Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Đi dọc một đại lộ, nghĩ về một tầm nhìn

Đi dọc một đại lộ, nghĩ về một tầm nhìn 
Phó Đức Tùng
Philadelphia 
Bên cạnh trục chính Đông Tây là đại lộ chợ, Philadelphia còn có trục chính Bắc Nam là đại lộ nghệ thuật – Avenue of the arts. Trục này còn to gấp đôi trục đông tây nên còn gọi là Broad Avenue. Nguyên cái tên hai trục đã cho thấy thành phố này có một định hướng chiến lược rất rõ ràng. Hai trục giao nhau tại tòa thị chính thành phố.
Trên Avenue of the arts. Một đầu là tháp Tòa thị chính. Ảnh từ Internet
Trên đại lộ nghệ thuật có đại học mỹ thuật, thư viện mỹ thuật, các loại nhà hát. Khi đi qua bùng binh là khu tòa thị chính, một phần trục Bắc Nam này chạy tiếp như một trục giao thông, nhưng phần hồn của nó thì rẽ chéo về hướng tây bắc, thành đại lộ công viên Franklin (park ave.).
Đại lộ này là tuyến đường hoành tráng nhất Philadelphia, bốn dải đường rộng với những dải phân cách bằng công viên rộng lớn, xen lẫn những bùng binh công viên tròn hoành tráng. Đây cũng là trục đường duy nhất dám chém thẳng chéo qua mạng ô cờ của sự bình đẳng, được bố cục theo đúng phương thức tập quyền baroque, thể hiện uy quyền tập trung tối cao.
Thiết kế trục đại lộ chém chéo qua mạng ô cờ. Từ trái qua phải: 1.) Trục Parkway trong bản đồ quy hoạch thành phố năm 1906 – 2.) Trục Parkway theo bản đồ quy hoạch của Trumbauer, Zantzinger và Cret, 1907 – 3.) Trục Parkway trên bản đồ quy hoạch của Jacques Gréber, 1917. 

Ảnh của Wind Watcher chụp từ một con diều, ngó xuống Ben Franklin Parkway, 2012, cho thấy đại lộ đã cắt chéo mạng ô cờ. 
Sau 3 lần nâng cấp, tại JFK Plaza, Logan Square và Eakin Oval, trục không gian này đạt tới đỉnh điểm tại bảo tàng nghệ thuật, được đặt trên đồi cao như đỉnh Acropolis, và cũng với cổng chào hoành tráng như đền Parthenon (vì vậy ngày nay, bảo tàng này cũng có biệt danh là Fairmont Parthenon).
Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia ở một đầu của trục đại lộ (cuối hình). Ảnh của sjacmarathoners
Cấu trúc đăng đối hai cánh kinh điển của tòa nhà bảo tàng càng làm tăng thêm độ uy nghi, quyền lực. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, khu bảo tàng khiến liên tưởng đến hình tượng bán cầu đại não của cả đô thị, dẫn tới đại lộ nghệ thuật là trục tủy sống. Xung quanh và đằng sau bảo tàng, công viên Fairmont rộng mênh mông với dòng sông Schuylkill làm hậu thuẫn vô cùng vững chắc.
Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia với sông Schuylkill bên cạnh. Ảnh của Duncan Pearson
Trục Parkway nhìn từ trên cao. Một đầu là Bảo tàng Nghệ thuật, một đầu là Tòa thị chính. Ảnh của Duncan Pearson
Có thể nói ở Philadelphia, từ tòa thị chính trở xuống sẽ là khu vực dân sự, như vùng quanh Agora của Athen thuở trước. Còn từ tòa thị chính theo trục Franklin sẽ là Acropolis, là thượng tầng tinh thần. Nếu như Constitution Center, Liberty Bell và Independence Hall là cốt lõi của vùng dân sự, vẫn tuân theo mạng lưới ô cờ, thì trục Franklin, với đỉnh cao là Bảo tàng Nghệ thuật, là đầu não tinh thần của thành phố, và tuân thủ nguyên tắc tập trung, với thánh đường của nghệ thuật ở tòa bảo tàng. Xung quanh đó, tự nhiên được để tự do, là giá trị hậu thuẫn của nghệ thuật.
Đứng từ sảnh đường bảo tàng nhìn xuống đô thị, ngay cả những tòa nhà chọc trời chen chúc ở khu trung tâm cũng trở nên nhỏ mọn, bon chen, mặc dù nếu đứng ở trung tâm, ta sẽ thấy những biểu tượng quyền lực này che rợp bóng mặt trời, lấn lướt hoàn toàn tòa thị chính, mặc dù tòa này đã rất nguy nga và nằm ở đúng giao điểm hai đại lộ lớn nhất.
Nhìn từ cổng Bảo tàng Nghệ thuật xuống trục Parkway. Ở xa xa là tháp Tòa thị chính. Ảnh của Garneld Mejilla
Vậy có nghĩa là giá trị “vision” (tầm nhìn) của thành phố đã rất rõ ràng:
- Bình đẳng, tự do, dân chủ là nền móng. Kinh tế, chính trị là trung tâm. Nhưng thiên nhiên, nghệ thuật mới là đầu não; Trong đó thiên nhiên cốt ở rộng rãi, tự nhiên, không bị xâm hại, bền vững, sơn thủy hữu tình.
- Nghệ thuật cốt ở tinh hoa, tập trung, quyết liệt. Nền dân chủ tự do trong khuôn khổ, nhất là để đáp ứng tiêu chí bình đẳng. Nhưng thiên nhiên và nghệ thuật thì cần tự do tuyệt đối, vượt mọi khung kẻ.
- Thiên nhiên nuôi dưỡng, nâng đỡ tinh hoa nghệ thuật. Nghệ thuật đứng trên đỉnh cao, vượt mọi khuôn phép, thoát mọi lưới bình đẳng, từ đó trực chỉ tới trung tâm kinh tế, chính trị, để rồi lan tỏa ra toàn đô thị.
Quy hoạch trục Parkway của Jacques Gréber, 1917. Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn.
Tầm nhìn rõ ràng đến thế, thể hiện mạch lạc đến thế, không phải nhiều đô thị trên thế giới có được. Đứng trước bảo tàng mà đầu óc choáng váng. Thì ra cái yếu điểm của mạng lưới bình đẳng cũng từng được các nhà hoạch định nhìn ra, và khéo léo chế ngự bằng đối trọng rất nặng kí, quyết liệt như vậy. Nếu đã khôn ngoan như vậy mà Philadelphia còn suy tàn thì có lẽ là mệnh trời chăng, giống như những đô thị lừng danh một thời trên thế giới rồi cũng lụi tàn. Lại ngẫm Hà Nội của ta, huênh hoang là một trong 10 đô thị rộng nhất thế giới, mà một tầm nhìn cũng chẳng có, hay chẳng thể thực hiện trên thực tế, thì còn mong đợi nỗi gì.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...