Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Pleiku, nắng chiều buông phủ

Pleiku, nắng chiều buông phủ
Bất giác, tôi có cảm tưởng cả thành phố Pleiku như vừa từ trên cao hạ xuống rồi nằm im dưới đáy bóng chiều… (Nguyễn Hoàng Dương)
Một mình tôi thả bước lang thang trên hè phố. Bên kia đường cũng có vài ba người đi lại một mình. Dưới lòng đường, kẻ đi bộ người đi xe, có rất nhiều những con người một mình đi đứng bên cạnh nhau mà phố xá trở nên nhộn nhịp đông vui.
Buổi chiều, mặt đường trải vàng bóng nắng, màu nắng lấp lánh trên những tàng cây còn ướt át sau cơn mưa vừa tạnh. Nếu không thỉnh thoảng nhìn thấy vài cây phượng vĩ bên đường trổ bông thì tôi cũng quên mất nơi đây đang là mùa hạ. Mùa hạ nơi phố núi Pleiku khí hậu thật hiền hòa dễ chịu. Tôi đến đây gần tuần lễ rồi. Trước những sớm mai bầu trời giăng đầy mây xám lòng tôi không vướng niềm u ám, sau những buổi chiều nắng vàng buông phủ hồn tôi vẫn không nghe gợn niềm hiu quạnh, tôi nghĩ rằng mình đã đến đúng nơi mơ ước.
Thật ra Pleiku đến với tâm hồn tôi trước khi tôi đặt chân đến nơi nầy. Phố núi cao phố núi đầy sương, phố núi cây xanh trời thấp thật buồn… Bản nhạc của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định với giai điệu sang trọng và lãng mạn đã khiến phố núi nầy tỏa hương sắc trong hồn tôi từ thuở tuổi mười lăm. Ở tuổi thanh xuân vừa mới chớm, tâm hồn tôi dễ bị ám ảnh bởi những hình ảnh gơi cảm trong thơ, trong nhạc. Tôi mơ ước sẽ có một ngày mình đến với phố nhỏ miền cao nguyên này dù chỉ để ngồi lẻ loi trong một quán cà-phê nào đó nhìn bâng quơ lên trời ngắm mây mù xuống thấp và may đâu được làm một người tình lang thang để rồi hát lên lời cảm tạ: …xin cảm ơn thành phố có em
Trước khi đặt những bước chân nhẹ nhàng xuống mảnh đất nầy, đôi chân tôi hơn mười năm lẩn quẩn loanh quanh trong một vòng tròn được định dạng bởi những hệ lụy áo cơm, những ràng buộc đời thường. Mười năm là một quãng đường dài, khi bước thấp, lúc bước cao, lúc thăng bằng, khi trượt ngã, đôi chân bị ràng buộc vì trách nhiệm đi mãi trong vòng tròn và vòng tròn ấy lăn dần về phía trước... Niềm ao ước một lần về chơi phố núi cùng với những khát khao khác đã dần dần chìm xuống thành những giấc mơ thầm lặng để rồi đôi khi trong những lúc tàn canh, những khi tỉnh rượu tôi lại  phải ngậm ngùi đối mặt… Thế rồi cơ may cũng đến. Nhân duyên như một làn gió lạ thổi tới, tôi cầm niềm ao ước tưởng chừng sẽ  mốc meo cũ kỹ thoát ra khỏi vòng tròn…
Tôi đặt chân xuống đất nầy, tâm hồn bay bổng như thể mình đang đi trong trạng thái chân không. Vài hôm đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Nắng lạ, gió lạ, mây lạ bay trên đầu, dưới chân là những đường phố không có trong ký ức, chưa định hướng được Đông Tây, vẫn còn mơ hồ Nam Bắc… Chính trong khoảng thời gian nầy, khi bước chân vẫn còn ngỡ ngàng vì phải đi trong một không gian khác lạ, không hiểu sao trong hồn tôi man mác nỗi nhớ về vòng tròn vừa mới thoát ra.
Sau gần tuần lễ hít thở khí trời cao nguyên, tôi đã thích nghi dần với nơi này. Những đường phố về đêm, những cánh rừng ban mai, những lưng đồi nắng xế cho tôi cảm giác bình yên và thân thiết của một người bạn dù mới gặp nhưng đã bao lần ước mơ được thấy mặt.
Cách đây hai hôm, khi chạm vào mặt nước hồ Tơ-nưng, tôi có cảm giác được sờ tay vào huyền thoại. Trong ánh nắng buổi sáng, mặt nước hồ trong xanh đến lạ lùng. Ẩn trong màu xanh ấy là huyền thoại về nguồn gốc sự sống của một bộ tộc. Tôi kính cẩn nghiêng mình bên hồ nước biếc trước khi dùng tay vốc nước lên rửa mặt rồi cười như một đứa trẻ thơ trước người mẹ thiên nhiên vĩ đại. Tôi hồn nhiên trèo cành leo dốc, rồi đi đứng nhởn nhơ trên một đoạn bờ hồ vẫn còn đầy vẻ sơ khai, tôi hồn nhiên đến độ gần như hoang tưởng với ý nghĩ hồn thiêng hồ Tơ-nưng dắt tôi về một sớm mai nguyên thủy.
Vây quanh hồ là những rừng thông mát lặng, ánh triêu dương như tấm lụa  nừa thực nửa hư phủ xuống mặt hồ. Tôi đứng chiêm ngưỡng mặt hồ, nhìn quanh mấy phía, vẻ đẹp hoang sơ khiến tôi ngẩn ngơ, bóng dáng tôi đứng đó nhưng hồn tôi hòa quyện vào thiên nhiên, bay tìm nguồn cội. Tôi thả hồn mơ màng… khi bay về phía có tiếng cồng chiêng, lúc chao lượn trên một mái nhà rông, có khi dừng lại đâu đó bên ánh lửa bập bùng trong đêm mùa lễ hội với những ché rượu, với những chàng trai, những cô gái nhảy múa, xoay vòng trong vũ điệu hoan lạc sơ khai. Hết cơn mơ màng, tôi lại thơ thẩn dạo chơi trên những triền thông… Những chiếc lá thông khô rụng xuống vai tôi, những cành hoa dại và muôn ngàn chồi cây dậy thì tỏa hương hòa vào nhau cứ phảng phất quanh tôi như níu giữ. Tiếng chim hót trên cành thông như chào tôi, tôi ngây ngô mỉm cười rồi đi về phía có vài ba bóng người. Sau lưng, sự tịch lặng xa dần…
Cảm giác hòa quyện vào miền đất lạ cứ tăng lên và rộng dần ra khi buổi trưa hôm qua tôi đặt chân vào một buôn làng người Ba Na ở huyện Chư-sê. Làng Achông được bao bọc, che chở bởi nhiều dãy núi sừng sững nối vào nhau. Tôi đi dạo khắp làng, nhìn ngắm những ngôi nhà sàn. Hầu hết những ngôi nhà sàn ở đây người Ba Na chỉ giữ lại từ thời tổ tiên họ cái hình dáng, còn vật liệu gần như hiện đại, rải rác tôi nhìn thấy vài ba ngôi nhà xây theo cách của người Kinh. Một đám trẻ con, trai có, gái có, đứa mặc áo, đứa ở trần với màu da đen đúa tụm lại ngồi chơi bài trên một sàn nhà không có vách xung quanh, có những đứa bé nhỏ tuổi hơn ngồi xem. Tôi bước tới. Thấy tôi, mấy đứa chơi bài ngừng tay một lát nói gì với nhau rồi lại tiếp tục cuộc chơi. Tôi làm quen với mấy đứa bé ngồi xem chung quanh, cho kẹo một đứa bé gái chừng ba tuổi, con bé nhận kẹo rồi cười vui vẻ, tôi cho tiếp đứa bé bên cạnh, lại thêm một nụ cười… Đứng chơi một lát, tôi cười chào bọn chúng rồi quay ra. Lòng tôi dâng lên niềm thương cảm…
Theo lối mòn nhỏ, tôi băng qua một nương mì sắn đi ra phía bờ sông. Một bến nước với những bóng cây cổ thụ che bóng mặt trời hiện ra. Con sông Ajun chảy qua làng Achông một màu nước đục đỏ. Ở đoạn bến nước, khoảng cách giữa hai bờ không rộng lắm, lòng sông có nơi nhô lên từng khoảng đá cuội. Tiếng nước chảy dưới chân nhưng nghe có vẻ buồn buồn xa vắng, trong tiếng nước chảy kia có âm thanh của nghìn xưa vọng về. Hồn đại ngàn hoang sơ thốt lên, đồng vọng, âm vang trong tiếng nước chảy qua bến sông trưa vắng vẻ. Tôi trầm tư ngồi trên bến nước, nghĩ về núi về rừng, nghĩ về những suối những khe, nghĩ về những con người sống hồn nhiên với bao vất vả thiếu thốn giữa lòng buôn bản. Rời bến nước, tôi trở ra đường lớn. Tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhỏm dễ chịu trước màu xanh của những nương lúa, nương khoai, tiếp giáp với những rẫy điều, rẫy ngô tươi tốt. Dưới nắng trưa oi nồng, những con bò vẫn nhởn nhơ gặm cỏ trên một triền nương bỏ hoang, bên cạnh bóng mát của cây Kơ-nia có một gia đình người Bana đang ngồi ăn cơm, thấy tôi đi qua, họ vẫy tay vui vẻ gọi chào. Tôi chợt nghĩ có những con người sống trong sự đầy đủ vật chất,văn minh, hiện đại chắc gì đáng yêu bằng họ. Lòng tôi chợt vui khi nhìn thấy những đường dây điện trên cao chạy băng qua những đối nương và khi trong túi tôi chiếc điện thoại di động phát ra tín hiệu một cuộc gọi đến…
Tôi tha hồ lang thang, thả cho đôi chân mình muốn đến đâu thì đến, muốn về đâu thì về, tận hưởng sự nhẹ nhàng thanh thoát trong từng bước chân sau những tháng năm phải chịu cảm giác nặng nề bước đi trong vòng quay áo cơm lận đận. Thành phố Pleiku quả là nơi lý tưởng cho những nghệ sĩ mơ mộng lang thang, với nhiều con đường có vỉa hè thênh thang rợp bóng cây xanh và những lối đi hai bên trải dài hoa cỏ. Những ngày ở đây tôi cứ thích lang thang trên phố, xem đây như liệu pháp khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Một mình nhưng không cô độc, tôi lang thang và xem đây là một cách thả mình hòa quyện vào đời sống, một cách tận hưởng hương sắc của những ngày rong chơi phố núi. Đời sống sẽ bớt đi vẻ hối hả bon chen khi nhìn thấy những dáng người ung dung, chậm rãi, mơ màng lang thang… trên những hè phố. Đến đây tôi mới hay rằng những giờ phút lang thang trên phố cần thiết và quí giá dường nào.
Thành phố Pleiku rộng lớn và đông vui hơn nhiều so với hình ảnh của một thành phố mà ngày xưa tôi tưởng tượng. Tôi bước đi trên những con đường nhộn nhịp người qua lại. Tôi băng qua những bùng binh đầy ắp nắng chiều, tôi thả bước mơ màng đi dưới bóng râm của một hàng thông già hơn trăm tuổi. Tôi hòa vào dòng người trôi chảy, hàng chục con đường như nhiều nhánh sông chở dòng người êm êm trôi về phía trước.
Hơn một tuần lễ qua, tôi đã sống trọn vẹn với ước mơ trở thành hiện thực, gần như tôi quên hẳn cái vòng tròn mà từ đó tôi thoát ra.
Tôi trở về nơi trú thân. Bước vào thang máy, thay vì dừng lại ở tầng 2 để vào phòng, tôi ngẫu hứng nhấn nút đến tầng 7. Bước ra khỏi thang máy, tôi đi lên sân thượng của khách sạn. Toàn cảnh thành phố được thu vào trong tầm mắt từ vị trí nầy. Âm thanh, tiếng động của thành phố về chiều không vọng đến nơi đây. Nhìn về phía Đông, tôi thấy núi Hàm Rồng nhô cao trên nền những triền đồi thoai thoải nối nhau mờ dần trong màu nắng nhạt. Những đường phố rợp bóng cây xanh, những tòa nhà cao tầng vươn lên trong sắc chiều lấp lánh. Tất cả được thu nhỏ lại và hiện lên nguyên hình như một bức tranh với vẻ đẹp trầm mặc đến ngỡ ngàng… Bất giác, tôi có cảm tưởng cả thành phố Pleiku như vừa từ trên cao hạ xuống rồi nằm im dưới đáy bóng chiều…
Tôi cảm thấy yêu mến phố núi nầy. Tôi do dự, luyến tiếc khi nghĩ đến một ngày phải tạm biệt nơi đây. Tôi cảm thấy vòng tròn vô hình kia sắp ràng trói mình trở lại. Điện thoại reo. Tôi áp máy vào tai nghe. Từ một miền quê duyên hải xa xôi, tôi nghe tiếng gọi của đứa con gái bốn tuổi: Ba ơi! Con nhớ ba lắm. Mai ba về với con nhé!
Tôi chợt thấy vòng tròn kia không phải là nơi ràng buộc nữa.Vòng tròn ấy đã biến thành một vòng sóng êm ái tỏa rộng ra, gợn sóng khẽ chạm vào tôi  rồi vòng tròn tan biến…
Dưới kia, thành phố Pleiku nắng chiều buông phủ…
  Nguyễn Hoàng Dương

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...