Ở Philadelphia - Ghi chép của Phó Đức Tùng
1. Mạng lưới ô cờ
Thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, Hippodamus sử dụng mạng kẻ ô
cờ để quy hoạch Piraeus, làm nguyên lý cơ bản cho quy hoạch đô thị cổ Hy Lạp,
nhằm thể hiện và thực hiện lý tưởng về sự bình đẳng, dân chủ.
Bản đồ quy hoạch Piraeus của Hippodamus
Hơn 2000 năm sau, năm 1682, nguyên lý này được William Penn
áp dụng lại để đặt nền móng cho Philadelphia, đô thị đầu tiên của nước Mỹ hiện
đại. Cái tên Philadelphia (với nghĩa tình yêu thương bằng hữu) thể hiện rõ quan
điểm đạo lý về tình yêu thương đồng loại và bình đẳng của tôn giáo Quaker, tôn
giáo lập bang của Philadelphia.
Bản đồ quy hoạch Philadelphia của Penn
100 năm sau, với Jefferson, nguyên lý về bình đẳng cũng như mạng
kẻ ô cờ của Philadelphia đã lan tỏa trên toàn nước Mỹ, trở thành một trong những
giá trị lập quốc cơ bản của Hoa Kỳ.
Cho tới nay, sau hơn 3 thế kỷ phát triển, bình đẳng có lẽ là
giá trị nổi bật nhất của thành phố này. Từ trung tâm đến ngoại ô, mạng ô cờ trải
ra vô tận, đều tăm tắp, nhà nào cũng giống nhà nào, phố nào cũng như phố nào. Đủ
loại màu da, sắc tộc, tiếng nói, đủ loại áo quần, xe cộ, nhưng gần như không thể
phân biệt đẳng cấp, giai tầng.
Những ngôi nhà phố liền kề bình dị nhưng có bản sắc riêng, nổi
tiếng khắp nước Mỹ với tên riêng là Philadelphia Rowhouse và được copy lại ở
nhiều thành phố khác. Gần như nhà nào cũng có ốp ngoài bằng gạch mộc sẫm màu,
mái ngói sẫm màu, nên không mấy suy suyển theo năm tháng, trông nhà nào cũng
như nhà nào, không nhận rõ nhà cũ, nhà mới. Không nhà nào có hàng rào, nhưng cốt
nền nhà được tôn lên khoảng 1m so với mặt đường, tạo ra một độ phân biệt nhất định
giữa không gian riêng tư và không gian công cộng vỉa hè nhưng không hoàn toàn
ngăn cách. Trước mỗi nhà thường là một terrace nhỏ ở tầm cao 1m này, là chỗ để
ngồi chơi, sưởi nắng, uống café hay làm bữa tiệc nhỏ gia đình. Cửa sổ phòng
khách thường mở xuống rất thấp, sát sàn terrace và không có chấn song bảo vệ.
Không nhà nào có garage, otô đều đỗ ngoài đường, sát vỉa hè trước nhà. Tất cả
toát lên sự bình yên, thân thiện.
“Philadelphia row house”
Tuy vậy, khi phóng tầm mắt ra xa hơn mức không gian trực tiếp
quanh ta, ra cả một vùng đô thị thì vấn đề lại có thay đổi. Mặc dù những lô phố
rất ngắn, nhà cửa thấp, cây cối nhiều, tỷ lệ rất gần gũi với con người, nhưng sự
trải rộng miên man ra vô tận của sự bình đẳng lại tạo một cảm giác ngạt thở. Mọi
sự khác biệt cá nhân đều không nghĩa lý gì trong bối cảnh của một sự bình đẳng
khổng lồ, vĩnh cửu. Và cho dù những đường phố Philadelphia thỏa mãn được rất
nhiều điều kiện cho một đô thị tốt mà Jane Jacobs đưa ra như đường đi bộ, lô phố
ngắn, vỉa hè rộng, cây xanh bóng mát v.v. nhưng tiêu chí quan trọng nhất là mật
độ cao và sự đa dạng lại bị sự dàn trải trên mạng lưới bình đẳng làm cho không
đạt được. Mặc dù mọi không gian tầng trệt đều có thể đủ điều kiện làm cửa hàng,
nhưng vì mật độ dân cư thấp, mọi phố lại có điều kiện như nhau, không dễ gì để
mở một cửa hàng. Ngay trong lõi trung tâm, mật độ sử dụng vẫn còn rất thấp, cả
phố mới có một vài cửa hàng nhỏ.
Thậm chí tại khu vực cao ốc quanh tòa thị chính, nơi tập
trung tất cả những cao ốc, công sở của Philadelphia, với những tòa nhà sừng sững
như Manhattan thì phố xá vẫn có vẻ đìu hiu. Trên các cao ốc, đèn điện chỉ lốm đốm,
chứng tỏ năng lượng và mật độ sử dụng không hề cao. Có lẽ sự tập trung về nhân
lực và tài lực không tương xứng với cái vỏ tập trung về hình khối không gian mà
khu trung tâm này thể hiện.
Một góc khu trung tâm của Philadelphia
Ngẫm lại quy hoạch của Hippodamus là dành cho quy mô đô thị
10.000 dân, nay dùng nguyên một cấu trúc đó, trải rộng trên mặt bằng cho một đô
thị vài triệu dân, có thể là không ổn. Có lẽ vấn đề là ở tỷ lệ.
2. Trục Đông Tây – đại lộ chợ market avenue
Cũng tương tự như những đô thị Hy Lạp cổ đại, Philadelphia có
một trục chính đô thị chạy suốt Đông Tây. Và cũng như Hy Lạp, mọi hoạt động
công cộng cơ bản của đô thị đều được bố trí dọc theo trục này: Bến cảng, chợ,
trường học, trường đại học, nơi đúc, in tiền, ngân hàng, tòa thị chính, nhà
hát, quảng trường, tòa án, thư viện, bảo tàng, nhà thờ, sân vận động.
Đặc biệt quan trọng, và cũng rất giống với các đô thị Hy Lạp,
những giá trị cộng đồng mang tính lập quốc được trưng bày công cộng một cách
linh thiêng, xung quanh một không gian công cộng kiểu Agora: Hiến pháp nước Mỹ
– với nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, tình đoàn kết anh em được khắc trên đá,
phóng to từng chữ, giải thích cặn kẽ trong Trung tâm Hiến pháp – Constitution
Center; nguyên tắc độc lập được tôn thờ trong Tòa Độc lập – Independence Hall;
nguyên tắc tự do được đúc thành chuông lớn – Liberty Bell, để “công bố tự do
trên khắp đất nước, tới từng người dân”, vĩnh viễn chấm dứt tình trạng nô lệ
loài người.
Những công dân tụ tập trong quảng trường lịch sử, trong bối cảnh
thoáng đãng, rộng rãi, dưới bầu trời tự do, trên sân cỏ tự nhiên, bao quanh bởi
những công trình nói trên, được soi rọi từ các bề bởi những giá trị cộng đồng
cơ bản, tự khắc thấm nhuần những giá trị này từ trong tới ngoài, như những tín
đồ được gột rửa trong tắm thánh.
Independence Hall – Tòa
Độc lập
Tháp chuông ngó ra Tòa Độc lập
3. Benjamin Franklin và Betsy Ross
Franklin, nhà bác học, triết gia, nhà xã hội học, chính trị
gia lập quốc vĩ đại của Hoa Kỳ, công dân ưu tú của Philadelphia, người đại diện
cho những giá trị cơ bản được tôn thờ trong Constitution Center, Liberty Bell,
Independence Hall, đã yên nghỉ dưới ngôi mộ nhỏv en đường, đậy bởi một phiến đá
nhỏ nứt vỡ, bên cạnh những thánh đường nguy nga cho những giá trị ông từng góp
phần sáng lập và bảo vệ. Mộ ông có lẽ là nhỏ nhất, giản dị nhất trong khu nghĩa
trang nhà thờ này. Chỉ một phiến đá nhỏ ven đường, gần như vô hình, nhưng đã khống
chế yếu huyệt ngàn đời của nước Mỹ. Từ phiến đá mộ Franklin, tới cả trung tâm lịch
sử Philadelphia, rồi ra cả nước Mỹ, cả thế giới… thế mới biết những thứ cực kỳ
vĩ đại, khuynh loát thế giới, lại có vẻ ngoài nhỏ bé, khiêm nhường như những lỗ
đen trong các dải ngân hà.
Đến hôm nay thì vẫn thế
Gần Franklin, cũng dưới một phiến đá nhỏ khiêm nhường, dưới
bóng cây cổ thụ mát rượi, trong một khu vườn nhỏ ven đường, là nơi yên nghỉ cuối
cùng của Betsy Ross, người phụ nữ phúc hậu, mẹ 5 đứa con, tín đồ Quaker ngoan đạo.
Người đàn bà bình dân, hiền lành nhưng đầy tài năng, thẩm mỹ và chan chứa tình
yêu này đã thiết kế và tự tay khâu nên lá cờ hoa nước Mỹ. Nhìn cảnh những người
dân Mỹ tụ tập trong sân, dưới bóng cây, quanh mộ của bà, vui vẻ sưởi nắng, trò
chuyện, uống cốc cocacola mát lạnh mà buồn cho những mẹ Suốt, mẹ Thứ Việt Nam bị
thổi phồng thành những quái vật ngàn tỷ, to lớn như những quả đồi, phơi chài
chãi dưới nắng gió miền Trung.
Một bức tranh của Jean Leon Gerome Ferris mô tả cảnh Betsy
Ross đang trình bày cách cắt ngôi sao của lá cờ cho Tướng George Washington (ngồi
bên trái), Robert Morris và George Ross
4. Geno Cheesesteak
Geno’s Steak, một quán ăn nhanh ở một góc đường trong một khu
dân cư hẻo lánh, với vài bộ bàn ghế nhựa vỉa hè, đã trở thành biểu tượng ẩm thực
Philadelphia. Ở đây có bán món cheesesteak và Hoagie, được coi là món quốc hồn
quốc túy của Philadelphia. Mọi tao nhân mặc khách tới Philla đều từng ăn ở đây.
Trên tường và trần quán dán đầy ảnh chụp danh nhân.
Quán Geno’s Steak . Ảnh của J.
Fusco
Cheesesteak là một món bánh mỳ kẹp, to khổng lồ như những loại
bánh kẹp ăn nhanh khác của Mỹ như Bigmac của Burger King hay McDonnald. Quán chỉ
bán một loại bánh, với một giá. Bánh nhồi cả vài lạng thịt bò xào với hành tây
và pho mát, tưới thêm các loại nước sốt như mù tạt, ketchup, có thể nhồi thêm
dưa, ớt tùy thích.
Cheesesteak của Geno’s. Ảnh từ trang web quán
Muốn cắn bánh này phải khởi động hàm trước, mở rộng hết cỡ khẩu
độ hàm mới nhét được bánh vào mồm, như kiểu con trăn nuốt mồi. Bất kỳ làm cách
nào cũng không thể tránh việc nước sốt dính từ mũi xuống cằm và chảy đầy các
ngón tay. Bạn tưởng tượng, cho dù Micheal Jackson hay Lize Taylor cũng phải ăn
nhồm nhoàm như vậy, không có cách nào quý phái hơn để thưởng thức món này. Cũng
như mạng lưới đô thị bàn cờ, bánh cheesesteak áp đặt sự bình đẳng lên mọi đối
tượng. Quyền tự do của bạn là cho thêm các loại nước sốt, chứ không thể bớt đi
cái gì.
Bánh ngon, vị đặc biệt béo bở. Người Philadelphia mê món này,
có thể ăn hàng ngày, từ sáng sớm tới đêm khuya, như dân ta ăn phở, bún.
5. Người béo phì
Ngồi nghỉ chân ven đường, ngắm người qua lại. Mười người thì
có tới 6,7 người béo. Lúc nào trong tầm mắt trên đường, bạn cũng nhìn thấy vài
người quá béo, béo khủng khiếp. Những người phụ nữ, nhất là da đen, căng phồng
như trái bóng, hai bàn chân nhỏ thót lại như móng giò heo, mỗi bước đi chênh
vênh như nghệ sỹ xiếc đi trên dây, có nguy cơ đổ về bất kỳ hướng nào. Những người
đàn ông thân hình méo mó dị dạng như những con mối chúa, mặt mũi nhễ nhại, mệt
nhọc. Một cậu thanh niên quá béo tới mức phải ngồi xe lăn. Cậu muốn lên xe
buýt. Xe hạ cầu cho cậu lên. Nhưng để lên cầu, cậu phải làm một động tác cúi xuống,
kéo một cần gì đó ở dưới chân. Mỗi lần định cúi người, cái áo phông lại bật
tung phía sau, để lộ một đống thịt mỡ từ lưng tới mông, thấy rõ quần cậu chỉ
che từ phần dưới mông trở xuống. Dân xếp hành xung quanh đều quay mặt ái ngại.
Cậu ngượng, lại phải ngẩng lên, lấy tay kéo áo che mông. Nhưng hễ định cúi người
là lại phều mông, không có cách nào. Cúi xuống ngẩng lên cả mười mấy lần vẫn
không thể vừa kéo cần, vừa che mông, đến khổ.
Nhìn những người béo phì, nghĩ lại về Hy Lạp cổ đại, mô hình
đô thị lý tưởng làm gương cho Philadelphia, với những bức tượng hoàn hảo, cảm
giác rõ ràng có cái gì đó không ổn. Khoa học, công nghệ, bình đẳng, tự do, thịnh
vượng, biến đổi gen, cheesesteak béo bở v.v. Quá nhiều thứ tốt đẹp, hay ho được
nhét vào những cái túi da chật hẹp, khiến chúng căng phình, biến dạng.
Phải chăng đó cũng chỉ là vấn đề tỷ lệ, hay còn có nguyên do
cơ bản nào mà ta không nhìn ra? Tại sao độc lập lại bị nhốt trong “hall”? bình
đẳng và tình bằng hữu lại ở trong “center”? Và vì sao cái chuông tự do lại nứt
toác và không thốt nên lời ngay từ hồi gióng đầu tiên? Có khi nào con người bị
trừng phạt vì đã ngạo mạn tự nhận những giá trị quá cao đẹp mà còn lâu họ mới
hiểu và với tới được?
Năm 1753, Chuông tự do – Liberty Bell – của Philadelphia được
thử lần đàu tiên tại xưởng đúc Pass and Stow Foundry, với sự hiện diện của nhà
lập pháp, nhà văn, nhà khoa học Benjamin Franklin (tay ôm mũ). Tranh của Jean
Leon Gerome Ferris
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét