Có con đường nằm nghe nắng mưa
Hình như Lỗ Tấn có nói đại ý trên mặt đất vốn
không có đường, người ta đi lâu thì thành đường thôi. Trong giai điệu và ca từ
của Trịnh Công Sơn, hình ảnh “con đường” thường xuyên xuất hiện. Và, cứ mỗi lần
như vậy lại chuyển tải những thông điệp mới. Những thông điệp rất độc đáo, lung
linh huyền hảo sắc màu của người nghệ sĩ tài hoa, để từ đó tạo dựng nên con
đường của Trịnh Công Sơn, con đường của riêng Trịnh trong lòng người. Và chính
cái rất riêng ấy tô điểm thêm cho sự lung linh của cuộc đời . Cuộc đời “vẫn lấp
lánh hoa/ trên đường đi”.
Đó là “đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy”, “có
nắng vàng lạc trên lối đi”, có “lá hát như mưa suốt con đường đi/ có mặt đường
vàng hoa như gấm”[Em còn nhớ hay em đã quên], nhưng cũng lại “có đường xa và
nắng chiều quạnh quẽ”[Tôi ơi đừng tuyệt vọng], vì thế mà “tim lăn trên đường
mòn” [Ru ta ngậm ngùi], bởi lẽ “đường về xa trời đất mông lung” [Vàng phai
trước ngõ]. Trong cõi mông lung ấy, trong “trăm năm một cõi đi về” ấy, người
nghệ sĩ đắm say trong cô đơn ấy cứ “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”. Và có lúc
con đường trở thành “đường chạy vòng quanh/ một vòng tiều tụy/ một bờ cỏ non/
một bờ mộng mị ngày xưa”[ Một cõi đi về]! Tầng tầng lớp lớp những ý tưởng, cảm
xúc dồn nén vào trong hình tượng “con đường” của Trịnh.
Cho nên, phải chăng chỉ riêng với hình tượng
“con đường” trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn cũng đã đủ để người nghệ sĩ tài
hoa này có chỗ đứng cho riêng mình, một cõi đi về trong xúc cảm thẩm
mỹ của thế giới nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, độc đáo, huyền diệu
say đắm lòng người. Nhưng với Trịnh, đâu chỉ có một con đường! Mà rất nhiều,
rất nhiều những“đường dài qua cầu lại nối” [Em còn nhớ hay em đã quên].
Thế giới âm nhạc với cảm quan thẩm mỹ đa dạng và
độc đáo trong sáng tạo âm thanh, hình ảnh, ngữ nghĩa của Trịnh phong phú, đa
dạng, huyền diệu đến kỳ ảo, hấp dẫn như một thứ ma lực khó diễn đạt bằng lời.
Ngôn từ dường như bất lực trước cái riêng tư của Trịnh. Tuyệt đối riêng tư,
không hề lặp lại, không thể lặp lại trong bất cứ sự bắt chước vô tình hay cố ý
nào. Chính điều đó làm nên một vùng cảm xúc nghệ thuật riêng của Trịnh. Riêng,
rất riêng để rồi bắt gặp được cái chung, rất chung trong cảm quan nghệ thuật
của đông đảo công chúng.
Nghiệm ra, khi một người
không có cái gì riêng của mình thì phải thấy ở người đó chẳng có gì hết. Trịnh
Công Sơn có rất nhiều, vì anh biết giữ lấy cái rất riêng của mình để làm giàu
có mãi lên đặng có thể hiến dâng cho cuộc đời. Vì thế, cuộc đời trân trọng sự
đóng góp sáng tạo của một tài năng khó so sánh với ai về người nghệ sĩ của
mình. Cho nên, lấy tên Trịnh Công Sơn đặt cho một con đường là một ứng xử văn
hóa, đáp ứng được đòi hỏi của công chúng biết tôn vinh văn hóa và thưởng thức
nghệ thuật. Là một ứng xử văn hóa vì đó chính là biểu thị sự trân trọng sự
nghiệp bất tử của một tài năng lớn. Vì thế, thật xúc động khi, đi trước một
bước, thành phố quê hương của Trịnh Công Sơn đã dành cho người nghệ sĩ của mình
một con đường đẹp của thành phố Huế! Con đường bắt đầu từ chân cầu Gia Hội, góc
đường Chi Lăng, chạy dọc bờ sông Hương thơ mộng đến góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm
với những khúc quanh mềm mại, cây xanh, nhà cổ và mặt nước xanh trong, khoan
thai trầm mặc. Liệu đã phải đây chính là con “đường quen lối từng sớm chiều
mong”[Như một lời chia tay] nằm cạnh dòng sông của những “ngàn xưa trôi đến bây
giờ” [Gần như niềm tuyệt vọng] mà người nhạc sĩ tài hoa ấy đã từng “im lặng
dòng sông tôi đã lắng nghe” [Tôi đang lắng nghe]?
Thật ra, khi chưa có con đường mang tên Trịnh
Công Sơn thì đã có những “con đường của Trịnh Công Sơn” từng xao xuyến, xốn
xang lòng người. Trịnh Công Sơn đã là “ một hiện tượng ” độc đáo trong đời sống
Việt Nam đương đại. “Nhạc Trịnh” đã trở thành một nốt nhấn không thể trộn lẫn,
không thể sao chép trong đời sống âm nhạc và nghệ thuật từng xáo động tâm tư
nhiều thế hệ. Nói “nhiều thế hệ”, bởi có những người đã hát nhạc Trịnh trước
năm 1975 giữa thành phố Sài Gòn, và cũng có những người lính Trường Sơn, như
trường hợp nhà thơ Nguyễn Duy, và chắc không chỉ một anh, trong đêm khuya im
tiếng bom, đã ghé sát tai vào chiếc radio dã chiến mà lén nghe những giai điệu
và ca từ thật lạ. Rất lạ, nhưng lại rất gần với những rung động nghệ thuật có
chất men say làm dịu mát tâm hồn .
Và rồi sau 1975, thật lạ lùng, từ nơi đô hội
chốn thị thành cho đến những thôn cùng xóm vắng nơi thôn dã, người ta hát nhạc
Trịnh. Lạ lùng hơn nữa, có lần xe tôi qua cổng Trời ở Mèo Vạc, chạy dọc con
đường gồ ghề để rồi phải dừng lại trước một đống lửa đốt lên bên vệ đường ở mép
vực Mã Pí Lèng nhìn xuống thung lũng có con sông Nho Quế mờ mờ uốn lượn, nơi
các cháu bé chăn bò ngồi sưởi ấm để xua bớt đi cái lạnh của sương muối đang
giăng đầy, bỗng thoáng đâu đó xa xa có tiếng hát : “cụm rừng nào lá xác xơ cây,
từ vực sâu nghe lời mời đã dậy”. Chao ôi, đúng rồi, “Cát bụi”!
Nắng chiều đã tắt, trong ánh hoàng hôn làm nhòe
dần cảnh vật, chỉ loáng thoáng dáng hình mấy chàng thanh niên, hình như mấy anh
bộ đội đi lấy củi rừng về. Thế đó. Tiếng hát Trịnh Công Sơn ngân nga trên con
đường đèo heo hút gió nơi cao nguyên núi đá Đồng Văn – Mèo Vạc của Hà Giang
“sóng núi tứ bề” [Nguyễn Tuân] này! Sức huyền diệu kỳ lạ của nhạc Trịnh là vậy!
Thì ra, không phải chỉ có “xôn xao con đường,
xôn xao lá/ nhòa phố mong manh nhòe phố mưa” [Đoản khúc thu Hà Nội] giữa lòng
Hà Nội. Không phải chỉ có con đường “dưới hiên nhìn/ nước dâng tràn/ phố bỗng
là dòng sông uốn quanh” ”[Em còn nhớ hay em đã quên] giữa Sài Gòn. Không phải
chỉ có con “đường xa áo bay/ nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say/ lối em đi về
trời không có mây” [Hạ trắng], với những con đường có “ngàn cây thắp nến lên hai
hàng/ để nắng đi vào trong mắt em” [Nắng thủy tinh]. Còn có những con “đường
dài hun hút cho mắt thêm sâu [Diễm xưa]. Còn có “đường về ôi quá dài” [Phôi
pha]. “Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ” [Tôi ơi đừng tuyệt vọng]. Có “con
đường dài vắng người” [ Hãy cứ vui như mọi ngày] để rồi “những dấu chân người
cũng bụi mờ” [Cho một người nằm xuống].
Có bao nhiêu con đường trong thi phẩm - nhạc
phẩm của Trịnh Công Sơn, là có bấy nhiêu sắc thái độc đáo trong huyền diệu và
hết sức bất ngờ. Sự huyền diệu và bất ngờ với những sáng tạo của ngôn từ và
giai điệu của Trịnh đã tạo ra những hình tượng có sức cuốn hút đến kỳ lạ. Và
rồi cứ thế, Trịnh dẫn dắt ta “đi lên non cao đi về biển rộng” [Một cõi đi về]
trên những “dặm trường/ ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thương”. Để rồi từ nơi
“muôn trùng nhớ thương” ấy, Trịnh lay gọi thức tỉnh trong sâu thẳm tâm hồn Việt
Nam hãy “Nhớ về cội nguồn/ Nhớ về đoạn đường/ Từ đó ra đi”!
“Con đường” trong sáng tạo nghệ thuật của Trịnh
Công Sơn quả thực có sức biểu cảm hiếm có nếu chưa muốn nói là độc nhất. Và rồi
đây “con đường nằm nghe nắng mưa” [Em còn nhớ hay em đã quên], trong lòng thành
phố, con đường Trịnh Công Sơn, sẽ là minh chứng tuyệt vời về sự trân trọng một
tài năng âm nhạc đã làm rung động tâm hồn con người thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều
cảnh ngộ, nhiều thân phận. Mà cuộc đời thì ngắn ngủi nhưng nghệ thuật thì dài
lâu!
“Ôi đường phố dài/ Lời
ru miệt mài/ Ngàn năm ngàn năm” [Tuổi đá buồn].
Tương Lai
Theo http://daidoanket.vn/
máy bay eva air
mua vé máy bay đi mỹ hãng eva
hãng korean airlines
vé máy bay đi mỹ rẻ
giá vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch