Nói qua chút xíu về phần khí, phần âm trong phong thủy
Phó Đức Tùng
Các thầy phong thủy đi chọn đất làm kinh đô – tranh Tàu cổ.
Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn nhé.
Mình hoàn toàn đồng ý với bạn Lê Phương về khía cạnh hiệu quả
khoa học và duy lý của phong thủy. Tuy nhiên, theo mình nếu rút phong thủy về
chỉ còn những yếu tố công năng, tiện ích, thông thoáng, chiếu sáng, sinh thái
v.v. thì e rằng chưa nhằm trúng vào bản chất của vấn đề. Mọi nền kiến trúc, trong
mọi nền văn minh đều có những nghiên cứu rất đa dạng về khía cạnh này. Riêng về
độ hợp lý của các bố cục, về độ tiện dụng, những chỉ số kỹ thuật v.v. thì
phương Tây nghiên cứu rất công phu. Tóm lại, những gì thuộc về chuẩn mực, quy tắc,
công thức hợp lý v.v. thì khó có thể có gì vượt qua được những nghiên cứu của họ.
Và kết quả của nó là những sản phẩm ngày một hoàn thiện.
Cái hay, cái độc đáo của phong thủy thực ra bắt đầu từ những
chỗ khó có thể giải trình một cách thuần túy khoa học, tuy nhiên vẫn có hiệu quả
và cảm nhận được. Cơ chế của những hiệu quả này thế nào, có rất nhiều điều chi
tiết. Trong phạm vi một lời bình luận, không thể nói hết được, chỉ tạm nêu 3 điểm
khác biệt, thực ra không hẳn là khác biệt hoàn toàn, mà là đặt trọng tâm khác
nhau giữa phong thủy và khoa học kiến trúc phương Tây.
1. Phong thủy hướng tới việc tìm ra những giải pháp đặc hữu
cho từng cá thể, tại từng thời điểm, địa điểm cụ thể. Trong khi đó kiến
trúc phương Tây hiện đại tập trung nghiên cứu những giá trị phổ quát, hợp lý
chung cho loài người.
2. Đối tượng quan tâm chủ yếu của phong thủy là phần rỗng,
phần khí vô hình. Phần cứng, tức là bản thân công trình chỉ là phương tiện đạt
tới đích. Trong khi đó, kiến trúc phương tây tập trung nhiều hơn về giá trị bản
thân của phần cứng, từ bố cục, tỷ lệ, vật liệu, màu sắc, chất cảm v.v.
3. Đối tượng bị cho là chịu ảnh hưởng của phong thủy không chỉ
là con người sử dụng công trình, mà bao gồm cả những yếu tố như phần âm, tổ
tiên, ma quỷ, với những ảnh hưởng tới các thế hệ kế tiếp. Những điều này có
liên quan mật thiết với thế giới quan nho giáo, và là phần ít được khoa học
phương tây để ý. Xét trên triết lý nho giáo, đa số thực hành phong thủy sẽ có
lý lẽ nhất định. Trong khi đó, nếu bỏ qua những yếu tố này (phổ biến ở Việt
Nam) thì những thực hành này là những động tác mê tín dị đoan thuần túy hình thức.
Những lĩnh vực mà nay ta thường gọi là phong thủy trong lịch sử đã từng có những
tên khác nhau ở những thời đại, trường phái khác nhau. Những tên này cho thấy
trọng tâm chú ý của các thời, các phái này không đồng nhất.
Bản thân khái niệm “phong thủy” được coi là khởi nguồn từ
Táng Kinh của Quách Phác, đại khái nói: “Khí là bản chất của địa lý. Khí gặp
phong thì tán, gặp thủy thì tụ. Bởi cách vận hành của khí không có gi ngoài tán
tụ, nên có thể nói bản chất của địa lý không có gì ngoài phong thủy.” Khái niệm
khí này tất nhiên có thể được hiểu là những luồng sinh khí chạy nổi trên mặt đất,
có ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc, môi trường sống của con người. Nhưng phần
đó chỉ là ngọn của núi băng. Cái mà các nhà phong thủy thực sự quan tâm là luồng
khí chạy ngầm trong đất. Những luồng khí này có mối liên hệ qua lại với những
thứ hiện diện trên mặt đất, vì thế Hình phái trong Phong thủy cho rằng có thể dựa
vào việc quan sát hiện tượng bên trên như Long Sa Hướng Huyệt để suy đoán bên
dưới, giống như bác sỹ xem sắc bệnh nhân để đoán bệnh bên trong. Tuy nhiên cũng
có Lý phái cho rằng có thể thuần túy dựa trên lý luận về âm dương ngũ hành, cửu
cung phi tinh v.v. để nắm về địa lý.
Bởi vì địa khí chạy chủ yếu phía dưới mặt đất, nên nó ảnh hưởng
trực tiếp đến âm trạch hơn là tới dương trạch. Mặt khác, phần mộ lại bị động,
không thể tự xoay chuyển, vì thế việc xem phong thủy cho âm trạch được coi là
quan trọng. Còn đối với dương trạch, vì người sống sẽ có nhiều cách thích nghi,
thay đổi khi thấy có sự bất hợp lý, nên vai trò của phong thủy sẽ không mang
tính quyết định bằng.
Trong lịch sử, phong thủy có gắn bó mật thiết với Nho Giáo,
mà trong Nho Giáo thì thế giới âm đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ triết
luận, vũ trụ và nhân sinh quan. Mỗi đời người chỉ là một hạt nhỏ trong một chuỗi
quan hệ dòng tộc vô tận từ quá khứ tới tương lai. Vì thế, những suy tính chiến
lược đều mang tính liên thế hệ, chứ không phải giải pháp thường nhật. Mỗi con
người đặt lợi ích của bản thân mình sau trách nhiệm với quá khứ và tương lai.
Chắc các bạn đã từng nghe những câu như “sống về mồ về mả, chứ ai sống về cả
bát cơm”, hay là “sống chết coi nhẹ như lông hồng, cốt sao để đức cho con
cháu”. Về phần này, nếu các bạn thích có thể đọc phân tích của Solofiev, cực
hay.
Cuối cùng, khi tôi nghiên cứu phong thủy, vấn đề không phải
là tin hay không tin, mà là tìm cách hiểu xem tại sao người ta lại làm như vậy,
với logic gì, và có những hiệu quả, ảnh hưởng thế nào. Và trong các logic, các
hiệu quả, thì những thứ tôi thấy hấp dẫn nhất là những thứ không thể quy về một
kiến thức vật lý hay tâm lý thuần túy, mà là sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu
tố.
SOI: Đây là cmt của anh Phó Đức Tùng cho bài Phong thủy: huyền bí? ghê gớm? nhưng chính là
khoa học. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi. Tên bài do Soi
đặt. Vì Soi hoàn toàn “mù” về phong thủy nên khi đặt tên bài có thể sai, mong
anh Tùng chỉnh lại, nếu cần. Cảm ơn anh Tùng nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét