Kim Tự Tháp: sắp đặt đa diện (muốn) đa nghĩa
Phạm Huy
Hùng
Thông tin từ BTC
SẮP ĐẶT KIM TỰ THÁP
Khai mạc: 18h ngày 7 tháng 5 năm 2015Địa điểm: Cuci Fine Art, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội
Thời gian: 7 – 20. 5. 2015
Giờ mở cửa: 9:30h – 19h từ thứ 3 tới CN, đóng cửa ngày thứ Hai
Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Phạm Huy Hùng với sắp đặt
mang tên ‘Kim Tự Tháp’ tại Cuci Fine Art. Anh lấy biểu tượng kim tự tháp tam diện
đều để xây dựng và chuyển tải nhiều vấn đề về giá trị con người trong nhiều
không gian, thời gian, thời đại khác nhau, và đặc biệt nhấn mạnh mâu thuẫn
trong xã hội ương đại. Như anh đã giải thích ‘Tôi dùng khối kim tự tháp với ngoại
hình đặc thù như cấu trúc tinh thể kim cương biểu tượng cho đỉnh cao quyền lực
vật chất, cũng là khối có sự năng động thẩm mỹ, tối giản biểu thị cho dạng khối
trong không gian ba chiều, đồng thời còn là khối gợi ý về chiều không gian thứ
tư – không gian tâm linh’.
Xuyên suốt thời gian triển lãm, tác phẩm của anh sẽ qua một số
lần thay đổi thành những biến thể khác; nhằm mang đến cho người xem nhiều góc
nhìn khác nhau, những trăn trở cho con người mà khối kim tự tháp tối giản anh lựa
chọn có thể phát huy hiệu quả của nó qua cách sắp đặt linh hoạt của tác giả. Những
so sánh vật chất – tâm hồn, sự nô lệ vật chất, định kiến cá nhân, tự do tư tưởng
trong chính mình và trên hết là một thời đại đang trên đà thắng lợi bởi sức mạnh
vật chất như những rô bốt khổng lồ sẽ dẫn dắt con người tới đâu ? Khối kim tự
tháp này sẽ tiếp tục biến chuyển theo thời gian trong các tác phẩm khác của anh
và thậm chí xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm sắp đặt của anh nói riêng.
Những ý tưởng mà anh đưa tới công chúng theo cách hết sức gợi
mở tránh được tình trạng áp đặt. Công chúng có thể cảm thụ tác phẩm theo chiều
chiêm nghiệm riêng của mình. Mời các bạn tới xem và chiêm nghiệm những thay đổi
này.
Hoạ sĩ Phạm Huy Hùng sinh tại Triệu Vân, Thanh Hóa, tốt nghiệp
Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội năm 1999, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Họa sĩ
được công chúng biết tới với nhiều triển lãm cá nhân qua chất liệu sơn mài, sơn
dầu. Anh còn có triển lãm sắp đặt với chiếc cày cổ khá độc đáo, anh cũng có
tranh tham gia triển lãm toàn quốc năm 2010. Tác phẩm của anh được Bảo Tàng Mỹ
Thuật TP Hồ Chí Minh sưu tầm, nhiều tác phẩm khác nằm trong các bộ sưu tập cá
nhân trong và ngoài nước.
Tự bạch
Triển lãm sắp đặt lần này của tôi có tên là “Sắp đặt với kim
tự tháp”. Nhắc đến kim tự tháp, những ai có quan tâm tới văn hóa xã hội và nghệ
thuật đều biết và quen thuộc với loại hình kim tự tháp tứ diện đều như kim tự
tháp Ai Cập. Tuy nhiên trong “Sắp đặt với kim tự tháp” tôi lại sử dụng loại kim
tự tháp khác, đó là kim tự tháp tam diện đều.
Tại sao, tôi chọn khối kim tự tháp tam diện đều làm khối duy
nhất lặp lại và gắn kết trong hàng loạt các tác phẩm của mình?
Trong không gian ba chiều khối kim tự tháp tam diện đều với bốn
đỉnh bốn mặt tối đa: là sự giản ước tối thiểu không thể nào hơn; vừa năng động,
chắc chắn, đa phương lại có tính biểu cảm tự thân rất cao, con số ba thuộc về
không gian ba chiều con số bốn chạm tới chiều thứ tư, cái chiều mà chúng ta gọi
nôm na là tâm-linh.
Về mặt khoa học, khối kim tự tháp này có cấu trúc như một
tinh thể kim cương (C4).
Kim cương vẫn được con người qua mọi thời đại tôn vinh như một
giá trị bền vững, cứng chắc, xa xỉ sang trọng giàu có và quyền lực. Nó là đỉnh
điểm, là biểu tượng cho quyền lực vật chất trong thế giới vật.
Tư duy nhị nguyên giúp cho nhân loại mỗi ngày thêm nhiều vật
chất.
Tự nhiên vốn hàm chứa trong mỗi vật chất hai mặt tốt-xấu,
chúng ta với tư duy nhị nguyên tách tư nhiên làm hai mặt, tốt dùng, xấu bỏ và
vô tình chúng ta đã gắng gượng leo thang với chính mình.
- Vật chất phát triển phát triển có phải vì thế mà nhân loại
trở nên hạnh phúc, tâm hồn tươi tốt?
- Hay vật chất phát triển làm phân hóa xã hội, chia cắt xã hội
với nhiều mảnh vỡ, chúng ta trở nên đau khổ cô đơn thác loạn không phương hướng
và tâm hồn trở nên khô héo?
- Cá nhân chúng ta là gì, ở đâu trong thế giới vật chất quyền
lực?
- Vật chất-quyền lực đang là sức mạnh cho thời đại và cá nhân
chúng ta hay chỉ là ảo ảnh?
Các tác phẩm nghệ thuật Đông-Tây, kim cổ không gì khác là phản
ánh và giải quyết mối quan hệ vật chất-tâm hồn.
Tôi dùng khối kim tự tháp với ngoại hình đặc thù như cấu
trúc tinh thể kim cương biểu tượng cho đỉnh cao quyền lực vật chất, cũng là khối
có sự năng động thẩm mỹ, tối giản trong đơn vị không gian, đồng thời là con số
gợi ý về chiều không gian thứ tư – không gian tâm linh…
Tôi thiết kế khối kim tự tháp này bằng vật liệu có khả năng
phản chiếu ngoại vật như những tấm gương, khi đặt cạnh nhau thành một tập hợp,
sự phản chiếu chính nó sang nhau tạo nên hiệu quả khá thú vị. Nó cũng bị ảnh hưởng
khá lớn bởi không gian tương tác chung quanh như kiểu nôm na các cụ ta vẫn dạy
con cháu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, đó là một ý vị tế nhị gây nhiều
suy ngẫm trong số rất nhiều những ý nghĩa mà những kim tự tháp và tập hợp kim tự
tháp này có thể mang lại…
Sử dụng duy nhất dạng khối kim tự tháp này, với việc thay đổi
kích thước to nhỏ khác nhau và tùy thuộc vào số lượng kim tự
tháp mà tôi sẽ đưa ra tham gia vào thành phần tác phẩm, mỗi lần thay
đổi cách sắp đặt những khối kim tự tháp sẽ tương tác sẽ tạo nên xúc cảm thẩm mỹ
và thông điệp khác nhau về phía công chúng.
Tùy theo năng lực, chiều sâu văn hóa của mỗi cá nhân chúng ta
có thể tương tác với mỗi tác phẩm riêng biệt theo cách của mình. Tôi không giải
thích hay áp đặt mà để cho công chúng tự tương tác theo năng lực và xúc cảm của
riêng mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét