Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Núi & sông và những cuộc đời trong tập thơ Núi & lục bát

Dòng An Giang sông sâu nước biếc, dòng An Giang cây xanh lá thắm, lả lướt về qua Thất Sơn, Châu Đốc dòng sông uốn quanh, soi bóng Tiền Giang, Cửu Long...(Dòng An Giang). Nhạc sĩ Anh Việt Thu trong những ngày sống ly hương biệt xứ hành trang mang theo là nỗi nhớ quê da diết. Quê hương tươi nguyên trong anh là núi cao hùng vĩ, sông sâu lả lướt... chung đúc nên hồn dân tộc. Hình ảnh ấy có lẽ đi vào hầu hết những trang sáng tạo của văn nghệ sĩ chốn này, và cả những người có cơ duyên được đặt chân tới đây.
Trong Núi & lục bát hiên sông của Trần Thế Vinh, (NXB Hội Nhà văn & Hội LH.VHNT An Giang cuối năm 2012) sông núi là nhân vật chính, là đối tượng sẻ chia và gắn bó với cuộc đời con người, núi sông không chỉ là núi sông cụ thể mà còn là hiện thân của đất nước quê hương, điều này là một biểu hiện của sự diệu kỳ ngôn ngữ tiếng Việt. Núi và sông khi đứng một mình là để chỉ nét nghĩa đơn biệt nhưng khi ghép lại (dựa trên phương thức ghép), thì nét nghĩa của nó không phải là phép cộng đơn giản của những thành tố tạo thành mà để chỉ đất nước, quốc gia. Trong tập thơ này, núi, sông xuất hiện đậm đặc và phần lớn mang nét nghĩa cụ thể, tuy nhiên, khi có sự hóa thân của cuộc đời con người vào núi sông cụ thể thì núi sông mang ý nghĩa biểu tưng cao hơn, sâu sắc hơn !
Núi cao sông sâu,vẻ hùng vĩ nên thơ là cảnh đẹp của quê hương gắn với những lễ hội, những phong tục tập quán..., song, dưng như nhà thơ không viết để tả cảnh, để ca ngợi danh thắng như một lời giới thiệu, mời gọi khách thập phương đến vùng đất thắng cảnh hữu tình này, mà viết về núi sông quê hương như một lời nhắc nhở với bản thân, lời dặn dò với con cháu có cách ứng xử phù hợp với thiên nhiên, cách sống hài hòa và khéo léo. Tâm hồn thi nhân điệp lên những nhịp mang màu sắc chiêm nghiệm và suy tư triết lý của một người con sống gắn bó sớm hôm với sông núi nên hiểu tâm tính của từng đồi cao, dòng chảy... hơn là giọng ngợi ca của một ngưi khách viễn phương hay một người con xa xứ. Nên lời dặn dò trăm năm để lại không nhuốm giọng ngợi ca lẫn niềm tự hào như câu ca dao: Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư giang khúc như hình con long, mà thấm thía nỗi niềm chất chứa kinh nghiệm của một đời gắn bó với chốn này:
Quê hương núi đá nhấp nhô
Lên non xuống nước
Chọn bờ chọn hang !
(Lời dặn trăm năm)
Hay: Nắng mưa...
 Đã làm thất Sơn cao tuổi
Những cơn gió mùa núi lởm chởm hơn
(Ở đó Thất Sơn)
Miền Tây (An Giang) là quê hương sông nước.Tính khí của con nước cũng thật thất thường, có khi hiền hòa, mềm mại và cũng lắm khi thật dữ dội, hung hãn. Có mùa nước nổi mênh mang, bạt ngàn; có mùa lại ròng khô như nỗi đau, héo quắt tự bên trong làm dòng chảy tuyệt tình... Cơn giận của thủy thần được Trần Thế Vinh lưu tâm hơn và đi vào thơ anh rất nhiều (Trăng mùa lũ, Khóc trước mùa sông vơi, Lụt lên – 2011, Nhớ tri âm,...). Có lẽ, trong những hoàn cảnh như vậy nhà thơ nhận thấy được nhiều điều hơn, và rõ hơn về sông nước và về cả bản tính của con người:
Lụt lên... nước nhảy từng phân
Lụt lên... thấm ướt mộ phần tổ tiên
Lụt lên... cắt mặt chái hiên
Cao hơn mắt mẹ ưu phiền chân chim
Lụt lên mất dấu tị hiềm.
(Lụt lên – 2011)
Lụt lên là thảm họa của con người kéo theo bao mất mát và lo lắng cay cực, nhưng sâu sắc hơn Trần Thế Vinh không chỉ nhìn thấy bề ngoài của sự mất mát ấy, tác giả đã nhìn thấy bản chất con người Việt trong gian khổ khó khăn lại tương trợ đùm bọc chở che, xóa đi những tì vết trong sự va chạm cuộc sống cơm áo hằng ngày. Như vậy, theo nhà thơ lụt lên là thiên tai và có lẽ cũng là thiên ân, nó tự nhiên và cũng cần thiết để xóa đi dấu vết của những bờ ngăn cách trong lòng mỗi con người ?

Núi sông gắn bó sâu sắc với đời sống tình cảm con người, thiếu vắng những người ruột thịt nhất, yêu thương ta nhất, đời ta trơ trụi như rừng này thiếu cây, sông này cạn nước:
Mồ côi mẹ
Cõi đời ta
Như sông thiếu bến, núi đà thiếu cây.
(Lời dặn trăm năm)
Như thế mới biết mẹ là nguồn sống dạt dào trong lòng mỗi chúng ta như cây xanh và nước ngọt mát lành đem đến sự sống sinh động cho cuộc đời này. Hình ảnh so sánh giản dị mà độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc. Song, sự so sánh đó không chỉ nói một cách rất đúng và rất hay về ý nghĩa của mẹ đối với cuộc đời mỗi chúng ta, mà còn cho thấy sự gần gũi, thân thuộc của núi, sông đối với cuộc sống con người ở vùng Thất Sơn, Cửu Long này.
Núi sông là môi trường sống thân thiện, gần gũi và núi sông ấy đã khắc ghi dấu vết lên da thịt con người. Nếu Đá xước ngón chân con gái dậy thì của mẹ thì Ngày lụt sâu cứa đứt ngón chân ba... Núi chứng kiến những thảm họa đau thương tang tóc như nhân chứng của lịch sử dân tộc và cả sự kiên gan bền chí của con người đời đời nơi đây (Nửa thế kỷ đời, Núi dài và tôi, Ký ức núi, Văng vẳng lời ru mở đất, Lời dặn trăm năm...).
Con người ăn đời ở kiếp cùng núi,  với nhà thơ, núi như một phần máu thịt. Ông nội từ núi Dài đi đánh Tây và ngã xuống khi hòa bình chưa lập lại, ông ngoại cũng yên nghỉ dưới rặng núi này, ba mẹ đến với nhau tự nhiên như cây rừng cần sương núi, họ ct tranh dựng nhà trên sườn núi thân yêu... và tôi lọt lòng cùng hồn núi vọng khua:
Tôi lọt lòng mẹ. Từ khi
Đá trở mình gió rừng kẽo kẹt.
(Ký ức núi)
Như bao người con thân yêu khác của quê hương, tôi cũng trưởng thành trong sự bao bọc, chở che của núi:
Tôi nghỉ học xếp lại tuổi thơ
Theo chú Mười đi làm cách mạng
Giữa Ô Bà Bọc, chú nm tay:
“Đồng chí là người của Đảng”
Và cho đến hôm nay ký ức của tôi cũng là ký ức của núi:
Nửa thế kỷ đời và những đổi thay
Thăng trầm. Lặng lẽ...
Ô Tà Sóc xuôi nguồn nước chẻ thành hang
Như thức vọng thời gian
Canh giấc cho núi Dài vi vu cây thở
(Núi Dài và tôi)
Núi sông còn là chứng nhân cho những mất mát trong đời sống tình cảm, những đổ vỡ tan nát của giấc mộng tình duyên, hạnh phúc gia đình:
Theo sông vớt trắng nắng vàng
Mới hay em đã đò ngang bến tình
(Khúc sông buồn)
Bến sông trở thành bến tình. Và khi chuyện tình ấy đã trở thành chuyện hôm qua câu chuyện ấy vẫn neo đậu mãi trong tâm hồn, thành một bến đỗ gần gũi thân thiết, dù đã là bến cũ:
Ai buồn như phận cồn rơi
Ta buồn khóc nhớ khoảng trời bến sông.
(Bến cũ)
Tuổi xuân của ba rong ruổi trên núi rừng quê hương, còn mẹ mỏi mòn như con nước vơi nơi bến sông ngày ngày. Khi dòng sông quê hương khô cạn cũng là lúc nguồn sống trong mẹ tắt ngấm, mẹ bất lực rũ cánh đợi mong. Éo le thay, đó cũng là lúc ba về giữa dòng sông mất mát vơi đầy:
Giăng giăng sương khói lưa thưa
Ngẩn ngơ
Ba khóc trước mùa sông vơi!
(Khóc trước mùa sông vơi)
Khi ký ức trong con về ba mẹ là ký ức về quê hương thì quê hương là ba mẹ, và ba mẹ là quê hương. Đó là nơi con khôn lớn, là bến đỗ bình yên cho cuộc đời nhiều vấp ngã của con. Là hành trang con mang theo trong suốt dòng đời xuôi ngược...
Ký ức về ba trong thăm thẳm sâu vách núi
Người là nguyên âm ẩn dựng nên khe suối
Ký ức má như giọt phù sa đong đầy
Người là con chữ cái
Toát hết nỗi buồn trước ngọn nắng rây!
(Chiều miền Tây)
Ký ức của người con trong thơ Trần Thế Vinh về quê hương, về ba mẹ cụ thể hơn, ba hóa thân vào núi sừng sững, vững chãi, thúc dục xây đắp cho con lòng dũng cảm, ý chí, nghị lực mnh mẽ như sức sống mãnh liệt của núi; tình yêu thương của mẹ tiếp thêm cho con niềm tin vững bước... Ý thơ khiến ta liên tưng tới câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Song, câu thơ của Trần Thế Vinh độc đáo hơn ở sự so sánh ba là nguyên âm, mẹ là chữ cái. Chữ cái và nguyên âm tạo sinh con chữ, con âm và ngữ nghĩa, ghi lại hành trình đời qua biến động thời gian; như ba mẹ sinh thành nên con và tạo tác ý nghĩa của đời con, con sẽ sống tiếp những đam mê, khát vọng và cả những đắng cay…của cuộc đời ba mẹ, như núi sông tạo nên quê hương, đất nước này. 
Khi con người hóa thân vào núi sông, núi sông mang một ý nghĩa trừu tượng và lớn lao hơn. Sông núi quê hương đã sinh ra những người con ưu tú. 
Nếu ở Lạng Sơn nổi tiếng với huyền thoại nàng Tô Thị ôm con đợi chồng hóa đá, mãi còn được lưu truyền trong câu ca dao: Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...; ở Nghệ An cũng có câu về ngọn núi bên bờ khe Giai, mang đậm huyền tích xưa: Ngước mắt nhìn sang/ Đá vọng phu ôm con trán ướt/ Mắt đăm đăm nhìn nước sông Giai....thì trong thơ Trần Thế Vinh tạc tượng tâm hồn con người tập thể/vô danh. Núi sông hiện lên như một phần tâm hồn, máu thịt của nhân dân .Chính nhân dân đã tạo dựng nên đất nước này, đã đặt tên, đã ghi dấu vết cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông:
-         Đá Thất Sơn cao thấp ngửa nghiêng
Chập chùng thương nhớ biết riêng từng người.
(Ở đó Thất Sơn)
-         ­Em, vầng trăng đang xuân
Sẽ mọc thành dồ Bảy Núi.
(Thơ tặng em gái Khmer)
-         Nghe rừng hát tình ca vọng về thao thức
Hỏi đá trở mình bao đêm...
(Đêm núi Cấm)
Đúng như lời nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca Đất nước đã chiêm nghiệm và khái quát như một chân lý:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi ! Đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta .
Đối diện với núi non hùng vĩ, mênh mông biển rộng, con người có khát vọng tìm kiếm chính mình:
Đá dựng nhìn ta khoan hiền
Càn khôn gãy một cành duyên tan tình.
                                         (Đi tìm lại ta)
Và trước núi sông ta tĩnh tâm hơn để nhìn nhận sự vật tự bên trong cũng chính là sự đáo ngộ từ tâm (Tâm ngộ),... những biến cố thăng trầm của cuộc sống như con nước đầy vơi khiến nhà thơ động lòng nhớ tới cố nhân (Nhớ tri âm)…Đọc Núi & Lục bát hiên sông ta không thấy nhiều danh thắng và sản vật quý hiếm của núi Ngọa Long Sơn (Núi Dài) hùng vĩ hay những dòng sông trữ tình, miệt mài chở phù sa bồi đắp quê hương, nhưng ý nhị và sâu sắc hơn là sự lắng lọc và bồi tụ của tâm hồn con người chân chất nghĩa tình.
Núi sông đã bao đời nay gắn bó thân thiết với cuộc sống con người Việt.Với tâm thế của một người con của quê hương, Trần Thế Vinh viết Núi & Lục bát hiên sông như một lời tâm sự với chính mình, với những người thân thiết và hơn hết là lời cám ơn và tạ ơn đối với quê hương.
Nguyễn Thị Tuyết


2 nhận xét:

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...