"Hương thầm” vương vấn mãi thời gian…
Tôi yêu ca khúc "Hương thầm” từ khi chưa biết tác giả của
những ca từ đầy ma lực ấy là ai. Đây là một bài thơ hay của Phan Thị Thanh Nhàn
đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng chắt lọc từng câu chữ để phổ thành nhạc. Những giai
điệu ngọt ngào, sâu lắng đầy giản dị nhập vào hồn tôi như một lẽ tự nhiên, như
muốn giữ mãi một Vũ Hoàng nồng nàn, chung thủy với tình yêu giữa làng nhạc bộn
bề xáo trộn.
"Hương thầm” - một bài thơ tình của Phan Thị Thanh Nhàn, đạt
giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ ( năm 1969) là cái mốc đáng ghi nhớ trên con
đường thi ca của chị. Thực ra, đây là một bài thơ ra đời trong hoàn cảnh khá
đặc biệt. Ở chỗ không chỉ đã ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc mà còn
là một bài thơ mà nữ sĩ viết về em trai mình ( Phan Hữu Khải) chứ không phải
viết về mối tình thầm lặng của chị như một số người đã phỏng đoán. Và phải
chăng cũng là mối duyên "thần giao cách cảm” mà nhạc sĩ Vũ Hoàng bắt gặp
được tứ thơ Phan Thị Thanh Nhàn, phổ thành ca khúc "Hương thầm” cứ lặng lẽ
vương mãi đến ngày nay trong tâm trí người yêu thơ- nhạc:
Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm.
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay.
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm. Bên ấy có người ngày mai ra trận,
Bên ấy có người ngày mai đi xa.
Nào ai đã một lần dám nói.
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối.
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi?
Mà hương thầm theo mãi bước người đi?
Hai người chia tay sao chẳng nói điều gì?
Mà hương thầm vương vấn mãi người đi
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm.
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay.
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm. Bên ấy có người ngày mai ra trận,
Bên ấy có người ngày mai đi xa.
Nào ai đã một lần dám nói.
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối.
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi?
Mà hương thầm theo mãi bước người đi?
Hai người chia tay sao chẳng nói điều gì?
Mà hương thầm vương vấn mãi người đi
Hương thầm - Anh Thơ
Lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Vũ Hoàng ( 2008), lúc này tôi đã biết ca
khúc "hương thầm” của ai sáng tác. Nhưng lại không hề biết mình đang tiếp
xúc với chính tác giả của "Hương thầm”. Nhiều lúc cứ cười thầm một mình về
câu hỏi của Vũ Hoàng trong lần đầu gặp gỡ ấy : " Em đã khi nào nghe bài
hát Hương thầm hay phượng hồng và bụi
phấn chưa?”. Tôi hồn nhiên trả lời : " Từ khi còn đi học em đã
rất thích những bài hát này, đặc biệt Hương thầm, em thường hát vì
yêu thích và cảm nhận trong đó là khối tình cảm lặng thầm có duyên và đẹp”.
Trong suy nghĩ thì biết người sáng tác tên gì, nhưng gặp được người lại không
hề biết. Thế đấy, nhạc sĩ Vũ Hoàng rất khiêm tốn, anh cứ cười cười và bảo
"về nhà em cố gắng tìm hiểu gương mặt của người sáng tác bài hát Hương
thầm nhé”. Ngay tối hôm ấy, tôi đã vào mạng sợt : "Hương thầm- Vũ
Hoàng”- một gương mặt quen thuộc hiện ngay trước mắt tôi, loay hoay nhìn đi
nhìn lại cho kỹ và cười thầm "Thì ra hôm nay nhạc sĩ Vũ Hoàng ngồi ngay
trước mặt mình”. Rất vui và hài lòng cho lần gặp gỡ đầu tiên ấy… để rồi hôm nay
lẩm nhẩm hát vài lời trong ca khúc "Hương thầm”, tôi lại tự cười và nhớ
lại kỷ niệm ấn tượng đó.
Tình yêu là điều kỳ diệu mà thượng đế ban tặng cho con người. Tình
yêu giúp ta có thêm nghị lực để sống, để phấn đấu vươn lên giành lấy hạnh phúc
đích thực của cuộc sống. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho rằng : "Tình yêu mật
ngọt, mật ngọt trên môi” ( lặng lẽ nơi này). Sự kết chặt giữa hai tâm hồn tạo
thành sợi dây tình cảm gắn bó khăng khít, đó là những mật ngọt mang đến cho con
người dư vị đắm say, miên man trong dòng cảm xúc. Nhưng để có được thứ mật ngọt
đầy đam mê ấy, ta phải biết vươn lên và chạm tay vào, vì nó luôn cao xa tầm với
của con người. Một mối tình đẹp vô cùng thi vị in đậm sâu trong ca khúc
"Hương thầm” như rung lên từng cung bậc tình cảm qua âm điệu lúc trầm, lúc
bổng mà người nhạc sĩ tài ba Vũ Hoàng đã thổi hồn để chắp cánh cho "Hương
thầm” bay cao và vươn xa tới đích của giá trị tinh thần.
Sự đẹp đẽ của tình yêu buổi đầu trong "Hương thầm” đã làm rung
động trái tim người nhạc sĩ. Và dù thơ hay nhạc thì Hương thầm đều
có một giai điệu lặng lẽ như nhau, nhẹ nhàng, lan tỏa. Tình yêu của đôi bạn
thật đẹp đẽ mà thơm tho, tinh khiết như hương bưởi trong ngần. "Khung cửa
sổ hai nhà cuối phố, cây bười sau nhà…”tất cả đều lặng lẽ đến nên thơ. Ở đó có
một "đôi bạn ngày xưa học chung một lớp” chỉ nén nhìn nhau mà không bao
giờ nói với nhau điều gì. Hương bưởi sau nhà trở thành ông tơ bà Nguyệt để se
hai tâm hồn đồng điệu. Rồi có lần hương bưởi cũng dẫn hai người đến với nhau
tận mặt :
"Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa”
Nhưng lạ chưa :
"Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Lời thơ kết hợp với chất nhạc, ta nghe như trong đó lời thì thầm
hương bưởi. Như lan man trong vườn cổ tích yên tĩnh, tôi cứ nghĩ chàng trai năm
xưa trong "Hương thầm” hẳn là người hạnh phúc nhất trước lúc lên đường ra
trận. Hạnh phúc bởi cái thứ hương thơm tinh khiết mà lan tỏa, dìu dịu mà thẳm
sâu như tình yêu đầu đời của cô thiếu nữ nhà bên dành cho mình. Một thứ tình
yêu chưa dám gọi thành tên, mới chỉ thầm thì ý nhị như nỗi thẹn thùng của người
con gái. Đơn giản thế thôi, nhưng cũng đủ để lòng người con trai ấm lại mỗi khi
bồi hồi nhớ về giây phút cũ, nhớ về khoảnh khắc thiêng liêng có nỗi nhớ dịu
ngọt êm đềm.
Ai đó bảo, mùa xuân là mùa của mùi hương. Này là hương táo dìu dịu,
hương thơm nải chuối ngự ngọt ngào, hương chanh thoang thoảng, hương xoan ngai
ngái... Đến cả những cơn nắng mưa, dường như cũng mang hương thơm của cỏ cây và
tạo hóa. Vậy mà, trong bao nhiêu mùi thơm ấy, hương bưởi cứ ngan ngát bay xa mà
không thể nào trộn lẫn với hương dạ lý hay ngọc lan. Hương bưởi không ưa sự ồn
ào náo động và cũng phải là người tinh tế mới có thể nhận ra thứ hương thơm
quyến luyến ấy kể cả khi ta đã đi qua con đường, qua mảnh vườn ấy. Sẽ hạnh phúc
cho ai được gói trong khăn tay mình bông hoa bưởi để lúc đêm về đặt nhẹ lên gối
mà làm cuộc lãng du tới miền cỏ hoa trong một giấc mơ có thực. Và biết đâu,
trong giấc mơ êm ả vô thường, hương hoa đã nhẹ nhàng len tới và đặt vào tay
người thương niềm bối rối. Đó như chút tình đầu miên viễn khôn nguôi đối với cả
chàng trai và cô gái trong "hương thầm”. Quyến luyến lắm, bối rối chứ mà
chẳng thốt được thành lời, chỉ biết "nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”. Một
tình cảm sâu sắc, câm nín mà trong lòng chàng trai và cô gái như muốn nói bao
điều. Họ hiểu ý nhau chỉ bằng chút cử chỉ nhỏ mà lại không bao giờ có thể quên "giấu
một chùm hoa trong chiếc khăn tay”, ngại ngùng quá nên phải "giấu” thôi.
Cô gái gửi thông điệp cả một tình yêu trong sự chờ đợi, nhớ nhung đến người con
trai mang tính tượng trưng mà chỉ những người yêu nhau mới làm như thế. Nét tâm
hồn cô gái hiện lên rất dịu dàng, duyên dáng, kín đáo mà lại chan chứa tình
cảm. Ở đấy còn là một tình quê hương gửi đến chàng trai trong nỗi nhớ đằm thắm
mà da diết vô bờ, có cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm…
Cô gái đã có đủ sức mạnh để đến tiễn chàng trai ra trận sao chẳng
có đủ sức mạnh để nói lên một lời? Cô chẳng dám trao chiếc khăn tay, anh chẳng
dám xin và hai người im lặng. Chỉ có hương bưởi nghịch ngợm xao động và kết nối
họ với nhau. Nhưng khẽ thôi, nhẹ nhàng thôi để hương bưởi không bay đi mất, để
cái e ấp của tình đầu còn tồn tại và cái hương thầm dịu nhẹ quấn quanh. Chỉ có
đôi mắt của họ là biết nói nên lời và nhờ hương hoa thầm thì lời yêu thương.
Mối tình đầu cứ thế thầm lặng mà tỏa lan bát ngát. Không ai nói nhưng ai cũng
hiểu một điều rất lạ. Hương bưởi sao mà thanh tao, tinh khiết và đầm ấm quá! Nó
làm cho lòng người trong cuộc bối rối nhưng cũng đền bù bằng cách mối lái thành
công cho hai tâm hồn họ gặp nhau. Nó buộc chặt người đi và người ở. Nó vương
vấn bước người ra trận và làm bối rối lòng kẻ tiễn đưa. Rồi đây hương bưởi sẽ
theo bước anh lính mà ướp thơm chiếc ba lô chiến trường, trong chiếc gối mỗi
khi đi ngủ. Hương bưởi ở lại để sưởi ấm lòng cô gái dõi theo:
Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi
Hai người chia tay sao chẳng nói một lời
Trong cuộc đời có những khoảnh khắc mang ý nghĩa vĩnh cửu của thời
gian. Có những khoảng trống lấp đầy bao chật hẹp và cũng có những im lặng cất
lên được bao lời. Hương bưởi tưởng như vô tình nhưng đã nói hộ cô gái rất nhiều
ý nghĩa. Trong chút nồng nàn của hương bưởi ấy, chàng trai đã nhận ra tình yêu
của nàng trao tặng. Thế là họ chia tay nhau… lặng lẽ gặp và lặng lẽ chia tay.
Chỉ có tình yêu ở lại trong trái tim người ở lại và người ra đi. Ta lại nhớ đến
"thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh, chị cũng cảm thức về tình yêu
trường tồn trở thành bất tử :
" Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn em và anh
Cùng tình yêu ở lại”
Lời của ca khúc "Hương thầm” buồn man mác, không hề bi lụy.
Một nỗi buồn đến duyên rất yêu và rất đỗi dễ thương. " Hai người
chia tay sao chẳng nói một lời/ Mà hương thầm vương mãi bước người đi”. Điệp
khúc "hai người chia tay” được điệp lại hai lần như càng làm tăng thêm nỗi
vấn vương, lưu luyến chẳng muốn rời xa của người ở lại và kẻ ra đi. Đây chính
là cái tài của Vũ Hoàng, nhạc sĩ như nhập tâm vào cuộc chia tay của chàng trai
và cô gái để diễn tả bằng những nốt nhạc trầm, buồn , ngân vang, kéo dài như
theo mãi bước người đi. Một cuộc chia tay nhau như không thể dứt cho thấy rằng:
Vũ Hoàng rất thành công trong việc chắt lọc lại những ca từ của "Hương
thầm”. Theo từng hơi thở của người ra đi, hương hoa bưởi đã thấm sâu vào lồng
ngực. Anh lên đường, hương sẽ theo đi khắp. Hương thơm thầm lặng mà rất đỗi
ngạt ngào cũng như mối tình đầu rất dịu nhẹ, chẳng ai nói một lời nhưng rất
đẹp, rất thơm và sẽ mãi mãi tỏa lan. Cái hương thầm ấy lưu hoài ở nơi người đưa
tiễn, vương mãi bước người đi và tỏa hương đến tận ngàn sau.
Đó là kết thúc của một lần gặp gỡ,nhưng dư âm còn vang vọng mãi và
sẽ là ngọn nguồn cho một tình yêu lớn lao hơn.Chàng trai lên đường chiến đấu,cô
gái ở lại quê nhà.Rồi tình yêu của họ sẽ là tình yêu giữa tiền tuyến và hậu
phương,một tình yêu đẹp,ẩn chứa bên trong biết bao nghĩa cử cao quí của đức hi
sinh thầm lặng.Thầm lặng,lặng thầm,nguyên vẹn như thuở ban đầu e ấp,thẹn thùng.
Điều làm tôi xúc động trong ca khúc này là hình tượng người con gái khi yêu giữa thời chiến.Họ thật sự mạnh mẽ!Họ lên tiếng trước để bộc bạch những cảm xúc đang ấp ủ trong lòng.Tuy không trực tiếp nói ra nhưng cô là người chủ động sang nhà chàng trai hàng xóm với một cành hoa bưởi-như một biểu tượng tình yêu của nàng-để tiễn người ra đi.
Điều làm tôi xúc động trong ca khúc này là hình tượng người con gái khi yêu giữa thời chiến.Họ thật sự mạnh mẽ!Họ lên tiếng trước để bộc bạch những cảm xúc đang ấp ủ trong lòng.Tuy không trực tiếp nói ra nhưng cô là người chủ động sang nhà chàng trai hàng xóm với một cành hoa bưởi-như một biểu tượng tình yêu của nàng-để tiễn người ra đi.
Từ Hương thầm rồi đến Phượng hồng "Ai
cũng hiểu chỉ một người không hiểu, nên có một gã khờ ngọng ngịu đứng làm thơ”,
Vũ Hoàng đã cho chúng ta thấy bản chất của những mối tình đầu mộc mạc, giản dị,
chân thành cứ "vương vấn” mãi … thật khó quên trong tiềm thức mỗi người.
Xin cám ơn nhạc sĩ với những ca khúc rất hay, tràn đầy ý tình thi vị và lãng
mạn để tặng cho tuổi trẻ chúng tôi. Để sau này, dù không còn trẻ nữa, chúng tôi
vẫn cứ ngâm nga, cứ xúc động khi nghĩ về những ca từ đắm say. Hương
thầm là một bài hát tôi yêu và trân trọng thứ tình cảm trong sáng,
thuần khiết mà trong đời tôi nâng niu những phút giây xao xuyến ấy. Và điều này
cũng tạo nên nét duyên thầm của ca khúc, cứ lặng thầm mà đi vào lòng bao thế hệ
người nghe xưa nay… Gửi lại nhạc sĩ Vũ Hoàng chút "hương thầm” của cuộc
sống, những âm thanh thưa vắng mà câm nín như không thể thốt được thành
lời…Những giây phút đã qua, ngày hôm nay hay đến tận mai sau, chút "hương
thầm” ấy vẫn theo tôi đi suốt cuộc đời kể từ hôm có duyên gặp gỡ Người… Hương
thầm – vương vấn mãi thời gian…
Trần Huyền Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét