Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Đêm nghe nhạc Trịnh

Đêm nghe nhạc Trịnh

Khá lâu mình không có dịp đi xem trực tiếp các buổi trình diễn văn nghệ trên sân khấu. Nhân có chương trình ca nhạc vào dịp Festival Huế 2010 với chủ đề "Lời thiên thu gọi", tuyển chọn một số tác phẩm của Trịnh Công Sơn, mình cùng với các bạn bè thân thiết mua vé vào Đại Nội để thưởng thức.
Sân khấu là một gò đất, trên đó có cây đa cổ thụ, nằm trong một khu vực có tên là vườn Cơ Hạ, gần bờ tường của Đại Nội phía góc đường Đoàn Thị Điểm và Đặng Thái Thân. Không rõ người ta muốn để hoang sơ, tự nhiên hay chưa kịp dọn dẹp nên dù buổi tối vẫn thấy lộ những mô đất gập ghềnh, những cành cây và lá khô rơi vãi lung tung; những lối lên gò là những bậc cấp lởm khởm, chập chùng,...
Việc các nghệ sĩ "chân yếu tay mềm" leo lên hay bước xuống lưng chừng gò ấy cũng phải cẩn thận, dễ ngã như chơi. Thêm nữa, việc khiêng cây piano lên rồi để ở vị trí cân bằng chắc cũng tốn công sức.
Tuy vậy, nhờ bóng cây cổ thụ cộng với các dàn đèn ánh sáng màu được bố trí chung quanh, những ngọn đèn nền đặt ở mặt đất hắt lên có công suất lớn, phối hợp với màn đêm đã tạo thành một sân khấu hoành tráng. Phía dưới đồi, có nhiều ống tre cắm xung quanh, trên đó thắp nến tỏa ánh sáng lung linh và những hàng ghế nhựa dành cho khán giả đến sớm. Những người đến sau thì tự tìm cho mình vị trí thích hợp trên bãi cỏ để an tọa, từng nhóm từng nhóm ngồi gần nhau cũng khá dễ chịu.
Hôm đó chương trình bắt đầu lúc 20g10, trễ một chút so với lịch diễn. Bài đầu tiên được cả nhóm hát mà chưa có lời giới thiệu là :"
Để gió cuốn đi", với câu mở đầu ngân lên bất chợt "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, ..." như một thông điệp nhắn đến mọi người. Từ xa có thể nhận ra bóng dáng của Ánh Tuyết trong chiếc áo dài trắng, còn các ca sĩ, nhạc sĩ khác thì tạm thời chưa biết tên.

Sau khi kết thúc bài này, Thanh Hương mới giới thiệu các ca, nhạc sĩ. Đó là Ánh Tuyết, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Thủy Tiên, Nguyễn Ánh 9, Thụy Long, Đức Thịnh.
Những tình khúc của Trịnh tiếp tục vang lên. "
Gọi tên bốn mùa" là một trong những tình ca ông viết hồi còn khá trẻ, được Thủy Tiên hát. "Em đứng lên gọi mưa vào hạ, từng cơn mưa, từng cơn mưa, mưa thì thầm dưới chân ngà, ..." Giòng nhạc nhẹ nhàng đi vào lòng người của một thời dù làn hơi của cô không được tự nhiên, mạnh mẽ bằng Khánh Ly.
Rồi song ca Thái Hòa và Thủy Tiên trong bài "
Còn tuổi nào cho em", dù không bằng Thái Hòa và Jennifer đã hát (bấm vào đây tải về để nghe) nhưng cũng đưa nhiều người quay về dĩ vãng để bâng khuâng tự hỏi:
"
Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời....
Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời....
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài..."
Và rồi đến lúc
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây xe thêm mầu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ...
Mời nghe Khánh Ly hát

Tiếp theo là bài chủ đề đêm nhạc "Lời thiên thu gọi" do Thái Hòa hát với nhạc đệm thu sẵn, như trong CD mà Thái Hòa đã phát hành, giọng nam trầm rất ấm, tuy nhiên có một nốt nhạc (ứng với lời ca tô đậm dưới đây) không hiểu sao Thái Hòa cố ý hát trầm hơn so với các ca sĩ khác (như Khánh Ly chẳng hạn) nên một vài thính giả có cảm giác không vừa ý vì đã quen với giai điệu cũ. (Nghe ở ĐÂY)
"Về trong phố xưa tôi nằm

Có lần nghe tiếng ru bên vườn...

Về trên phố cao nguyên ngồi
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

Chợt như phố kia không người

Còn lại tôi bước hoài"
Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu
Là một đường không bến bờ
Còn nghe Khánh Ly hát ở đây

Không khí bỗng thay đổi khi một điệu Blue của bài "Vết lăn trầm" do danh ca Ánh Tuyết hát, chất nhạc Jazz thể hiện rõ nét dẫu cho không có kèn trompette hay saxophone hòa điệu. Giọng ca vang lên cao vút, thánh thót.
Vết lăn, vết lăn trầm hằn trên phím đá nâu thêm ưu phiền

như có lần chim muông hằn dấu chân

người đi phiêu du từ đó chưa thấy về quê nhà....

Ðá lăn vết lăn buồn
từ hoang xưa dấu chân anh dạ cầm

ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang

chờ ta da du một chuyến

ôi môi hờn xin đừng kể lại tích xưa buồn hơn
đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng...

Ðá lăn vết lăn trầm
từ cơn đau ấy, lưu thân mỏi mòn

ôm mắt thầm van xin lời thánh đêm

bài ca dao trên cồn đá, trên ngai vàng quê nhà

một thời ngủ yên tuổi xanh
rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình
Ánh Tuyết hát:
Hơi ngạc nhiên là bài hát "Ca dao mẹ" cũng được hát rất hay trong không khí của đêm nhạc này.
Bài "
Cát bụi" được cả nhóm cùng ca rồi "Phôi pha" do Thụy Long hát. Tuy không hay lắm nhưng ca từ và không khí đêm nhạc cũng gây một điều gì đó về thân phận con người.
Không còn ai
đường về ôi quá dài
những đêm xa người
chén rượu cay
một đời tôi uống hoài
trả lại từng tin vui
cho nhân gian chờ đợi...
Thôi về đi
đường trần đâu có gì
tóc xanh mấy mùa
có nhiều khi
từ vườn khuya bước về
bàn chân ai rất nhẹ
tựa hồn những năm xưa
Nối tiếp là "
Ru em", như người dẫn chương trình đã đếm và cho biết có đến cụm từ "ru em" xuất hiện đến 21 lần trong lời ca (nếu chỉ là "ru" thôi thì có đến 23 từ!)
Bài
 "Chiều trên quê hương tôi", do Thái Hòa hát, nhạc đệm lấy từ CD mà anh đã phát hành với đôi câu giới thiệu của Trịnh Công Sơn: "Quê hương sẽ đời đời còn đó, và tình yêu sẽ còn đó, nhưng nguời nào đã mất đi quê hương thì cũng sẽ mất đi tình yêu." Vẫn lời ca nhẹ nhàng với các gam màu tươi tắn, hiển hiện khung trời quê hương quen thuộc, thân thương.

Chiều trên quê hương tôi
Nắng phơi trên màu ngói non tươi.....
Vết son vàng cuối mây....
Chiều đi nhưng nắng vẫn cho đời
Lửa bếp hồng khơi....
Gió đến chơi từ bờ biển xa
Núi đôi khi màu sim tím lạ
Nắng như môi hoàng hôn trên phố....

Đối với khán giả cố đô thì không thể không có "Diễm xưa". Giọng hát nào sánh được với Khánh Lý trong bài này? Do vậy, màn độc tấu piano do Nguyễn Ánh 9 trình diễn là cách chọn lựa có ý nghĩa của đạo diễn. Người nhạc sĩ khá già, dáng gầy gò nhưng đôi bàn tay múa trên phím đàn một cách bay bướm. Những âm thanh, những cung bậc quen thuộc xuất hiện dưới những sắc thái khác nhau làm cho đêm diễn càng thêm phong phú.
Ánh Tuyết còn hát thêm bài "Đường xa vạn dặm" với lời giới thiệu dù cảm động nhưng mang tính chất riêng tư của tác giả nên có vẻ không thích hợp với không khí của đêm nhạc này.
Khán giả ban đầu rất nhiều nhưng sau đó một số ít có lẽ không quen thưởng thức các giai điệu này nên rút lui, tham dự các sân khấu khác. Số đông còn lại là những người đứng tuổi, "fan'" của họ Trịnh nên ngồi lại đến khi kết thúc, cùng hát "Nối vòng tay lớn" và ra về trong một chút tiếc nuối, rằng, giá mà đêm nhạc kéo dài thêm vài bài nữa.
Nhìn chung, khán giả đi nghe đêm nhạc này đa phần lớn tuổi, muốn tìm lại một chút hình bóng, không khí của một thời tuổi trẻ. Lẽ ra, nên có những "
Hạ trắng", "Biển nhớ", "Tình nhớ",... dù đã quá quen thuộc và đã được nghe qua băng đĩa quá nhiều lần, khán giả vẫn mong gặp lại "bạn cố tri" trong không khí êm đềm, ấm cúng của đêm nhạc này.
Nguyễn Hoàng
Tình nhớ - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...