Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Xung quanh câu thành ngữ “Mười hai bến nước”

Xung quanh câu thành ngữ “Mười hai bến nước”
Đỗ Tiến Bảng 
Vào năm 2007, trên báo Văn nghệ có một số bài viết trao đổi về câu thành ngữ “Mười hai bến nước” (Thế Anh với bài “Về câu thành ngữ mười hai bến nước” – VN số 21, ngày 26.5.2007; nhiều ý kiến trong “Phận gái mười hai bến nước” là gì? - VN số 26 ngày 30.6.2007) Những ý kiến còn đó, chưa có lời kết. Xin được trở lại vấn đề này.
Để hiểu một câu thành ngữ không phải là chuyện khó, vướng mắc và trở ngại là khi đi tìm nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Cắt nghĩa cho rõ, lý giải cho “thông”, để người nghe thấy có lý là việc không dễ dàng. Câu thành ngữ “Phận gái mười hai bến nước” là nằm trong trường hợp như thế. Lại nữa, khi giải thích, phạm vi luận giải mở rộng sang các khái niệm khác thì ý kiến khác nhau càng tăng lên. Chúng tôi xin nêu một vài khía cạnh góp bàn.
Trước hết cần tra xét trong các Từ điển thành ngữ (TĐTN). Tác giả Thế Anh cho rằng: “Trong nhiều cuốn thành ngữ không thấy các tác giả đưa vào.” Thực tế không phải như vậy, có đến 3 cuốn TĐTN đã đưa câu thành ngữ này! Các biến thể và ý nghĩa của “Phận gái mười hai bến nước” của tác giả Quán Vi Miên (số báo VN 26) nêu khá rõ. Ở Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân cũng nêu nghĩa tương tự. Các tác giả TĐTN đều thống nhất ý nghĩa thành ngữ này chỉ thân phận người phụ nữ dưới chế độ cũ không chủ động được thân phận, bị trôi nổi phụ thuộc vào hoàn cảnh. Điều đáng chú ý là các biến thể và văn cảnh xuất hiện câu thành ngữ. Đó là câu Phận gái bến nước mười hai/ Gặp nơi trong đục may ai nấy nhờ (Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa, 1997, tr 624 của Vũ Dung – Vũ Thúy Anh – Vũ Quang Hào). Sự đảo ngược trật tự “mười hai bến nước” thành “bến nước mười hai” do áp lực vần trong câu ca dao, nhưng nó lại chỉ ra cấu trúc của cụm từ này trong câu thành ngữ. “Bến nước” và “Mười hai” có nguồn gốc và ý nghĩa gì? Bến nước: nghĩa đen là chỉ “ bến sông để thuyền bè đậu…( Từ điển tiếng Việt), nghĩa bóng là nói nơi neo đậu, bến đỗ trong dòng đời mỗi con người. Nhưng nghĩa này không phải bàn cãi. Mắc mớ là ở con số “mười hai”.
Về nguồn gốc và ý nghĩa con số mười hai.
Tác giả Quán Vi Miên nêu ý kiến: “ Nghĩa đen (cũng hiểu là nguồn gốc) của câu thành ngữ : Mười hai bến nước là 12 con giáp hoặc 12 nghề trong xã hội xưa (ý của Trịnh Quang hoặc của ai đó). Tiếng nói 12 bến nước là nói cho có vần (Đại Nam quốc âm tự vị Paulus – dẫn theo Thế Anh). Câu thành ngữ này có nội dung như trong Thập nhị nhân duyên của sách Phật (dẫn theo Thế Anh). Có thể xem đây là các giả thiết. Chúng tôi nghiêng về giả thiết của Thế Anh, chỉ tiếc là tác giả không nói gì thêm về Thập nhị nhân duyên. Trường hợp khó chấp nhận khi nói “12 bến nước là nói về 12 con giáp và 12 nghề” (báo VN số 26, b.đ.d). Các cách hiểu và giải thích trên ít nhiều còn suy diễn, gán ghép hoặc phiến diện, chưa nói rõ cơ sở con số 12. Theo chúng tôi, muốn làm rõ một khái niệm cần phải dựa vào các loại sách công cụ, mà loại sách có độ tin cậy cao; sau đó khảo sát từ ngữ ấy trong các văn cảnh cụ thể hoặc trong những sinh hoạt xã hội. Cụm từ “mười hai bến nước” không thấy xuất hiện trong các Từ điển thành ngữ, từ “mười hai” là số từ không được mô tả trong Từ điển tiếng Việt. Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (tác giả Jean Chevalier và Alain Gherbrant, Nxb Đà Nẵng, 1997) nêu: “Mười hai là số để chia thời gian và không gian. Đây là tích của số bốn phương nhân với ba bình diện của thế giới”, “số 12 tượng trưng cho hoàn vũ trong chu trình vận hành trong không gian và thời gian”, “người Trung Hoa và các dân tộc ở Trung Á chia thời gian thành những nhóm chính, mỗi nhóm có 12 năm”, “Tóm lại, số 12 từ xưa tới nay, vẫn là con số của sự hoàn thành, của một chu kỳ đã hoàn tất” (tr 612- 613 s.đ.d); “Vòng Hoàng đạo được phân chia theo con số hoàn hảo là số mười hai, ứng với mười hai chòm sao” (tr 435, s.đ.d).
Những quan niệm trên có thể gợi ý, chỉ dẫn tìm hiểu về số 12: đây là số chỉ sự hoàn tất một chu trình vận động trong thời gian – không gian, một con số biểu thị sự hoàn hảo. Theo cách chia thời gian ở hệ thống “Can”, “Chi” (Kinh dịch) có 10 Thiên can, 12 Địa chi kết hợp; mỗi Địa chi đặt tên theo biểu tượng một loài vật, dân gian gọi là “12 con Giáp”. Như vậy “12 con Giáp” là một chu kỳ vận động của thời gian.
Mở rộng ra, khi nói đến hỗ trợ, nâng đỡ con người có các “vị thần” bản mệnh đó là “12 Bà Mụ”. “Mười hai bà mụ ghét chi nhau/ Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu” (Quan thị, thơ Hồ Xuân Hương); “Dân gian xưa quan niệm rằng, con người ta do 12 bà mụ nặn thành khi còn đang hoài thai trong bụng mẹ” (Nguyễn Đăng Na, “Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb GD, 2006, tr 324). Nói cho rõ hơn: muốn tạo ra một con người phải có 12 bà mụ, mỗi bà tạo một bộ phận cơ thể. Để ghi nhớ công ơn bà mụ người ta cúng “đầy cữ”. Đầy “cữ” không phải đầy tháng, “cữ” được tính theo ngày tuổi của con trai con gái. Con trai có 7 vía, con gái 9 vía; nên 7 ngày cúng mụ cho con trai, 9 ngày cúng mụ cho con gái. Tác giả Lê Tuấn (VN số 26 bài đ.d) cho rằng: “12 bến nước chỉ là câu nói văn vẻ chỉ về 12 bà mụ”, tác giả còn gắn 12 bà mụ với 12 loại hình của con người (theo triết học Bát Nhã của nhà Phật). Điều này chưa có cơ sở nên chưa bàn ở đây. Chỉ có điều khi kể trong các bộ phận của con người, thường nói “lục phủ, ngũ tạng” (lục phủ: bàng quang, tam tiêu, vị, đảm, đại trường, tiểu trường; ngũ tạng: thận, phế, tâm, tỳ, can) nhưng theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác phải tính là “lục tạng”: “ riêng thận có hai tạng thủy và hỏa, cho nên nói là có sáu tạng phối hợp với sáu phủ” (Hải Thượng y tông tâm lĩnh, tập I, Nxb Y học, 1991, tr 28). Nghĩa là con người đủ 12 tạng, phủ.
Trong truyện thơ Vượt biển (Khảm hải) của dân tộc Tày, Nùng kể lại cuộc đời khổ ải của một Sa dạ sa đồng (người sống cùng khổ trong kiếp người, sang kiếp ma lại làm thân nô dịch, bơ vơ không nơi nương tựa). Ở kiếp ma nơi âm phủ phải chèo thuyền qua 12 rán nước (rán: đơn vị đo chiều dài mặt nước ở một số vùng miền núi, mỗi rán nước có những gềnh thác, vực sâu nguy hiểm, đe dọa tính mạng người chèo thuyền). Như vậy ở các dân tộc ít người cũng có chung quan niệm về số 12: một chu trình khổ ải cả kiếp nạn sau khi chết.
Trong một số lễ hội cũng có qui định về số 12. Nghi thức lễ hội ở làng Yên Lộ (Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây cũ) quy định mua sắm đồ mã, chuẩn bị lễ vật có 12 chiếc lồng sông, 12 đồng bánh thủy, 12 tấm mía ba chỉ. Lễ hội làng Cầu Đơ (Thị xã Hà Đông, Hà Tây cũ) trong Đại tế yến phải tế “Thập nhị bái”, có 12 cô gái dâng lễ ngũ quả, 12 cô gái cầm cờ ngũ hành trong đoàn rước. Múa rối nước làng Gia (Thạch Thất, Hà Tây cũ), tiết mục đua ngựa có 12 con (xem Tục tắt đèn đêm hội giã La, Yên Giang; Nxb Thế giới, 2007)
 Liệu “Câu thành ngữ có nội dung như trong Thập nhị nhân duyên của sách Phật” không? Tác giả Thế Anh không nói gì về nội dung này. Theo trình bày của “Nhà đạo học” GS Cao Xuân Huy, Thập nhị nhân duyên là phương pháp tu tiểu thừa” “Duyên là nguyên nhân, là duyên do. Có 12 nhân duyên gắn bó mắt xích với nhau sinh ra cái khổ của con người, đó là chuỗi dây chuyền nhân quả”; tên gọi 12 nhân duyên bao gồm: Vô minh, Hành, Thành, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão, Tử (Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, 1995, tr 578-579). Về tên gọi và nội dung nhân duyên thứ ba “Thành”, trong Từ điển Phật học không phải là “Thành” mà là “Tâm thức”( hoặc “kết sinh thức”) (Nxb KHXH, 1991, tr 426-427). Đây là nội dung không cần đi sâu, cái chính mười hai nhân duyên là một quá trình diễn tiến nhân quả, sinh ra cái khổ. Không thể nói “câu này (thành ngữ “Phận gái…”) có nội dung như câu Thập nhị nhân duyên trong sách Phật” như tác giả bài báo (VN 21)
Tóm lại, con số 12 có nhiều nguồn gốc, nhưng đều chỉ một quá trình đầy đủ, hoàn tất, tận cùng của sự vận động trong thời gian, không gian.
Ý nghĩa Mười hai bến nước
Mười hai bến nước không phải là số đếm đơn thuần về một địa điểm, đó là một quá trình đi qua không gian và thời gian của một cuộc đời với nhiều gian nan vất vả. Có điều, người phụ nữ trong xã hội cũ, nhất là phụ nữ thường dân dễ phải chịu thân phận trôi nổi lênh đênh trong hôn nhân gia đình. Nhà thơ Nguyễn Bính có tập thơ Mười hai bến nước, mang tên bài thơ trong tập, bài thơ là tâm trạng chia xa của một người đang tưởng nhớ người yêu nơi chân trời góc bể. Bài thơ dài có cái tên 14 chữ “Bao nhiêu đau khổ của trần gian trời đã dành riêng để tặng nàng” bộc bạch nhớ thương, hồi tưởng: “Năm ấy sang sông lỡ chuyến đò/ Đò đầy gió lớn sóng sông to/ Mười hai bến nước xa lăng lắc/ …”, “Tôi tiễn mình trên bến nước này/…”( Thơ mới 1932-1945, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr 391)
Vậy có thể hiểu: Mười hai bến nước chỉ tất cả những nguy nan trắc trở trong cuộc phiêu lưu vô định mà con người không làm chủ được số phận, phải chịu đựng, trải qua.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trang văn đồng hành số phận 27 Tháng Tư, 2023 Tác giả Lê Xuân (tên thật là Lê Xuân Bột) là một gương mặt hiếm hoi trong giới cầm bút ở...