Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Thả thơ trên sông Hương

Thả thơ trên sông Hương

Chiều xuân, sau nguyên tiêu, chiếc thuyền rồng ngược dòng Hương lên phía chùa Thiên Mụ trong ánh nắng vàng hươm ấm áp trải lên khắp mặt sông lấp lánh và đôi bờ xanh mướt ngàn cây.
Trong tiếng máy nổ xình xịch không ai có thể tạo nên diễn đàn chung cho gần hai chục du khách. Nên thuyền vượt qua Thiên Mụ, lên ngang Văn Miếu thì quay mũi và tắt máy. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đứng giữa vuông chiếu trải rộng trên sàn, long trọng tuyên bố trò chơi thả thơ bắt đầu.
Không phải là thả những câu thơ xuống sông như có người lầm tưởng. Theo nhà thơ Hải Trung - tác giả chủ trương khôi phục trò chơi này, đây là thú chơi tao nhã của giới nho sĩ, quý tộc ngày xưa ở kinh đô Huế. “Người cầm cái” và người tham gia phải có kiến thức về văn chương mới hòng thắng cuộc. Đề ra là một, hai câu thơ nổi tiếng nhưng bỏ trống một hoặc hai từ, kèm theo gợi ý là năm đáp án khác nhau. Người thắng cuộc khi chọn đúng một trong năm đáp án đó để điền vào chỗ bỏ trống trong đề ra.
Ngày trước tất nhiên đề thi là các câu thơ chữ Hán, còn các buổi thả thơ trong “Đêm hoàng cung” do Hải Trung tổ chức tại Đại nội Huế bắt đầu từ năm ngoái thì đề thi hầu hết là thơ quốc ngữ. Đến chiều nay, thả thơ lần đầu được tổ chức trên thuyền rồng sông Hương.
Theo cách bố trí của nhóm hướng dẫn viên thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hai chiếu thơ được bày ra trên thuyền - mỗi chiếu có năm người tham gia. Mỗi đợt thi có ba đề nên mỗi người dự thi có ba thẻ gỗ (tựa như bài ngà các quan đeo ngày xưa) để đặt vào vòng tròn đáp án mình chọn.
Tốp du khách chưa ai chơi bao giờ, nghe qua có vẻ rắc rối, tuy nó cũng tương tự một số trò chơi trên truyền hình hiện nay nên có người đề nghị “làm nháp một lần thử coi!”.
Nhưng có tiếng nói phản bác: “Cứ chơi thì biết thôi. Cụ Nguyễn Tuân đã tả cảnh thả thơ rồi mà!”. Người nhắc là vị bác sĩ đã ở bên Mỹ mấy chục năm. Kể cũng là điều bất ngờ vì tôi (và chắc không chỉ mình tôi) mang tiếng là nhà văn thuộc loại “mọt sách” đã không nhớ ra điều ấy. Nào, thì chơi. Năm người ngẫu hứng sà xuống bên nhau quanh mỗi chiếu thơ, chẳng kể là đã quen thân hay chỉ mới gặp lần đầu, chẳng ngại “ông” từ Mỹ về hay từ Pháp sang.
Cả năm chăm chú hướng về “người cầm cái” đang mở túi đề thi. Nhà thơ Hải Trung đã công phu chuẩn bị cả trăm túi đề thi, toàn những câu thơ của các nhà thơ danh tiếng nhưng lại có từ khi để trống dễ đặt ra nhiều đáp án tương tự, phải tinh ý lắm hoặc thuộc thơ, hiểu phong cách nhà thơ mới đoán đúng.
Câu thơ đề thi đã được trải ra trên chiếu - một trang giấy trắng khổ lớn, phía dưới có năm vòng tròn ghi A, B, C, D, E để người tham gia bỏ thẻ khi chọn đáp án. Câu thơ trải xuống chiếu như sau: “Tiếc thay lưu lạc giang hồ/ Nghìn vàng O cũng nên mua lấy tài”. Năm đáp án gợi ý kèm theo là: A = nghĩ; B = thực; C = muốn; D = chắc; E = thôi.
Sau tiếng “thả thơ bắt đầu” của “người cầm cái”, những chiếc thẻ gỗ lách cách đưa ra, nhắm nhe chỗ bỏ trống biểu hiện bằng một vòng tròn (O) kèm theo tiếng lẩm nhẩm các đáp án. Có tiếng kêu: “Kiều rồi!”. Đúng là một câu trong Kiều của Nguyễn Du, nhưng bạn chọn đáp án nào? Một vài chiếc thẻ trên hai chiếu thơ bắt đầu thả xuống. Chỉ một người thả trúng là thầy Trần Đại Vinh ở khoa văn Đại học Sư phạm Huế với đáp án B.
Thả thơ lần hai bắt đầu: “Gió càng to, sóng càng to/ Mấy O cũng đứt, mấy đò cũng xiêu”. Năm đáp án gợi ý là dây, lèo, neo, buồm, thuyền. Nào, bạn chọn đáp án A, hay B, hay C...
Mỗi đợt ba câu thơ, sơ kết rồi chung kết... Mười mấy con người thay phiên nhau mê mải như quên tuổi tác, quốc tịch, chính kiến, nghề nghiệp... ngồi sát bên nhau quanh hai chiếu thơ, chỉ nghĩ đến chữ nghĩa, chẳng bận tâm hơn thua, nhiều khi còn nhắc bài cho nhau: “Câu này không chừng của Tản Đà. Nguyễn Bính mới dùng từ đó...”. Và vì thế quên cả hoàng hôn đã buông và ánh đèn đã nhấp nháy phía cầu Trường Tiền...
Nguồn: tuoitre.com.vn
Nguyễn Khắc Phê
  

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...