên bàn thờ, bát
nhang thỉnh thoảng vẫn có nén hương, ấy là của người đã được thuê để chăm sóc
cụ trong những năm nằm liệt cuối đời. Cụ chết, tiền gửi về cũng hết, chỉ còn
chút lòng thương xót cũng lạnh lẽo dần.
Không chỉ
riêng ngôi nhà ấy, mà ở khắp làng quê những ngôi nhà không người ở mỗi ngày một
thêm nhiều. Nhà của những kẻ được đổi đời, nhờ hy sinh đời bố nên đã củng cố
được đời con. Trước khi ngự trong những ngôi biệt thự đắt tiền ở các khu đô
thị, họ cũng để lại những ngôi nhà to từng làm vẻ vang giòng họ và nở mặt với
xóm làng. Nhưng nhiều nhất là những ngôi nhà thấp nhỏ xác xơ vì cả vợ chồng con
cái cùng đùm đề kéo nhau lên phố chợ chui rúc dưới gầm cầu hay sống chung với
mồ mả trong các nghĩa địa, để bán vé số hay bươi chải nhặt nhạnh trong các đống
rác ngoại ô.
Những
ngôi nhà không người ở, dù là nhà của người giàu mới nổi, cũng trở nên lạnh lẽo
vì thiếu hơi người. Cây cối cũng buồn xo, không ra trái hay rất ít trái. Rồi
ngói rơi, tường vỡ, sẽ đến một ngày như một xác chết chưa chôn.
Đó là
chưa nói tới những ngôi làng có tên gọi kinh hãi là làng ung thư với hai phần
ba dân làng bị mắc bệnh do phải sống bên cạnh những nhà máy hóa chất, hay uống
nước từ những con sông mà người ta dùng thủy ngân để đãi vàng.
Lặng lẽ
giữa đất trời mênh mông thấy mình tuy bé nhỏ nhưng không một chút sợ hãi. Nhưng
lặng lẽ ở những nơi này, cứ tưởng như đang tới ngày tận thế vậy.
*những
chữ in nghiêng mượn trong thơ và nhạc.
Lặng lẽ nơi này - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
Trả lờiXóahãng eva air có tốt không
săn vé máy bay đi mỹ giá rẻ
hãng hàng không korean air tại việt nam
phòng vé máy bay đi mỹ
Vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich