Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Thà như hạt bụi

Thà như hạt bụi
Vẫn còn là mùa hè nhiều mưa, nhưng ngày tháng rong chơi của Hoài đã hết. Tháng tám. Mùa hè. Vẫn còn mùa hè, nhưng đã có nhiều điều đổi khác. Thực sự là mình đổi khác trong từng phút từng giây từng satna... (Ngọc Bút)
Vẫn còn là mùa hè nhiều mưa, nhưng ngày tháng rong chơi của Hoài đã hết. Tháng tám. Mùa hè. Vẫn còn mùa hè, nhưng đã có nhiều điều đổi khác. Thực sự là mình đổi khác trong từng phút từng giây từng satna. Chỉ tại mình không để ý đó thôi, Hoài à.
Những  giọt mưa kéo dài thành sợi đan mỏng lừng lững ngoài trời. Nhớ mưa đầu tháng sáu, sân trường Văn Khoa, mái tóc Hoài ướt đẫm và những ngọn cây cũng lướt thướt tội tình. Ngày thi, không nón không áo mưa, Hoài dong xe trong thành phố với trái tim đập những nhịp rất bình thường. Chữ nghĩa ném tung hết khi vừa rời khỏi phòng thi, như Hoài đã từng ném tung rất nhiều thứ đáng lẽ phải gìn giữ của đời mình. Những thứ mà có khi ngoái cổ nhìn lại, Hoài bỗng ngậm ngùi biết mấy! Nhưng chữ nghĩa thì không quan trọng đến vậy đâu. Và cũng chẳng phải là điều quan trọng khi Hoài nói thầm với riêng Hoài: Hiện à, sao anh không ghé qua trường thăm em một chút?
Hiện, Hiện của Hoài, cần thiết như hơi thở, quen thuộc như ăn như ngủ. Vẫn Hiện của đôi mắt sáng, nụ cười tươi, mười ngón tay xanh nhưng mười ngón tay thật vững chãi. Thành phố xa lạ và những ngày đầu thui thủi, Hoài biết sống ra sao nếu không có Hiện như một niềm tin? Hiện đến trong Hoài tự nhiên như trái cây đến mùa chín tới. giản dị có vậy thôi mà, Hoài cũng đâu cần đòi hỏi gì hơn! Nhân vật của E. M. Remarque luôn luôn nồng nàn: “Từ lúc biết anh, em bắt đầu tiếp nhận những giây phút hiện tại”. Hoài không được hồn nhiên như vậy. Nhìn ngang nhìn dọc nhìn xéo nhìn xiên. Hoài nhìn Hiện rồi Hoài nhìn Hoài, linh cảm thế nào rồi cũng lạc mất nhau. Tình yêu hình như không bao giờ là điều có thật. Mà đời sống của Hoài cứ như cơn mộng du dài, mở to mắt nhìn đời mà Hoài có thấy chi đâu!
Hiện à, những ngày lênh đênh trên mặt biển trong chuyến du khảo, Hoài cứ lẩm nhẩm hoài hoài mấy câu hát mà người bạn mới quen chép cho:
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần
Vỡ nát trái tim muôn phần
Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau, sớt chia chẳng được đâu.(1)
Hắn trẻ thơ, không có gì giống Hiện ngoài những ngón tay xanh gầy guộc. Ôi chao, vậy mà hắn làm Hoài nhớ Hiện biết bao! Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều. Ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu. Hoài “thấm” từng câu hát như viên phấn thấm những giòng chữ mực ướt ngày bé thơ tiểu học. Hiện, nếu có một ngày ta còn thấy nhau mà như đã mất nhau, thì biết trái tim có chưa thành gỗ đá để còn chia nhau chút đớn đau? Hoài lớn lên như cây cỏ, sao lòng chẳng được an nhiên như cây cỏ?  Hai mươi tuổi sắp đầy, hai mươi tuổi ngơ ngẩn lang thang trong cõi trời mộng tưởng riêng mình, ta đã sớt chia nhau được gì đâu ngoài chút tình bằng hữu đã thăng hoa?
Giờ còn có nhau, còn san sẻ từng chút vui chút buồn. Nhưng ai biết sáng mai này… Những viên kẹo cho Hiện ngọt môi ngọt miệng trên đường về nhà, là để Hiện hiểu rằng lòng Hoài mãi mãi cũng chỉ ngọt ngào như kẹo mà thôi, cho dù dâu bể. Nhưng Hoài vẫn là Hoài. Hiện vẫn là Hiện. Làm sao nói cho Hiện hiểu được nỗi xót xa cùng tận của Hoài khi đứng trên này balcon nhìn hiện cười tươi đi tới trong vạt nắng quái của buổi chiều tàn lụi! Làm sao để  Hiện hiểu được cơn đau không tên gọi khi Hoài nghĩ đến một ngày nào cả hai sẽ mù tăm mất dấu trên cõi đời này, không phải cùng một lúc mà là kẻ trước người sau? Ánh nắng tàn kia và mái tóc còn xanh này, rồi có còn gì trong cái bao la thăm thẳm của thời gian và vũ trụ? Hiện à, thì sá gì chút tình mong manh trong trái tim bé nhỏ của Hoài, khi hai đứa chỉ là hai người tuổi trẻ nhỏ nhoi chìm khuất giữa một biển đời mênh mông lạ mặt!
Hiện sẽ trách Hoài hay nghĩ ngợi lung tung cho đau đầu. Nhưng Hiện có biết rằng chỉ bởi vì Hiện gần gũi Hoài vô cùng mà chúng ta chẳng thể nào tan lẫn vào nhau! Giấc chiêm bao của Hoài với hai bàn tay chưa kịp nắm đã vội rời rã lìa nhau, làm sao Hiện biết! Tình yêu hay không tình yêu, Hoài biết cuối cùng rồi sẽ chỉ là hạt bụi lơ lửng trong không mà thôi. Hoài tự hỏi, sao mình không là hạt bụi kia ngay từ buổi sơ sinh? Ôi Hiện, em nhỏ của anh mới tí tuổi đầu đã nhìn đời tối đen! Nhưng hãy yên tâm, dù muốn hay không thì Hoài vẫn còn một kiếp người trên tay. Hiện thấy không, ta vẫn còn nhiều may mắn trong đời sống dẫy đầy bất trắc này.
Và Hiện, Hoài muốn ví von Hiện là bầu nước mát tưới nửa phần sống động cho tâm hồn Hoài. Từng bước đi đại học là từng bước có Hiện bên cạnh. Nhưng rồi mai mốt bước đường đời biết có còn anh bên cạnh? Thành phố lạ rồi dần quen. Ngày tháng rồi được phủ mờ bởi từng lớp bụi quên lãng. Nhưng có một cái gì đó giống như những bước chân của Hiện cứ mãi vang động trong tâm hồn Hoài, giữa những cơn thức giấc về sáng, nằm lắng nghe từng tiếng kêu than của thế giới quanh mình. Cái gì đó cứ cựa quậy trong trái tim Hoài xao xuyến. Thì ra, sự bình yên trong Hoài cũng không hề có thực! Hiện muốn Hoài ngoan ngoãn mà Hoài thì cứ bướng bỉnh nhiều chứng tật, rắc rối phức tạp, chất đầy ảo tưởng.  Để chỉ tự làm khổ mình. Để chỉ gây phiền lụy cho những người thân yêu. Bởi vì, dù với cái vỏ ngang tàng bọc ngoài trái tim yếu đuối, Hoài sẽ chẳng bao giờ dám tung hê mọi hệ lụy buộc ràng của đời sống để làm theo ý mình… Và với Hiện, mãi mãi chỉ còn là sự câm lặng thách thức của Hoài, dù chính Hiện là người đã cho Hoài biết thế nào là đớn đau hạnh phúc đích thực của một thời tuổi trẻ quý giá. 
Hiện thân yêu, không biết còn có một thiên đường hẹn nào đầy cỏ xanh lá biếc mai sau cho Hoài – một cô nhỏ cứ thích tìm kiếm những điều muôn năm không có thực - ở một đời sống bình thường nhất với đầy đủ ý nghĩa của nó. Để “Đập vỡ hình bóng anh, Mới thấy em nguyên vẹn(2). Để thấy, không có gì quý giá hơn một đời giản dị với những gì có sẵn trong tầm tay. Hiện à, chân lý đó có lẽ chỉ được thấu hiểu trọn vẹn khi Hoài tỉnh cơn mộng du dài – khi mà Hoài đã nằm xuôi tay dưới ba tấc đất và trở lại tiền thân mình là hạt bụi.
(1) Nhạc nguyễn Đức Quang.
(2) Thơ Viên Linh.
 Ngọc Bút


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...