Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Mùa xuân của ba nhà thơ tên Xuân

Mùa xuân của ba nhà thơ tên Xuân 
     Mùa xuân - đề tài muôn thuở của thi nhân từ cổ chí kim. Mùa xuân đến, ấy là lúc “tức cảnh sinh tình”để lại cho đời những bài thơ xuân độc đáo. Và có những mùa xuân riêng có của ba nhà thơ tên Xuân…
   Với Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm - thì mùa xuân bao giờ cũng khỏe khoắn, tươi trẻ, thật hồn nhiên, dân giã nhưng cũng đầy chất quý phái. Nữ sĩ đã thi vị hóa một trò chơi dân gian ngày xuân – đánh đu – qua bài thơ « Đánh đu »:
                        Trai đu gối hạc khom khom cật
                        Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng
                        Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
                        Hai hàng chân ngọc duỗi song song
    Chỉ bốn câu thơ, nhưng cảnh xuân như hiện ra sự rộn ràng, phơi phơi của mỗi người đón nhận sắc xuân tràn đầy niềm vui “Kẻ thì lên đánh, kẻ ngồi trông”. Xuân vui, háo hức là lúc cánh đu bay lên giữa trời xuân dịu dàng của mây trắng, trời xanh thanh cao. Từ “ngọc”, “hồng” như gợi hết nét xuân thì tươi trẻ, kết hợp với chỉ một từ “phấp phới” thôi cũng đủ mê hoặc lòng người, cho người cảm nhận một mùa xuân bất tận nhưng nhẹ nhàng, tinh tế như trong thơ của đại thi hào Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Đang ngây ngất với trời xuân, cảnh xuân, tình xuân là thế, bỗng Hồ Xuân Hương kết thúc bài thơ thật đột ngột, thoáng chút ngậm ngùi
                             Chơi xuân có biết xuân chăng tá
                             Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không !
     Đến đây, hơi thở mùa xuân như nhường lại cho tâm trạng với nỗi đau bất tận về thân phận, sự ám ảnh của thân phận gắn liền với thời cuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày trước. Xuân đồng vọng với niềm vui hóa ra bây giờ lại đồng vọng với nỗi buồn đau nhân thế. Hai câu thơ kết thúc như tiếng nấc nghẹn ngào, một nỗi buồn trống vắng, cô đơn, xót xa thấm vào lòng người, rồi lan tỏa ra cả không gian và thời gian, và bất chợt người đi chơi xuân lại ngơ ngác mãi những ngày xuân…
     Với Xuân Diệu - ông hoàng thơ tình yêu - thì mùa xuân dường như đang tỏa ra ngây ngất từ trong lòng minh qua bài thơ “Xuân không mùa”:
         Một ít nắng, vài ba sương mỏng mảnh
         Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
         Thế là xuân.Tôi không hỏi chi nhiều
         Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng
    Với hồn thơ “tha thiết, rạo rực” thì hẳn nhiên Xuân Diệu là nhà thơ rất đam mê mùa xuân. Bởi xuân là tuổi trẻ, và tuổi trẻ là tình yêu và hạnh phúc. Với mùa xuân – nàng xuân, hình như mọi giác quan của nhà thơ lúc nào cũng căng ra như một sợi dây đàn, đủ đầy mọng ước tình yêu, dù chỉ một làn gió nhè nhẹ thoảng qua thôi thì lập tức dây đàn ấy rung lên những thanh âm rộn rã. Vì vậy, trái tim nhạy cảm của nhà thơ lúc nào cũng cảm nhận được mùa xuân ở mọi gón nhìn rất tinh tế:
Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lúa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng
Xưa, cụ Nguyễn Du cho rằng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì nay, có lẽ Xuân Diệu phải có một tâm hồn luôn tươi non mới có được những cảm giác mùa xuân không dễ mấy ai cảm nhận được sự độc đáo như thế. Bước đi của thời khắc bồn mùa trong năm như ám ảnh trong từng câu chữ của nhà thơ, mà trong đó mùa xuân lại là “nội lực” thơ ca Xuân Diệu ưu ái. Cũng từ cảm nhận xuân đến rồi, nhà thơ đã giải bày  tính cách muôn điệu, phong phú của mình :
Kể chi mùa thời tiết với niên hoa
Tình không tuổi, và xuân không năm tháng
Đến đây thì mọi sự đã tỏ “mười mươi”. Ông bộc bạch chân thành trái tim “không tuổi”, ông là “cây đàn muôn điệu”, ngay cả lúc nhận ra gương mặt mùa xuân của đất trời. Và có lúc cái tình xuân của ông thật điên cuồng khi bật ra lời lẽ tha thiết một tình têu với cuộc đời:
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi
(Vội vàng)
Riêng với duy nhất câu thơ này, nhiều nhà phê bình đã đi tìm cái đẹp trong thi ca Xuân Diệu cho rằng: Trong hàng trăm bài thơ tình của Xuân Diệu, không có câu nào “Xuân Diệu” hơn câu thơ này. Nghĩa là câu thơ làm nên “ con người” Xuân Diệu mãi lưu lại hậu thế.
Viết về mùa xuân, còn có một nhà thơ tên Xuân nữa là Xuân Quỳnh – một trái tim nhân hậu, bao dung. Chị làm thơ về mùa xuân không nhiều, cũng không nghiêng về tả ít gợi nhiều trời đất vào xuân với “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”. Ngược lại, thơ về mùa xuân của chị trực tiếp nói về con người, và chị tự tin vào thế hệ mình, tự tin vào phái nữ cành yếu lá mềm trong cuộc sống thường ngày. Vì thế, trong bài “Thơ vui về phái yếu”, chị nhận ra ngay quy luật mùa xuân mạnh mẽ trong mỗi con người và nhà thơ “dữ dội và dịu êm” này nhìn về phái  “mày râu” rất cụ thể:
Những người đàn ông các anh có biết bao điều to lớn
Vượt khỏi ô cửa cỏn con, căn phòng hẹp hàng ngày
Các anh nghĩ về tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Tới thăm dò những hành tinh mới lạ
Để rồi cũng rạch ròi phân định ra chỗ đứng rất riêng của phái nữ:
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hằng ngày
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét
       ...Chỉ có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc ngày xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời tiếp nối
Như trăng lên, như hoa nở giữa ban ngày
Đến đây, hòa lẫn giữa cái cao cả và cái bình thường, giữa phái nam và phái nữ, Xuân Quỳnh đã tìm ra điểm nối mật thiết, đặc trưng giữa hai thế giới ấy. Một vết nối thanh tú, tao nhã, nhẹ nhàng đương nhiên làm nên sự tồn tại của trái đất. Câu thơ như lời tâm sự nghịch ngợm đáng yêu, hiện hữu rất đời thường:
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay những người anh hùn
Là bác học... hay là ai nữa
Vẫn là con của những người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường không ai biết tên tuổi
Rõ ràng, sự lý giải của nhà thơ rất có lý khi cứ nhắc đi nhắc lại những thực tế vốn có giữa đời thường, và ẩn sâu trong đó là một mùa xuân òa ra, vỡ lẽ biết bao điều muốn nói, đậm chất suy tư rất … phụ nữ trong bốn câu kết của bài thơ :
Vài đoạn thơ vui nhân dịp ngày xuân
Đùa một chút xin các anh đừng giận
Thú thực là chúng tôi cũng không sống được
Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà…
Cũng như bà chúa thơ Nôm - Xuân Hương, ông hoàng thơ tình - Xuân Diệu, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã làm nên một “diện mạo” chính mình khi viết về mùa xuân. Tâm tư này của Xuân Quỳnh cho thấy một trái tim đa cảm, hồn hậu khi đất trời vào xuân. Háo hức, tinh nghịch nhưng đằng sau ấy là suy tư về cuộc đời, về số phận, về trách nhiệm làm người…Thật là Xuân Quỳnh làm sao…
Xuân Hương - Xuân Diệu - Xuân Quỳnh, ba nhà thơ tên Xuân - ba tâm hồn thơ xuân gieo vào đất trời này ba khung trời xuân ngọt ngào đầy xuân sắc… Ngày xuân, ngắm cảnh hoa lá khoe sắc cùng đất trời nhân gian, lắng nghe tâm hồn mình hướng về mùa xuân, lại ngẫm nghĩ đôi dòng thơ xuân của ba nhà thơ tên Xuân càng thấy thú vị…
    Thảo Nguyên


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...