Những khúc ca bên trời
Tôi rời phi trường Tân Sơn Nhất vào một đêm khuya 18/3/2015 để đi đến thành phố Gurnee, tiểu bang Illinois- Chicago 3 tháng. Một chuyến đi xa bất ngờ và chắc cũng không thiếu nhiều điều thú vị, bổ ích và mới lạ đang chờ đợi.
Thế là một chuyến vòng ½ trái đất bắt đầu.
Sau hơn 6 giờ bay thì cũng đã tới sân bay Seoul Hàn Quốc lúc 6h50 ngày 19/3/2015, giờ ở Seoul - Một sớm mai bình minh khá đẹp, trời đất vẫn còn trong sương mù bao phủ. Phải đợi chờ 5 giờ đồng hồ mới đi Chicago được. Ở sân bay Seoul được gặp một vài anh em người Việt thật mừng rỡ, trao đổi tâm tình hàn huyên bao câu chuyện bên trời đông xứ sở quê hương. Phần đông là người Tây; thật khổ vì chẳng nghe hiểu gì họ nói, bởi lẽ mình có cùng ngôn ngữ với họ đâu. Một điều cảm nhận ban đầu ở phi trường Seuol là ở đây người làm tạp vụ khá nhiều, hầu hết là những người đàn ông có tuổi, cũng học hỏi được ở họ tinh thần làm việc tận tụy, cần mẫn trong việc lau chùi từng ô cửa kính, hoặc dọn vệ sinh trong tolette.
Chuyến bay tiếp tục từ sân bay Seoul đi Chica go từ lúc 11h 40 ngày 19/3. Sau 14 h đồng hồ, máy bay hạ cánh tại phi trường Chicago vào lúc 10h30 ngày 19/3/2015, giờ Chicago.
Một đường dài của chuyến bay đã đến hồi kết thúc sau hơn 24 h bay.
Thành phố Gernee, tiều bang Illinois - Chicago đây rồi. Một ngày mới bắt đầu.
Ở Chicago thời tiết khá khắc nghiệt, nhiệt độ tăng giảm đột ngột nhiều trong một ngày hoặc sau vài giờ, mới đó 15 - 16 độ C mà đã giảm ngay xuống – 8 độ C liền, hoặc ngược lại. Nếu chưa quen với thời tiết thì nhuốm bệnh dễ dàng. Cái lạnh ở Đà Lạt so với Chicago thì chẳng thấm vào đâu; vì ở đây còn có cả tuyết rơi nữa.
Thế rồi thời gian trống vắng, tôi bắt đầu viết ca khúc, viết blog cho vui với ngày tháng.
Được đi máy bay là sướng rồi. Thật ra, cả đời chẳng bao giờ mơ ước được đi một chuyến bay xa trên không đến cả thời gian dài lắm vậy. Thật thú vị khi ngồi ở chỗ bên khung kính của máy bay để được nhìn ngắm bầu trời bên ngoài mỗi khi sáng sớm, khi chiều lên và cả đêm tối nữa. Đôi khi không thấy gì cả, chỉ có những tầng mây xám trắng đen nghịt bên ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng trông chừng như những dãi màu đen, xanh lốm đốm của núi đồi, biển cả thế thôi. Nhưng dù sao thì cũng thích thật. Khi đến Chicago, liền hồi tưởng lại và tôi viết thành ca khúc: “Giấc mơ bầu trời”: “Chiều dần vơi bên khung trời/ Bao áng mây trôi rã rời”; “Đồi núi điệp trùng trên tầng không trung giá lạnh/ Mây gió chập chùng chuyến bay lướt cùng thinh không sao vắng tanh”. Thế là thỏa lòng ước mong được đi máy bay mà bấy lâu mong có một ngày; ngày ấy đây rồi: “Mơ trong lòng giấc mơ bầu trời/ Từ đây thôi cách xa rồi”. Bên ngoài trời chắc có lẽ những giọt sương hay tuyết rơi gì đó che lấp kín cả khung cửa sổ chỉ thấy mờ mờ, ảo ảo lăn tăn trên nền kính chuyến bay: “Tuyết vẫn rơi như giọt sương rơi trên nền trời/ Tuyết lặng lẽ chơi vơi theo nỗi đau cuộc đời/ Ôi! Ngậm ngùi nước mắt thế gian”. Nói đến thời tiết thì phải đề cập đến tiểu bang Illinois, vì nơi đây ngoài khí hậu của cái giá lạnh, còn có cả tuyết rơi nữa. Lâu nay tôi chưa bao giờ biết khái niệm đến tuyết rơi. Tuyết rơi thật đẹp bên trời lạnh giá. Tuyết rơi như những cơn mưa rào đổ xuống cỏ cây hoa lá muôn trùng, tôi vội vã quan sát và ghi lại hình ảnh tuyết rơi trong bài: “Tuyết rơi bên thềm”:
“Tuyết rơi trên mái nhà/ Tuyết rơi trên đầu ngọn cây kẻ lá/ Tuyết rơi lả tả bên khung trời chiều lạnh giá“. Một khoảng trời đắm chìm trong cái giá lạnh, trong cái cảnh tuyết rơi trắng xóa khung trời, như cuộc tình mong manh nào đó tan vào hư không: “Tuyết vẫn rơi rơi bên hiên thềm nhà/ Bao ngày qua giá lạnh phố phường chốn xa/ Mong manh cuộc tình/ Mênh mông khoảng trời hư không“. Những cơn mưa tuyết rơi đều như những bông hoa tuyết trắng thi nhau rơi rụng xuống mặt đất trông thật đẹp nào ngờ: “Mưa tuyết trắng lung linh bên trời/ Bông tuyết trắng lặng rơi tơi bời trên không/ Lòng lạnh lòng tháng ngày mênh mông“. Những lớp tuyết rơi trên mặt đất dày cộm, nhưng rồi cũng tan đi theo dòng thời gian: “Tuyết tan, tuyết tan tan ra thành nước/ Xuôi về mặt đất rong rêu cuộc đời“. Tuyết vẫn âm thầm lặng lẽ rơi mỗi lúc một nhiều để lòng ai kia trĩu nặng, xót xa bên hiên đời người lắm nỗi: “Tuyết vẫn lặng lẽ rơi bên thềm nhà/ Bên hiên đời người xót xa“.
Hai bài “Giấc mơ bầu trời” và “Tuyết rơi bên thềm” tôi đã gởi cho bạn bè tôi qua Email: Anh Thành Điển, Tấn Ích, Thanh Liên - Như Phú ngay để làm kỷ niệm.
Một sớm mai kia đến Ngũ Đại Hồ ở Chicago. Dừng xe lại bên bờ hồ xanh mà chỉ thấy bóng người trong sương mù; chim chóc, những bầy vịt trời tha hồ tung tăng trên bãi cỏ; rất thân thiện với loài người, vì chẳng ai quan tâm để bẫy bắt chúng, có khi là hành vi tội phạm nữa là khác; thỉnh thoảng trên những khu đồi bãi cỏ còn có cả những nơi để chim chóc, cầm thú trú ngụ nữa. Xa xa trong màn sương mù, chắc có lẽ là những cao ốc của Chicago, vì không thấy rõ lắm. Cảnh tượng xung quanh bờ hồ tuyệt đẹp làm sao. Thế là ca khúc “Bên bờ hồ xanh” được ra đời từ đó: “Mặt trời lên/ Mặt trời lên bên bờ hồ xanh/ Đàn chim trắng lượn lờ bay quanh/ Bầy vịt trời tung tăng trên thảm cỏ/ Cỏ xanh mơn man/ Xanh mênh mông tận chân trời”. Bên bờ hồ có hàng ngàn tàu thuyền rất đẹp đang neo đậu, để khi trời yên gió lặng, khí hậu ấm áp thì người ta rong chơi đây đó trên hồ rộng bát ngát chạy thẳng đến cả xứ sở Canada. Đó coi như những thú vui của những nhà giàu có ở đây: “Màn sương trắng trắng xóa lan mặt hồ/ Thuyền du khách neo đậu ven bờ hồ xanh/ Trời trong xanh gió yên lành/ Bên bờ hồ xanh, một sớm tinh mơ, đời nên thơ ngày mộng mơ”. Đằng xa kia là Chicago với những tòa nhà cao vút, thấp thoáng ẩn hiện trong màn sương khói: “Đây Chicago/ Đây Ngũ đại hồ/ Tòa nhà cao cao vút trời mây xanh/ Mặt hồ xanh trong xanh/ Làn sương mong manh/ Thênh thang màn sương khói vây quanh mặt hồ...”.
Còn gì thú bằng, ngắm nhìn bầu trời vào những buổi chiều dần xuống, cảnh những đàn chim bay theo hình vòng cung thật đẹp mà viết nên khúc ca: “Cánh chim bay cuối trời” với những câu: “Chim bay, chim bay từng đàn/ Đồi thông, đồi thông bạt ngàn/ Mênh mông miền sương khói vắng tanh/ Thênh thang rừng thông vắng tuyết tan”. Thế rồi cánh chim bay kia cũng đã về nơi tổ ấm miền xa xôi xôi nào đó, trong màn đêm đen đang chìm dần xuống. Bầu trời thanh vắng trong màn đêm và lòng người cũng lắng dịu êm theo cảnh vật im lìm: “Cánh chim bay, bay về nơi cuối trời xa xăm/ Bóng hoàng hôn dần xuống núi đồi thông xanh/ Ngàn côn trùng rã rích chìm bóng đêm/ Cảnh vật im lìm/ Lòng người lắng dịu êm theo màn đêm”. Thời gian cứ lặng lẽ trôi và có lẽ cánh chim bay cuối trời xa đã mỏi?...Cuộc đời con người tưởng chừng cũng như thế có sai đâu, cũng thật ngắn ngũi như bóng câu qua cửa sổ. Mới hôm nào gặp gỡ, mà nay đã nói lời vĩnh biệt cách xa; để rồi không bao giờ gặp lại nhau nữa; thật xót xa bao điều. Nhất là trong tình yêu đôi lứa. Những ý tưởng đó được lắng đọng trong ca khúc: “Khúc hát chiều xuân” được ghi chép lại thành những dòng nhạc vào một buổi chiều mùa xuân 2015:
“Chiều xuân có một người đứng ngóng bên trời/ Chạnh lòng luyến nhớ tới người yêu/ Người tình nào xa xôi phương trời ấy/ Cuộc tình này mờ phai bóng thời gian”. Cũng chính thời gian đã xóa nhòa đi bao dấu vết một thời. Nhưng trong một buổi chiều xuân nào ấy vẫn còn một bóng dáng ngác ngơ ai đó đi tìm kiếm hình bóng cũ: “Chiều xuân có một người ngơ ngác đi tìm/ Người tìm về nơi chân trời sáng/ Lòng rộn ràng duyên xưa tình cũ/ Mà xót xa niềm đau chốn u sầu”. Vừa đứng ngóng, lại vừa ngơ ngác đi tìm người tình trong khung trời duyên xưa tình cũ thật cảm động làm sao. Và đất trời không nỡ phụ tình tôi: ”Chiều xuân ấy có người phương xa vừa tới/ Lòng phơi phới ôn chuyên xưa thời niên thiếu/ Ước mơ chi bao điều cũng chỉ là giấc mơ qua trong ta, trong tình tôi”. Thế rồi một chiều biệt ly đã tới: “Chiều xuân ấy vắng bóng người yêu bên đời/ Niềm thương nhớ ngậm ngùi tình yêu ngày xa xôi”. Để rồi: “Lênh đênh dòng nước sông dài/ Nổi trôi như cánh bèo trôi nơi xa vời”. Thôi rồi tìm kiếm đâu ra bóng dáng người yêu xưa bên trời: “Người yêu ơi!/ Bên trời tìm đâu thấy bóng dáng người em dấu yêu”. Cuộc tình đó đã vĩnh viễn ra đi từ hôm chiều xuân ấy; nhưng âm hưởng của nó mãi vang vọng đến muôn đời.
Tiểu bang Illinois và thành phố Chicago một buổi chiều đang buông xuống mà nghĩ ngợi đến bao điều: “Chiều buông xuống rồi đây/ Lá cành cây rì rào đong đưa theo chiều gió/ Chiều dần trôi bên trời/ Nơi phương xa nào ai thấu hay tình tôi”. Đồng cỏ xanh, đồi thông vắng, từng đàn chim trên bầu trời ban chiều như đan quyện vào nhau: “Chiều Illinois/ Chiều Chicago/ Đồi thông vắng nắng chiều dần phai rồi/ Đồng xanh cỏ mênh mông tận chân trời/ Đàn chim tung cánh bay, bay về nơi tổ ấm xa xôi”. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc cái giá lạnh của màn sương đêm bao trùm cả không gian, để rồi một ai kia bất chợt cảm giác không ngăn lại được: “Một chiều Chicago/ Trời chiều Illinois/ Sao giá lạnh tim tôi”. Đó là những lời lẽ tâm sự trong bài: “Chiều Illinois - Chicago”.
Một hôm đọc Email của Thanh Liên và Như Phú đang cư ngụ tiểu bang Minnesota rất nhớ nhà ở thành phố biển Nha Trang – Khánh Hòa, chợt những cảm xúc dâng lên trong tâm hồn, thế là tôi cầm bút viết liền một mạch bài “Nhớ quê” thay cho bạn, xong chưa đủ tôi kiểm tra lời và nhạc thật kỹ càng rồi gởi qua Email cho bạn, coi như một một quà kỷ niệm thay vì đến thăm bạn, bởi vì đường xa lắm phải 6h đi ôtô mới tới nơi được: ”Một sáng mùa xuân lòng bâng khuâng nơi xứ xa/ Một tối mùa hạ lòng rộn rã nhớ thương quê nhà/ Ngày đêm thương quê ta còn lắm khổ đau/ Đêm ngày nhớ quê mình nơi chôn nhau cắt rốn”. Mùa xuân rồi mùa hạ, tất nhiên có cả mùa thu và mùa đông nữa cho đủ bốn mùa trong năm; ngày đêm và đêm ngày coi như một, vừa thương lại vừa nhớ quê ta mà nay đành phải chia xa vì điều kiện, hoàn cảnh sống. Cảnh tượng ấy ai thấy mà không xót xa, đau lòng. Thôi thì cũng đành vậy. Hồi tưởng lại ngày tháng năm cũ nơi quê nhà mà ngậm ngùi tiếc thương: ”Chốn quê xưa dòng sông xanh trìu mến/ Vượt nghìn trùng biển khơi bay thẳng đến/ Quê hương ơi, quê hương tôi bên bờ biển xanh trong xanh/ Non nước mình đẹp tựa tranh/ Đất nước bốn ngàn năm”. Nhớ lại ngày rời quê, rồi lại xa quê đi định cư; mà trái tim này sao nhói đau; kỷ niệm xưa ngày nào sao phai mờ trong tâm trí được: ”Ngày rời quê trái tim này sao nguôi ngoai/ Ngày xa quê tình yêu nào dấu chưa phai”.
Tình yêu thương quê hương bên trời còn phảng phất đâu đây, chắc có lẽ theo cánh chim, gió ngoài biển khơi gọi mời ta cất bước. Những niềm đau và nỗi buồn chỉ vơi đi khi cập đến bờ bến quê hương: ”Yêu thương bên trời/ Lao xao sóng ngoài biển khơi như gọi mời/ Một ngày nao ta cất bước/ Đi tới bến bờ quê hương thương yêu ngày nào”.
Theo đạo Phật quan niệm ”Đời là bể khổ”. Thực ra sống trên cõi đời này có chi vui đâu, mà có khi nỗi buồn chiếm cứ nhiều. Niềm vui, nỗi buồn cứ thi nhau ngự trị trong tâm hồn mỗi người. Thôi kệ, mình cứ tự tạo những niềm vui sẵn có: Làm một việc từ thiện, có tấm lòng đối với mọi người, viết nên những bài thơ, văn hay trong đời, vui với niềm vui tận cùng của đời sống này. Như thế chắc là đủ lắm vậy, đợi chờ gì nữa đâu. Đời người ví chăng: “Như áng mây trôi phương trời” nào xa xôi ấy: ”Đời có chi vui vui buồn buồn/ Người đôi khi lệ buông trào tuôn”. Dù thế nào đi nữa thì cuộc đời này vẫn đẹp: Hoa vẫn nở, chim vẫn kêu trên cành, cảnh vật, hiện tượng thiên nhiên vẫn diễn biến không ngừng bao ngày: Hết nắng rồi tới mưa, hết ngày rồi lại đêm, mùa xuân rồi mùa hạ...cứ thế xoay vần theo năm tháng mà chẳng đợi chờ một ai đâu. Tuyết rơi, nắng mưa đôi khi đem lại cho người ta một cảm giác của nỗi buồn vô cớ: ”Nắng mưa bên trời/ Tuyết rơi bên thềm bao ngày người ơi/ Rồi chợt nghe bên hiên giọt sầu tuôn/ Buông lơi buông rơi ngày tàn hơi/ Bên trời mưa nắng cứ buông trôi theo dòng đời”. Ngày đêm cứ đua nhau theo thời gian, để rồi: ”Ngày bên trời nắng gió reo vui/ Đêm ngậm ngùi ngàn nỗi đau theo tháng năm/ Như áng mây trôi về phương trời” thế thôi.
Vào buổi chiều kia, một hình ảnh đụng chạm vào mắt tôi - Những chú chim trên cành cây sân vườn nhà bay nhảy một cách tự do và gần gũi với con người, hình như nỗi sợ hãi loài người nơi những chú chim kia không còn nữa. Nhìn ngắm từng đàn chim bay liệng theo hình vòng cung trên bầu trời mà ngẫm đến thân phận con người, đôi khi còn thua kém như những chim kia; thế là ca khúc “Thôi ước mơ chi” ra đời từ dạo ấy: “Con chim nó đậu đầu cành/ Con chim tung cánh trên trời tự do/ Ai ơi chớ vội mà lo/ Con chim vẫn giọng líu lo đậu cành chiều xanh“. Thế rồi một buổi chiều nọ chim tung cánh muôn phương, hót ca bài ca nơi phố phường đông đúc người: “Một chiều chim tung cánh bay nhanh/ Bay qua miền đồng xanh cây cỏ/ Chim thênh thang bên bờ tự do vốn có/ Mà hót vang đời ta lên hương chốn phố phường“. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc thảnh thơi, chim vắt ngang đôi chân trên cành cây thoải mái, mà nghĩ ngợi những ngày xa xưa cũ: “Đêm trường mơ màng trên cành ngọn cây xanh lơ/ Rồi tiếc nuối đời ta ngày thơ/ Đời tự do sẵn có/ Thôi ước mơ chi xa vời trong đời“
Cái đẹp nhất ở Illinois là “Mưa rơi trong chiều”: “Những hạt mưa rơi rơi ngoài trời/ Như sợi tơ vương vấn vương trong chiều mưa rơi”. Chiều mưa ở Illinois rất buồn, buồn da diết, buồn thống thiết nhất là đối với tôi trong những ngày này; chẳng có việc gì làm ngoài việc nhìn ngắm mưa rơi bên hiên nhà. Buồn thật tình, nhưng những hạt mưa rơi cũng nói thay bao điều ưu tư: “Trời bỗng chốc hạt mưa rơi thật đều như nói bao điều”. Thế rồi có lẽ: “Mưa mưa ơi! Mưa mang sầu chi thế/ Cho lòng ai tái tê trong chiều mưa rơi/ Mưa mưa rơi giọt mưa buồn rơi rơi trong đời”. Hãy cảm nhận và so sánh: “ Mưa rơi ngoài trời/ Mưa rơi trong lòng tôi/ Thênh thang bầu trời ngàn mây xám/ Lênh đênh phận người theo ngày tháng/ Nắng mưa bên trời/ Mưa gió len vào đời tôi”.
Thật ra không tìm thấy ở đâu như thế. Thời tiết ở Illinois lạnh lắm vào những ngày tháng 3 tôi ở đây, một ngày mặt trời lên thì mừng lắm, bởi vì để được sưởi ánh nắng mặt trời, thậm chí khổ nỗi còn không dám bước ra khỏi nhà vì trời quá lạnh. Nhưng dù sao thì cũng thầm mừng trong “Bình minh ngày mới”:
”Bao ngày ta đợi mong/ Mặt trời lên trên bến sông/ Mặt trời lên/ Màu nắng lên niềm tin yêu sự sống”, rồi một đoạn khác trong ca khúc cũng thiết tha tia nắng mặt trời không kém và mơ ước một ngày mới: ”Nắng đã lên rồi/ Nắng đẹp thay bao ngày/ Bình minh này đây/ Một ngày mới đong đầy những ước mơ nên thơ”.
Tưởng chừng như lạc vào cõi tiên trong “Một chiều bên giáo đường”: “Ta đi giữa hàng cây xanh xao/ Gió rì rào hàng cây trơ trụi lá”. Đúng vậy, những hàng cây trụi lá dọc theo hai bên ven đường trong khu rừng vắng thật yên tĩnh, con đường dẫn vào khu những tu viện với lối kiến trúc diệu kỳ tuyệt đẹp - và hình như chúng tôi đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nào nơi hạ giới. Trên lối của đường đi ngoằn nghèo quanh khu rừng biệt lập với đời sống nơi đây, thỉnh thoảng chúng tôi trông gặp những những chú nai vàng đang ngơ ngác dọc ven rừng. Phía bên dưới những thung lũng là hồ nước trong xanh. Cảnh tượng thần tiên đẹp thật, đê mê lạ: “Đàn nai vàng bên khu rừng vắng/ Đang ngơ ngác tìm đàn/ Ngơ ngác ngơ trong chiều mơ/ Đời còn gì nên thơ hơn thế/ Ngày còn gì đê mê như thế bao giờ”. Chốc lác tiếng chuông nhà thờ vọng vang theo chiều gió nhẹ thoáng đưa, một cảm giác lâng lâng trong tâm hồn mọi người: “Một chiều nơi giáo đường im vắng đợi chờ/ Tiếng chuông nhà thờ vang theo gió/ Kêu gọi hồn ai năm tháng dài trong đắm đuối trần gian mê say". ”Một chiều nơi giáo đường”: Mọi sự vật, hiện tượng cứ mãi lặng lẽ buông trôi theo dòng thời gian đã định: Mặt trời vẫn chiếu sáng bao ngày, mặt hồ vẫn trong xanh, đàn nai vàng đang ngơ ngác tìm bầy...Và tiếng chuông nhà thờ vẫn vang vọng mãi như gọi hồn ai trên cõi đời còn đắm đuối mê say trần gian.
Cái đẹp nhất ở Illinois - Chicago là đường sá rộng thênh thang, cỏ cây hoa lá xanh tươi quanh mấy mùa, thành thử không ngạc nhiên mà kêu lên rằng: “Ôi! Thiên nhiên màu xanh”. Ở nơi khác như Las Vegas, California, Los Angeles tìm được màu xanh chắc hiếm, vì nơi ấy là sa mạc. Thành thử không khỏi ngạc nhiên ở Illinois, từ đường sá đến những sân vườn nhà của mọi người đầy rẫy những những bông hoa đủ màu, đủ loại, những thảm cỏ xanh mượt mà trông rất đẹp mắt, chẳng khác nào như một Đà Lạt - quê hương xứ sở của ngàn hoa. Có lẽ đẹp nhất theo tôi là những giọt sương còn đọng lại trên ngọn cỏ sau một đêm, và khi tia nắng mặt trời chiếu rọi vào đó, tuyệt đẹp dường nào: ”Sương long lanh màu cỏ xanh đẹp tựa trong tranh/ Nắng lung linh gió rung rinh ngàn mây xám tan dần”. Kia kìa trên bầu trời vẫn một màu xanh trong, thỉnh thoảnh một vài cơn gió nhẹ thoảng qua, những nghĩ suy về một thời nào hiển hiện ra trong trí óc, nhưng bầu trời vẫn mãi trong xanh: ”Bầu trời xanh trong xanh/ Gió thoảng đưa thanh thanh / Một sớm mai trong lành/ Bao mộng đẹp ngày xanh/ Ôi tan nhanh trong bầu trời mãi xanh”. Nghĩ đến thiên nhiên mà liên tưởng đến thời gian ngày nào, ngày tóc hãy còn xanh, mà nay đã khác xưa: ”Ngày xanh ơi ngày xanh nay còn đâu/ Thời gian ơi thời gian sao qua mau/ Ngày nào tóc xanh chưa phai màu/ Mà giờ này tóc điểm màu trắng phau”. Thời gian có đợi chờ ai đâu. Một ai sinh ra trên cõi đời này cũng như thế, cũng sinh lão bệnh tử cả, chẳng chừa một ai đâu. Người nào giỏi lắm thì cũng đến ngưỡng cửa của ba vạn sáu ngàn ngày là cùng. Nhưng nắng gió mây trời có lẽ bất biến theo dòng thời gian, để rồi: ”Sợi tóc phai màu/ Thời gian qua mau/ Sương khói một màu/ Nắng gió nối đuôi nhau dễ gì tàn phai đâu”.
Thiên nhiên bên trời vẫn đẹp tự nhiên như nhiên muôn đời: ”Sương vẫn long lanh bên trời xanh/ Cỏ vẫn tươi xanh hiên thềm nhà mong manh/ Ôi thiên nhiên mãi trong xanh một màu xanh”.
“Những khúc ca bên trời” là đề tựa của một ca khúc trong tập thứ 38 này và cũng là lời ngỏ cho tiêu đề giới thiệu 20 ca khúc trong tập: ”Những khúc ca gọi mời tôi đã viết/ Những khúc ca bên trời mọi người sẽ biết/ Biết cho ngày hôm nay/ Biết cho ngày mai/ Biết cho ngày tương lai”. Đó là những lời dạo đầu cho ca khúc. Đất trời lồng lộng trải rộng với đủ muôn ngàn màu sắc và tiếng hát kia bay vút cao lên tận tầng trời: ”Những khúc ca bên trời vang trong đời/ Đất trời bao la muôn màu nào ai cần hát/ Hát hết ngày hôm nay/ Hát tới ngày mai/ Hát tới muôn ngàn sau”. Nếu cuộc đời này vui thì cứ mãi hát ca theo ngày tháng: ”Những khúc ca bên đời/ Như cánh chim phương trời xa hay ca/ Ca hết ngày hôm nay/ Ca đến ngày mai/ Ca đến muôn ngàn sau”. Bản thân cuộc sống là những nốt nhạc thăng trầm rồi, chứ cần tìm đâu xa xôi. Âm nhạc chỉ góp phần diễn tả mạch lạc âm điệu của đời sống tinh thần con người; ghi lại nhịp đập trái tim của người nghệ sĩ bằng những thanh âm thực của tấm lòng mình: ”Khúc ca bên trời/ Tiếng hát trong lòng mọi người/ Ngọn nguồn say mơ cuộc sống/ Khúc ca bên đời/ Tiếng nói tự đáy lòng tôi/ Ca bài ca cuộc đời ngày đẹp tươi”. Dù cuộc đời như thế nào đi nữa, ta vẫn cứ vui và hát ca mỗi ngày bên trời: ”Vẫn khúc ca bên trời/ Hát với mọi người/ Hát tới phương trời nào xa vời”.
“Tạm biệt mùa đông”. Một ca khúc được viết để nhớ lại những ngày giá lạnh ở Illinois: “Tạm biệt mùa đông/ Đời lặng câm âm thầm đêm khuya vắng/ Tạm biệt mùa đông lời thì thầm/ Mơ ngày nắng xua tan đời giá lạnh mùa đông“. Mùa đông có cả tuyết rơi ngoài trời, mới rõ tấm thân mỏng manh gầy yếu của ai đó có chịu nỗi không với cái giá lạnh mùa đông ở đây. Bây giờ là nửa tháng 4 rồi mà tuyết vẫn còn rơi bên trời. Để rồi mãi nhớ về một mùa đông lạnh giá buốt đôi tay ở nơi đây: “Mùa đông nào hư hao thân gầy/ Mùa đông này buốt giá đôi tay/ Nào có hay một mùa đông giá lạnh/ Ai thấu chăng tình cảnh này thân mong manh/ Xa rồi mùa đông/ Tạm biệt giấc mơ nồng“.
Đôi khi nghĩ điều bâng quơ: “Nếu một ngày vắng bóng mặt trời” thì lấy đâu sáng soi đời em, đời ta, sưởi ấm tâm hồn em, sưởi ấm tâm hồn anh: “Mặt trời sáng soi đời em, sáng soi đời ta/ Mặt trời sưởi ấm tâm hồn em, sưởi ấm hồn anh”. Nếu một ngày quả đất không có ánh mặt trời thì chắc chắn là một đại họa cho hành tinh chúng ta; đại họa không chỉ cho loài người mà cho muôn loài trên trái đất: “Nếu một ngày thiếu vắng mặt trời/ Muôn loài sẽ tắt/ Ôi! Cuộc sống sẽ mất chẳng còn chi". Cứ thử nghĩ trái đất không có tia nắng mặt trời xem sao: “Nếu một ngày vắng bóng mặt trời sáng soi/ Là một ngày không còn gì để nói/ Ngày triền miên ngập chìm trong bóng tối/ Thôi tìm đâu ra lối/ Sưởi ấm bao tâm hồn đơn côi”. Nhưng: “May thay mặt trời vẫn chiếu sáng soi mọi nơi bao ngày/ Vẫn mặt trời sưởi ấm cho muôn loài”.
“Những con đường ta đi qua” gây ấn tượng cho những ai từng đi qua trên những con đường nơi thành phố, tiểu bang này: ”Những hàng cây vươn cao bên đường/ Những tòa nhà vút cao nơi phố phường/ Đồi thông vắng nắng tươi xanh trời/ Đây con đường ta đi tới tương lai ngày hôm mai”. Chưa hết đâu, trên những nẻo đường còn có cả những thảm cỏ xanh mượt mà, những đồng ngô xanh mênh mông, những đóa hoa vàng tím xanh đủ cả dọc theo hai ven đường, và chắc hẵn không thiếu gì các loài chim muông: ”Những thảm cỏ xanh mượt mà trải rộng/ Những đồng ngô xanh mênh mông bát ngát tận chân trời/ Ngàn hoa vàng xanh tím xanh khắp nơi/ Ngàn chim muông tự do ca vang điệu tình tang”. Đi tới rồi đi lui, đi qua rồi đi lại trên những con đường này mà luống ngậm ngùi về thân phận:
”Một ngày vẫn trên con đường này ta đi tới/ Loanh quanh như cuộc đời lắm nỗi/ Chua cay ngọt bùi lẫn ngậm ngùi tiếc nuối/ Vẫn thênh thang muôn ngàn lối những con đường ta đi”. Người ta thường nói: ”Những kỷ niệm khó quên là kỷ niệm ghi trên con đường sỏi đá, chứ không ghi trên con đường bằng phẳng phiu như quốc lộ 1A”. Điều đó tùy thuộc vào ý chí, nỗ lực và quyết tâm của mỗi người để đạt được mục đích: ”Qua đi, đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá/ Cõi lòng ta vẫn bền gan vững dạ/ Những con đường ta đi tới, đi qua đời ta/ Nơi phương trời nào đẹp lạ/ Tựa giấc mơ trong đời ta”.
“Giọt sương long lanh bên hiên nhà” là ca khúc được viết lên sau một buổi sáng; khi tôi nhìn thấy những giọt sương long lanh rất đẹp như những hạt kim cương mà tia nắng mặt trời chiếu vào trên ngọn cỏ cây, kẻ lá bên vườn. Cảnh tượng đó thử hỏi còn gì đẹp bằng: “Một sớm tinh sương/ Ngàn giọt sương long lanh trên ngọn cỏ bên hiên nhà”. Sương rơi không chỉ những buổi sáng mà có khi cả buổi trưa, chiều tối nữa: “Giọt sương bên trời/ Sớm khuya chiều tối/ Giọt sương vẫn long lanh bên hiên thềm mỗi khi nghe chiều rơi/ Giọt sương mãi long lanh trên cành cây ngọn cỏ/ Lắng nghe mùa xuân về bên hiên thềm nhà/ Những giọt nắng long lanh như sương”.
“Tiếng chim hót giữa trời mây” là một ca khúc nói lên đời tự do của loài chim. Ở nơi đây chim chóc rất nhiều, gần gũi với loài người; luật cấm không ai được bẫy bắt chúng, nếu vi phạm sẽ bị phạt: “Trời mây bốn phương trời/ Chim hót vang những lời/ Bên trời mây xa xanh/ Bên đồi thông vắng tanh“. Từ những đồi thông xanh với ngàn cây hoa lá; một chiều nọ chim bay loanh quanh trên những cánh đồng ngô xanh bát ngát một màu xanh và lượn lờ bay về lại nơi chốn cũ những đồi thông vắng lặng như tờ; mà hót vang bài ca tự do nghìn đời: “Giữa ngàn hoa lá xanh/ Một chiều chim loanh quanh/ Bay qua miền đồng xanh cây cỏ/ Mà nhớ ngày thênh thang đồi thông đó“. Ở nơi những đồi thông đó mà say sưa với cảnh thần tiên bao ngày: “Ngày nắng mới ven đồi/ Đêm im vắng ngàn nơi yên giấc trôi“. Vui với cảnh trí thiên nhiên bao năm và chim vẫn luôn hót vang bài ca tự do: “Giữa trời mây chim luôn hót/ Hót cho ngày nay/ Hót cho ngày mai/ Hót cho đời ai ngày đẹp tươi bên trời“. Lời ca hót của loài chim thấu tận trời xanh, đi vào lòng người như thầm gọi đời tự do: “Giữa trời mây chim cứ hót/ Hót vang bên trời/ Hót vang trong chiều rơi/ Hót vang vào lòng người/ Hót vang thấu tận chân trời/ Mây xanh trắng trong những chiều“.
“Vẫn nắng gió mây trời”. Đây là ca khúc cuối của tập 38 này được sắp xếp theo vần A,B,C...: “Nắng thủy tinh lung linh bên trời/ Nắng đong đưa rong rêu phận người rày đây mai đó/ Mặt trời vẫn tươi nguyên bên đời/ Sao thân này chóng tàn phai héo úa/ Ôi thân phận người/ Ôi tuổi già nua“. Hết nắng rồi lại gió, cũng như hết ngày rồi lại đêm vậy. Cuộc đời con người như một qui luật của thiên nhiên; của một kiếp phù du đời hư ảo, và rồi điệp khúc: “Ôi thân phận người“ cứ lập đi lập lại dong dài: “Gió vẫn reo bên trời/ Sao tiếng sóng trong lòng như ùa theo múa reo/ Trăng đêm rằm soi sáng soi cuộc đời/ Mà sao mãi tối tăm đêm ba mươi/ Ôi thân phận người/ Ôi kiếp phù du“. Vẫn nắng gió mây trời bao ngày cứ thế mà xoay vần trong trời đất. Những đám mây kia mãi lang thang trên nền trời vào một buổi chiều nao; mà không cho ta đi cùng cho sướng vui cuộc đời gió bụi nghìn trùng. Mặt trời vẫn chiếu sáng khắp nơi cho thế gian này vơi đi nỗi giá lạnh của mùa đông: “Mây lang thang bầu trời cho ta đi chơi với/ Mặt trời vẫn chiếu sáng môn nơi/ Sao chẳng bóng tia nắng trong tôi/ Ôi thân phận người/ Ôi khép kín cuộc đời“. Trời mây muôn màu, ngày và đêm nối đuôi nhau và con người luôn ao ước những điều:
“Trời vẫn sáng bao ngày/ Đêm nắng gió hao gầy/ Ôi thân phận người/ Ôi bao giờ rong chơi vui nắng say“. Cuối cùng thì nắng gió trời mây vẫn quyện vào nhau như thành một, vẫn điềm nhiên tự tại muôn ngày bên đời sống: “Nắng gió trời mây/ Gió nắng lay buồn say/ Theo mây trời bên đời“.
Thời gian từ 18/3/2015 đến 17/6/2015; trong 3 tháng ấy, ngoài tập ca khúc “Những khúc ca bên trời“, tôi còn đi tham quan một vài nơi, những nơi tôi đã đi qua:
@ Một tiểu bang Wisconsin ở miền Trung - Tây Hoa kỳ, nền kinh tế vùng đồng quê vốn dựa vào lông thú, gỗ, trồng trọt và chăn nuôi bò. Wisconsin có 4 thành phố, trong đó thành phố Milwaukee là thành phố lớn nhất trong tiểu bang Wisconsin và nằm ở bờ Tây- Nam của hồ Michigan, ở đây giáo dục và y khoa phát triển khá mạnh.
@ Một Las Vegas: Biết được Hoover Dam.
@ Một California: Biết được Hollywood, Los Angeles, Long beach, huntington beach, Newport beach. Biết được cảnh sa mạc, các hotel sang trọng, các quán ăn Việt, Tàu, Tây ... đủ cả.
@ Thế rồi; một sáng mai kia cái ”Duyên” đã đưa đẩy chúng tôi đến gặp gia đình 2 bạn Thanh Liên - Như Phú tại Minnesota trong 3 ngày 9/6 đến 11/6/2015; ở khách sạn Radisson phòng 761. Hotel này có 8 tầng, có cả hồ bơi. Từ Illinois đến Minnesota phải mất 6h đồng hồ đi ô tô mới tới nơi. Để rồi biết được một Minnesota với Mall of America to lớn nhất nước Mỹ; thú vị nhất là đi xem hồ cá đủ loại ngay dưới tầng ngầm. Ở Minnesota cũng có những Hotel và Casino rộng lớn như Hotel Mystic Lake chẳng thua kém gì ở Las Vegas và có cả những món buffet độc đáo nhất là món cua luột miền Alaska ngon tuyệt.
@ Cũng cần nói thêm về tiểu bang Illinois: Đây là tiểu bang thứ 21 của Hoa Kỳ, nơi đông dân nhất miền trung tây nước Mỹ, đứng thứ 5 toàn liên bang về dân số khoảng 12,8 triệu người, chỉ đứng sau California, Texas, New York, Florida. Tiểu bang Illinois còn có tên gọi “Quê hương của Lincoln”(land of Lincoln), hoặc “Tiểu bang đồng cỏ” (The Prairie State). Illinois trải dài từ bắc chí nam 640 km. Illinois nông nghiệp khá phát triển, chủ yếu là ngô, đậu tương, lợn, gia cầm, các sản phẩm từ sữa. Thời tiết thì khá phức tạp, cao nhất 47độ C vào ngày 14/7/1954; thấp nhất -38 độ C vào ngày 5/1/1999. Chicago nằm ở phía đông bắc là thành phố lớn nhất với dân số 9,5 triệu người, và là thành phố lớn thứ 3 của Mỹ sau New York và Los Angeles. Ở đây có tòa nhà Sears Tower cao nhất được xây dựng từ năm 1973. Tên gọi Chicago bắt nguồn từ một bản dịch tiếng Pháp của từ Shikaakwa trong ngôn ngữ Miami - Illinois của người da đỏ.
May mà chỉ đi du lịch 3 tháng thôi, chứ ở mãi nơi đây chắc có lẽ không chịu nỗi với khí hậu bấp bênh; đột ngột hằng ngày, hằng tuần. Thời tiết ở Illinois thật khắc nghiệt, hèn chi cũng có ít người Việt ở đây hơn bên California.
Thú thật, tôi cũng từng nhiều năm sống ở Đà Lạt nhưng mà có băn khoăn, lo lắng gì đâu, càng ở lâu càng thích, vì Đà Lạt có khí hậu mát mẻ dễ chịu hơn nhiều.
Tập ca khúc 38 ra đời vào trung tuần tháng 6/2015. Với thời gian tuy không dài từ tháng 4/2013 đến nay, tôi đã hoàn thành 760 ca khúc. Ngẫm nghĩ chặng đường đã qua mà kinh ngạc thay, bởi sức lao động không ngừng nghỉ của mình.
Tôi xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn tập ca khúc thứ 38 này được viết ở phương trời xa, coi như một món quà kỷ niệm của chuyến đi. Và những người bạn của tôi, những người yêu thích âm nhạc hãy cùng tôi ca hát cho vui ngày tháng bên trời.
Illinois - Chicago 17/6/2015
Triều Châu
Mục lục
( 20 ca khúc xếp theo A,B,C.. )
1) Bên bờ hồ xanh – Triều Châu
2) Bình minh ngày mới – Triều Châu
3) Cánh chim bay cuối trời – Triều Châu
4) Chiều Illinois - Chicago – Triều Châu
5) Giấc mơ bầu trời – Triều Châu
6) Giọt sương long lanh bên hiên nhà – Triều Châu
7) Khúc hát chiều xuân – Triều Châu
8) Một chiều nơi giáo đường – Triều Châu
9) Mưa rơi trong chiều – Triều Châu
10) Nếu một ngày vắng bóng mặt trời – Triều Châu
11) Nhớ quê – Triều Châu
12) Như áng mây trôi phương trời – Triều Châu
13) Những con đường ta đi qua – Triều Châu
14) Những khúc ca bên trời – Triều Châu
15) Ôi! Thiên nhiên màu xanh – Triều Châu
16) Tạm biệt mùa đông – Triều Châu
17) Thôi ước mơ chi – Triều Châu
18) Tiếng chim hót giữa trời mây – Triều Châu
19) Tuyết rơi bên thềm – Triều Châu
20) Vẫn nắng gió mây trời – Triều Châu
Ca khúc
Con đường
đến
Giai điệu
Tập 38
Triều Châu
" Của tin còn một chút này làm ghi...”
Nguyễn Du
Nguyễn Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét