Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Những thợ săn huyền thoại của Đà giang

Những thợ săn huyền thoại của Đà giang

Ùng ục... ào ào... Lũ thượng nguồn sông Đà cuồn cuộn đổ về nhấn chìm mọi thứ cản trở nó, kể cả những tảng đá hộc to như sống lưng trâu, gốc cây rừng cổ thụ mấy vòng tay người ôm. Nhưng đó cũng chính là lúc những thợ săn can trường của núi rừng băng băng trên chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé để săn tìm kình ngư của dòng sông âm u, huyền bí miền đại ngàn Tây Bắc...

Bí ẩn "quái vật" Đà giang
Nhiều lần ngược xuôi miền rừng thiêng nước độc Tây Bắc, tôi đều bị sông Đà kỳ vĩ hút hồn. Bản làng, núi rừng bên sông có thể ngắm nhìn, sờ chạm được, nhưng những gì bí ẩn dưới đáy nước hoang thẳm như có ma lực với lữ khách Đà giang. Suốt buổi chiều mưa rừng lúc dồn dập khi réo rắt trên cành lá như tiếng nhạc rừng, tôi ngồi co ro bên bờ sông xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu, Sơn La, lặng nhìn các thợ săn của dòng sông huyền bí này chuẩn bị một chuyến săn trong cơn lũ thượng nguồn đổ về. Tổ tiên họ bao đời truyền nối giữ lửa nghề săn kình ngư trên dòng sông này rồi giờ đến họ lại chuẩn bị truyền lại nghe cho con cháu đời sau. Săn cá sông Đà với họ không chỉ để mưu sinh, mà còn là sự quyến rũ và thử thách lòng dũng cảm, sự tài ba của những người con rừng thiêng.
Lầm lì mài lại chiếc lưỡi câu cho thật sắc, mãi lát sau Mùi Văn Dừ mới ngẩng lên với tôi: “Nhìn lưỡi câu to thế chứ nó đã từng bị mấy con cá quái dưới đáy sông Đà kéo thẳng đơ như cây  đũa đấy. Cha tôi ngày xưa còn bị nó nhấn chìm thuyền, kéo phăng mất tích cả người". Dừ là một thanh niên dân tộc Mường, năm nay mới tuổi hai mươi bẻ gãy sừng trâu. Là thợ săn cá giỏi đã từng hạ gục những con cá chiên, cá lăng to như con heo rừng, nhưng Dừ vẫn chỉ là lứa con cháu của những thợ săn lão luyện. Già bản Mùi Văn Khương, nguyên chủ tịch xã Suối Bàng, kể cho tôi nghe có những thợ săn đã đến đời thứ tư, thứ năm tung hoành trên sông Đà. Còn nhiều đời tổ tiên trước nữa chắc chắn cũng thông thạo nghề sông nước này, nhưng ký ức con cháu về họ đã phai nhòa, mờ mịt như sương khói rừng thiêng.
Một đoạn sông Đà thơ mộng ở Mộc Châu, Sơn La
Lặng nhìn dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn Lai Châu ầm ầm đổ về, già Khương ề à tâm sự với tôi: “Ngày xưa, khi núi rừng Tây Bắc còn rậm rạp, âm u, các loài cá mú sinh sôi ở sông Đà còn nhiều hơn cả dân cư bên bờ. Chúng tôi chỉ chọn bắt những con cá to như con nai, con hoẵng để đem về cúng tế núi rừng và chia nhau ăn. Còn cá nhỏ thì thương nó, có bắt được cũng thả lại thôi, chẳng ai ăn nó bao giờ...". Ký ức già Khương về sông Đà cũng nhiều chuyện hoang thẳm như núi rừng Tây Bắc. Ông nhớ thời mình còn lẫm chẫm đòi theo cha đi săn đá nghe kể "thần núi, ma sông". Đó là những con "quái vật” có thể nhấn chìm thuyền, cuốn mất tích bao lữ khách Đà giang. Khi lớn lên, một mình một súng kíp lặn lội khắp sông sâu núi cao, già Khương mới dần hiểu con “quái vật" đã ám ảnh cả tuổi thơ mình chính là các con cá khổng lồ lúc ẩn lúc hiện chập chờn như ma quái trên sông Đà.
“Chỉ mới vài chục năm trước, hồi còn chiến tranh, tôi đã từng nhìn thấy những con cá nổi lên to đen bành bành như sống lưng trâu. Người thợ săn giỏi, không cần thả câu, cũng chẳng cần kéo lưới mà chỉ cần bám theo để chờ lúc nó nổi lên để hạ gục bằng súng kíp với loại đạn bắn ra một lúc 120 viên đạn chì. Mà bắn cũng phải nhắm bắn chính xác ngay đầu, bắn vào mình cá lớn cỡ đó chỉ làm nó bị thương và nổi điên, nổi dữ thêm” - già Khương nhớ hồi chiến tranh, đường sá Tây Bắc còn rậm rịt, nguy hiểm, là khách ngược xuôi miền đại ngàn này thường đi lại bằng thuyền trên sông Đà.
Nhiều người dưới xuôi lên, lạ lẫm đại ngàn, cứ ngỡ mình thấy “ma” sông Đà khi nhìn những bóng đen trùi trũi ẩn hiện như trêu ngươi dưới làn nước trước mũi thuyền. Có khi nó lập lờ, uốn éo như ma quái, lắm lúc lại bất động sừng sững như tảng đá rừng. Sự thật thì chúng là các loại cá chiên, cá lăng, cá chình khổng lồ của dòng sông này. Nhiều thợ săn miền Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình của thời năm 1940-1970 đã từng bắt được những con cá to như chiếc thuyền độc mộc, nặng hơn cả tạ. Khi chúng vùng vẫy có thể nhấn chìm cả thuyền nếu người chèo chống không có kinh nghiệm khéo léo lẫn lòng quả cảm...
Những thợ săn huyền thoại
Trăng thượng tuần xanh lạnh khuất dần sau đỉnh núi. Đêm như dài vô tận bên bếp lửa rừng âm u và hơi ấm rượu bắp. Tôi chếnh choáng men say nghe những thợ săn cá sông Đà khề khà những câu chuyện đường rừng hoang thẳm. Họ tâm sự Đà giang từ thượng nguồn chảy dần xuống xuôi và nhập thành một với sông Hồng ở Phú Thọ. Nhưng chỉ ở các đoạn chảy qua núi rừng, sông Đà mới thường có các loài cá khổng lồ. Họ nói chỉ địa hình núi rừng mới có ghềnh thác chảy xiết, mà cá lớn thì hiếm loài nào chịu được sự lờ đờ, bình lặng, chậm chạp của dòng sông.
Bao đời người dân Tây Bắc như già Khương đã khẳng định Đà giang rất nhiều cá. Và các thợ săn từ xưa đến nay đều truyền tụng cá chiên, cá lăng, cá chình là "vua” các loài cá trên dòng sông này. Chúng là loại cá da trơn, ăn mồi ở đáy sông và rất ưa ẩn mình trong các hang hốc. Mùa khô nước cạn, các loài cá này như biến mất dưới đáy sông. Nhưng khi mưa rừng trút nước, lũ cuồn cuộn đổ về, chúng lại tung hoành xuất hiện. Bây giờ, người ta thường chỉ bắt được cá cỡ 5 - 7 kg, nhưng ngay cả trong ký  ức những thợ săn trung niên cũng đã từng chứng kiến nhiều kình ngư 50 - 70 kg, thậm chí cả trăm ký. Đoạn sông nào càng có nhiều hốc đá thì chắc chắn càng nhiều “vua” cá, vì cả cá chiên, cá lăng lẫn cá chình đều ăn mồi dưới đáy sông và thường ẩn mình trong các hốc đá.
Ông Mùi Văn Áng, một thợ săn đã 60 tuổi ở huyện Mộc Châu, Sơn La, từng tung hoành vùng lòng hồ Hòa Bình từ khi chưa thành thủy điện, hào hứng kể: “Thời giờ rừng thưa, sông cạn nên hiếm thấy, chứ ngày xưa có những thợ săn tài giỏi chỉ dò hốc đá là biết có cá hay không. Mà cũng đâu cần dò, bởi thác ghềnh, hang hốc nào dưới lòng sông này mà họ chẳng thuộc nhẵn như bàn tay. Cách bắt cá của họ cũng rất dũng mãnh, khéo léo. Chẳng cần lưỡi câu, họ cầm xiên sắt nhọn lặn xuống hang đá để đâm cá. Bạn săn ngồi đợi trên thuyền chỉ nhìn thấy máu đỏ sủi lên là biết thợ săn đã đâm trúng được cá, nhưng đôi khi trong màu đỏ ấy có cả máu người vì bị ngạnh cá cứng đâm lại. Cuối cùng, cả xác cá lẫn xác người lờ đờ nổi lên mặt sông. Có thợ săn đến chết tay vẫn không chịu rời con cá mình đâm được.  Sau đó, con cá vấy máu người này lại được dân bản cúng ma cho chính thợ săn xấu số ấy”!
Con cá chiên nặng hơn năm ký vừa bắt được ở sông Đà 
Đại ngàn Tây Bắc bây giờ đã đổi thay nhiều. Chuyện săn cá dũng mãnh, ly kỳ như huyền thoại của núi rừng giờ hiếm nghe kể bởi nó gần như đã thất truyền. Nhưng thợ săn Mùi Văn Áng từ khi phiêu dạt lên Mộc Châu, Sơn La năm l980, vẫn bắt được nhiều con cá chiên, cá lăng lớn bằng gốc chuối, nặng bằng con heo. Cái ngạnh của nó đủ dài để đâm xuyên tim, hạ gục một thợ săn khỏe nhất. Ông tâm sự mình hình như có duyên nợ với Đà giang, có bỏ đi đâu loanh quanh rồi cũng không rời được dòng sông này. Sáu mươi năm cuộc đời, ông không dám khẳng định dấu chân mình đã in khắp miền Tây Bắc, nhưng sông Đà thì ông đã thuộc nhẵn như sợi chỉ lòng bàn tay. Một mình một thuyền độc mộc, ông đã từng ngược lên đến tận thượng nguồn ở Mương Tè, Điện Biên. Rồi chính ông cũng đã bao phen tung hoành với các thợ săn ở ngay ngã ba Hạc, nơi hạ nguồn của Đà giang hòa thành một với sông Hồng ở Phú Thọ. Người vợ Vàng Thị Tao, một mỹ nữ dân tộc Thái của miền Phong Thổ, Lai Châu đã bỏ nhà theo ông suốt cả cuộc đời cũng chỉ vì mê đắm chàng thợ săn Mùi Văn Áng tài ba, can trường...
Cạn cùng tôi ly rượu bắp nóng bừng, ông Áng lầm rầm kể có người cha Mùi Văn Quạch cũng từng là thợ săn cá sông Đà khét tiếng những năm 1930-1940 của thế kỷ trước. Có lẽ, ông Quạch là một trong nhũng người Mường ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình hiếm hoi đã lóc cóc đi ngựa xuống tận Hà Nội để mua thép cứng về uốn lưỡi câu. Đó là những thanh thép xanh chở tàu từ Pháp qua, to gần bằng cây đũa ăn. Rồi để làm thành một lưỡi câu, ông phải mất cả tuần cặm cụi mài giũa ngạnh sắc bén với đá cuội bên suối nước. Thuở ấy, hầu  như chỉ mỗi người Pháp là có thuyền máy trên sông Đà. Ông Quạch một mình, một thuyền độc mộc chèo tay ngược xuôi trên dòng sông này. Có những chuyến đi săn của ông mất cả tuần trăng. Đến khi ông về người sút hơn năm ký và kéo theo sau thuyền một con thủy quái “cá chiên” dài gần bằng người ông.
Một chùm lưỡi câu khổng lồ để săn “thủy quái" sông Đà 
Sau này, khi ông Áng lớn lên và tiếp tục bước xuống sông Đà làm thợ săn mới hiểu tại sao cha mình ngày xưa lại có những chuyến đi dài như thế. Tôi không tin có cá thần, cá quái mà chỉ nghĩ tuổi tác cá khổng lồ cũng già như tuổi người nên nó tinh khôn lắm. Nhiều khi phải mất cả mấy ngày mới dụ được nó đớp mồi, rồi phải chống chọi với cả chuyện nó kéo phăng thuyền độc mộc đi. Nếu cá kéo ngược nước còn đỡ, mà kéo xuôi thác xoáy thì có thể làm lật úp cả thuyền, nhấn chìm cả thợ săn”. Những năm 1980, ông Áng vẫn đi săn bằng bè tre. Nó nặng nề, khó chèo chống, nhưng an toàn, chẳng bao giờ sợ bị lật úp. Gần năm mươi năm sống chết với sông Đà, ông Áng đã từng săn được con cá chiên nặng gần 60 kg ở đoạn chảy qua huyện Mộc Châu, Sơn La. Đó là con cá khổng lồ mà ông đã đãi cả đại đội lính Thái Bình lên làm kinh tế mới, trồng chè những năm đất nước mới thống nhất. Một anh lính say cá, say rượu, chếnh choáng nói tặng ông quả lựu đạn để bắt cá cho nhanh. Nhưng ông dứt khoát không nhận vì sợ động đến oai linh rừng thiêng nước độc.
Và tiếng thở dài của dòng sông
Những chai rượu bắp đầy tràn rồi cũng đến lúc dần cạn, nhưng hình như các chứng nhân Đà giang một thời huyền thoại vẫn chưa say. Hình như những chủ nhân của núi rừng này muốn một lữ khách miền Nam ngoại đạo với Tây Bắc như tôi cảm nhận dược dù chỉ là một chút gì đó tình yêu rừng thiêng sâu thẳm của họ. Già làng Mùi Văn Khương trầm giọng tâm sự ngày nay nhiều người con núi rừng vẫn sống chết với dòng sông, nhưng bà mẹ sông nay thì đã buồn hơn xưa rồi! Các thủy điện nối tiếp nhau mọc lên chặn đứt dòng chảy cho cá di cư, sinh sản. Đà giang cũng đâu còn mấy con lũ vừa cuồn cuộn hung hãn vừa hấp dẫn, gọi mời lữ khách. Ngậm ngùi nhất là dân cư Tây Bắc ngày càng đông hơn, người dưới xuôi cũng đổ lên núi làm ăn và nghĩ ra nhiều cách bắt cá độc địa. Thợ săn sông Đà xưa truyền đời chỉ bắt cá lớn và bắt đủ ăn hoặc chia cho bà con trong bản, chẳng mấy ai buôn bán. Bây giờ, người ta nghĩ ra các loại lưới vơ vét cả cá lớn, cá nhỏ, cá mới sinh, rồi dùng cả thuốc độc, mìn để tận diệt.
Những loại lưới mắt nhỏ hiện nay đã tận diệt các loại cá lớn bé ở Tây Bắc
Sương khói màn đêm tan dần trên đại ngàn hoang thẳm. Ánh mặt trời đang lên trên đỉnh núi. Nhìn những thợ săn đang lục đục chuẩn bị bước xuống thuyền đón ngày mới với dòng sông kỳ vĩ của núi rừng Tây Bắc như cha ông bao đời của họ vẫn thế, mà tôi cảm nhận được nỗi niềm của họ. Nỗi niềm của những người con rừng thiêng để coi Đà giang như chính mạch máu trong cơ thể mình.
Và chẳng ai muốn huyền thoại Đà giang chỉ còn là... huyền thoại được truyền kể từ ngày xưa!'

 Quốc Việt
Theo http://nld.com.vn/

1 nhận xét:

  Trang văn đồng hành số phận 27 Tháng Tư, 2023 Tác giả Lê Xuân (tên thật là Lê Xuân Bột) là một gương mặt hiếm hoi trong giới cầm bút ở...