Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Làm sao nói hết những câu chuyện lòng

Làm sao nói hết những câu chuyện lòng
Hồi “nẳm” tôi hay nghe hát bài gì không nhớ tên, không biết tác giả là ai, chỉ nhớ trong đó có những câu như “Trời lập đông chưa em…”, “Làm sao nói hết những câu chuyện lòng”. Những câu ấy, nhất là hai từ “chuyện lòng” còn đeo bám tôi cho đến bây giờ... (Cao Thoại Châu)
 Hồi “nẳm” tôi hay nghe hát bài gì không nhớ tên, không biết tác giả là ai, chỉ nhớ trong đó có những câu như “Trời lập đông chưa em…”, “Làm sao nói hết những câu chuyện lòng”. Những câu ấy, nhất là hai từ chuyện lòng” còn đeo bám tôi cho đến bây giờ, và không hiểu có phải sáng tinh mơ này vừa lò dò vào mạng thì gặp ngay người “bạn lòng” ở đó, trao đổi vài câu rồi bạn ấy chào để vào công việc nơi công sở vì tinh mơ đây nhưng mặt trời đã lên cao khỏi ngọn tre tại thành phố nơi xa ấy, mà bỗng thích tám về “lòng”?
       Là một không gian, trước hết “lòng” là như vậy. “Lọt lòng mẹ” là hành vi đầu tiên của một con người, từ giã một không gian bé con mà “bao la như biển Thái Bình” rất huyền nhiệm để vào một không gian lớn mênh mông, lớn đến vô tận nhưng đầy bất trắc và không thiếu “những câu chuyện lòng” đang chờ phía trước trong kiếp làm người.
      Sau cái phút lọt lòng mẹ, con người lớn dần lên và anh ấy (chị ấy)… đi tướt nhiều lần vào những khúc quanh sinh học như mọc răng, lẫy, bò… tức là mỗi lúc trưởng thành đều có sự tè/ị tự nhiên chủ nghĩa ra tã lót. Chuyện tè/ị sao lại không là “chuyện lòng” của đứa bé khi lòng của nó mới chỉ là lòng sinh học, không gian sinh học? Nó đau bụng một đôi khi ấy là nó “đau lòng” hiểu theo nghĩa sinh học!
    Lớn lên, “lòng” của con người tách làm hai - không gian cơ sinh hóa học và một cõi thứ hai lòng phi vật thể có những rắc rối chờ sẵn dẫn đi suốt kiếp người. “Sông sâu còn có kẻ dò/ Lòng người ai dễ mà đo cho tường”, không đo được không phải vì nó quá rộng mà chỉ do nó vô hình lại biến ảo khôn lường. Lớn thêm, mỗi người một lòng nhưng sẽ có những cặp “phải lòng” nhau là lúc khởi sự những tháng ngày hạnh phúc có khi đúng lúc có khi muộn màng, khởi sự những rắc rối cuộc đời, có khi là bi kịch có sinh mạng ra nghĩa trang, những mối “hận lòng” thời gian không thể làm cho nguôi.
       Có những câu nghe não lắm như “Hương mùa đã gọi lòng em dậy/ Lơ đãng lòng anh chẳng kịp rào”, một cái lơ đãng thông minh và đáng yêu mà anh nào “tỉnh táo” rào lại thì anh ấy... cực là ngu, ngu hết cái sự ngu của thế gian!“Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”, chắc hẳn đó là một cô gái mới có sự cam tâm chịu cực vì tình như vậy, chứ còn đàn ông thì... yêu thông qua cái bao tử, có no lòng mới thấy xuyến xao trong dạ! Chẳng có câu “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng” nghe da diết là vậy, nhưng đàn ông vốn tham ăn... ngon mà có khi không biết cơm chiên Dương Châu ở cái thời bát nháo thực phẩm này nó có thể chiên bằng dầu tái chế chứa trong ống cống cạnh các tiệm ăn, bằng thịt thối, bằng rau đậu tẩm hóa chất
   Ấy thế nhưng lòng người ai làm sao hiểu được bởi tính khả tín của nó rất ư “lăng ba vi bộ”. “Chàng về cho chóng mà ra/ Kẻo em chờ đợi sương sa lạnh lùng”, thế vậy mà không thiếu trường hợp khi chàng về thì sương sa đã thay bằng chăn êm nệm ấm, thậm chí chỉ là cái ổ rơm, “thay lòng đổi dạ” mất rồi! Hồi học Chinh phụ ngâm khúc, có câu “Lòng thiếp tựa ánh trăng theo dõi/ Ngựa chàng xa ngoài cõi thiên sơn” có gã trai tân sợ đến nỗi… không dám yêu khi bị gọi đi lính. Sợ cái ánh trăng thiếu phụ nó lạnh đến chết người, sợ một ngày mình về trên đôi nạng gỗ thì lòng dạ gì cũng có thể tẩm vị đắng cay hết cả.
    Nói hay là làm sao cho mát lòng mát dạ nhau mà vẫn chân thật, lại không tâng bốc nịnh nọt là cách xử thế đáng nên noi theo, vì ở đời, nếu “phải lòng” là thú vị thì “mất lòng” là tự đào trong lòng mình một cái hố của sự buồn bã, cô độc khiến cho cuộc nhân sinh nhiều những ánh mắt lạnh lùng mà thiếu những nụ cười ấm áp. Những bạo chúa thường dùng thức ăn mà chiếm cái lòng sinh học hòng không chế cái lòng phi vật thể của người ta, và những bạo chúa ấy cuối cùng chỉ chiếm được những tên nô lệ và rồi bạo chúa lần lượt rụng như sung chứng tỏ lòng phi vật thể của con người có sự bất biến, bất khả xâm phạm.
  “Làm sao nói hết những câu chuyện lòng”, thưa bạn lòng và những bạn văn nhân thi gia nhạc sĩ! Có phải nhờ vậy mà chúng ta sống để yêu nhau và sáng tác để cho người ta yêu nhau?
 Cao Thoại Châu


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...