Trịnh Công Sơn và tiềm thức
“Thân phận mong manh”
“Thân phận mong manh”
Nhật Lệ
Xuất hiện giữa công chúng như một ẩn sĩ, với lời lẽ
hư hư thực thực, đầy giằng xé, phủ nhận, nghi hoặc, và tự khoác cho mình một
tấm áo choàng chấm gót cách biệt, gần đây, gặp một Trịnh Công Sơn khác: trầm
lặng về ban ngày, nhiều hội hè, gặp gỡ về đêm. Một Trịnh Công Sơn triết lý xa
xôi, nói năng bong bảy, như bù trừ cho một Trịnh Công Sơn giản dị, khép kín, ưa
lãng du ngày nào.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Song cái tôi than thở
hồn nhiên của anh thì vẫn thế, không giấu được gốc tích nỗi buồn riêng. Khi cơn
cớ thở dài "Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt", cũng là khi anh đang
ở đỉnh cuối vô nghĩa của vinh quang, nổi tiếng và... hư danh. "Ba mươi năm
ca hát mộng mị giữa đời, ngoái nhìn: giấc mộng của người khác" (Trịnh Công
Sơn). Nghĩa là sự giằng xé bao năm qua vẫn sống, giữa cuộc đời và thân phận;
quá khứ và hiện tại; tuyệt vọng và tự tái tạo niềm tin; cảm giác không tìm thấy
mình giữa dòng đời và lắng nghe mọi va đập, tìm cái tôi ẩn khuất trong chốn
"đô thị nát tan của hồn mình".
Ám ảnh về thân phận,
tình yêu ẩn hiện trong ca khúc của Trịnh Công Sơn. Hơn 600 ca khúc của anh là
sự giãi bày với mọi người, giãi bày mà người nghe không thấy chán. Dường như
bởi từng góc tâm trạng đều có mặt ta ở đấy. Nỗi buồn của Trịnh Công Sơn đã đặc
trưng hoá cho những mảnh tôi "tự mình liếm vết thương". Ấy nên, người
trẻ hay già đều yêu thích hoặc chấp nhận ca khúc của Trịnh Công Sơn ở mức khá
phổ cập. Cái tôi ấy từng thổ lộ: "Chúng ta đã đấu tranh như một người trẻ
tuổi và đã sống mệt mỏi như một kẻ già nua. Tôi đang muốn quên đi những trang
triết lý, những luận điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường: Một con đường dẫn
ta về ca tụng sự vinh quang của đời sống. Con đường còn lại dẫn về sự băng
hoại".
Âm nhạc Trịnh Công Sơn
dẫn người ta đến bờ vực để rồi buộc phải có một giải đáp: sụp đổ hay vượt lên.
Một nỗi đau đã theo đuổi
Trịnh Công Sơn từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành: cái chết của người cha - ông
Trịnh Xuân Thanh. Cả cha và mẹ là gạch nối Trịnh Công Sơn với thơ ca (cả nhà mê
thơ phú, đàm đạo). Và cũng chính họ là hai hình ảnh liên kết rõ ràng nhất về
thân phận con người. Người cha bị tù đày ở lao Thừa Phủ nhiều năm vì tham gia
kháng chiến chống Pháp. Sau đó, cha ông chết trong một tai nạn dọc đường. Người
mẹ tần tảo buôn bán nuôi 8 con trong thời kỳ người chồng bị giặc bắt và ở vậy
cô quạnh một đời. Chỗ dựa tinh thần của Trịnh Công Sơn ngay từ bé đã khá chông
chênh. Không có gì níu kéo anh ở lại với những dằn vặt nhỏ mọn, những nỗi lo
cơm áo trì trệ..., nhìn thấy cái chết và nhận chân nó cũng là để khỏi vướng bận
trước cuộc đời hữu hạn. Anh đi tìm một cõi riêng, cõi của trí tưởng tượng, của
những ánh sáng đẹp đẽ hơn mà mắt thường không nhìn thấy, mải mê trong cuộc du
ca của ước vọng và nghiền ngẫm, xâu kết về đời sống: anh và những người xung
quanh đang tồn tại vì lẽ gì.
Trịnh Công Sơn nhớ lại: "Trong giấc ngủ hằng
đêm tôi thường nhìn thấy cái chết của ba tôi. Nỗi ám ảnh ấy chắc chắn không bắt
nguồn từ lớp bụi tro dày của vô thức làm nên từ những cái chết của tổ tiên mà
có lẽ từ những năm tù tội tra tấn chết đi sống lại của ba tôi trong kháng chiến
chống Pháp. Rõ ràng là cái chết ấy được báo động qua một tâm hồn quá nhạy cảm
của tuổi thơ. Ba tôi mất đi khi tôi mười lăm tuổi. Rất nhiều bài hát đầu đời
của tôi đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Càng về sau, lúc
tiến dần về tuổi trưởng thành, giữa những bức xúc của cuộc sống, giữa những
ngày tháng buồn vui, nỗi ám ảnh ấy đã trở thành lúc nào không hay ngọn nguồn
của một nỗi âu lo thường trực về sự vắng bóng con người...".
Nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Lý tại Quán Văn
|
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939 tại Đắc Lắc, lúc nhỏ sống ở Huế, trưởng
thành ở Đà Lạt, Quy Nhơn và Sài Gòn. Có thể nói, Đắc Lắc cho ra một tính cách
cô đơn, mãnh liệt; Đà Lạt nuôi thơ và tâm hồn mộng mị; Quy Nhơn là điểm gấp
khúc của biến động hai miền đất nước; Huế quyện vào không gian buồn bã, chậm rì
trong lời ca. Ngay từ thuở nhỏ đã ham mê ca hát. Mười tuổi chơi măng đô lin và
sáo trúc, 12 tuổi lần đầu tiên có cây đàn guitare trong đời... Ở Huế, Trịnh
Công Sơn theo học các trường Lyceè Francais, Provindence Huế, sau vào Sài Gòn
học triết ở trường Tây Lyceé J. J Rousseau Sài Gòn. Triết học là chìa khoá duy
nhất giải mã cho tâm hồn người thanh niên non nớt này về cuộc sống, bản thân.
Ca khúc đầu tiên được sáng tác từ năm 17 tuổi Sương đêm và Sao
chiều mang rõ những nét chấm phá này. Nhưng kể từ khi Ướt mi được
Nhà xuất bản An Phú in và phát hành (1959), Trịnh Công Sơn mới chính thức rong
ruổi vào mảnh đất tình ca. Đó là cảm xúc được ghi lại từ những giọt nước mắt
của một ca sĩ nữ sinh vừa rời ghế nhà trường, hát để kiếm tiền nuôi mẹ đang hấp
hối trên giường bệnh. Tuổi hai mươi phơi phới, với ý đồ hiệp sĩ, Trịnh Công Sơn
đã dung số tiền nhuận bút đầu tiên (5 ngàn đồng) để tặng ca sĩ và chia cho anh
em cùng trọ. Nhưng cũng kể từ đó, thành hình một nguồn cảm hứng khác: "Như
một khu vườn mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi bùng lên đánh thức lớp lá
vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo những tín hiệu dù nhỏ nhất
của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng nữa mà càng
lúc càng thấy mình bị cuốn hút về phía những tình cảm phức tạp của con
người".
Cái nhìn chăm chú vào sự
chết đã xua đi nỗi sợ hãi tột cùng của mất mát: đằng sau cái chết và nỗi khiếp
sợ liệu có một ý nghĩa nào, một sự tái sinh nào? Một kiếp người, ngẫu hứng là
cuộc rong chơi để lại trở về hình hài cát bụi, hay còn lẽ gì lớn hơn? Vì sao
sinh ra con người đã phải tuyệt vọng? Chống chọi với tất cả những nỗi hoài nghi
trên, ca khúc Trịnh Công Sơn giăng mắc rất nhiều cái bẫy, cho mình và cho mọi
người, để rồi tìm cách thoát khỏi đó.
Năm 1961, Trịnh Công Sơn bắt buộc phải trốn lính, nên thi vào
trường Sư phạm Quy Nhơn để có hai năm yên ổn. Khoa anh học: Tâm lý giáo dục trẻ
em. Thật buồn cười, thực ra, trong đầu óc chàng trai trẻ ưa phiêu bạt ấy, học
them cũng chẳng để làm gì. Tốt nhất là tự chiêm nghiệm và trải qua cuộc đời -
vốn dĩ không có gì mới. Không gian biển cả và tâm trạng chớm yêu của gã trai
mới lớn đã làm nên những rung động đầu mùa: Diễm xưa, Nhìn những mùa
thu đi, Biển nhớ... Tất cả dồn nén buồn quay quắt. Tình yêu là một
chùm quả chỉ để ngắm nhìn, dĩ nhiên, nhiều hư ảnh nhưng cũng đầy thán trách,
tiếc nhớ, bị nhấn chìm trong cách xa và chia lìa, trong sự tàn hoang của ký ức.
Mối tình với Bích Diễm, rụt dè và thầm kín, một thoáng cháy bùng để rồi sớm tắt
ngay trong chính nỗi ngơ ngác của gã trai kia. Nhưng khi nhìn ngắm lại kỷ niệm
thì "Làm sao em biết bia đá không đau!". Lần đầu tiên, anh cày xới
trên nỗi yêu một thứ triết lý muộn màng. "Ngày sau sỏi đá cũng cần có
nhau". Và cũng chính lúc đó, khái niệm "đau" trong tình yêu mang
nghĩa lớn hơn, cái đau của một kiếp người được mở rộng ra nhiều kiếp, nỗi thiệt
thòi khi cảm nhận được mất mát không gói trong ngần ấy câu chữ mà thôi. Anh lân
la trong tuổi trẻ của mình, để thấy cái gì là phù du, cái gì lay động, cái gì
không thể mất. Lãng du vào hồn mình, thay vì đi qua mãi những mảnh đất khác
nhau, vào cõi gốc của lòng khát sống. Ví mình như hạt bụi, như loài sâu ngủ
quên, như lau trắng, mưa, nắng, như những phận tầm gửi nhưng lại biết hát lên
khúc ca cuối cùng. Lúc nào cũng vội: nắng tắt, rừng khô héo, vội vàng thêm
những lúc yêu người; người đã đến, và người sẽ về bên kia núi... Các vật thể
được truyền vào một đời sống khác - đời sống của tâm trạng: Đường phố cười,
đường phố hao mòn, tay nhanh lấp đầy hố tuyệt vọng... Dần dà, chính Trịnh Công
Sơn cũng tự đi đến trạng thái vô thức lúc nào không hay: Các ca từ được nạp
điện giàu sức gợi cảm hơn. Kiểu như: "Loài sâu ngủ quên trong tóc
chiều", "Nghe tiền thân về chào bóng lạ", "Chập chờn lau
trắng trong tay", "Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê". Và đó chính
là thơ. Thơ dẫn nhạc theo gót vào chốn không tưởng, rũ mọi tạp âm để có thể cất
lên những giai điệu hồn nhiên nhất, da diết nhất, cho dù đôi khi chỉ là tiếng
thở dài... rất Việt.
Nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly
|
Khu vườn siêu thực đưa Trịnh Công Sơn nhanh chóng đến đỉnh cao của mọi cảm nhận
âm thanh. Vị giác: "Môi ốm o lời thề"; xúc giác: "Lời cỏ cây hát
trên da người"; thính giác: "Tiếng hát xanh xao của một buổi
chiều"; thị giác: "Nắng thuỷ tinh"; khứu giác: "Lời ca dạ
lan như ngại ngần" và một giác quan nữa - vùng tâm thức đổ bóng "hồn
xanh buốt", "vùng u tối của loài sâu"... Hay là những tiếp nhận
hình tượng tưởng như rất vu vơ: "Ta thấy em trong tiền kiếp, với cọng buồn
cỏ khô", (Đêm thấy ta là thác đổ)... Sự vật, hoặc siêu hình, hoặc thật
mong manh (tình mong manh, gió mong manh, nụ cười mong manh, cỏ lá mong manh,
sống chết mong manh, môi rồ dại...) cuối cùng cũng được mặc áo tâm trạng của
một thời kỳ muốn sống vội, yêu vội, lĩnh hội mọi điều bí ẩn của tâm linh. Dấu
chân địa đàng là dòng xiết của siêu thực: âm điệu như nước cuốn trôi,
không kìm nén nổi, rồi phá tung mọi kìm hãm, rồi tạm lắng, rồi như đất khát...
là sự nổi loạn chống chọi thời gian, định mệnh, lãng quên, mà cuối cùng vẫn vô
định. Những ca khúc ấy in đậm vũ trụ quan và thế giới quan của Trịnh Công Sơn,
một kẻ ngạo mạn sáng tạo ra một cõi, rồi lại bối rối bởi không chạy thoát được
cái xô ngã của đời sống, sực tỉnh giữa mê.
Nếu như Diễm xưa mở ra một không gian hoài niệm,
câu thúc trong sự thoái thác của mưa, với cánh cửa ngôn từ giàu tượng hình, thì Lời
buồn thánh đi vào tâm trạng cô đơn, không lối thoát trong tình yêu với
những khuấy đảo vô vọng, lặp lại vùng không gian - thời gian trong sự đổ vỡ,
tàn hoang của tâm hồn đồng vọng. Viết về ca khúc Trịnh Công Sơn, nhà phê bình
Bửu ý từng nhận định: "Nhạc của Trịnh Công Sơn không tuyền là nhạc, bài
hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn. Mỗi ca khúc là một chương
khúc của truyện dài không có kết thúc, vẫn mở ra như một vết thương - một vết
thương người, một vết thương thời đại..."
Nhưng vì sao tình yêu
lại là một cuộc leo dốc và trượt dài không sao cứu vãn nổi? Đằng sau tình yêu
là gì? Phải là cõi "mê", là một thế giới của mất mát? Là con đường
tàn lụi? Điều đó tuỳ thuộc vào thân phận hay đúng hơn là khuôn khổ một đời
người. Đi ra khỏi mọi giới hạn, để rồi không trở về được nữa, cũng là một bi
kịch?
Ngô
Thị Bích Diễm
|
Hoạ sĩ Đinh Cường, bạn thân của Trịnh Công Sơn, nhớ lại: vào thời kỳ này, Sơn
thường mặc độc nhất một chiếc áo kaki bạc màu, khắc khổ. Anh là một trong những
người thầy dạy học ở miền núi sớm nhất. Sống hoang vu nhất. Căn phòng Sơn ở với
chiếc mùng rủ sẵn quanh năm, chim sẻ làm tổ đầy trên trần nhà, mùi rơm và phân
chim ẩm mốc, xác những bao Bastos xanh chất thành đống. Có lần, người em trai
của Sơn đến thăm, không gặp, ra ngoài quán, thấy Sơn đang chơi bida một mình
trong ánh đèn tù mù. Sơn cô đơn đến như vậy. Thời của tuổi trẻ tự tìm đến với
những nỗi cô đơn khốc liệt để bùng lên những sáng tạo cần thiết.
Ca khúc là sự lựa chọn
"bất khả kháng" của Trịnh Công Sơn, bởi như đã nói, đó không chỉ là
nhu cầu tự thân, mà còn là cửa mở duy nhất để nhạc sĩ tìm thấy tự do, sự an ủi,
những "câu hỏi buốt trí não của đời sống", để giết chết nỗi buồn của
mình. Với Trịnh Công Sơn, quan niệm sáng tác khá rõ ràng, chính anh không hề úp
mở: "Hàng trăm ca khúc viết xong có thể gom lại thành một cuộc đời thu
nhỏ. Viết cả trăm bài càng thấy thiếu. Bởi vì con đường tình yêu đi mãi không
cùng. Con đường số phận đi hoài không tận. Bằng ca khúc, tôi muốn mang đến
những quà tặng cho anh em bằng hữu tôi trong cuộc liên hoan trên đất đai xứ sở
này. Ca khúc là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc". Dường
như đặt bút vào Ướt mi, Trịnh Công Sơn đã nghiệm ra được chân lý riêng của
mình: cái khả năng to lớn sau cùng của ca khúc là mang đến cảm thông giữa mọi
ngườI bằng tiếng hát. Đó là sứ mệnh truyền đạt những âu lo, chờ đợi của con
người khi đối diện với chính mình trước cuộc sống, cũng như thông điệp tình yêu
và nhân ái đến với những tâm hồn yêu chuộng hòa bình và những con tim đang bị
ngộ độc bởi ngòi thuốc nổ.
Trong dòng ca khúc của
Trịnh Công Sơn, có thể thấy rõ quan niệm sáng tác qua từng giai đoạn: dòng ca
khúc trữ tình, dòng ca khúc chống chiến tranh (phản chiến) và dòng ca khúc âm ỉ
thứ ba: giải thoát bản ngã.
Giữa thập niên 60 là
thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Trịnh Công Sơn. Trong số các khuynh hướng
sáng tác âm nhạc ở miền Nam (1954 - 1975) (bao gồm khuynh hướng âm nhạc chống
cộng, khuynh hướng âm nhạc lành mạnh, khuynh hướng âm nhạc yêu nước và cách
mạng), sự xuất hiện các bản tình ca của Trịnh Công Sơn mang một vị thế nhất
định, một sức sống mới. Đối tượng với tình ca Trịnh Công Sơn có dòng nhạc
"tiền chiến" được phục hưng và phổ biến mạnh mẽ trở lại. Bên cạnh đó,
ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn đối lập với nhận thức một chiều về chiến
tranh theo kiểu tâm lý chiến.
Ca khúc trữ tình là phần
nghiêng trong sáng tác của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là thời kỳ trước 1975,
trong số 400 bài hát được xuất bản và phổ biến. Ở giai đoạn đầu, âm hưởng chính
là nét trữ tình lãng mạn. Trịnh Công Sơn vẽ ra những bầu trời có cánh bướm,
cánh chuồn, cánh vạc, màu môi hồng ngọc, những "bóng tối ở đó tẩm liệm hồn
người" (lời Trịnh Công Sơn). Anh mơ một tiếng hát hân hoan như ngọc chảy trên
tay một người con gái, mỗi viên ngọc chứa tâm hồn đá núi ngàn năm. Có thể, đó
là ước vọng thơ ngây của tuổi trẻ, của trí tưởng tượng đi theo vệt mòn các bậc
"tiền bối" thuộc dòng ca khúc lãng mạn trữ tình trước và sau 1945.
Một chút cô đơn sầu nhớ, một ít tuyệt vọng, sự than thở của cây thụ cầm nhiều
âm trầm, ảo tưởng tình yêu đuổi bắt chập chờn... "Gọi em cho nắng chết
trên sông dài", "Thương ai buồn kiếp người, lạnh lùng ánh sao
rơi"... Một kiểu tình yêu gần như đơn phương, phảng phất vị tiếc nuối, có
phần hơi kể lể, trong một không gian hồi tưởng không mấy xê dịch, biến chuyển,
trong điệu thức âm u của tâm trạng. Ở những ca khúc đầu tay, thời gian được xoá
nhoà trong cõi mộng, gờn gợn thứ âm nhạc "liêu trai" nhiều hư ảnh.
Tóm gọn lại, chỉ là một góc cạnh đa cảm của nhạc sĩ trẻ mà thôi.
Nhưng vào thời kỳ bỏ dạy
học ở Blao (Lâm Đồng) về Sài Gòn, guồng xiết của không gian đô thị đã lần lượt
bóc đi lớp vỏ uỷ mị, hiền lành trong những ca khúc tương tự như thế. "Cơn
gió lãng mạn trữ tình của một thời niên thiếu" như Trịnh Công Sơn từng gọi
đã được thay thế bằng những "cơn lốc dằn vặt trên thân phận con
người" trong chiến tranh. Cuộc sống nhiều cọ xát đã xua đi các ảo tưởng.
Những ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn sâu sắc hơn, gập ghềnh hơn:
"Những ngày ngồi rủ tóc âm u, nghe tiền thân về chào bóng lạ",
"Một ngày còn sống, chiếc bóng long lanh, một đời về không, hai tay quy
hàng", "Ngủ yên đời đi con như vết thương đau ngủ buồn như trùng
dương mắt thâm còn nghe ngóng, rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình"...
Thậm chí dửng dưng "Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời... lòng không buồn
mấy...". Triền mạch hoang mang và thấu suốt, tô và xoá, lồng quá khứ trong
hiện tại. Tình yêu siêu thoát, tưởng đã gục ngã, nhưng không phải, không bi luỵ
hay khóc than khô khốc mà vạch một nét nhân bản sâu xa. Những linh cảm về đổ
vỡ, huỷ diệt làm "Nhói lên những con âm tha thiết và tha thiết là vũ khí
duy nhất của con người để kháng cự huỷ diệt" (Hoàng Hưng).
Rất có thể, Trịnh Công
Sơn đã lạm dụng chữ "tình", "sầu", "buồn" trong
nhiều bài hát. Nguồn khơi mạch này dễ dẫn người ta đến triền dốc buông thả, quy
hàng trước nghịch cảnh. Nhưng đó chỉ là nỗi ám ảnh không gian và thời gian, nỗi
ám ảnh của Định mệnh. Còn không là một cõi hư vô. Đến một cường độ nào đó,
người ta bỗng thôi tuyệt vọng, mà tự mình trồi lên thở như cá. Đấy là phần kết
"có hậu" trong những nỗi tuyệt vọng mà Trịnh Công Sơn tự đánh đắm tàu
mình. Thường tự ví là "phận cỏ hèn"; "Đời ta có khi tựa lá cỏ,
ngồi hát ca rất tự do...", ít nhiều họ Trịnh chịu ảnh hưởng Albert Camus.
Tự đầy đoạ mình trong "mối yêu thương con người". Ngỡ
"Thiền" mà lại không, mọi nỗi đau quá biến động trong cái vỏ ngôn từ
có thể gọi tên được. Tin vào kiếp luân hồi: "Hạt bụi nào hoá kiếp thân
tôi, để một mai tôi về làm cát bụi". Vào hư không: "Chiều hôm thức
dậy, chập chờn lau trắng trong tay". Vào hoá thân: "Ta thấy em trong
tiền kiếp". Cứ như thế, thế giới nội tâm của Trịnh Công Sơn tự loại bỏ mâu
thuẫn, săm soi từng khoảnh khắc hiện tại, nhìn lùi quá khứ xa xăm, tìm cứu cánh
ngoài bản thân mình. Trịnh Công Sơn từng thú nhận: "Nỗi sầu muộn lớn nhất
là không bao giờ nói hết được lòng mình. Tôi tập cho tôi biết sững sờ trước
những điều dung tục, đồng thời tôi cũng tập cho tôi biết giữ lòng bình an trước
những hiểu nhầm".
Chiến tranh đã xáo trộn
tất cả. Một loạt mâu thuẫn nội tại trong tiềm thức Trịnh Công Sơn bị dội sang
một bên. "Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông. Ta nhìn ta về giữa trời hư
không. Tên em là vết thương khô” (Khói trời mênh mông). Giữa một nền trời như
vậy, thân phận con người là một vấn nạn. Những bài hát trong hai tập Ca khúc da
vàng và Kinh Việt Nam trưng dụng những màu sắc hoàn toàn điên đảo, không nhằm
miêu tả tường thuật chiến tranh, mà vẽ ra những phóng xạ chiến tranh. Với tư
cách nhân chứng, Trịnh Công Sơn ghi lại tất cả nỗi đau đớn "viết trên xác
người" và nỗi đau đớn đó trào dâng thành uất hận ngùn ngụt khi được hát
trên môi.
Thái độ đầu tiên phản
kháng chiến tranh là trốn lính. Để được miễn quân dịch, Trịnh Công Sơn bỏ lên
sống ở Lâm Đồng, sâu trong vùng núi heo hút. Sau đó, anh quyết định về lại Sài
Gòn. Để có được hai năm trời sống thong dong hợp pháp, Trịnh Công Sơn phải nhịn
đói tuyệt đối 60 ngày (mỗi năm 30 ngày) trước khi ra trình diện. Cộng thêm uống
thuốc điamox (loại thuốc rút bớt nước trong tế bào ra) để xuống ký nhanh. Một
thời gian sau, anh không phải ra trình diện nữa vì người anh gầy còm y như dân
xì ke, sức khoẻ suy sụp thực sự. Như một kẻ vô gia cư, Trịnh Công Sơn lang
thang cùng một số sinh viên trong những căn nhà tiền chế tồi tàn bỏ trống ở khu
đất sau Đại học Văn khoa. Ngủ trên ghế bố hay nền xi măng, đến đánh răng ở các
quán cà phê quen biết.
Sống trong thời kỳ bấp
bênh đó, Trịnh Công Sơn vẫn viết và hát. Đó là thời kỳ sôi động nhất trong đời
người nhạc sĩ trẻ. Những ca khúc của anh được in ra từng tờ rời và tuyển tập.
Dần dà, việc in ấn cũng khó khăn vì bị cảnh sát truy lùng. Phải rải ra in ở 4
nhà in khác nhau. Vì tính chất phản chiến của ca khúc Trịnh Công Sơn mà chính
quyền ra lệnh tịch thu. Các báo trong và ngoài nước đổ xô tìm gặp Trịnh Công
Sơn phỏng vấn. Nhưng quan trọng hơn, cái không khí chết chóc, đau thương của
chiến tranh đã ngấm dần vào tâm hồn nhạy cảm của Trịnh Công Sơn, và anh đã viết
nên những bài hát như đùa chơi với ma quỷ, chết chóc, mà thực ra là nỗi đau
thương nước đến bàng hoàng. Bài ca dành cho xác người: "Hàng vạn chuyến xe
mang vô thị thành, từng vùng thịt xương có mẹ có em" (Đại bác ru đêm). Hay
"Mẹ vỗ tay reo mừng xác con, mẹ vỗ tay hoan hô hoà bình" (Hát trên
những xác người). "Người già co ro ngồi nghe tiếng nổ, em bé loã lồ khóc
tuổi thơ đi" (Người già và em bé).
Là người quan sát, nhưng
Trịnh Công Sơn không dấu nổi tâm trạng đau đớn khi đối diện với sự chết chóc
của đồng loại. Anh khóc cho những thân phận con người, thân phận đất nước trong
chiến tranh: "Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong".
"Ôi quê hương đã lầm than sao còn chiến tranh, mẹ già hết chờ mong đã ngủ
yên" (Du mục). Dù khai thác cái bi thương nhưng những bài ca trong Ca khúc
da vàng vẫn toả ra tình yêu thương quê hương. Cái cảm giác trải qua chiến tranh
làm con người già đi, nhưng lại lớn hơn trong nhận thức: "Đường phố nào còn
nằm che giấu, cho tôi đi giữa nhân loại đớn đau" (Có những con đường).
"Khi tôi đứng bên một xác người", - Trịnh Công Sơn thổ lộ, - tôi
không nghĩ đó là ta hay là địch, mà đó là một thân phận chịu đựng sự vô nghĩa
của chiến tranh". Anh có một ước muốn duy nhất và đơn giản: "Khi đất
nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường". Hay
"Đường tương lai không ai thù ghét nhau". Mặc dù quan niệm về chiến
tranh còn chưa rạch ròi, nhưng những khúc đoản ca bi phẫn của Trịnh Công Sơn đã
đẩy âm nhạc lãnh một sứ mệnh: kêu gọi hoà bình. Vào thời kỳ này, ca khúc phản
chiến của Trịnh Công Sơn được phổ biến rộng rãi ở nước ngoài. Bài Ngủ đi con
trong tập Ca khúc da vàng đã đoạt giải Đĩa hát vàng ở Nhật vào năm 1972, qua
giọng hát Khánh Ly (trên hai triệu đĩa). Kể từ đó, tên của Trịnh Công Sơn có
trong cuốn Tự điển Bách khoa Pháp. Không chỉ mở ra vết thương người, vết thương
nhân loại trong chiến tranh, ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn còn vươn tới
một tầm cao hơn - là tiếng kinh cầu cho linh hồn đau khổ siêu thoát, là sự bất
lực hoá thành ăn năn.
Sau 1975, một thời kỳ thử thách lại đến với Trịnh Công Sơn - thử thách về lòng
kiên nhẫn, ý thức dấn thân vào đời sống. Trải qua hai năm học tập ở Cồn Tiên,
vùng đất hoang vu đầy bom đạn, Trịnh Công Sơn có được một thời kỳ yên tĩnh để
nhìn lại mình trong các biến động lịch sử. Suốt một thời gian dài hầu như anh
không sáng tác. Đó là lúc anh tìm "chân dung của nỗi khát khao", đi
tìm cái chưa bao giờ viết được. "Tiếng hát từ đó sẽ giải thoát mình ra
khỏi mọi ràng buộc, mọi trì kéo"... (Trịnh Công Sơn). Lần lượt đi thực tế
nông trường theo anh em thanh niên xung phong. Gặp 20 người con gái Thanh niên
xung phong ở nông trường Nhị Xuân. Hôm sau nghe tin các cô đã hy sinh ở biên
giới Tây Nam. Ca khúc bấy giờ cất lên tiếng nói của mình: soi tỏ hơn nữa số
phận con người. Hàng loạt ca khúc mới ra đời, là băn khoăn đời thường, ý chí
vượt qua tuyệt vọng để sống và thèm sống: Mỗi ngày tôi chọn một niềm
vui, Tuổi đời mênh mông, Huyền thoại Mẹ, Đoá hoa vô thường, Em còn nhớ hay em
đã quên, Em ở nông trường, em ra biên giới, Ru đời đi nhé, Sóng về đâu... Vẫn
là một Trịnh Công Sơn than thở, ví mình là cỏ, thích ca hát, rong chơi. Nhưng
đã là một Trịnh Công Sơn đã thấu hiểu cuộc đời, tự điều chỉnh mình bằng sự cân
bằng nội tại. "Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh sấm bay rền vang, bỗng
tôi thấy em dưới chân cội nguồn, nụ cườI mong manh, một hồn yếu đuối..." (Đoá
hoa vô thường). Hay tự khuyên nhủ mình "Tôi là ai mà yêu quá đời
này, tôi đang lắng nghe im lặng đời mình”, (Tôi ơi đừng tuyệt vọng), "Mỗi
ngày tôi chọn một lần thôi, chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời", (Mỗi
ngày tôi chọn một niềm vui). Nhưng nhìn chung, càng về sau, ca từ Trịnh
Công Sơn sử dụng càng đơn giản, ít cầu kỳ và thiên về tự tình, kể lể nhiều hơn
Chất bi thương giảm hẳn, bù lại là một gắng gỏi tồn tại không vô nghĩa. Vẫn là
triết lý về thân phận, tình yêu, nỗi cô đơn, nhưng ở một góc nhìn khác, một nỗI
buồn khác. Yếu tố siêu thực trở nên nhạt nhoà so với sáng tác trước 1975. Cô
đơn và trầm tư, nhạc sĩ đào sâu vào bí mật của tồn tại, vào việc giải thoát bản
ngã. "Hai mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một đời không hết tình
đâu". Những triết lý có phần yếm thế, dù đã gắng vui nhưng không mấy hồn
nhiên. Và chẳng bao giờ giải thoát nổi cho mình ra khỏi sự rối rắm của ý muốn.
"Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thử rơi
vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng
giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Và
tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh. Mỗi ngày
sống tới, tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm", "Nhưng khỏi phải e ngại
rằng Trịnh Công Sơn định làm triết lý thay vì âm nhạc" - nhà văn Hoàng Phủ
Ngọc Tường bình luận. "Điều khiến cho tình ca Trịnh Công Sơn sống mãi
trong lòng người chính là ở đây. Dù những trầm tư của tác giả đi xa đến đâu, âm
nhạc Trịnh Công Sơn vẫn là cõi riêng dành cho tình yêu. Nó chứa đựng tất cả tâm
trạng lo âu của con người nhạy cảm nhìn ra thế giới hiện đại".
Ca từ trong ca khúc
Trịnh Công Sơn, như đã nói, là thơ. Ở đó đầy rẫy những hình tượng biểu cảm:
"Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh", hay
"Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi". Sự tìm tòi, sáng
tạo chữ nghĩa ở Trịnh Công Sơn luôn hướng về cái lạ, sự liên tưởng đột biến để
rơi vào cõi vô thức. Nhà thơ Nguyễn Duy từng nhận xét: "Quỷ thật, giai
điệu ấy, lời ca ấy tự nhiên ghim lại trong tâm tưởng tôi ngay từ phút bất chợt
ấy. Cái đẹp từ câu nhạc, cái đẹp trong ca từ cả xác chữ lẫn hồn thơ, lảng bảng,
lờ mờ, khó phân định đúng nghĩa, nhưng rõ ràng đẹp làm sao và cũng hơi ma quái
thế nào..." Chất mê muội nhiều xáo trộn của ngôn từ Trịnh Công Sơn làm nên
sự kết dính của liên tưởng. "Trí óc và cảm xúc của Trịnh Công Sơn phù hợp
với tổng hợp hơn là phân tích, nghiêng về kết hợp hơn là phân chia. Hình ảnh
chiếc cầu đối với anh là một lời mời gọi cất bước sang bên kia, đồng thời
chuyển biến sang bên này và ngược lại. Băng qua cầu là để sống với bên kia và
nhớ sang bên này. Trong nỗi sống đã tượng hình nỗi nhớ. Người đi trên cầu không
những nhìn ôm cả hai phía mà có thể nhìn cút bắt với những khuỷu sông thấp
thoáng ẩn hiện, cấu tạo dần dần trong tâm khảm cái dư cảm lìa xa, mất mát"
(Bửu Ý).
Nhịp điệu chậm rãi, quay
tròn, đều đều, hễ bài hát cất lên là người ta nhận ngay ra gương mặt Trịnh Công
Sơn. Lúc là giai điệu buồn tẻ của mưa, vòng xoay của hoài niệm, khi là tiếng
nói âm u từ một cõi khóc, trầm khô. Những khi dòng nhạc không làm chủ được giai
điệu, cứ như xô lấn để dệt nên một nỗi tuyệt vọng. Cũng có khi là tiếng thét,
là nỗi hờn héo úa... Vui trong buồn, buồn trong vui, những giai điệu quyến rũ
là ở chỗ không biết nên phân loại vào cấp độ tâm trạng nào. Người viết cứ than
thở, giai điệu theo sau tán thưởng bằng sự chơi vơi - đó là những nỗi buồn
"không chân" bay rải rác la đà trên mặt đất, trong một phút ngẫu
hứng, Trịnh Công Sơn xâu chuỗi lại thành một mê khúc mang âm hưởng những điệu
hát Chàm ru hời về một vương quốc đã mất. Hay là một chút réo rắt của nhạc cung
đình Huế? Nhưng có một điều lạ, là cho dù âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn rủ rê
người ta buồn rũ ra, không cười được, cũng không khóc được, cũng chính là khi
rệu rã nhất, người ta phải tự nạp năng lượng để không rệu rã them và thoát ra
khỏi cái mê cung buồn sầu ấy lúc nào không hay. Cũng có khi nỗi buồn đó của
giai điệu quấn quýt không rời và làm nên một niềm an ủi vô cớ. Có phải là vì
"Trịnh Công Sơn nắm bắt được tiết tấu bản chất của Định mệnh kiểu phương
Đông, đặc biệt Việt Nam trong nhịp bốn và năm âm tiết" chăng? (Hoàng
Hưng). Hay nỗi buồn của con người cũng có giới hạn, như những âm trầm khi đã
chạm đến đáy sâu trầm nhất thì tất yếu phải dội lên, phải phản hồi những cung
bậc cao hơn?
Nói về cuộc gặp gỡ "tri âm" với âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn
Cao viết: "Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre), bởi ở Sơn,
nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là
phụ. Và nơi Sơn đã hát về quê hương đất nước, biết vui tận cùng những nỗi đau
của Tổ quốc mẹ hiền... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc
cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc
nhạc thơ nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi
"Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Cái quyến rũ
của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một
trường phái nào, một triết học nào mà vẫn thấm vào lòng như suối tưới. Với
những lời ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như
một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục
hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả bên ngoài biên giới nữa. Và
nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc
sĩ thời kỳ sau 1975".
Sẽ không công bằng nếu
như nhắc đến sự nghiệp của Trịnh Công Sơn mà lại không nhắc đến một giọng hát
thở than điêu luyện và vào bậc nhất cho ca khúc Trịnh Công Sơn: Khánh Ly. Người
ta không ai thoát ra khỏi những ám ảnh mà không chỉ do nhạc, do lời ca mà do cả
cái giọng khàn khàn trầm ấy cuốn hút. Khánh Ly hát như thở, không uốn éo, làm
duyên, nhưng lạ kỳ thay, tiếng hát làm nên sinh khí cho ca khúc Trịnh Công Sơn,
như cỏ và sương đêm vậy. Từ ca khúc phản chiến đến ca khúc trữ tình, tất cả làm
thành một không gian - Khánh Ly. Không gian khói sương, cánh hạc bay vút, và
đôi khi chán chường ê chề, không thể khác. Tiếng hát Khánh Ly mà đã bủa vây thì
không để lại một lối thoát nào ra khỏi những gì mà lời ca đang than thở. Hít
một hơi thở sâu không khí tươi mát để thay vào những lời ca thán khí, đó là
chất mới ở Khánh Ly. Đó là giọng hát từ quá khứ dội lại, đê mê và đầy liên luỵ,
không ảo tưởng nhưng lại đầy ẩn dụ. Có một thời bao nhiêu đồn đại, cho rằng
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn hẳn phải là một cặp tri âm tri kỷ kiểu như "Bá
Nha - Tử Kỳ" mới cho ra những ca khúc và giọng hát ăn khớp nhau như thế.
Nhưng theo Trịnh Công Sơn thì ngày trước, anh và Khánh Ly như hai người bạn
thân. Mối giao cảm tinh thần chỉ dừng lại trong những khoảng khắc xuất thần
nhất của câu hát và bài hát. Còn hiện tại? Mỗi người ở một phương, nghĩ về nhau
cũng như những nốt nhạc tuổi trẻ.
Song nếu nói rằng những mối tình đi qua đời Trịnh Công Sơn đều
nhàn nhạt để tàn phai là không phải. Thời trai trẻ, không chỉ một hình bóng Diễm
xưa, mà còn rất nhiều hình bóng khác đi vào ca khúc chàng lãng du họ Trịnh.
Người em của Bích Diễm là một kỷ niệm sâu đậm trong anh. Mối tình cuộn lên
trong Biển nhớ, Nắng thuỷ tinh dành cho Ngô Vũ Dao Ánh. Người
con gái có đôi môi đỏ rực, đôi môi hồng ngọc, là nỗi thảng thốt đầu đời của
Trịnh Công Sơn trước cái đẹp của người con gái. Khi Diễm đi lấy chồng, cô chị
còn gửi lại lời than trách cho em: "Em biết chị vẫn yêu anh Sơn, sao lại
viết thư tỏ tình với anh ấy?" Hoá ra cả hai đều say mê chàng lãng du họ
Trịnh cùng một lúc. Về sau, Dao ánh lấy một người ông thành đạt, sang sống ở
Canađa. Một mối tình khác trong Nhìn những mùa thu đi là dành
cho Phương Thảo, cô gái Huế duy nhất trong đời Trịnh Công Sơn. (Hầu như Trịnh
Công Sơn thường phải lòng những cô gái miền Bắc, giọng nói nhỏ nhẹ, tóc dài,
dáng cao cao mảnh mai...). Thuở đó, anh làm gia sư tiếng Pháp cho Thảo. Một mối
tình với cái hôn đầu đời "luống cuống không biết đặt vào chỗ nào".
Rồi sau đó có nàng Phùng Thị với đôi khoen tai to tròn mà họ Trịnh nhìn thấy
trên cao nguyên Đà Lạt: "Ta thấy em đang ngồi khóc, khi rừng chiều đổ
mưa"... Những mối tình như nắng, bùng lên mãnh liệt rồi lại nhạt nhanh,
nhưng để lại không ít nỗi ngậm ngùi trong tâm hồn gã trai đã bán cho ca khúc
mất rồi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét