Trịnh Công
Sơn - Người tình của thế kỷ
Lặng lẽ nơi này
Trịnh Công Sơn người nhạc sĩ của hơn hai thế hệ người Việt vừa
tạ thế tại Sài Gòn hưởng thọ 62 tuổi, một người rất gần gũi mà cũng rất xa
chúng ta. Ông là người mà ai cũng biết nhưng cũng không ai biết ông bao nhiêu
ngoài gia đình và một vài người bạn rất thân.
Sinh ngày 28 tháng Hai năm 1939, qua đời ngày 01 tháng Tư, năm 2001 tại Sài Gòn. Trịnh Công Sơn quê ở Huế nhưng ra đời ở Đắc Lắc. Tiểu
sử, ông chỉ ghi như thế.
Lặng lẽ nơi này, như tựa của một bài hát ông viết, có lẽ là một
tóm gọn khá đúng về cách sống của ông:
Trời cao đất rộng, một mình tôi đi
Đời như vô tận, một mình tôi về
một mình tôi về với tôi...
Lặng lẽ nơi này - Khánh Ly
Từ căn nhà cũ ở Phú Cam, Huế, Trịnh Công Sơn lớn lên, bỏ vào
Sài Gòn, theo bạn bè, âm nhạc. ông không ồn ào những bước đưa nhạc của mình vào
với người nghe.
Năm 1965, ở trụ sở sinh viên đại học góc đường Duy Tân Hồng
Thập Tự, người thanh niên có cái vẻ rất thư sinh, gầy gò ấy cầm chiếc Tây Ban Cầm
bước lên bục, sau đôi lời giới thiệu rất ngắn và giản dị của một người trong
ban tổ chức, cất lên tiếng hát chưa mấy ai biết ở Sài Gòn thời ấy, và từ đó, nhạc
Việt Nam không bao giờ còn như cũ nữa.
Trong số những ca khúc ông hát hôm ấy, có bài Gọi Tên Bốn
Mùa. Sài Gòn hôm ấy vừa xong một cơn mưa. Cơn mưa vào hạ, những giọt thì thầm,
cành khô bơ vơ, buổi chiều xao xác, tuổi thơ, tin buồn... Không khí ấy, cứ nghe
lại vài ba đoạn trong ca khúc Gọi Tên Bốn Mùa, lại trở về, như mùa thu cũ, một
thời, một đời...
Trịnh Công Sơn tới với người thưởng ngoạn bằng nhạc, nhưng
căn bản, ông là một thi sĩ.
Ông như người nhạc sĩ mù trong một bức vẽ của Picasso, thời kỳ
xanh. Người nhạc sĩ cầm cây đàn, cây đàn không có dây, dạo lên những âm thanh
mà chỉ ông nghe thấy, vì nó đi ra thẳng từ quả tim của ông.
Trịnh Công Sơn cũng thế. ông viết rất dễ dàng. Trong trí,
trên một mảnh giấy lau tay trong một tiệm nước, bất cứ chỗ nào. Như một thi sĩ,
vì ông chính là một thi sĩ.
Có những bản nhạc của ông, phần lời ca đúng là những bài thơ.
ông dùng nhạc để nâng đỡ những đoạn thơ đó. Và ông cũng dùng thơ để dẫn những
đoạn nhạc đi. Nhạc của ông không khúc mắc là vì thế.
Ngôn ngữ thơ trong phần lời ca của ông đưa người nghe vào một
thế giới với những hình ảnh hoàn toàn mới. Hình ảnh lãng mạn mà ông tạo ra
không còn dấu tích của dòng nhạc bước đi từ thời tiền chiến. Nó đưa tới sự chấm
dứt những ảnh hưởng cũ đã ở trong nhạc Việt từ hơn ba mươi năm. Đến Trịnh Công
Sơn, nhạc Việt mới đi hẳn về một chiều mới.
Ngôn ngữ tình yêu của ông không là những ngôn ngữ của thi ca
lãng mạn Việt Nam trước đó. Đó là một thứ ngôn ngữ để nói về tình yêu trong một
nỗi bất an, một không gian bất ổn, của chung
quanh đầy xao động.
Có thể nói Trịnh Công Sơn làm thơ bằng âm nhạc. Âm nhạc chỉ
là một phương tiện để chuyên chở thơ của ông. Trong những chuỗi âm thanh mà nhạc
dẫn dắt chúng ta đi theo ông, người nghe, vẫn thấy lấp ló đâu đó con người thi
sĩ của ông. Chữ nghĩa thi ca của ông không cầu kỳ, cũng không khuôn sáo. Những
chữ đã rất cũ, qua tay ông, được mặc cho những bộ áo mới. Thì đây, chữ nghĩa đã
cũ, nhưng nghe qua Trịnh Công Sơn thì lại rất mới:
Tôi ru em ngủ - Khánh Ly
Tôi ru em ngủ
Một sớm mùa đông
Em ra ngoài ruộng đồng
Hỏi thăm cành lúa mới
Tôi ru em ngủ
Một sớm mùa thu
Em đi trong sương mù
Trịnh Công Sơn là một tài hoa hết sức đa dạng. Ông viết về
nhiều thứ nhạc khác nhau. Từ những tình ca xót xa, nghe tê dại, đau đớn, những
tình khúc bất hạnh đến những bài ngợi ca quê hương đất nước, một ước mơ hòa
bình hiền lành của dân tộc. ông nói hộ cho một hai thế hệ những điều đó. Nhưng
nhạc tình của ông, bằng những hình ảnh rất mới, của thơ, đã trở thành dấu ấn của
Trịnh Công Sơn.
Ông quan niệm như thế này về nhạc tình: "Khi bạn hát một
bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi, đừng e ngại,
dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi."
Và bởi thế, những tình khúc mà ông viết, đã trở thành những
tình ca chung của tất cả. Tính chất riêng tư không còn nữa.
Diễm trở thành không thực. Chỉ còn nhớ mãi trong cơn đau vùi,
buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua như trong ca khúc Diễm Xưa, nghe một
lần rồi mãi mãi không bao giờ quên được
Trịnh Công Sơn ra đi là một mất mát vô cùng lớn của những người
yêu nhạc Việt. ông để lại một thế giới đẹp hơn.
Và nói như Kiều Chinh sáng hôm nghe tin ông mất, được sống
cùng thời với Trịnh Công Sơn, là một vinh hạnh.
2
Trịnh công sơn, nhạc tình
Ở trang 11 của tuyển tập Những Bài Ca Không Năm Tháng, Trịnh
Công Sơn viết về hai nỗi ám ảnh trong đời ông như thế này: Sống giữa đời này chỉ
có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta
làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên
cây thập giá Đời.
Ông viết những dòng trên có thể trong cuối thập niên 90, khi
127 ca khúc được thu thập in lại thành tuyển tập. Nhưng nhìn lại những nhạc phẩm
mà người ta được nghe của ông, thì tình yêu là ám ảnh lớn hơn tất cả các đề tài
khác của Trịnh Công Sơn.
Có thể khẳng định rằng nếu sống vào một thời điểm khác, hòa
bình hơn, hạnh phúc hơn, Trịnh Công Sơn đã chỉ viết một loại ca khúc: nhạc
tình. Nhưng chiến tranh bầy ra cho ông một bất hạnh lớn. Bất hạnh đó kéo ông về
những đau đớn triền miên của dân tộc. Những đau đớn bất hạnh đó không cho ông
được phép thản nhiên để ca ngợi tình yêu, và vì thế mà trong tình ca của ông, vẫn
thấy bóng dáng của khổ đau, bất hạnh. Trong bài Tình Sầu, với ông, tình yêu,
ngay cả những lúc dịu dàng nhất, cũng vẫn như những khổ đau của trái phá, con
tim mù lòa, vết cháy trên da thịt, cơn bão qua địa cầu...
Trịnh Công Sơn cứ bị kéo trở lại với những bất hạnh như thế,
nên những tình ca ông viết cũng không là những bài ngợi ca hạnh phúc. Nó là những
bất hạnh của chia xa, của những thương tích khổ đau, tuyệt vọng. Chính Trịnh
Công Sơn cũng nói rõ điều ấy: "Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với
cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về nhưng nỗi niềm tuyệt vọng, và cũng là một
nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa (một ngày nào đó) cùng mặt
đất mà tôi đã một thời chia xẻ những buồn vui cùng mọi người."
Nên ông mong có được tin vui từ gạch đá dẫu mai nơi này người
có xa người, hãy hát tình ca, hãy yêu nhau dẫu đang chênh vênh bên bờ của nguy
khốn, hạnh phúc và thương đau cứ hãy trao cho nhau...
Trịnh Công Sơn, thủy chung vẫn chỉ ở với nhạc tình. Bài ca đầu
tiên và cuối cùng của ông đều là những tình ca. Trong một chiều dài một nửa thế
kỷ sáng tác, từ những năm 1950 đến cuối thập niên 90, Trịnh Công Sơn viết nhiều
nhất vẫn là nhạc tình. Bản tình ca đầu tiên không phải là bài Ướt Mi như nhiều
người vẫn nghĩ. ông cho biết ca khúc viết cho tình yêu đầu tiên của ông là bài
Sương Đêm mà nay ông chỉ còn nhớ được cái tựa. Không một ai biết bài hát này.
ông cho biết nó đã thất lạc với những biển dâu trùng trùng của đời sống. Ướt Mi
lần đầu tiên được hát trước công chúng là tại phòng trà Văn Cảnh bởi tiếng hát
của Thanh Thúy. Ca khúc này biến Trịnh Công Sơn thành một tên tuổi nổi tiếng lập
tức.
Tình khúc Ướt Mi là khởi đầu cho chuyến đi rất dài, trên đó,
ông để lại cho người thưởng ngoạn nhiều tình ca khác. Nhưng Ướt Mi, tuy thế,
không phải là ca khúc viết về tình yêu hay nhất của ông. Nó vẫn còn những nét
sơ phác cả về nhạc lẫn lời ca. Phải đợi đến Diễm Xưa, và Nắng Thủy Tinh, mức độ
trưởng thành về nhạc và sự chín tới của lời ca mới thấy rõ nơi nhạc Trịnh Công
Sơn.
Mầu nắng và mầu mắt, chiếc bóng nghiêng, bàn tay xôn xao, gió
mây ngàn, hàng cây thắp nến... với Nắng Thủy Tinh, tình ca Việt Nam đi sang một
hướng mới. Ngôn ngữ dùng làm lời ca là ngôn ngữ của thi ca, mới từ âm thanh đến
ý nghĩa. Trước và sau Trịnh Công Sơn không ai viết thứ lời ca như thế...
Trong chiều dài sáng tác của Trịnh Công Sơn, ông cứ tiếp tục
làm mới ông mãi mãi. So với Nắng Thủy Tinh, thì Như Cánh Vạc Bay lại hoàn toàn
đi sang một lối khác. Cái đau đớn, chết chóc không còn nữa, nhưng niềm tuyệt vọng
thì còn nguyên. Câu cuối của bài hát này, cứ như những vòng sóng trên mặt hồ,
chạm vào bờ, rồi lại chạy ra giữa hồ hoài hoài mãi mãi. Những sợi tóc từ đó mãi
mãi là nhăc nhở về mặt hồ sóng. Nắng thì hờn ghen, mưa thì làm buồn đôi mắt. Đặc
tính thơ hiện ra rất rõ trong Như Cánh Vạc Bay, làm khía cạnh thơ lấn hẳn phần
nhạc.
Nắng Thủy Tinh - Khánh Ly
Như Cánh Vạc Bay - Khánh Ly
Ướt Mi - Khánh Ly
Quỳnh Hương - Khánh Ly
Quỳnh Hương mà ông viết trong thập niên 70 lại đưa nhạc của
ông đi xa khỏi cái bờ bến đầu tiên của Ướt Mi thêm một đoạn đường dài khác. ông
nhẹ nhàng như những bước nhún nhẩy của nhịp 2/4 như một lời tỏ tình hân hoan...
Bông hoa quỳnh ông đem tặng người yêu dấu cũng là món quà người
nhạc sĩ viết tình ca để lại cho chúng ta, cho đời sống, đời sống rất đẹp mà ông
chỉ cho chúng ta tìm lại được trong thế giới nắng hạn đã có lúc bốc cháy tan
nát này.
3
Phản chiến?
Ở Việt Nam, thế hệ ra đời từ khoảng cuối thập niên 30 đến những
năm đầu của thập niên 50 là thế hệ bất hạnh nhất.
Trong lịch sử Việt Nam, chắc chắn họ là những người tử trận
nhiều nhất, góa bụa nhiều nhất và mồ côi nhiều nhất. Họ vừa lớn lên, là đã đụng
mặt với một trong những cuộc chiến kinh hoàng, ghê khiếp nhất lịch sử nhân loại.
Trịnh Công Sơn mới bước vào tuổi biết nghĩ, là lúc chiến
tranh cũng đang sửa soạn đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. Trong những cái ốc đảo
nhỏ của những thành phố ông đã ở đó, âm thanh của cuộc chiến vẫn vọng về, tiếng
nổ của đại bác đã thay cho tiếng ru hằng đêm, những đứa bé côi cút lõa lồ, những
người già trong công viên, đàn bò ngu ngơ... nhắc nhở cho ông không khí đầy
súng đạn, chết chóc chung quanh. Chỉ là gỗ, là đá mới không cảm thấy được những
khổ đau, bất hạnh của đất nước, của dân tộc.
Mà làm sao người ta có thể biết chắc được rằng gỗ, rằng đá
không đau? Bia đá cũng còn biết đau như ông đã viết trong một ca khúc. Đá còn vậy
huống chi con người trước những tang tóc, đau thương của đồng loại.
Từ một người chỉ muốn được một đời viết và hát nhạc tình, ngợi
ca tình yêu, thì cuộc chém giết hàng ngày chung quanh ông đã bắt ông phải nói
lên những khát vọng hòa bình, của chúng ta, của cả dân tộc Việt. Không phải chỉ
bên này, hay chỉ bên kia mới được quyền nói, kêu gọi, đòi hỏi hòa bình, mà
chính bạn, tôi, chúng ta, như trong ca khúc nhan đề Chính Chúng Ta Phải Nói, ca
khúc một thời trên môi tuổi trẻ Việt Nam ở các sân trường học.
Năm 1968, khi chiến tranh ở giai đoạn khốc liệt nhất, thì đó
cũng là năm nhạc của Trịnh Công Sơn đi sang một hướng đi khác. Vẫn viết tiếp những
ca khúc lãng mạn ngợi ca những mối tình đến rồi lại đi, nhưng ngay trong các
tình khúc ấy, tiếng đạn bom, trái phá, cũng đã trùng khắp, con phố xưa đầy dấu
đạn, tên em cũng là vết thương khô.
Trịnh Công Sơn bắt đầu viết những ca khúc được nhiều người gọi
là nhạc phản chiến.
Không một người có trái tim mà không biết nhỏ lệ, mà không biết
khóc cho cả một dân tộc, cho anh, cũng như cho em đang quằn quại trong niềm thù
hận mà ông gọi là "giả tạo" đó.
Trịnh Công Sơn viết về giọt nước mắt của người mẹ thương đứa
con, thương sông, thương rừng, thương đất, thương mây, thương chim, thương đêm,
giọt nước mắt không tên, bài hát cảm động nghe muốn khóc. Nguyễn Đình Toàn, một
lần, khi giới thiệu giọng hát Khánh Ly, đã gọi đó là giọng hát đi rao giảng những
bất hạnh của dân tộc, giọng hát để tang cho đất nước.
Khánh Ly chỉ là người đem những điều Trịnh Công Sơn viết xuống
và chuyển đúng được những điều ông gửi gấm.
Tập nhạc ông đặt tên là Kinh Việt Nam, xuất bản năm 1968,
theo chính lời ông viết ở trang đầu, là tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một
thực trạng máu xương, là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này.
Đó là những bài hát được viết từ nhưng hân hoan lắng nghe được trong lòng người,
là nỗi hân hoan của đam đông chờ mong ngày hồi sinh.
Nếu đó là nhạc phản chiến, thì tất cả chúng ta đều có đầy đủ
lý do và chính nghĩa để chống lại chiến tranh. Phản chiến, như thế, không là một
taboo, một cấm kỵ nữa, mà là một ước ao tốt đẹp nhất của con người.
Trịnh Công Sơn chống lại chiến tranh, giết chóc một cách hiền
lành. ông không đòi xương máu, ông không đòi trả thù, ông không đòi tiêu diệt
bên này, chôn sống bên kia. ông bất lực không làm gì được để chặn những viên đạn
bay, để nâng dậy hòa bình khốn khổ cho dân tộc đầy đọa triền miên bao nhiêu
năm. Ước mơ tội nghiệp đó nghe được trong tất cả những ca khúc phản chiến của
ông.
Trịnh Công Sơn, trong thế đứng khó khăn, thế đứng dựa vào
nhân bản và dân tộc đó, ông đã giữ được cho đến lúc qua đời mặc dù trong đời sống,
đã có lúc ông bị buộc phải đi trên sợi dây cheo leo, dưới chân là bờ vực hiểm
nghèo. Nhưng lòng yêu quê hương, lòng thương người của ông, những giọt nước mắt
cho người mẹ ngồi chờ, cho người lính ngồi chờ trên đồi, cho chúng ta, là những
điều sẽ còn mãi trong lòng cả một xứ sở, một dân tộc trong nhiều năm nữa, chừng
nào còn có người hát nhạc Việt.
Ca khúc da vàng - Khánh Ly
4
Trịnh công sơn và tôn giáo
Nhạc tôn giáo ít khi tiến được ra ngoài những bức tường của thánh
đường hay sân chùa để được trình tấu và thưởng thức cùng với các loại nhạc phổ
thông và thời trang khác. Lý do là vì cấu trúc của loại nhạc này quá cổ điển,
và ngôn ngữ quá tôn nghiêm. Tính chất tôn nghiêm đó khiến cho khó có thể nói về
tình yêu, thứ tình cảm thuần khiết và giản dị nhất của con người. Vì thế, nhạc
tôn giáo vẫn tiếp tục ở mãi trong những bức tường thâm nghiêm của giáo đường và
chùa chiền.
Đầu thập niên 60, The Singing Nun, một nữ tu người Bỉ cũng có
biệt hiệu khác là Soeur Sourire, với cây Tây Ban cầm, đã rất thành công trong
thế giới nhạc Pop với hai bài Entre Les étoiles và Dominique, hai bài hát mang
rất nhiều hình ảnh tôn giáo, nhưng lại được những người trẻ tuổi nghe nhạc Pop
ưa thích ngay. Hai nhạc phẩm lời ca viết bằng tiếng Pháp cũng được ưa chuộng ở
các nước nói tiếng Anh. Những rào cản cũ bị dẹp bỏ.
Cùng lúc, Trịnh Công Sơn cũng đem dùng một số những từ ngữ mà
trước đó được giữ trong một nơi chốn khác hơn là ngôn ngữ âm nhạc thời trang.
Những chữ phúc âm, lời buồn thánh... dẫu chuỗi hình ảnh đi
kèm vẫn là của tình yêu lãng mạn, nhưng đó là lần đầu tiên những loại từ ngữ
này được dùng trong những bản nhạc không mang không khí của giáo đường. Trịnh
Công Sơn đem thứ ngôn từ đó ra ngoài, biến chúng trở thành thân quen, tình tứ.
Chiều chủ nhật, thiên thần, ăn năn... những từ ngữ vang vọng tiếng chuông, tiếng
phong cầm ấy được nối tiếp sau đó không bao lâu bằng nhạc phẩm mang tựa đề Phúc
Âm Buồn, cũng lại là một thứ từ ngữ nghe là thấy không khí của tôn giáo. Nhưng
Trịnh Công Sơn chỉ dùng những từ ngữ đó như một cái cớ để giàn trải những tình
cảm lãng mạn của ông. Không khí mà chữ nghĩa lấy từ trong tân ước được lồng vào
hai bản tình ca của Trịnh Công Sơn. ông biến những chữ trước đó luôn luôn gây
những ấn tượng trang nghiêm lạnh buốt thành những ngôn từ gần gũi hơn, thân mật
hơn. Đã có lúc người ta tưởng đạo Cơ Đốc là tôn giáo của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Trịnh Công Sơn cho biết đạo
Phật đã ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của ông. Nhưng lớn lên,
càng lớn, và càng nhìn ra những khổ hạnh trong đời sống, những bất công, những
đau đớn cuộc chiến mang lại, Trịnh Công Sơn càng thấy ra những lời gọi của tôn
giáo. ông tìm được an ủi, trong tuyệt vọng, ông tìm được vỗ về trong hạnh phúc
mong manh, phù du.
Bài Đóa Hoa Vô Thường, một ca khúc đẫm hương thiền lại là một
ca khúc hạnh phúc nhất của ông. Trong đó, sự cứu rỗi đón lấy ông giữa những
trang kinh thơm mùi sen cao quí. Đời sống phù du bỗng bình an vô thường.
Trịnh Công Sơn dùng hình ảnh từ những trang kinh ra để nói về
tình yêu. Nhưng rồi ông cũng lại dùng những lời ca tầm thường nhất để tạo một
không gian đầy tôn giáo. Bài Nguyệt Ca là một ca khúc như thế.
Đóa Hoa Vô Thường - Hồng Nhung
Điều đó cho thấy là bao giờ, thủy chung, Trịnh Công Sơn cũng
vẫn là một nhạc sĩ viết tình ca, loại nhạc sẽ ở mãi với con người cho dẫu thời
gian, không gian có đổi thay.
5
Những ru khúc
Trịnh Công Sơn, năm 1995, khi thân mẫu qua đời, đã viết đầy
kín một trang giấy những suy nghĩ của ông về cái ngày đau buồn đó. Với ông,
chuyện mất mẹ là một chuyện không thể thỏa hiệp, không thể giàn xếp được, dẫu
cho người con có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa. ông sống rất lâu với mẹ, từ khi mất
cha. ông bị ảnh hưởng rất nhiều nơi mẹ. Thế nên sự ra đi của người mẹ, mới là
điều không thể thỏa hiệp được với ông như ông nói ở trên. Chính những bài hát
ông nghe được của mẹ đã tiếp tục theo ông mãi trên những đoạn đường dài nhất.
Những bài hát mẹ hát để ru những người em đã trở thành những hạt mầm mọc lên những
ca khúc ông viết sau này. Trong bài Tình Yêu Tìm Thấy, người ta nghe được câu
này về những bài hát ru ấy: Tiếng ru mẹ hát những năm xưa, mãi là lời ca dao bốn
mùa, tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá, góc phố nào cũng thấy quê nhà...
Ông rời nhà đi học ở một thành phố lạ, hình ảnh mang theo của
bà mẹ là những bài hát ru. Và ông nhắc đến những bài hát ru ấy rất nhiều trong
các ca khúc của ông.
Những bài hát ru của Việt Nam là những vỗ về, là những dỗ
dành, là những an ủi, là những vuốt ve đầu tiên của những đứa bé. Vòng tay
thơm, giọng hát ấm áp của người mẹ đem lại cảm giác an toàn cuối cùng cho người
ta trước khi bị đẩy ra thế giới có khi rất hung bạo ở ngoài cửa. Trịnh Công Sơn
tìm thấy trong những bài hát ru ấy một chỗ trú ẩn rất bình yên. Đời sống của
người thanh niên trẻ lần đầu tiên sống xa những bức tường an toàn của ngôi nhà
cũ ở Huế khiến ông cứ tìm cách để trở về với nó mãi. Và đó là lý do Trịnh Công
Sơn viết rất nhiều ru khúc trong chu trình sáng tác của ông. ông viết để trở về
với đoạn đời hạnh phúc, an toàn ấy trong khi đi qua những con đường đầy những gập
ghềnh của thế giới ông vừa tiến vào.
Ru Ta Ngậm Ngùi là những an ủi, vuốt ve cho chính mình trong
niềm cô đơn tội nghiệp. ông muốn được trở lại ngủ trong vòng nôi, trong tiếng
ru ấy.
Những bài hát ru đem lại cho người nghe cảm giác an toàn hạnh
phúc. Và cuộc đời càng đưa tới những bão táp nghiệt ngã, thì người ta càng muốn
tìm trở lại nơi trú ẩn cũ. Những bài hát ru của thời thơ ấu cho ông nơi trú ẩn
đó. Chiến tranh càng khốc liệt, thì ngừơi ta càng cần đến nhiều hơn những nơi
trú ẩn, những nơi trú ẩn an toàn nhất của thời thơ ấu, đó là những bài hát ru
trong lòng người mẹ. Trịnh Công Sơn nhìn thấy,một cách kinh hoàng khi những tiếng
đại bác thay thế cho tiếng ru hàng đêm: đại bác ru đêm vọng về thành phố, người
phu quét đường dừng chổi đứng nghe.
Ông thấy phải thay những tiếng nổ đó bằng những ru khúc. Những
bài hát để ru những anh và những em, những người già, và những em bé, ru đất nước
và dân tộc, ru cho những đau thương, những bất hạnh ngủ yên.
Trịnh Công Sơn, trong khi đi tìm sự bình yên cho ông bằng những
du khúc ông viết, thì cũng đem lại những an ủi, vỗ về cho nguyên một thế hệ của
ông. Có thể nói không một nhạc sĩ nào viết nhiều ru khúc như Trịnh Công Sơn. ít
ra cũng phải trên hai chục bài. ông ngậm ngùi ru chính ông. ông ru tình, ông ru
đời. ông ru đời đã mất. ông ru người yêu ngủ trong buổi sớm mùa đông, rồi lại một
sớm mùa xuân. ông ru mãi, ru hoài. ông ru những tháng âm u, ru những chia xa,
những phụ rẫy, ngọt bùi. Những lời tỏ tình cũng được lồng vào một điệu ru như
trong ca khúc Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng.
Ru em từng ngón xuân nồng - Khánh Ly
Còn một cách tỏ tình nào hơn bài hát ru đó?
6
Thân phận con người
Tuyển tập Những Bài Ca Không Năm Tháng xuất bản cuối năm 1998
là một tập nhạc đồ sộ ở con số bản nhạc được chọn để in. Đó là lần đầu tiên một
tập nhạc có con số ca khúc lớn như thế của Trịnh Công Sơn: 127 bản.
Nhưng đó không phải là tất cả những bản nhạc ông đã viết, đã
cho phổ biến và đã được hát lên, được nghe trong cuộc đời sáng tác của ông.
Thông thường thì tác giả nào chẳng muốn in toàn bộ sáng tác của mình, hay ít
ra, thì cũng là tất cả những tác phẩm ưng ý nhất, vào một tập. Trịnh Công Sơn
cho biết, trong cuộc đời sáng tác của ông, đã viết trên 500 nhạc phẩm, con số
mà những người biết ông đều nghĩ là một con số quá khiêm tốn. Nhưng trong số ấy,
ông cũng chỉ chọn 127 bài để in trong tập nhạc này.
Tuy được sắp xếp theo thứ tự của tự mẫu La Tinh, nhưng tình cờ,
ca khúc đầu tiên lại là Bên Đời Hiu Quạnh và bản nhạc cuối của tập nhạc là bản
Yêu Dấu Tan Theo, và chính tựa của hai ca khúc in ở đầu và cuối tập nhạc cho thấy
những suy nghĩ cuối đời của ông về tác phẩm ông muốn để lại.
Những bản nhạc trong tuyển tập đều không ghi ngày viết và
không được xếp theo thứ tự tháng năm sáng tác. Mở tập Những Bài Ca Không Năm
Tháng, người ta thấy ngay một điều: đó là sự thiếu vắng của những ca khúc vẫn
thường được gắn liền với tên tuổi của ông. Những bản tin của báo chí hay các
hãng thông tấn ngoại quốc như The New York Times, The Washington Post, Reuters,
AFP, AP... đều nhắc đến ông như một nhạc sĩ phản chiến. Nhưng trong tập nhạc cuối
cùng này, người đọc không thấy có bất cứ một bản nhạc gọi là nhạc phản chiến
nào. Những ca khúc như Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói, Ngày Mai Đây Bình Yên, Ta
Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay, Sao Mắt Mẹ Chưa Vui, Nước Mắt Cho Quê Hương, Ca Dao Mẹ,
Người Già Em Bé, Du Mục... đều không có mặt.
Giọt nước mắt cho quê hương - Khánh Ly
Ca dao mẹ - Khánh Ly
Mà những ca khúc đó, đều là những bài hát không thể không có
trong những sinh hoạt của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm 60 và 70, những bài
hát đóng góp lớn trong việc làm thành tên tuổi ông. Và luôn cả bài Nối Vòng Tay
Lớn, bài hát từ nhiều năm nay luôn luôn đi liền với tên ông. Bài hát được hát
lên rất nhiều như ước vọng nối lại sơn hà, nối thành phố với nông thôn, nối người
chết linh thiêng vào đời, nối Bắc với Nam nối biển xanh với sông gấm, nối rừng
núi với biển xa... Và chính tựa đề của bài hát này, Nối Vòng Tay Lớn, đã được
dùng để đặt tên cho chương trình đưa các sinh viên du học về nước thăm nhà hồi
trước năm 1975, rồi cũng chính bài hát này, sau khi được hát lên trên làn sóng
điện đài phát thanh Sài Gòn trong ngày đầu tiên khi CS tiến vào Sài Gòn,
đã tạo ra không biết bao nhiêu ngộ nhận cho ông cho đến bây giờ vì rất ít người
biết rõ hoàn cảnh đưa tới việc có tiếng hát của ông trong ngày hôm đó.
Trịnh Công Sơn không đưa những bài hát này vào tập Những Bài
Ca Không Năm Tháng.
Trong một câu ông viết ở đầu tập nhạc, ông khẳng định : Sống
giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Và những bài ca ông cho in trong tuyển
tập chỉ còn là những bài hát về tình yêu và thân phận.
Trịnh Công Sơn viết những ca khúc về thân phận hết sức buồn
bã. Ngay cả trong những bài hát ông viết về tình yêu, ông cũng bầy ra một nỗi
buồn chán, tuyệt vọng. Trong suốt những năm trưởng thành của ông, những gì xẩy
ra trên quê hương mà ông chứng kiến, chỉ là những điều buồn phiền như ông đã kể:
"Trên quê hương còn lại, ta đi qua nửa đời chưa thấy được ngày
vui..." (Những con mắt trần gian).
Những con mắt trần gian - Ngọc Lan
Những bạn bè rời xa, những cuộc tình bỏ đi, ngày qua đi mỗi
ngày một xót xa... "ở cuối chân trời Việt Nam, những tia nắng nghèo nàn và
bệnh hoạn từ một mặt trời hết sinh khí sắp đi vào hôn mê."
Ông đã viết như thế năm 1968 ở đầu tập nhạc Kinh Việt Nam. Trịnh
Công Sơn đã sống những ngày vô cùng tuyệt vọng như thế, như trong ca khúc Như
Chim Ưu Phiền mà nhịp đi buồn bã của thơ năm chữ còn rất rõ trong bản nhạc:
Như Chim Ưu Phiền - Khánh Ly
Tôi như con chim nhỏ
Bay về rất ngẩn ngơ
Trên nhân gian chia lìa
Lòng đầy những oán thù
Tôi như chim xa lạ
Đứng nhìn những ngày qua
Trong tim tôi bất ngờ
Một lời than rất nhỏ
Tôi như con chim buồn
Bay về lúc chiều hôm
Thôi quên đi thiên đường
Một đời tôi mãi tìm
Tôi như con chim bệnh
Thiếu hạnh phúc trần gian
Có những tháng mùa đông
Ngồi khóc rất âm thầm
Tôi như chim ưu phiền
Bay về cuối dòng sông
Con sông mang tin buồn
Nằm chờ những đóa hồng
Tôi như chim vô vọng
Linh hồn rất mong manh
Trong tim tôi có lần
Trịnh Công Sơn lớn lên, nhìn chung quanh chỉ thấy những tin
buồn, những tin buồn như ông có lần viết là đã mang "từ ngày mẹ cho mang nặng
kiếp người" trong ca khúc Gọi Tên Bốn Mùa.
Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhận xét Trịnh Công
Sơn vừa mới lớn lên cũng thốt lời siêu thoát như một đạo sĩ đầu râu tóc bạc chống
gậy trúc dưới một chân núi nào.
Nhưng thân phận ấy cũng không phải chỉ là của riêng ông, mà
là của cả dân tộc và đất nước đau khổ ông đang sống với những lìa xa, chết
chóc, vong thân, tù ngục, đầy đọa triền miên. Đứa bé ra đồng đạp trái mìn nổ chậm
chết không toàn thây, bờ môi như vẫn còn thầm hỏi có thiên đường hay không...
Trong đời sống như vậy, thế hệ mất tuổi trẻ, không hạnh phúc của ông bỗng tìm
thấy một phát ngôn nhân, một tiếng nói nói lên, thay mặt họ, về những bất hạnh
của cuộc sống, những hoài nghi ngay cả về những bàn tay cứu rỗi của cả Phật lẫn
Chúa như trong bài Này Em Có Nhớ.
Này em có nhớ - Khánh Ly
Cùng thời với ông, Thanh Tâm Tuyền kêu lên thảng thốt:
Sao tuổi trẻ quá buồn,
Như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
Như bàn ghế không bầy...
Thân phận buồn bã của tuổi trẻ trong cuộc chiến trở thành một
ám ảnh không bao giờ rời Trịnh Công Sơn. ông khóc cho họ, đau cho họ, rồi lại
quay về an ủi, vỗ về họ.
Nhưng còn khúc hát nào buồn hơn trong vỗ về an ủi, bảo cho mọi
người vui lên mà đau đớn như bài Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày? " Dù ta như con
đường dài vắng người... Hãy cứ vui chơi cuộc đời..."
7
Tiếng réo gọi về với ca dao
Năm 1967, chiến tranh Việt Nam leo thang lên gần đến điểm cao
nhất, số người chết ở cả hai phía đều lên đến những con số làm kinh động lương
tri của nhân loại. Việt Nam là một quốc gia đang trên đường tan rã. Tất cả mọi
giá trị, mọi truyền thống đều bị đem ra thử thách, để rồi bị gạt sang một bên. Thành
thị, nông thôn bốc cháy trong lửa của chiến tranh nồi da xáo thịt khốc liệt. Một
thế hệ lớn lên không có được một ngày thanh bình, những nét tốt đẹp nhất của
dân tộc bị thay thế bằng thù hận, bom đạn, tuyên truyền xảo trá, chiêu bài giả
dối. Thế hệ đó như sắp đánh mất quá khứ và căn cước của họ sau bao nhiêu đổi
thay, đổ vỡ, quê hương chỉ còn là những đống gạch vụn tan nát không thể trở về.
Một nền văn minh khác đang đe dọa tiến vào, xóa đi những truyền thống cũ.
Thì đúng vào thời gian đó, bài Người Con Gái Việt Nam Da Vàng
được hát lên lần đầu tiên ở một hội quán nhỏ ở Sài Gòn của sinh viên.
Người nghe, cái thế hệ thiệt thòi và tội nghiệp đó, thế hệ
không được biết hòa bình bỗng được chỉ cho thấy cái họ sắp đánh mất. Cuộc sống
tốt đẹp cũ trong có một thời gian ngắn, đã trở thành quá xa lạ, như chỉ còn lại
trong những trang giấy cũ của bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư.
Trịnh Công Sơn có thể dùng một thể nhạc chậm hơn, không cần
phải đầy nét hối hả để viết bài Người Con Gái Việt Nam Da Vàng, nhưng ông chọn
một nhịp nhanh hơn để viết ca khúc này. Kết quả là bài ca mang nhiều hối thúc,
giục giã hơn. Và có lẽ ít có một ca khúc nào tạo được nhiều xúc động như một
câu trong bài, câu: "... Em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm
hờn..."
Người con gái Việt Nam da vàng - Khánh Ly
Nguyên một thế hệ xa lạ hẳn với ca dao vì chiến tranh, bom đạn.
Dòng nước ngọt với những lục bát vỗ về tình tứ, những an ủi, những tỏ tình, những
lẳng lơ tuyệt đẹp thế hệ này không biết. Nhiều tiếng nói cất lên để báo động:
dân tộc sắp đi tới một hành động phá sản tự sát văn hóa.
Trịnh Công Sơn, bằng ca khúc Người Con Gái Việt Nam Da Vàng,
đã lên tiếng nhắc thế hệ của ông, cái thế hệ đi trong đêm vang ầm tiếng súng,
mang trong tim những căm hờn, yêu quê hương nay đã không còn, rằng họ chưa được
hát ca dao một lần, họ cũng quên mất xưa kia Việt Nam không như Việt Nam mà họ
đang phải sống từng ngày.
Tiếng réo gọi của bài hát thật là khủng khiếp. ông kéo người
nghe lại gần, rồi chỉ cho thấy quê hương khốn khổ ấy, nơi những địa danh, những
tên thành phố chỉ còn là nhắc nhở về những cái chết, là nỗi bất hạnh, là những
khổ đau của cả một dân tộc.
Những hình ảnh quê hương đất nước thanh bình mà các nhạc sĩ lớp
trước vừa vẽ ra được như trong các ca khúc của Nguyễn Văn Khánh, Phạm Đình Chương,
Phạm Duy, Lam Phương, Văn Phụng... qua đến Trịnh Công Sơn thì không còn nữa. Những
hình ảnh của một thời thanh bình ấy được thay bằng những cái chết không manh
áo, ngoài đồng, trên sông, lòng đèo, ở Ba Gia, ở Chu Prong, ở Huế, Sài Gòn, Hà
Nội... trong Tình Ca Người Mất Trí.
Trịnh Công Sơn viết về đất nước như một hành động đòi lấy quyền
để nói, để nhắc nhở cho thế hệ của ông, trước ông và sau ông về một quê hương
Việt Nam đang bốc cháy, để báo động trận hỏa hoạn, để hét lên lời cầu cứu...
"Hố thẳm đã mở ra dưới chân dân tộc này. Lương tâm con người đang trên đà
bị phát mãi." ông viết ở đầu cuốn Kinh Việt Nam như thế.
Ca khúc tiếp theo, Lại Gần Với Nhau là những lời gọi thảm thiết,
gọi anh, gọi chị, gọi em, gọi mọi người ngồi lại, ngồi gần lại nhau.
Lại gần với nhau - Khánh Ly
Trịnh Công Sơn nói với một người bạn rằng ông không thể sống ở
ngoài Việt Nam, bất kể đó là một Việt Nam thế nào đi chăng nữa. ông ôm lấy quê
hương tơi tả rách nát chờ một ngày đất nước đứng dậy, vực lại quá khứ huy hoàng
cũ. Cũng ở tập nhạc in năm 1968, ông viết: "Xin đừng bao giờ làm kẻ phản bội
một quá khư hiển linh."
Trịnh Công Sơn không viết về quê hương thanh bình: "Em
không biết quê hương thanh bình, em chưa thấy xưa kia Việt Nam..." ông viết
về quê hương của những ngày sắp tới, khi ba thành phố nắm tay nhau, ba dòng
sông góp thành hội trùng dương. Huế Sài Gòn Hà Nội nói lên ước mơ của những
trái tim đau sắp kiệt lực, những chờ đợi cho những con đường nở hoa, cho lá trầu,
miếng cau cổ tích trùng phùng. Ước mong đó không thể là của một người, mà của cả
một dân tộc bị đầy đọa khốn cùng. Trịnh Công Sơn đã nói lên tất cả những điều
đó cho những người anh em của ông, chúng ta.
Huế Sài Gòn Hà Nội - Khánh Ly
8
Nỗi cô đơn giữa đám đông
Trịnh Công Sơn trong suốt nhiều năm, lúc nào cũng có đông bạn
bè ở chung quanh nhưng ông lại là người hết sức cô đơn ở giữa đám đông ấy. ông
cứ loay hoay với những mệt mỏi của cuộc chiến tranh mãi không tìm ra được lối
thoát, trong khi những tiếng động của cuộc chiến vẫn vọng về cắt ngang những đời
sống, những tương lai, những cuộc tình, những bạn bè, tuổi trẻ của thế hệ cùng
thời với ông. Càng nghĩ tới những chuyện đó, ông càng thấy rất nhiều suy nghĩ của
ông không được chia xẻ. Nhịp quay của đời sống cuốn theo, nuốt trôi mọi thứ.
ông vừa thấy bất lực trước chung quanh nghiệt ngã, vừa cảm thấy lúc nào ông
cũng một mình. Chỉ những khi bóng tối che ngang, lúc có những tiếng gọi thì thầm
của trăm năm, như đoạn mở đầu của bài Còn Có Bao Ngày, ông mới tìm thấy được ở
ban đêm, ở bóng tối chỗ ẩn náu, nơi trở về an toàn, tịch lặng nhất với những vỗ
về an ủi cho mình. ông nhắc rất nhiều đến những đêm tối, những hoàng hôn, những
đêm khuya trong nhạc.
Còn có bao ngày - Khánh Ly
Đó là những lúc để ông nhìn ngắm lại cuộc đời mình. Đó cũng
là lúc ông "đau đớn nhận ra rằng cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh."
ông viết như thế ở trang 275 của tuyển tập Những Bài Ca Không Năm Tháng.
Những suy nghĩ về cuộc đời, về thân phận một người đang đi
qua một cuộc chiến thảm khốc với những tư tưởng không ở giữa dòng nước càng
ngày càng đẩy ông ra ngoài đám đông mặc dù ông vẫn đang ở giữa quê hương đau khổ.
Sự mỏi mệt hiện rõ trong thái độ chán ca những chuyến đi tưởng để thoát khỏi
cái quanh quẩn của cái đường vòng kín không lối ra.
Ông không đồng ý và chấp nhận một đời sống tự hủy đang diễn
ra chung quanh.
Ông là người đi lạc trong một thành phố tưởng là quen thân lắm.
Nhưng thực ra, Trịnh Công Sơn không thuộc vào một nơi nào hết. ông cứ đứng ở
bên ngoài, tự chọn cho thế đứng không nhập cuộc, hai vai hai vầng nhật nguyệt,
thư thái trên con đường chỉ một mình đi.
Một cõi đi về - Hồng Nhung
Tự tình khúc - Khánh Ly
Trong Một Cõi Đi Về, câu: "... Trăm năm vô biên chưa từng
hội ngộ. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà..." chỉ một câu này, cũng đủ để
bầy ra tất cả sự cô đơn khủng khiếp ông phải đối mặt mỗi ngày trong đời sống rất
nhiều tiếng động.
Thái độ cô đơn đứng ngoài một mình không tham dự và nhập cuộc
của Trịnh Công Sơn còn được thấy rõ hơn trong bài Tự Tình Khúc. ông thấy mình
là đứa bé ngồi nhìn thế kỷ qua đi, vẫn không thấy được nơi nương tựa, vẫn cứ chỉ
là ngọn đèn nhỏ thắp lên cho riêng mình. Bài ballad viết về sự cô đơn ấy đầy những
hình ảnh xót xa hết sức bi thảm và cảm động. Trên cái vực thẳm ngó xuống lòng
sâu của cô đơn, ông ngồi một mình.
Căn bản, các sáng tác của Trịnh Công Sơn là nhạc tình. Bài
Tình Xa là một ca khúc ông viết cùng thời gian với Tình Nhớ và Tình Sầu để
thành một trilogy trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông.
Tình Xa - Khánh Ly
Tình Nhớ - Khánh Ly
Tình Sầu - Khánh Ly
Và trong Tình Xa,
sóng được cho dội vào đời buốt giá, gió cát phù du bay về để nói về nỗi cô đơn
của ông. ông dùng hơn một tình khúc để nói về sự cô đơn đó. Và tình yêu, tưởng
là điều đem lại những vỗ về an ủi cho ông, thì cũng lại phản bội, lọc lừa. Những
dòng sông trở thành biểu tượng của chuyến bỏ đi, cơn mưa thành lời hẹn thề,
thành phố hoang vu khi cuộc tình đi qua, tình cúi đầu trong tiếng buồn rơi đều.
Sự cô đơn đã là một cơn đau suốt đời của Trịnh Công Sơn.
Nhưng chính ông đã lựa chọn để sống với nó.
Cũng như Socrates, ông thà sống khốn khổ còn hơn.
9
Những để lại
Nhiều so sánh đã được đưa ra để tạo ấn tượng về một sự việc
ít ai biết với một sự việc đã quen thuộc với nhiều người. Thí dụ khi nói nhà
văn X là một Solzhenitsyn của văn chương Pháp, họa sĩ Y là một Cezanne của hội
họa ý, nhà thơ Z là Đỗ Phủ của thi ca Đại Hàn... thì người nghe có ngay một số
khái niệm về các ông XYZ ngay. Nhưng cũng rất nhiều khi những so sánh này lại
là những bất công đáng kể với những tiêu chuẩn được đem ra dùng để so sánh. Các
ông Solzhenitsyn, Cezanne, Đỗ Phủ lớn hơn các ông XYZ chẳng hạn.
Và cũng có những trường hợp ngược lại.
Việc Joan Baez làm cũng dễ hiểu: cô tạo được sự nghiệp ca hát
phần lớn là nhờ nhạc của Bob Dylan, những ca khúc chống chiến tranh của người
nhạc sĩ này. Nhưng cô chưa biết được đủ về Trịnh Công Sơn. Nguyên số lượng ca
khúc mà Trịnh Công Sơn viết đã nhiều hơn số ca khúc của Bob Dylan. Mà đó mới chỉ
nói về số lượng sáng tác.
Như vậy sự so sánh có bất công cho Trịnh Công Sơn. Bob Dylan
viết một số nhạc phản chiến – anti war songs – và phản kháng – protest songs –
cùng một số đề tài khác. Trịnh Công Sơn viết nhạc phản chiến, phản kháng, nhưng
chủ yếu là tình ca, những đề tài khác là quê hương, thân phận con người, trong
đó, triết lý và tôn giáo là những nét nổi bật. Bài nổi tiếng nhất của Bob Dylan
là ca khúc Blowin' In The Wind, bài hát nói về chiến tranh, bom đạn, chết chóc,
ước mơ hòa bình được coi như bài hát đầu môi của các phong trào phản chiến hồi
thập niên 60. Nhưng Blowin' In The Wind vẫn chưa tới được mức bi thảm của các
ca khúc Chính Chúng Ta Phải Nói, Người Già Em Bé, Nước Mắt Cho Quê Hương hay Đại
Bác Ru Đêm.
Pete Seeger là một nhạc sĩ dân ca hàng đầu của Mỹ. ông cũng viết nhiều ca
khúc chống chiến tranh, và một trong những bài nổi tiếng của ông được hát rất
nhiều trong những sinh hoạt chống chiến tranh của thập niên 60 là bài Where
Have All The Flowers Gone. Pete Seeger lớn tuổi hơn Trịnh Công Sơn và Bob Dylan
nên không được đem ra so sánh. Nhưng cùng những ý tưởng và hình ảnh thì Where
Have All The Flowers Gone chưa bi thảm bằng Người Con Gái Việt Nam Da Vàng hay
Tình Ca Người Mất Trí.
Pete Seeger cũng viết về nước Mỹ, This Land Is Your Land,
nhưng lòng yêu thương đất nước: Đất này là đất của anh, đất này là đất của tôi,
từ rừng hồng mộc miền tây đến biển đầy bọt trắng miền đông, đất này được tạo ra
cho chúng ta... không thể cảm động như Huế Sài Gòn Hà Nội của Trịnh Công Sơn.
Huế Sài Gòn Hà Nội có tiếng hối thúc, réo gọi, hừng hực...
Trịnh Công Sơn viết tình ca nhiều hơn Burt Bucharach mặc dù số
lượng mà tác giả của í'll Never Fall In Love Again, của Raindrops Keep Falling
On My Head, Alfie, Anyone Who Had A Heart cũng đã nhiều. Nhiều nhưng chưa thể
vượt quá con số 127 bài mà Trịnh Công Sơn chọn để in trong tuyển tập Những Ca
Khúc Không Ngày Tháng sau khi đã bỏ ra ngoài một số rất lớn những ca khúc viết
về các đề tài khác của ông.
Một đóa quỳnh không bao nhiêu người biết, qua những khuông nhạc
của Trịnh Công Sơn, nó biến thành một lời tỏ tình. Những bước chân trở về của
người phụ nữ không may mắn, làm công việc rất bất hạnh của xã hội đã thành một
tình khúc bi thảm, bài Nghe Những Tàn Phai.
Những chi tiết vừa kể cho thấy đem những tên tuổi khác để so
sánh với Trịnh Công Sơn là một việc vừa sai lầm vừa bất công.
Có một chi tiết nhỏ về những ca khúc của Trịnh Công Sơn, đó
là với một số lượng sáng tác lớn như thế và được phổ biến rộng rãi như thế, chỉ
có một hay hai bài, có phần chắc là không quá hai bài, bị đem ra đặt cho những
lời ca khác nhảm nhí.
Đó có phải là một thái độ yêu mến trong khi vẫn còn dành cho
tác giả rất nhiều tôn trọng của những người yêu nhạc, sống cùng thời với ông
không?
Chúng tôi nghĩ là có.
10
Như một lời chia tay
Như một lời chia tay
Cát Bụi
ở tuổi hai mươi mấy, ít người viết những lời ca như trong bài
Cát Bụi. Và cũng không nhiều người viết di chúc hay những chữ khắc trên mộ bia
cho mình ở cái tuổi ấy. ít người nghĩ đến cái chết, đến sự trở về với những hạt
cát, những hạt bụi của nguyên thủy.
Trịnh Công Sơn đã làm công việc ấy một cách quá sớm. ông viết
Cát Bụi năm ông chưa tới 30 tuổi, như thể ông nhìn thấy sự ra đi ngay trong sự
sống qua những hạt bụi. ... Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về
làm cát bụi... ôi cát bụi phận này, vết mực nào xóa bỏ không hay...
Rồi vài chục năm sau, ông lại viết: "... trong xuân thì
thấy bóng trăm năm..." ông luôn luôn nhìn thấy cái chết ở sự sống, trong hạnh
phúc có bất hạnh, trong hôm nay có ngày mai, "dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ,
dưới chân ngày cỏ xót xa đưa. "
Có lẽ những năm chiến tranh, sự ra đi quá sớm của người cha,
những bất trắc của đời sống làm ông luôn luôn được ồ và cũng như bị ồ nhắc nhở
và ám ảnh về cái chết.
Cuối năm 1992, trong những dòng viết ở cuối tập nhạc Những
Bài Ca Không Năm Tháng Trịnh Công Sơn viết: "mỗi ngày sống tới, mỗi ngày
tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm... Đời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì mới lạ.
Có lẽ vì thế, sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy
yêu mến cuộc đời."
Đó lại là những điều viết xuống của một người nói rất nhiều đến
cái chết. Thực sự, ông là người rất yêu đời sống như lời ca của bài Hãy Cứ Vui
Như Mọi Ngày. Thí dụ:
...Hãy cứ vui như mọi ngày
Bên trời còn nắng
Lá trời còn xanh
phố còn người đông...
Hãy cứ vui như mọi ngày
Để Gió Cuốn Đi
ở Trọ
Rồi ông lại viết Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người trong
Để Gió Cuốn Đi, một bài hát đọc thấy tấm lòng của ông với đời sống bằng nhịp
3/4 thư thả mà thiết tha.
Có lúc ông quay ra đùa cợt với cuộc đời, mà ông coi chỉ là
nơi ông ở trọ. Mượn chút hơi dân ca, ông nhờ không khí lục bát trong ca dao để
viết bài ở Trọ bằng nhịp 2/4 vừa lẳng lơ vừa lý lắc những bước nhún nhẩy. Coi mọi
thứ tình yêu, cuộc sống chỉ là vô thường, lúc có lúc không. Toàn bài nghe như
những công án Thiền. Bài ca lời lẽ giản dị, có lúc tươi tắn lạ thường, lại là
những tư tưởng rất Phật giáo, được kéo xuống gần gũi hơn nhờ những í a của dân
ca miền Bắc.
Trịnh Công Sơn viết nhạc cho người khác hát. ông ít khi hát
nhạc của mình trước đám đông mặc dù ông có giọng tốt. Thêm nữa, là người viết
những ca khúc ấy, ông hát chắc phải rất chính xác. Bài Như Một Lời Chia Tay đã
được thu thanh bởi ít nhất là hai giọng hát mà ông rất tin cậy. Nhưng ca khúc
này, hát lên bằng giọng của ông, lại mang một nét khác nữa. ông hát mà như gửi
lại những điều đã đi qua đời ông cho người nghe, như đóng lại trang cuối cùng của
cuốn sách. Lời ca của bài Như Một Lời Chia Tay đọc lên, không cần phải nghe ông
hát cũng đủ tạo xúc động. ông xếp lại đời sống, ông cám ơn cuộc đời, ông nhìn lại
những cuộc tình, ông nhớ lại bông hoa mỏng manh cuối trời, coi đó như một lời
giã biệt. ý của lời ca thì bi đát, nhưng nghe qua giọng của ông, người nghe thấy
đươc sự bình thản của ông khi từ biệt cuộc sống.
Trịnh Công Sơn đã về với cát bụi, giã từ nơi ông ở trọ. ông
biết trước chuyến đi về nơi vĩnh hằng. Nhưng ông cũng sẽ còn ở lại với chúng ta
mãi mãi. Chúng ta mãi mãi nhớ ông, biết ơn ông, biết ơn ông đã nói hộ chúng ta
những điều khó nói nhất, biết ơn ông đã vỗ về an ủi cuộc đời chúng ta trong những
lúc hân hoan hạnh phúc cũng như những lúc sầu thảm bất hạnh.
Ba trăm năm nữa sẽ còn người hát và nghe những gì ông để lại.
Đó là món quà âm nhạc ông để lại. Đó là một món quà mà thỉnh
thoảng lắm, có khi là vài trăm năm Việt Nam mới được một món quà quí giá như thế.
Cám ơn Trịnh Công Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét